Chương 6
Tác giả: Jules Verne
Ngày đầu “Duncan” ra khơi, biển không lặng sóng lắm, về chiều gió thổi mạnh hơn, “Duncan” lắc dữ. Bởi vậy, nhóm phụ nữ không dám lên boong tàu. Họ nằm trên giường trong phòng mình.
Hôm sau, gió đã đổi hướng đôi chút. Thuyền trưởng John Mangles ra lệnh kéo buồm lên. Nhờ vậy, “Duncan” trở nên ổn định, bớt cảm thấy tròng trành hơn. Huân tước phu nhân Helena và Mary sáng sớm đã có thể trở lên boong tàu, ở đây đã có mặt huân tước Glenarvan, thiếu tá và thuyền trưởng.
Cảnh bình minh trên mặt biển thật kỳ ảo. “Duncan” lướt trôi trong những lồng ánh sáng ban mai, dường như không phải gió mà là những tia mặt trời thổi vào buồm tàu.
Hành khách trên tàu im lặng chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc.
- Ôi, thật là một cảnh tượng kỳ diệu! – Cuối cùng, huân tước phu nhân Helena thốt lên. – Mặt trời mọc thế này là hứa hẹn một ngày tuyệt đẹp đây. Chỉ mong sao gió đừng đổi hướng và cứ thuận buồm xuôi gió mãi thế này!
- Khó mong được hướng gió thuận lợi hơn nữa, em Helena thân yêu ạ, - huân tước Glenarvan nhận xét, - và chúng ta cũng không phải buồn phiền về ngày mở đầu chuyến đi hôm nay.
- Anh Glenarvan thân yêu, vậy chuyến đi của chúng ta có thể kéo dài bao lâu?
- Về điều này, chỉ có thuyền trưởng John mới trả lời chúng ta được, - Glenarvan nói. – Tình hình chúng ta đi như thế nào? Anh có hài lòng với con tàu không, John?
- Rất hài lòng, thưa ngài huân tước. Đây là con tàu tuyệt diệu… chúng ta đang đi với tốc độ 17 hải lý một giờ, nếu như giữ đều tốc độ này thì độ mười ngày nữa chúng ta sẽ băng qua xích đạo và ít nhất cũng năm tuần nữa chúng ta sẽ vượt qua mũi Horn.
- Cháu có nghe thấy không, Mary? Ít ra cũng năm tuần nữa! – huân tước phu nhân Helena quay sang nói với cô gái.
- Cháu nghe rồi, thưa bà. – Mary đáp. – Tim cháu thắt lại khi nghe thuyền trưởng nói điều đó.
- Cô đi biển có chịu được không, Mary? – Huân tước Glenarvan hỏi.
- Không đến nỗi ạ, thưa huân tước. Cháu cũng sắp quen với biển rồi.
- Thề còn chú Robert thì sao?
- Ồ, Robert! – John Mangles nói xen vào. – Nếu chú ta không có ở buồng máy thì có nghĩa là đã leo lên cột buồm. Chú bé này chẳng biết say sóng là gì… Xem kìa, chú ta đang ở đâu?
Mọi người chăm chú nhìn theo hướng thuyền trưởng chỉ lên cột buồm trước: Robert đang vắt vẻo trên ngọn cột buồm cách boong tàu gần ba mươi mét. Mary bất giác rùng mình.
- Ồ, cô hãy yên tâm! John nói. – tôi xin chịu trách nhiệm về chú ấy. Tôi cam đoan với cô rằng, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ trình trước thuyền trưởng Grant một chàng trai cừ khôi. Dẫu sao chúng ta cũng nhất định sẽ tìm thấy người thuyền trưởng đáng kính ấy.
- Ông John, xin trời phù hộ cho ông! – Cô gái trả lời.
- Cô Mary yêu quý, chúng ta đều hy vọng như thế! Glenarvan nói. – Mọi việc đều báo hiệu với chúng ta sự thành công. Các bạn hãy nhìn hai cháu bé đáng yêu này. Các cháu ấy đã tham dự vào việc thực hiện mục đích cao cả của chúng tao. Cùng với các cháu, chúng ta không những sẽ đạt đến thành công, mà còn thành công không đến nỗi khó khăn lắm. Tôi đã hứa với Helena thực hiện một cuộc du lịch giải trí và tin chắc rằng tôi sẽ giữ đúng lời hứa.
- Edward, anh là người tuyệt diệu! – Huân tước phu nhân Glenarvan thốt lên.
- Tuyệt nhiên không phải thế đâu, song anh có một đoàn thuỷ thủ tuyệt diệu trên một chiếc tàu tuyệt diệu… Nhưng cô Mary này, lẽ nào cô lại không thấy thán phục con tàu “Duncan” của chúng tôi sao?
- Tất nhiên là cháu thán phục chứ, thưa huân tước, - cô gái đáp, - và cháu còn thán phục như một con người am hiểu thật sự nữa kia.
- Ra thế đấy!
- Hồi còn bé cháu đã từng chơi đùa trên những con tàu của cha cháu. Cha cháu đã định đào tạo cháu thành thuỷ thủ. Nhưng bây giờ đây, nếu cần, thì cháu cũng có thể làm việc cuốn buồm được.
- Cô nói gì thế, cô Mary! – John Mangles kêu to lên.
- Nếu vậy thì, - huân tước Glenarvan nói, - với thuyền trưởng John đây, không còn nghi ngờ gì nữa, cô sẽ có một người bạn lớn, bởi vì anh ta coi trọng nghề thuỷ thủ hơn bất kỳ nghề nào trên đời. Thậm chí đối với phụ nữ anh ta cũng không coi trọng hơn. Có phải thế không John?
- Hoàn toàn đúng thế ạ, thưa huân tước, - chàng thuyền trưởng trẻ trả lời. – Tôi phải thừa nhận rằng cô Grant thích hợp với công việc ở mũi tàu hơn là điều khiển buồm. Hơn nữa, tôi rất lấy làm vui lòng về những lời của cô ấy.
- Nhất là khi cô ấy tỏ ý thán phục “Duncan”, - huân tước Glenarvan nói thêm.
- … và chiếc tàu hoàn toàn xứng đáng như vậy… - John Mangles trả lời.
- Đúng thế, - Helena xen vào, - các ông rất tự hào về con tàu của mình, vì vậy, tôi muốn được đi xem toàn bộ con tàu, đến từng hầm tàu, đồng thời xem những thuỷ thủ đáng mến của các ông được bố trí trong các buồng ở như thế nào.
- Họ được thu xếp chỗ ở rất tuyệt, - John Mangles đáp, - y như ở nhà.
- Và quả thực họ đang ở nhà vậy, em Helena thân yêu ạ, - huân tước Glenarvan nói. – Bởi vì con tàu này là bộ phận của quê hương Kaledonie cổ kính của chúng ta, một góc của Dumbarton bởi trên sóng đại dương. Và chúng ta tuyệt nhiên không rời khỏi quê hương của chúng ta: “Duncan” – đó là Malcolm-Castle, còn đại dương là hồ Lomond.
- Nếu vậy thì anh Edward thân yêu, anh hãy chỉ cho em xem lâu đài của anh đi, - huân tước phu nhân Helena nói đùa.
- Xin sẵn sàng! Huân tước Glenarvan trả lời. – Nhưng trước hết hãy cho phép anh nói vài lời với Olbinett đã.
Người đầu bếp trên tàu “Duncan”, Olbinett, là một đầu bếp tuyệt trần, thừa hành phận sự một cách tận tâm và thông minh. Anh ta có mặt ngay khi chủ gọi.
- Olbinett, chúng tôi muốn đi dạo chơi trước khi điểm tâm. – huân tước Glenarvan nói bằng một giọng dường như câu chuyện đang nói đến cuộc dạo chơi ở quanh lâu đài. – Tôi hy vọng rằng khi chúng tôi về thì bữa điểm tâm đã được dọn sẵn trên bàn.
Olbinett cung kính cúi đầu.
- Bác đi với chúng tôi chứ, thiếu tá? – Huân tước phu nhân Helena hỏi Mac Nabbs.
- Nếu huân tước phu nhân ra lệnh, - ông ta đáp.
- Ồ, thiếu tá đang bị khói thuốc lá quyến rũ, - huân tước Glenarvan xen vào, - chúng ta sẽ không kéo bác ấy đi được đâu mà. Cô Mary biết không, bác ấy nhà tôi là cây nghiện thuốc, thậm chí lúc ngủ miệng bác ấy cũng vẫn không rời điếu thuốc.
Thiếu tá gật đầu tỏ ý tán thành. Còn những người khác đều đi xuống phòng thuỷ thủ.
Còn lại trên boong một mình, Mac Nabbs, theo thói quen, vừa lẩm bẩm tự trò chuyện với mình, vừa nhả khói thuốc dày đặc chung quanh. Ông đứng bất động nhìn bọt nước xoáy đằng sau tàu. Sau vài phút im lặng ngắm nhình như thế, ông quay lại và thấy trước mặt mình một người lạ. Nếu như một điều gì có thể làm cho thiếu tá kinh ngạc thì có lẽ đó là cuộc gặp mặt này đây, bởi vì hành khách ấy là người ông hoàn toàn không quen biết.
Đó là một người cao, gầy, tuổi chừng 40. Nom ông giống như một cái đinh dài có mũ. Đầu ông ta tròn và to, trán cao, mũi dài, mồm rộng, cằm nhọn. Đôi mắt ẩn sau những mắt kính tròn to, và cái nhìn bất định đặc biệt của ông chứng tỏ ông rất tinh. Gương mặt ông thông minh và vui vẻ, không thấy có sự lãnh đạm mà một số người cố làm cho ra vẻ quan trọng. Những người như vậy hay nguyên tắc, nên không bao giò cười và dưới cái mặt nạ nghiêm túc thường che giấu tính nhỏ nhen. Trái lại, tính không câu nệ và sự tự nhiên thoải mái đáng yêu của người lạ mặt này chứng tỏ rõ ràng ông ta biết nhìn thấy trong con người và sự vật những cái tốt đẹp. Dù ông chưa mở miệng, người ta vẫn cảm thấy rằng ông là người thích nói chuyện. Đồng thời người ta cũng dễ nhận thấy ông thuộc số người vô cùng đãng trí, nhìn mà không thấy, nghe mà không rõ. Người lạ mặt ấy đội mũ đi đường, đi đôi giày thô màu vàng và ghệt bằng da. Ông mặc quần nhung màu nâu và áo cũng vậy, nhưng có vô số túi đựng căng phồng: sổ, sách, ví nói chung lỉnh kỉnh toàn những thứ không cần thiết. Vai ông đeo lủng lẳng một cái kính viễn vọng.
Vẻ tất tả của người lạ mặt tạo nên sự tương phản hoàn toàn với vẻ điềm tỉnh cao độ của thiếu tá. Ông ta cứ đi quanh Mac Nabbs, ngắm nhìn thiếu tá, ngụ ý dò hỏi, nhưng thiếu tá lại chẳng buồn để ý xem vị khách ở đâu đến, đi đâu và tại sao lại ở trên tàu “Duncan”.
Đến khi người lạ mặt bí ẩn thấy rằng mọi ý định tiếp xúc của ông ta đều vấp phải sự lãnh đạm của thiếu tá, ông bèn lấy kính viễn vọng của mình kéo ra hết cỡ dài chừng một mét hai, rồi doãng chân đứng im như một cây cột, hướng kính viễn vọng về phía đường chân trời. Sau khi quan sát như vậy chừng năm phút, ông ta chống kính viễn vọng xuống boong tàu, tựa mình vào ống kính như tựa vào chiếc ba toong, nhưng chiếc ống kính đã lập tức xếp lại từng khúc, từng khúc một, và vị khách bất ngờ bị mất điểm tựa, suýt ngã sóng soài bên cột buồm cái. Bất kỳ một người nào khác ở địa vị của thiếu tá chắc cũng đều phải bật cười, nhưng thiếu tá thậm chí không nhếch mép. Đến lúc ấy, người lạ mặt đành cam chịu trước sự bàng quan của ông ta.
- Đầu bếp đâu? – người lạ mặt gọi bằng một giọng nước ngoài lơ lớ, rồi bắt đầu đợi.
Không có ai ra cả.
- Đầu bếp đâu? – Ông ta gào to hơn.
Anh chàng Olbinett lúc ấy đang đi xuống bếp ở dưới boong tàu. Không sao nói hết sự ngạc nhiên của anh ta khi nghe thấy một người lạ cao ngồng nào đó réo gọi anh một cách bất lịch sự như thế.
“Người này ở đâu ra thế nhỉ? – Olbinett nghĩ – Một người bạn nào đó của huân tước chăng? Không thể như vậy được!”. Tuy nhiên anh vẫn đến gặp người lạ mặt.
- Anh là đầu bếp trên tàu này? – Người lạ mặt hỏi.
- Vâng, thưa ông, nhưng tôi không được hân hạnh…
- Tôi là hành khách buồng số sáu, - người lạ mặt không để cho Olbinett nói hết câu.
- Buồng số sáu? – Olbinett hỏi lại.
- Phải, thế anh tên gì?
- Olbinett.
- Thế này nhé, anh bạn Olbinett của tôi ơi, - người lạ ở buồng số sáu nói. – Cần phải nghĩ đến bữa ăn sáng đi, đừng để lâu quá nữa. Đã 36 tiếng đồng hồ rồi tôi chưa có gì bỏ vào bụng cả, nói cho đúng hơn là tôi đã ngủ 36 giờ liền, đó là điều có thể tha thứ cho một người đã đi một mạch từ Paris đến Glasgow. Anh làm ơn cho biết ở đây mấy giờ ăn sáng?
- Chín giờ. – Olbinett đáp như một cái máy.
Người lạ định xem giờ, nhưng ông đã phải mất khá lâu để tìm đến túi áo thứ chín mới thấy chiếc đồng hồ.
- Chà, bây giờ mới chưa đầy 8 giờ à? Vậy thì, Olbinett, anh mang tạm cho tôi ít bánh quy và một ly sherry, tôi sắp quỵ vì kiệt sực đây!
Olbinett nghe, nhưng không hiểu gì cả, còn người lạ mặt thì cứ thao thao bât tuyệt, liến thoắng hết chuyện nọ đến chuyện kia.
- Này, thế thuyền trưởng đâu? Ông ta chưa ngủ dậy à? Còn người phó của ông ta? Sao, ông ta cũng đang ngủ à? – Người lạ mặt nói huyên thuyên. – May mà, thời tiết tốt, gió thuận, tàu chạy êm.
Đang lúc ông ta nói như vậy thì John Mangles xuất hiện trên cầu thang tầng lái.
- Thuyền trưởng đó. – Olbinett thông báo.
- Ôi, tôi hết sức vui mừng! – Người lạ mặt thốt lên. Tôi rất sung sướng được làm quen với ngài, thưa thuyển trưởng Burton!
John Mangles kinh ngạc không phải vì người ta gọi anh là thuyền trưởng Burton, mà là vì anh ta đã thấy một người lạ mặt trên tàu của mình.
Người lạ mặt vẫn thao thao bất tuyệt.
- Cho phép tôi được bắt tay ngài, - ông ta nói. – Nếu buổi tối hôm trước tôi chưa làm việc này thì đấy là vì trong lúc tàu rời bến không nên quấy rầy ai. Nhưng hôm nay, thưa ngài thuyền trưởng, tôi lấy làm may mắn được làm quen với ngài.
John Mangles trố mắt ngạc nhiên, hết nhình Olbinett lại nhìn người lạ mặt.
- Bây giờ thì chúng ta đã làm quen với nhau, thưa ngài thuyền trưởng thân mến, và trở thành những người bạn cố tri. Nào, ta hãy trò chuyện với nhau. Thưa ngài, ngài có hài lòng với Scotland của ngài không?
- Ông nói về “Scotland” nào kia chứ? – Cuối cùng, John Mangles hỏi lại.
- Về chiếc tàu “Scotland” mà chúng ta đang đứng đây này. Thật là một chiếc tàu tuyệt vời. Người ta đã hết lời ca tụng phẩm chất và ưu điểm của người chỉ huy tàu – ngài thuyền trưởng Burton đáng kính. Tiện thể xin hỏi, ngài có phải là họ hàng với nhà du hành châu Phhi vĩ đại Burton, một con người dũng cảm đó không? Nếu quả vậy xin ngài hãy nhận cho ở đây những lời chúc mừng nồng nghiệt của tôi.
- Thưa ngài, tôi không những không phải là họ hàng của nhà du hành Burton, mà cũng không phải là thuyền trưởng Burton. – John Mangles trả lời.
- À…à… - Người lạ mặt kéo dài giọng. – Vậy nghĩa là tôi đang nói chuyện với ngài Burdness, trợ lý của thuyền trưởng Burton ?
- Ngài Burdness nào? – John Mangles hỏi lại.
Anh đã bắt đầu đoán được chuyện gì xảy ra, chỉ có điều chưa thể rõ người đứng trước mặt anh là ai: một người điên hay là một người quái gở nào?
Chàng thuyền trưởng trẻ định xác minh ngay điều ấy mà không cần phải nói loanh quanh, nhưng trên boong tàu đã xuất hiện huân tước Glenarvan, vợ ông và cô Mary.
Trông thấy họ, người lạ mặt kêu lên:
- A, hành khách, hành khách! Tuyệt quá! Tôi hy vọng rằng, thưa ngài Burdness, ngài hãy vui lòng giới thiệu tô…
Nhưng ngay tức khắc, chẳng cần John Mangles làm môi giới, ông ta tự nhiên bước lên phía trước.
- Thưa cô… - ông ta nói với Mary, thưa bà… ông ta nói với Helena; thưa ông… ông ta quay về phía huân tước nói thêm.
- Huân tước Glenarvan đó. – John Mangles giới thiệu…
- Thưa ngài huân tước, - người lạ mặt nói tiếp, - xin ngài tha lỗi cho tôi về chuyện đã mạn phép đến trình diện trước ngài. Nhưng ở trên biển, tôi cảm thấy rằng có thể bỏ qua phần nào nghi thức xã giao. Tôi hy vọng chúng ta sẽ nhanh chóng làm quen với nhau và được đi cùng với quý cô, quý bà đây, thì cuộc du hành của chúng ta trên tàu “Scotland” sẽ vừa thân thiết, lại vừa thú vị.
Cả huân tước phu nhân, lẫn cô Mary đều không biết đối đáp ra sao. Họ không thể hiểu nổi người lạ mặt này đã làm cách nào lên được boong tàu “Duncan”
- Thưa ông, - huân tước quay về phía người lạ mặt, - tôi đang được hân hạnh tiếp chuyện với ai đây?
- Với Jacques Eliacin Francois Marie Paganel, thư ký Hội Địa lý Paris, viện sĩ thông tấn các Hội Địa lý Berlin, Bombay, Darmstadt, Leipzig, London, Peterbourg, Vienne, New York, đồng thời là hội viên danh dự của Viện Địa lý và dân tộc hoàng gia miền đông Ấn Độ. Ông đang thấy trước mắt mình một người đã hai mươi năm nghiên cứu địa lý mà không hề bước khỏi phòng làm việc, cuối cùng, đã quyết định chuyển sang nghiên cứu bằng thực tế và giờ đây đang đi Ấn Độ để liên kết các công trình nghiên cứu của các nhà du hành vĩ đại thành một mối thống nhất