Việc hủy bỏ chế độ phổ thông đầu phiếu vào năm 1850
Tác giả: Karl Marx
(Phần tiếp theo của ba chương trên được rút từ mục "Điểm tình hình" đăng trong số báo đôi vừa mới ra (5 và 6) của tạp chí "Neue Rheinische Zeitung. Politisch - okonomische Revue". Trong phần ấy, trước hết đã mô tả cuộc khủng hoảng thương nghiệp lớn nổ ra ở Anh năm 1847 và đã giải thích rằng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đó đối với lục địa châu âu, nên những sự phức tạp về chính trị trên lục địa đã ngày càng trở nên gay gắt dẫn đến những cuộc cách mạng tháng Hai và tháng Ba 1848, tiếp đó trình bày rằng sự phồn vinh của thương nghiệp và công nghiệp, được phục hồi năm 1848 và tăng mạnh trong năm 1849, đã làm tê liệt cao trào cách mạng như thế nào và đồng thời đã làm cho thế lực phản động có thể đạt được thắng lợi như thế nào. Sau đó có nói riêng về nước Pháp, như sau:)[1]
Những triệu chứng như thế cũng xuất hiện ở Pháp từ năm 1849 và đặc biệt là từ đầu năm 1850. Các ngành công nghiệp ở Pa ri hoạt động mạnh mẽ và các xưởng bông vải sợi ở Ru-ăng và ở Muyn-hau- den cũng hoạt động khá tốt, mặc dầu tại đó cũng bị giá nguyên liệu cao kìm hãm, giống như ở Anh. Ngoài ra, sự phồn thịnh ở Pháp còn được phát triển một cách thuận lợi đặc biệt nhờ sự cải cách rộng rãi các loại thuế ở Tây Ban Nha và việc hạ thuế quan ở Mê-hi-cô đối với các mặt hàng xa xỉ. Việc xuất khẩu hàng hóa Pháp sang hai thị trường đó tăng thêm rất nhiều. Số tư bản tăng thêm nhiều đã gây ra ở Pháp một loạt những hoạt động đầu cơ mà lý do là việc khai thác mỏ vàng trên một quy mô lớn tại Ca-li-phoóc-ni-a. Rất nhiều công ty xuất hiện, những cổ phần giá thấp và những quảng cáo mang màu sắc xã hội chủ nghĩa của các công ty này đã trực tiếp thu hút được tiền của những người tiểu tư sản và công nhân, nhưng xét cho cùng, tất cả các công ty ấy chẳng qua đều chỉ làm cái việc lừa đảo thuần túy, một đặc tính của người Pháp và người Trung Quốc. Một trong những công ty đó thậm chí lại được chính phủ trực tiếp bảo hộ. Trong chín tháng đầu của năm 1848, ở Pháp, số thuế nhập khẩu đã lên tới 63 triệu phrăng, của năm 1849 lên tới 95 triệu và của năm 1850 lên tới 93 triệu. Đến tháng Chín 1850, số thuế đó vẫn tiếp tục tăng lên hơn một triệu so với cùng tháng đó năm 1849. Lượng hàng xuất khẩu năm 1849 cũng tăng thêm và năm 1850 còn tăng nhiều hơn nữa.
Chứng cớ nổi bật của sự thịnh vượng lại được phục hồi là việc Ngân hàng Pháp khôi phục lại chế độ trả bằng tiền mặt, căn cứ theo đạo luật ngày 6 tháng Tám 1850. Trước kia, ngày 15 tháng Ba 1848, ngân hàng đã được phép đình chỉ việc trả bằng tiền mặt. Số lượng giấy bạc nằm trong lưu thông, kể cả của các ngân hàng địa phương, lúc bấy giờ lên tới 373 triệu phrăng (tức là 14.920.000 pao xtéc-linh). Ngày 2 tháng Mười một 1849, số đó lên tới 482 triệu phrăng hay 19.280.000 pao xtéc-linh, tức là tăng thêm 4.360.000 pao xtéc-linh; và ngày 2 tháng Chín 1850, lên tới 496 triệu phrăng hay 1.840.000 pao xtéc-linh, tức là tăng lên khoảng chừng 5 triệu pao xtéc-linh. Điều đó đã không làm cho giấy bạc ngân hàng bị mất giá đi chút nào; trái lại lưu thông ngày càng tăng của giấy bạc ngân hàng được kèm theo bằng một sự tích lũy ngày càng nhiều vàng bạc trong các hầm của ngân hàng, đến nỗi mà vào mùa hạ năm 1850 số dự trữ vàng bạc đã lên tới khoảng 14 triệu pao xtéc-linh, một con số chưa từng thấy đối với nước Pháp. Việc ngân hàng do đó có thể tăng lưu thông tiền của nó và do đó tăng tư bản hoạt động của nó, lên thêm 123 triệu phrăng, tức 5 triệu pao xtéc-linh, chứng minh một cách rõ rệt rằng chúng tôi đã có lý khi khẳng định trong một trong những số ra trước đây của tạp chí[2] rằng bọn quý tộc tài chính chẳng những đã không bị cách mạng đánh đổ, mà trái lại, còn được tăng cường thêm. Đoạn trình bày khái quát sau đây về pháp chế ngân hàng của nước Pháp trong những năm gần đây giúp ta thấy được rõ hơn nữa kết quả đó. Ngày 10 tháng Sáu 1847 ngân hàng được phép phát hành loại giấy bạc 200 phrăng. Từ trước tới nay loại giấy bạc ngân hàng nhỏ nhất là loại 500 phrăng. Một sắc lệnh ngày 15 tháng Ba 1848 tuyên bố rằng giấy bạc của Ngân hàng Pháp là phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời cho phép ngân hàng này không phải đổi các giấy bạc ngân hàng đó lấy tiền kim loại. Số lượng giấy bạc nó phát hành được hạn định là 350 triệu phrăng, đồng thời nó được phép phát hành loại giấy bạc 100 phrăng. Sắc lệnh ngày 27 tháng Tư ra lệnh hợp nhất các ngân hàng tỉnh với Ngân hàng Pháp; một sắc lệnh khác ngày 2 tháng Năm 1848 nâng khối lượng phát hành của nó lên 442 triệu phrăng. Sắc lệnh ngày 22 tháng Chạp 1849 nâng khối lượng phát hành giấy bạc tối đa lên 525 triệu phrăng. Cuối cùng, đạo luật ngày 6 tháng Tám 1850 khôi phục lại việc đổi giấy bạc ngân hàng lấy vàng bạc. Những sự việc đó, việc không ngừng tăng thêm khối lượng giấy bạc lưu thông, việc tập trung toàn bộ tín dụng của nước Pháp vào tay ngân hàng, và việc tích lũy tất cả số vàng và bạc toàn nước Pháp vào các hầm của ngân hàng đã dẫn ông Pru-đông đi đến kết luận rằng ngân hàng giờ đây phải lột bỏ cái xác rắn cũ kỹ của mình đi và biến thành một ngân hàng nhân dân kiểu Pru-đông[3]. Thực ra ông ta thậm chí chẳng cần phải biết lịch sử của những biện pháp hạn chế ngân hàng ở nước Anh từ năm 1797 đến năm 1819[4], ông ta chỉ cần nhìn qua con kênh là có thể thấy được rằng hiện tượng ấy, mà ông ta cho là chưa từng có trong lịch sử của xã hội tư sản chẳng qua chỉ là một hiện tượng tư sản hoàn toàn bình thường, chỉ có điều là bây giờ nó mới xảy ra lần đầu tiên ở Pháp. Chúng ta thấy rằng những nhà lý luận cách mạng giả hiệu đã từng nối gót chính phủ lâm thời lên giọng mô phạm ở Pa-ri, cũng đều không hiểu biết gì về bản chất và kết quả của những biện pháp đã được thi hành, hệt như các ngài trong bản thân chính phủ lâm thời vậy.
Mặc dù giờ đây có sự thịnh vượng công nghiệp và thương nghiệp ở nước Pháp, nhưng cái khối đông đảo trong dân cư, cái khối 25 triệu nông dân, vẫn chịu cảnh sa sút ghê gớm. Những vụ được mùa trong mấy năm gần đây đã làm cho giá cả ngũ cốc ở Pháp bị hạ thấp hơn ở Anh, và địa vị của người nông dân mắc nợ, bị nạn cho vay nặng lãi hút hết xương tủy, bị thuế má đè nặng, không thể coi là sáng sủa được. Nhưng, như lịch sử ba năm gần đây đã chứng minh khá rõ rằng giai cấp đó trong dân cư hoàn toàn không có khả năng nắm quyền chủ động cách mạng được.
Nếu thời kỳ khủng hoảng đã xẩy ra ở lục địa chậm hơn ở Anh, thì thời kỳ thịnh vượng cũng như vậy. Quá trình đầu tiên bao giờ cũng đều xảy ra ở Anh; nước Anh là kẻ sáng tạo ra thế giới tư sản ở lục địa, các giai đoạn chu kỳ, mà xã hội tư sản luôn luôn trải qua trải lại mãi, đang đi vào hình thức thứ hai và thứ ba của chúng. Một là, lục địa đã xuất khẩu sang Anh nhiều hơn là sang bất cứ một nước nào khác. Nhưng việc xuất khẩu như vậy sang Anh, bản thân nó, lại phụ thuộc vào tình hình nước Anh, đặc biệt là ở những thị trường bên kia đại dương. Rồi nước Anh xuất khẩu sang các nước bên kia đại dương nhiều hơn là toàn thể lục địa, thành thử số lượng hàng hóa xuất khẩu của lục địa sang các nước đó luôn luôn tùy thuộc vào sự xuất khẩu của nước Anh sang bên kia đại dương. Nếu do đó mà các cuộc khủng hoảng gây ra những cuộc cách mạng trước hết ở trên lục địa, thì nguyên nhân sinh ra những cuộc cách mạng này lại luôn luôn chính là ở Anh. Dĩ enhiên là trước lúc lan tới tim thì các cuộc bùng nổ dữ dội phải xảy ra ở tứ chi của cơ thể tư sản đã, vì ở tim khả năng giữ được thăng bằng có nhiều hơn là ở tứ chi. Mặt khác, mức độ của ảnh hường của các cuộc cách mạng ở lục địa đối với nước Anh cũng đồng thời là cái phong vũ biểu chỉ rõ rằng các cuộc cách mạng ấy đã thực sự đụng chạm đến các điều kiện tồn tại của chế độ tư sản đến mức độ nào, hoặc chỉ đụng chạm đến các thiết chế chính trị của chế độ tư sản đến mức độ nào.
Trong tình hình thịnh vượng chung đó, trong đó các lực lượng sản xuất của xã hội tư sản phát triển hết sức dồi dào trong chừng mực các mối quan hệ tư sản cho phép, thì không thể nói đến một cuộc cách mạng thực sự được. Một cuộc cách mạng như thế chỉ có thể nổ ra trong những thời kỳ mà hai yếu tố đó, lực lượng sản xuất hiện đại và hình thức sản xuất tư sản xung đột lẫn nhau. Các cuộc xung đột liên miên mà giờ đây những đại biểu của các bộ phận cá biệt trong đảng trật tự ở lục địa đang tiến hành và trong đó, những bộ phận ấy làm mất uy tín lẫn nhau thì quyết không thể dẫn đến những cuộc cách mạng mới; trái lại, những cuộc xung đột đó chỉ có thể xảy ra được chính là vì cơ sở của những mối quan hệ xã hội là tạm thời rất vững chắc, và - đây là điểm mà phe phản động không biết - là mang tính chất tư sản. Tất cả những mưu toan phản động nhằm cản trở sự phát triển của xã hội tư sản tất nhiên đều bị cơ sở đó làm cho tan vỡ như tất cả sự phẫn nộ có tính chất đạo đức và tất cả những lời tuyên bố nhiệt tình của phái dân chủ. Một cuộc cách mạng nói chỉ có thể nổ ra sau một cuộc khủng hoảng mới. Mà cả cuộc cách mạng mới lẫn cuộc khủng hoảng mới đều nhất định phải nổ ra.
Bây giờ chúng ta nói về nước Pháp.
Sau khi ép buộc phải tiến hành cuộc tuyển cử mới ngày 28 tháng Tư, nhân dân đã tự mình xóa bỏ thắng lợi mà trước đây họ đã giành được khi liên minh với giai cấp tiểu tư sản trong cuộc tuyển cử ngày 10 tháng Ba, Vi-đan không những đã trúng cử ở Pa-ri mà cả ở miền Hạ Ranh nữa. Uỷ ban Pa-ri vì có nhiều đại biểu của phái Núi và của giai cấp tiểu tư sản nên đã thúc ông ta thông qua quyền ủy trị của miền Hạ Ranh. Vì vậy, thắng lợi ngày 10 tháng Ba không còn có ý nghĩa quyết định nữa; một lần nữa người ta lại hoãn giờ phút quyết định lại, làm giảm tinh thần khẩn trương của nhân dân, Uỷ ban làm cho nhân dân quen với những thắng lợi hợp pháp chứ không phải là những thắng lợi cách mạng. Cuối cùng, ý nghĩa cách mạng của ngày 10 tháng Ba, tức là việc phục hồi lại cuộc khởi nghĩa tháng Sáu, đã hoàn toàn bị xóa bỏ bởi việc đưa O-gien Xuy- một nhà xã hội - ảo tưởng, một người tiểu tư sản đa cảm mà giai cấp vô sản quá lắm cũng chỉ có thể chấp nhận việc này như một trò vui để làm vừa lòng các cô gái đỏm dáng mà thôi, - ra ứng cử. Để đối phó với việc ứng cử có chủ ý này, đảng trật tự, được chính sách do dự của những địch thủ của họ khuyến khích, đã đưa ra một ứng cử viên tiêu biểu cho thắng lợi hồi tháng Sáu. ứng cử viên lố bịch đó là một ông chủ gia đình khắc khổ, tên là Lơ-cléc[5], nhưng báo chí đã lột bỏ dần dần từng mảnh chiếc áo giáp anh dũng của hắn ra và trong cuộc tuyển cử, hắn đã bị thất bại liểng xiểng. Thắng lợi mới trong cuộc tuyển cử ngày 28 tháng Tư đã cổ vũ phái Núi và giai cấp tiểu tư sản. Phái Núi reo mừng tưởng rằng có thể đạt được ý muốn của mình bằng con đường hoàn toàn hợp pháp mà không cần phải một lần nữa đẩy giai cấp vô sản lên hàng đầu bằng một cuộc cách mạng mới; nó tin chắc rằng, bằng chế độ phổ thông đầu phiếu trong cuộc tuyển cử mới năm 1852, họ sẽ đưa được ông Lơ-đruy-Rô-lanh lên ghế tổng thống và làm cho phái Núi chiếm được đa số trong Quốc hội. Qua những cuộc tuyển cử mới, qua việc đưa Xuy ra ứng cử và qua tâm trạng của phái Núi và giai cấp tiểu tư sản, đảng trật tự hoàn toàn tin chắc rằng trong tất cả mọi trường hợp, phái Núi và giai cấp tiểu tư sản đều quyết tâm giữ thái độ bình tĩnh, nên đảng này đã đáp lại hai thắng lợi trong tuyển cử bằng đạo luật tuyển cử hủy bỏ chế độ phổ thông đầu phiếu.
Chính phủ cố giữ cho mình khỏi phải chịu trách nhiệm về dự luật đó. Bề ngoài nó làm ra vẻ nhượng bộ phái đa số bằng cách giao việc dự thảo đó cho những người cầm đầu của phe đa số này, tức là cho mười bảy vị tướng giữ thành[6]. Như vậy là không phải chính phủ đã đề nghị với Quốc hội, mà chính phe đa số của Quốc hội đã tự đề nghị với mình là hủy bỏ chế độ phổ thông đầu phiếu.
Ngày 8 tháng Năm, dự luật được đưa ra nghị viện. Tất cả báo chí dân chủ - xã hội đều nhất trí khuyên dân chúng nên giữ thái độ xứng đáng, giữ đúng calme majestueux[7], nên ngồi yên chờ đợi và tin tưởng vào những đại biểu của mình. Mỗi một bài trên các báo chí này đều là một lời thú nhận rằng một cuộc cách mạng trước hết phải thủ tiêu cái gọi là báo chí cách mạng, cho nên vấn đề bây giờ là các báo chí ấy phải tự bảo toàn. Báo chí giả danh cách mạng đã để lộ toàn bộ cái bí mật của nó. Nó đã tự ký bản án tử hình của nó.
Ngày 21 tháng Năm, phái Núi đưa vấn đề ra thảo luận sơ bộ và đề nghị bác bỏ toàn bộ bản dự thảo, vì nó vi phạm hiến pháp. Đảng trật tự trả lời rằng người ta sẽ vi phạm hiến pháp nếu cần, nhưng bây giờ người ta không cần phải làm như thế, vì có thể giải thích bản hiến pháp như thế nào cũng được và chỉ có đa số mới có thẩm quyền quyết định cách giải thích nào là đúng mà thôi. Trước những sự công kích dữ dội, man rợ của Chi-e và Mông-ta-lăm-be, phái Núi giữ một thái độ nhân đạo đầy lễ độ và tỏ ra có giáo dục. Phái Núi đã viện đến cơ sở pháp lý; đảng trật tự liền vạch cho phái Núi thấy cái cơ sở đã sản sinh ra pháp luật tức là quyền sở hữu tư sản. Phái Núi buồn bã hỏi rằng có thực là người ta muốn gây ra một cuộc cách mạng với bất kỳ giá nào chăng. Đảng trật tự trả lời rằng ngườì ta đang chờ đợi các cuộc cách mạng đó.
Ngày 22 tháng Năm, vấn đề được giải quyết sơ bộ bằng 462 phiếu thuận và 227 phiếu chống. Những nhân vật đã từng chứng minh một cách cặn kẽ và trịnh trọng rằng Quốc hội và mỗi một nghị sĩ đã tự truất bỏ quyền đại biểu của mình khi họ phản bội nhân dân là người đã ủy quyền cho mình, thì vẫn cứ ngồi yên trên ghế của mình; và đột nhiên phó mặc cho cả nước hành động thay mình bằng cách đưa ra những bản thỉnh cầu. Họ vẫn thản nhiên, ung dung ngay cả vào ngày 31 tháng Năm khi đạo luật được thông qua rất dễ dàng. Họ tìm cách trả thù bằng một bản phản kháng viết theo thể biên bản trình bày rằng họ không có dính dáng gì đến việc vi phạm hiến pháp, nhưng họ đã không dám công khai đưa ra bản phản kháng này, mà lại lén lút luồn vào túi áo ngài chủ tịch Quốc hội.
Một đạo quân 150.000 người đóng ỡ Pa-ri, việc trì hoãn mãi giờ phút quyết định, việc khóa mồm khóa miệng báo chí, thái độ hèn nhát của phái Núi và của các đại biểu mới được bầu, thái độ bình tĩnh trang nghiêm của giai cấp tiểu tư sản, và nhất là sự phồn vinh thương nghiệp và công nghiệp, - tất cả những cái đó đã cản trở mọi mưu đồ cách mạng của giai cấp vô sản.
Chế độ phổ thông đầu phiếu đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Đa số nhân dân đã trải qua một trường đào tạo mà chỉ có chế độ phổ thông đầu phiếu mới có thể mang ý nghĩa quan trọng đối với trường đó vào thời đại cách mạng. Nó ắt sẽ bị một cuộc cách mạng hay bị thế lực phản động bãi bỏ.
Phái Núi còn biểu hiện nghị lực của mình nhiều hơn nữa nhân một sự cố xảy ra ít lâu sau đó. Trên diễn đàn nghị viện, bộ trưởng bộ chiến tranh là ô-pu-lơ đã gọi cuộc cách mạng tháng Hai là một tai họa bất hạnh. Các diễn giả của phái Núi vốn hay lớn tiếng hò hét ầm ĩ để biểu thị lòng công phẫn đạo đức của họ, thì lúc đó lại không được chủ tọa Đuy-panh cho phép phát biểu. Gi-rác-đanh liền đề nghị với phái Núi bỏ ngay phòng họp ra về tất cả. Kết quả là: phái Núi vẫn ngồi yên tại chỗ, còn Girác-đanh thì bị khai trừ khỏi phái Núi, vì bị coi là không xứng đáng.
Đạo luật tuyển cử còn cần có một đạo luật bổ sung nữa, một đạo luật mới về báo chí. Người ta chẳng phải chờ lâu. Một dự luật của chính phủ, do đảng trật tự đưa vào nhiều sửa đổi, đã tăng tiền ký quỹ lên, bắt các tiểu thuyết đang đăng trên báo phải chịu thêm thuế tem đặc biệt nữa (trả lời lại việc bầu O-gien Xuy), đánh thuế tất cả những tác phẩm phát hành hàng tuần hay hàng tháng và dày tới một số trang in nhất định vào đó, và cuối cùng quy định rằng mọi bài báo đều phải có chữ ký của tác giả. Những quy định về tiền ký quỹ đã giết chết cái gọi là báo chí cách mạng. Dân chúng coi sự diệt vong của các báo chí đó là sự báo ứng của việc hủy bỏ chế độ phổ thông đầu phiếu. Song cả ý đồ lẫn tác dụng của đạo luật mới đều không phải chỉ nhằm vào bộ phận báo chí đó mà thôi. Khi báo chí còn là vô danh thì nó được coi là cơ quan của dư luận xã hội đông đảo, vô danh; nó là quyền lực thứ ba trong nhà nước. Việc ký tên vào một bài báo làm cho tờ báo chỉ giản đơn trở thành một tập sưu tầm những tác phẩm văn học của những cá nhân ít nhiều có tên tuổi. Mỗi bài báo bị hạ thấp xuống ngang hàng một bản quảng cáo. Từ trước đến nay, báo chí được lưu hành như giấy bạc của dư luận công chúng, bây giờ nó chỉ còn là những hối phiếu ít nhiều đáng nghi ngờ mà giá trị và việc lưu hành còn tùy ở uy tín không những của người xuất phiếu mà cả của người ký ở mặt sau hối phiếu nữa. Báo chí của đảng trật tự không những đã cổ động cho việc hủy bỏ chế độ đầu phiếu phổ thông, mà còn cổ động cho việc thi hành những biện pháp hết sức cực đoan đối với loại báo chí "xấu". Tuy nhiên, chính ngay báo chí "tốt", với cái tính chất vô danh đáng lo ngại của nó, cũng không hợp khẩu vị của đảng trật tự và đặc biệt càng không hợp khẩu vị của những đại biểu của đảng đó ở địa phương. Thay cho báo chí đó, đảng trật tự muốn chỉ toàn là có những người viết thuê mà nó đều biết rõ tên tuổi, chỗ ở và diện mạo. Báo chí "tốt" đã than thở vô ích về sự vong ơn mà người ta đã dùng để đáp lại công lao của nó. Đạo luật vẫn được thông qua và chính cái yêu cầu về chữ ký bắt buộc đã đánh trước hết vào báo chí "tốt". Người ta biết khá nhiều tên tuổi của các nhà chính luận cộng hòa, nhưng các công ty đáng kính như "Journal des Débats", "Assembée Nationale"[8], "Constitutionnel"[9], v.v., với tài năng chính trị được quảng cáo rùm beng của chúng, liền lâm vào một tình trạng chẳng ra gì cả, khi cái đám người thần bí bỗng nhiên hiện ra thành những kẻ bị mua chuộc, penny-a-liners[10], những kẻ, trong thời gian hành nghề lâu dài của họ, đã quen ngửa tay nhận tiền để bênh vực bất cứ thứ lợi ích nào, như Gra-ni-ê đờ Cát-xa-nhắc chẳng hạn, hay thành những hạng giẻ rách tự phong cho mình là những chính khách, như Ca-pơ-phi-gơ, hay thành những tác giả bất tài hay làm dáng, như ông Lơ-moan-nơ ở báo "Débats".
Trong các cuộc tranh luận về đạo luật báo chí phái Núi đã rơi xuống một sự đồi bại đến nỗi chỉ biết vỗ tay hoan nghênh những áng văn tuyệt tác của một người có tiếng tăm cũ thời Lu-i Phi-líp, tức là ông Vích-to Huy.
Đạo luật tuyển cử và luật báo chí được thông qua, tức là đảng cách mạng và dân chủ không còn ở trên vũ đài quan phương nữa. Trước khi mau lẹ rút về vườn, thì ít lâu sau khi khóa họp bế mạc, hai phe cánh trong phái Núi, cánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và cánh xã hội chủ nghĩa dân chủ, đã tung ra hai bản tuyên ngôn, hai bản testimonia paupertatis[11], trong đó họ chứng minh rằng nếu quyền lực và thắng lợi không bao giờ ở về phía họ thì ít ra họ cũng đã luôn luôn đứng về phía chính nghĩa vĩnh viễn và về phía tất cả những chân lý vĩnh viễn khác[12].
Bây giờ, chúng ta nói đến đảng trật tự. Tạp chí "Neue heinische zeitung" viết trong số 3, tr.16 như sau: "Chống lại những tham vọng phục tích của phái Oóc-lê-ăng và phái chính thống liên minh với nhau là Bô-na-pác-tơ bảo vệ cơ sở pháp lý của quyền lực thực sự của hắn, tức là chế độ cộng hòa; chống lại những tham vọng phục tích của Bô-na-pác-tơ, là đảng trật tự bảo vệ cơ sở pháp lý của sự thống trị chung của đảng ấy, tức là chế độ cộng hòa; chống lại phái Oóc-lê-ăng là phái chính thống, chống lại phái chính thống là phái Oóc-lê-ăng bảo vệ cái status quo, tức là chế độ cộng hòa. Tất cả những phái đó trong đảng trật tự - mà mỗi phái đều ôm ấp in petto một ông vua của mình và đều muốn phục tích dòng vua của mình, - đồng thời để chống lại những tham vọng tiếm đoạt và nổi loạn của phe đối địch đều phải kiên trì sự thống trị chung của giai cấp tư sản, cái hình thức trong đó các tham vọng riêng của mỗi bên đều được trung hòa và được duy trì, đó là chế độ cộng hòa... Và khi Chi-e tuyên bố rằng: "Chính những người bảo hoàng chúng ta mới thật sự là những trụ cột của chế độ cộng hòa lập hiến"[13] thì hắn có ngờ đâu rằng lời hắn nói lại bao hàm biết bao chân lý.
Tấn hài kịch đó của những républicains malgré eux[14], hài kịch về sự phản kháng cái status quo[15] và sự củng cố thường xuyên chế độ đó; những cuộc đụng độ không ngừng giữa Bô-na-pác-tơ và Quốc hội; việc đảng trật tự luôn luôn đứng trước nguy cơ bị phân liệt ra thành từng bộ phận và việc luôn luôn có sự tập hợp nhau trở lại của các bộ phận của nó; mưu đồ của mỗi bộ phận muốn biến mỗi thắng lợi đối với kẻ thù chung thành một sự thất bại của những người bạn đồng minh tạm thời của mình; lòng ghen ghét, sự hiềm thù, những mưu hại lẫn nhau, tình trạng cứ luôn luôn giơ gươm ra với nhau để rồi lại tận cùng bằng baiserv Lamourette[16], - tất cả cái tấn hài kịch vô duyên, đầy sự lầm lẫn ấy chưa bao giờ được biểu diễn một cách điển hình như trong sáu tháng gần đây.
Đồng thời đảng trật tự cũng coi đạo luật tuyển cử là một thắng lợi chống Bô-na-pác-tơ. Chính phủ của Bô-na-pác-tơ phải chăng đã từ bỏ quyền lực của mình khi nó để cho tiểu ban mười bảy vị đảm đương việc thảo ra dự luật và chịu trách nhiệm về dự luật? Và chỗ dựa chủ yếu của Bô-na-pác-tơ đối với Quốc hội chẳng phải là ở chỗ hắn đã được sáu triệu cử tri bầu lên đó sao. - Về phần mình thì Bô-na-pác-tơ coi đạo luật tuyển cử là một sự nhượng bộ trước Quốc hội, một sự nhượng bộ mà nhờ đó hắn đã mua được sự hài hòa giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Để đòi tiền thù lao cho sự nhượng bộ đó, gã phiêu lưu ti tiện ấy yêu cầu tăng số lương của hắn lên thêm 3 triệu nữa. Liệu Quốc hội có quyền xung đột với cơ quan hành pháp khi mà Quốc hội đã tuyên bố rằng đa số nhân dân Pháp nằm ngoài vòng pháp luật, không. Quốc hội liền phát khùng lên; xem chúng nó quyết định dùng tới những biện pháp cực đoan nhất; tiểu ban của nó bác bỏ dự án; báo chí thuộc phái Bô-na-pác-tơ, đến lượt nó, đe dọa và nhắc đến nhân dân đã bị tước hết quyền, đã bị mất quyền bầu cử. Hàng loạt những mưu toan thương lượng ồn ào diễn ra; cuối cùng, về thực chất, Quốc hội đã nhượng bộ, nhưng đồng thời lại trả miếng về mặt nguyên tắc. Đáng lẽ về nguyên tắc phải tăng thêm số lượng hàng năm lên 3 triệu thì Quốc hội chỉ chuẩn y cho hắn một khoản trợ cấp một lần thôi là 2.160.000 phrăng. Nhưng vẫn chưa được vừa lòng, bản thân Quốc hội chỉ nhượng bộ như thế sau khi Săng-gác-ni-ê, viên tướng của đảng trật tự và là người bảo hộ mà người ta đã áp đặt cho Bô-na-pác-tơ, đã đứng ra ủng hộ sự nhượng bộ đó. Như vậy là nói cho đúng ra, Quốc hội đã chuẩn y hai triệu đó không phải cho Bô-na-pác-tơ, mà là cho Săng-gác-ni-ê.
Món quà mà người ta quẳng ra de mauvaise grâce[17] như thế được Bô-na-pác-tơ tiếp nhận một cách hoàn toàn đúng theo tinh thần của người tặng. Báo chí thuộc phái Bô-na-pác-tơ lại nổi lên công kích Quốc hội. Trong quá trình thảo luận đạo luật báo chí, khi người ta đưa ra đề án sửa đổi vấn đề buộc phải ký tên vào các bài báo nhằm trước hết chống các tờ báo thứ hạng đại diện cho lợi ích riêng của Bô-na-pác-tơ, thì cơ quan ngôn luận chủ yếu thuộc phái Bô-na-pác-tơ, tờ "Pouvoir"[18], liền công khai và kịch liệt công kích Quốc hội. Trước Quốc hội, các bộ trưởng đã phải không thừa nhận tờ báo đó; chủ nhiệm tờ "Pouvoir" bị gọi ra xét hỏi trước Quốc hội, và phải nộp một khoản tiền phạt nặng nhất là năm nghìn phrăng. Ngày hôm sau, tờ "Pouvoir" đã cho đăng một bài công kích Quốc hội còn hỗn xược hơn nữa và để trả thù, chính phủ liền truy tố một số tờ báo thuộc phái chính thống về tội vi phạm hiến pháp.
Cuối cùng, người ta đưa ra vấn đề hoãn ngày họp của nghị viện. Bô-na-pác-tơ muốn hoãn như vậy để có thể hành động mà không bị Quốc hội cản trở. Đảng trật tự muốn thế một phần để cho các bộ phận của mình có thể tiến hành các cuộc âm mưu của họ, một phần để cho các nghị sĩ có thể theo đuổi những lợi ích riêng của họ. Cả hai bên đều cần đến việc hoãn ngày họp của nghị viện để củng cố và khuếch trương những thắng lợi của thế lực phản động ở các tỉnh. Cho nên, Quốc hội đã hoãn họp từ 11 tháng Tám đến 11 tháng Mười một. Nhưng vì Bô-na-pác-tơ không hề giấu giếm rằng đối với y, cốt sao chỉ để thoát khỏi sự kiểm soát đáng ghét của Quốc hội, nên ngay trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã tỏ thái độ không tín nhiệm tổng thống. Trong ban thường trực gồm hai mươi tám ủy viên ở lại để làm người bảo vệ đức độ của chế độ cộng hòa khi Quốc hội nghỉ họp[19], người ta không thấy có người nào thuộc phái Bô-na-pác-tơ cả. Thay vào đó, người ta còn bầu đến cả một vài người cộng hòa của tờ "Siècle và tờ "National" để tỏ cho tổng thống biết rằng phe đa số vẫn thiết tha với chế độ cộng hòa lập hiến.
ít ngày trước khi và nhất là ngay lúc này đây sau khi đã hoãn ngày họp nghị viện, hai bộ phận lớn của đảng trật tự, phái Oóc-lê-ăng và phái chính thống, có vẻ như muốn hòa giải với nhau, bằng cách hợp nhất hai dòng vua mà dưới lá cờ của hai dòng đó, họ đã chiến đấu. Báo chí lúc này đăng đầy rẫy những đề nghị hòa giải đã từng được bàn cãi bên giường bệnh của Lu-i Phi-líp ở Xanh-Lê-ô-nác-xơ thì bỗng nhiên cái chết của Lu-i Phi-líp làm cho tình hình đơn giản hẳn đi. Lu-i Phi-líp là kẻ tiếm vị, Hăng-ri V là người bị cướp ngôi, còn bá tước Pa-ri, vì Hăng-ri V không có con, lại trở thành người kế vị hợp pháp. Bây giờ, mọi trở ngại cho sự hợp nhất của những lợi ích giữa hai triều đại đều đã tiêu tan. Nhưng chính chỉ đến lúc này, cả hai bộ phận trong giai cấp tư sản mới thấy rằng, rút cục, không phải sự nhiệt tình đối với một dòng vua nào đó đã làm cho họ chia rẽ nhau, mà trái lại, chính những lợi ích giai cấp khác nhau của họ đã làm cho hai triều vua xa cách nhau. Phái chính thống đã hành hương đến Vi-xba-đen để yết kiến Hăng-ri V, cũng như phe đối địch của họ đã đến Xanh-Lê-ô-nác -xơ, đã được tin ở đó rằng Lu-i Phi-líp chết. Họ liền thành lập một nội các, in partibus infidelium[20], chủ yếu là những ủy viên trong tiểu ban nói trên gồm những người bảo vệ đức độ của chế độ cộng hòa và nhân một vụ xung đột xảy ra trong đảng, nội các đó đã tuyên bố dứt khoát rằng quyền lực của nó là thiêng liêng. Phái Oóc-lê-ăng rất lấy làm thích thú về vụ tai tiếng ô danh mà bản tuyên ngôn đó[21] đã gây ra trên báo chí và họ đã không hề che giấu sự thù địch công khai của họ đối với phái chính thống.
Trong thời gian Quốc hội nghỉ họp thì các hội đồng hàng tỉnh đều họp. Đa số các hội đồng đó đều tán thành việc sửa đối hiến pháp - giới hạn trong ít nhiều những điều kiện quy định trước, nghĩa là tán thành khôi phục lại nền quân chủ, nhưng lại không quy định rõ hẳn ra, tán thành cách "giải quyết vấn đề", nhưng đồng thời lại thú nhận rằng họ không có đủ thẩm quyền và dũng khí để tìm ra cách giải quyết ấy. Bộ phận ủng hộ Bô-na-pác-tơ vội vã giải thích ngay rằng nguyện vọng muốn sửa đổi lại hiến pháp như thế có nghĩa là kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của Bô-na-pác-tơ.
Cách giải quyết chính đáng theo hiến pháp, tức là: Bô-na-pác-tơ phải thoái vị vào tháng Năm 1852, đồng thời toàn thể cử tri trong nước bầu ra một tổng thống mới; mấy tháng đầu sau khi tổng thống mới lên nhận chức, một nghị viện đặc biệt sửa đổi hiến pháp sẽ được cử ra để đảm nhiệm việc sửa đổi đó, - cách giải quyết như thế là không thể chấp nhận được đối với giai cấp thống trị. Ngày bầu cử tổng thống mới sẽ là ngày gặp gỡ của tất cả các đảng phái thù địch nhau: chính thống Oóc-lê-ăng, cộng hòa tư sản cách mạng. Do đó sẽ không tránh khỏi xảy ra cuộc xung đột bạo lực giữa các đảng phái. Dù cho đảng trật tự có đi đến chỗ thống nhất với nhau trong việc đề cử ra một nhân vật trung lập lấy ở ngoài các hoàng tộc đi nữa thì Bô-na-pác-tơ cũng chống lại nhân vật ấy. Trong cuộc đấu tranh của nó chống nhân dân đảng trật tự buộc phải không ngừng tăng thêm quyền hành pháp. Mà mỗi lần làm tăng thêm quyền hành pháp thì lại làm cho quyền lực của kẻ nắm quyền hành pháp là Bô-na-pác-tơ tăng thêm lên. Do đó, cùng với mỗi biện pháp nhằm tăng cường thêm quyền hành chung của mình lên, đảng trật tự càng làm tăng thêm những thủ đoạn đấu tranh của Bô-na-pác-tơ để thỏa mãn những tham vọng làm vua của mình, càng tạo thêm cơ hội cho hắn để, đến ngày giờ quyết định, hắn sẽ dùng bạo lực phá hoại cách giải quyết theo hiến pháp. Lúc đó, khi đấu tranh chống đảng trật tự, Bô-na-pác-tơ sẽ không ngần ngại gì mà không phá hoại một trong những cơ sở chủ yếu của hiến pháp, cũng như đảng trật tự, khi đấu tranh chống nhân dân, nó cũng không ngần ngại gì mà không phá hoại cái cơ sở kia của hiến pháp, tức là xóa bỏ quyền phổ thông đầu phiếu. Có thể hắn sẽ viện cả đến chế độ phổ thông đầu phiếu đế phản đối Quốc hội. Tóm lại, cách giải quyết theo hiến pháp sẽ đặt toàn bộ status quo chính trị thành vấn đề và đằng sau sự biến động của sattus quo đó, người tư sản cảm thấy cảnh hỗn độn tình trạng vô chính phủ và nội chiến. Y có cảm giác rằng đến ngày chủ nhật đầu tiên của tháng Năm 1852, các việc mua bán của y, các kỳ phiếu, các văn bản ký kết về hôn nhân, các giấy giao kèo, các văn tự cầm cố, các khoản địa tô tiền thuế nhà, lợi nhuận tất cả những khế ước và tất cả những nguồn thu nhập của y đều sẽ bị thành vấn đề, cho nên y không thể để cho mình mắc vào nguy cơ đó được. Đằng sau sự biến dạng dạng của status quo chính trị đã có sẵn cái nguy cơ sụp đổ của toàn bộ xã hội tư sản. Cách giải quyết duy nhất mà giai cấp tư sản có thể tiếp nhận được, là trì hoãn việc giải quyết. Giai cấp tư sản chỉ có thể cứu vãn chế độ cộng hòa lập hiến bằng cách vi phạm hiến pháp, bằng cách kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống. Đó cũng là tiếng nói cuối cùng mà sau khóa họp của các hội đồng hàng tỉnh, các báo chí thuộc đảng trật tự đã rút ra được qua những cuộc tranh luận kéo dài và sâu sắc về "biện pháp giải quyết". Như vậy cái đảng trật tự rất hùng mạnh đó đành lấy làm xấu hổ mà phải coi trọng cái nhân vật lố bịch, tầm thường và đáng ghét, mạo danh là Bô-na-pác-tơ ấy.
Nhân vật nhớp nhúa đó, đến lượt mình, cũng bị nhầm lẫn về những nguyên nhân thật sự đã khiến cho hắn ngày càng có tính cách một nhân vật tất yếu. Trong khi đảng của hắn còn đủ thông minh để nhận thấy rằng sở dĩ Bô-na-pác-tơ ngày càng trở nên quan trọng, đó là do hoàn cảnh tạo nên, thì hắn lại cho rằng đó chỉ là do tên tuổi hắn có một sức mạnh thần bí và do hắn đã luôn luôn bắt chước Na-pô-lê-ông. Càng ngày hắn càng táo gan hơn. Đối phó với những cuộc hành hương tới Xanh-Lê-ô-nác-xơ và ở Vi-xba-đen, hắn đã trả lời bằng các cuộc tuần du của hắn ở Pháp. Phái ủng hộ Bô-na-pác-tơ rất ít tin vào hiệu lực mầu nhiệm của con người hắn, nên bất cứ hắn đi đâu là họ cũng phải đi theo hắn như kẻ thuộc Hội ngày 10 tháng Chạp, một số tổ chức của giai cấp vô sản lưu manh Pa-ri, ngồi đầy cả tàu và xe trạm để hò hét hoan nghênh hắn. Họ mớm cho những con rối của họ những lời lẽ để tùy theo sự đón tiếp dành cho tổng thống ở các thành phố mà tuyên bố rằng châm ngôn tranh cử trong chính sách của tổng thống là hoặc nhẫn nhục theo lối cộng hòa, hoặc kiên trì bền bỉ. Mặc dù họ đã dùng tất cả các mánh khóe, nhưng các cuộc tuần du ấy cũng hoàn toàn chẳng phải là những cuộc diễu hành thắng lợi.
Sau khi tưởng rằng như vậy là đã làm nức lòng nhân dân, Bô-na-pác-tơ bắt đầu hoạt động tuyên truyền để tranh thủ quân đội. Hắn cho cử hành những cuộc duyệt binh lớn trong cánh đồng Xa-tô-ri gần Véc-xay; trong những cuộc duyệt binh đó, hắn tìm cách mua chuộc binh sĩ bằng món xúc xích ướp tỏi, rượu sâm banh và xì gà. Nếu trước kia, Na-pô-lê-ông chính cống trong những lúc mệt nhọc gian lao của những cuộc chinh phạt, đã biết cách khích lệ binh sĩ kiệt sức của mình bằng một thái độ thân mật nhất thời của người gia trưởng, thì ngày nay, Na-pô-lê-ông giả hiệu lại tưởng rằng quân đội đã cảm ơn hắn ta khi họ hô lớn: "Vive Napoléon, vive le saucisson?"[22], tức là: "Xúc xích muôn năm, thằng hề muôn năm!"[23].
Các cuộc duyệt binh đó đã làm bùng nổ mối bất hòa được che dấu từ lâu giữa một bên là Bô-na-pác-tơ và viên bộ trưởng bộ chiến tranh O-pu-lơ, với một bên là Săng-gác-ni-ê. Đảng trật tự coi Săng-gác-ni-ê là con người thật sự trung lập của họ; một con người đó không thể có những tham vọng riêng tư gì đối với ngôi vua cả. Chính đảng trật tự đã chỉ định Săng-gác-ni-ê làm người thừa kế Bô-na-pác-tơ. Hơn nữa Săng-gác-ni-ê do những hành vi can thiệp của hắn trong ngày 29 tháng Giêng và ngày 13 tháng Sáu 1849, nên đã trở thành nhân vật thống soái vĩ đại của đảng trật tự, trở thành một A-lếc-xan-đrơ hiện đại, kẻ mà người tư sản sợ sệt đã cho rằng sự can thiệp thô bạo của hắn đã xử trí nhanh chóng cuộc cách mạng. Về thực chất, cũng thảm hại như Bô-na-pác-tơ, Săng-gác-ni-ê đã nhờ những thủ đoạn rất rẻ tiền mà đã trở thành kẻ có thế lực, và Quốc hội đã dùng hắn để giám sát tổng thống. Chính Săng-gác-ni-ê cũng làm ra vẻ ta đây, - chẳng hạn như trong việc bàn về tiền lương cho tổng thống - giữ vai trò là người bảo hộ cho Bô-na-pác-tơ, và càng ngày càng đối xử một cách kiêu ngạo với Bô-na-pác-tơ và các bộ trưởng của Bô-na-pác-tơ. Khi nhân dịp công bố đạo luật về tuyển cử mới mà có nguy cơ nổ ra một cuộc khởi nghĩa thì hắn đã cấm các sĩ quan của mình tiếp nhận bất cứ mệnh lệnh nào của bộ trưởng bộ chiến tranh hay của tổng thống. Về phía mình, báo chí cũng góp phần đề cao cá nhân Săng-gác-ni-ê. Vì hoàn toàn thiếu những nhân vật kiệt xuất nên dĩ nhiên là đảng trật tự buộc phải quy cho độc một cá nhân cái sức mạnh mà toàn bộ giai cấp của họ đang thiếu, và bằng cách ấy thổi phồng cá nhân đó lên thành một người khổng lồ. Do đó đẻ ra câu chuyện hoang đường về Săng-gác-ni-ê, - "thành trì của xã hội". Thái độ khoe khoang khoác lác bộ điệu quan trọng bí hiểm của Săng-gác-ni-ê làm ra vẻ sẵn sàng gánh cả thế giới trên vai mình, là một sự tương phản hết sức lố bịch với những sự biến đã xảy ra trong và sau cuộc duyệt binh ở Xa-tô-ri. Nhưng sự kiện đó đã chứng minh một cách không thể chối cãi được rằng chỉ cần một nét bút của gã Bô-na-pác-tơ vô cùng nhỏ bé kia, là có thể hạ được cái sản phẩm ảo tưởng của cái tâm lý sợ hãi của giai cấp tư sản, tức là cái gã khổng lồ Săng-gác-ni-ê, xuống một tầm vóc tầm thường, và biến hắn từ chỗ là một người anh hùng cứu vớt xã hội thành một viên tướng về hưu.
Đã có lần, Bô-na-pác-tơ đã trả thù Săng-gác-ni-ê bằng cách khích bộ trưởng bộ chiến tranh kiếm chuyện trên phương diện kỷ luật với cái gã bảo hộ thật là khó chịu đối với hắn. Cuối cùng, cuộc duyệt binh mới đây ở Xa-tô-ri đã làm bùng nổ mối hằn thù cũ. Sự phẫn nộ của Săng-gác-ni-ê đối với việc chống đối hiến pháp đã không còn có giới hạn nữa khi thấy các trung đoàn kỵ binh diễu qua trước mắt Bô-na-pác-tơ với cái khẩu hiệu phản hiến pháp: "Vive l' empereur![24]. Đề phòng trước mọi sự tranh cãi không hay tại khóa họp sắp tới của nghị viện về khẩu hiệu đó, Bô-na-pác-tơ liền đẩy bộ trưởng bộ chiến tranh ô-pu-lơ đi xa bằng cách cử y sang làm thống đốc ở An-giê-ri. Thay ô-pu-lơ, Bô-na-pác-tơ đưa lên một ông tướng già hết sức được tin cậy của thời đế chế, một viên tướng không kém gì Săng-gác-ni-ê về tính thô bỉ. Nhưng để cho việc đẩy ô-pu-lơ đi không phải là một sự nhượng bộ Săng-gác-ni-ê, Bô-na-pác-tơ đã đồng thời đổi tướng Nơ-may-ơ, cánh tay phải của vị cựu tinh vĩ đại của xã hội, từ Pa-ri đi Nan-tơ. Chính Nơ-may-ơ là người trong cuộc duyệt binh vừa qua đã thuyết phục toàn bộ lục quân giữ một thái độ im lặng lạnh lùng khi diễu qua trước mặt người kế nghiệp của Na-pô-lê-ông. Thấy mình bị đả trong chính vụ Nơ-may-ơ, Săng-gác-ni-ê đã phản kháng và đe dọa. Nhưng vô hiệu! Sau hai ngày thương lượng, sắc lệnh đổi Nơ-may-ơ được đăng trên tờ "Moniteur" và vị anh hùng của đảng trật tự chỉ còn có việc hoặc là phục tùng kỷ luật, hoặc từ chức mà thôi.
Cuộc đấu tranh của Bô-na-pác-tơ chống Săng-gác-ni-ê là sự kế tục của cuộc đấu tranh của hắn chống đảng trật tự. Cho nên khóa họp mới của Quốc hội vào ngày 11 tháng Mười một có những triệu chứng báo trước những điều chẳng lành. Nhưng đó sẽ là cơn bão trong một cốc nước mà thôi. Nói chung, vẫn chỉ tiếp tục diễn lại cái trò cũ. Nhưng bất chấp những kẻ bảo vệ trật tự thuộc các phái của đảng trật tự ra sức kêu gào, đa số trong đảng trật tự vẫn sẽ buộc phải kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống. Còn Bô-na-pác-tơ thì mặc dù cũng đã phản kháng trước mãi rồi, nhưng vì thiếu tiền quá nên phải ngậm miệng mà nhận lấy từ tay Quốc hội việc kéo dài nhiệm kỳ đó dưới hình thức giản đơn là ủy quyền. Như vậy là biện pháp giải quyết đã được trì hoãn, status quo vẫn được duy trì; một bộ phận của đảng trật tự bị một bộ phận kia làm cho mất tín nhiệm, suy yếu đi và không thể làm gì được; việc đàn áp chống kẻ thù chung, tức là chống cả dân tộc, được mở rộng và dấy lên cùng cực, cuối cùng đến mức mà rốt cuộc chính ngay các quan hệ kinh tế lại một lần nữa đạt tới một trình độ phát triển, trong đó một cuộc bùng nổ mới sẽ làm tiêu tan tất cả các đảng phái kình địch nhau đó cùng với chế độ cộng hòa lập hiến của chúng.
Vả lại, để cho người tư sản yên tâm thì cũng cần phải nói thêm rằng cuộc xô xát giữa Bô-na-pác-tơ và đảng trật tư đã đem lại kết quả là làm phá sản rất nhiều nhà tư bản nhỏ tại sở giao dịch và làm cho tư bản của họ chạy vào túi bọn chó sói lớn ở sở giao dịch.
----------
Chú thích
[1].Đoạn mở đầu này do Ăng-ghen viết cho lần xuất bản năm 1895.
[2].Xem tập này, tr. 107-113.
[3].Quan điểm của Pru-đông đưa ra trong bài bút chiến chống nhà kinh tế tư sản Ph. Ba-xti-a, bài này được đăng trên những trang báo "Voix du Peuple" ("Tiếng nói của nhân dân") từ tháng Mười một 1849 đến tháng Hai 1850. Bài bút chiến này được in lại thành tập riêng, xuất bản ở Pa-ri năm 1850 dưới nhan đề: "Gratuité du crédit. Discussion entre m. Fr. Bastiat et m. Proudhon" ("Tín dụng cho không. Cuộc tranh luận giữa ngày Ph. Ba-xti-a và ngày Pru-đông"). - 135.
[4].Năm 1797, Chính phủ Anh ra một sắc lệnh đặc biệt về việc hạn chế ngân hàng (thu hẹp), sắc lệnh này quy định giá hối đoái cưỡng bức cho giấy bạc ngân hàng và huỷ bỏ việc đổi giấy bạc ngân hàng lấy vàng. Việc đổi giấy bạc ngân hàng lấy vàng mãi đến năm 1819 mới được khôi phục lại. - 135.
[5].Đây là nói về một thương gia người Pa-ri là A-lếch- xăng-đrơ Lơ-cléc, người đã được thưởng huy chương Bắc đẩu bội tinh vì đã cùng với các con mình tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa tháng Sáu 1848 với tư cách là lính cận vệ quốc gia. - 138.
[6].Đây là nói đến uỷ ban gồm 17 người thuộc phái Oóc-lê-ăng và phái chính thống là những nghị sĩ của Quốc hội lập pháp, do bộ trưởng Bộ nội vụ chỉ định ngày 1 tháng Năm 1850 để soạn thảo đạo luật tuyển cử mới. Để ám chỉ những tham vọng cướp chính quyền vô lý và những ý đồ phản động của những kẻ theo phái quân chủ này, người ta đặt tên cho các uỷ viên của uỷ ban là những viên tổng trấn; tên gọi mỉa mai đó lấy từ vở kịch lịch sử cùng tên của V. Huy-gô. - 138.
[7].Thái độ bình tĩnh trang nghiêm.
[8]."L' Assemblée nationale" ("Quốc hội") - tờ nhật báo Pháp của phái chính thống - quân chủ, xuất bản ở Pa-ri từ năm 1848 đến năm 1857. Trong những năm 1848 - 1851, tờ báo phản ánh những quan điểm của những người tán thành hợp nhất hai phái của triều đại là phái chính thống và phái Oóc-lê-ăng. - 141.
[9]."Le Constitutionnel" ("Người lập hiến") - tờ nhật báo tư sản Pháp; xuất bản ở Pa-ri từ năm 1815 đến năm 1870; trong những năm 40 là cơ quan ngôn luận của cánh ôn hoà thuộc phái Oóc-lê-ăng; trong thời kỳ cách mạng năm 1848, tờ báo phản ánh những quan điểm của giai cấp tư sản phản cách mạng tập hợp xung quanh Chi-e; sau cuộc đảo chính tháng Chạp 1851, báo thuộc phái Bô-na-pác-tơ. - 141.
[10].Tính tiền theo số dòng
[11].Giấy chứng nhận sự bần cùng.
[12].Đây là nói đến hai văn kiện: "Báo cáo của phái Núi với nhân dân" đăng trên báo "Peuple de 1850" ("Nhân dân năm 1850"), số 6, ngày 11 tháng Tám 1850, và lời kêu gọi "Gửi nhân dân" cũng đăng trên báo đó số 7, ngày 14 tháng Tám 1850. - 142.
[13].Xem tập này, tr. 108.
[14].Những người cộng hoà bất đắc sĩ (ám chỉ vở hài kịch của Mô-li-e "Thầy thuốc bất đắc dĩ")
[15].Chế độ hiện hành.
[16]. Baiser Lamourette (cái hôn của La-mu-rét) - là ám chỉ một sự kiện nổi tiếng trong thời kỳ cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII. Ngày 7 tháng Bảy 1792, một nghị sĩ của Quốc hội lập pháp là La-mu-rét đã yêu cầu chấm dứt tất cả những cuộc phân tranh giữa các đảng bằng một cái hôn hữu nghị. Theo lời đề nghị đó, các đại biểu của các đảng đối địch nhau đã ôm hôn nhau, nhưng, quả là như đã chờ đợi, ngay ngày hôm sau, người ta đã hoàn toàn quên đi "cái hôn hữu nghị" giả tạo đó. - 142.
[17].Một cách miễn cưỡng.
[18]."Le Pouvoir" ("Quyền lực") - cơ quan ngôn luận của phái Bô-na-pác-tơ xuất bản ở Pa-ri năm 1849. - 144.
[19].Theo điều khoản 32 của hiến pháp nước Cộng hoà Pháp, một uỷ ban thường trực được chỉ định ra để giải quyết công việc trong những kỳ nghỉ của Quốc hội lập pháp. Uỷ ban này bao gồm 25 thành viên đã được lựa chọn, cùng với ban thường vụ của Quốc hội. Năm 1850, trên thực tế, uỷ ban này gồm 39 người: 11 thành viên ban thường vụ, 3 cục trưởng và 25 thành viên được lựa chọn. - 144.
[20].. In partibus infidelium (theo đúng nguyên văn: "trong các xứ sở của những kẻ vô đạo") là những chữ đi kèm với tước hàm của các giáo chủ theo đạo Thiên chúa được bổ nhiệm với những chức vụ đơn thuần về mặt danh nghĩa ở những nước không theo đạo Cơ Đốc. Mác và Ăng-ghen thường dùng những chữ này để chỉ những chính phủ lưu vong được thành lập ở nước ngoaì, không quan tâm đến hoàn cảnh thực tế ở trong nước. Trong trường hợp này nói về nội các được sắp đặt sẵn trong trường hợp bá tước Săm-bo là người rắp ranh của phái chính thống lên nắm chính quyền, nội các gồm có đơ Lê-vi-xơ, Xen- Pri- xtơ, Be-ri-e, Pa-xto-rơ và D’E-xca-rơ. - 145.
[21].Đây là nói đến cái gọi là "tuyên ngôn Vi-xba-đen", một thông tri, do thư ký của phái chính thống trong Quốc hội lập pháp là Đơ Bác-tê-lê-mi thảo ra ngày 30 tháng Tám 1850 ở Vi-xba-đen theo sự uỷ nhiệm của bá tước Săm-bo. Bản thông tri này quy định chính sách của phái chính thống trong trường hợp phái này lên nắm chính quyền; bá tước Săm-bo tuyên bố rằng ông ta "chính thức và dứt khoát bác bỏ bất kỳ sự kêu gọi nào đối với nhân dân, bởi vì kêu gọi như vậy có nghĩa là từ bỏ nguyên tắc mang tính dân tộc vĩ đại của chế độ quân chủ thế tập". Tuyên bố này đã gây nên một cuộc luận chiến trên các báo chí nhân có sự phản kháng của một loạt những người theo phái quân chủ đứng đầu là nghị sĩ La-rô-sơ-giắc-cơ-lanh. - 145.
[22]."Na-pô-lê-ông muôn năm, xúc xích muôn năm!"
[23].Chơi chữ trong bản tiếng Đức: "Wurst" có nghĩa là "xúc xích", chữ "Hanswurst" có nghĩa là "thằng hề".
[24]."Hoàng đế muôn năm".
Hết