V. Sử Mệnh
Tác giả: Kim Định
Loài vật không có sử vì chưa đủ ý thức và trí nhớ. Đó cũng là cái hay ở chỗ chúng sống trọn vẹn cái bây giờ không bị lịch sử cầm chân. Nhưng đó là cái hay đã hoạch định xong và ban cho chúng, không thể hợp cho con người có sứ mạng dẫn đầu trên quá trính tiến hóa. Để chu toàn sứ mạng này con người cần phải có sử để ghi trước sự sau. Vậy cần phải viết sử thế nào để không bị sử cầm chân, lại còn nhờ đó tiến mạnh được, như thế gọi là sử mệnh. Con người có sử từ lúc có đủ ý thức. Vì thế sử mặc nhiều sắc thái theo đà đi lên của tâm thức. Trong giai đoạn bái vật lúc tâm thức con người chưa hẳn tách rời con vật thì có huyền thoại. Khi nào huyền thoại được tinh lọc để hướng vào tâm linh thì trở thành huyền sử. Nhưng đó là đợt rất cao chỉ hợp cho mấy vị hiền triết, còn đại đa số thì theo đà mở rộng dần dần của ý niệm về thời gian mà có nhiều loại sử khác nhau.
Tương ứng với quan niệm biệt thời có sử truyện tích, sử có tính cách văn chương vừa rời rạc vừa đầy chủ quan tính còn chứa lẫn nhiều yếu tố hoang đường.
Sang đến tổng thời con người bắt đầu bỏ giai đoạn thị tộc bước vào ý thức quốc gia thì cũng khởi đầu có sử ký. Cố gắng chính của sử ký là phản ứng chống lại tính chất chủ quan hoang đường bằng óc khách quan khoa học, lịch sử đó là một chuỗi sử kiện được bàn cãi rất khoa học, nhưng đối với con mắt triết, thì vẫn còn nằm ở hàng ngang nghĩa là quy hướng trọn vẹn vào một cùng đích gian thời.
Khi đạt liên thời và thời tính thì con nguời nhận ra tính chất hàng ngang của sử ký, sử học nên cố đưa vào một nét dọc gọi là sử tính. Nhưng sử tính cũng chưa là sử mệnh vì sử mệnh đòi phải có hiện thực, mà sử tính còn quá trừu tượng lạnh lùng chưa gây được tác động trên bình diện tâm linh.
Phi thời đã có hiện thực nhưng mới là hiện thực tâm linh ròng nên cũng chưa thể gọi là sử mệnh vì sử mệnh là sử kể lại đời sống của một dân tộc hiện thực vẻ phong phú của nhân tính con người. Nhân tính là phổ biến còn phong phú bao hàm dị biệt hiện tượng, khi hiện tượng bị gạt ra thì chưa là sử mệnh.
Chỉ có sử mệnh là khi các biến cố thuộc bình diện hiện được chú ý và móc nối vào tâm linh. Nói khác chỉ có sử mệnh khi có vũ trụ: vũ là các biến cố đặt vào liên hệ với trụ tâm linh, tức là liên hệ với nhân tính con người. Sự bất đạt của các quan niệm sử đi trước là tại chúng đã tìm ý nghĩa lịch sử hay là sử mệnh xã hội của con người bên ngoài con người như nơi thần thoại hoặc nơi sự vật như kinh tế hay một ý niệm trừu tượng nào đó (đẳng thí dụ). Sự đặt ra bên ngoài này đã khiến con người nhầm lẫn lấy cứu cánh lịch sử thuộc gian thời làm hơn cứu cánh của chính con người thuộc hằng cửu; lấy việc đi vào lịch sử làm cùng đích cho đời người… như vậy không phải là sử mệnh. Với sử mệnh thì dầu việc đi vào lịch sử to hay nhỏ đều được quy hướng vào tính mệnh con người. Lịch sử có thể biểu thị, mà nhân tính thì không vì nó vô biên. Đem nhân tính quy chiếu vào sự kiện lịch sử là đi ngược sử mệnh tức là lấy điều phụ thuộc làm cốt cán, lấy một thời điểm đem tôn vinh lên bậc tuyệt đối, trước sau gì đó rồi cũng bị thứ tuyệt đối giả tạo này neo cổ con người vào gông dĩ vãng và không cho tiến lên theo nghĩa tuỳ thời, muốn tuỳ thời thì không được đặc ân một thời điểm nào, nhưng phải coi tất cả như nhau đặng thời điểm nào cũng đáng đem hết thân tâm vào để sống, sống cách sung mãn đặng có thể hội thông với hiện thực tại miên trường, cũng chính là dòng sống tràn đầy, cũng chính là nhân tính chân thực con người.
Sở dĩ gọi quan niệm Mã Đồ là sử mệnh vì nó đã ý thức được lưỡng nghi tính đó và hiện thực bằng thể chế kiểu biên niên gọi là Xuân Thu là hai mùa thuộc con người (gọi là nhị phân: xuân phân thu phân còn thiên và địa là hai chí: chí Hạ là của Địa, chí Đông là của Thiên, con người chiếm nhị phân, và trọng thể hóa sự chiếm đó bằng hai ký tế Xuân Thu. "Xuân tế Đế, Thu tế Trường". Người xưa hay nói về ý nghĩa huyền niệm của kinh Xuân Thu. Sự thật đó chỉ là một sách đặt nổi nhân chủ tính ở đợt căn cơ mà thôi. Ý nghĩa lưỡng nghi vừa nói đó còn được biểu lộ trong cách tính năm theo con Giáp nghĩa là vòng địa chi bám sát vòng thiên căn. Thiên căn chỉ trụ Thường hằng. Địa chi biểu thị Vũ biến dịch. Thành ra bất cứ năm nào cũng ăn rễ vào trường cửu, nên vũ ngoại nào cũng có trụ nội trong quan trọng y như nhau. Nói kiểu khác bên ngoài mỗi biến cố lịch sử còn có những chiều kích tâm linh sống động. Ngoài tí, sửu, dần, mão, còn có giáp, ất, bính, đinh… Tây phương chỉ dùng có Zodiaque có nghĩa là vòng các con vật kiểu tí sửu… không hiểu sao người xưa lại dịch là vòng Hoàng đạo.
Theo quan niệm Mã Đồ thì ông vua phải kiêm nhiệm chức tư tế thượng phẩm. Có người đả kích thể chế đó là tỏ ra luận đoán theo phạm trù Tây phương. Theo Đông phương thì có kiêm nhiệm như thế mới đạt Thống nhất và ông vua cũng mới chu toàn đặng sứ mạng là sống theo nếp sống con người lý tưởng. Con người đó phải kiêm cả nội thánh lẫn ngoại vương. Xét về nghĩa vụ phải lo cho nước được thịnh vượng, dân sinh được sung túc… thì đó mới là phần ngoại vương. Còn phải lo hội thông với Đất Trời nữa mới là nội thánh. Cho nên việc kiêm nhiệm chức tư tế thượng phẩm chính là thực hiện phần tâm đặng cộng vào việc nước là sinh: có tâm có sinh mới viết nên chữ tính tức là thánh nhân, nghĩa là thành con người lý tưởng. Con người lý tưởng đó mọi người trong xã hội phải hiện thực vào bản thân mình nên không cứ ông vua mà thực ra thì mọi người Viễn Đông đều cũng kiêm chức tư tế hết. Khác ông vua chăng là phần lễ thì ông vua tế nam giao, còn dân thì chỉ có tế gia tiên, cho nên việc kiêm chức tư tế đó có mục đích móc nối mỗi người với nguồn sống tâm linh nên mang ý nghĩa rất sâu xa về Đạo làm người. Đã thế còn được kiện chứng vẻ vang về xã hội đó là sự kiêm nhiệm này đã miễn cho dân Viễn Đông những tranh chấp đẫm máu giữa hai quyền đạo đời, cho nên nó cũng gây ảnh hưởng thống nhất vào dòng lịch sử của một dân, một khối văn hóa vậy.
Tưởng cũng nên thêm một nhận xét liên hệ tới sử triết. Sử triết cho xứng danh phải đáp ứng được hai nhu yếu một là đem tin xác thực (matériellement exacte) hai là phải làm sáng tỏ được tiến trình tâm linh (spirituellement éclairant). Điểm trước thuộc loan tin (information, hay hàng ngang), điểm sau thuộc huấn luyện (hàng dọc hay formation). Có lẽ vì các tác giả sử triết tới nay chưa nhận thức ra thế nào là sử mệnh nên sử triết hầu hết cũng chỉ là một thứ sử ký hàng ngang, nghĩa là quay lại cuộn phim các ý kiến về triết, mà không làm sống lại được quá trình tiến hóa của tâm thức con người, không vẽ lại được con đường của tâm linh sử quan. Viết triết sử không phải chỉ để thỏa mãn óc tò mò muốn biết xem các triết học gia đã nghĩ về những gì và như thế nào… nhưng còn là hiện thực một cuộc tiếp xúc linh động giữa các trào lưu tư tưởng hướng theo minh triết, hầu làm sáng tỏ và tăng gia đời sống tâm linh.
Để viết được triết sử như vậy tác giả vừa phải có óc sác xuất như một khoa học, đồng thời cần một tâm tư thẩm thấu các dữ kiện đưa ra để nối kết lại bằng mối liên hệ linh động. Sử triết như vậy là tác động tiếp nối huyền sử bằng ngôn từ biện thuyết: huyền sử nói bằng tiêu biểu, sử triết nói bằng lý giải. Chính vì những lý do trên mà khóa giảng chữ Thời này được dành cho chứng chỉ "lịch sử triết lý Đông phương" để giúp vào việc nhận thức ra được sử chỉ là vòng ngoài, mà mệnh mới là vòng trong, và chỉ có sứ mệnh từ lúc con người nhận thức ra được hai vòng nội ngoại để mở cuộc "đối thoại với Tiềm Thể" nói như Heidegger "Depuis que nous sommes dialogue avec l'Être", thì tự ngày ấy chúng ta sẽ có thể viết sử triết, nghĩa là những trang viết ra có thể đem lại cho đời sống con người một trung tâm quy chiếu chân thực và thiết cận nghĩa là ở ngay nơi lòng mình.