nghệ thuật nhìn thế giới
Tác giả: Konstantin Pautovsky
Hội họa dạy ta nhìn và nhìn thấy (đó là hai việc
khác nhau và họa hoằn mới trùng nhau). Nhờ
đó hội họa giữ được nguyên vẹn và sinh động
cái tình cảm chỉ trẻ em mới có.
ALEKSANĐR BLOK
Con người dừng lại, sửng sốt trước những vật
chẳng đóng vai trò nào trong đời sống của
con người: trước bóng phản chiếu không thể
nào lấy được, trước những tảng đá dựng đứng
mà tay người không thể nào gieo trồng được,
trước màu sắc kỳ lạ của bầu trời.
JOHN RUSKIN [1]
Có những chân lý không cần phải bàn cãi, nhưng chúng thường nằm yên vô ích, không giúp gì cho hoạt động của con người, chỉ vì chúng ta lười biếng và dốt nát.
Một trong những chân lý không cần phải bàn cãi ấy có liên quan đến nghề văn, đặc biệt đối với công việc của những người viết văn xuôi. Chân lý đó là sự hiểu biết những lĩnh vực nghệ thuật hàng xóm láng giềng của văn chương như thi ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc và âm nhạc, nó làm cho thế giới bên trong của người viết văn xuôi trở nên phong phú dị thường, và làm cho văn của người đó có sức biểu hiện đặc biệt. Văn được bồi bổ thêm ánh sáng và màu sắc của hội họa, cái tươi mát của những từ vốn thuộc thi ca, cái cân xứng của kiến trúc, sự rõ ràng, có khối hình của đường nét trong điêu khắc và nhịp điệu, tiết tấu và tính du dương của âm nhạc.
Đó là những cái làm giàu thêm cho văn xuôi, tựa như những màu sắc bổ sung cho nó.
Tôi không tin những nhà văn không yêu thi ca và hội họa. May thì họ còn là những người có trí óc lười nhác và kiêu ngạo, tệ hơn - họ là những kẻ ngu dốt.
Nhà văn không thể khinh miệt bất cứ một cái gì có thể mở rộng nhỡn quan của mình đối với thế giới. Tất nhiên, nếu nhà văn đó là thợ cả trong nghề mình chứ không phải một anh phó nhỏ, là người sáng tạo ra vật báu chứ không phải một kẻ tầm thường, kiên nhẫn gậm nhấm cái may mắn trong cuộc đời như nhai kẹo cao su Mỹ.
Thường khi đọc xong một truyện ngắn, một truyện dài hay một cuốn tiểu thuyết, trong trí nhớ của ta chẳng còn lại chút gì ngoài một đám hỗn độn những con người xám xịt. Anh có cố công gắng sức để nhìn thấy những con người đó thì rồi anh cũng sẽ chẳng thấy họ đâu, bởi vì tác giả đã không cung cấp cho họ lấy một nét sống nào.
Và cả cốt chuyện của những truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết ấy cũng diễn ra giữa một ngày lầy nhầy, không màu sắc, không ánh sáng nào đó, giữa những đồ vật tác giả có đặt tên, nhưng chính anh ta cũng không nhìn thấy, thành thử cũng không trình ra được cho người đọc chúng ta xem.
Mặc dầu đề tài thì hiện đại, những cuốn sách như thế vẫn phơi bày sự bất lực của chúng, những cuốn sách thường được viết ra với tinh thần sảng khoái giả tạo. Người ta định đánh lộn sòng nó với niềm vui, đặc biệt là niềm vui lao động.
Nguyên nhân của quang cảnh chán ngán đó không phải chỉ đơn thuần là sự nghèo cảm xúc và sự kém học thức của tác giả, mà còn do cái nhìn lờ đờ loài cá của anh ta.
Chúng ta muốn đập tan những truyện dài và những cuốn tiểu thuyết ấy như đập tan những cửa kính dán kín trong một căn phòng ngột ngạt và bụi bậm để những mảnh thủy tinh vỡ kia bay ra với một tiếng động ròn tan và ngay đấy, từ bên ngoài sẽ ùa vào phòng: gió, tiếng mưa rơi, tiếng trẻ con í ới, còi tàu thủy, ánh lấp loáng của con đường nhựa ướt - cả cuộc đời xông vào với cái hỗn độn, nếu như mới thoạt nhìn, và với cái sặc sỡ tuyệt đẹp của ánh sáng, màu sắc và tiếng động, của nó.
Ở nước ta có rất nhiều cuốn sách tưởng chừng do người mù viết. Sách ấy lại nhằm cho những người sáng đọc, và trong chuyện đó ta thấy tất cả sự lố bịch của việc xuất bản những cuốn sách như vậy.
Muốn nhìn cho rõ, không phải chỉ cần nhìn mọi phía. Phải học cách nhìn. Chỉ những ai yêu con người và đất đai mới có thể trông thấy được chúng. Sự nhàm chán và vô vị trong văn xuôi thường do hậu quả dòng máu lạnh của nhà văn, chỉ dấu đáng sợ của bệnh chết mòn trong anh ta. Nhưng đôi khi đó chỉ là cái vụng về, chứng tỏ một sự thiếu văn hóa. Như thế thì, như người ta thường nói, còn vớt vát được.
Các họa sĩ có thể dạy chúng ta cách nhìn và cách tiếp nhận ánh sáng, màu sắc. Họ nhìn giỏi hơn chúng ta. Và họ biết ghi nhớ những gì họ đã nhìn thấy.
Khi tôi còn là một nhà văn ít tuổi, một họa sĩ quen biết bảo tôi:
- Này, cậu, cậu nhìn còn chưa được rõ đâu. Cậu nhìn còn lờ mờ. Và thô kệch. Căn cứ vào những truyện ngắn của cậu thì cậu mới nhận được những màu chính, còn những độ chuyển tiếp và những tiểu dị thì lẫn vào nhau thành một cái gì đó đơn điệu.
- Biết làm thế nào được! Mắt tôi nó như vậy - tôi trả lời, tự bào chữa.
- Nói nhảm! Người ta có thể tạo ra được con mắt tốt. Đừng có lười, hãy rèn con mắt đi. Bắt nó vào khuôn vào phép. Cậu cứ thử bỏ ra một hoặc hai tháng để nhìn mọi vật với ý nghĩ là cậu bắt buộc phải vẽ những cái đó bằng màu. Trong xe điện, trong xe buýt, ở đâu cũng thế, cậu phải nhìn con người đúng theo cách ấy. Và chỉ qua vài ba ngày là cậu đã thấy rõ rằng trước kia trên mặt mọi người cậu chỉ nhìn không được lấy một phần mười những gì bây giờ cậu thấy. Còn qua hai tháng cậu sẽ học được cách nhìn và không cần phải ép buộc mình làm việc đó nữa.
Tôi nghe lời họa sĩ nọ và quả nhiên người và vật đúng là trở thành thú vị hơn nhiều so với khi tôi còn nhìn họ hấp tấp và lướt qua.
Và tôi tiếc vô cùng khoảng thời gian mà tôi đã ngu ngốc để mất. Tôi có thể nhìn thấy biết bao cái đẹp tuyệt vời trong những năm qua, nếu như tôi biết nhìn! Biết bao điều thú vị đã qua đi không trở lại và chẳng có tài nào làm cho chúng tái sinh.
Đó là bài học đầu tiên mà họa sĩ đã cho tôi. Bài thứ hai còn sáng rõ hơn.
Một lần vào mùa thu tôi từ Moskva đi Leningrađ nhưng không qua Kalinin và Bologoe mà đi từ ga Savyolovsky qua Kalyazin và Khvoynaya.
Nhiều người Moskva và Leningrađ cũng chẳng ngờ rằng có con đường ấy. Tuy nó có xa hơn thật, nhưng lại thú vị hơn con đường thông thường qua Bologoe. Thú vị hơn ở chỗ nó chạy qua những miền hoang vắng và nhiều rừng.
Bạn đường của tôi là một người nhỏ bé với đôi mắt ti hí nhưng rất hoạt. Ông vận bộ quần áo lụng thụng, mang theo một hòm lớn đựng sơn dầu và những cuộn vải gai. Trông ông, ai cũng biết ngay là một họa sĩ.
Chúng tôi nói chuyện. Ông bạn đường của tôi nói rằng ông đi đến vùng gần thị trấn Tikhvin, ở đó có một người bạn làm nghề kiểm lâm và ông sẽ ở vùng ông bạn trông coi để vẽ mùa thu.
- Sao mà ông lặn lội xa thế, mãi tận Tikhvin? - tôi hỏi.
Họa sĩ trả lời tin cậy:
- Ở đó tôi đã quan sát kỹ và chọn được một vùng. Vùng này đẹp tuyệt! Đố ông tìm được một vùng thứ hai như thế. Một khu rừng toàn liễu hoàn diệp. Đôi chỗ lác đác vài cây thông. Liễu hoàn diệp mặc cho mùa thu một bộ quần áo đặc biệt tao nhã, không có giống cây nào như thế. Lá liễu đủ màu. Đỏ thắm, vàng chanh, tím và cả đen lấm tấm vàng. Dưới ánh sáng mặt trời nó biến thành một đống lửa trại. Tôi làm việc ở đây cho đến mùa đông, còn đông rồi thì tôi sang bờ vịnh Phần Lan, quá Leningrađ. Ở đó, ông phải biết, băng bụi đẹp nhất nước Nga. Chưa nơi nào tôi được thấy thứ băng bụi như vậy.
Tôi nói, tất nhiên là nói đùa, rằng với những hiểu biết như vậy, ông bạn đường của tôi có thể viết một cuốn sách cẩm nang quý giá cho các họa sĩ, chỉ cho họ đi đâu, vẽ gì.
Họa sĩ nghiêm trang trả lời:
- Thế ông cho rằng không được sao? Viết cái đó không khó. Nhưng không cần. Mọi người sẽ bâu vào một chỗ trong khi hiện nay mỗi người đang tìm cái đẹp riêng biệt. Cái đó tốt hơn nhiều.
- Vì sao?
- Đất nước sẽ phơi ra muôn mặt hơn. Trên đất Nga có không biết bao nhiêu là cái đẹp đủ dùng cho tất cả các họa sĩ trong hàng nghìn năm. Nhưng ông ạ - ông nói với vẻ lo lắng - hình như con người bắt đầu dày xéo và làm kiệt quệ đất đai nhiều quá rồi đấy. Mà sắc đẹp của đất đai lại là một điều thiêng liêng, một điều vĩ đại trong đời sống xã hội chúng ta. Nó là một trong những mục đích cuối cùng của chúng ta. Không biết ông thế nào, chứ tôi thì tôi tin chắc như vậy. Không hiểu được điều đó không phải là một người cấp tiến.
Ban ngày tôi ngủ thiếp đi, nhưng ông bạn hàng xóm đã dựng tôi dậy.
- Xin ông đừng bực mình, - ông bối rối nói - nhưng ông dậy đi thì hơn. Một bức tranh kỳ diệu đang mở ra: cơn giông tháng chín. Ông trông kìa!
Tôi trông ra ngoài cửa sổ tàu. Ở phía Nam một đám mây đen nặng nề và cao, choán hết nửa bầu trời, đang nhô lên. Những ánh chớp co kéo, giật giật nó.
- Mẹ ơi! - ông họa sĩ kêu lên - Biết bao nhiêu là màu là sắc! Không thể nào vẽ nổi cái ánh sáng này, dù cho anh có là Levitan đi chăng nữa.
- Ánh sáng nào? - tôi cuống quýt hỏi.
- Trời ơi! - họa sĩ nói với vẻ tuyệt vọng - Ông nhìn đi đâu thế kia? Kia kìa, ông thấy không, ở đó rừng tối đen và yên lặng, đó là do bóng mây trùm lên nó. Còn kia, xa hơn một chút, trên rừng có những vết vàng bệch và hơi xanh lục: đó là tại ánh sáng mặt trời bị mây cản. Còn ở đàng xa thì rừng hoàn toàn phơi mình trong nắng. Ông thấy chưa? Cả khu rừng như đúc bằng vàng mười. Và trong suốt. Một loại tường bằng vàng có hoa văn. Hay là một chiếc khăn tay kéo dài suốt chân trời, chiếc khăn do những cô thợ thêu bậc thầy trong vùng Tikhvin của chúng tôi thêu ở các xưởng làm đồ kim tuyến. Bây giờ ông hãy trông gần đây, những dải thông kia kìa. Ông có thấy cái ánh đồng thau lấp lánh trên những lá nhọn không? Đó là do bức tường vàng của rừng mà có. Ánh sáng của bức tường vàng hắt lên những ngọn thông. Ánh phản chiếu. Vẽ nó rất khó. Dễ làm nó thô đi lắm. Còn kia, ông thấy không, kia chỉ có ánh sáng tỏa ra yếu ớt, tôi muốn nói ánh sáng chiếu xuống dịu dàng đến nỗi cần phải có một bàn tay thật bình tĩnh và trung thành mới truyền đạt nổi nó.
Họa sĩ nhìn tôi và cười.
- Ánh phản chiếu từ rừng thu hắt lại mạnh thực! Cả phòng ngủ trong toa bừng lên như trong buổi hoàng hôn. Nhất là trên mặt ông. Giá cứ vẽ ông như thế này mà hay! Tiếc thay, tất cả những cái đó chỉ thoáng qua trong chốc lát.
Tôi nói:
- Thì đó chính là việc của các họa sĩ: bắt những cái thoảng qua phải dừng lại trong nhiều thế kỷ.
Họa sĩ trả lời:
- Chúng tôi sẽ cố gắng. Nếu cái thoảng qua ấy không đến với chúng tôi quá đột ngột như lúc này. Nói cho đúng, họa sĩ không bao giờ được rời màu vẽ, vải gai và cây bút lông. Các ông, những nhà văn, các ông có nhiều thuận lợi hơn. Những màu sắc đó các ông mang trong trí nhớ. Trông kìa, sao mọi vật lại biến đổi nhanh chóng đến thế hở? Kìa, rừng lúc thì rực sáng, lúc lại chìm trong bóng tối.
Đàng trước đám mây đen của cơn giông là những dải mây trắng rách rưới đang chạy về phía chúng tôi. Sức chuyển động vùn vụt của chúng quả đang trộn lẫn mọi màu trên trái đất. Cái sự rối rắm của các màu: đỏ thẫm, vàng nguyên chất và vàng trắng, màu xanh lá mạ, tím và màu bóng tối xanh lam đã bắt đầu ở những cánh rừng xa.
Thỉnh thoảng một tia nắng xuyên qua mây đen rọi xuống từng vòm bạch dương làm chúng vụt sáng, cái nọ nối tiếp cái kia, như là những ngọn đuốc vàng, nhưng ngay đó chúng lại tắt ngấm. Gió trước cơn giông thổi mạnh từng đợt càng làm cho màu sắc hỗn độn thêm.
- Ôi, bầu trời mới đẹp làm sao! - họa sĩ kêu lên - Ông trông! Có còn màu gì mà nó chẳng tạo ra nữa kia chứ!
Vầng mây đen của cơn giông cuồn cuộn tỏa khói màu tro và nhanh chóng sà xuống mặt đất. Cả vầng mây là một màu đá đen đơn điệu. Nhưng mỗi tia chớp lóe sáng lại làm lộ ra những lốc xoáy màu vàng hãi hùng, những cái hốc xanh và những vết nứt rạn ngòng ngoèo được soi tỏ từ bên trong bởi một thứ lửa hồng đục.
Ánh lóe sắc của những tia chớp ở sâu trong ruột vầng mây đen đổi chỗ cho đám cháy màu lửa đồng. Ở gần mặt đất hơn, trong khoảng giữa mây đen và rừng cây, những dải mưa rào đã đổ xuống.
- Thế là hết! - họa sĩ xúc động kêu lên - Ta chẳng được thấy luôn cái cảnh quái quỷ này đâu!
Chúng tôi rời cửa sổ phòng ngủ để ra đứng bên cửa sổ toa. Những bức rèm cửa run lên bần bật trước gió càng làm cho ánh sáng thêm lấp loáng.
Mưa rào trút xuống. Người phụ trách toa hấp tấp hạ hết cửa xuống. Những sợi nước mưa xiên xiên chảy thành dòng trên mặt kính. Ánh sáng mất hẳn, chỉ ở đàng xa, xa lắm, mãi tận chân trời, qua bụi mưa, là còn một dải rừng mạ vàng cuối cùng cháy sáng.
Họa sĩ hỏi tôi:
- Ông còn nhớ được gì không?
- Đôi chút thôi.
- Tôi cũng thế, chỉ nhớ được đôi chút thôi - ông buồn rầu nói - Tạnh mưa, màu sắc sẽ đậm hơn. Ông biết không, nắng giỡn trên lá và thân cây. Nói chung, ông hãy để ý nhìn ánh sáng vào một ngày ảm đạm trước cơn mưa. Trước cơn mưa nó một khác, trong cơn mưa một khác, còn sau cơn mưa thì lại hoàn toàn khác. Bởi vì lá ướt làm cho không khí có một ánh lấp lánh yếu ớt. Cái ánh lấp lánh đó xám, mềm và ấm. Nói chung, nghiên cứu màu sắc và ánh sáng là một khoái lạc, ông bạn thân mến của tôi ạ. Tôi thề không đổi cái nghiệp họa sĩ của tôi lấy bất cứ một thứ gì khác.
Đêm, họa sĩ xuống ga xép. Tôi xuống sân ga chia tay với ông. Ngọn đèn lồng dầu hỏa tỏa sáng. Phía trước, đầu máy thở nặng nhọc.
Tôi ghen với ông bạn họa sĩ và bực mình vì công việc bắt tôi phải đi tiếp và không nán lại được lấy vài ngày ở phương Bắc. Ở đây mỗi cành thạch thảo cũng có thể gợi lên đủ ý cho vài bài thơ bằng văn xuôi.
Không thể hiểu được vì sao mà trong đời mình, cũng như trong đời bất cứ ai khác, tôi đã không tự cho phép tôi được sống theo tiếng gọi của trái tim mình, mà lại đi bận bịu liên miên với những công việc tưởng chừng không thể nào trì hoãn.
Đối với màu sắc và ánh sáng trong thiên nhiên chỉ quan sát chúng không thôi thì chưa đủ. Cần phải sống bằng chúng. Trong nghệ thuật, chất liệu dùng được chỉ có thể là chất liệu đã chiếm được chỗ trong tim.
Hội họa quan trọng đối với người viết văn xuôi không phải chỉ ở chỗ nó giúp nhà văn nhìn thấy và yêu mến màu sắc, ánh sáng. Hội họa còn quan trọng ở chỗ họa sĩ thường nhận thấy cái mà chúng ta không thấy. Chỉ sau khi xem xong tranh của người vẽ chúng ta mới bắt đầu nhận ra cái đó và ngạc nhiên không hiểu sao trước kia chúng ta lại không nhận ra.
Họa sĩ Pháp Monet đến London và vẽ tu viện Westminster. Monet vẽ trong một ngày sương mù bình thường ở London. Trong bức tranh của Monet những đường nét gô-tích của tu viện chỉ hơi mờ mờ chọc thủng màn sương. Bức tranh được vẽ một cách điêu luyện.
Khi tranh được trưng bày, nó làm cho dân London xôn xao. Người ta sửng sốt thấy sương mù trong tranh Monet được vẽ bằng màu đỏ thắm, trong khi ai cũng biết rằng sương mù có màu xám.
Sự ngang ngược của Monet lúc đầu làm người ta công phẫn. Nhưng những người công phẫn kia bước ra phố, nhìn kỹ sương mù và lần đầu tiên họ nhận thấy nó quả nó có màu đỏ thắm thực.
Lập tức người ta tìm cách giải thích điều đó. Rồi người ta đồng ý với nhau rằng sắc đỏ của sương mù phụ thuộc vào độ dày đặc của khói. Ngoài ra những ngôi nhà gạch đỏ ở London đã làm cho sương mù có màu như thế.
Dù sao mặc lòng, Monet đã thắng. Sau khi có bức tranh của ông, mọi người bắt đầu thấy sương mù London giống sương mù mà họa sĩ đã thấy. Đến nỗi người ta đặt biệt hiệu cho Monet là "người sáng tạo ra sương mù London".
Nếu nói đến những thí dụ trong đời tôi, thì lần đầu tiên tôi được thấy tất cả cái đa dạng về màu sắc trong một ngày mưa ở Nga là sau khi xem bức "Trên sự yên tĩnh đời đời" của Levitan.
Trước đó tôi thấy trời mưa chỉ có độc một màu đáng ngán. Cả cái buồn lúc trời mưa, theo tôi nghĩ hồi đó, là do mưa vùi dập mọi màu sắc và phủ vẩn đục lên mặt đất.
Nhưng Levitan lại nhìn thấy trong cái đáng ngán ấy một sắc thái cao cả, một sắc thái uy nghi nữa là khác. Và ông tìm thấy trong cái đáng ngán ấy rất nhiều màu trinh trắng. Từ đó trời mưa thôi không đè nặng lên tôi nữa. Ngược lại, tôi còn thích trời mưa vì cái không khí trong sạch của nó, vì cái lạnh, khi má ta nóng rực, vì mặt nước gợn lăn tăn màu thiếc trắng trên sông, vì sự chuyển động nặng nề của những đám mây. Và sau hết, tôi thích mưa còn vì khi mưa xuống mình mới biết quý những của cải bình dị trên thế gian: căn nhà gỗ ấm áp, ngọn lửa trong lò sưởi, tiếng ấm samovar reo, ổ rơm khô phủ vải gai trên sàn, tiếng mưa rơi trên mái đưa ta vào giấc ngủ và trạng thái giấc mơ màng êm ả. Hầu như mỗi nghệ sĩ, dù anh ta ở thời đại nào và thuộc trường phái nào, cũng đều mở ra cho ta thấy những nét mới của thực tại.
Tôi có cái may mắn được thăm nhà triển lãm hội họa Dresden vài lần. Ngoài "Đức Mẹ Sistin" của Raphael, ở đó còn có rất nhiều tranh của các bậc thầy cổ xưa, trước tranh của họ mà dừng lại thì thực nguy hiểm. Những bức tranh ấy không buông tha ta. Ta có thể nhìn chúng hàng giờ, có khi hàng ngày và nhìn chúng càng lâu thì nỗi xúc động khó hiểu trong tâm hồn ta càng lớn. Nỗi xúc động ấy dâng cao đến mức con người khó mà cầm được nước mắt.
Tại sao lại có những giọt nước mắt không rơi ấy? Vì rằng trong những bức tranh kia có cả cái toàn thiện, toàn mỹ của tinh thần và quyền lực của thiên tài, là cái buộc ta phải hướng về sự trong sạch, sức mạnh và cái cao thượng trong những nguyện vọng của mình.
Trong việc thưởng ngoạn cái tuyệt mỹ, xuất hiện nỗi lo lắng báo trước sự tẩy rửa nội tâm của chúng ta. Hình như tất cả cái mát mẻ của những cơn mưa, những làn gió, hơi thở của đất đai khai hoa, bầu trời nửa đêm và những giọt nước mắt chảy ra vì tình yêu đều nhập vào trái tim biết ơn của chúng ta và vĩnh viễn chiếm lĩnh nó.
Hình như những người theo chủ nghĩa ấn tượng làm cho ánh sáng mặt trời mạnh thêm. Họ vẽ ngoài trời và, đôi khi, có lẽ họ đã cố ý làm cho màu sắc đậm thêm. Cái đó làm đất đai trong những bức tranh của họ xuất hiện trong một ánh sáng hân hoan.
Đất đai trở thành đất đai ngày hội. Trong việc đó không có gì là tội lỗi, bởi vì không có tội lỗi trong tất cả những gì đem lại thêm cho con người dù chỉ là chút ít niềm vui.
Chủ nghĩa ấn tượng là của chúng ta, cũng như tất cả những di sản giàu có khác của quá khứ. Bỏ nó đi có nghĩa là ta tự đẩy ta đến chỗ hẹp hòi có ý thức. Chúng ta không hề vứt bỏ "Đức Mẹ Sistin" của Raphael mặc dầu bức tranh ấy đã được sáng tác theo đề tài tôn giáo. Chúng ta không ngu ngốc đến nỗi không còn biết đâu là ranh giới giữa thiên tài của hội họa với tôn giáo. Tôi không nghĩ rằng có thể có một người xô-viết nào đó vì ngợi khen "Đức Mẹ Sistin" mà bỗng chốc trở thành con chiên của đạo Chúa. Cái vô lý của ý nghĩ đó rất rõ. Tại sao chúng ta lại đi quan tâm nghiêm túc đến những ý nghĩ tức cười khi vấn đề động chạm đến những nhà ấn tượng chủ nghĩa. Picasso, người luôn nghĩ cách đổi mới, có gì nguy hiểm cho chúng ta? Và những nhà ấn tượng chủ nghĩa Matisse, Van Gogh hoặc Gauguin? Tiện đây cũng xin nói rằng Gauguin là người đã đứng vào cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân Pháp vì nền độc lập của nhân dân Tahiti.
Chuyện đó có gì xấu và nguy hiểm? Những bộ óc đố kỵ hoặc cơ hội nào dám nghĩ rằng cần phải sổ toẹt lớp họa sĩ xuất sắc và tài năng ra khỏi nền văn hóa của nhân loại và nền văn hóa của chúng ta nói riêng?
Sau cuộc gặp gỡ trên tàu với ông bạn họa sĩ, tôi tới Leningrađ. Trước mắt tôi lại mở ra cái quần thể trang trọng của những quảng trường và những tòa nhà cân đối trong thành phố.
Tôi ngắm nghía chúng rất lâu, cố tìm ra điều bí mật trong kiến trúc của chúng. Bí mật đó là ở chỗ những tòa nhà cho ta ấn tượng về cái hùng vĩ mà trong thực tế chúng lại chẳng lấy gì làm lớn cho lắm. Một trong những công trình tuyệt mỹ là nhà bộ Tổng tham mưu kéo một vòng cung đều đặn trước điện Mùa Đông chiều cao không quá một tòa nhà bốn tầng. Thế mà nó còn hùng vĩ hơn bất cứ tòa nhà chọc trời nào ở Moskva.
Lời giải câu đố rất đơn giản. Cái hùng vĩ của những tòa nhà sở dĩ mà có là do sự cân xứng, những tỷ lệ ăn nhịp với nhau và một số nhỏ vật trang hoàng: những viền cửa gỗ, những xoáy ốc trang trí và phù điêu.
Nếu ta nhìn kỹ những tòa nhà ấy, ta sẽ hiểu rằng óc thẩm mỹ tốt trước hết chính là ý thức chừng mực.
Tôi tin rằng những định luật trên về cái cân xứng giữa các phần, sự loại bỏ tất cả những cái thừa không cần thiết; một số ít vật trang hoàng, cái giản đơn, trong đó mỗi đường nét nổi lên rõ ràng và cho ta một khoái cảm - tất cả những cái đó có liên quan ít nhiều đến cả văn xuôi.
Nhà văn đã yêu cái toàn thiện toàn mỹ của những hình thức kiến trúc cổ điển không bao giờ để cho lối bố cục vụng về và nặng chịch có mặt trong văn mình. Nhà văn đó sẽ đạt tới sự cân xứng của các phần và sự nghiêm khắc của bức vẽ bằng lời. Nhà văn đó sẽ tránh sự thừa của những vật trang hoàng và loãng văn xuôi - tức là thứ bút pháp mà người ta gọi là bút pháp trang trí.
Bố cục của một tác phẩm văn xuôi phải đạt tới mức không thể bỏ đi hoặc thêm vào một chút gì mà không làm hỏng đi ý nghĩa của câu chuyện và dòng đi hợp quy luật của các sự kiện.
Bao giờ cũng vậy, tôi dùng hầu hết thời gian ở Leningrađ vào việc xem viện bảo tàng Nga và viện bảo tàng Ermitazh.
Bóng tối yếu ớt với ánh sáng mạ thẫm màu trong những gian trưng bày ở Ermitazh, đối với tôi thật là thiêng liêng. Tôi bước vào Ermitazh như bước vào kho thiên tài của nhân loại.
Trong viện bảo tàng Ermitazh, lần đầu tiên, khi còn là một thanh niên, tôi đã cảm thấy hạnh phúc làm người. Và hiểu rằng con người có thể trở nên vĩ đại và tốt đẹp.
Lúc đầu tôi cứ bị lạc giữa cái đám diễu hành lộng lẫy của các họa sĩ. Tôi chóng mặt vì màu sắc quá nhiều và dày đặc, và để nghỉ ngơi, tôi bỏ ra gian trưng bày tượng.
Tôi ngồi ở đó rất lâu. Và càng nhìn những bức tượng của những nhà nặn tượng vô danh Hy Lạp hoặc tượng những người đàn bà tủm tỉm cười của Canova tôi càng hiểu rõ thêm rằng tất cả những tác phẩm điêu khắc nọ chính là lời kêu gọi con người đi tới cái tuyệt mỹ và nó là điềm báo trước buổi bình minh trong sáng nhất của nhân loại. Lúc đó thi ca sẽ ngự trị trên những trái tim, và chế độ xã hội - chế độ mà chúng ta đang vượt qua những năm lao động, lo lắng và căng thẳng trong tâm hồn để đi tới - sẽ được xây dựng trên cái đẹp của chính nghĩa, cái đẹp của trí tuệ và trái tim, của những quan hệ giữa người với người và của thân thể con người.
Đường ta đi sẽ dẫn tới một thời đại hoàng kim. Thời đại đó sẽ đến. Tất nhiên, đáng giận là chúng ta không được sống đến ngày ấy. Nhưng chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc khi ngọn gió thời đại đó đã reo vang quanh ta và bắt tim ta đập mạnh thêm.
Chả thế mà Heine đã tới viện bảo tàng Le Louvre ngồi hàng giờ bên tượng thần Vệ nữ ở Milos mà khóc.
Ông khóc gì? Khóc cho cái toàn thiện toàn mỹ của con người bị nhục mạ. Khóc vì con đường đi tới cái toàn thiện toàn mỹ ấy thật là cực nhọc và xa lắc đối với cả ông, với Heine, người đã hiến cho mọi người chất độc và ánh sáng của trí óc mình, người đã không thể đi tới - tất nhiên - miền đất hứa mà trái tim sôi nổi suốt đời vẫy gọi ông tới đó.
Sức mạnh của nghệ thuật điêu khắc là ở chỗ đó, cái sức mạnh mà nếu thiếu hơi ấm bên trong của nó thì không thể có nghệ thuật tiên tiến, nhất là nghệ thuật của đất nước chúng ta. Cũng như vậy, không thể có một nền văn xuôi vững chắc.
Trước khi nói đến ảnh hưởng của thi ca đối với văn xuôi, tôi muốn nói vài lời về âm nhạc, hơn nữa âm nhạc và thi ca thường gắn kết chặt chẽ với nhau.
Đề tài cuộc nói chuyện ngắn ngủi về âm nhạc buộc phải giới hạn trong cái mà chúng ta gọi là tiết tấu và nhạc tính của văn xuôi.
Trong văn xuôi chân chính bao giờ cũng có tiết tấu của nó.
Trước hết tiết tấu của văn xuôi đòi hỏi sự sắp đặt các từ sao cho người đọc có thể tiếp nhận câu văn nhẹ nhàng, không căng thẳng, tiếp nhận được ngay tức khắc. Chekhov đã nói về điều đó khi viết thư cho Gorky "Văn phải được xếp gọn (vào trong ý thức người đọc) ngay lập tức, trong một giây".
Không thể để cho người đọc phải ngừng lại trên tác phẩm để khôi phục sự chuyển động của các từ, sự chuyển động thích ứng với tính chất đoạn này hay đoạn khác trong văn.
Nói chung nhà văn cần phải giữ người đọc trong tình trạng chú ý không rời, dẫn người đọc theo mình và không được để trong văn bài của mình còn có những chỗ tối nghĩa và lủng củng làm cho người đọc vì vấp phải những chỗ đó mà vượt ra ngoài quyền lực của nhà văn.
Nhiệm vụ của nhà văn và tác dụng của văn xuôi là ở chỗ giữ được người đọc trong tình trạng chú ý không rời ấy, lôi cuốn người đọc, sao cho người đọc cảm nghĩ giống nhà văn, cùng với nhà văn.
Tôi nghĩ rằng không bao giờ tiết tấu của văn xuôi lại có thể đạt được bằng con đường nhân tạo. Tiết tấu của văn xuôi phụ thuộc vào tài năng, vào cảm năng ngôn ngữ, vào "thính giác tốt của nhà văn". Cái thính giác tốt ấy trong một mức độ nào đó là cái rất gần với tai nhạc.
Nhưng cái làm cho ngôn ngữ của người viết văn xuôi phong phú nhiều hơn hết là sự hiểu biết thi ca.
Thi ca có một đặc tính kỳ lạ. Nó trả lại cho chữ cái tươi mát trinh bạch ban đầu. Những từ tơi tả nhất mà chúng ta đã "nói cạn" đến cùng đã mất sạch tính hình tượng đối với ta, chi còn lại một cái vỏ, những từ ấy trong thi ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương!
Giải thích cái đó ra sao, tôi không biết. Tôi cho rằng từ tái sinh trong hai trường hợp.
Một là, khi nào người ta trả lại cho nó sức mạnh ngữ âm (âm thanh). Mà làm việc đó trong thi ca thì dễ hơn trong văn xuôi nhiều. Vì thế trong bài hát và trong tình ca các từ tác động đến chúng ta mạnh hơn trong lời nói thường.
Hai là, cả đến những từ đã tơi tả, nếu được đặt vào đội ngũ âm nhạc êm ái trong một bài thơ thì hình như nó được no nê âm điệu du dương của câu thơ và bắt đầu vang vang trong sự hài hòa cùng với những từ khác.
Và cuối cùng là thi ca phong phú phép điệp vận. Đó là một trong những tính chất quý báu của nó. Văn xuôi cũng được quyền có điệp vận.
Nhưng cái chính không phải ở chỗ đó.
Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đạt tới mức toàn thiện toàn mỹ thì về bản chất nó đã là thơ đích thực rồi.
Chekhov cho rằng truyện "Taman" của Lermontov và "Con gái viên đại úy" của Pushkin chứng minh mối liên lạc máu mủ giữa văn xuôi với thơ Nga đầy nhựa sống.
Prishvin đã có lần viết về mình (trong một bức thư riêng) rằng ông là "nhà thơ bị đóng đanh trên cây thập tự của văn xuôi".
Lev Tolstoy viết: "Tôi không bao giờ hiểu đâu là ranh giới giữa văn và thơ". Ông đặt ra câu hỏi sau với sự nóng nảy hiếm có ở ông trong "Nhật Ký Tuổi Xuân".
"Vì sao thơ và văn, hạnh phúc và khổ đau, lại gắn bó chặt chẽ với nhau đến thế? Phải sống như thế nào đây? Cố gắng để bất thần gắn thơ và văn lại với nhau hay là thích thú cái này, bỏ mặc cái kia?. Trong ước mơ, có mặt cao hơn thực tại. Trong thực tại, có mặt cao hơn ước mơ. Hạnh phúc đầy đủ là sự nối liền hai cái lại với nhau".
Trong lời nói đó của Tolstoy, mặc dầu được phát biểu một cách hấp tấp, đã thể hiện một ý nghĩ đúng đắn: hiện tượng cao hơn hết, có sức thuyết phục hơn hết, hạnh phúc chân chính chỉ có thể là sự hòa hợp hữu cơ giữa thơ và văn, hay nói một cách chính xác hơn, là văn tràn đầy nội dung thơ, nhựa sống dồi dào của thơ, cái không khí trong sáng nhất, cái quyền lực bắt người ta say mê của nó.
Trong trường hợp này tôi không ngại dùng chữ "làm người ta say mê" (nói cách khác - "bắt làm nô lệ"). Bởi vì thơ bắt làm nô lệ, làm cho mê mẩn và bằng một cách kín đáo, nhưng với sức mạnh không gì sánh nổi thơ nâng cao con người, đưa nó tới gần trạng thái khi con người thực sự trở thành vật tô điểm cho trái đất. Hoặc nói một cách hồn nhiên nhưng chân thành như tổ tiên chúng ta, thành "chiếc mũ triều thiên của sự sáng tạo".
Vlađimir Ođoevsky có phần đúng khi nói rằng "thi ca là điềm báo trước một thực trạng khi nhân loại thôi không đạt tới nữa và bắt đầu sử dụng cái đã đạt được".
Chú thích:
[1] John Ruskin (1819-1900), nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật, nhà xã hội học Anh. .