watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bình yên khung trời nhỏ-Chương 1 - tác giả Khánh Mỹ Khánh Mỹ

Khánh Mỹ

Chương 1

Tác giả: Khánh Mỹ

Lang thang bên bờ hồ Xuân Hương, hàng cây liễu phất phơ với những băng ghế đá thưa người khiến Thiên Ân thấy lòng nặng trĩu buồn phiền. Cô ngồi xuống một băng ghế trống, co ro lặng nhìn những vệt sáng lấp lánh phản chiếu dưới mặt hồ. Gió thổi lạnh quá, nhưng vẫn không lạnh lẽo và trống trải bằng tâm trạng của cô lúc này. Hắt xì hơi một cái, cô rùng mình khép vạt áo lại rồi lắc đầu nhè nhẹ như tự trách mình.
Ngày trước, mỗi lần đưa cô lên đây nghỉ hè, ba thường dẫn cô ra bờ hồ này ngắm cảnh. Và những khi cô hắt hơi, ba thường kéo cổ áo cô lên rồi mắng cô là hư quá, cái gì cũng để ba lo. Thiên Ân thở dài ủ rủ. Phải, cô là một đứa con gái vô tâm, lúc nào cũng để ba lo lắng, lúc nào cũng để ba phải quan tâm cho mình. Để rồi bây giờ, khi ba không thể lo tiếp được nữa thì cô cũng trở thành thừa thãi vô dụng, thậm chí không thể tìm được việc làm ổn định để tự nuôi thân.
Co hai chân lên ghế, Thiên Ân buồn rầu thu người lại cố chống chọi với cơn gió lạnh miền cao nguyên và tỳ cằm lên gối suy nghĩ vẩn vơ. Ba mất đã hơn nửa năm rồi, vậy mà cô vẫn chưa quên được chuyện cũ. Ngày xưa, có ba bảo bọc, thương yêu, có ngôi nhà ấm cúng và tiện nghi. Ba vốn cưng chiều cô, cô thích gì đều được toại nguyện. Cô còn nhớ như in những ngày đầu tiên vào lớp mười hai, ba bảo sẽ cho cô thi vào trường Mỹ Thuật, sẽ theo đuổi ngành học mà cô ham thích.
"Trường Mỹ Thuật" - cô nhếch môi cười mà nước mắt đã muốn quanh mi. Bây giờ thì tất cả chỉ còn là mộng ảo mà thôi. Cuộc đời thay đổi quá nhiều trong chưa đầy một năm. Từ bé đã mất mẹ, ba thương yêu chăm sóc cho cô như một công chúa trong thế giới thần tiên hiện đại của hai cha con, thế giới mà luôn ngập tràn những tiếng cười vui vẻ vô tư của cô. Cô thích học đàn, ba cho cô học đàn. Cô thích hội họa, ba cho cô học vẽ, ba dạy dỗ hoặc cho cô học tất cả những gì cô thích thú và muốn học, nhưng ba chỉ không biết trước để dạy cô làm sao sống còn ở đời khi đơn độc mà thôi.
Đến một ngày, ba cũng như mẹ khi xưa, bỏ cô mà ra đi đột ngột bằng một cơn đột quỵ bất ngờ. Vừa khóc cạn nước mắt, cô đã phải gượng nhìn lại những sự việc trước mắt mà hoảng sợ, kinh hoàng vì mới biết ra là mình chẳng hề có chút ấn tượng về chuyện thực tế ở đời. Nợ Ngân hàng, những hợp đồng bị hủy phải bồi thường, công ty đứng trước bờ vực phải đóng cửa và tuyên bố phá sản. Những chi phí linh tinh, những hợp đồng lằng nhằng rắc rối cô không làm sao hiểu thấu… Để cuối cùng ngày tòa án đến niêm phong nhà, cô phải ra đi với tâm trạng bơ vơ, ngơ ngác, một cái valy nhỏ, hai bàn tay trắng chưa từng quen với chuyện áo cơm.
Cô đã lang thang gõ cửa khắp bạn bè thân quen xưa của ba để mong họ giúp đỡ tìm một chỗ làm. Nhưng một đứa con gái chưa kịp tốt nghiệp trung học, không một nghề nào thì làm sao mà sống được ở một thành phố vốn đầy thực dụng như Sài Gòn. Bạn bè của ba cô hầu hết chỉ là bạn bè trên phương diện làm ăn, họ tội nghiệp cho đứa con gái mồ côi vô dụng như cô quá lắm thì vài lời khuyên vài tờ bạc, chứ làm gì có chuyện giúp đỡ hoặc cưu mang. Thiên Ân áp má lên cánh tay nhìn ra bờ hồ lăn tăn gợn sóng. Chợt một tiếng mời chào vui vẻ êm tai làm cô ngẩng lên nhìn:
- Chị ơi! Chị ăn mực nướng không? Khô mực nướng than nóng ngon lắm.
Một chú nhỏ tay xách giỏ đựng khô mực, bánh tráng và tay kia đung đưa một vỉa than hồng đứng cạnh mời chào. Vỉ than làm Thiên Ân thèm được vài phút hơ đôi tay lạnh giá của mình lên đó, nhưng rồi cô đành lắc đầu.
- Hay chị ăn bánh tráng nướng, khoai lang nướng, em bán mấy thứ lận - đứa trẻ vẫn nhiệt tình mời.
Thên Ân gượng cười:
- Chị... không ăn đâu, cảm ơn em.
Đứa nhỏ tiu nghỉu bỏ đi để lại một mình Thiên Ân nhìn theo vỉ than với ánh mắt thèm thuồng luyên tiếc. Hiện giờ trong túi cô chỉ còn vỏn vẹn vài ngàn lẻ, chưa biết ngày mai sẽ ra sao khi quầy bán đồ lưu niệm đã tuyên bố hết mùa du lịch, tạm không mướn người phụ bán nữa. Việc làm tiếp trước mắt vẫn chưa có, làm sao cô dám phung phí những tờ bạc cuối cùng ấy. Thiên Ân gục đầu xuống đôi tay mà tủi thân.
Ba ơi, có phải con vô dụng lắm không? Ngày xưa có ba, con chẳng hề biết đến nỗi nhọc nhằm của ba đã gồng gánh chuyện mưu sinh gian khó đến độ nào, bây giờ chỉ còn một mình trên cõi đời sao con sống mà chật vật khổ sở quá ba ơi! Thiên Ân bật khóc. Đôi vai cô run lên theo tiếng nấc nghẹn và cũng run lên theo từng luồng gió lạnh thổi tràn trên mặt hồ mênh mông. Gió vùng cao vô tình quá, cứ thản nhiên phủ sương lạnh xuống đôi vai gầy đang run rẩy trong bóng đêm âm thầm.

*****
Chia tay người bạn, Văn đã định về phòng như không hiểu sao anh lại cảm thấy khó mà ngủ sớm được với một đêm như đêm nay. Trở dậy thay lại quần áo và khoác thêm cái măng tô, anh quyết định thả bộ vài vòng xuống phố, mong cảnh Đà Lạt về đêm có thể làm khuây khỏa những buồn bực trong lòng. Đêm Đà Lạt đẹp và lãng mạn với những đôi thanh niên nam nữ dìu nhau bước đi trong gió lạnh, tiếng nói cười nho nhỏ vẳng theo tiếng gió, hình ảnh ấy gợi lên sự ấm áp và biết bao êm đềm. Văn mỉm một nụ cười, dù dường như trong mớ người dạo phố kia, anh sô lô một mình.
Thật ra anh cũng đã cố thuyết phục Như Phượng đi cùng anh chuyến này nhưng thời tiết Đà Lạt mùa mưa đã khiến cô ái ngại từ chối. Nếu không, anh cũng đã như những đôi nam nữ kia, có thể cầm tay cô dạo phố đêm rồi. Đèn đuốc sáng choang quanh bờ hồ Xuân Hương, soi bóng xuống mặt hồ đen thẫm một thứ ánh sáng lung linh, mờ ảo. Những đôi lứa bên nhau đây đó. Rải rác quanh bờ hồ, những bà cụ, những em bé ngồi nướng khoai, nướng khô mực, nướng bánh tráng. Khói bay nghiêng từng cụm như muốn lẫn với sương mù.
Văn bước tránh một vũng nước nhỏ. Đà Lạt đã bắt đầu vào mùa mưa rồi, những cơn mưa mù trời làm buồn những người sống vào dịch vụ du lịch. Mờ sáng mưa, trưa cũng mưa, thậm chí tối cũng mưa rào, ra rích. Bởi vậy, đêm nay cũng khá may mắn khi tạm có một buổi quang đãng tạnh ráo như vậy. Đêm nay không mưa thật nhưng bù lại là gió thật lạnh và sương mù thật nhiều. Cái ẩm ướt của không khí làm Văn thấy thèm một khói thuốc.
Dừng chân bên công viên nhỏ cạnh bờ hồ, anh đốt lên một điếu thuốc. Đốm lửa hồng trong đêm lạnh làm không gian như ấm lại đôi chút. Có tiếng tằng hắng đâu gần đó, rồi một giọng nói của con gái ngập ngừng:
- Xin lỗi, ông có thể... cho tôi xin một điếu thuốc không?
Văn ngạc nhiên nhìn qua. Một cô gái mặc áo gió màu đỏ sọc trắng vừa đứng lên, tay co ro khoanh lại trước ngực, ánh mắt rụt rè như chờ đợi. Băng ghế đá sau lưng cô ta trống trơn.
"Một cô gái ngồi một mình nơi đây?" - Văn thầm lo lắng.
Cô gái dậm nhẹ chân tại chỗ và hắng giọng:
- Xin lỗi, nếu ông không thể....
Văn sực tỉnh:
- Ồ, xin lỗi. Mời cô - anh chìa gói thuốc ra.
Cô gái bước lại e dè rút ra một điếu thuốc:
- Cảm ơn.
Văn lịch sự bật quẹt. Ánh sáng soi tỏ khuôn mặt cô ta trong một giây. Cô gái này còn trẻ, có lẽ chưa bước qua tuổi hai mươi, khuôn mặt hơi xanh xao và u uẩn.
Hơi khói thuốc đầu khiến cô ta bật ho sặc sụa. Văn lập tức cau mày:
- Cô không biết hút à?
Cô gái quay người đi ho thêm vài tiếng nữa. Khi đã tạm lắng cơn sặc khói, cô ta ngẩng lên chùi nhanh khóe mắt ướt và cười:
- Xin lỗi. Hăng quá.
- Cô không biết hút phải không? - Văn nhăn mặt lập lại.
Cô gái gật đầu trong khi nheo mắt thận trọng hít một hơi khói nhỏ. Và lại sặc, lại ho. Văn lắc đầu vươn tay lấy lại điếu thuốc. Cô gái ngạc nhiên níu lại nhưng không được, cô ngơ ngác kêu lên:
- Thuốc của tôi mà. Ông vừa mới cho tôi xong.
Văn dụi điếu thuốc ấy vào thành chậu cảnh gần đó.
- Cô không biết hút thuốc, cũng chưa từng hút thuốc thì hút làm gì?
Cô gái vừa kinh ngạc vừa bực tức:
- Không biết... những cũng có thể được mà. Hơn nữa ông đã cho tôi rồi. Tôi muốn tập hút thử.
Văn lắc đầu nghiêm giọng:
- Hút thuốc đâu có tốt lành gì mà tập. Tôi thấy tuổi cô, nhất là con gái, không nên vì chuyện buồn phiền gì mà tập hút thuốc.
- Nhưng... đó là chuyện của tôi - cô gái phản đối - tôi đã xin điếu thuốc đó rồi.
Văn lãnh đạm:
- Tất nhiên là chuyện của cô. Chỉ có điều tôi không thích mình là người đưa điếu thuốc đầu tiên cho cô. Xin lỗi vậy.
Cô gái trừng mắt nhìn anh rồi như không biết làm sao trước cách cư xử nghiêm khắc khác thường của Văn. Cố nén cơn tức giận, cô mím môi quay ngoắt người trở về băng ghế dưới tán cây liễu. Văn nhún vai. Một kiểu bụi đời đầy mà. Các cô gái trẻ bây giờ nhan nhản trên các báo đài, cứ thích chuyện phiêu lưu mà bỏ nhà đi bụi, không hề biết thế giới bên ngoài phức tạp và nguy hiểm như thế nào với tuổi các cô. Bỏ lại cô gái choai choai đòi tập hút thuốc, Văn lại thong thả đi tiếp. Nhưng chỉ được dăm bước, có một tiếng hắt hơi sau lưng anh, rồi thêm một tiếng nữa. Văn dừng chân. Anh ngẫm nghĩ giây lát rồi quay trở lại.
Cô gái lúc nãy co ro thu người trên ghế và đang liên tục hắt hơi.
- Cô bị cảm rồi đó - Văn lên tiếng.
Cô gái trẻ quay đi không trả lời. Im lặng một chút rồi anh hắng giọng quyết đinh:
- Đưa thuốc để một cô gái trẻ như cô tập hút thì tôi không thích, nhưng tôi có thể mời cô một ly cà phê nóng để bù lại.
Cô gái ngẩng phắt đầu lên nhìn anh, ánh mắt như dò xét người đàn ông có ý tốt đột xuất kia.
- Sao? Không thích à? - Văn nhướng mày, tay phác một cử chỉ thờ ơ - Tôi thắng suông miệng nên mời cô thôi, không tiện thì thôi vậy.
Văn nhún vai định quay đi, thì cô gái đã chịu cất tiếng:
- Ở đâu?
Văn gật đầu. Giọng cô đã có vẻ dịu lại rồi. Đưa cho cô miếng khăn giấy để cô đừng sụt sịt cái mũi nữa, anh thành thật chỉ tay:
- Tôi không biết, đằng trước hình như cũng có vài quán.
Cầm lấy mảnh khăn và xì mũi, cô đứng lên. Văn để ý thấy cô ta quảy theo một cái túi du lịch nhỏ. Anh lắc nhẹ đầu. Vậy là đúng rồi, dân choai choai bỏ nhà bụi đời đây mà.

************

Đà Lạt đầy những quán cà phê, cả hai chỉ bước một quãng đã thấy những bảng hiệu bằng đèn điện sáng choang.
- Tiệm này được không ?
Văn hỏi khi đứng trước một quán nhỏ có bảng hiệu khiêm tốn nhất, cà phê "Đêm Đông". Cô gái gật đầu rồi dè dặt cùng anh bước vào. So với cảnh gió lạnh ẩm ướt bên ngoài, không khí bên trong quán xem ra khá ấm cúng.
Bà ghế thấp được kê rải rác trong quán, phía tiếp giáp bờ hồ lại còn có những khoảnh riêng được đóng bục cao vài phân ngăn thành từng ô và trang trí theo kiểu bàn trà của Nhật với cái bàn thấp và mấy tấm đệm ngồi kẻ sọc. Có một bếp lửa hồng trong góc.
Cô gái rụt rè chỉ tay:
- Chúng ta... ngồi trên kia được không ?
Văn mỉm cười dễ dãi:
- Cũng được.
Hai người bước lên bục để vào một ô nhỏ. Kiểu ngồi Nhật này khiến Văn bị vướng víu với cái áo măng tô, anh cởi rỏ luôn để bên cạnh. Người phục vụ nói tiếng Huế nhẹ nhàng thật dễ nghe, Văn gọi một tách cà phê nóng. Cô gái ngồi đối diện gọi một ly sữa nóng. Cách gọi của cô làm anh thầm thấy buồn cười. Chẳng lẽ cô nhỏ này chỉ vừa đi bụi đây thôi, vẫn còn quen với sữa nóng ẩm chưa kịp nghiện những thứ nước uống đắng vị, đắng lòng khác.
Ngồi đối diện thế này, Văn mới nhận thấy cô gái thật sự còn rất trẻ. Mái tóc dài dù có hơi bị rối, vẫn không giấu được vẻ thanh tú và khờ khạo của khuôn mặt. Đôi mắt cô ta to đen khá đẹp, nhưng lại thâm quần thiếu ngủ. Có lẽ đời sống bụi cũng không an lành như ý lắm, nên khuôn mặt ít tuổi kia xanh xao và mệt mỏi quá chừng. Hai ly nước đã được đem ra, cô gái cầm ly sữa lên ủ trong đôi tay của mình một lúc rồi bắt đầu uống từng ngụm nhỏ thận trọng.
Thấy anh quan sát mình, cô cụp mắt ngập ngừng hỏi:
- Ông không uống à ? Cà phê nguội hết.
Văn giơ ra điếu thuốc còn kẹp giữa hai ngón tay:
- Hút hết điếu thuốc đã, cô cứ uống tự nhiên đi.
Cô gái không hỏi nữa mà im lặng uống sữa. Không biết có phải Văn tưởng tượng ra không khi anh nhận thấy ly sữa nóng có tác dụng tức thời, làm gương mặt cô dường như bớt tái nhợt và có chút khí sắc hơn. Ngay khi cô gái vừa đặt ly xuống, Văn ngoắc người phục vụ gọi thêm ly sữa khác.
- Cám ơn anh.
Giọng cô gái trẻ bây giờ đầy thiện cảm, như câu cảm ơn kia đã phát xuất tận đáy lòng.
- Chỉ có ly sữa thôi mà - Văn cười.
Người phục vụ đã đặt lên bàn thêm một ly sữa mới và cất đi cái ly cũ đã cạn. Cô gái đợi người phục vụ đi khuất, lại cầm ly sữa nóng lên ủ trong đôi tay gầy của mình. Áo gió đỏ sọc trắng kéo cao kín cổ, quần Jean bạc phếch, cô gái nhỏ tóc tai mặt mũi xác xơ nhưng cử chỉ ủ nóng đôi tay với ly sữa làm Văn thấy đôi chút thú vị.
Dụi mẩu thuốc vào cái gạt tàn, Văn hỏi:
- Cô không phải là dân ở đây, phải không ?
Cô gái gật đầu, nhỏ nhẹ đáp:
- Tôi ở Sài Gòn.
Văn gật gù. Ước đoán của anh xem ra khá chính xác đó chứ.
- Cô lên đây với bạn à ?
Cô gái ngập ngừng:
- Không. Tôi lên một mình thôi... tôi... tôi muốn tìm việc làm để sống ở đây.
Văn chăm chú nhìn cô:
- Ở đây đâu dễ cho người lạ sống, nhất là vào mùa vắng khách du lịch như bây giờ.
Cô gái cụp mắt nhìn xuống ly sữa:
- Tôi biết, nhưng mà... không biết cách nào khác.
- Sao cô không về lại Sài Gòn ?
- Tôi không muốn về. - Cô gái đáp cộc lốc.
- Đang có chuyện buồn à ? - Văn hỏi thêm.
Thấy ánh mắt cô gái ngạc nhiên nhìn mình, Văn nhún vai:
- Xin lỗi nhé, tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy cô ngồi một mình ở đó, lại còn muốn hút thuốc.
Cô gái thở dài:
- Buồn phiền cũng có, nhưng tôi xin thuốc anh hút là vì lạnh quá thôi, tôi cứ tưởng có chút khói thuốc sẽ ấm người hơn, ai ngờ bị môt trận ho dữ dội như vậy.
Văn cười:
- Hút thuốc có cảm giác ấm áp hơn một chút thật, nhưng cô chưa biết hút không nên tập làm gì.
Cô gái cụp mắt gật đầu:
- Tôi biết.
Có thêm vài người khách vào quán, có lẽ họ đòi nghe nhạc nên cô chủ quán đã mở một đĩa nhạc cũ. Lạ lùng ở chỗ những giai điệu không mới lắm nhưng lại êm đềm thích hợp với cái không gian này. Văn đang thích thú chiêm nghiệm những điều khác lạ đến với anh trong tối hôm nay. Tội nghiệp một cô nhỏ bụi đời và mời cô ta một ly sữa nóng, anh mới có dịp biết đến một quán nhỏ thật ấm cúng và thật nên thơ bên bờ hồ Xuân Hương. Và giờ đây, đối diện với cô gái lạ với dáng vẻ lạc lõng bơ vơ, nói vài câu chuyện phiếm cũng đỡ buồn và lại càng dễ chịu hơn với giai điệu quen thuộc nhẹ nhàng kia.
Đĩa nhạc cũ này anh đã từng có, không chừng đã bỏ lăn lóc giữa đống đĩa để lâu không dùng, vậy mà ở đây sao lại ngân nga dìu dặt trong cái vẻ man mác, lành lạnh này nghe sao hay quá. Bài "Rồi từ giọng hát em" nghe thật du dương, thanh thoát. Văn nhấm một ngụm cà phê, tâm tư lãng đãng theo tiếng nhạc. Đặt ly xuống, anh hơi ngạc nhiên khi phát hiện cô gái đang nhìn đăm đăm vào ly cà phê của anh.
- Sao vậy ? Muốn uống thêm ly cà phê à ? - Anh hắng nhẹ giọng.
Cô gái giât mình:
- À, không, xin lỗi. Không phải tôi muốn uống thêm đâu.
Anh thắc mắc:
- Ly cà phê của tôi đâu có gì lạ mà cô nhìn chằm chằm vậy ?
- Tôi... - cô gái lúng túng - Không có gì đâu, tại tôi thấy anh cũng uống cà phê không bỏ đường giống như...
- Giống bạn trai của cô ? - Văn ngắt lời.
- Không phải, ý tôi là giống ba tôi hồi trước.
Văn nhướng mày. Giống ba của cô ta ? Đáng tin không ? Người ta uống cà phê giống ba mình thôi mà cũng nhìn ngơ ngẩn như vậy. Không để ý đến nét mặt chế giễu của anh, ánh mắt cô gái hơ mơ màng, giọng kể nhẹ nhàng:
- Hồi trước lúc nào ba tôi cũng uống cà phê không đường, không sữa, mà phải là cà phê thật nóng. Ba tôi thích uống cà phê phin tôi pha lắm, ba bảo tôi pha ngon. Mỗi sáng, ba hay nhỏ vào ly sữa của tôi vài giọt cà phê bảo là uống như vậy sẽ thơm hơn, ngon hơn.
Anh nhấc ly lên, múc vào ly sữa của cô gái ba muỗng nhỏ cà phê:
- Rồi đó. Đúng ý cô chưa ?
Cô gái tròn mắt:
- Ý... tôi ? Xin lỗi, tôi chỉ nhớ lại chuyện cũ chứ không có ý...
Văn cười, xua tay:
- Không sao. Hình như ly sữa thêm chút cà phê cũng dễ uống hơn thật, cô đừng ngại.
Cô gái có vẻ áy náy:
- Cảm ơn anh, anh... tốt thật.
Văn nhún vai:
- Chuyện nhỏ mà, chỉ là mấy giọt cà phê khen ngợi tôi làm gì.
Chừng như ly sữa pha chút cà phê ngon miệng hơn thật, cô gái quay qua hỏi về anh:
- Anh là du khách à ?
Văn lắc đầu:
- Không hẳn là vậy. Tôi lên đây vì công chuyện làm ăn.
- Làm ăn ? Tức là... mua bán kinh doanh cái gì à ?
Văn mỉm cười:
- Gần như vậy.
Cô gái có vẻ chú ý:
- Anh mua bán gì vậy ? Hàng bông ? Trái cây ? Hoa ? Hay rau cải ?
Văn bật cười:
- Không phải mấy thứ đó đâu. Tôi lên đây để mua thứ khác.
- Thứ gì khác nữa vậy ? Trà ? Cà phê sống ?
Thấy anh nhìn mình như lạ lùng, cô gái lúng túng giải thích:
- Tôi ở đây cũng mấy tháng rồi nên cũng biết sơ sơ về chuyện mua bán của nhà vườn ở đây, nếu... nếu anh muốn mua bán thứ gì mà chưa xong không chừng tôi có thể chỉ giúp chỗ rẻ hơn, tốt hơn. Nhất là mấy thứ hàng bông.
Văn gật gù. Giọng điệu cô nhóc cứ như môt. tay chạy cò nghiệp dư vậy, nghe cũng lanh lẹ dữ.
- Anh... đã mua bán được rồi à ? - Vẫn cái giọng quan tâm của cô gái.
Văn ngẩng lên:
- Chưa. Nhưng thứ hàng mà tôi đang ngã giá, chắc là cô không biết đến đâu.
Cô gái trẻ cãi:
- Sao lại không biết ? Tôi chỉ ở đây có mấy tháng thật nhưng cũng khá rành rẽ. Thậm chí tôi còn có thể hướng dẫn khách du lịch đến những nơi có cảnh đẹp mà chưa ai khai thác nữa. Giá cả lại không bị chém bậy, tháng trước tôi đã từng dẫn một tốp...
Văn cười, ngất lời:
- Nhưng đây không phải là chuyện hướng dẫn du lịch hay mua bán hàng bông. Tôi nói thật đó, cô không giúp gì được đâu.
Cô gái nhìn anh, vẻ như nửa không tin lời anh nói, nửa lại đầy thất vọng. Ánh mắt ấy làm Văn hơi mềm lòng.
Im lặng một chút, anh hắng giọng hỏi nhỏ:
- Đang thất nghiệp à ??
Cô gái cúi mặt gật đầu. Đôi vai dường như thu lại trông thật tội nghiệp. Văn lắc nhẹ đầu:
- Tôi...nếu tôi có dịp, cũng muốn giúp cô, nhưng thật tình là chuyện mua bán của tôi không dính gì đến hàng bông, nhà vườn gì cả, nó phức tạp và rắc rối hơn nhiều.
Cô nhỏ ngồi yên, hai tay vẫn ủ lấy ly sữa. Văn nhìn cô rồi dịu dàng như khuyên bảo:
- Tôi đoán là cô chỉ chừng mười mấy tuổi thôi. Cuộc sống xã hội bên ngoài không đơn giản, cô nên trở về nhà mình là tốt hơn cả. Làm thân con gái mà một mình kiếm sống ở nơi xa lạ như vậy không hay lắm đâu.
Cô gái ngẩng đầu nhìn anh trân trân như ngạc nhiên. Anh chắt lưỡi:
- Tôi nói thật đó. Cô còn trẻ lắm, lang thang kiểu ấy không tốt, nên về nhà đi, buồn bực gì cũng đâu có đáng để cô phải sống lang thang như vậy.
Cô lắc đầu thở dài:
- Anh nói như dễ lắm vậy.
- Sao lại không được, miễn cô có ý quay về là được rồi. Người thân lúc nào mà không lo lắng thương yêu mình, về xin lỗi một tiếng là xong thôi mà.
Cô gái nhăn mặt định nói câu gì đó nhưng rồi nghĩ sao lại làm thinh. Văn lại đốt một điếu thuốc. Khói thuốc vờn bay làm không gian như lãng đãng, bâng khuâng. Từ gian loa nhỏ gắn trên cao, một giọng nam trầm trầm bài "Một cõi đi về", nghe lòng buồn man mác.
Cô gái trẻ ngồi lặng người như chìm đắm vào khúc hát. Thân phận một con người thật bấp bênh trong thế giới bao la này. Cô chỉ mới mười tám, chỉ mấy tháng bươn chải với đời, nhưng sao đã thấy mỏi mệt và hoang mang quá. Cuộc đời dài lê thê trước mặt làm sao cho cô đi hết đoạn đường chông gai đó với một thân môt. mình lẻ loi cô độc như vậy ? Hai ly sữa người đàn ông tốt bụng hôm nay mời có thể giúp cô chống chọi với cái đói cái lạnh của buổi tối này, nhưng còn ngày mai ? Ngày mai sẽ ra sao ? Mùa mưa Đà Lạt rất dài, làm sao có một chỗ để cô nương thân trong lúc khốn khổ này ?
Bài ca dứt, cô cũng như sực tỉnh nhìn quanh rồi thầm thở dài. Đối diện với thực tế luôn là niềm cay đắng và u buồn. Uống cạn ly sữa, cô đặt ly xuống và chống tay đứng dậy:
- Cám ơn anh đã mời tôi mấy ly sữa, tôi... phải về rồi.
Thấy anh cầm áo khoác định nhổm dậy, cô giơ tay cản lại:
- Anh khỏi tiễn tôi, cứ ngồi lại đi, tôi về một mình được rồi.
Văn gật đầu ngồi trở xuống:
- Thôi được, vậy chào cô, chúc vui vẻ, nhớ những lời khuyên của tôi nhé.
Cô gái cười gượng:
- Tôi nhớ rồi, cám ơn anh rất nhiều.
Cô gái khóac cái túi xách nhỏ rời đi. Ra đến cửa, không hiểu sao cô lại rẽ vào quầy nói gì đó vài câu với chủ quán. Văn ngạc nhiên dõi theo. Nhận được cái lắc đầu ái ngại của cô chủ quán, cô gái thất vọng bỏ ra cửa, lần này thì đi thật. Cái áo khoác sọc đỏ trắng đã khuất sau cánh cửa kính trong suốt.
Văn ngẫm nghĩ rồi ngoắc người phục vụ nói nhỏ. Một lúc, cô chủ quán đi đến, anh hỏi ngay:
- Xin lỗi, tôi muốn biết cô gái khi nãy nói chuyện gì với chị vậy ?
Cô chủ quán cười, giọng nhẹ nhàng với âm Huế:
- Cô nới muốn xin việc nhưng quán đủ người rồi.
- Vậy à, cám ơn chị.
Cô chủ quán lui ra, Văn lắc đầu một mình. Xem ra lời khuyên của anh vô ích rồi. Cô gái kia, có lẽ quyết chí bám lại đất Đà Lạt này kiếm sống. Chẳng biết ở nhà, cô ta đã phạm lỗi gì mà không dám về vậy. Thân con gái một mình lang thang ở đây, thật không dễ dàng chút nào. Người ta đã đổi đĩa nhạc, một cô gái nào đó đang uốn giọng nhí nhảnh trong một điệu nhạc rộn ràng bài "Beautiful life", không hợp chút nào với khung cảnh êm đềm lãng mạn này.
Cà phê đã nguội, Văn ngán ngẩm gọi tính tiền. Sương mù ngoài bờ hồ vẫn la đà phủ mờ cảnh vật. Văn thả bộ trở về khách sạn, không hiểu sao trong đầu anh lãng đãng hình ảnh "chiếc áo đỏ sọc trắng" lang thang trên những con dốc Đà Lạt đầy sương mù và những câu hát đã cũ.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi.
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt,
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về”.
Bờ hồ vẫn lung linh ánh sáng vàng vọt, thứ ánh sáng của đèn điện ấy như muốn át cả bóng trăng sao bàng bạc trên cao.
Gió ẩm ướt kéo đến một chút mưa phùn. Văn kéo cao cổ áo quay về khách sạn.
Bình yên khung trời nhỏ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương Kết