Chương 41
Tác giả: Khuyết Danh
V ào thời Đường Cao Tông, Thổ Phồn rất hùng mạnh nên Tây Đột Quyết phải quy phục và có ý định thôn tính cả Thổ Cổ Hỗn. Nhà Đường cũng tham dự vào hoạt động thôn tính Thổ Phồn, nên quan hệ hòa hiếu giữa Thổ Phồn với nhà Đường bị phá vỡ. Nhà Đường vì muốn đối phó với Thổ Phồn nên đã trao cho tù trưởng Tây Đột Quyết là A Sử Na Đô Chi làm tả kiêu vệ tướng quân để ông chấm dứt quan hệ với Thổ Phồn.
A Sử Na Đô Chi bề ngoài thì tỏ vẻ theo ý của nhà Đường nhưng sau lưng vẫn liên kết với Thổ Phồn để cùng chiếm An Tây của nhà Đường (tức Cao Xương, Tân Cương bây giờ). Nhà Đường muốn xuất quân đánh dẹp Tây Đột Quyết. Quan thị lang Bùi Hành Kiệm khởi tấu Đường Cao Tông: "Bây giờ Thổ Phồn đang mạnh, Tây Đột Quyết cũng có ý hòa hiếu với nhà Đường nên chúng ta không thể công khai dùng binh hai phía được Bây giờ cũng đúng lúc Ba Tư vương vừa qua đời, con ông ta Nê Niết Tư làm con tin thì vẫn ở trong kinh đô của ta, ta có thể sẵn sàng để cho Nê Niết Tư về nước kế vị. Trên đường qua Tây Đột Quyết thì nhân tiện hành sự luôn, chắc chắn là không cần đánh mà Tây Đột Quyết vẫn phải quy hàng". Đường Cao Tông nghe nói có lý bèn hạ lệnh cho quân do Bùi Hành Kiệm dẫn đầu đưa vương tử Ba Tư về nước, cũng là để làm yên lòng các nước láng giềng của Ba Tư. Trên thực tế thì chỉ là mượn cớ để công kích Tây Đột Quyết.
A Sử Na Đô Chi cũng biết ngay kế sách giả dối bề ngoài một kiểu, bên trong một kiểu của nhà Đường nên phái rất nhiều trinh thám để kịp thời tìm hiểu hành trình của Bùi Hành Kiệm.
Năm Điều Lộ thứ nhất (năm 627 sau Công nguyên) vào một ngày nắng to, Bùi Hành Kiệm đến Tứ Châu (bây giờ là Thổ Lộ Phồn, Tân Cương), các quan lại ở Tứ Châu đều ra ngoài thành nghênh tiếp. Bùi Hành Kiệm triệu tập hơn 1000 con cháu hào kiệt đi theo, rêu rao khắp nơi rằng thời tiết nóng quá, không muốn vội vàng đi xa, đợi đến khi thời tiết mát mẻ hơn sẽ lên đường đi về phía tây.
A Sử Na Đô Chi vốn đang lo Bùi Hành Kiệm sẽ đánh gấp nay lại nghe nói Bùi Hành Kiệm muốn lưu lại Tây Châu đợi khi trời mát mới đến Đột Quyết nên rất yên tâm, chỉ lo vui vẻ, tránh nóng mà không hề lo bố trí phòng vệ.
Bùi Hành Kiệm lại cho triệu tập tù trưởng bốn trấn An Tây và nói với họ: "Trước đây ở Tây Châu, ta thích nhất là đi săn. Nhân tiện lúc này đang rỗi rãi ta muốn thăm lại chốn cũ, vừa là đi săn vừa du ngoạn khắp nơi. Ai muốn đi cùng ta?". Người dân nơi đó vốn sống dựa vào việc săn bắn nên vừa nghe vậy, tất cả mọi người không ai là không muốn đi theo. Bùi Hành Kiệm lại nói: "Nếu mọi người muốn đi cùng thì phải theo lệnh của ta". Mọi người đều đồng thanh đáp ứng.
Bùi Hành Kiệm tuyển chọn được hàng vạn người ngựa, tổ chức thành đội ngũ. Dưới danh nghĩa là đi săn, Bùi Hành Kiệm đã ngấm ngầm cho thao luyện đồng thời còn ra lệnh liên tiếp trong mấy ngày từ đường nhỏ tiến về phía tây, chỉ mấy ngày sau đã đến chỗ bộ lạc của A Sử Na Đô Chi. Khi còn cách chỗ của bộ lạc đó 10 dặm, Bùi Hành Kiệm phái sứ giả đến vấn an.
Bỗng nhiên nhìn thấy sứ giả nhà Đường đến nên A Sử Na Đô Chi rất đỗi kinh hoàng. Nhưng thấy sứ giả có thái độ khoan thai, ôn hòa, không trách mắng chuyện ông ta đã ngấm ngầm liên kết với Thổ Phồn, cũng không có ý muốn đánh nên mới yên tâm. A Sử Na Đô Chi vốn cũng đã bàn bạc với người trong bộ lạc dự định đến mùa thu trời mát mẻ sẽ chống cự lại quân Đường. Bây giờ chưa kịp phòng bị thì quân Đường đã đến, nếu gắng gượng để chống cự thì rõ ràng là lấy trứng chọi đá, vả lại xem thái độ của sứ giả nhà Đường thì chắc nhà Đường cũng sẽ không dùng quân ngay tức khắc nên cũng giả vờ tỏ ra tôn trọng nhà Đường, dẫn trên 500 quân đến chào Bùi Hành Kiệm.
Bùi Hành Kiệm cũng giả vờ tỏ ra hoan nghênh, nhưng thực ra đã ngấm ngầm bố trí mai phục. Vừa đợi A Sử Na Đô Chi bước vào lều trại bèn ra hiệu lệnh cho quân mai phục xông ra, lập tức hơn 500 người bị bắt giam lại.
Lúc đó, phó tướng của A Sử Na Đô Chi là Lý Già Bặc trấn giữ ở biên giới phía tây. Bùi Hành Kiệm dẫn đầu kỵ binh, thừa thắng đánh về phía tây đó. Già Bặc còn chưa biết việc gì xảy ra thì đã bị tấn công bất ngờ nên không chống cự lại được đành giơ tay xin hàng.
Bùi Hành Kiệm không cần đổ máu mà vẫn bắt được hai tù trưởng của Tây Đột Quyết và thắng lớn. Sau đó lệnh cho hoàng tử Ba Tư tự về Ba Tư, để người lưu lại An Tây, đồng thời cho xây thành Toái Diệp, củng cố biên phòng. Còn mình thì áp giải tù binh về phía đông, chiến thắng trở về. Trong buổi tiệc mừng chiến thắng, Đường Cao Tông nói với ông rằng: "Khanh dẫn một đội quân tác chiến đơn độc, đi sâu vạn dặm, không cần đổ máu mà vẫn bắt được tù binh về, có thể nói là văn võ song toàn".
Làm bất cứ việc gì cũng phải có thời gian, một khi không có thời gian thì tự nhiên mọi việc đều không có kết quả. Bùi Hành Kiệm không mất một quân lính nào, không để cho Thổ Phồn kịp trở tay nên dễ dàng bắt được thủ lĩnh của Tây Đột Quyết, điểm mấu chốt của vấn đề là ở chỗ đã không cho A Sử Na Đô Chi kịp có thời gian để chuẩn bị chống cự. Đương nhiên thời gian thì không thể lấy trộm hay cướp đi được, cái gọi là làm cho đối thủ mất đi thời gian không có nghĩa là rút đi thời gian một vài giờ, một vài ngày hay vài tháng trong cuộc đời của đối thủ, mà chỉ là thông qua các thủ đoạn lừa dối làm cho thời gian mà đối thủ vốn định dùng để chống cự thành của mình dùng. Như vậy thì riêng chuyện chống cự, đối thủ cũng đã không đủ thời gian rồi. Cạnh tranh trong kinh doanh cũng vậy, kế "lừa lấy thời gian của đối thủ” luôn là kế tốt nhất để không cần đánh mà vẫn thắng.
Một lần, một thương nhân người Mỹ là người rất thích phân tích tâm lý và tinh thần người Nhật Bản vì chuyện làm ăn phải đến Nhật đàm phán. Khi máy bay hạ cánh ở Tokyo, ông ta được nhân viên do phía Nhật cử đến đón tiếp với một thái độ rất lịch sự, lại còn giúp ông làm các thủ tục.
“Thưa ngài, ngài có biết nói tiếng Nhật không ?", người Nhật đó hỏi ông ta.
“ồ! không, nhưng tôi có đem theo một quyển từ điển rất hay, hy vọng sẽ nhanh chóng học được", ông người Mỹ trả lời.
“Thế lúc về ngài cũng sẽ đi máy bay chứ? Đến lúc đó chúng tôi sẽ tiễn ngài ra sân bay", người Nhật đó lại hỏi.
Ông người Mỹ không cảnh giới gì nữa, cảm thấy người Nhật thật chu đáo, quan tâm nên vội rút vé máy bay lúc về ra nói cho anh ta cụ thể là lúc nào rời Nhật Bản.
Người Nhật đó biết rằng thương nhân người Mỹ này chỉ ở Nhật 4 ngày. Thế là đầu tiên thì sắp xếp cho ông ta đi du lịch một tuần. Không chỉ đi thăm các thắng cảnh mà còn dựa vào sở thích của ông ta để sắp xếp cho ông ta tham gia một lớp “Thiền cơ" ngắn hạn giảng bằng tiếng Anh, nói rằng để thương gia người Mỹ tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng Nhật Bản.
Mỗi tối, người Nhật đều để cho người Mỹ quỳ trên nền đất cứng, tham dự các buổi tiệc khoản đãi ân cần hiếu khách kiểu Nhật, mỗi lần là 4 giờ 30 phút, làm cho thương gia người Mỹ chán đến tận cổ mà vẫn phải luôn miệng cám ơn. Nhưng cứ mỗi lần nhắc đến chuyện làm ăn thì người Nhật lại thư thái nói "Thời gian còn nhiều, không vội, không vội?".
Đến ngày thứ 12 thì buổi đàm phán cũng bắt đầu, nhưng đến chiều lại chơi gôn. Đến ngày thứ 13 lại đàm phán, nhưng vì còn phải tham dự buổi tiệc tiễn đưa rất long trọng nên phải kết thúc đàm phán sớm. Buổi tối hôm đó, người Mỹ đã sốt ruột lắm rồi nhưng vẫn phải tỏ ra tươi cười vui vẻ nghe theo sự sắp xếp khách sáo của người Nhật để tham gia các cuộc vui tiếp.
Đến ngày thứ 14, đàm phán lại bắt đầu, nhưng lúc bàn đến vấn đề quan trọng thì xe ô tô đến giục vì đã đến giờ ra sân bay. Thế là hai bên chủ khách đành phải cùng nhau lên xe. Trên đường ra sân bay bàn về điều kiện mấu chốt. Xe đến sân bay, mọi người bước xuống xe thì cũng vừa lúc hai bên ký xong vào bản thỏa thuận. Hai bên nói lời tạm biệt, người Mỹ thì mỉm cười lên máy bay. Song chỉ sau một thời gian thực hiện thỏa thuận thương gia người Mỹ mới phát hiện ra mình toàn bị lỗ. Lúc đó ông mới tỉnh ngộ ra rằng người Nhật đã lừa lấy gần hết thời gian mà lẽ ra dùng để đàm phán, ký thỏa thuận, trong tình cảnh như vậy thì làm gì mà chả thua?