watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trông về quê mẹ-Chương 3 - tác giả Kim Hài Kim Hài

Kim Hài

Chương 3

Tác giả: Kim Hài

Hôm nay là ngày tuyên bố kết quả kỳ thi vào Đệ Thất trường Trương Vĩnh Ký tức là trường Pétrus Ký. Phiên dậy từ lúc trời vừa tảng sáng. Nỗi hồi hộp, lo âu đã đuổi nhanh vào giấc ngủ. Hồi hôm, Phiên vào giường thật sớm, nhưng cứ nằm thao thức mãi. Phiên nhớ lại lúc đi thi, sợ ôi là sợ. Đáng lẽ Phiên thi vào trường Lê Văn Duyệt cho gần nhà, chị Quất bảo thế, nhưng anh Quất gạt đi, bảo ở đó đâu có trường cho con trai. Trường Võ Trường Toản thì gần nhà hơn. Phiên chọn trường nào giữa hai trường ? Anh Quất thì rộng rãi hơn, khi nghe Phiên bày tỏ ý muốn thi vào Đệ Thất trường Trương Vĩnh Ký, anh cũng hài lòng ra mặt, gật gù bảo :
- Ừ, thì trường đó tốt hơn, chỉ có cái bất tiện là xa nhà, nhưng nếu cháu muốn thì
phải ráng chịu khó đi xa.
Chị Quất có vẻ không bằng lòng và cho là Phiên nhiều chuyện, trường nào thì chả
giống trường nào, bày đặt khó khăn. Nhưng Phiên thì thích lắm. Phiên nhớ đến lời nói của Linh. Vẻ mặt hân hoan khi rủ Phiên thi vào trường Trương Vĩnh Ký. Đã ba tháng nay kể từ khi ngồi chung nhau trên xe đò, Phiên không được gặp Linh lần nào nữa. Có vài lần Phiên được phép dẫn mấy đứa nhỏ trong nhà đi chơi Sở Thú, xe lam chạy qua Đa Kao, Phiên đưa mắt cố tìm kiếm xem may ra Linh đang thơ thẩn trước cửa nhà, hay đang đi đâu đó. Nhưng vẫn hoài công. Phiên muốn gặp Linh để báo tin cho Linh biết là mình cũng thi vào trường Trương Vĩnh Ký như Linh thích, để nhắc với Linh lời đề nghị cùng học chung mà ngày nào Linh đã rủ Phiên.
Phiên xuống bếp rửa mặt. Trên nhà chưa ai thức giấc cả. Phiên nhè nhẹ khép cánh cửa ăn thông với nhà ngang rồi bật đèn . Tủ đồ ăn có để sẵn sữa và cà phê. Phiên pha một tí sữa với cà-phê. Lúc mới lên Sài Gòn, Phiên chưa bao giờ được uống cà-phê . Sữa thì một đôi khi. Nếu chỉ sữa không thì ớn mà cà-phê không thì khó uống, đắng chát. Anh Quất bày Phiên pha một ít cà-phê với sữa, Phiên uống được và từ bây giờ cà-phê sữa là bữa điểm tâm của Phiên mỗi buổi sáng. Nhà cũng có mua bánh mì, nhưng Phiên không muốn ăn, không dám ăn thì đúng hơn. Nhiều lúc Phiên đói bụng quá chừng, song cũng đành chờ đến buổi cơm trưa. Phiên tuy nhỏ nhưng tính không háu ăn, ở một mình với mẹ nên khôn sớm. Phiên biết mình vào trọ nhà thiên hạ là một điều phiền phức, nên Phiên cố gắng thu mình nhỏ lại chừng nào hay chừng ấy, bớt gây tốn kém chừng nào là dễ sống chừng đó. Trong nhà đàn ông tính tình rộng lượng hơn đàn bà, đàn bà ai cũng hơi nhỏ nhen, ích kỷ hơn đàn ông. Mấy ngày đầu, chị Quất còn ép Phiên ăn nhiều, nhưng từ những ngày sau chị lơ lần, Phiên ăn uống ra sao mặc kệ. Có đồ ăn gì ngon, chị giấu bớt phần cho con. Phiên những lần như vậy, lại kiếm cách lẩn lơ để chị Quất đỡ ngượng.
Phiên uống nhanh ly cà-phê sữa, mẩu bánh mì ngày hôm qua còn mềm, Phiên ngần ngừ rồi cầm lấy. Bửa ăn sáng này tạm đủ. Phiên rửa mồm rồi sửa soạn áo quần. Bộ áo quần mà mẹ Phiên đã gởi bác Sáu mua dùm để Phiên mặc đi học. Chiếc áo sơ-mi cánh tay màu trắng. Chiếc quần ka-ki xanh dài. Bộ đồ đẹp nhất mà Phiên được mặc từ nhỏ đến nay. Lại còn có thêm một đôi giày ni-lông trắng ngà. Đôi giày có vẻ bền, Phiên thích lắm. Khi Phiên sửa soạn xong xuôi thì cả nhà cũng vừa thức dậy. Anh Quất nhìn Phiên dò hỏi. Phiên nhanh nhẩu :
- Thưa bác, bữa nay có bảng thi.
- À, hèn chi thấy mầy cứ loay hoay suốt đêm hôm qua. Thế nào có hy vọng gì
không ?
Chị Quất đang cắt bánh mì dừng tay chắt lưỡi trả lời :
- Chà, thi thì thi chứ tôi thấy không ổn, người ta gởi gắm da diết lắm có đâu đến
phần mình. Giỏi ghê lắm mới dính bảng. Có đứa lại rớt lên rớt xuống om sòm.
Anh Quất không bằng lòng :
- Mình cứ hay nói để người ta nản lòng. Tôi cứ thấy đứa nào học hành đàng hoàng
thì đậu. Có ai dốt mà đậu được. Còn đứa có học mà rớt thì chắc cũng rủi ro gì đó thôi.
- Ối… « học tài thi mạng » mà ! Nhưng năm nay người ta thi đông quá, liệu có đỡ
đần gì được không đây ?
Phiên đứng nghe lòng hơi buồn. Trước hy vọng bao nhiêu, bây giờ như có vẻ xa vời.
Nếu mình rớt … Phiên không dám nghĩ đến nữa. Mắt rưng rưng. Phiên xin phép anh chị Quất rồi ra khỏi nhà nhanh như bị đuổi. Con ngõ buổi sáng sớm tràn ngập những gánh quà sáng. Bánh cuốn, xôi, chè, bánh mì đậu dọc một bên hẻm. Người ngồi ăn thản nhiên ngồi cả ra giữa đường. Phiên len lỏi thận trọng đi cho hết con hẻm để ra ngoài đường đón xe. Bến xe chạy ra Sài Gòn nằm ngay ở đầu ngõ nên Phiên khỏi phải đón xe lâu lắc. Phiên leo lên một chiếc xe trống. Vài người lục tục theo lên. Không đầy năm phút sau chuyến xe lam bắt đầu chạy. Hình như đường đông hơn mọi ngày. Phiên thấy cùng xe mình cũng có một học sinh trạc bằng Phiên. Phiên chắc là cậu học trò ấy đi xem bảng thi như Phiên vậy. Mãi nghĩ đến kỳ thi, bài thi đậu rớt, xe đến Sài Gòn lúc nào không biết. Khi bác tài hỏi tiền, Phiên mới giật mình, trả mười đồng xe, Phiên leo xuống đi ngược lại về phía chợ, vòng qua bên chỗ trạm Phạm Ngũ Lão đón một chuyến xe khác đi ngõ An Đông – Cây Gõ. Xe này sẽ đi ngang qua hông trường.
Phiên không phải là người đi sớm nhất. Trên sân trường đã lác đác năm bảy học sinh. Mặt cậu nào cũng đăm chiêu suy nghĩ. Có vài cậu không phải đi một mình mà dắt díu thêm anh chị hoặc cha mẹ. Cổng vào các lớp học vẫn đóng im ỉm. Phiên thơ thẫn đi từ góc sân này đến góc sân khác. Thông cáo viết trên bảng đen đặt ở trước cổng trường cho đến tám giờ rưỡi mới có bảng, đồng thời yêu cầu các thí sinh không được bóc xé bảng danh sách thí sinh trúng tuyển. Phiên kiếm một chỗ ngồi trên bực thềm một lớp học. Chả bao lâu sân trường đông đảo dần dần. Phiên vẫn chưa tìm thấy Linh. Không biết Linh có đi coi bảng không hay là nó không thèm đi coi cho mất công. Nếu gặp được Linh, Phiên sẽ đãi nó một ly nước mía. Nhớ lại hôm Linh đãi mình xi-rô trên đường đi Sài Gòn, Phiên hơi cảm động. Phiên lầm thầm trong miệng cầu nguyện cho hai đứa cùng đỗ.
Nếu rớt, Phiên không biết rồi mình sẽ làm gì ? Nhưng chỉ biết chắc là bây giờ mỗi lần Phiên nghĩ đến rớt là run bắn cả người lên, mặt tái lại. Sân trường ồn ào hẳn lên. Mỗi người một câu, một lời cũng đủ tạo thành một cái chợ. Phiên nghe người bên cạnh nói to :
- Chà, đông quá. Hơn hai nghìn người thi mà chỉ lấy có một trăm năm mươi người
thì đúng là chỉ mành treo chuông. Lơ mơ…rớt là chuyện chắc !
- Tui cũng nghĩ vậy. Thằng nhỏ nhà tui nó làm bài cũng tạm được, nên tui không hy
vọng cho lắm.
Phiên quay lại nhìn. Hai người đàn ông ý chừng là phụ huynh của trò nào đó đang nói chuyện với nhau. Câu chuyện vẫn tiếp tục như pháo ran :
- Thằng nhà tôi lại chỉ làm có một bài toán, bài kia thì mới làm được nửa chừng thì
hết giờ.
- Toán mà làm không xong thì cũng khó mà đậu được. Thằng nhà tui thì tệ ở bài
luận. Mà tức thật, ai dè bài luận lại ra đề khó đến thế.
Phiên mỉm cười. Hai ông già sau lưng cũng cười lớn, nhưng đượm vẻ lo lắng. Phiên cũng bí đề bài đó. Nhưng may thay, Phiên được một lần xem ti-vi ở đầu xóm và lại nhằm mục « đố vui để học ». Lần đó Phiên thích lắm nên đi thi gặp được đề bài thật hên. Bỗng dưng Phiên có nhiều hy vọng. Nỗi mừng vừa nhô lên trong lòng như một cái mầm đậu nhỏ. Phiên đứng dậy, bỏ đi tìm Linh. Chen qua rừng người đi xem bảng, ai ai cũng bàn tán đến chuyện đậu rớt. Người than phiền cái nầy, người than phiền cái kia. Không một ai vô tư để mừng mình sẽ đậu. Đi gần giáp hết một vòng, tìm Linh không ra mà Phiên lại nghe như nỗi mừng lụn tắt. Phiên lại u sầu ngồi ủ rũ một phía, nhủ thầm nhất định không để ý đến lời ai nói nữa.
Mặc dù đang để hết tinh thần vào việc đậu rớt, nhưng Phiên cũng cảm thấy buồn và lo sợ lây. Không biết số phận mình ra sao ?
Đến vần K rồi. Phiên chợt nhổm dậy lắng tai nghe ngóng. Gần đến vần L rồi ? Phiên lẩm nhẩm tên Linh :
- Nguyễn Thái Linh. Nguyễn Thái Linh. Không biết nó có thi ở trường nầy không ?
Tiếng vị giáo sư đọc danh sách thí sinh thi đậu vẫn đều đều, thản nhiên và bình
thường.
- Chín bốn hai Nguyễn Văn Là, chín năm mươi Trần Lên, chín năm mốt Tạ Văn Linh, chín năm hai Thái Ngọc Linh, chín năm ba Nguyễn Thái Linh,…một ngàn lẻ một…
Phiên không nghe gì nữa, nó reo lên một tiếng sung sướng. Linh có đi thi, Linh đậu rồi, chì thật. Chú bé đứng bên cạnh ý chừng nóng ruột hỏi mát :
- Mầy đậu rồi hả, về nhà khao đi. Đứng đây la quá trời, để người ta nghe tiếp chớ.
Phiên lắc đầu :
- Đâu…bạn tui đó chớ !
Cậu bé xí một tiếng lớn :
- Xí, lãng xẹt, tưởng mầy đậu chớ bạn đậu mà la lối hoài.
Tuy bất bình nhưng chợt nhớ còn phần mình nữa, Phiên đâm lo.
Nỗi lo bây giờ lớn hơn lúc trước nhiều. bởi ở đó có sự ganh đua. Nếu Phiên rớt thì ê mặt lắm. Chắc Phiên sẽ không bao giờ nhìn mặt Linh nữa. Rớt thì dị quá rồi còn mặt mũi nào mà chơi nữa. Mặt tái như bị cảm, Phiên đứng yên, tai lắng nghe mà trí lại rối bời.
Càng đến vần P, Phiên càng lo nhiều. Đôi lúc Phiên như muốn kéo dài thời gian đọc
danh sách học sinh thi đậu. Đôi lúc Phiên muốn đọc thật nhanh hoặc ước gì coi được bản danh sách đang ở trong tay vị giáo sư đứng trên kia. Mỗi lần số ký danh nhảy vọt là mỗi lần tim Phiên cũng vọt theo. Mãi cho đến khi số ký danh một năm năm hai Nguyễn Văn Phiên được kêu tên, Phiên vẫn còn ngẩn ngơ đứng sững. Một phút sau, cơn vui mừng mới òa vỡ cùng lúc với hai giọt nước mắt mấp mé ở rèm mi trên gương mặt thật tươi. Phiên chạy nhanh ra cổng trường và khi dừng lại để đón xe, Phiên mới thốt ra được tiếng nói đầu tiên. Không nói với ai, chỉ một mình và nhỏ, thật nhỏ tựa nói thầm :
- Mẹ ơi ! Con đậu rồi !…

***

- Hải, ra đây anh biểu ! Hải, Hải…
Phiên kêu mấy tiếng thật lớn. Thằng Hải đứng im trong xó tủ không thèm trả lời, Phiên nhịp cây roi trên mặt bàn :
- Hải không biết vâng lời gì cả. Anh nói bao nhiêu lần rồi, vở phải sạch sẽ, không được làm đổ mực lên vở, không được vẽ bậy lên bìa. Không được xé giấy làm tàu bay, tàu thủy để chơi. Thế mà sách vở như thế nầy hả ? Lại còn bài vở nữa. Cả buổi chiều nay không chịu học hành gì hết. Có mỗi một bài sử cũng không chịu học là nghĩa làm sao ?
Quyển vở nhầu nát bê bết mực nằm chỏng chơ trên mặt bàn. Thằng Hải đưa mắt liếc nhìn quyển vở, cười mím chi.
- Ra ngồi vào ghế học bài, mau lên !
Thằng Hải vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Gương mặt lầm lì. Nó nhìn chiếc roi trên tay
Phiên rồi khẽ đưa cùi chỏ tay về phía Phiên. Phiên bắt gặp. Cơn giận nổi lên. Phiên cố nén, nhưng không được. Phiên quất mạnh vào mông đứa học trò lì lượm. Thằng Hải khóc thét lên như bị cắt vào da thịt. Phiên chùng tay lại.
- Bây giờ Hải có chịu ra ngồi học bài đàng hoàng không ?
Thằng Hải vừa khóc vừa la lớn :
- Không ra đó, làm gì không ? Làm tàng tao về tao méc má cho coi, hu hu…
Phiên ngao ngán bỏ cây roi xuống. Mười bữa như chục, không bữa nào thằng Hải
không cãi lại đôm đốp vào mặt Phiên. Ngọt ngào có, đe dọa có, dỗ dành có, nhưng thằng Hải vẫn không lúc nào chịu học bài. Nó lười biếng đến độ Phiên không tha thứ nổi. Mà lạ thay, có bốn đứa thì ba đứa kia ngoan ngoãn thương Phiên vô cùng, chỉ có Hải là khó dạy.
Chắc là tại anh Quất cưng chiều nó quá trớn. Phiên nghe đâu như ngày xưa lúc đẻ Hải,
chị Quất gặp nhiều khó khăn, đẻ khó, lúc mới sinh thằng Hải èo uột đến sợ, đau ốm hoài, anh chị Quất phải tốn biết bao nhiêu tiền của mới giữ được Hải cho đến bây giờ. Vì nó ốm yếu nên anh chị Quất không bao giờ la mắng hoặc đánh đập nó. Trái lại luôn luôn cưng chiều, muốn gì được nấy. Thằng Hải đâm lì lượm, hư đốn là vì vậy. Mới tám tuổi đầu mà nó lì lượm đến phát ghê, lại rắn mắt. Nó nghịch ngợm quá chừng, cứ lấy sách vở, bút mực của Phiên ra phá. Thậm chí chiếc áo sơ-mi trắng để đi học của Phiên, nó cũng vấy mực vào. Tay dơ đầy đất cát, nó dám lau mạnh vào quần áo của Phiên giắt phơi sau nhà. Chỉ mỗi một mình thằng Hải làm Phiên mất bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu hơi. Tuy vậy Phiên vẫn luôn luôn ngọt ngào dỗ dành nó hầu mong nó đổi tánh bớt. Còn cứng rắn quá thì không được với anh chị Quất, vì nóng lòng thương con, chị Quất đâm ra có ác cảm với Phiên.
- « Má ơi, thằng Hải nó lì quá nên bị anh Phiên đập nó , má ơi ! ».
Tiếng con Thanh mách lại với chị Quất khi chị Quất đi chợ về. Phiên nhìn về phía
thằng Hải. Nó đang vênh tai nghe ngóng.
- Nó ở đâu rồi ?
Vừa nghe đến đó bỗng thằng Hải tru tréo lên. Miệng há to như bị ai đập vào người.
- Trời ơi, đau quá, hu hu…đau quá má ơi !
Chị Quất hốt hoảng chạy vào. Giỏ đồ ăn rơi dưới chân, mấy trái cà chua đỏ nằm lăn
dưới gầm giường. Thằng Hải được thế lại khóc già. Nước mắt không biết ở đâu tuôn ra như máng xối. Phiên đứng dậy phân bua :
- Bác nghĩ coi, Hải nó hư quá đi mất. Sách vở đầy mực nhòe nhoẹt, bài vở lại không
thuộc, cháu mới đánh một cái mà nó khóc vang nhà.
Chị Quất không nói không rằng cởi quần Hải tìm dấu roi. Chỉ thấy một dấu chạy từ mông này sang mông bên kia. Chị lau nước mắt cho con rồi quay lên nói với :
- Có đánh thì đánh nhẹ. Thằng Hải nó còn nhỏ mà đánh quá, không ngu nó cũng
đâm ra ngu mất thôi !
Chị quay lại chỉ vào mặt thằng Hải, nói mát :
- Ai bảo mầy ngu quá vậy. Dạy mãi không được tao gởi quách vào trường nội trú là
xong chuyện.
Phiên im lặng không nói. Quyển vở nằm trơ vơ trước mặt như mờ nhòe. Phiên không
muốn nghĩ gì hơn ngoài việc học bài cho ngày mai. Nhưng sao ý nghĩ lại không vâng theo ý muốn. Óc Phiên vẫn loãng ra. Phiên đâm giận mình. Tiếng chị Quất dỗ con sau nhà vẳng lên rõ mồn một. Mắng con mà chị Quất chỉ nói gần đến việc đánh đòn đau. Đồ ăn hại. Phiên ôm sách bước ra ngoài hiên. Thằng Hải vẫn chưa chịu nín khóc, khóc mãi. Hình như chị Quất vẫn chưa dằn được cơn tức, đánh thằng Hải một vài cái tát vào má, chị vẫn thường đánh kiểu đó. Phiên nghe tiếng thằng Hải khóc thét lên đằng sau nhà. Tiếng khóc xoáy mạnh vào tai Phiên nghe khó chịu hơn cả tiếng móng tay rít trên bảng đen. Cơn gió lao xao ở ngoài sân cho biết trời bắt đầu đã về chiều, anh Quất cũng sắp sửa trở về nhà. Phiên mong thằng Hải nín khóc, nhưng tiếng khóc vẫn lì lượm kéo dài lên xuống từng chặp.
Anh Quất đã về. Tiếng xe Honda nổ ròn tan. Anh Quất đẩy xe vào. Anh nhíu mày khi
nghe tiếng khóc vẳng lên từ nhà dưới. Anh hỏi Phiên :
- Gì mà thằng Hải khóc quá vậy Phiên ?
- Dạ, nó đọc bài không thuộc còn không chịu vâng lời. Cháu đánh nó một roi thôi
mà nó cứ khóc mãi nãy giờ.
Anh Quất đi thẳng vào nhà. Thằng Hải lại thét lên. Anh Quất kéo con lên nhà trên, vừa
đi vừa quát nhỏ :
- Thôi im đi, kẻo ba giận đập chết bây giờ.
Thằng Hải không nín khóc, nó ré lên từng hồi, anh Quất chợt thấy cơn giận lên cao.
Sau một ngày làm việc vất vả ở sở với hai lỗ tai lúc nào cũng đầy ắp tiếng hàng chục cái máy đánh chữ đồng loạt kêu lên, anh không còn đủ sức để nghe những tiếng động chói tai khác. Anh thét lên :
- Im ngay, khéo lại bị đòn ngay bây giờ !
Thằng Hải vẫn lè nhè khóc hoài. Nó không chịu đi theo chị Quất để rửa mặt. Chị Quất
kéo tay thằng Hải. Nó ngồi phệt ngay xuống đất, hai chân đạp lia lịa. Cáu tiết, anh Quất tiện tay cầm ngay cái áo sơ mi đập vào gáy thằng Hải. Anh lại xách luôn cả chiếc giày đang cầm ném vào người thằng Hải. Chị Quất ôm sấn lấy con chạy bay xuống bếp. Phiên còn nghe tiếng nó khóc nhỏ đến mãi gần bữa cơm mới dứt.
Khi bữa cơm được dọn lên, Phiên không thấy mặt thằng Hải và chị Quất. Chị Quất đã giận vì mấy cái đánh con của chồng mình. Phiên ái ngại kêu con Thanh đi tìm má. Anh Quất nổi tức nạt con :
- Tìm gì mà tìm. Ai không ăn thì thôi, tụi bây cứ ăn đi.
Vừa nói, anh Quất vừa kéo ghế đánh xoạc một tiếng, cầm đũa xới cơm chan canh.
Nhưng anh Quất cũng không ăn được gì. Mới có mấy miếng, anh ném đũa đứng dậy ra đi văng ngồi đọc báo. Phiên bảo Thanh :
- Thanh đi mời má về ăn cơm đi.
Thanh chạy đi. Một lúc sau, nó chạy vội về bảo với Phiên :
- Má nói không ăn không uống gì cả. Ai đói thì cứ ăn.
Phiên xuống bếp, lấy chén bát, dĩa lên sớt bớt đồ ăn để phần anh chị Quất. Phiên giục mấy đứa ăn cơm nhanh để học bài. Tự dưng Phiên thấy no khan. Đã nhiều lần vì giận chồng, giận Phiên, chị Quất bỏ cơm ngang. Mặc dù mình không có lỗi gì cả, hoặc nếu có thì cũng rất nhỏ mọn không đáng kể và nhất là Phiên có xin lỗi đàng hoàng, đôi khi suy nghĩ gần xa, Phiên nghĩ là mình ở đây chắc gây khó khăn và phiền phức cho gia đình anh Quất nhiều lắm. Nhưng dù biết vậy, Phiên vẫn không biết làm sao hơn được. Gần một năm trời ăn trong nhà anh chị Quất, Phiên thấy mình lớn và già dặn hẳn lên. Thật đúng như lời mẹ Phiên thường bảo, ăn cơm thiên hạ rồi mới khôn được. Mải suy nghĩ vẩn vơ, Phiên không để ý đến anh Quất đã bực dọc đứng dậy thay áo quần đi ra ngoài. Mãi đến khi tiếng xe Honda rồ máy vọt mạnh, Phiên mới giật mình và vội miếng cơm còn lại trong bát. Nhìn theo bóng anh Quất khuất ngoài sân, Phiên thu dọn chén bát bưng xuống bếp. Có tiếng chị Quất cay chua trên nhà :
- Ăn uống cho no say sung sướng rồi đi. Đi đã rồi về báo hại vợ con. Không có bữa
nào vợ chồng vui vẻ thử. Trăm bữa đủ trăm về nhà là đánh đập con cái. Mà đánh đứa lớn lao nào cho cam. Thằng nhỏ đã ốm yếu lại nhỏ bé.
Phiên súc miệng. Có cái gì như chặn cổ họng. Phiên uống nhanh một ngụm nước cho
đỡ tức.
- Mà có người cũng ác nữa, đánh đập con người ta cho sướng tay rồi còn xúi người
khác đánh, người này đập. Thằng nhỏ mà đau bệnh là chết với tui.
Phiên không có can đảm đứng nghe tiếng dằn vặt, mắng mỏ của chị Quất.
Vòng ngã sau nhà, Phiên ra sân ngoài ngồi dựa mép dậu. Con ngõ hẹp vẫn còn xôn xao tiếng người qua lại. Có tiếng cười rộn rã từ căn nhà trước mặt. Phiên tò mò nhìn vào. Mâm cơm ý hẳn đã vơi. Một gia đình năm người đang tề tựu chung quanh. Đứa nhỏ cố xúc nhanh những muỗng cơm lớn đổ vào mồm. Nó phồng má, nhắm mắt ăn, nhưng cứ tràn ra ngoài, rớt xuống cằm, xuống má, dính tùm lum trên mặt. Cả nhà ngồi nhìn cười quên thôi. Phiên chợt nhớ nhà lạ lùng. Bữa cơm sốt dẻo chỉ có hai mẹ con ngồi ăn song vẫn vui vẻ và hạnh phúc biết bao. Nồi canh rau khoai nấu với cá lòng tongngọt ngào bữa cơm trưa mùa hạ, dĩa cá kho tiêu mặn mòi buổi chiều mưa. Mẹ xúc cho từng chén cơm. Mẹ ép ăn nốt dĩa cá, con tôm. Nhà tuy nghèo mà vui. Bây giờ, miếng cơm chan canh đưa vào cổ đôi lúc nghẹn cứng. Miếng thịt cá nằm trên dĩa xa lạ như thách thức Phiên, nhắc cho Phiên luôn luôn nhớ đây không phải là nhà của mình. Câu nói ngọt ngào của mẹ được thay bằng những câu nói chót lưỡi đầu môi và thường là trách móc, lắt léo. Phiên nghĩ mãi không hiểu tại sao người ta lại đối xử với mình như vậy. Phiên đổi lấy công khó của mình bằng nhà ở, chén cơm. Phiên phải hao hơi, rát cổ một ngày hai, ba tiếng đồng hồ. Sao công của Phiên không ai để ý đến ; mà bữa cơm, miếng nước lại được nhớ đời đời ? Trí óc nhỏ bé của Phiên muốn nổ tung như những vì sao băng trên nền trời đen. Một ngày nào trước đó, Phiên đã đến đây. Cũng trời tối như hôm nay. Cũng những vì sao chiếu lấp lánh. Cũng con hẻm nhỏ gập ghềnh. Nhưng lòng Phiên khác xa hẳn. Ngày đầu đến trọ, lòng Phiên vui mừng bao nhiêu thì bây giờ Phiên buồn bực bấy nhiêu. Đó chỉ mới là năm đầu, chưa hết một năm đầu. Và mới cuối niên học. Phiên sẽ còn phải học năm bảy năm nữa. Phiên sẽ còn ở được đây đến bao giờ. Phiên chỉ lo cho mẹ. Hôm Tết, mẹ không lên thăm Phiên. Mẹ gửi một bức thư và một ít bánh ú, bánh chưng. Mẹ hứa là hè mẹ sẽ lên đón Phiên về. Mẹ vẫn mạnh luôn. Có khi nào mẹ nói mẹ đau đâu. Con heo nái đã có mang như mẹ đoán . Do đó, hè mẹ có thể lên Sài Gòn đón Phiên về. Tết Phiên nằm nhà mà buồn mà nhớ mẹ. Mồng một, mồng hai, mồng ba, khách khứa liên miên, Phiên phải giúp chị Quất dọn dẹp chén bát không hở tay thì lấy đâu ra thì giờ để nghĩ ngợi lôi thôi. Nhưng từ mồng bốn Tết trở đi, khách đầu năm thưa lần, tụi nhỏ chưa đi học, Phiên có thì giờ để nghĩ về mẹ.
Mẹ hẳn đang ăn một cái Tết buồn thật buồn ở quê nhà. Và Phiên ở đây, giữa một nơi đẹp đẽ và ồn ào nầy, Phiên cũng ăn một cái Tết đầy ắp thương và nhớ. Ngày qua, mùa Xuân hết, mùa Hè lại. Ngày bãi trường, Phiên ôm một chồng sách bao giấy kiếng đỏ trên tay. Kết quả của trí thông minh, tính cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại. Phần thưởng Ưu hạng mà Phiên chưa muốn mở xem. Phiên chỉ mở gói phần thưởng khi có sự hiện diện của mẹ. Phiên thèm một bàn tay chai cứng, gân guốc nhưng hơi hám quen thuộc, trìu mến của mẹ xoa đầu. Phiên thèm một ánh mắt thương yêu từ đôi mắt nhăn nheo nhưng sáng rỡ của mẹ. Và Phiên chờ đợi ngày gặp mặt giữa hai mẹ con. Gặp được mẹ, nhất định Phiên sẽ giới thiệu Linh với mẹ, mẹ với Linh. Ngày khai trường ở đầu niên học Phiên đã gặp được Linh, hai đứa học chung lớp, học nhà không mất tiền. Cùng chơi, cùng học, Phiên-Linh tiến bộ rất nhanh. Linh vẫn nhớ nhiều chiếc bánh ú thơm ngon hôm nọ. Phiên hãnh diện để nói với Linh đây là mẹ Phiên. Nhưng ngày nào mẹ mới lên. Rủi có gì trục trặc mẹ không lên được. Phiên sợ một cái thư thay người.
- Em em, đây có phải là… ?
Phiên ngẩng đầu lên. Trời tối.
- Trời ơi Phiên, mẹ đây nè.
Có cơn vui nào lớn nhanh như cơn vui nầy. Có cảm giác nào nẩy nở lẫn lộn như cảm
giác lúc nầy. Phiên như ngộp thở. Hai bàn tay đưa ra phía trước bám víu vào tấm áo mềm. Phiên nghe quen thuộc vô cùng. Hai giọt nước mắt đậu trên mi mắt lúc nào không hay. Mãi Phiên mới thốt nên lời :
- Mẹ, mẹ…
Bà Tư cũng cảm động vô cùng. Bao nhiêu mệt nhọc vất vả của mấy trăm cây số xe đò
đã mất từ giây phút đầu gặp con. Bà ôm lấy con như sợ mất. Bà xoa đầu con, vuốt tóc, vuốt mặt, má, mũi, miệng con. Bà sờ soạng khắp người con để đoán biết sức khỏe của con. Mới xa con một năm mà bà Tư tưởng như mấy trăm năm dài. Trong bóng tối, bóng sáng bà Tư không nhìn rõ mặt mũi Phiên ra làm sao. Phiên có đen hơn. Có khỏe hơn. Có hồng hào hơn. Đi thăm Phiên cốt để biết sức khỏe Phiên như thế nào. Nhưng bây giờ ôm Phiên trong tay, bà Tư thấy hình như mình không còn ao ước gì thêm nữa.
- Phiên, con có mạnh không ? Con…
Nước mắt xúc động đã ngăn bà nói tiếp, tay bà vuốt tóc Phiên liên hồi. Bà cảm thấy
như ngực áo mình tắm ướt. Phiên cũng đã khóc trong lòng mẹ. Lòng mẹ bao la như biển thái Bình rạt rào. Lòng mẹ yêu mến như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru man mác êm như sáo chiều rì rào… Thương con khuya sớm bao tháng ngày. Lặn lội gieo neo nuôi con đến ngày lớn khôn…Tiếng hát của một ca sĩ nào vẳng ra từ cái radio bên nhà hàng xóm. Tiếng hát xoáy mạnh vào lòng Phiên. Phiên sung sướng trong cảm động vì biết mình còn mẹ. Bà Tư gỡ tay Phiên ra hỏi con :
- Có hai bác ở nhà không con ? Để mẹ vào thăm hai ông bà một chút.
Phiên không trả lời thẳng câu hỏi của mẹ.
- Mẹ ơi, khi nào mình về nhà ?
Bà Tư cười xòa :
- Gớm, chưa vào thăm chủ nhà lại đòi về nhà. Mẹ tính ngày mai nghỉ một ngày cho
đỡ mệt, nhân tiện mua bán vài thứ hàng, xong mốt mình về. Con có cả ba tháng hè để ở nhà với mẹ cơ mà. Thôi đi vào để mẹ chào hai bác đi.
Hai mẹ con dắt tay nhau đi vào nhà. Phiên vân vê tà áo nâu của mẹ, đưa lên mũi ngửi ngửi.
- Áo mẹ sao thơm mùi cỏ đồng quá. Bộ mẹ đi ngã tắt đón xe hả ?
- Ừ, sáng nay, đi ra ngõ rồi mới biết để quên lại túi trầu. Quay trở lại lấy, lúc trở ra
mẹ sợ trễ xe nên đi đường tắt cho mau. Năm nay ít người đưa trâu qua ngã đó cho ăn cỏ nên cỏ mọc nhiều quá xá. Lúa thì mọc chậm mà cỏ thì mọc nhanh thế không biết. Ủa mà sao nhà không có ai cả ?
Phiên chạy vội nhìn ra sau nhà. Chị Quất đang ngồi ăn cơm với thằng Hải. Phiên đến gần thưa :
- Thưa bác, có má cháu lên.
- Ai ? Mầy làm ơn nói cho to to một chút.
- Tui, má thằng Phiên đây chị. Lên thăm anh chị, luôn thể thăm cháu.
Chị Quất ngước nhìn, hình như cơn giận khi nãy vẫn chưa dứt. Mặt chị không vui,
nhưng chị vẫn đứng dậy đon đả :
- Ủa, chị Tư lên khi nào vậy ? Vợ chồng tui có nhận được thơ của chị luôn. Mời chị
lên nhà trên uống nước.
Phiên rót hai tách nước bưng lên cho mẹ. Bà Tư kéo Phiên lại gần ve vuốt :
- Cháu nó học hành được là cũng nhờ hai anh chị. Tui mang ơn lắm. Nếu không có
ông Cả giúp đỡ và có hai anh chị đây thì cháu Phiên chưa chắc được tiếp tục học hành.
Chị Quất đãi đưa :
- Chị Tư nói vậy chớ bà con quen biết nhau lâu rồi, giúp đỡ nhau không sao. Tui thì
nói thiệt chớ ăn ở làm sao có tình có nghĩa mới là ăn ở.
- Thì tui cũng nghĩ vậy. Từ khi ba nó chết đi tới bây giờ, tui vẫn mong làm sao cho
nó học hành được tới nơi tới chốn. Có công ăn việc làm chứ không phải chăn trâu cuốc cỏ cả ngày lam lũ thì đến đâu mới mở mặt với người ta.
Chị Quất chấm dứt câu chuyện bằng cách hối thúc bà Tư đi ngủ sớm vì mệt nhọc. Bà
Tư qua quít hỏi thăm thêm vài câu về nhà cửa, sức khỏe rồi cũng cáo lỗi đi ngủ cho đỡ mệt. Phiên bám theo mẹ từng bước. Chị Quất chỉ cho mẹ Phiên chỗ ngủ.
- Chị nằm giường lớn kia với thằng Phiên. Còn mấy đứa nhỏ treo màn ở nhà ngoài
cũng được.
- Dạ, chị cứ để tui tự nhiên.
Chị Quất lui ra nhà ngoài gọi với mấy đứa nhỏ dọn lại bàn ghế để mùng ngủ. Bà Tư
chợt nhớ hỏi Phiên :
- Ủa, mà anh Quất không biết ở đâu rồi hả. Anh đi làm đêm chắc ?
- Dạ không, bác Quất đi chơi đó mẹ ạ.
- Chơi gì mà khuya vẫn còn chơi.
Phiên nói nhỏ :
- Hình như hai ông bà giận nhau đó mẹ ạ.
Bà Tư « à » một tiếng ngạc nhiên nhưng không nói thêm gì. Bà bảo Phiên xách cái giỏ
đến lựa ra một chục xoài và một ít bánh ú. Phiên biết ý chạy đi lấy cái mâm nhỏ. Bà Tư xếp mọi thứ vào mâm rồi bảo Phiên bưng ra theo bà. Chị Quất đã nằm trên giường, gác tay ngang trán.
- Tui có chút ít đem biếu anh chị đây. Cây nhà của vườn cả.
Chị Quất ngồi nhỏm dậy. Chị bối rối nửa muốn nhận, nửa muốn không :
- Trời, chị bày đặt quá. Vợ chồng tui không dám nhận đâu.
Bà Tư mỉm cười quay sang đón lấy mâm trái cây trên tay Phiên đặt lên bàn giữa nhà.
- Để đây rồi sáng mai hãy cất, đồ nầy nên để chỗ thoáng hơi cho nó khỏi thúi.
- Cám ơn chị Tư.
Chị Quất ngượng nghịu. Chị định kể lại việc làm của Phiên cho đỡ tức. Ít ra chị cũng
mắng vốn được bà Tư để bù lại cơn giận dữ hồi chiều. Bao nhiêu tội lỗi chị đổ dồn lên Phiên. Trước khi có Phiên, gia đình chị có bao giờ cơm không lành canh không ngọt nầy đâu. Thật tức quá. Nhưng bây giờ cơn tức của chị không có ngõ thoát. Mâm quà biếu xén của bà Tư đã chận ngang lời chị nói. Thôi thì vuốt bụng làm thinh, chẳng lẽ người ta cho đồ mình mà mình lại nói kháy họ sao. Chị tự nhủ thầm : bao nhiêu lỗi là do Phiên cứng đầu, dại dột chứ không mắc mớ gì bà Tư cả. Chị sẽ không nói gì với bà để giữ vẻ « cao thượng ». Nếu sau nầy còn những chuyện ấy xảy ra nữa, chị sẽ nói cũng không muộn.
- À, mà anh nhà đi đâu giờ nầy chưa về hả chị ?
Cơn tức chồng ùn ùn nổi lên, chị Quất kể lể gãy gọn :
- Chồng với con thêm mệt chị Tư ơi ! Sống không như chị thế mà sướng. Đó chị
nghĩ coi, giận vợ, đánh con rồi bỏ nhà đi biền biệt, tui chán hết sức lận đó.
Bà Tư an ủi :
- Thôi, « Chồng giận thì vợ làm lành, mỉm cười han hỏi rằng anh giận gì ? »
Trông về quê mẹ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4 (Hết)