Khải Nguyên HT
MÁI TÓC THUỶ CHUNG
Tác giả: Khải Nguyên HT
Chàng Đoàn và các bạn của mình đã tìm đúng minh chủ. Những đốm lửa khởi nghĩa, âm ỉ hay bộc phát, từ khi có người cầm lái vững vàng, dần dần nhóm lại và bùng lên thiêu đốt quân thù. Đoàn, trong hàng ngũ nghĩa quân, rong ruổi trên các chặng đường đuổi đánh giặc nước. Chàng chẳng lúc nào rời cuộn tóc, di vật của người vợ thân thương, ngay cả trong những ngày gian nan nhất, những bận khốn đốn nhất vì những đòn phản kích của quân thù.
Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa toàn thắng. Giặc Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Chàng Đoàn rời đoàn quân đang ca khúc khải hoàn, một mình một ngựa trở về quê cũ. Chàng muốn góp sức xây dựng lại quê xưa, nơi từng in bóng người vợ bất hạnh của chàng. Trên cổ chàng vẫn cuộn tóc ấy thay cho vòng hoa chiến thắng.
Một chiều, chàng qua một miền đất có vẻ hoang vu. Người lưng mỏi, ngựa chân chồn. Chàng lỏng dây cương mặc cho ngựa đưa mình đi. Hoàng hôn đã ngấp nghé từ các lùm cây. Chàng chưa biết sẽ trú lại nơi đâu. Chàng ngửng nhìn trời. Một đôi chim đang nối đuôi nhau soãi cánh bay về phía rặng cây cao xa xa, hẳn là chúng đang dìu nhau về tổ. Chàng chạnh lòng, bất giác hát lên nỗi niềm gửi vào làn gió hoang:
Non sông giành lại được rồi
Tìm đâu cho thấy bóng người ngày xưa?
Đường đời chẳng ngại nắng mưa
Ngại chăn chiếu lạnh sớm trưa bẽ bàng.
Chợt nghe tiếng chuông chùa ngân xa như một tiếng thở dài. Chàng giục ngựa nương theo tiếng chuông lần tới. Một ngôi chùa náu mình dưới những tàng cây cổ thụ trên một ngọn đồi thoai thoải. Trong ánh chiều hôm, ngôi chùa trông càng có vẻ hiu quạnh. Nếu không có tiếng chuông thì ngỡ đâu chùa đã bị bỏ quên. Chàng vào đến sân vẫn chẳng gặp ai. Chàng buộc ngựa rồi nhẹ chân lọt qua cánh cửa nửa khép. Trước điện thờ Phật có một vị sư đang ngồi thiền định. Ánh sáng vàng vọt của mấy đĩa đèn dầu không đủ rọi cả gian chùa, nhưng cũng đủ cho chàng nhận ra đó là một sư nữ. Không muốn làm kinh động phút nhập định của ni cô, chàng sẽ sàng đi sang gian phụ bên cạnh, nơi có ánh đèn hắt ra. Chàng thấy có một cỗ quan tài nắp đậy hờ. Chàng nghĩ đó là thứ dự phòng của người lo xa, thường là người già. Nhưng sao lại chong đèn như thể đèn thờ? Chàng bỗng thấy xốn xang và cuộn tóc quanh cổ chàng cụ cựa như khi người ta sốt ruột. Chàng trở lại gian đại điện, đang chưa biết làm thế nào để hỏi chuyện được thì ni cô đang thiền định bỗng mở mắt: “Ta biết người đang nóng lòng muốn biết điều gì. Hãy ngồi xuống đây!” Bấy giờ chàng mới nhìn rõ mặt người ngồi trước Phật đài, một nhà tu hành đã có tuổi.
- Một đêm cách đây hơn mười năm, - vị ni già kể - ta được đức Bồ-tát báo mộng bảo ra bờ suối sau chùa này. Ta gặp xác một người con gái nằm nổi trên mặt nước, không trôi đi. Ta vớt lên thấy không còn thở. Ta cố cứu chữa song chẳng được. Ta lau rửa cái thi thể bằng nước thơm và rảy nước cành dương - nước thiêng của Phật - rồi khâm liệm tử tế. Nhưng thân thể người nữ đã chết ấy vẫn mềm nên ta không nỡ chôn. Đến bây giờ vẫn vậy, chẳng hề cứng.
Chàng Đoàn xin được xem. Lão ni nói:
- Ta cũng đã nghĩ cần phải vậy. Người nên xem. Ta đã cảm nhận một sự xao động lạ lùng từ khi người có mặt nơi đây.
Lão ni đem thêm một cây đèn vào cái phòng bên mà ta đã biết. Đoàn giúp mở nắp quan tài. Chàng còn chưa kịp nhìn rõ gì cả thì cuộn tóc trên cổ chàng bỗng bung ra rồi bay vút tới đính vào đầu người nằm trong quan tài. Suối tóc đen chùm lên mặt và trải dài phủ dọc thân. Chàng kinh ngạc, đứng sững. Ni cô dùng tay vẹt tóc trên mặt người chết để lộ ra khuôn mặt. Đoàn trố mắt nhìn rồi kêu lên: “Nàng Bùi!”. Tiếng kêu như có phép lạ khiến mi mắt người chết rung rung và mắt từ từ mở ra. Chàng Đoàn vừa mừng vừa sợ, chưa hiểu ra sao. Bên ngoài, một ngọn gió lành bỗng dậy lên lao xao thổi. Vọng trong tiếng gió lời Thần Sông Núi mà chàng đã nghe quen:
- Hỡi chàng trai trung hậu! Đất Mẹ gửi trả người vợ thủy chung cho con, sau khi non sông ta sạch mọi dấu vết nhơ nhớp của quân thù. Các con hãy sống sao cho trọn nghĩa, trọn nghĩa với nhau, trọn nghĩa với đồng bào, trọn nghĩa với quê hương./.
(Gợi ý từ một mẩu chuyện kể dân gian
vùng Liễu Đôi – Hà Nam.)