watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tục Tái Sanh Duyên-Hồi thứ Bảy A - tác giả Khuyết Danh Khuyết Danh

Khuyết Danh

Hồi thứ Bảy A

Tác giả: Khuyết Danh

Lại nói chuyện vua Anh Tôn muốn vào nam nội triều kiến thái hậu. Phi Giao hoàng hậu nói:
- Muôn tâu bệ hạ! Không ngờ ngày nay thái hậu biến tâm, chỉ đợi bệ hạ đến thì hại bệ hạ rồi tha Hùng quốc trượng và lập vua mới.
Vua Anh Tôn trong lòng nghi hoặc, vì thế mới cáo bệnh không dám đến triều kiến thái hậu lần nào mà mọi việc triều chính giao cho một tay Phi Giao hoàng hậu tất cả. Suốt ngày chỉ nay ngự cung này, mai ngự cung khác, nghe đàn uống rượu, cùng bọn cung nga đùa bỡn mua vui. Phi Giao hoàng hậu lại gia thăng Đồ Man Hưng Phục và giao cho hai cha con hắn được quản lĩnh binh quyền, để nghiêm sát những trong cung ngoài thành, nhất là cung thái hậu, hễ có cử động việc gì phải tức khắc phi báo cho Phi Giao hoàng hậu biết.
Phi Giao hoàng hậu bảo bọn Mã Thuận rằng:
- Ngày nay các ngươi phải hết lòng, nếu ai trễ biến thì chớ trách ta tệ bạc. Gia Tường công chúa thì cấm không cho được vào cung,vua cho công chúa có ý muốn xui giục thái hậu phế thánh thượng mà lập bào đệ Hán vương lên làm thiên tử.
Một hôm, Phi Giao hoàng hậu ngồi trong cung, Mã Thuận đem các bản tâu vào trình. Phi Giao hoàng hậu đưa hai con mắt phượng nhìn khắp một lượt, rồi giơ tay búp măng sẽ cầm bút ngọc, phê phó mọi lẽ, giao cho đình thần, thật là một bậc “Nữ trung vương” vậy. Sau cùng lại có một bản tâu của cả mười ba tỉnh, nói nhân dân thấy thượng hoàng bỏ đi, có lòng oán giận, xin thánh thượng trù tính mau mau, nếu không thì trong nước tất có ngày biến loạn.
Phi Giao hoàng hậu xem xong, nghĩ thầm: “Dân tức là gốc của nước. Nếu lòng dân oán giận thì gốc nước tất phải lung lay, một mai gây việc binh đao, thân này khó lòng mà tránh khỏi tai vạ, thế thì ngày nay ta phải nghĩ cách an dân, mới giữ vững được ngôi “chí tôn” này”. Phi Giao hoàng hậu cau đôi lông mày lại, ngẫm nghĩ hồi lâu, không nói câu gì. Bỗng lại thấy Mã Thuận ở đâu lật đật chạy đến, tay cầm bản tâu quì dâng mà rằng:
- Muôn tâu lệnh bà, có quan Mạnh Gia Linh thừa tướng vừa hết hạn nghỉ, nay đã tiến kinh, xin vào bệ kiến, hiện còn chực tại ngoài Ngọ Môn, cho kẻ hạ thần đem bản tâu này vào trước để đợi lượng trên phán chỉ.
Phi Giao hoàng hậu phán rằng:
- Nếu vậy thì rất hay! Ta vẫn hiềm một nỗi thiếu người thân thuộc tay chân, may sao được cữu phụ ta đến. Cữu phụ ta thuở xưa vốn yêu mến ta, ta có thể đem ngoại sự mà ủy thác cho cữu phụ ta được.
Mã Thuận vội vàng quì xuống tâu rằng:
-Muôn tâu lệnh bà! Kẻ hạ thần trông thấy nét mặt quan Mạnh thừa tướng nghiêm nghị lạ thường. Mà nghe đâu người ở quê nhà tới đây, có đem theo một cỗ quan tài. Như thế thì tất có tình ý chi đây, xin lệnh bà xem bản tâu trước, sau sẽ liệu định.
Phi Giao hoàng hậu gật đầu, liền mở bản tâu ra xem. Bản tâu như sau này:
“Vân Uyên điện đại học sĩ kiêm Hộ Bộ thượng thư Mạnh Gia Linh xin cúi tâu để hoàng hậu lượng xét:
Kẻ hạ thần giả hạn về nghỉ trong một năm nay, không ngờ trong nước sinh ra lắm sư biến cố: Thượng hoàng bỏ đi, tả hậu điện dại, trung dũng như Bình Giang vương mà nhà bị giam, chính trực như Lương thừa tướng mà một thân chịu chết. Trên thì thái hậu phiền muộn dưới thì nhân dân oán giận, bởi vậy mà sinh ra nhiều tai dị như thủy lạo, đại hạn và cướp giặc v.v...
Ngoại nghị huyên truyền, đều đổ lỗi cho hoàng hậu, vì hôm trước thái hậu ban lời quở trách mà hoàng hậu dám vô phép chống cãi lại, từ đó bỏ cả lễ thần hôn không vào triều kiến lần nào. Cương thường đảo ngược thì muôn dân còn trông cậy vào đâu. Thiên tử bất hiếu, hoàng hậu bất đức, tội ác đã rõ rành rành. Trách nào nước nhà chẳng sinh ra nhiều việc. Họa hoạn sau này kẻ hạ thần không nỡ nói hết. Kẻ hạ thần thiết nghĩ hoàng hậu thuở nhỏ ở chốn khuê phòng vẫn có tiếng là người thục nữ; lúc lớn vào nơi cung cấm, cũng nổi danh là bậc hiền phi. Cớ sao tin dùng bọn nội giám Mã Thuận mà khinh rẻ các bậc lão thần. Hoàng hậu sai Đồ Man An Quốc và Đồ Man Định Quốc luyện tập cấm binh ở trong nội thì định chống cự với ai? Một vị lão thần, bắt phải đi sứ, quốc thể còn ra thế nào, thật khiến cho nước ngoài chê cười , tất có ngày sinh ra biến loạn.
Ngày nay chỉ có một kế: Thiên tử và hoàng hậu phải vào triều kiến thái hậu mà tạ tội đi. Lại đón Hùng hậu về chánh cung và tha cho gia quyến họ Hùng. Triệu Doãn thừa tướng ở Cao Ly về. Ban chiếu thư cho thiên hạ, tự hối các điều tội ác của mình. Như thế thì thượng hoàng tất về mà thiên tử cùng hoàng hậu mới được an toàn vậy. Kẻ hạ thần cũng biết chắc rằng hễ kẻ hạ thần nói ra thì sẽ có tai vạ, nhưng hổ mình là ngôi tể phụ lại lạm dự vào hàng quốc thích hoàng thân, vậy nên dẫu chết cũng cam, không dám ngoảnh mặt làm thinh, hiện khi kẻ hạ thần tự quê nhà tới đây, đã đem theo một cỗ quan tài, để đợi lệnh hoàng hậu đó.”
Phi Giao hoàng hậu xem xong, nghiến răng mà quát to lên rằng:
- Quái lạ! Ta vẫn tưởng là cữu phụ ta tới đây thì có thể giúp ta được một tay để chỉnh đốn triều đình, ai ngờ chưa đế nơi, đã dám dâng bản tâu nói càn, chê trách thánh thượng là kẻ bất hiếu, và bảo ta bất đức. Thế này thì ta nhịn làm sao cho được! Mạnh Gia Linh! Mạnh Gia Linh! Nhà ngươi chớ cậy là cữu phụ ta. Ta nói thật cho mà biết, chứ dẫu thân phụ cà thân mẫu ta tới đây, ta cũng không nể.
Nói xong, ngoảnh lại gọi Mã Thuận mà bảo rằng:
- Nhà ngươi ra lột mũ áo Mạnh Gia Linh, rồi tức khắc tống giam vào ngục thất.
Mã Thuận vâng lệnh vội vàng quay ra. Phi Giao hoàng hậu cúi đầu ngẫm nghĩ, bỗng gọi lại mà bảo rằng:
- Mã Thuận! Khoan đã! Hãy để ta ra tiếp kiến, xem hắn nói thế nào.
Nói xong, truyền triệu Mạnh Gia Linh vào. Mạnh Gia Linh tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Kẻ hạ thần mông ân về nghỉ, cũng muốn ở quê nhà để phụng dưỡng hai thân. Nhưng xa nghe chính sự trong triều, luống khiến cho lòng già đau đớn. Kẻ hạ thần bất đắc dĩ mà phải vào đây diện tấu. Nếu hoàng hậu không nghe lời thì xin giáng chỉ nghiêm trị. Kẻ hạ thần dẫu chết cũng còn hơn sống thừa vậy.
Phi Giao hoàng hậu nghe lời, bỗng biến nét mặt rồi cười nhạt mà bảo rằng:
- Cữu phụ ơi! Trong lòng tôi thật cay đắng muôn vàn. Tôi vẫn tưởng là được cữu phụ tới đây để giải oan cho tôi, ai ngờ cữu phụ lại quá nghe lời kẻ khác sàm báng mà đem lòng oán trách. Cữu phụ ơi! Từ khi tôi vào cung, vẫm một lòng tôn kính Hùng hậu, không ngờ đến khi hai thân tôi trở về quê nhà thì Hùng hậu bỗng biến tâm, tin lời cung nữ mà lập mưu hiểm độc, may nhờ có Tư Thiên giám tâu trình, mới xét ra được. Việc ấy chứng cứ rõ ràng, thế mà thái hậu bất công, cố ý binh vực Hùng hậu, toan tuốt gươm chém bỏ tôi đi. Cữu phụ ơi! Không bao giờ có sự lạ như bây giờ: Thái hậu nỡ lòng muốn phế thánh thượng! vì thế thánh thượng không dám đến triều kiến thái hậu. Cữu phụ ơi! Nếu thái hậu phế thánh thượng mà lập Hán vương hoặc Triệu vương thì còn ra thế nào. Cũng vì thế cho nên tôi phải tạm cầm quyền chính, kẻo thánh thượng nhu nhược, không chế nổi đình thần, mà Hán vương và Triệu vương có ý nom dòm chăng. Tôi đem cấm binh vào cung nội là để đề phòng thái hậu, chắc đâu thái hậu sinh lòng hại con. Tôi xem trong khi thái hậu tuốt gươm thì quả không còn tý gì là tình mẹ con nữa. Tôi đây trách nhiệm phải bảo vệ thánh thượng, nếu tôi không cầm quyền chính thì giang sơn này nay đã thuộc về tay ai. Cữu phụ trách tôi trọng dụng bọn tôn thất, nhưng cữu phụ nên biết rằng: muốn cho gốc vững tất phải nâng cành. Triều thần quá nửa là đảng cuả Hùng Hiệu, nếu hắn biết hết sức bảo hộ thánh thượng thì hắn tức là trung thần. Còn nội giám Mã Thuận chẳng qua sai khiến việc thường, có đâu lại được can dự đến triều chính. Cữu phụ quá tin những lời đồn phiếm, mà không hiểu rõ chân tình, cứ một mức buộc tội cho tơi, nói lắm câu thật buồn cười quá. Cữu phụ ơi! Sự thế tôi ngày nay thật là cưỡi hổ, không thể xuống được. Nếu cữu phụ muốn bắt tôi theo như lời tâu của cữu phụ thì xin đợi đến ngày thượng hoàng về. Ngày nay tìm khắp trong mười tỉnh mà không biết tông tích thượng hoàng ở đâu. May sao lại gặp cữu phụ tới đây, dám xin nhờ cữu phụ đi tìm thượng hoàng vậy.
Mạnh Gia Linh tâu rằng:
- Kẻ hạ thần dẫu được thờ thượng hoàng trong hai mươi năm trời, nhưng âm dung tiếu mạo, thật không được tường cho lắm, tất phải người nào xưa nay vẫn hầu cận, mới có thể không lầm. Huống chi thượng hoàng đã bỏ ngôi mà đi thì tất mộ đạo tu hành, cải dạng nâu sòng, kẻ hạ thần cũng khó nhận cho được. Nội giám Mã Thuận thuở nhỏ vẫn hầu cận ở bên mình thượng hoàng, xin hoàng hậu sai hắn đi thì mới được việc.
Mã Thuận đang luống cuống kinh sợ thì bỗng thấy Phi Giao hoàng hậu tỏ ý không bằng lòng, phán:
- Trong bản tâu của cữu phụ chỉ trích những tội lỗi của tôi, tôi không hề trách giận. Cữu phụ nói nên đi tìm thượng hoàng, nay tôi theo lời mà nhờ cữu phụ việc ấy, cữu phụ lại chối từ sợ khó, thế thì cữu phụ đem quan tài tới đây, chẳng qua chỉ là mua danh, để muốn cưỡng bách thánh thượng phải theo lời mình đó.
Phi Giao hoàng hậu nói khích như vậy khiến cho Mạnh Gia Linh phải nhận lời xin đi. Phi Giao hoàng hậu mừng lắm, liền cầm bút ngọc mà phê cho Mạnh Gia Linh được quyền đi kiểm soát các danh lam thắng tích trong mười ba tỉnh để tìm thượng hoàng. Phi Giao hoàng hậu gọi nội giám đem rượu đến, rồi rót ba chén rượu đầy, mời Mạnh Gia Linh uống mà bảo rằng:
-Cữu phụ ơi! Tôi mời cữu phụ hết lòng mà tìm thượng hoàng. Hễ được thượng hoàng về đây thì tôi xin tạ Hùng hậu, tha Bình Giang vương và trả lại quyền chính. Ai phải ai trái, bấy giờ sẽ được rõ ràng.
Mạnh Gia Linh ra đi, Phi Giao hoàng hậu quay vào trong cung, cười nhạt mấy tiếng mà rằng:
- Mã Thuận ơi! Ta sai Mạnh Gia Linh đi tìm thượng hoàng, nhà ngươi có hiểu là ý thế nào không?
Mã Thuận lạy dập đầu mà tâu rằng:
- Muôn tâu lệnh bà! Kẻ hạ thần ngu muội, không hiểu được ý kiến cao minh.
Phi Giao hoàng hậu phán rằng:
- Quân dân các tỉnh ngày nay vì lòng quý mến thượng hoàng mà sinh ra oán giận, vậy ta sai quan đi tìm thượng hoàng, khiến cho chúng khó lường được cái chủ ý của ta. Vả Mạnh Gia Linh dâng biểu nói càn, ta giết thì mang tiếng ác, chi bằng sai hắn đi làm việc ấy, chắc rằng phương trời thăm thẳm, đã biết bao giờ tìm được thượng hoàng mà về. Hắn phải đi xa trước là khỏi ngăn trở việc ta, sau là đảng Hùng Hiệu không giao thông với hắn được.
Phi Giao hoàng hậu nói chưa dứt lời thì Mã Thuận đã vội vàng sụp lay mà tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Hoàng hậu nghĩ vậy, thật là diệu kế.
Lại nói chuyện phò mã Triệu Câu và Hùng Khởi Thần về tới quê nhà. Phò mã Triệu Câu thay áo chịu tang, Hùng Khởi Thần thì làm lễ viếng. Hoàng Phủ Thiếu Hoa hỏi Triệu Câu rằng:
- Từ khi ta cùng thân mẫu con trở về quê nhà, công việc trong cung, không hiểu một tý gì, chỉ nghe những lời truyền ngôn, vị tất đã đích thực. Chẳng hay Hùng hậu vì cớ chi mà thành ra bệnh điên dại, con nên thuật rỏ cho ta nghe.
Triệu Câu nghe nói, có ý buồn rầu, rồi thuật hết đầu đuôi mọi việc trong cung cho cha mẹ nghe, và nói:
- Ngày nay cô phụ và cô mẫu (trỏ vợ chồng Hùng Hiệu) con phiền muộn không biết dường nào, chỉ lo tất có ngày sinh ra tai vạ, bởi vậy mới cho anh Hùng Khởi Thần theo con về đây, cũng là cầu lánh nạn đó. Con về quê nhà lần này là muốn đem thân ra ngoài, để chiêu tập quân mã mà đợi đến ngày báo quốc. Con Phi Giao tất làm cho Nguyên triều đổ nát, con đây xin hết sức đem lại giang sơn.
Phò mã Triệu Câu nói chưa dứt lời Hoàng Phủ Thiếu Hoa thở dài mấy tiếng mà than rằng:
-Nhà Hoàng Phủ ta đời đời một lòng trung thành với nước, ai ngờ ngày nay lại bỗng sinh ra đứa nghiệt nữ này. Ta còn mặt mũi nào mà trông thấy ân huynh ta nữa.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại bảo Mạnh Lệ Quân rằng:
- Bây giờ phu nhân nghĩ thế nào? Chẳng lẽ cứ ngồi nhìn! Tôi còn phải thủ hiếu ở đây đẻ giữ phần mộ hai thân, vậy phu nhân nên tiến kinh mà khuyên bảo con gái.
Mạnh Lệ Quân nín lặng, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Phu quân ơi! Đành hãy thư thả mấy ngày để tôi còn phải thu xếp các công việc. Ngày nay nhân có Hùng Khởi Thần tới đây thì để chàng ở nhà rèn tập sự học hành cho các con nhỏ. Còn Triệu Câu phải đi chiêu tập quân mã, để phòng khi có sự động binh. Phu quân ơi! Phu quân chớ nên nóng nảy, cứ như lời Lưu phu nhân nói thì giang sơn này còn rối loạn trong mười năm. Tôi tiến kinh bây giờ cũng vô ích, nhưng chẳng lẽ ngồi nhìn, cho nên phải đi vậy.
Mọi người ngồi vào ăn cơm. Cơm xong, Mạnh Lệ Quân bảo đưa Hùng Khởi Thần sang tây phòng nằm nghỉ. Sáng hôm sau, mãi không thấy Hùng Khởi Thần dậy, Mạnh Lệ Quân vội vàng ra tây phòng thì thấy màn vẫn chưa cuốn. Mạnh Lệ Quân vén màn rồi khẽ cất tiếng gọi. Hùng Khởi Thần thở dài một tiếng mà thưa rằng:
- Không biết tại sao hôm nay con nhức đầu và nóng sốt quá, không thể dậy được.
Mạnh Lệ Quân bắt mạch rồi bảo rằng:
- Hiền sanh ơi! Con nay chẳng qua là bệnh thương hàn, nhưng vì ưu tư quá độ nữa. Bệnh thương hàn có thể chữa khỏi được, nhưng còn sự ưu tư thì con nên phải tự giải bày cho khuây. Hai thân con cho con về ở đây là muốn để giữ lấy dòng dõi mai sau, vậy con chớ nên nghĩ ngợi mà khiến cho thêm bệnh.
Bỗng thấy người nhà vào báo rằng:
- Dám bẩm vương gia và vương phi! Hán vương có phái người đến triệu phò mã.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe báo, liền giục phò mã Triệu Câu đi. Triệu Câu cáo từ cha mẹ, lại vào cáo từ Hùng Khởi Thần và dặn phải cố gìn vàng giữ ngọc, để khiến cho được chóng khỏi. Bấy giờ Mạnh Lệ Quân đã điều chế dược phẩm, đem hòa với nước trà cho Hùng Khởi Thần uống. Lại bắt một đứa tiểu đồng phải hầu luôn ở bên cạnh. Hai vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa ngày đêm khuyên giải. Tô phu nhân cũng thỉnh thoảng đến để trông nom. Hùng Khởi Thần thấy nhà Hoàng Phủ quí trọng mình như thế, rất lấy làm nể nang, cũng cố gượng làm khuây, thành ra bệnh đã dần dần khỏi. Qua ngày nguyên tiêu ít lâu, bỗng nghe báo có phò mã Triệu Câu về. Phò mã Triệu Câu nét mặt hoảng hốt, khi trông thấy cha mẹ, chưa kịp lạy chào, liền thò tay trong mình, lấy ra một phong thư, đệ trình mà thưa rằng:
- Thân phụ và thân mẫu ơi! Đêm nguyên tiêu vừa rồi, thượng hoàng đi xem cuộc hoa đăng rồi bỗng bỏ đi mất, vậy cô phụ (trỏ Hùng Hiệu) phải cho người phi báo.
vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói, giật mình kinh sợ, chẳng còn hồn vía nào. Hồi lâu, tinh thần lại trấn định, mới mở thư ra xem, bức thư như sau:
“Tôi là Hùng Hiệu xin có đôi lời kính trình để Hoàng Phủ vương gia biết chuyện: Đêm nguyên tiêu vừa rồi, thượng hoàng ra xem cuộc hoa đăng, rồi bỗng bỏ đi, nội giám Quyền Xương cũng đi theo. Quan dân nghị luận phân vân, không hiểu duyên cớ làm sao cả.
Sau hỏi ra mới biết rằng từ khi Triệu vương và Hán vương đi thụ phong, hai bà Ôn phi và Mai phi cũng theo đi, còn thái hậu thì ốm mãi không khỏi, cho nên thượng hoàng buồn bực, mới phẫn chí mà bỏ đi tu. Hiện nay quan quân rối loạn, vương phi nên mau mau tiến kinh, để tìm lời khuyên bảo Phi Giao hoàng hậu, nếu không thì cương thưòng đảo ngược mất. Tôi đây là kẻ vũ phu vô học, dẫu chết cũng không ích gì.
Hùng Hiệu thủ thư”
Hoàng Phủ Thiếu Hoa xem xong bức thư, dẫm chân vật mình, kêu trời kêu đất. Mạnh Lệ Quân cũng sợ tái mặt đi. Cả nhà đang hoảng hốt lo phiền thì Lưu Yến Ngọc nói:
- Bây giờ biết làm thế nào? Âu là Mạnh vương phi nên mau mau tiến kinh, kẻo ngày nay thái hậu ở trong cung thật khóc hết nước mắt.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Bây giờ không còn kế gì cho được! Chi bằng ta liều mình đi tìm thượng hoàng. Dẫu tang cha mẹ chưa trọn ba năm, nhưng ơn triều đình trong bấy nhiêu lần, thiết tưởng cũng cần phải báo đáp. Ta đi chuyến này, hễ tìm thấy thượng hoàng, ta sẽ trở về, nếu không thì thân này đành liều với mũi gươm bạc, để tỏ lòng báo quốc vậy.
Đệ ngũ công tử là Triệu Thụy bấy giờ hãy còn nhỏ tuổi, bỗng nắm lấy áo Hoàng Phủ Thiếu Hoa rồi khóc mà thưa:
- Thân phụ ơi! Thân phụ đi tìm thượng hoàng, xin cho con đi theo, để con được hàng ngày gần gụi thân phụ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa khóc mà bảo rằng:
- Con ơi! Đường sá xa xôi, con còn bé nhỏ, đi làm sao cho được. Vả cha đi chuyến này, tất phải thay hình đổi dạng, mà cũng chưa biết đi về phương nào. Trải qua vạn thủy thiên sơn, thì đem con trẻ đi làm sao cho tiện.
Triệu thụy cứ lăn khóc đòi đi, Mạnh Lệ Quân nói:
- Phu quân ơi! Con trẻ dẫu dại, nhưng đã biết hiếu, chi bằng phu quân cho con đi theo. Vả xem ý trong bức thư này quả nhiên con Phi Giao hành hung, mà cứ theo lời Lưu phu nhân nói thì tai vạ của nhà ta mai sau chưa biết thế nào. Thế thì bớt được người nào là may người ấy, vậy phu quân nên cho con đi theo, rồi khi đến Vân Nam, sẽ gởi gia huynh tôi để cho nó học tập, có lẽ nào lại thiên ái mà giữ con.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa ra lạy trước mộ hai thân và khóc rằng:
- Thân phụ cùng thân mẫu ơi! Đứa con bất hiếu này, ngày nay vì việc nước mà không thể thủ hiếu ở đây trông nom phần mộ cho trọn tong ba năm được, vậy xin hai thân phù hộ, khiến con tìm thấy thượng hoàng.
Triệu Thụy bấy giờ cũng cải dạng làm một đứa đạo đồng. Có tên người nhà là Trương Văn đi theo, đem các đồ hành lý và vàng bạc. Phò mã Triệu Câu cầm tay em, rồi ứa nước mắt khóc. Mạnh Lệ Quân và Lưu Yến Ngọc cũng ôm lấy mà khóc và bảo rằng:
- Con ơi! Con đi theo thân phụ, nên phải cẩn thận. Hễ khi tới Vân Nam thì con sẽ lưu tại ngoại gia mà cố chí học hành.
Triệu Thụy cũng quì xuống đất khóc mà thưa rằng:
- Nàng Đề Oanh thuở xưa, mới lên chín tuổi mà đã biết dâng thư cứu cha, huống chi con là nam tử, chẳng lẽ lại không biết tận hiếu hay sao! Ngày nay con đi theo thân phụ con, dẫu đường sá xa xôi, nhưng chưa lấy chi làm khổ sở lắm. Con không kịp cáo từ thân mẫu (trỏ Tô Ánh Tuyết) con ở nhà, tức là có tội. Xin nói giúp cho. Hễ thân phụ con tìm thấy thượng hoàng, bấy giờ sẽ được một nhà sum họp, bằng không mà con đi mất nữa thì xin cũng coi con như hòn máu đẻ rơi vậy.
Triệu Câu nghe đến câu thương tâm ấy, liền ôm lấy em mà khóc òa lên, và bảo rằng:
- Thôi em cứ yên lòng mà đi theo thân phụ. Bên trời góc bể, em nên gìn vàng giữ ngọc. Còn Tô mẫu ở nhà, nếu có nhớ em, anh đây sẽ tìm lời khuyên giải.
Hùng Khởi Thần cũng khóc mà đi tiễn. Bấy giờ Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Triệu Thụy dứt áo ra đi, khiến cho cả nhà xót xa thương khóc. Khi đi khỏi rồi, Triệu Câu và Hùng Khởi Thần cùng về phủ trước, Mạnh Lệ Quân và mọi người thu xếp về sau. Phò mã Triệu Câu thuật chuyện cho Tô Ánh Tuyết nghe. Tô Ánh Tuyết rất lấy làm vui lòng. Triệu Phượng và Triệu Tường nghe nói đệ ngũ công tử đi theo thân phụ, đếu oán trách Triệu Câu mà rằng:
- Sao trưởng huynh không cho người gọi chúng em, khiến chúng em được tiễn biệt thân phụ và ngũ đệ. Trưởng huynh ơi! Thân phụ đi chuyến này, biết bao giờ chúng em lại gặp mặt. Bây giờ chắc đi chưa xa mấy nỗi, âu là để cho chúng em cùng theo đi.
Phò mã Triệu Câu nói:
- Các em chớ nghĩ như thế! Thân phụ muốn đền ơn triều đình, nên quyết chí đi tìm thượng hoàng là phải, còn anh đây và tam đệ (trỏ Triệu Lân) thì đã xin liều mình tận trung báo quốc, chắc sau này cũng không ở nhà. Tai vạ tày trời, chưa biết ngày nào, vậy các em nên ở nhà chăm việc học hành trước là để hầu hạ sớm khuyên cho ba vị thân mẫu vui lòng, sau là để giữ lấy dòng dõi nhà Hoàng Phủ ta đó!
Sáng hôm sau, Hán vương cho người đến triệu phò mã Triệu Câu. Triệu Câu biết là vì việc thượng hoàng, mới nói với Mạnh Lệ Quân, rồi tức khắc đi ngay. Khi vào tới nơi, Hán vương trông thấy, liền nắm lấy tay đưa vào yết kiến bà thái phi (mẹ Hán vương). Bà thái phi đang ngồi ở trên giường, trông thấy phò mã Triệu Câu vào, vội vàng đứng dậy mời ngồi và bảo rằng:
- Phò mã ơi! Có một chuyện rất lạ lùng! Tôi nghe đồn đêm nguyên tiêu vừa rồi thượng hoàng ra xem cuộc hoa đăng, rồi bỗng bỏ đi mất, chẳng hay có đích thực như thế không? Xin phò mã nói cho tôi được biết.
Phò mã Triệu Câu nghe nói, ứa hai hàng nước mắt khóc mà thưa rằng:
- Việc thượng hoàng bỏ đi, hiện có phong thư của Hùng vương mới gởi tới đây, xin đệ trình để thái phi xem cho rõ chuyện.
Nói xong, liền cầm phong thư đệ trình. Bà thái phi cầm xem, rồi kêu lên một tiếng mà ngã lăn ra, tay chân lạnh giá như đồng, nét mặt tái mét. Hán vương và phò mã chẳng còn hồn vía nào nữa, liền gọi các cung nữ đến, cùng nhau vực bà thái phi lên trên giường, và đem nước gừng cứu chữa. Hồi lâu, bà thái phi mở mắt nhìn, thở dài một tiếng rồi khóc mà than rằng:
- Thượng hoàng ơi! Chẳng hay vì cớ gì mà thượng hoàng lại bỏ nước mà đi! Bây giờ đất rộng trời cao, còn biết đâu mà tìm cho được! Thái hậu thì bệnh lâu chưa khỏi, thánh thượng thì nhu nhược, chính sự chẳng ra thế nào. Ngày nay thượng hoàng bỏ đi chắc nước nhà khó lòng đã giữ cho khỏi rối loạn.
Hán vương cũng khóc rằng:
- Phụ hoàng ơi! Phụ hoàng nỡ lòng nào bỏ con mà đi! Giả sử con còn ở lại nam nội thì quyết không khi nào để đến nỗi như thế này.
Phò mã Triệu Câu nói với bà thái phi rằng:
- Xin thái phi nín khóc, cho kẻ hạ thần được trần thuyết mấy lời. Kẻ hạ thần thiết nghĩ sự thế ngày nay, không phải chỉ khóc mà khóc thể yên được.
Bà thái phi gạt nước mắt, bảo các cung nữ đỡ ngồi dậy. Phò mã Triệu Câu nói:
- Hiện nay cha con Đồ Man Hưng Phục ngoài mặt giả cánh giúp đỡ Phi Giao hoàng hậu, nhưng mặt trong có ý phản nghịch, vẫn liên kết bè đảng, chiêu tập quân mã, tất có ngày nó phải chiếm đoạt ngôi trời. Vậy nay đại vương nên tâu với triều đình rằng ở đây có nhiều giặc bể, xin chiêu tập thêm quân mã, để giữ cho được yên dân. Đại vương nên xuất của kho mộ quân, rồi giao cho kẻ hạ thần luyện tập. Hễ Đồ Man Hưng Phục nổi loạn thì ta sẽ cất quân về mà thu phục giang sơn. Có như thế thì thái hậu mới được an toàn, mà thượng hoàng nghe tin, tất cũng vui lòng mà về nước.
Hán vương nghe nói, khen ngợi mà rằng:
- Nếu vậy thì là mà mưu kế rất diệu! Việc nước sau này trông cậy ở tay phò mã đó!
Bà thái phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Việc này ta phải bàn với Hoàng Phủ Tương vương mới được. Mạnh vương phi tài trí kiêm toàn, ít người sánh kịp, ta chắc thế nào cũng sẽ trù tính được việc này.
Phò mã Triệu Câu vừa khóc vừa thuật chuyện Hoàng Phủ Thiếu Hoa cải dạng đi tìm thượng hoàng cho bà thái phi nghe. Bà thái phi và Hán vương nghe nói, đều khen ngợi Hoàng Phủ Thiếu Hoa là một trung thần. Phò mã Triệu Câu cáo từ lui ra. Khi về tới phủ, trông thấy Mạnh vương phi và hai bà Tô, Lưu phu nhân đều ngồi ngẩn người ra, phò mã Triệu Câu kinh ngạc mà vội hỏi rằng:
Lưu Yến Ngọc nói:
- Ngày nay mở cái hộp vàng ra xem thì hai quyển binh thư không biết ai lấy trộm mất. Sau hỏi đứa nữ tỳ, mới biết là hồi năm trước, con Phi Giao có mở xem, mà không biết đã cất vào chưa. Vì thế mà vương phi buồn rầu, đến giờ vẫn chưa xơi cơm sáng.
Phò mã cười mà đáp rằng:
- Lo chi điều ấy mà lo! Từ xưa đén giờ kẻ tà không bao giờ thắng được người chính vậy.
Mạnh Lệ Quân lại thở dài mà than rằng:
- Triệu Câu con ơi! Con nói dẫu phải, nhưng con Phi Giao hành hung, ta tiến kinh chuyến này, có thể khuyen bảo được thì khuyên bảo, bằng không thì ta tâu với thái hậu mà truất đi hoặc giết đi, cũng chẳng tiếc chi. Nay nó lại thông hiểu các phép ho phong hoán vũ, khó lòng mà trị nổi, biết làm thế nào.
Mạnh Lệ Quân nói xong, lại vật mình lăn khóc. Phò mã Triệu Câu khuyên giải mà rằng:
- Muôn việc chẳng qua tại trời, xin thân mẫu chớ có lo phiền. hôm nay có dặn con bảo thân mẫu đến, để thái phi muốn giải bày mọi chuyện.
Triệu Câu lại thuật rõ đầu đuôi cho Mạnh Lệ Quân biết việc Hán vương định dâng biểu tâu triều đình, xin chiêu thêm quân mã v.v... Lưu Yến Ngọc gạt nước mắt mà nói với Mạnh Lệ Quân rằng:
- Ngày nay việc nước trông cậy ở trong tay vương phi. Một thân coi trọng hơn mấy vạn quân, xin vương phi phải giữ ngọc gìn vàng, chớ nên phiền muộn quá!
Sáng hôm sau, Mạnh Lệ Quân sang yết kiến bà thái phi. Thái phi giữ ở trò chuyện trong mấy hôm rồi mới về phủ. Phò mã Triệu Câu thì tán gia tài để chiêu tập quân mã, hàng ngày luyện tập ở phủ Hán vương. Công việc trong nhà đã có hai phu nhân Tô và Lưu trông nom thu xếp. Hùng Khởi Thần thì rèn tập cho con nhỏ học hành. Mạnh Lệ Quân truyền bảo đâu đấy, chỉ còn đợi chọn ngày để tiến kinh. Bỗng có Mạnh Khôi (con Mạnh Gia Linh) đến viếng tang. Mạnh Khôi nghe tin Hoàng Phủ Thiếu Hoa bỏ đi tìm thượng hoàng, mới thở dài mà than rằng:
- Thân phụ tôi ở nhà nghe biết việc này, tất thế nào cũng cũng thu xếp tiến inh. Vậy con làm lễ viếng tang xong, cô mẫu cho con xin cáo từ về ngay mới được.
Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
- Không đi đâu mà vội! Hàng mấy năm nay cháu mới gặp cô, âu là hãy ở đây mấy hôm để ta hỏi chuyện.
Nói chưa dứt lời thì có Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc bước vào. Mạnh Khôi quì xuống lạy chào, hai phu nhân đỡ dậy mời ngồi, rồi ân cần hỏi han trò chuyện. Bấy giờ Triệu Câu vẫn ở trong phủ Háng vương để luyện tập quân mã, có khi hàng tháng mới về một lần. Khi về tới nhà, trông thấy Mạnh Khôi liền giữ ở lại, không cho về vội, chẳng ngờ ngày tháng thoi đưa, thấm thoát đã đến cuối xuân vậy. Một hôm Triệu Câu về nói với Mạnh Lệ Quân rằng:
- Con nghe tin đồn Hùng hậu đem bùa dấu chôn ở trong cung, mà toàn gia họ Hùng đều phải trị tội, việc ấy chưa biết có được đích thực hay không.
Nói chưa dứt lời thì bỗng nghe báo có người nhà Hùng vương là Chu Thống xin vào yết kiến Mạnh vương phi cùng phò mã. Cả nhà nghe báo, đều lấy làm kinh ngạc, chưa biết việc lành dữ thế nào. Phò mã Triệu Câu nói:
- Ta cho gọi vào đây, tự khắc sẽ hiểu.
Nói xong, truyền người nhà cho Chu Thống vào. Nguyên Chu Thống là một người quản gia trong phủ Hùng vương. Khi Chu Thống vào tới nơi, trông thấy Mạnh Lệ Quân và phò mã Triệu Câu, liền quì xuống mà kêu:
- Trăm lạy vương phi! Trăm lạy phò mã! Mau mau cứu lấy toàn gia tính mệnh cho chủ nhân tôi.
Mạnh Lệ Quân kinh ngạc hỏi:
- Chủ nhân nhà ngươi có việc gì, mau mau nói cho ta nghe.
Chu Thống vừa khóc vừa kể lể đầu đuôi mọi việc Hùng hậu bị truất. Hùng vương bị giam và Lương Trấn Lân thừa tướng đập đầu chết ở cửa cung cho Mạnh Lệ Quân nghe. Cả nhà nghe nói, ai nấy đều ngẩn người, kinh hồn tán đởm. Bỗng thấy Mạnh Lệ Quân miệng phun máu ra, rồi nga lăn xuống đấy. Cả nhà xúm lại gọi. Nhưng may mà người vẫn tỉnh, mới xua tay khẽ bảo rằng:
- Không can chi!
Bấy giờ hai phu nhân đỡ Mạnh Lệ Quân dậy, đưa nước sâm thang cho uống. Hồi lâu, tinh thần mới dần dần trấn tĩnh. Bỗng thấy người nhà ở mặt ngoài hoảng hốt chạy vào, không biết là việc gì. Hai phu nhân đón hỏi thì chúng bẩm rằng:
- Dám bẩm hai phu nhân! Hùng công tử đang ngồi ở thư hiên, tiếp được tin nhà, bỗng ngất người ngã ra, Mạnh công tử sai chúng tôi về lấy nước sâm thang để đem cứu chữa.
Hai phu nhân sợ hãi, vội vàng chạy sang chốn thư hiên thì Mạnh Khôi đang cứu chữa cho Hùng Khởi Thần. Hồi lâu, Hùng Khởi Thần hơi tỉnh, mới nức nở khóc mà kêu rằng:
- Hai thân ơi!...
Hai phu nhân xúm lại khuyên giải mà rằng:
- Hiền sanh ơi! Hiền sanh phải vững lòng, chứ khóc thương lắm cũng không ích gì cho nước vậy. Sự tai biến này Hùng vương đã nghĩ đến từ trước, cho nên mới bảo hiền sanh về đây. Hiền sănh hay xem như phu quân ta thuở trước, trải bao gian khổ, mà vẫn một lòng sắt đá, chẳng chút chuyển dời.
Tô Ánh Tuyết bấy giờ dạ đau như cắt, phần thương nghĩa huynh là Lương Trấn Lân; phần nhớ con gái là Phi Loan quận chúa, ruột tằm bối rối, nỗi niềm càng nghĩ càng cay đắng lòng.
Mạnh Lệ Quân vẫn còn thổ huyết, bảo Triệu Câu rằng:
- Triệu Câu con ơi! Con chớ lo sợ, ta vẫn có chứng “cấp huyết”. chỉ mấy ngày sẽ khỏi, chẳng có hề chi. Nhưng ta còn hiềm về một điều Hùng Khởi Thần ở đây, hoặc khi triều đình giáng chỉ mà tróc nã thì làm thế nào? Chi bằng cho chàng sang Vân Nam, thay họ đổi tên mà tạm trú ở ngoại gia, chờ đến khi họ Hùng được ân xá rồi, bấy giờ sẽ xuất đầu lộ diện.
Phò mã Triệu Câu và hai phu nhân nghe nói, đều lấy làm diệu kế. Tô Ánh Tuyết thở dài mà rằng:
- Con Phi Loan bây giờ tất cũng đang ở trong ngục thất.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Khi nào đến nỗi thế! Chị em ruột thịt, chẳng lẽ lại nỡ lòng hại nhau.
Phò mã Triệu Câu nói:
- Con Phi Giao dẫu không nỡ lòng giam vào ngục thất, nhưng tôi chắc con Phi Loan tình nguyện xin theo họ Hùng thì thành ra cũng phải vào ngục thất vậy.
Cả nhà bàn tính hồi lâu, rồi mời Mạnh Khôi vào, bảo đưa Hùng Khởi Thần về Vân Nam. Mạnh Khôi nói:
- Tôi vẫn muốn trở về quê nhà, nay Hùng công tử đã được khỏe mạnh thì xin cho theo tôi xuống thuyền trở về Vân Nam một thể.
Mạnh Lệ Quân lại bảo hai phu nhân rằng:
- Việc này chớ chậm trễ, nên sửa soạn cho Hùng Khởi Thần đi ngay.
Nói xong, sai người mời Hùng Khởi Thần vào. Mạnh Lệ Quân gượng ngồi mà bảo Hùng Khởi Thần rằng:
- Hiền sanh ơi! Việc tai nạn này xảy ra, thật là lỗi tự ta trước, nhưng sự thể đã như thế này, cũng không thể làm sao cho được.. Có biết bảo thân mới là người minh triết, ngày nay hiền sanh nên theo Mạnh Khôi hãy tạm lánh mình về Vân Nam.
Hùng Khởi Thần nghe nói, giọt lệ chứa chan mà rằng:
- Tôi được đội ơn ba vị cữu mẫu bảo toàn cho, thật lấy làm cảm tạ lắm. Nhưng lòng tôi bây giờ đau như dao cắt, một nhà chết cả thì thân này xòn sống để làm gì! Huống chi tai nạn ngày nay so với tai nạn năm xưa lại còn hơn nhiều. Năm xưa thì vu oan giá họa chỉ có một mình họ Lưu, mà bấy giờ vua thánh tôi hiền, còn đang thời thịnh. Hễ oan kia giải tỏ tự khắc hắc bạch phân minh. Vả cữu phụ tôi là bậc đại tài, chứ ngu hèn như tôi thì cầm bằng sống mà chết già, chẳng thà tiến kinh đầu thú đi, để được theo hầu cha mẹ ở trong ngục thất. Cữu mẫu ơi! Cái thân sống thừa này, còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi!
Tục Tái Sanh Duyên
Lời Nói Đầu
Hồi thứ nhất
Hồi thứ hai
Hồi thứ ba
Hồi thứ tư ( A)
Hồi thứ tư ( B)
Hồi thứ năm ( A)
Hồi thứ năm (B)
Hồi thứ năm (C)
Hồi thứ sáu (A)
Hồi thứ 6b
Hồi thứ 6C
Hồi thứ Bảy A
Hồi thứ Bảy B
hồi thứ tám (A)
hồi thứ tám (B)
hồi thứ tám (C)
Hồi thứ chín (A)
hồi thức chín (B)
hồi thứ chín (C)
hồi thứ chín (D)
Hồi Thứ Mười
Hồi Thứ Mười (B)
Hồi thứ Mười Một
Hồi Thứ Mười Một (b)
Hồi Thứ Mười Hai
Hồi Thứ Mười Hai (b)
Hồi Thứ Mười Hai (c)
Hồi Thứ Mười Ba
Hồi Thứ Mười Ba (b)
Hồi Thứ Mười Ba (c)
Hồi thứ 14a
Hồi thứ 14b
Hồi thứ 14c
Hồi thứ 15a
Hồi thứ 15b
Hồi thứ 15c
Hồi thứ 15d
Hồi Thứ mười sáu
Hồi thứ mười sáu (b)
Hồi thứ mười sáu (c)