Chương 7
Tác giả: Jules Verne
Sneffels có hai đỉnh, cao năm ngàn bộ, là ngọn núi nổi bật nhất trong hệ thống núi lửa của đảo Iceland. Từ làng Stapi, chúng tôi không thể quan sát được hai đỉnh ấy nhô lên ở đâu trên nền trời xám xịt, mà chỉ nhìn thấy một chỏm tuyết rất lớn chụp trên đỉnh của nó.
Chúng tôi đi hàng một theo sau Hans. Người dẫn đường leo theo những đường mòn hẹp không đủ cho hai người đi song song, nên chúng tôi không ai nói chuyện được với ai.
Đường càng ngày càng dốc, càng khó đi. Nhiều tảng đá lung lay rất nguy hiểm, chúng tôi phải hết sức thận trọng khi đặt chân mới khỏi bị ngã. Hans vẫn bình thản cất bước như đi trên đất bằng. Đôi khi anh bỗng thoắt biến mất sau những khối đá lớn, chúng tôi còn đang ngơ ngác thì đã nghe tiếng anh huýt sáo để chỉ đường. Thỉnh thoảng anh dừng lại, nhặt vài viên đá chồng lên làm dấu, phòng khi trở về khỏi bị lạc đường. Hans thận trọng như vậy là tốt nhưng những sự cố sau này khiến việc làm đó của anh là thừa.
Qua ba giờ hành trình mệt nhọc, chúng tôi mới tới chân núi. Hans ra hiệu dừng lại. Chúng tôi chia sẻ với nhau bữa ăn trưa đạm bạc. Giáo sư ăn thật mau để có thể tiếp tục đi được ngay. Nhưng phải tới một giờ sau, chúng tôi mới lại lên đường.
Bây giơ chúng tôi bắt đầu trèo lên sườn núi Sneffels. Do hiện tượng ảo giác thường gặp ở miền núi cao, chỏm núi phủ tuyết nhìn rất gần nhưng phải mất rất nhiều giờ chúng tôi mới leo đến nơi. Ở vài chỗ, sườn núi dốc đứng không thể leo khiển chúng tôi phải đi vòng và luôn luôn phải dùng gậy để chống.
Giáo sư Lidenbrock lúc nào cũng kèm sát, không rời tôi lấy nửa bước và nhiều lần cánh tay của ông đã làm chỗ dựa vững chắc cho tôi. Tôi cũng thấy lạ, hình như ngay từ khi ra đời giáo sư đã có ý thức về sự thăng bằng nên ông chẳng bước hụt bao giờ. Những người Iceland mặc dầu mang vác nặng vẫn leo lên với sự nhanh nhẹn vốn có của người miền núi.
Cứ nhìn đỉnh núi Sneffels cao vời vợi tôi thấy nếu sườn núi không bớt dốc thì khó có thể trèo lên tới đó từ phía bên này. May thay, sau một giờ phải đi vòng hết sức mệt nhọc tới giữa thảm tuyết rộng ở lưng chừng núi, chúng tôi bất ngờ gặp một loại cầu thang giúp chúng tôi leo lên được dễ dàng hơn. Cầu thang này được hình thành bởi một dòng thác đá phun trào. Nếu không bị sườn núi ngăn cản, chắc dòng thác đá này đã đổ xuống biển và tạo thành những hòn đảo mới rồi.
Sườn núi càng lên cao càng dốc đứng, nhưng nhờ có cầu thang thiên nhiên, chúng tôi cũng đỡ mệt và trèo lên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đến bảy giờ chiều, chúng tôi đã lên hết hai ngàn bậc thang và đứng trên một chỗ núi phình ra, một dạng địa tầng nơi hình phễu của miệng núi lửa dựa vào.
Cách 3.200 bộ dưới chân chúng tôi là biển cả mênh mông. Chúng tôi đã vượt qua giới hạn vùng có tuyết phủ quanh năm. Trời lạnh cắt da và gió thổi mạnh. Tôi đã kiệt sức lắm rồi. Giáo sư Lidenbrock nhận thấy tôi không còn cất bước được nữa nên ông quyết định dừng chân. Ông ra hiệu cho Hans, nhưng anh ta lắc đầu, nói:
- Ojvanjor.
- Hình như anh ấy báo cho chúng ta phải lên cao nữa. – nói xong chú tôi quay lại hỏi Hans lý do tại sao.
- Mistour! – Hans trả lời.
- Ja, mistour! – một người Iceland nhắc lại với giọng sợ hãi.
- Từ đó nghĩa là gì ạ? – tôi hỏi.
- Cháu hãy nhìn kìa!
Tôi vội nhìn về phía đồng bằng. Một cột khổng lồ những bụi đá và sỏi cát bốc lên cao, quay cuồng như một vòi rồng đang được gió bụi thổi quặt về sườn núi Sneffels, nơi chúng tôi đang dừng chân. Bức màn đất đá dày đặc ấy dăng ngang mặt trời khiến một vùng núi bỗng sầm tối. Nếu cái vòi rồng này xà xuống, thế nào nó cũng cuốn cả chúng tôi vào trong. Hiện tượng này, tiếng Iceland là mistour, thường xảy ra mỗi khi có gió thổi từ vùng băng hà về. Người dẫn đường của chúng tôi hét to:
- Hastigt, hastig!
Tuy không biết tiếng Đan Mạch nhưng tôi cũng hiểu phải mau chóng bám theo Hans. Anh ta đi chếch lên, vòng sang phía bên kia miệng núi lửa. Chẳng mấy chốc, vòi rồng sầm sập đổ xuống, ngọn Sneffels rung lên. Đất đá bị cuốn trong gió lốc bay ào ào. Cũng may chúng tôi đã ở triền núi bên này nên tránh được nguy hiểm.
Thoát nạn. Chúng tôi tiếp tục treo ngay theo đường chữ chi. Hans cho rằng ngủ lại đêm trên sườn miệng phễu là thiếu thận trọng. Phải mất gần năm tiếng, chúng tôi mới vượt được hết 1.500 bộ còn lại. Những đường vòng, những lối chếch, những độ cao phải đi quanh cộng lại dài đến ba dặm. Không còn chịu đựng được nữa, tôi khuỵu xuống vì đói và lạnh. Trên cao, không khí loãng nên không đủ cho hai lá phổi của tôi hít thở. Sau cùng, lúc mười một giờ đêm hôm ấy, trong bầu trời tối đen, chúng tôi lên đến đỉnh Sneffels. Trước khi vào miệng núi lửa để nghỉ ngơi, chúng tôi còn kịp nhìn thấy ánh mặt trời nửa đêm chiếu nhợt nhạt lên hòn đảo đang nằm ngủ yên dưới kia.
Đoàn thám hiểm chúng tôi ăn ngấu nghiến cho xong bữa tối rồi tìm cách thu xếp chỗ nghỉ. Ở độ cao năm ngàn bộ trên mặt biển này, chúng tôi hoàn toàn không thoải mái, chỗ nằm thì cứng mà chỗ trú thì không được vững trãi lắm. Nhưng đêm ấy, tôi ngủ một giấc đặc biệt ngon lành. Lâu lắm tôi mới có được một đêm yên tĩnh, không mộng mị như vậy.
Hôm sau, trong ánh nắng rực rỡ, chúng tôi thức dậy rét cóng vì không khí lạnh của buổi sớm mai. Tôi đứng trên đỉnh phía nam, một trong hai đỉnh của núi Sneffels và phóng mắt nhìn khắp một vùng rộng lớn của đảo. Từ những độ cao như vậy, ta chỉ phân biệt được đường nét của bờ biển còn những phần ở giữa đất liền hình như bị chìm đi. Ở phía bên phải tôi, băng hà và những đỉnh núi phủ tuyết nối tiếp nhau trùng điệp, kéo dài đến vô tận. Ở phía tây, đại dương trải rộng uy nghi như tiếp nối những đỉnh núi ấy. Đâu là giới hạn của đất liền, đâu bắt đầu sóng nước biển khơi, mắt tôi chỉ phân biệt được lờ mờ.
Tôi đắm mình trong cảm giác đê mê đến lạ lùng nảy sinh trên những đỉnh núi cao. Lần này tôi không bị chóng mặt vì ít nhiều đã được làm quen với những độ cao. Ánh mặt trời chói chang trong suốt làm tôi chói mắt. Tôi bỗng quên bẵng mình là ai, tôi đang ở đây để sống cuộc sống của thần tiên, của những nhân vật tưởng tượng trong thần thoại bắc Âu. Tôi say sưa tận hưởng khoái lạc của những độ cao, lãng quên đi những vực thẳm mà số phận sắp ném tôi xuống. Giáo sư Lidenbrock và Hans leo lên đỉnh núi chỗ tôi đang đứng. Sự có mặt của hai người kéo tôi trở về thực tại.
Quay về hướng tây, giáo sư chỉ cho tôi một gợn đất trông nhẹ xốp như khói như mây và bảo:
- Groemland đấy!
- Groemland à! – tôi kinh ngạc kêu lên.
- Phải, chúng ta chỉ cách hòn đảo ấy không đầy ba mươi lăm dặm. Nhưng điều ấy không có gì quan trọng. Chủ yếu chúng ta đang đứng trên ngọn núi Sneffels có hai đỉnh, một phía nam và một phía bắc. Hans sẽ cho biết đỉnh núi chúng ta đang đứng đây, người Iceland gọi tên gì?
- Scartaris.
- Tiến vào miệng núi lửa ngay! – giáo sư reo lên, mắt nhìn tôi vẻ đắc thắng.
Miệng núi lửa Sneffels giống như miệng một cái phễu khổng lồ, đường kính rộng chừng nửa dặm, sâu khoảng hai ngàn bộ. Do vậy thành phễu dốc thoai thoải rất dễ trèo xuống. Nhưng khó có thể phán đoán khi nó đầy ứ khói lửa và sấm sét sẽ như thế nào? Vô tình so sánh miệng núi lửa này với cái vòi rồng hôm trước, tôi bỗng thấy khiếp sợ! Tôi thầm nghĩ: “Chỉ có những kẻ điên rồ mới tính chuyện trèo xuống trong một cái vòi rồng nạp đầy khói lửa mà chỉ cần động nhẹ cũng có thể làm nó nổ tung!”
Nhưng không còn lui bước được nữa, Hans đã tiến lên dẫn đầu đoàn thám hiểm với vẻ bình thản. Tôi đành lặng lẽ bước theo anh. Để xuống được dễ dàng, anh đi trong miệng phễu theo những đường cong dài. Chúng tôi len lỏi giữa những phún thạch. Hans dùng gậy bịt sắt dò đường, tiến bước hết sức thận trọng. Ở vài quãng đáng ngờ, anh cẩn thận lấy thừng dài buộc chúng tôi lại với nhau, phòng có ai không may sẩy chân sẽ được các bạn đồng hành kéo lại. Mặc dù đường xuống rất khó khăn, nhưng chúng tôi không gặp một tai nạn nào, trừ một ba lô thừng chão bị tuột khỏi tay một người Iceland, lăn xuống đáy vực.
Đến trưa chúng tôi xuống đến nơi. Ngẩng đầu lên tôi thấy miệng phễu đóng khung một khoảnh trời tròn vành vạnh. Ở một điểm, đỉnh Scartaris nhọn hoắt chĩa thẳng lên khoảng không bao la.
Ở đáy miệng núi lửa mở ra ba đường ống qua đó khí và dung nham của thời kì phun trào xa xưa đã tuôn ra từ lò lửa trung tâm. Đường kính mỗi ống rộng khoảng một trăm bộ, rộng toang hoác dưới chân chúng tôi khiến tôi phải nhắm mắt lại không dám nhìn xuống. Giáo sư Lidenbrock khảo sát chớp nhoáng ngay cách bố trí của những miệng ống đó.
Bỗng giáo sư Lidenbrock kêu thét lên một tiếng! Tôi ngỡ chú tôi bị hụt chân, lăn nhào xuống một cái vực nào rồi! Nhưng không phải, ông đang đứng trước một khối đá granit to ở giữa miệng núi lửa. Chú tôi đang trong tư thế một người sửng sốt, mà lại kinh ngạc sắp chuyển sang nỗi mừng vui điên dại. Ông hét lên:
- Axel! Axel! Lại đây! Lại đây mau lên!
Tôi vội chạy ào tới. Hans cũng như ba người Iceland, chẳng ai nhúc nhích.
- Nhìn đây! – giáo sư nói với tôi – Cháu hãy nhìn đây!
Tôi sửng sốt nhìn thấy trên mặt phía tây của khối đá có khắc một dòng chữ Runique mà thời gian đã làm mờ đi, đó là tên của nhà bác học Iceland thế kỉ XVI: Arne Saknussemm.
- Arne Saknussemm! – chú tôi kêu lên lần nữa – Cháu còn nghi ngờ gì nữa không?
Sự thật hiển nhiên khiến tôi rụng rời. Tôi lặng lẽ quay trở lại ngồi thẫn thờ trên tảng dung nham. Tôi đã ở trong tư thế ấy bao lâu không rõ, chỉ biết khi ngẩng lên tôi thấy chú tôi và Hans là hai người còn lại ở dưới đáy miệng núi lửa này. Những người Iceland đã từ biệt chúng tôi và giờ đây có lẽ họ đang xuống núi để trở về làng Stapi.
Hans ngủ một giấc ngon lành dưới chân một khối đá. Giáo sư Lidenbrock không ngủ. Ông đi lại liên tục. Còn tôi, tôi không muốn và cũng chẳng còn sức để đứng dậy. Theo gương Hans, tôi thiu thiu ngủ mà trong lòng xót xa đau đớn. Tôi thấy hình như sườn núi Sneffels đang ì ầm rung động.
Đêm đầu tiên dưới đáy miệng núi lửa qua đi như vậy. Hôm sau, một bầu trời xám xịt, nhiều mây và nặng nề đè lên đỉnh núi. Đêm tối dưới vực sâu cũng không đáng sợ bằng cơn giận của chú tôi! Tôi hiểu vì sao giáo sư nổi giận và một tia hi vọng bỗng lóe lên trong lòng tôi. Nguyên do thế này:
Trong ba con đường mở ra dưới chân chúng tôi đây, chỉ có một đường Arne Saknussemm đã đi qua. Theo lời nhà bác học Iceland ghi trong bức mật thư, bóng đỉnh Scartaris lướt trên miệng núi lửa vào những ngày cuối tháng sáu sẽ xác định con đường ấy. Thật vậy, có thể xem đỉnh núi kia như cột so bóng của một đồng hồ mặt trời mà bóng của nó vào một ngày nhất định sẽ chỉ đúng con đường đi tới trung tâm trái đất.
Như vậy, trời không nắng tức không có bóng núi, không có bóng núi sẽ chẳng biết đâu là con đường cần tìm. Hôm nay là ngày 25 tháng 6. Nếu trời cứ âm u như thế này trong sáu ngày nữa, thì cuộc thám hiểm phải dời sang năm sau.
Một ngày trôi qua, không một bóng nắng nào xuất hiện. Hans vẫn ngôi yên tại chỗ. Có lẽ anh cũng tự hỏi không hiểu chúng tôi chờ đợi cái gì? Chú tô chẳng nói chẳng rằng, mắt đăm đăm nhìn lên bầu trời xám xịt mù sương.
Ngày 26 vẫn không thấy mặt trời. Cả ngày, trời mưa lẫn với tuyết rơi. Hans dựng tạm một túp lều bằng mảnh dung nham. Tôi vui thích ngắm nhìn hàng ngàn thác nước kéo theo những tảng đá, ầm ầm chảy xối trên thành miệng phễu.
Ngày hôm sau trời vẫn nhiều mây, nhưng đến chủ nhật 28 tháng 6 mặt trời hiện ra rực rỡ, ánh nắng tràn ngập trong miệng núi lửa. Mỗi mô đá, mỗi tảng đá và mỗi chỗ gồ ghề đều được phần ánh nắng và tức khắc in bóng lên mặt đất. Bóng đỉnh Scartaris được tô đậm như một mũi nhọn sắc cạnh, từ từ quay theo vầng mặt trời rực rỡ. Chú tôi cũng quay theo. Giữa trưa, bóng đỉnh Scartaris lướt nhẹ lên miệng ống khói trung tâm.
- Đây rồi! – giáo sư Lidenbrock reo lên – Đây đúng là đường tới trung tâm trái đất!
Tôi nhìn Hans. Anh bình thản nói:
- Forut?
- Phải! Tiến lên!
Lúc ấy là một giờ mười ba phút.
Cuộc thám hiểm thực sự bắt đầu. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa ngó ngàng tới cái giếng sâu không đáy mà tôi sắp dấn thân xuống. Đã tới lúc rồi đấy. Tôi vẫn còn có thể nhận hoặc từ chối lao vào cuộc thám hiểm nhưng thú thật tôi thấy hổ thẹn nếu chùn bước trước Hans. Anh ta đã chấp nhận cuộc thám hiểm một cách bình thản. Anh tỏ ra hoàn toàn dửng dưng với mọi nguy hiểm, khiến tôi đỏ mặt nghĩ rằng lẽ nào mình lại không dũng cảm bằng anh ta. Nếu chỉ có mình tôi, chắc tôi đã bỏ cuộc rồi, nhưng trước Hans tôi đành im lặng. Tôi bước lại gần ống khói trung tâm.
Ống khói này có đường kính một trăm bộ. Đứng trên một mỏm đá, tôi cúi xuống nhìn mà rợn tóc gáy. Chỗ tôi đang đứng sao chênh vênh quá! Tôi cảm thấy trọng tâm đang chuyển dịch khỏi người và chóng mặt như say rượu. Tôi sắp ngã thì được Hans níu lại. Rõ ràng bài học về vực thẳm học trên tháp chuông nhà thờ Copenhagen, tôi không được thuộc lắm!
Tuy chưa dám liều lĩnh quan sát kĩ lưỡng, tôi cũng phần nào nắm được hình thù của cái giếng ấy. Vách giếng dựng đứng, với nhiều mỏm đá nhô ra có thể bấu vào mà trèo xuống được, như vậy cầu thang thì có thừa duy chỉ thiếu tay vịn! Chỉ cần buộc một đầu dây thừng vào miệng ống khói là ta có thể bám vào để leo xuống, nhưng một khi xuống tới dưới làm sao gỡ được đầu thừng trên?
Giáo sư Lidenbrock áp dụng một cách rất đơn giản, để giải quyết cái khó khăn ấy. Ông giở một cuộn thừng to bằng ngón tay cái, dài bốn trăm bộ, khoanh một vòng quanh một mỏm dung nham nhô ra rồi thả một nửa còn lại xuống ống khói. Mỗi người chúng tôi có thể nắm gộp cả hai nửa sợi thừng leo xuống mà không lo nó tuột. Một khi xuống được hai trăm bộ chỉ việc buông một đầu rồi kéo đầu kia là chúng tôi có thể thu thừng lại như cũ. Cứ tiếp tục như vậy cho tới khi chúng tôi chạm đáy núi lửa. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, giáo sư nói:
- Bây giờ xét đến khâu hành lý. Những đồ mang theo dễ vỡ sẽ được chia đều làm ba túi. Mỗi chúng ta chịu trách nhiệm vác một. Hans mang những đồ dùng và phần lương thực này. Axel mang một phân ba lương thực và vũ khí. Còn tôi, phần lương thực còn lại và những dụng cụ tinh vi.
- Thưa chú, thế còn quần áo và đống dây thừng, thang dây này, ai sẽ chịu trách nhiệm đưa nó xuống?
- Tự nó tụt xuống thôi!
- Như vậy là sao ạ?
- Cháu xem đây!
Giáo sư mạnh dạn áp dụng một phương pháp táo bạo. Theo lệnh ông, Hans buộc hết đống đồ còn lại thành một kiện chắc chắn, rồi xô thẳng xuống vực. Chú tôi hài lòng cúi nhìn theo kiện hành lý rơi xuống cho tới khi nó mất hút, mới ngẩng đầu lên.
- Nào, - chú tôi ra lệnh – đến lượt chúng ta lên đường!
Sau khi vác vào lưng túi đồ dùng của mình, chúng tôi bắt đầu leo xuống theo thứ tự: Hans, giáo sư, rồi tiếp đến tôi. Tôi khom người, bám chắc lấy sợi thừng từ từ tụt xuống. Tôi chỉ lo lỡ không may hòn đá đặt chân bỗng bật khỏi hốc, liệu sợi thừng mỏng manh có chịu được sức nặng của ba người không? Tôi cố gắng dùng chân bám chặt vào những mỏm dung nhan nhô ra để giữ thăng bằng.
Mỗi khi có một hòn đá trơn trượt nào đó lung lay dưới bước chân, Hans lại bình thản thông báo:
- Gifakl!
- Cẩn thận! – chú tôi nhắc lại.
Sau một giờ, chúng tôi đặt chân lên một khối đá ăn sâu vào vách ống khói. Hans kéo một đầu dây thừng, đầu kia văng lên và sau khi tuột khỏi mỏm đá bên trên nó rớt xuống kéo theo những mẩu đá vụn.
Chúng tôi tiếp tục leo xuống, và nửa giờ sau lại vượt được chừng hai trăm bộ nữa.
Không hiểu trong khi leo xuống như vậy, có nhà địa chất học điên khùng nào để ý nhgiên cứu chất đất ở xung quanh hay không, chứ riêng tôi, tôi bỏ qua hết! Nhưng chắc chắn giáo sư có quan sát hay ghi chép vì ở mỗi chỗ dừng chân ông lại nói với tôi:
- Càng đi chú càng thêm tin tưởng. Cách bố trí đất đai của núi lửa đã chứng minh lý thuyết của nhà bác học Davy hoàn toàn đúng. Chúng ta đang ở giữa tầng đất nguyên thủy, nơi đã xảy ra phản ứng hóa học kim loại bị đốt cháy, tác dụng với không khí và nước. Chú hoàn toàn phủ nhận hệ nhiệt độ trung tâm!
Chú tôi vẫn giữ nguyên cái luận điểm ấy và tôi chẳng buồn tranh luận làm gì. Thấy tôi không nói gì cả, giáo sư lại cho là tôi tán đồng quan điểm của ông.
Đoàn thám hiểm lại tiếp tục leo xuống. Sau ba giờ nữa, tôi vẫn chưa thấy đáy ống khói. Ngẩng lên tôi thấy vách giếng cứ thu hẹp dần. Càng xuống chúng tôi càng thấy tối và đã nghe rõ tiếng dội lại đùng đục của những hòn đá rơi chạm vào đáy giếng.
Do cẩn thận ghi đúng số lần thao tác rút thừng nên tôi có thể biết một cách chính xác độ sâu đạt được và thời gian đã trôi qua. Tính ra chúng tôi đã lặp lại thao tác rút thừng mười bốn lần, mỗi lần nửa giờ, cộng mười bốn lần nghỉ giải lao, mỗi lần mười lăm phút. Chúng tôi xuất phát từ lúc một giờ, và bây giờ cũng phải mười một giờ đêm rồi! Còn về độ sâu cứ nhân mười bốn lần độ dài hai trăm bộ của nửa sợi thừng, tôi biết ngay đã xuống được khoảng hai ngàn tám trăm bộ.
Vừa nghe Hans ra lệnh “Stop”, tôi khựng ngay lại. Chú tôi thông báo đã đến nơi. Tôi tụt xuống đứng cạnh bên ông hỏi:
- Chúng ta đã tới đâu rồi ạ?
- Tới đáy ống khói thẳng đứng.
- Không có đường đi nữa sao?
- Có chứ, chú thấy bên phải hình như có lối đi. Nhưng ngày mai hãy tính. Bây giờ ăn rồi ngủ một giấc đã.
Ở dưới đáy vực này chưa đến nỗi tối đen hẳn. Chúng tôi mở túi lương khô ra ăn, rồi mỗi người tìm chỗ thoải mái trên mặt đá mà nằm. Tôi lập tức ngủ ngay.