X. Hoàng Cực
Tác giả: Kim Định
Bài Hoàng cực bàn tiếp về chữ vãn: đi vào phi thời; còn bài quá trình thời gian hóa đi vào hòa thời. Nói khác bài Hoàng cực này bàn về nội hàm, bài sau sẽ bàn về ngoại hàm. Muốn cho ngoại hàm cực rộng thì nội hàm phải cực nhỏ; một nền văn hóa cao hay thấp cũng như một triết gia lớn hay nhỏ là tuỳ thuộc độ đi vào nội tâm. Đi sâu thì vũ trụ quan sẽ bền vững, văn hóa sẽ tác động mạnh, đi nông thì vũ trụ sẽ lỏng lẻo, văn hóa rất ít hiệu nghiệm. Nếu nông quá thì trời đất sụp đổ, nên phải thay thế ý hệ này đến ý hệ khác mà vẫn không đạt, lý do sụp đổ như vậy là tại nội hàm còn quá to chưa đủ nhỏ để thâu hóa tất cả vào một mối cách linh động đến nỗi có thể trở thành nhất thể nghĩa là như một cơ thể sống động. Nội hàm đó là cái gì đối với triết lý Nho Việt?
Việt Nam ta quen nói ngoài là lý trong là tình, ta thêm vào một câu nữa là: "tình thâm nhi văn minh" và ta gọi đợt này là chí, hiểu là chí cực, thì ta sẽ có một cái thang thuận tiện ba nấc là lý, tình, chí để đo lường mức độ trở vào. Chữ chí cực cũng gọi là "ngũ hoàng cực". Nói theo khung ngũ hành thì là "ngũ hoàng cực" tức trời ba đất hai giao hội nơi người. Đất tác động vào cơ năng cảm xúc của ta bằng mọi hình thái mầu sắc tươi đẹp và ta gọi là Mỹ. Trời tác động vào tâm trí ta bằng chân nghĩa là bằng sự hòa hợp. Khi sự hòa hợp thấu đến cùng cực thì ta gọi là chí thiện. Khi có chí thiện thực sự thì tỏa chiếu ánh sáng chân, thiện, mỹ ra cùng khắp vũ trụ và gọi là thái hòa. Hiện tượng đó được biểu hiện bằng chữ Ngũ hay hình thập tự nhai mà trung tâm ở xa bốn cánh đều nhau để làm thành cảnh trí Bình Bình, tức là một thứ bình quân chất lượng cao cả giữa tính trời cùng lý đất, và ta gọi là Hòa thời.
Hòa thời bao hàm cả lý cả tình trong một sự ổn định siêu thặng. Đó là công hiệu của tất cả những gì đi lên: "đăng giả hội". Nhưng siêu hình Viễn Đông chính cũng là tâm lý nên ít nói đăng mà hay nói quy; đăng hay quy cũng thế, khác một chút là quy nói lên rõ hơn đường hướng tâm linh. Càng đi vào sâu thì vòng đồng tâm càng tỏa ra rộng. Vòng đồng tâm của gian thời không bao nổi liên thời phi thời… nên là nhị nguyên, chọn một bỏ một. Còn Hòa thời thì bao hàm tất cả tự gian thời qua tổng thời, liên thời đến siêu thời. Nói kiểu khác, khi dừng lại đợt ngoài lý trí thì chỉ là lối biết chia đôi có tôi có nó, có năng có sở, nhưng khi bước vào tình thì là bước vào cảnh vực âm u không cõi bờ rõ rệt như ở đợt lý nữa, nhưng nó sát ngõ cới tiềm thức, nhiều khi còn ăn thông sang nhau.
Đừng lẫn tình với cảm xúc, cảm xúc là những rung động tâmlý sơ khởi từ đợt thần kinh gân mạch bắp thịt dâng lên, chưa xếp đặt vào khung thời gian nên cũng chưa có liên hệ với nhau. Ngược lại tình là khi cảm xúc đã được chuốt lọc, và đi sâu theo chiều hướng của đời sống tâm thức chung. Khi mức độ đó đi vào rất sâu thì văn liền minh nghĩa là lúc ấy không còn phải chỉ là biết suông nữa, nhưng còn thêm cảm nghiệm, cảm nghiệm cực sâu thì là thể nghiệm. Trong cảm thức này không thể phân ra năng với sở mà chỉ có Người thể nghiệm, nên năng không còn bị sở giới hạn, mà chỉ còn là tác động tinh tuyền với sức bao dung bát ngát. Khi nào tâm hồn đã đạt tới độ ấy thì những lời trên đây hết còn là những chữ nghĩa trừu tượng. Nhưng sẽ thấy lòng tràn ngập một mối tình sống động sung mãn, đời sống biến đổi hẳn đi, tâm hồn trở thành bình thản trước mọi biến cố: an nhiên tự tại, vượt hẳn cái biết của lý trí thông thường không sao gây nên được cảm thức mạnh như thế bao giờ.
Đấy là lúc huy hoàng rực rỡ gọi được là những phút bay bổng, tâm thức như hòa nhịp với vũ trụ. Trong chữ Thời đã dùng biểu hiệu vòng ngoài giao thoa với vòng trong. Vòng ngoài gọi là vòng thành, gồm những thực thể đã hiện hình để đi vào quá trình: thành, thịnh, suy, huỷ. Đó là vòng đất bị chia ra những vật ly biệt, luôn luôn chuyển biến và chúng ta sẽ bị xoay lông lốc trong cái vòng này.
Nhưng nếu vì bẩm sinh hay vì được học hoặc gặp được những sách ám hợp thì một lúc nào đó vòng thành liền móc vào vòng sinh, và lúc ấy đà quay vòng ngoài liền được thắng lại, hay cách nào đó ai mà biết, vì "Duy thiên âm trất hạ dân" trời ban xuống cho cách u linh, không hiểu nhưng thể nghiệm thấy lòng lâng lâng dường bay bổng, rồi thấy mọi biến cố đều không làm cho sợ, không làm rầu nữa, nhưng được an nhiên theo nhịp điểu của vòng sinh là "nguyên, hanh, lợi, trinh" cũng gọi được là Đại thời Đại không hoặc là Phi thời vì thế tuy có chia ra nguyên, hanh, lợi, trinh, nhưng cũng chỉ là "một bây giờ mãi mãi". Bởi vậy khi tâm hồn nào hớp vào dòng nước sinh sinh bất tức ấy liền thoát được những thúc phọc của vòng thành thuộc gian thời, đấy là lúc Mạnh Tử nói "quân tử thượng hạ dữ thiên địa đồng lưu": người quân tử như cùng thông lưu trên với trời dưới với đất, không đâu là không ở nên không có xa có gần, không có trước sau, mà chỉ còn có lúc bây giờ, nên "thung dung trung đạo… bất miễn chi đắc bất tật nhi tốc" không cố gắng mà được, không vội vàng mà mau: an nhiên đi trên vương lộ vương nghĩa "thản đẳng đãng" không còn gì xa lạ với mình, trái lại thấy mình là trụ của vũ, nên đâu đâu cũng là thân mật đến độ cảm thấy rằng "vũ trụ tiện thi ngô tâm". Vì thế mà yêu đời, yêu người, yêu vạn vật và đấy là cứu cánh của Minh triết. Ai không yêu thì không sống, ai không sống thì không biết thế nào là minh triết, nền móng của Thái hòa như trào sống dâng lên và dâng lên mãi cho bao trùm khắp vạn vật đa tạp. Lúc ấy người cảm thấy rõ vấn đề Nhất Đa chỉ là những ý niệm phân chia cách giả tạo, đầy hiểm nguy làm khuất lấp mất Nhất Thể linh động để không cho sống những giây phút sung mãn tràn đầy. Khi hưởng được những giây phút đó rồi liền hiểu ra thế nào là chí nhân và nhận ra con người Đại ngã tâm linh to bằng tầm vóc vũ trụ. Từ lúc ấy người nhìn mọi vật khác hẳn trước; bởi nhìn bằng cái nhìn toàn diện nghĩa là thấy tất cả trong tương quan với toàn thể, nên tất cả đều tham dự vào dòng sông mênh mông, tất cả đều mang tính cách cơ thể, tất cả đều cùng với mình liên hệ mật thiết.
Do đấy mà tự nhiên bớt tham cầu, vì tham lam chiếm đoạt, cầu cạnh đều là những tác động của con người nhỏ bé vòng ngoài còn chưa đạt trung tâm chân thực của Người vốn có tính chất phổ biến, nên còn thấy vật khác ở ngoài mình, hạn chế mình nên cần chiếm đoạt về cho mình. Sự chiếm đoạt này sẽ không bao giờ cùng, vì không bao giờ sự vật riêng lẻ cục hạn có thể làm thỏa mãn nổi yêu sách nòng cốt con người là trụ vô biên, vì là trụ vô biên nên người nào cũng cảm thấy lờ mờ mình là rốn vũ trụ nghĩa là con người nào cũng lấy không thời gian của nó làm gốc cho mọi quan sát, mọi nhận định… không thể khác. Như nó nói bây giờ tôi viết thì liền có một thời điểm, một không điểm gặp gỡ nơi nó, và chỉ gặp gỡ có nơi nó. Khi sự gặp gỡ này không đạt cao sâu đủ đến độ vô biên, thì nó sẽ không hòa hợp được với vòng sinh nên sẽ chiếm đoạt thật nhiều ở vòng thành đặng thỏa mãn chiều kích vũ trụ trong mình nghĩa là nhu yếu muốn tụ họp tất cả, hòa hợp khắp hết, phát xuất từ yếu tố "trụ" nơi mình nó. Lẽ tất nhiên không thể lấy vũ hàng ngang để thay thế cho trụ hàng dọc: không thể lấy những vật thể vòng ngoài bao giờ cũng bị hạn cục do trước với sau, đây với kia… để thỏa mãn trụ vô biên "vô hồ xứ giả, vô bổn phiêu giả", nên tốn công nhọc sức thu quét tích luỹ hoài hoài mà vẫn không sao thỏa mãn nỗi lòng thèm muốn. Vì thế mà cứ phải kiếm thêm mãi, kiếm thêm nữa, nên luôn luôn bị tham cầu thúc phọc. Nhà Phật kêu đó là bị luân hồi nghĩa là ví với người bị trói lại ngoài chu vi của bánh xe đang quay miết, nếu không thoát ra được để vào nõn bánh xe thì sống là hỏa ngục, làm tôi mọi cho các thứ tham dục hờn ghét lôi kéo.
Học triết là cốt để nhận ra sự thực đặng giúp vào việc thoát ra khỏi chu vi là bánh xe của gian thời để đạt Hòa thời ở Trung cung của ngũ hoàng cực. Cho nên triết lý chính là một cuộc trở vào, triết lý chân thực phải là một quá trình nội tâm hóa cái biết: từ cái biết tri kiến thường nghiệm vòng ngoài chuyển sang cái biết trí tri vòng trong. Cái biết vòng ngoài là ký tụng, thâu nhận từ các sự vật, cái biết vòng trong là tự nội tâm khởi xuất, đầy chất sáng tạo đầy khả năng để nhận thức được yếu tố trụ vô biên nơi mình, rồi dùng cảm thức đó mà đo lường giá trị và ý nghĩa của vạn sự vạn vật; được như thế thì không vật nào lọt ra ngoài được cái biết của mình nên thâu nhận được toàn thể vũ trụ. Đó kêu là "vạn vật bị ư kỷ" hoặc cũng gọi là "tri tri tại cách vật". Đạt tới độ phổ biến đó liền có sự nhất quán sống động liên kết mọi lời nói hành vi thành "vũ trụ", nghĩa là tất cả quy về một mối "L'univers". Khi Khổng Tử nói "Ngô Đạo dĩ nhất quán chi" là chỉ vào đó. Người đã đạt trí tri thì mọi lời nói dầu bề ngoài coi như rời rạc mà thực sự thì lại ăn chịu với nhau bằng mối liên hệ có cơ thể nên sống động.
Những ý hệ là những nền triết chưa đạt độ quán xuyến này, nên phải tăng cường việc hệ thống hóa hàng ngang cho thành rất kiên cố. Nhưng càng kiên cố bao nhiêu càng lấp lối thông hội với vòng sinh bấy nhiêu. Đó không phải là "quy giả hội" mới là thứ kiến tạo bên ngoài thiếu chất sinh, chỉ còn là một chuỗi những ý niệm chết cứng, mang theo rất nhiều mâu thuẫn, nếu được áp dụng tới đâu thì sẽ gây máu chảy thịt rơi tới đó.
Tất cả mọi mâu thuẫn đó đều quy về nhị nguyên. Nhị nguyên không phải ở chỗ nhị phân (dualité) vì thực thể có nhị phân: có âm có dương, chối đi lại rớt vào "vô nhị tiêu cực" vậy cái lầm của nhị nguyên là chọn một bỏ một. Đó là những triết học còn đọng lại ở gian thời. Triết lý hòa thời thâu nhận tất cả, vì vũ trụ vô biên nên tự do vô cùng và điều lý tất cả cho có thứ lớp: bởi trời đất có hạn, nên cần xếp đặt để "thiên địa vi yên" nên tự do vô biên mà vẫn không loạn xạ.
Thứ lớp đi trở lên: càng đi lên càng giàu sáng tạo, càng thêm khả năng ứng phó thích nghi. Ở dưới gian thời phải theo luật căn do tất định nên thiếu tự do. Nhưng lên tới Hòa thời thì trở thành uyển chuyển linh động vì có rất nhiều giải đáp cho một tình thế.
Nói rút lại hai tiếng là lợi và nghĩa. Lợi là đứng dưới gian thời dòm lên, nghĩa là đứng từ trên phi thời nhòm xuống. Lợi hành là xu thời. Nghĩa hành là Tuỳ Thời. "Tuỳ thời chi nghĩa đại hĩ tai" là nói về Hòa thời và chỉ có "Tuỳ thời" trên đợt Hòa thời mà thôi. Vì thế Kinh Dịch mới tán thán rằng "Tuỳ thời chi nghĩa đại hĩ". Chính bởi muốn nói về tuỳ thời đợt đó, nên mới đặt tên sách là "Chữ Thời" mà không "thời gian không gian" thì dụ. Tuỳ thời bao hàm tất cả 4 đợt kia tự gian thời, tồng thời qua liên thời đến phi thời cho nên mới than đại hĩ tai bởi chưng rằng: "Chữ Thời cùng với chữ AAAI một phòng"