watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Không hề đơn giản - tác giả Kim Lê Kim Lê

Không hề đơn giản

Tác giả: Kim Lê

Trần phẩy nét cọ lên khuôn mặt thiếu nữ trong bức tranh, xong y lùi lại ngắm. Vẫn có cái gì đấy chưa ổn. Y quẳng cọ ngồi phệt xuống nền nhà, nheo nheo mắt nhìn bức tranh. Dáng ngồi được rồi, chân co chân duỗi tạo nên một tư thế nửa kín nửa hở. Cánh tay nuột dài để hờ hững lên bắp đùi căng tròn. Khuôn mặt nghiêng nghiêng hơi cúi xuống nhìn lọ hoa hồng . Bông hoa hơi úa, rụng mấy cánh đỏ tái trên bìa cuốn Kiều vàng sậm. Đằng sau là tấm màn voan mỏng phất phơ trên nền trời nhạt. Bố cục đẹp, màu sắc hài hoà, riêng khuôn mặt thiếu nữ vẫn chưa ổn, ngây ngây dại dại, đờ đẫn vô hồn.


Y châm tiếp điếu thuốc, khép hờ mắt, hình dung ra các cô gái mà y thường gặp. Có cô đẹp lộng lẫy, lộng lẫy đến sắc sảo không giấu nổi nét tinh quái ẩn sau đôi mắt. Có cô đẹp hiền dịu, hiền dịu đến thái quá, phủ lên một cái gì đấy của sự cam chịu. Có cô đẹp kiêu sa đài các, cái đài các quý phái bị vênh lên bởi lòng khinh thị…


Trần bập một hơi thuốc. Y mơ màng nhìn làn khói bảng lảng như giễu cợt cái bất lực của y. Có tiếng ho khan của vợ y đang chùm chăn ngủ. Trần đứng dậy mở hé cửa sổ. Một luồng gió lạnh khiến y khẽ rùng mình. Quán karaoke bên đường văng vẳng “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi”.


* * *



Trần là một hoạ sĩ tự do. Danh từ “hoạ sĩ” là do y tự phong.Trước đây y làm nghề kẻ biển quảng cáo. Chán nghề kẻ biển, y chuyển sang vẽ truyền thần. Thời ấy, nghề truyền thần đang thịnh. Trần đã sống bằng nghề đó ngót hai mươi năm. Sau này, ảnh kỹ thuật số phát triển, khiến nghề truyền thần lụi dần. Nghề vẽ truyền thần như một võ sĩ hạng gà, so găng với gã khổng lồ “com pu tơ” cho nốc ao ngay từ hiệp một. Y như một thứ hàng lỗi mốt bị ném vào một xó.


Trần học hành dang dở, “đèn chả ra đèn, giăng chả ra giăng”. Nghề ngỗng không biết gì khác ngoài việc vẽ vời. Kinh doanh buôn bán thì y không có duyên. Vợ y đã phải nghỉ cơ quan để “về một cục”, mở quán tạp hoá nhỏ sinh sống.


Y thành ra người thừa. Lao động lam lũ không hợp với tạng người lẻo khẻo của y. Và y cũng không muốn. Tính sĩ diện vì cụ tổ y từng là cụ Quản, chỉ huy đội voi của triều đình. Đến ông nội y cũng đỗ tiến sĩ, từ quan về làm ông đồ gõ đầu trẻ. Đến đời bố y, nửa Tây nửa Tàu, tuy không nối được nghiệp nhà nhưng vẫn là viên chức sở đạc điền. Hồi trước, gia đình y thuộc hàng khá giả. Bà mẹ buôn tài bán đảm, bố y nhẩn nha tom chát cô đầu, tổ tôm chắn cạ. Có lần, ông xách cả ca táp tiền, mua vé máy bay khứ hồi (nhỡ có cháy túi thì còn đường về với vợ con) vào Casino Sài Gòn chơi.


Mẹ y từng kể. “Nếu bố mày không phá thì tao có thể mua mấy dãy nhà Hà Nội”. Như thế, dòng họ y “phú quý giật lùi” rồi còn gì!


Bây giờ y thất nghiệp nằm nhà vợ nuôi. Hay là trở lại nghề kẻ biển quảng cáo? Bây giờ ai người ta kẻ vẽ nữa, toàn cắt chữ và vẽ trên máy vi tính. Vi tính thì y i tờ mít ! Vả lại, tiền đâu mà đầu tư máy móc? Tí vốn còm của vợ y, chỉ xoay quanh mấy thứ tạp phẩm mà vẫn còn thiếu. Thời buổi “nhà nhà đục tường (để mở cửa hàng), người người xuống đường” Thế này mà y chịu chết! Y đâu có bất tài !? “Cầm, kỳ, thi, hoạ” y biết cả. Thời trước, các đám cưới thường chơi nhạc sống, y giữ một chân ghi ta trong ban nhạc xập xình. Y từng làm “phó nháy” chụp ảnh đám cưới, đám ma. Y từng vẽ tranh “Bờ Hồ”, vẽ cuốn thư bán trong dịp Tết. Y từng có thơ đăng báo. Y từng...! Y từng..!
Thế mà bây giờ y chịu chết..?


Mấy tay bạn y, chơi với nhau từ thời cởi truồng dạo này cũng ít lai vãng. Ở đời, phù Thịnh mấy ai phù Suy! Nằm bẹp mãi ở nhà cũng chán, Trần lang thang ra phố. Y cảm thấy lạc lõng cô đơn giữa đám đông người. Y cứ đi… Đi mà không ý thức được mình đi đâu. Bước chân vô định đưa y ngang qua một phòng triển lãm. Y rẽ vào. Thế giới của màu sắc và hình thể. Những bức vẽ nguệch ngoạc theo phong cách trừu tượng, những mảng màu rối rắm theo trường phái ấn tượng, những bức chân dung vẹo vọ không hề giống ai…Thế mà tác giả cũng đề giá vài trăm Đô, thậm chí cả ngàn Đô. Vẽ thế này thì y nhắm mắt cũng vẽ được! Khả năng của y có thể vẽ hơn thế! Và trong đầu y chợt nảy ra một ý tưởng. Sẽ kiếm sống bằng nghề vẽ tranh.


Trần về nhà nói ý định của mình với vợ. Vợ y gạt phắt:
- Thôi, tôi xin ông! Ông cứ ra đầu ngõ chạy xe ôm, ngày cũng được dăm chục!
- Vớ vẩn. Nhà này từ xưa đến nay chỉ làm thày, không ai làm tớ thiên hạ, nhớ !
- Đói dài họng còn sĩ!
Y cố nuốt cục tức vào trong, hạ giọng:
- Chúng nó vẽ như đồ trẻ con, bán mỗi bức một, hai trăm Đô. Tôi còn vẽ hơn thế! Chả nhẽ bó tay à?
Vợ y trùng xuống, giọng hoài nghi:
- Thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào. Liệu có bán được không…?
- Không bán được ,tôi đi đầu xuống đất!
Vợ y cũng xuôi xuôi. Thôi mặc xác cho hắn làm, biết đâu ông giời mở cửa cho thì mình cũng mát mặt. Thị mở hầu bao, chi ra ít vốn để chồng bắt đầu “sự nghiệp”.
Từ đó, Trần đóng cửa ở trên gác, cần mẫn với công việc của mình. Yvẽ đủ các thể loại: Tĩnh vật, phong cảnh, chân dung… Đủ các trường phái: Hiện thực, siêu thực, trừu tượng, ấn tượng…Có những bức y nhắm mắt vãi màu lên toan rồi bôi bôi quyệt quyệt, tạo ra những hoà sắc hoàn toàn ngẫu hứng. Có những bức y chép theo ảnh của những tạp chí “Người đẹp”.
Y lấy làm tâm đắc lắm.
Y mời mấy tay bạn đến để bình phẩm. Sau khi đã tây tây vài chén, Phú “lùn” bảo:
- Ông vẽ giỏi lắm! Cứ y như thật.
Vinh “béo” gật gù:
- Đúng là tinh hoa phát lộ!
Hùng “Tây” hào sảng:
- Gô Ganh, Van Gốc đến thế là cùng!
Y thấy lâng lâng như người mất trọng lượng. Chà…chà..! Những lời nhận xét mới chí tình làm sao…


Thế mà giờ đây, tài năng của y bị chững lại trước bức tranh thiếu nữ khoả thân. Dáng người tuyệt vời! Bộ ngực hoàn mỹ trên cả tuyệt vời! Cặp đùi dài thon không chê vào đâu được. Chỉ còn khuôn mặt là chưa ổn. Y khẽ thở dài. Trên giường, vợ y chùm chăn ngủ, thị thở khò khè vì chứng viêm xoang mãn tính. Chiếc đồng hồ quả lắc bính boong điểm hai tiếng. Y vươn vai ngáp , xong sà xuống đống tạp chí lục tìm. Những khuôn mặt vô hồn như manơcanh, những cặp mắt lờ đờ hoang dại, những cái mồm toe toét vô duyên. Y hờ hững lật từng trang ấn phẩm “Người mẫu”. Bỗng mắt y sáng lên. Một khuôn mặt hiền dịu hơi cúi xuống, sự hiền dịu đến bâng khuâng một nỗi buồn nao lòng. Đúng ý đồ của y. Trần vội vàng đến bên giá vẽ, sửa lại khuôn mặt thiếu nữ giống hệt cô gái trong ấn phẩm.
Hoàn tất công việc thì cũng tang tảng sáng. Y hí hoáy ký tên mình dưới góc phải bức tranh. Bức tranh có tựa đề là “nude”.

* * *

Công việc cuối cùng là công bố tác phẩm, hay nói một cách trần tục là kiếm một chỗ bày tranh để bán. Các mối quan hệ được huy động. Vinh “béo” có ông anh cọc chèo làm sếp ở một phòng triển lãm, đồng ý cho y bày năm bức.


Y chọn ra năm bức ưng ý nhất: Một bức phố cổ bằng sơn dầu, hai bức bột màu vẽ tĩnh vật, một bức thuốc nước cảnh Hồ Gươm chiều thu, cuối cùng là bức “nude” vẽ sơn dầu trên ván ép.


…Đến ngày thứ ba sau khi bày tranh, có hai thiếu nữ ăn mặc rất mốt bước vào phòng triển lãm. Họ lượn một vòng và dừng lại trước bức “nude”. Họ xì xào với nhau và khúch khích cười. Trần ngồi góc phòng giả vờ xem báo. Chẳng có gì đáng cười cả, vẻ đẹp nghệ thuật đâu phải tranh biếm hoạ mà cười! Hai thiếu nữ liếc nhìn y, rồi ríu nhau ra cửa còn khúc khích cười. Trần nhìn lại bức “nude”. Có gì đáng cười nhỉ? À phải rồi ! Bộ ngực và cặp đùi cô gái y tả quá phồn thực. Cái đẹp của tạo hoá đâu phải chỉ để cười!? Mà có cười cũng chẳng sao ! Làm cho mọi người đỡ già đi!


Hai ngày hôm sau. Một chiếc Taxi đỗ xịch trước cửa phòng tranh. Bước xuống là một thiếu nữ dáng dong dỏng, đội mũ rộng vành, đeo cặp kính dâm bự trảng. Cô bước vào phòng triển lãm nhìn quanh, rồi tiến đến bức “nude”. Cô ngó Trần đang ngồi uể oải đốt thuốc. Y đứng dậy đến bên cô gái nở nụ cười tiếp thị.
- Bức tranh này giá bao nhiêu , anh?- Cô gái chỉ vào bức “nude”, giọng lạnh lùng.
- Hai trăm Đô cô ạ!- Trần hí hửng.
Cô gái khẽ cắn môi, rồi quả quyết:
- Tôi mua bức này !
Trần lóng ngóng gỡ bức tranh xuống, lóng ngóng lấy giấy bọc lại, trao cho khách. Cô gái mở bóp lấy ra hai tờ 100 đô trả cho y, nét mặt không hề biểu lộ cảm xúc.



* * *

Tác phẩm đầu tiên bán được. Tiền cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là có người thích tác phẩm của mình. Một niềm sung sướng hân hoan không cần gì phải che dấu. Trần nghĩ đến viễn cảnh trước mắt, người y râm ran hệt lần đầu tiếp xúc với cơ thể phụ nữ. Như thế là y đã tìm ra chỗ đứng của mình, tự khẳng định mình. Y sẽ miệt mài vẽ nhiều hơn, y sẽ mở riêng một phòng triển lãm, y sẽ in danh thiếp, in vựng tập tranh của y bằng giấy màu khổ lớn, y sẽ tiếp thị không những ở trong nước mà còn quảng bá ra nước ngoài, tiếp cận với nền mỹ thuật thế giới. Y sẽ nổi tiếng. Ôi cái tên…cái tên! Trời đất đặt ra đâu phải để lu mờ dặt dẹo cùng năm tháng.


Trần treo tranh đầy phòng khách, cũng là một cách tiếp thị và khoe với thiên hạ tài năng của mình. Quán nước bà Sáu là trung tâm thông tin cả xóm. Tư “còm” làm nghề cắt tóc bảo : “Tay ấy vẽ giỏi lắm đấy, có bức tranh bán được hai trăm đô.” Bà Sáu xuýt xoa: “Cứ đà này nhà nó chẳng mấy chốc mà giàu !”. Ông Cương bán vé số tặc lưỡi: “Tranh ấy cho tôi cũng chẳng đắt, toàn vẽ nhăng quậy.” Tư “còm” ra điều hiểu biết: “ Tranh của nó toàn bán cho Tây đấy ông ạ, ngữ ông và tôi như nhìn bức vách, biết gì !”.


Qủa thực, có nhiều bức trừu tượng đến Trần cũng không hiểu mình vẽ cái gì. Lộn bức tranh xuống nhìn cũng được, quay dọc quay ngang nhìn cũng chẳng sao. Thôi thì cứ gắn đại cho nó cái tên “bố cục”. Nghệ thuật cao siêu là phải như thế ! Không hề giống ai!


Thằng con mười tuổi bảo: “Con chỉ thích bố vẽ miêng dưa hấu, trông ngon ngon là, cứ như ăn được!”. Trần rụt đầu lè lưỡi: “Ăn thua gì! Đấy là vẽ theo lối tả thực, tao sắp vẽ một bức siêu siêu thực, trông mới khủng khiếp !”


* * *


Trần ngồi trầm ngâm ở quán café . Hai trăm đô bán bức “nude” đã hết. Đúng là “ tiền vào nhà khó…”. Tranh thì chưa bán thêm được cái nào . Y đã mang gửi cả mấy Gallery trên phố. Tình hình vẫn im ắng, không có gì hứa hẹn sáng sủa hơn.


Vợ y đã bắt đầu sưng mặt, thị làu bàu: “Hay mang ra vỉa hè Bà Triệu bày bán, tôi thấy ở đấy người ta bán đầy.” Y sa sầm mặt . Dở hơi! Chẳng biết gì cả ! Y im lặng chẳng thèm giải thích . Như thế còn ra thể thống gì nữa ! Tranh nghệ thuật bày lẫn hàng chợ, toàn loại rẻ tiền ! Cái tên “Hoạ sĩ Trần” ngang bằng ném cho chó nó gặm!


Thôi thì cứ đợi xem. Biết đâu gặp một ông Tây, ông Tàu nào đấy nhận ra giá trị tác phẩm của mình. Nghĩ đến bức “nude” bán được, y lại tự an ủi. Dù sao cũng có người hâm mộ tài năng của y. Chắc bức đó được treo trang trọng ở phòng khách hoặc một nơi tương tự. Mọi người ngắm nhìn trầm trồ, rồi họ đọc tên tác giả ký dưới bức tranh. Cũng là để lại một cái tên cho người đời ngưỡng mộ.


Trần tạt vào hàng “quẩy nóng” . Chủ quán là một gã trung niên dáng người khắc khổ. Tiếng xèo xèo chảo mỡ, mùi thơm ngầy ngậy của quẩy như an ủi y. Trần chọn chỗ ngồi gần bếp cho ấm . Một chiếc bảng gỗ che trước bếp cho khỏi gió. Y nghiêng đầu ngó bên trong tấm bảng, tuy bị ố lem nhem và sạm đi bởi vệt dầu mỡ nhưng y vẫn nhận ra đó là một bức tranh. Đích thị một bức tranh ! Của quý thế này sao lại phí phạm thế !? “Anh cho xem nhờ tý”, y nói với tay chủ quán, xong nhấc tấm bảng lên. Một bức tranh sơn dầu. Y lấy giấy ăn lau vết bẩn trên mặt tranh. Hình cô gái bị bỏng rộp loang lổ, khuôn mặt bị vết sơn đen bôi quệt nhằng nhịt. Y run run lau sạch góc phải bức tranh, chữ ký của y hiện ra rõ mồn một. Y cảm thấy chơi vơi như người mất trọng lượng. Tiêng gã chủ quán phập phù bên tai “Cô người mẫu nhà bên ném ra xe rác, em nhặt về che bếp cho khỏi gió”



KIM LÊ

Các tác phẩm khác của Kim Lê

Chuyện đề đóm

Biết rồi ! Khổ lắm

Những lát cắt cuộc đời

Truyện Ngắn Mini Kim Lê

Mẹ kiếp! Buôn bán gì cho lại

Tri nhân - Tri diện - Bất tri tâm

Tiền Duyên

Quá Khứ Và Hiện Tại

Phú “ hin”

Những ông bạn vàng

Ngôn Ngữ Trái Tim

Nắng hoàng hôn

Mống Ba Tết vui vẻ

Lễ hóa vàng của nàng Apsara

Gục đầu xuống bàn và khóc

Đường ra thành phố

Chuyện vặt !