Chương V (A)
Tác giả: Kim Định
1. Khi rùa bị chặt chân
Có lần trời đất nghiêng ngửa thì bà Nữ Oa đã chặt bốn chân con rùa, trời đất liền trở lại cảnh an bình lúc trước.
Nữ Oa là ai? Thưa, là nền Minh triết uyên nguyên hơn hẳn Achille không đuổi kịp rùa, còn đây không những đuổi kịp mà còn bắt và chặt chân. Vậy rùa là gì?
Thưa, rùa đây phải hiểu là linh quy, hay thần Kim Quy nằm trong "Thái Thất" tức là "Nhân tánh" của con người, Kinh Dịch đã cụ thể hóa linh quy bằng hình lạc thư gồm các số trời đất sắp xếp chen nhau then hình vuông như con rùa:
Hình vẽ:
"Lạc Thư cái thủ quy tượng, cố kỳ số đái cửu lý nhất, tả tam hữu thất; nhị tứ vi kiên lục bát vi túc, 洛書 蓋 守 龜 匠, 故 其 數 戴 九 履 一 , 左 三 右 七, 二 四 為 肩, 六 八 為 足 ": Lạc Thư có hình rùa nên số của nó là đội 9 giẫm 1, tả 3 hữu 7; 2, 4, là vai 6, 8 là chân. (1)
Đó là hình lạc thư mà Nho học quen gọi là Ma phương vì cộng chéo hay dọc chiều nào cũng được số 15, và quen gọi là rùa, vì rùa là một trong tứ linh. Nhưng thường cái học từ chương dừng lại ở con số ma phương mà không đi xa hơn để tìm hiểu nghĩa sâu xa của linh quy.
Ý nghĩa thâm sâu đó đã được trình bày ít nhiều qua một hai giảng khóa, thí dụ xem trong Chữ Thời:
- Vũ trụ nhân linh trang 293 và 294
- Bài thơ vương đạo hình trang 319
- Thái thất hình trang 355
- Hoặc đọc bài Ngũ hành từ trang 197-198
- Hoặc áp dụng câu "an thổ, đôn hồ nhân, cố năng ái" trong cách đặt bài vị Văn Tổ (Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, trang 23-50).
Ở đây chỉ cần nhắc qua ít điểm liên hệ tới khóa giảng này:
- Các góc chấm đen, chỉ sự tối.
- Và được xếp đặt theo hình vuông, chữ Nho kêu là phương, do đó có câu địa phương.
- Và cả bốn góc đều là số chẵn tức là số đất.
- Ngoài ra các số lẻ chỉ trời, vòng trắng chỉ sáng, và đặt ở bốn hướng, chỉ bốn mùa tức biến dịch có hướng.
- Thập tự nhai ở giữa chỉ nhân tính hay là nơi giao hội của Đất và Trời nên cũng gọi là Toàn thể Viên Dung.
Lưng hay chân đều là số đất 2, 4, 6, 8 và tượng bằng chấm đen nên mang một ý nghĩa tiêu biểu giống nhau để chỉ những cáu bụi của đời đã kết thàn cái ngã che khuất mắt tâm linh làm cho người không nhìn ra được nguyên tánh là nguồn mạch sống động linh thiêng, hoặc nói khác không thể "cách vật" tức là tới tận sự vật hay thực tại tự thân là chỗ hướng về của triết lý trung thực, cho nên tất cả triết Đông đều hướng đến chỗ thanh lọc mà thầy Điểm gọi bằng câu "Dục hồ Nghi", tắm rửa, tẩy sạch trong nước, nếu không thì những cái kêu là "chân lý" chỉ là "chân rùa" đầy bùn đất che lấp không cho thấy được Nguyên tánh, Kiến tánh.
Kinh Phật cũng nói theo chiều hướng đó:
"Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến
Kiến do ly Kiến, Kiến bất năng cập"
Cái Kiến thường ngày do tai mắt thâu nạp chưa phải là Kiến (tánh). Còn cái Kiến lìa xa cái Kiến thế gian, mới là Chính Kiến, mà những cái Thường Kiến không sao bì kịp.
Khổng Tử ít dùng biểu tượng, nhưng cũng thực hiện theo chiều hướng "chặt bốn chân rùa" nên môn đệ có viết về Ông câu sau:
"Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã, 子 絕 四 : 毋 意 , 毋 必 , 毋 固 , 毋 我 " L.N IX.4
Thầy đã trừ tuyệt được 4 điều là: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã.
Ta hãy đà sâu để tìm hiểu lý do tại sao cần dứt bỏ 4 điều đó. Và để cho dễ nhớ ta có thể gán vào 4 góc của Lạc thư như sau:
Vô ý là số 8
Vô tất là số 6
Vô cố là số 4
Vô ngã là số 2
Sự gán này chỉ là phương tiện giáo khoa chúng ta phải đi sâu vào nội dung để nhận thức ra ý nghĩa hiện thực của chúng,
2 Vô ý
Ý là gì? Tại sao lại phải tránh? Thưa, ý đây trước hết là những ý tượng của các vật thể cá biệt do giác quan đưa vào, và được lý trí thâu nhận nên rất bì phu vụn mảnh, ta có thể gọi là đối tượng (gegenstand) tứ là cái gì ly cách, cá biệt chắn lối không cho thấy Nhất thể.
Ý tượng còn một đặc tính nữa là trừu tượng, tức là người quan sát chú ý đến một hai khía cạnh của sự vật, còn bỏ tất cả mọi khía cạnh khác nhất là những yếu tố tế vi, nên ý tượng trở thành bé nhỏ, chi ly, cứng đọng.
Các triết học Nhị nguyên đã dùng những ý tượng (percept) trên làm ý niệm (concept) hay làm đối tượng triết học, nghĩa là sắp xếp theo một mối liên hệ nào đó cho có mạch lạc của chân lý và ta gọi tất cả là ý hệ. Ý hệ vì thế không đúng với thực tại, nhưng vì có sự quán xuyến nên đã làm thành cái gông mắt ngựa kéo xe khiến người đeo nó không thể thấy những gì bên ngoài. Do đó không thể căn cứ vào tai mắt để suy tư (nhĩ mục chi quan bất tư). Vì căn cứ vào tai mắt chỉ có thể có ý kiến (opinion) là những gì tư riêng và bất cứ ai cũng có, nhưng trong trăm ngàn người có ý kiến chưa chắc đã được giăm ba người biết suy tư, khi hiểu suy tư là Quy tư, là tìm về Nguyên ngôn ở tận chốn thẩm cung của tâm linh Đại thể. Nhưng bởi thường nhân không nhận ra chỗ tế vi đó nên mới đi tới bước thứ hai coi đó là tất định.
3. Vô tất
Nên hiểu là những công ước xã hội, những nền đức lý hình thức, những tục lệ mỗi nơi, mỗi thời đại… Tất cả được đưa ra do nhu yếu của đời sống, của xã nhân, để bảo vệ quyền sống… Tất cả những điều đó chỉ có giá trị nhất thời, nhưng thường nhà cầm quyền không nhận ra điều đó, nếu gán cho chúng tính chất tuyệt đối, trường cửu. Việc đó dễ hiểu vì nó chước cho nhà cầm quyền sự khổ công tìm cách canh tân đời sống. Điều đáng nói là chính các triết học gia cũng coi đó là những điều tất định, có tính cách trường cửu, mà không nhận ra chúng đã thuộc dĩ vãng nên rất dễ xa lìa dòng sống là cái luôn luôn ở trong hiện tại, luôn luôn biến chuyển như dòng sông chảy miết đêm ngày không ngừng nghỉ, bất chấp đến những chân lý yếu tính của các ông triết học lý niệm hàn lâm. Nếu người ta không nhận ra để khởi công giũ bỏ trước tuổi đôi mươi thì những "chân lý" những ý niệm tất định đó sẽ đóng cặn xuống tâm hồn họ làm thành những khuôn cứng nhắc, những định đề (postulats) bất khả dịch và được gắn bó lại bằng tư tình, tư dục. Chữ Tất thuộc cảm tình, nó chỉ trỏ lòng trìu mến những cái dĩ vãng, coi những ý kiến trên kia là tuyệt đối, bất khả di dịch, muôn sự muôn việc đều phải nhất nhất tuân theo, những con người bị nhất vào những ý hệ có tính cách tất mạnh như thế sẽ bị tước đoạt hết mọi quyền tự quyết nội khởi của nhân chủ để trở thành một vật thể thụ động bị sai khiến từ bên ngoài. Và khi sự sai khiến đó không được nhận thức ra thì sẽ đi đến giai đoạn ba là cố chấp bám víu.
4. Vô cố
Bước vô cố khó hơn lên một độ, vì cố chấp thuộc ý chí tham dục, nên ở đợt này còn có những thế lực khác với triết học nhị nguyên như những loại vu nghiễn, hương nguyện, là những người thường trọng thể hóa những tục lệ hay công ước của một xã hội tư riêng trong một giai đoạn nào cần thiết cho một thời, một nơi, nay được họ công kênh lên bậc tuyệt đối, mặc cho những tính chất vĩnh cửu, và nhất là linh thiêng, thì lúc đó nó ngấm sâu vào tận xương tủy để huy động toàn thể con người: ý, tình, chí. Ý và Tình đã bị huy động trọn vẹn và nó trở thành cố chấp, nhỏ hẹp, độc hữu… nuốt trôi hết mọi sinh lực. Con người trở nên tù nhân bị cùm xích chân tay lòng trí vào cái tư riêng đã được linh thiêng hóa. Thế là bị buộc chân vào một góc (góc 4) không theo được con đường tiến hóa đưa về tới ngọn nguồn là Nhất thể hay Nguyên tánh nữa. Và như thế là hắn lấy tất cả những cái Ý, Tất, Cố trên kia làm cái Ngã của hắn.