Phần 26 - 27
Tác giả: Kazimierz Korkozowicz
- Nào ta nhắc lại từ đầu một lần nữa nhé. Vưđ-ma đề nghị ông gác đêm – Bác kể lại đi, bác và ông cụ Bê-let-xki nói gì với nhau nào? Ông vào phòng bác đúng lúc hai mươi hai giờ mười phút… Rồi sao nữa?
- Thưa ông thiếu tá… - ông gác đêm thở dài – thì tôi đã kể với ông bao nhiêu lần rồi đấy thôi. Việc gì phải nhắc lại từ đầu mãi vậy.
- Có khi còn phải nhắc lại mấy chục bận nữa ấy chứ, bác La-bu-xơ ạ. Cho đến khi bác nhớ lại hết mọi chi tiết mới thôi kia. Bác nhớ không nào, lúc đầu bác bảo Bê-let-xki đứng lại chỉ vài giây, sau bác bảo đến mấy phút. Còn Gher-man thì lúc đầu bác bảo chỉ đứng nói chuyện, sau bác lại nói ngồi xuống chỗ bác hàng phút đồng hồ… Nhưng sự thật là thế nào?
- Những khoản đó quan trọng đến thế kia à? Ông cứ bắt bẻ tôi hoài. Làm sao một lúc mà lại nhớ được ngay tất cả, đúng như ông muốn được?
- Bây giờ thì bác hiểu rồi phải không nào? Mọi chi tiết lặt vặt, công an chúng tôi đều coi trọng. Thành ra, ta chỉ còn cách bắt đầu lại từ đầu. Bác tưởng tôi không ngấy đến tận cổ những lời khai lằng nhằng của bác rồi sao. Có điều ta vẫn chưa thể chấm dứt được, chừng nào bác còn chưa hết lúng ba lúng búng lúc khai báo.
- Tôi lúng búng gì đâu kia chứ? Ông cứ thử ở địa vị của tôi xem nào! – bác gác đêm đấm ngực thùm thụp.
- Dẫu sao, tôi vẫn phải moi cho bằng hết mọi sự thật nơi bác. Nếu không, bác với tôi sẽ cứ phải ngồi đây cho đến sáng mai. Tôi bắt đầu hiểu ra được đôi chút rồi đấy, tôi sẽ phụ giúp thêm cho bác nhé. Thôi, đề nghị bác bắt đầu lại từ đầu đi. Cụ Bê-let-xki đi ngang qua chỗ bác lúc hai mươi hai giờ mười phút, đúng thế chứ?
- Vâng, đúng thế.
- Rồi sao nữa? Bác kể tiếp đi.
Ông gác đêm vặn vẹo người một lúc rồi lặp lại những điều đã khai.
- Cụ Bê-let-xki bảo tôi thế này: “Ông La-bu-xơ ơi, tôi đã xong việc rồi đấy, còn bác thì cứ phải ngồi đây đến tận sáng nhỉ?”. Ông cụ dừng lại, nhìn chiếc đồng hồ trên tường. Tôi cũng ngước lên vì thế tôi mới nhớ đích xác lúc mấy giờ.
- Ông cụ đứng ở chỗ nào?
- Ở cạnh cái bàn, đặt bên lối đi, ngay dưới chiếc đồng hồ.
- Lúc ấy bác đang làm gì? Đứng một chỗ hay đi đi lại lại? bác kể tiếp đi…
- Tôi ngồi sau bàn, ăn tối. Tôi mang sẵn theo. Nhà tôi bao giờ cũng để dành cho ít đồ ăn và trao cho tôi chiếc cặp lồng khi tôi đi làm ca đêm. Chả là tôi quen ăn muộn mà.
- Thế hôm ấy bác gái bới cho những gì ạ?
- Tôi đã nói rồi thôi: súp đậu với ít bánh mì. Cụ Bê-let-xki vào đúng lúc tôi đang ngồi ăn.
- Chiếc cặp lồng loại nào ấy nhỉ? Loại của bộ đội vẫn hay dùng phải không ạ?
- Đúng loại ấy đấy, có hai ngăn. Để khi cần có thể mang được hai món. Nhưng hôm ấy vợ tôi chỉ cho mấy khoanh bánh vào ngăn dưới.
- Ta hãy trở lại câu chuyện cụ Bê-let-xki thôi. Rồi, sao nữa nào?
- Ông cụ dừng lại. Thấy tôi ngồi nhai bánh mì với súp, cụ ấy bàn bảo: “Chúc bác ngon miệng, bác La-bu-xơ nhé. Tôi về đây, còn bác lại phải ngồi cho đến sáng…”. Rồi nhìn đồng hồ. Cả tôi nữa, tôi cũng ngẩng lên xem mấy giờ. Ông cụ hỏi tiếp thế này: “Xúp ngon đấy chứ bác? Bà xã chắc nấu bằng sườn lợn phỏng?”. Tôi đáp: làm gì phong lưu thế, nhưng cũng ngon… Nghe vậy, ông cụ liền dặn thêm: “Bác đừng có ăn no quá, kẻo lại đâm buồn ngủ thì khốn to”. Tôi chưa kịp trả lời thì ông cụ đã cười xòa. Rồi vẫn cười to như thế, ông cụ bỏ đi. Tôi nghe có tiếng cọt kẹt khẽ trước cổng.
- Lúc ấy có ai khác cạnh đó không?
- Không, chỉ hai chúng tôi thôi…
Ông gác đêm lặng thinh và e dè ngước nhìn Vưđ-ma.
- Sao bác lại im lặng, kể tiếp đi chứ. Thế là cụ Bê-let-xki ra về, rồi sao nữa?
- Sau đó, chẳng có gì xảy ra nữa. Tôi vừa ăn xong thì Gher-man tới. Ông ấy là đội phó bảo vệ nên phải đi kiểm tra các trạm gác. Tôi vừa kịp cất mấy ngăn cặp lồng thì ông ấy vào, ngó ngó dòm dòm xung quanh rồi hỏi: “Chỗ anh thế nào? Yên tĩnh cả chứ?”. Tôi bảo là yên ổn, chứ còn muốn gì nữa hả? Nghe thế, ông ta nhắc để tôi canh gác: trong tủ két còn cả một lô tiền đấy, chuyện ấy thì tôi cũng biét, chẳng cần ôpng nhắc. Tôi đáp rằng tôi hiểu phải canh gác ra sao rồi.
- Hai người trò chuyện ở tư thế nào? Đứng hả?
- Gher-man ngồi xuống bênh cạnh và chúng tôi châm thuốc hút.
- Thế ông ấy ngồi có lâu không? Lúc nào thì đứng dậy đi chỗ khác?
- Chỉ hút hết điếu thuốc thôi. Rồi ông ấy nhắc lại lần nữa: đừng có ngủ đấy. Xong đi ra.
- Thuốc hai người hút là của ai? Ông ta mời bác hay bác mời ông ta?
- Tôi không nhớ rõ lắm – ông gác ra dáng nghĩ ngợi – hình như ông ấy mời tôi…
- Gher-man đi rồi thì bác làm gì?
- Cũng như mọi lần thôi: canh gác chứ còn làm gì nữa? Tôi đi quanh nhà một vòng, nhìn ra ngoài phố rồi theo cửa kia ra sân. Bốn bề đều yên ắng. Thế là tôi ngồi xuống, đọc báo một lúc. Tôi đã quen việc lắm rồi nên không thấy sốt ruột lúc phải ngồi không. Tôi cứ ngồi thế cho đến tận sáng. Nhưng đến đầu giờ thì cả nhà máy cuống cả lên vì cái vụ mất trộm.
Vưđ-ma không rời mắt khỏi ông gác đêm:
- Hết rồi à?
- Thế ông bảo còn gì nữa nào? Tôi đã kể thành thật như là xưng tội vậy đấy.
- Bác xưng tội thế kể cũng tạm cho là được đi, bác La-bu-xơ ạ. Nhưng bác có thấy là bác đã chước bớt tội lỗi đi không ấy nhỉ?
- Tôi ấy ư? Chước bớt? Thế phải xưng thế nào kia mới được? – ông cụ gác đêm giận dỗi một cách hết sức thật lòng.
- Bác không muốn thú nhận là sau khi Gher-man ra ngoài, bác đã ngủ thiếp đi. Đến cả ba tiếng đồng hồ kia đấy.
Ông gác há hốc mồm, toan nói gì đó nhưng lại nín thinh, sợ hãi nhìn chằm chằm vào cặp mắt của Vưđ-ma. Phản ứng của ông ta chẳng có gì là khó hiểu. Rõ ràng ông muốn chối phăng hết thảy nhưng chỉ lầu bầu những lời không mạch lạc:
- Tôi… không bao giờ như thế… trong đời đâu… ông thiếu tá ạ. Thề có Chúa chứng giám là tôi không ngủ một chút nào
Thiếu tá ngắt lời ông ta một cách chẳng lịch lãm mấy, cốt làm tiêu tan hết mọi 1y định bướng bỉnh còn sót lại nơi ông gác đêm.
- Bác đừng chối nữa. Tôi thì nát óc điều tra vụ án mạng, còn bác thì lúc nào cũng chực bịp tôi. Nếu bác không ngủ gật thì có nghĩa là bác đã thông đồng với bọn giết người, chứ bọn chúng không thể tự dưng rơi từ trên trời xuống tòa nhà kia được. Không khai thác được những lời nói thật thà của bác thì tôi buộc lòng phải ra lệnh bắt giam để bác ngồi trong tù mà nhớ lại cho bằng hết những gì bác biết. Ngoài ra, tôi cũng xin lưu ý bác về trách nhiệm hình sự với tội khai man nữa.
Ông gác đêm cúi gằm.
- Thế nào? Hoặc là bác phải khai hết những gì xảy ra… hoặc là… - Vưđ-ma ngừng lại giữa chừng câu nói
- Thôi, muốn ra sao thì ra… ban giám đốc mà biết chắc Gher-man cũng không tha thứ cho tôi chuyện này đâu… Chẳng biết tại sao, nhưng quả tình tôi đã ngủ thíêp đi… Đó là lần đầu tiên trong đời đấy ạ, kể từ khi tôi làm nghề này. Ông muốn tin tôi hay không, cái đó tùy…
- Bác ngủ có lâu không?
- Chừng ba tiếng, có lẽ thế…
- Thôi được, lúc thức dậy, bác có xem đồng hồ không?
- Có ạ. Gần hai giờ sáng.
- Tỉnh dậy, bác thấy trong người ra sao? Chắc tỉnh táo, khỏe khoắn lắm nhỉ?
- Ồ không, hoàn toàn ngược lại. Người đau như dần, vì tôi ngủ ngồi, đầu gục trên bàn. Đầu óc như mụ cả đi, chẳng còn nhớ được gì nữa hết. Tôi phải uống mấy cốc nước mới thấy dễ chịu đôi chút.
- Tại sao bác bảo là Gher-man sẽ không tha thứ cho bác chuyện đó?
- Sáng hôm sau, ông ấy hỏi tôi có vô tình ngủ gật tí nào không? Tôi thề là không chợp mắt một giây nào. Ông ấy không thể nào chịu nổi khi có người toan lừa gạt ông ấy đâu.
- Chịu nổi hay không chịu nổi, chuyện đó cứ mặc ông ta. Cái chính là bác phải nói thật chứ.
Vưđ-ma cho La-bu-xơ ra về, rồi gọi điện ngay sang trực ban
- Có tin gì mới không? – anh hỏi
- Không, thiếu tá ạ. Êm thấm hoàn toàn. Đang theo dõi căn nhà.
- Đặn họ là phải báo cáo ngay không chậm trễ những biến đổi dù là nhỏ nhất và hoàn toàn chẳng quan trọng gì hết đấy nhé.
- Họ đã được chỉ thị cả rồi ạ.
- Cảm ơn. Tôi đang ở tại văn phòng…
Vưđ-ma đặt ống nghe xuống và cho mời Gher-man vào. Anh chăm chú nhìn người gác đêm bằng cặp mắt dò xét nhưng mặt ông ta với hai hốc má hõm sâu, cái mũi to bè, dài ngoẵng khoằm xuống tận cặp môi mỏnh dính bé tẹo như môi con nít – không hề để lộ một tí nào vẻ hồi hộp cả. Ông ta ngồi xuống chiếc ghé Vưđ-ma chỉ cho rồi đưa tay lên vuốt mớ tóc lưa thưa màu vàng nhạt, đã chớm bạc giắt hờ hững trên lớp da đầu nhẵn bóng, khai họ tên và thản nhiên chờ câu hỏi.
- Ông là đội phó bảo vệ? – Vưđ-ma hỏi, mắt khọng rời Gher-man.
- Đúng thế, thưa đồng chí thiếu tá, nhưng đồng thời, tôi kiêm luôn cả việc gác đêm.
- Nhiệm vụ của đội phó gồm những gì?
- Tôi chỉ khác người gác đêm bình thường là phải kiểm tra, đôn đốc thêm anh em bảo vệ khi canh gác. Có khi, phải ký vài thứ giấy tờ nhưng phải năm thì mười họa mới có một lần…
- Còn việc đốc thúc chuyện canh phòng thì sao?
- Khoản này thì phải làm thường xuyên. Dĩ nhiên chỉ làm những hôm gặp phiên trực. Còn ông đội trưởng thì thỉnh thoảng mới đến kiểm tra cánh gác đêm.
- Ông kể rõ xem: tình hình phiên trực đêm ấy ra sao? Cái đêm nhà máy bị mất trộm ấy. Chắc ông có đi kiểm tra các nhân viên của ông chứ?
- Dĩ nhiên. Trước lúc bị bọn chúng tiến công, tôi có ghé vào trạm gác đặt trên lối đi từ phòng hành chính ra cổng phụ, một lần. Cũng có đến một trạm khác đặt trong khuôn viên nhà máy nữa.
- Ông đến cái trạm gác đặt trong tòa nhà của hành chính lúc mấy giờ?
Gher-man nhìn ra cửa sổ, ngẫm nghĩ mất một lúc.
- Hình như sau mười giờ.
- Gặp ai ở đó?
- Chỉ có La-bu-xơ thôi. Hôm ấy ông ta trực tại trạm ấy.
- Không còn một ai khác nữa chứ?
- Vâng, chỉ một mình La-bu-xơ thôi.
- Ông ấy đang làm gì? Có ngủ gật không?
- Không, ông ấy vừa ăn tối xong, đang thu dọn mấy cái ngăn cặp lồng.
- Hôm ấy ông La-bu-xơ ăn món gì?
- Hình như súp thì phải – giọng của Gher-man thoáng chút ngạc nhiên.
- Các ông trò chuyện gì với nhau hôm ấy?
- Bây giờ khó nhớ lại lắm ạ - Gher-man càng ngạc nhiên hơn, nhìn chằm chằm vào mắt thiếu tá – Dăm câu vớ vẩn gì đó. Nên quên ngay cả đi rồi.
Thiếu tá cười khẩy
- Hẵng cứ cho thế đi. Thế hai người nòi chuyện với nhau bao lâu?
- Chỉ mươi phút là cùng.
- Bây giờ, anh kể thật tỉ mì đi: trong lúc trò chuyện đó, ông La-bu-xơ làm gì và ông làm gì?
Bây giờ đến lượt Gher-man cười khẩy, môi cong lên, ra cách bảo: ông thiếu tá này toàn tò mò những chuyện không đâu. Tuy thế, ông ta vẫn lấy vẻ nghiêm nghị kể tiếp:
- La-bu-xơ đứng bên chiếc bàn trực thu dọn mấy cái ngăn cặp lồng. Tôi lại gần, đẩy mấy cái thứ đó ra rồi ngồi xuống chiếc ghế đẩu bên cạnh. Ông ấy cũng ngồi ngay xuống móc trong túi ra mấy điếu thuốc, châm lửa hút, sau khi ăn xong bữa tối. Tôi cũng hút luôn.
- La-bu-xơ lấy thuốc ra hay ông lấy ra?
Gher-man ném lên thiếu tá một cái nhìn vội vã, tỏ vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi ấy, vì không thể nào ngờ được rằng ông ta đã nói như thế mà thiếu tá còn hỏi một câu như vậy.
- Ồ, dĩ nhiên là ông ấy móc thuốc ra – Gher-man nhắc lại với một giọng đầy tự tin – Thậm chí tôi còn nhớ là ông ấy đánh diêm, chìa cho tôi châm nữa kia. Nếu tôi đã mời, thì việc gì tôi lại phải chờ ông ấy đưa diêm cho.
- Ông quả là một nhà tâm lý cừ khôi – Vưđ-ma khen, giọng dửng dưng – Ông kể tiếp đi. Hai người hút thuốc có lâu không?
- Chừng mươi phút.
- Sau đó, sao nữa?
- Sau đó ư? Tôi trở về trạm của tôi, thế thôi. Còn nếu kể lại chuyện tôi bị tiến công thì…
- Điểm này tôi đã có những bằng cứ xác đáng dựa trên lời khai của ông rồi. Hôm nay, tạm dừng ở đây nhé. Cảm ơn ông.
Vì chiếc máy điện thoại trước mặt vẫn nằm im nên Vưđ-ma cho mời cụ thủ quỹ vào.
Ông Bê-let-xki vào, cúi chào rất thấp rồi xin phép cởi măng-tô, và hất đầu trỏ cái giá treo áo trong góc phòng.
- Ồ, vâng, xin cụ cứ tự nhiên – Vưđ-ma vừa nói vừa chăm chú quan sát ông già mới bước vào, trong khi ông cụ đang chậm rãi tìm chỗ để mũ, rồi cởi măng-tô ra, lộn mặt trong ra ngoài và cẩn thận mắc lên giá. Xong xuôi đâu đấy, mới lại gần chiếc bàn làm việc của thiếu tá, cúi chào lần nữa rồi ngồi xuống chiếc ghế Vưđ-ma đã chỉ.
- Ta phải gặp lại nhau lần nữa, cụ Bê-let-xki ạ - Vưđ-ma mở đầu trong khi vẫn ngắm chiếc cà-vạt to tướng màu sặc sỡ thắt hình con bướm trang trí cho cái cổ tong teo của ông già. Nghĩa là, tuy đã trọng tuổi nhưng ông Bê-let-xki này vẫn còn yêu đời lắm.
- Vâng, vâng, thưa ông thiếu ta… Chao ôi, thật khó ăn khó nói không biết để đâu cho hết. Cho đến bây giờ, tiền không vẫn hoàn không.
- Xin lỗi, nhưng đó rõ ràng là lời trách cứ nhằm vào cá nhân tôi.
- Ồ, sao ông lại nói thế - cụ Bê-let-xki vội vàng thanh minh – tôi chỉ xác nhận mọi sự thật thôi ạ. Tôi hiểu là lấy lại được tiền từ tay bọn lưu manh sừng sỏ như thế đâu phải chuyện dễ.
- Xin cám ơn cụ có lòng thông cảm với tình cảnh của tôi. Thôi, bây giờ ta vào việc nhỉ? Tôi phải làm sáng tỏ một số chi tiết nhỏ nhặt mà tôi chưa được rõ lắm. trước tiên, xin cụ giải thích cho: vì lẽ gì mà trước cái đêm xảy ra vụ trộm, cụ lại về muộn hơn ngày thường? Chuyện đó có hay xảy ra không?
Cụ thủ quỹ lắc đầu:
- Không, chẳng mấy khi thế đâu, tôi xin đoan chắc với ông như thế đấy. Phải nói là hãn hữu lắm kia mới đúng. Nhưng tối hôm ấy, tôi buộc lòng phải ở lại. Ông biết đấy: còn có một mình tôi thôi, mà mai đã phải phát lương rồi.
- Hóa ra chuyện phát lương chưa được chuẩn bị gì cả ả? – Vưđ-ma ngạc nhiên.
- Chưa ạ, tôi chưa kịp làm.
- Thế mà tôi lại nghe bảo: vì vắng người giúp việc phụ vào nên cụ không muốn phát lương, để chuyển sang hôm sau.
- Đúng thế, chính đó là lẽ thứ hai đấy ạ.
- Hừm… Cùng đành phải đồng ý với cách giải đáp của cụ thôi. Ta tiếp nhé.
Ông thủ quỹ đỏ mặt lên và thốt ra ngoài miệng:
- Nghĩa là, ông không tin điều tôi vừa nói chứ gì?
- Về nguyên tắc thì tôi không được phép hoàn toàn tin tưởng vào những điều người ta khai báo. Nhưng có lẽ trong trường hợp này, tôi đã quá đa nghi… - thiếu tá nói thêm để giản hòa.
Ông Bê-let-xki mím chặt môi và hằn học nhìn Vưđ-ma nhưng chẳng nói năng gì. Đúng lúc ấy, một hồi chuông điện thoại réo lên. Thiếu tá lặng thinh ngồi nghe, buông một tiếng “cám ơn” gọn lỏn rồi tiếp tục câu chuyện bỏ dở.
- Chúng ta đã dừng lại ở việc cụ rời cơ quan quá muộn. Tôi muốn biết: cụ đi qua cái lối giữa phòng hành chính và cổng ra vào lúc mấy giờ?
- Tôi đã khai cả rồi. Không lẽ tôi cứ phải nhắc đi nhắc lại mỗi một chuyện đó?
- Chẳng sao cả đâu. Đề nghị cụ nhắc lại cho.
- Lúc mười giờ mười.
- Cụ không nhầm đấy chứ? Làm sao cụ lại biết đích xác l1uc ấy là mười giờ mười?
- Vì tôi nhìn cái đồng hồ treo trên lối đi.
- Cụ dừng lại đó bao lâu? Và làm gì ở đó? Xin cụ kể thật chi tiết cho.
- Thật tình thì tôi chẳng có gì để kể với ông cả. Tôi chỉ nói dăm ba câu tầm phào với bác gác đêm rồi ra về ngay.
- Chờ cho một tí cụ Bê-let-xki nhé. Thế nghĩa là cụ chỉ nói mấy câu lúc đi qua chứ không dừng lại phải không ạ? Vừa đi vừa nói trước lúc ra cổng đúng thế chứ?
- Không, không phải thế. Tôi bước lại cái bàn chỗ ông gác đêm ngồi và dừng lại một lát.
- Lúc đó, ông ta làm gì? Tôi cứ hay ngắt lời cụ phải không ạ? Đừng bực, cụ nhé!
- Làm gì à? – Ông thủ quỹ coi như bỏ ngoài tai câu nói vừa rồi của thiếu tá – Đúng, tôi nhớ ra rồi. Ông ta ngồi ăn súp trong cái cặp lồng lính tráng vẫn dùng ấy.
- Đấy, cụ thấy chưa nào, câu chuyện hôm nay rõ ràng có khá hơn hôm nọ. Thế cụ nói gì với ông ấy?
- Tôi không nhớ - trán ông già đã rịn mồ hôi.
- Lẽ nào cụ lại không nhớ nhỉ? Cụ nhắc ông ta đã mấy giờ rồi? Nghe thế, ông ta cũng ngẩng đầu lên, đúng thế chứ?
- Chắc thế. Nhớ những chuyện lặt vặt ấy khó lắm.
- Không lặt vặt đâu cụ Bê-let-xki ơi, vì ông gác đêm đã bị đánh thuốc mê đấy. Bởi thế tôi mới phải cố xác minh: chuyện ấy xảy ra lúc mấy giờ?
Phản ứng của ông thủ quỹ hết sức bất ngờ
- Hi… hi… hi… - một chuỗi cười khá đặc buột ra – Thế ông tưởng tôi đã đánh thuốc mê bác gác đêm ấy chứ gì? Được lắm. Đêm nào tôi cũng không chợp mắt vì vụ trộm ấy, thế mà ông lại cho tôi là kẻ nối giáo cho giặc nhúng tay vào chuyện trộm cắp. Thật đến là tội nghiệp cho cái thân già.
Vưđ-ma vừa gõ gõ đầu bút chì xuống mặt bàn, vừa nhìn chằm chằm ông thủ quỹ. Thấy Vưđ-ma chăm chú nhìn mình, ông già bỗng nghẹn cả giọng, rướn hai hàng lông mày lên.
Vưđ-ma ngả người vào lưng ghế.
- Cụ cứng cựa thật đấy, cụ Bê-let-xki ạ - anh cười khẩy – Nhưng thôi, không sao. Tôi nghĩ tôi còn có cơ hội để trò chuyện cùng cụ vài bận nữa. Vụ điều tra này xem chừng còn lâu mới kết thúc… Hôm nay ta hẵng tạm kết thúc ở đây đã.
Ông thủ quỹ đứng ngay dậy, cố ý chào thật thấp rồi bước lại chỗ treo áo khoác.
PHẦN 27
Theo chỉ định của thiếu tá, Ghéc-xơn đi xác minh chủ nhân của hai chiếc xe nói trên rồi lần đến từng nhà, dò tìm bốn anh nhà báo mà anh đã có địa chỉ trong tay. Người đầu tiên, nhà ở gần ngay đó chẳng đem đến kết quả gì. Chỉ cần nghe dăm ba câu của cái anh chàng thanh niên còn đang ngái ngủ, mặc bộ quần áo pi-gia-ma nhàu nhè, vừa dụi mắt vừa trả lời Ghéc-xơn đã thấy ngay: anh ta chẳng hề biết mô tê gì vấn đề anh đang đìêu tra.
Người tiếp theo trong danh sách là Ca-rôn Pa-gi-xturi. Liếc qua một lượt họ tên những người sống trong ngôi nhà, viên thiếu úy biết ngay rằng phòng của anh nhà báo nọ nằm trên tầng ba. Vừa mới đến tầng hai, Ghéc-xơn đã nghe có tiếng dập mạnh cửa ở tầng trên, rồi tiếng chân vội vã xuống thang. Thoáng sau, trên chiếc nghỉ đã xuất hiện một chàng thanh niên, tay xách một cái làn nhựa, trên miệng nhô lên hai chai sữa rỗng. trước mặt Ghéc-xơn lúc này là một chàng trai tóc vàng nhạt, lông mày rậm, thẫm màu, hai hàng mi dài khiến đôi mắt xanh biếc đậm màu thêm, nghĩa là một thanh niên mà chắc chắn có đủ sức làm cho con tim của bất cứ cô gái nào cũng phải thổn thức vì sung sướng.
Ghéc-xơn dừng lại, ngắm người thanh niên chốc lát rồi hỏi nhỏ:
- Hình như anh là Ca-rôn Pa-gi-xturi?
Anh ta đứng sững ngay lại.
- Vâng, chính tôi. Đấng thần linh nào đưa anh đến đây vậy?
Ghéc-xơn bật cười.
- Tôi là thiếu úy Ghéc-xơn ở Tổng cục, giấy chứng minh đây – anh đưa tay vào túi lấy giấy tờ.
- Không cần đâu ạ. Tôi tin đồng chí – Pa-gi-xturi mỉm cười đáp lại – Tuyệt quá, rốt cuộc các đồng chí cũng đã dò ra tông tích của tôi. Xin đồng chí đứng đây, hay ở dưới sân cũng được, chờ cho tôi một tẹo: chị tôi chưa thu dọn xong nhà cửa. Tôi sẽ quay lại ngay đấy. À, mà cũng phải mua cái gì đó để ta còn điểm tâm nữa chứ.
Rồi không chờ thiếu úy trả lời, anh ta đã lao vội xuống dưới sân.
Ghéc-xơn lại gần một khung cửa sổ, nhìn xuống đường. Anh nhà báo trẻ trung vội vã băng qua phố, chạy lọt ngay vào một cửa hàng thực phẩm. Khách chỉ đâu dăm ba người nên chỉ mấy phút sau đã thấy anh ta trở lại, với một làn đầy thức ăn.
- Đồng chí thư thư cho tẹo nữa nhé – Ca-rôn nói với thiếu úy, lúc đã đến tầng hai – tôi chỉ gọi điện cho cậu bạn nữa là xong. Lúc đó, xin đồng chí cứ việc thoải mái cho hai tay tôi vào còng số tám.
Ghéc-xơn cũng rất muốn nghe cuộc nói chuyện qua điện thoại nhưng không biết phải đề nghị thế nào nên đành nhẫn nại đứng chờ. Cách cư xử của anh chàng chứng tỏ: sự xuất hiện của viên thiếu úy đối với anh ta chẳng có gì là bất ngờ, mà xem chừng anh ta còn mong ngóng nữa là đằng khác. Ghéc-xơn không ngờ là rốt cuộc anh đã bắt đúng được mạch – tìm thấy được người mình đang muốn dò tìm. Thoáng sau, Pa-gi-xturi đã xuất hiện trên cầu thang.
- Anh có quen cô An-ca El-mer phải không? – thiếu ý không kìm được nữa, anh muốn chấm dứt ngay mọi ngờ vực đang còn lảng vảng trong óc.
- Biết ạ, vì thế từ lâu tôi đã mong anh đến. Ta đi thôi. Tôi sẽ đưa anh đến gặp bạn tôi ngay. Tôi vừa gọi dây nói dặn trước đấy. Nhà ngay cạnh đây thôi, chẳng cần gọi taxi.
Lúc ra đến ngoài đường, Ghéc-xơn lại tiếp tục câu chuyện bỏ dở:
- Bạn anh là người mất chiếc măng-tô kẻ ô vuông với cái xắc đỏ chứ gì?
Pa-gi-xturi cười to lên
- Hoan hô công an! Các anh biết cả rồi à? Tôi tin chắc là chưa đâu, ồ chưa đâu! Bây giờ, hai chúng ta sẽ bắt cái thằng cha họ hàng của loài hến ấy phun ra cho bằng hết những thứ lâu nay hắn cứ giữ khư khư trong vỏ.
- Anh trò chuyện cứ hệt như thể tôi với anh là cùng hội cùng thuyền ấy. Chà, nhưng tôi làm sao biết hết mọi chuyện được.
- Anh đừng lo. Ta sẽ làm sáng tỏ ngay thôi. Cơ sự là thế này: tôi thì tôi muốn báo ngay cho các anh những chuyện đã nắm được. Nhưng bạn tôi chẳng hiểu vì sao cậu ấy lại không thích thế. Tôi rất mừng là chính các anh tự tìm đến, và chắc hẳn các anh sẽ biết làm cho cậu ta mở miệng.
Ghéc-xơn chợt nhớ đến tên người chủ chiếc xe Warburg mà phòng cảnh sát giao thông vừa cho biết.
- Tên anh bạn ấy có phải là A-na-tôn Xar-na không?
- Vâng, đ1ung rồi. Hóa ra các anh cũng đã biết cả chuyện ấy? Càng hay.
- Này, tại sao cậu ta cư xử úp mở với công an thế nhỉ?
- Rồi chính hắn sẽ cho anh biết tất. hắn bắt tôi thề là không được phép hắn thì chớ có hé răng với ai. Tôi buộc phải giữ đúng lời hứa. Chuyện hắn ngại công an biết vụ mất đồ chính vì ngại quá hắn không muốn báo công an đấy. Bây giờ thì thành vô nghĩa vì các anh đã biết rõ là hắn đang đi tìm chiếc măng-tô với cái xắc chết tiệt ấy.
Viên thiếu úy vẫn chưa thật hiểu hết những điều Pa-gi-xturi huênh hoang nãy giờ nên anh cũng nóng lòng muốn gặp mặt cái anh chàng Xar-na đầy bí hiểm kia. Anh cũng hy vọng Xar-na sẽ nói rõ ngọn ngành. Vài phút sau, họ đến nơi.
Ghéc-xơn nhìn thật nhanh người chủ nhà ra mở cửa cho họ. đó là một chàng trai cao lớn, vạm vỡ, vai rộng, tóc quăn, màu hạt dẻ sáng. Ngồi vào sa-lon xong, Ghéc-xơn liền đưa mắt nhìn quanh căn phòng.
Đây là một căn hộ rộng rãi với một cửa sổ rất lớn. Cạnh cửa sổ là một chiếc bàn khá to, trên vứt lỏng chỏng không biết bao nhiêu là ống thuốc vẽ, bút chì, giấu crô-ki cuộn tròn thành từng ống. Trong chiếc giá cắm bút đặt giữa bàn nhô lên đủ các loại bút lông.
Pa-gi-xturi gieo người xuống chiếc sa-lon thứ hai còn chủ nhà thì lôi ra một chiếc ghế dựa, rồi cũng ngồi xuống, doãi rộng hai tay ra, tì lên lưng ghế.
- Hình như bạn anh đã cho anh biết tôi là ai và đến có việc gì rồi thì phải? – Ghéc-xơn mở đầu.
- Vâng, tôi biết rồi. Ca-rôn vừa gọi điện xong bảo là anh sẽ đến.
Như thế là nếu Ma-hô-mét không đến với núi thì núi sẽ tìm đến với Ma-hô-mét vậy…
- Cậu đã kịp nói hết với đồng chí thiếu úy đây rồi chứ gì? – Xar-na ném sang phía Ca-rôn một cái nhìn trách móc.
- Chỉ mới nói một đìêu thôi: tớ phản đối việc cậu làm thinh. Còn tất cả những gì khác tớ để cậu tự làm cho vừa ý cậu.
Xar-na làm ra vẻ như gật đầu và quay sang phía viên thiếu úy.
- Tất cả những gì có liên quan đến cô An-ca El-mer và câu chuyện mà cô ta đang bị cuốn vào. Tôi cũng muốn được nghe chuyện anh đã dự phần vào một số việc cô ấy làm gần đây. Mong anh cứ thẳng thắn. Vì chính anh cũng đang cất công tìm chiếc măng-tô với cái xắc da, phải không nào?
- Vì các anh đã biết nguyên nhân chính khiến tôi phải bận tâm đến cô El-mer, nên tôi chẳng còn gì phải né tránh những hậu quả, thật đến là khó chịu mà tôi phải hứng lấy nữa.
Rồi Xar-na chậm rãi, cân nhắc từng lời, thuật lại tất cả những biến cố mà anh đã dự phần và cố cắt nghĩa cho thật có lý lẽ những động cơ thôi thúc mình. Ghéc-xơn lặng lẽ ngồi nghe, tay xoay xoay chiếc bút bi, chốc chốc lại ghi ghi, chép chép. Cuối cùng, Xar-na kết thúc câu chuyện và ngừng lại.
- Chà, chỉ vì mỗi một chuyện như vậy mà anh đã giấu kín tất cả những điều như thế hay sao? Thật không thể nào tin được.
- Nhưng sự thật là đúng như vậy – Xar-na trả lời rất thật lòng – Tôi bị chi phối trước tiên bởi lợi ích của riêng tôi. Mất người vợ chưa cưới – mà trước sau gì cũng sẽ đến nông nổi đó thôi, nếu không tìm được mấy thứ kia – đối với tôi là quá nặng nề. Tôi không hề có ý định phải nao lưng ra gánh chịu một cái giá quá đắt như vậy.
- Làm thế nào anh lại có thể đoán biết được là tất cả rồi sẽ xảy ra như thế nhỉ? Vì anh đã biết gì đâu về cái giá mình phải trả. Ở công an chúng tôi cũng có những người đang chuẩn bị cưới vợ đấy thôi. Họ sẽ dễ dàng cảm thông với anh thôi. Hơn nữa, anh tưởng chúng tôi không biết giữ bí mật hay sao?
- Đúng thôi, nhưng ở công an các đồng chí còn có cả quy chế nữa. Làm sao tôi lại có thể biết chắc rằng vì một gã Xar-na nào đó mà các đồng chí lại dám vi phạm quy chế.
- Gì thì gì, bao giờ ta cũng cò thể thỏa thuận được với nhau, một khi anh Xar-na ấy đã giúp sức đắc lực cho công an, đã cung cấp cho họ nhiều tin tức hết sức giá trị. Giá anh làm thế thì chúng tôi đã kết thúc vụ này từ lâu rồi, và chắc chắn anh cũng đã thu hồi lại được chiếc măng-tô với cái xắc từ lâu rồi.
- Vâng,quả đúng thế thật. Nhưng vì chưa thu hồi được nên tôi cũng đang thu xếp để chấm dứt cái chuyện giữ bí mật khá là trẻ con này – Xar-na rầu rĩ nói.
- Nào, anh hãy cho biết – thiếu úy quay sang phía Pa-gi-xturi – anh nắm được cái địa chỉ đường Gra-đô-va trong dịp nào thế? Chắc anh cũng rất thích thú nếu biết là An-ca El-mer cũng không thể quên được cái tối hôm ấy đấy nhỉ? Tôi không nịnh anh đâu, nếu tôi nói rằng cô ấy rất có cảm tình với anh.
Có lẽ đây là chuyện hạn hữu lắm, nhưng rõ ràng mặt Pa-gi-xturi bỗng dưng đỏ như gấc. Anh chàng cố che giấu vẻ mặt bối rối. Nhưng Ghéc-xơn đã giải thoát giúp anh ngay.
- Rõ ràng ta có thể đi đến kết luận thế này, đêm ấy cô ta đã gọi điện cho Y-a-khma và hắn bảo cô ta đến ngay Gra-đô-va. Ở đó, hắn đã trao cho cô ta sáu trăm ngàn đồng. Giữ món tiền như thế trong tay là nguy hiểm. Cô ấy lẽ ra phải ngồi tại nhà hắn, đợi hắn về với chỗ tiền kia. Nhưng cô ấy đã chơi khăm hắn ta. Vì thế, hắn đã phải mất mạng… Tuy thế, tôi vẫn tin là số phận của Y-a-khma ấy đã được định đoạt ngay từ khi gã nhận tội xoáy tiền của đồng bọn. Đã giở cái trò ấy ra thì khó thoát lắm – viên thiếu úy bỗng ngừng bặt. Rồi anh quay sang phía Xar-na – Cái đường Gra-đô-va ấy ngả nào ấy nhỉ?
Xar-na nói rõ đường ngang ngõ tắt để đi đến đấy.
- Do đâu mà anh biết về mẹ con bà Uây-xka-y-a và cả địa chỉ của họ?
- Bà dì An-ca bảo tôi.
- Anh bảo anh tận mắt thấy bọn chúng tra khảo Y-a-khma à. Thế cái tên cầm đầu, chắc anh cũng nom thấy mặt?
- Không, chỉ thấy hắn từ sau lưng.
- Người ngợm hắn ra sao?
- Lưng gù gù, dưới vành mũ thòi ra mấy chùm tóc bạc.
- Thế cái gì đã khiến anh chú ý nhất? Tôi muốn nói cái vẻ bề ngoài của hắn ấy?
- Tôi nhớ nhất hai cánh tay. Hắn đang uống bia, chốc chốc lại đưa cốc lên miệng. Đó là tay của một người chưa già lắm, trắng, nhăn nheo, lốm đốm tàn nhang. Ngón thì dài, cương cẩu, móng tay ngắn.
- Hắn mặc áo gì?
- Một chiếc măng0tô mùa thu, màu sẫm, tàng tàng. Còn đầu thị đội chiếc mũ lưỡi trai màu nâu nhàu nhò, chẳng ra hình thù gì.
- Thế nghe nhắc đến cái xắc là cô El-mer bỏ chạy ngay à?
- Vâng. Chắc cô ấy tưởng tôi lại hạch sách gì đây về chỗ tiền, cũng như tụi kia.
- Bao giờ thì cô vợ chưa cưới của anh về?
- Ngày kia… - Xar-na thở dài.
- Để chúng tôi cố xem, không chừng sẽ kịp giúp anh đấy. Kể ra, nếu cư xử thật đúng đắn thì anh chẳng đáng được giúp tí nào. Phải chơi thế này mới đúng: đến lúc thích hợp, chúng tôi sẽ cho mời người vợ chưa cưới của anh về Cục, giao trả lại chị ấy mấy thứ tìm được. Ác giả ác báo mà lại.
- Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện đã giấu giếm các anh. Tôi đã nói rồi đấy, tôi biết những kết quả đáng buồn đang chờ mình.
- Thôi đi – Ghéc-xơn thốt lên – tôi đoan chắc là chị ấy sẽ tin anh. Xem chừng anh đã thổi phồng sự việc quá đáng đấy.
- Anh chưa biết tính Tê-rê-da rồi…
- Hy vọng là sẽ có dịp được làm quen với cô ấy. Lúc đó, tôi sẽ dứt khoát đứng về phía anh – Ghéc-xơn nói bằng một giọng quả quyết, rồi đứng lên – Thế nào tôi cũng sẽ mời anh đến Cục nhận lại hai thứ ấy.
Câu chuyện giữa họ chấm dứt ở đó.