Chương 9
Tác giả: Khánh Vân
Buổi thu hoạch nhãn bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài cho đến trưa thì nghỉ tay để mọi người ăn cơm, sau đó làm lại đến xế chiều.
Khi Thuý An tắm ra, bàn cơm đã được dì Biên bày xong. Cô định ngồi vào chỗ cạnh nồi cơm thì ngoại ngăn lại. Dì Năm cười nói:
− Hôm nay con khỏi lãnh việc bới cơm.
Trong khi cô còn đang ngạc nhiên vì nhiệm vụ mọi ngày bị dì Biên dành thì ngoại đã dẻ miếng lườn cá bỏ vào chén cô, ngoại nói gọn:
− Lo ăn thôi được rồi. Ăn cho chắc bụng đó.
Dì Biên nháy mắt:
− Hôm nay chắc là An ngủ ngon nhất. Lúc đầu tưởng người thành phố làm không quen ai dè em cũng lanh lẹ chạy đầu này đầu nọ vừa ghi sổ vừa tính toán đến mướt mồ hôi. Giỏi ghê.
Và miếng cơm Thuý An cười:
− Con đâu có giỏi. Con còn không biết cân, cân lộn tùm lum.
Dì Biên chắt lưỡi:
− Thì mới làm chưa quen mà, rồi em cũng làm được hết, đó thấy không, mấy người làm họ khen em còn nhỏ mà giỏi nữa, phải không chị Năm?
Dì Năm mỉm cười xác nhận. Thuý An hơi mắc cỡ với lời khen của dì.
Nhưng quả thật hôm nay cô làm việc rất hăng say. Việc kiểm mấy bao nhãn rồi cân, và cộng sổ không khó, nhưng phải lăng xăng một chút. Vốn không quen vận động, cô chạy tới chạy lui mướt mồ hôi. Lúc đầu cô có lọng cọng một chút nhưng rồi với sự giúp đỡ của mọi người, mọi việc cũng suôn sẻ. Vả lại ngắm những bao nhãn tròn to ngon lành, những nhân công thu hoạch lành nghề, thoăn thoắt khiến cô thích thú đến quên mệt nhọc. Giờ tắm rửa sạch sẽ ngồi ăn cơm cô mới thấy chân tay mỏi nhừ đến rã cả người.
Trong bữa ăn dì Biên kể những chuyện vui nho nhỏ xảy ra ngoài vườn. Ngoại không nói gì nhưng gắp thức ăn cho cô đến mấy lần.
Ăn xong, cô ra ngoài giúp dì Năm cộng sổ sách. Thấy cô che miệng ngáp, dì Năm kéo sổ lại cười:
− Thôi đi ngủ đi, con mệt cả ngày rồi.
Thật sự đuối sức nên khi được cho phép ngủ sớm, cô vào phòng đánh một giấc thật ngon lành. Mãi cho đến khi một tiếng ca trầm trầm buồn buồn lại vẳng đến cô mới mơ màng tỉnh giấc.
Tiếng côn trùng rỉ rả và màn đêm đen kịt ở khe cửa sổ cho cô biết đã khuya lắm rồi. Vẫn còn mỏi người, cô trở mình cố dỗ giấc ngủ.
Nhưng gió đêm âm thanh xào xạc ngoài vườn và giọng ca đâu đây quyện vào nhau thành một thứ âm thanh huyền hoặc kỳ lạ.
“Ơ…hơ….
Đêm nay… ơ… lại giống đêm nào….
Nhấp xong chung rượu… ơ… mà buồn tâm cang”.
Thuý An dụi mắt chợt tỉnh táo. Chà ngâm nga thành câu nữa chứ. Có dàn nhạc tài tử gần đây sao?
Cô ngồi hẳn dậy chân thò xuống giường tìm dép nhưng tai cô vẫn lắng nghe. những lời ca bay theo làn gió đêm thổi tới văng vẳng, lúc thoang thoảng cứ như không, có khi rõ mồn một như người hát đang ở đâu gần đây lắm.
Không trống, không đàn nhưng giọng hát lên bổng xuống trầm thật hay qua. Dì Biên gần đây kể cho cô nghe đủ thứ chuyện về xứ này. Nhưng chuyện nữa đêm có người ngâm nga như thế này thì chưa nhắc đến bao giờ. Sao lại có tiếng ca nghe lạ quá.
“Người sầu … chứ … sao dễ thở than.
Sầu tôi như thể nhang tàn đem khuya”.
Thuý An muốn nín thở lắng nghe. Đúng là tiếng ca ngâm đêm trước rồi. Tiếng ngâm nga khàn kàhn, mang mang, lẫn trong tiếng nỉ non của côn trùng thật hay nhưng nghe sao bùôn thê lương quá.
Người đang ngâm nga ấy ở đâu nhỉ? Tiếng ngâm nga là thực hay mộng? Có phải là có người đang than vãn trong đêm chăng?
Đợi một lúc tiếng ngâm không cất lên nữa, thay vào đó là tiếng sáo. Ồ, tiếng sáo trong đêm du dương theo gió như tỉ tê với một mối tâm sự gì đó.
Thuý An mê mải nghe, cô không biết là mình đã rời giường và men ra bên hiên nhà để nghe rõ hơn tiếng sáo.
Không biết mất bao lâu, tiếng sáo mới lụi tàn trong đêm. Cô còn ngẩn ra với dư âm của nó thì một giọng nhỏ nhẹ vang lên làm cô giật mình quay lại:
− Con làm gì ngoài này?
Ánh trăng sáng cho cô thấy được dáng người lù lù bên thềm nhà là dì Năm Hoa. Dì ngồi bệt bên hiên nhà, chiếc nạng đặt bên cạnh. Thở phào xua đi cơn hoảng sợ vì bất ngờ, cô quên trả lời dì. Đến khi dì hỏi thêm lần nữa, cô mới sực tỉnh đáp:
− Tiếng ai hò ngâm và thổi sáo đánh thức con dậy. Là ai ngâm vậy dì? Ban nhạc tài tử à? Nghe hay quá.
Đôi mày dì Năm nhíu lại với giọng nghiêm trang:
− Con không khoẻ mạnh, sao không ngủ cho đầy giấc, ra đây làm chi sương xuống lạnh bệnh làm sao?
− Tại giọng ngâm đó hay quá nên con mới….
Dì gạt phắt đi:
− Để ý tò mò làm gì, kệ người ta. Khuya rồi con vô ngủ đi.
Thuý An hơi ngạc nhiên nhưng thấy ánh mắt dì nghiêm khắc lạ thường, dì lập lại:
− Mau về phòng đi.
Giọng của dì xem chừng không muốn nghe nằn nì, Thuý An đành phải riu rìu trở vào phòng. Đến cửa phòng mình cô mơ hồ nghe giọng thở dài nho nhỏ đằng sau lưng.
Ồ dì Năm cũng đâu có ngủ. Dì khó ngủ à? Hay dì cũng bị tiếng hát và tiếng sáo kia làm tỉnh giấc?
Trăng đem thật sáng. Mùi hương Ngọc lan cũng nồng nàn.
Cơn mưa nhỏ làm trời chiều sẫm màu sớm hơn thường ngày dù chỉ mới hơn 4 giờ. Tiễn người thầy thuốc đông y ra cổng xong, Thuý An định quay vào thì chợt nghe mùi hương thoang thoảng. Ồ, lại là hương ngọc lan
Cô mất mấy phút sục tìm trong khoảng sân trước nhà mới phát hiện được một cây đậm hương nhất nằm sát bên bờ rào. Cây chỉ có vài cánh hoa nhưng mùi hương thật nồng nàn lan toả khắp không gian
Thuý An hái lấy một nụ hoa. Cô ngắm nhìn và thầm ngạc nhiên cho cánh hoa khá đơn giản nhưng lại có mùi ngây ngất như vậy
Vuốt nhẹ viền cánh trắng muốt cô tự nhủ, người đời thường chú ý đến những hào nhoáng bên ngoài nên hầu như chẳng ai thấy những hoa đậm hương mà đơn giản như vầy
Ngắm chán, cô bỏ đoá hoavào túi áo sơ mi của mình rồi men ra cổng ngắm trời mây
Có hai, 3 tốp con nít chạy rượt đuổi ngang nhau qua nhà cô. Cô đứng nép vào bên rào nhường đường. Có lẽ lũ trẻ hôm trước. Tiếng cười đùa của bọn trẻ thật trong trẻo vào hồn nhiên
− Anh Hai đợi em với, anh Hai
Đứa con gái nhỏ 7, 8 tuổi vừa chạy vừa kêu. Trong bọn con trai đang đùa giỡn, một chú nhóc dừng lại. Đứa con gái trờ lên thở hổn hển. Thằng anh nhăn mặt lườm:
− Con gái lúc nào cũng vậy, chậm quá chừng
Đứa bé gái phân bua:
− Em còn xách tập cho anh nữa mà
− Thì đưa đây tao xách. Có mấy cuốn t65ap mà làm như nặng lắm vậy
Nhận cái túi xốp được kẹp ở nách đứa em ra, thằng nhóc nhìn lướt qua rồi chợt hỏi:
− Viết đâu rồi?
− Thì ở trỏng
− Tao có thấy cây nào đâu
Đứa be gái tròn mắt. hai anh em mở túi lục lạo. Khi thấy rõ là ngoài hai cuốn tập cong queo mất góc chả có cây viết nào, con bé kêu lên:
− Hồi nãy em bỏ vô hết thật mà
Thằng anh hừ một tiếng rồi xỏ ngón tay vào một cài lỗ rách ở cái túi xốp:
− Mày làm rớt mấy rồi còn gì nữa. Đã nói phải kẹp chặt vô nách rồi mà. Có hai cây viết mà mày làm rớt hết, chút làm sao học?
Đứa con gái sợ sệt, nó lục túi tập lại lần nữa rồi ngập ngừng quay trở về. Thằng anh la lên:
− Đi đâu đó?
− Thì em về kiếm – Con bé lí nhí nói
− Chạy từ nhà lại đây, biết chỗ nào mà kiếm?
Đứa bé gái bối rối:
− Thì … em kiếm đại
Thằng anh nhăn nhó một lúc rồi kẹp túi đựng tập vào nách:
− Kiếm thì hai đứa kiếm, mắt mày lúc nào cũng ngó đâu đâu làm sao kiếm ra. bắt đầu từ đây đó, ráng kiếm đi, ngó coi có rớt ở mấy bụi nào không?
Thuý An mỉm cười nhín hai đứa trẻ lò mò vừa đi vừa dáo dác ngó tìm dưới đất. Cô đi lại bọn chúng và hắng giọng làm quen:
− Tụi em làm mất viết hả?
Hai đứa trẻ ngóc lên nhìn cô bằng ánh mắt tò mò. Thuý An cười nói:
− Chị có viết đó. Mấy cây lận
− Chị muốn … cho tụi em à? - Đứa bé gái buột miệng hỏi
Thuý An gật đầu:
− Ừ, đợi chị ở đây được không? Chị chạy vô lấy cho mấy đứa
Hai đứa trẻ nhìn nhau thật nhanh rồi e dè gật đầu với cô:
Khi cô trở ra hai đứa trẻ vẫn lảng vảng gần cổng, chúng im lặng nhìn tay cô. Khi cô chìa tay ra với mấy cây viết, đứa bé gái mừng rỡ sáng mắt hẳn. Nhưng nó không cầm vội mà liếc mắt rụt rè nhìn anh. Ra vẻ người lớn hơn, thằng anh cầm lấy và khoanh tay cúi đầu:
− Em cám ơn chị
Đứa em cũng khoanh tay cảm ơn như anh trai. Thú vị vì bọn trẻ quá lễ phép, Thuý An hỏi:
− Tụi em đi học à? Sao học buổi chiều tối như vậy?
Thằng anh tần ngần một giây rồi đáp:
− Tụi em học lớp tình thương
Thuý An hiểu ra. Cô nhìn lại dáng vẻ chững chạc lẫn rụt rè của hai anh em mà cảm phục. Không được theo học trường lớp chính quy nhưng chúng vẫn ham học và ngoan ngoãn quá chừng
− Lớp em ở gần đây không?
− Dạ gần, ở trong đình đó chị
Thuý An ngạc nhiên ồ lên một tiếng:
− Trong đình Ông Đốc có lớp học à?
− Dạ
− Lớp mấy em có đông không?
− Dạ đông, 16 đứa lận
Đứa bé gái nãy giờ ngắm Thuý An bỗng rụt rè hỏi:
− Chị mới về phải không? Chị ở … ở nhà này à?
Thấy nó chỉ tay vào nhà ngoại bằng ngón tay út bé xíu e ngại, tự dưng Thuý An nhớ đến mấy hộp bánh kẹo má biếu ngoại vẫn còn nguyên trong nhà, cô cười gật đầu:
− Ừ, chị mới về mấy ngày nay thôi. Mấy em chắc ở trong xóm. Chị tên An, mấy em tên gì?
Đứa bé gái đáp:
− Em tên Mai, anh Hai em tên Minh
Rồi như sợ trễ, đứa con trai dậm chân nhẹ nói nhỏ:
− Tụi em vô học không thôi thầy la
Thuý An gật đầu:
− Ừ, chúc mấy em học vui vẻ
Hai anh em khoanh tay chào cô rồi quay lưng đi. Thuý An nhìn theo, tuổi thơ miền quê mộc mạc dễ thương thật
Ánh chiếu đã tắt hẳn. Tần ngần một chút, cô lững thững đi trên con đường đất bắt đầu sẫm màu trời.
Đã một tuần ở đây, cô đã yên tâm hơn và không còn thấy lạ lẫm với cảnh vắng vẻ và thiếu ánh sáng của những con đường nhỏ quanh nhà nữa. Đang lang thang bỗng nhiên cô thấy cô tiếng người nói chuyện rồi hai bóng người từ xa đi lại. Thuý An chợt nhận ra một trong hai người là Hai Quang. Nhớ đến cuộc nói chuyện không vui vẻ hôm trước, cô quay người định vô nhà thì anh gọi lớn
− Khoan đã An. Anh muốn nói chuyện với em
Cô bặm môi đứng yên chờ đợi. Hai Quang đến bên cô. Quay lại người đàn ông đi chung, anh nói:
− Anh Bảy về trước đi, tôi gặp anh sau
Người đàn ông ngần ngừ rồi cũng bỏ đi. Ngang qua cô, ông ta không quên liếc nhìn tò mò. Đợi ông ta đi khuất vào ngã rẽ, Thuý An hắng giọng:
− Anh muốn nói chuyện gì với An?
Hai Quang nhìn cô:
− Em ghé qua nhà tôi được không?
Thuý An lắc đầu:
− Vườn hồng nhà anh An đã tham quan hết rồi, đâu còn chỗ nào chưa đi qua. Anh có gì cứ nói ở đây cũng được mà
Anh nhìn cô im lặng. Mất một lúc anh mới thở nhẹ:
− Tôi chỉ… tôi muốn xin lỗi em
− Về chuyện gì?
− Chuyện hôm trước. Tôi đã quá… cố chấp. Tôi biết em giận tôi lắm. Cho tôi xin lỗi
Thuý An nhìn anh, cô dịu giọng:
− Không sao. Nhưng nói thật sao hôm đó anh có thái độ lạ quá. An nhớ lúc mời An ghé tham quan vườn hồng, anh có vẻ vui vẻ lắm, rồi sau đó tự nhiên anh lại gay gắt. Anh có thể cho An biết nguyên nhân không?
− Có lẽ… tôi đã quá lời. Tôi cũng không hiểu sao mình lại cứ để chuyện của ngày xưa làm cho đ6àu óc căng thẳng nên đã có ý nghĩ so sánh không đúng. Em bỏ qua nhé
Thuý An im lặng nhìn Quang, trong bụng nghĩ không biết có nên nhân dịp hắn đang xuống nước bắt hắn phải giải thích rõ ràng hay không. Nhưng dường như Hai Quang đọc được suy nghĩ của cô nên tìm cách gạt ngang:
− Em đừng thắc mắc những gì tôi đã nói. Tôi hứa với em là từ rày tôi sẽ không bao giờ đề cập đến chuyện đó nữa
Anh ta không muốn nói, Thuý An cũng chẳng biết làm gì hơn là gật đầu một cách vô thưởng vô phạt, miệng lí nhí:
− Vậy … không còn gì nữa, An về nghen
Quang có vẻ do dự:
− Em định đi đâu vậy?
− Không, An đâu có định đi đâu
− Em có thích vô trong đình không? – Hai Quang ngập ngừng đề nghị - Ghé vào chơi chút nhé
Thuý An lắc đầu quầy quậy:
− Thôi, vô trong đó giờ này sao được?
− Sao lại không vô được? – Hai Quang ngạc nhiên
− Tại vì trong đình giờ này tụi trẻ con đàng học mà
− Em cũng biết chuyện đó nữa à?
− Biết chứ
− Vậy vô không?
− Không. Chỗ tụi nhỏ học hành, có gì đâu mà coi. Bộ anh tính vô trỏng hả?
Hai Quang gật đầu. Thuý An thắc mắc tiếp:
− Anh vô trỏng làm gì vậy?
− Thì … xem tụi nhỏ học
− Trời đất! Anh cũng ngộ ghê!
Hai Quang nhướng mắt ngạc nhiên hỏi:
− Có gì mà ngộ
− Thì đó! Lớp học trẻ con mà anh cũng tò mò coi. Nè! bộ anh thường tới coi tụi nhỏ học lắm hả?
Hai Quang gật đầu xác nhận:
− Thường lắm, tới theo dõi việc học của chúng coi có tiến bộ không
Thuý An nhìn anh lạ lùng, rồi bỗng nhiên sực nghĩ ra cô reo lên:
− A! An biết rồi ! Anh có con học ở trỏng chứ gì? Nên anh thường xuyên tới kiểm tra xem có đi học không hay trốn chơi chứ gì?
Hai Quang nhăn mặt lắc đầu:
− Trời ơi! Em nói gì vậy?
Rồi như không muốn nghe tiếp những câu đoán mò của cô, anh khoát tay:
− Thôi trễ rồi, tôi vô trong đó xem sao. Em đi về nhé, trời tối rồi đấy!
Anh ta nói xong quay người đi thẳng
Thuý An tần ngần một lúc rồi cũng lững thững đi về. Vừa đi vừa nghĩ, quái cái anh chàng này cứ nhất định nhào vô chỗ người ta học để làm gì nhỉ? Cô chợt phì cười một mình khi nhớ tới câu suy đoán lúc nãy. Chắc trật lấc rồi, vì chẳng lẽ một người ăn nên làm ra như Hai Quang mà con cái lại không được tới trường lớp đàng hoàng hay sao, mà phải tới đình để học lớp tình thương
Kể cũng lạ, từ ngày mới quen biết, nói chuyện với Hai Quang, cô cũng chẳng biết anh ta có vợ con gì chưa nữa. Chuyện này… để thử hỏi xem! Ai nhỉ?… Dì Biên.