trên ca-bin xe tải
Tác giả: Konstantin Pautovsky
Tháng bảy năm 1941, tôi rời tỉnh Rưbnitza na Đnestro đi Tiraspol trên một xe tải quân sự. Tôi ngồi trong ca-bin, bên cạnh người lái xe im lặng.
Bụi nâu xám cháy bỏng dưới ánh nắng cuộn lên từng vồng dưới bánh xe. Bụi nham nháp phủ kín mọi vật chung quanh: những ngôi nhà gỗ, những cây hướng dương, những cây keo và cỏ khô.
Mặt trời bốc khói trên nền trời bạc phếch. Nước trong bi-đông nóng rẫy và có mùi cao su. Súng lớn gầm thét bên kia sông Đnestro.
Trên thùng xe, có mấy viên trung úy trẻ. Thỉnh thoảng họ lại đấm thình thình vào nắp ca-bin và kêu lên "Máy bay!". Anh tài hãm xe lại, chúng tôi nhảy xuống, chạy ra khỏi đường cái và nằm rạp xuống. Ngay lập tức, những chiếc máy bay đen chũi kiểu "Messer" rú lên, khoái trá độc ác, lao xuống đường.
Đôi khi máy bay địch nhìn thấy chúng tôi và chúng xả liên thanh. May, không ai việc gì. Đạn cày lên từng cột bụi. Khi lũ "Messer" đi rồi, chỉ còn cảm thấy cái nóng trong toàn thân vì đất cháy bỏng, đầu ù, miệng khát.
Sau một trận oanh kích của máy bay địch, anh tài bất thình lình hỏi tôi:
- Đồng chí nghĩ gì khi nằm dưới làn đạn? Đồng chí có nghĩ về quá khứ không?
- Có chứ, tôi trả lời.
- Tôi cũng nghĩ về quá khứ - anh tài nói sau một lát im lặng - Tôi nhớ đến những khu rừng Kostroma quê tôi. Nếu còn sống, tôi sẽ trở về đấy và xin làm chân kiểm lâm. Tôi sẽ đưa vợ tôi - cô ấy đẹp và hiền lắm - và con gái theo. Chúng tôi sẽ ở trong một trạm gác rừng. Nói không biết đồng chí có tin không, chứ mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy là tim tôi lại đập thình thình. Mà cánh lái xe chúng tôi thì không được phép đánh trống ngực như thế.
- Tôi cũng vậy. - tôi đáp - Tôi cũng nhớ những khu rừng quê tôi.
Anh tài hỏi:
- Rừng ở quê đồng chí đẹp không?
- Đẹp!
Anh tài kéo cái mũ cát-két sụp xuống trán và nhấn ga. Chúng tôi không nói thêm gì nữa.
Thực vậy, tôi chưa bao giờ nhớ những miền quê yêu dấu của tôi da diết bằng trong thời gian chiến tranh. Tôi thường bắt gặp tôi nôn nóng chờ đợi cái đêm tôi sẽ được nằm trên xe tải ở một nơi nào đó, trong thung lũng trên thảo nguyên khô ráo, lấy tấm áo choàng lính phủ kín người để trở về trong tưởng tượng những miền thân yêu ấy, để được nhàn tản thở hít cái không khí đượm mùi tùng bách. Tôi tự nhủ "Hôm nay ta sẽ ra Hồ Đen, còn ngày mai, nếu còn sống, ta sẽ ra bờ sông Pra, hoặc đến làng Trebutino". Và lòng tôi thắt lại mỗi lần cảm trước thấy những chuyến đi trong tưởng tượng như vậy.
Có lần tôi đã nằm đắp áo ca-pốt và tưởng tượng ra hết sức tỉ mỉ con đường đi đến Hồ Đen. Dường như trong cuộc đời không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được nhìn thấy, được đi trên mảnh đất thân yêu ấy một lần nữa, sau khi đã quên hết những ưu tư, sầu não, và được nghe tiếng con tim đập nhẹ nhàng trong ngực.
Trong những ước mơ trên ca-bin xe tải ấy bao giờ tôi cũng ra khỏi làng vào lúc sáng sớm rồi lần theo con đường cát đi ngang những mái tranh tàn tạ. Trên bậc cửa sổ các nhà, hoa bóng nước nở trong những hộp sắt tây. Ở miền tôi, người ta gọi hoa bóng nước là "Vanya ướt át". Người ta gọi thế chắc là do ánh nắng chiếu xuyên qua thân bóng nước mập mạp và trong suốt mà ta có thể nhìn thấy cả nhựa cây màu lục và trong nhựa cây đôi khi còn trông rõ những bọt khí.
Đến bên giếng nước, nơi các cô gái liến láu vận áo vải hoa, đi chân trần đụng gầu chan chát suốt ngày, tôi sẽ rẽ vào một ngõ. Trong ngôi nhà cuối ngõ có một con gà trống đẹp mã nổi tiếng khắp vùng. Nó thường đứng co một chân lên giữa trời nắng chang chang, lông sáng rực lên như một đống than hồng.
Nhà cửa đến ngôi nhà gỗ có con gà trống là hết. Bắt đầu một dải đường sắt hẹp trông như đồ chơi trẻ con kéo thành một vòng cung đều đặn, chạy tuốt về những khu rừng xa. Lạ một cái là ở hai bên đường sắt có những bông hoa chẳng giống gì hoa ở gần đấy. Không nơi nào nhiều diếp dại mọc từng bụi bằng ở bên những thanh ray bỏng rẫy dưới nắng.
Bên kia con đường sắt hẹp là một rừng thông mới gây. Khu rừng làm thành một bức rào chắn ngang không qua không lại được. Nói là không qua không lại được là nhìn từ đàng xa kia. Chứ anh vẫn có thể luồn qua, nhưng tất nhiên, những cây thông non nhọn hoắt sẽ chọc vào người anh và để lại trên tay anh những vết nhựa dính bết.
Một thứ cỏ cao và khô xác mọc giữa những cây thông non, trên cát. Lá cỏ ở giữa thì bạc phếch mà ngoài rìa lại có màu lục thẫm. Cỏ sắc, chạm vào là đứt tay. Ngay đấy có rất nhiều cúc trường sinh màu vàng, có vẩy, khô rang, và những bông cẩm chướng nức hương với những cánh tả tơi lốm đốm hồng.
Còn ở dưới những gốc thông nấm mới mọc đầy. Chân nấm bám đầy cát sạch màu xám. Sau rừng thông, là một rừng tùng bách sừng sững. Một con đường cỏ mọc chạy ven rừng.
Sau cái ngột ngạt của rừng non mà được nằm nghỉ một lát ngay dưới cây thông đầu tiên cành lá lòa xòa thì thật là dễ chịu. Ta nằm ngửa, cảm thấy đất mát rượi dưới lần áo mỏng và nhìn lên trời. Rồi có thể, ta sẽ thiếp đi cũng nên vì những đ ám mây trắng với những đường viền sáng chói làm ta buồn ngủ.
Có một từ Nga rất hay: "istoma" (mệt thừ). Gần đây chúng ta quên hẳn nó và không hiểu sao, thậm chí ngại dùng nó. Không có từ nào hay hơn nó để xác định được trạng thái tĩnh lặng và hơi buồn ngủ, cái trạng thái xâm chiếm anh khi anh nằm trong cánh rừng ấm vào buổi sáng mà nhìn lên những chuỗi mây vô tận. Mây ra đời ở một nơi nào trong khoảng xa xăm mờ xanh và không ngừng trôi đi đâu không rõ.
Nằm ở cửa rừng tôi thường nhớ đến những vần thơ của Bryusov:
Hãy làm người tự do, hãy làm người cô độc
Nơi trang nghiêm, nơi đồng nội mênh mông.
Ta đi đường ta, đường tự do, đường rộng
Tương lai chẳng màng, mà quá khứ cũng không
Ta hái hoa chơi, mấy nhành anh túc
Uống ánh dương kia như uống tình đầu
Ta ngã xuống, chết chìm trong bóng tối
Rồi lại tái sinh, không niềm vui cay đắng...
Trong những vần thơ ấy, mặc dầu tác giả có nói đến cái chết, nhưng lại có cả cái viên mãn của cuộc sống làm cho ta chẳng muốn gì khác ngoài việc cứ nằm như thế này hàng giờ mà nhìn lên trời, suy nghĩ.
Con đường cỏ mọc chạy qua một rừng thông già. Cánh rừng này trải trên những đồi cát nhấp nhô, nhịp nhàng như những đợt sóng lớn ngoài biển. Những đồi ấy là dấu vết của những trận băng từ miền cao tràn xuống. Hoa chuông nở rất nhiều trên đỉnh đồi, còn ở phía dưới, mọc dày đặc một giống dương sỉ. Mặt trái lá dương sỉ phủ đầy bào tử trông giống như những hạt bụi đỏ nhạt.
Rừng thông trên những ngọn đồi đều sáng. Đứng trong đó có thể nhìn được rất xa. Rừng tràn ngập ánh sáng.
Rừng kéo thành một dải hẹp (chỉ độ hai cây số, không hơn), còn sau rừng là cả một bình nguyên cát, nơi những cánh đồng lúa mì đang chín, lấp lánh và lay động theo chiều gió. Đàng sau bình nguyên là một rừng tùng bách hoang dại thẳng cánh chim bay.
Những đám mây vô cùng lộng lẫy trôi trên bình nguyên. Ta cảm thấy như vậy có lẽ vì ta nhìn thấy toàn bộ bầu trời mênh mông.
Muốn đi qua bình nguyên thì phải theo một con đường nhỏ nằm giữa những cánh đồng lúa mì. Trên con đường này ngưu bàng mọc rậm rịt và cỏ hoa chuông xanh lên từng đám.
Tất cả những gì tôi đang mường tượng mới chỉ là ngưỡng cửa của rừng. Nếu anh bước vào trong, anh sẽ cảm thấy như mình bước vào một giáo đường to lớn, hùng vĩ, tràn đầy bóng mát. Thoạt đầu, anh phải theo con đường tắt hẹp đi ngang một cái ao phủ đầy bèo tấm giống như một chiếc thảm cứng màu xanh lá mạ. Nếu anh đứng lại bên ao, anh sẽ nghe thấy lép bép: đó là những con cá chép tìm ăn trong rong nước.
Rồi đến một cánh rừng bạch dương nhỏ, ẩm ướt, rêu phủ lóng lánh như một tấm thảm ngọc bích. Ở đấy bao giờ cũng có mùi lá rụng còn lại trên mặt đất từ mùa xuân năm trước.
Sau cánh rừng bạch dương nhỏ là một nơi mà mỗi khi nghĩ đến lòng tôi không khỏi se lại.
(Tôi nghĩ đến những cảnh trên khi nằm trong ca-bin một chiếc xe tải. Đêm đã khuya, từ phía ga Razđelnaya vẳng lại những tiếng nổ ì ầm: ở đó đang bị ném bom. Khi những tiếng nổ vừa dứt, ta lại nghe tiếng ve sầu kêu rụt rè, những tiếng nổ làm chúng sợ hãi và tạm thời chúng kêu khe khẽ. Một vì sao rơi như một viên đạn lửa. Tôi thấy mình đang theo dõi vì sao ấy một cách thụ động và nghe ngóng: khi nào thì nó sẽ nổ? Nhưng không hiểu sao nó không nổ mà lại lặng lẽ tắt ngay gần sát mặt đất. Từ đây đến cánh rừng bạch dương quen thuộc, đến những khu rừng hùng vĩ, đến cái nơi mà cứ nghĩ tới nó là tim ta thắt lại, sao mà xa lơ xa lắc! Ở nơi ấy bây giờ cũng đang là đêm đây, nhưng không một tiếng động, chói lọi lửa những chòm sao, không có mùi khói xăng và mùi thuốc súng - có lẽ nên gọi là "khói nổ" thì đúng hơn - mà có hương nước tù sâu thẳm trong những cái ao của rừng già và mùi lá nhọn của giống đỗ tùng).
Nơi mà mỗi khi nghĩ đến tim tôi thắt lại là nơi nào? Đó là một nơi giản dị nhất, không có gì đáng chú ý nhất. Qua cánh rừng bạch dương, con đường dựng ngược dẫn lên một sườn đồi cát dựng vách thành. Khoảng đất thấp ẩm ướt ở lại đàng sau, nhưng những làn gió nhẹ thỉnh thoảng lại thổi đến đây, đến khu rừng nóng bức và khô khan này, không khí hăng mùi i-ốt của những khu đất thấp.
Tôi nghỉ chân lần thứ hai trên đồi và ngồi xuống đám lá nhọn nóng bỏng. Bất kỳ vật gì ở đây anh chạm đến đều khô và ẩm: những quả thông già rỗng, vỏ rễ thông non màu vàng, trong suốt và giòn như giấy súc, những gốc cây bị đẵn cụt được sưởi ấm đến tận lõi, từng cành thông ráp và thơm, đến cả những lá dâu tây nữa - chúng cũng ẩm ướt nốt.
Những gốc cây cụt đã lâu đời, chỉ cần lấy tay mà bóp cũng vỡ, chúng đổ lên lòng bàn tay một đống vụn nâu nóng bỏng.
Oi bức, yên lặng. Một ngày thanh thản của mùa hè chín nẫu.
Những con chuồn chuồn kim cánh đỏ ngủ trên những gốc cây cụt. Lũ ong đất đậu trên những bông hoa họ hoa tán rắn chắc và tím nhạt. Sức nặng của chúng làm cho những bông hoa rạp mình xuống tận đất.
Tôi kiểm tra lại đường đi trên chiếc bản đồ tự vẽ: từ đấy đến Hồ Đen còn tám cây số. Mọi dấu hiệu đều được ghi lại trên bản đồ: cây thông khô xác bên đường, cọc địa giới, những bụi vệ mao, một đống kiến, lại đến vùng đất thấp, nơi bao giờ cũng có hoa lưu li, và sau vùng đất thấp là cây thông có khắc ở gốc một chữ "H", nghĩa là Hồ. Từ chỗ cây thông phải quay thẳng vào rừng và lần theo những vết khắc từ năm 1932 kia. Những vết khắc mỗi năm một khép miệng và bong mất vết nhựa. Đã đến lúc phải sửa lại rồi.
Khi đã tìm thấy vết khắc trên cây, thể nào ta cũng phải dừng lại, lấy tay vuốt nhẹ lên nó, lên cái màu hổ phách đã đọng trên mình nó. Hoặc ta sẽ cạy ra một giọt nhựa rắn chắc và ngắm nghía cái chỗ vỡ có những vệt xoáy tròn như trôn ốc của nó. Ánh nắng đùa giỡn trong đó giống như những ngọn lửa nhỏ màu vàng.
Ở gần hồ hơn, giữa rừng, bắt đầu có những chỗ trũng sâu hoắm, im lìm, những cây trăn mọc dày đến nỗi cũng chả ai nghĩ đến việc vào sâu trong những chỗ trũng ấy làm gì. Chắc ở đấy xưa kia là những hồ nhỏ.
Rồi lại phải đi ngược lên giữa những bụi đỗ tùng rậm rạp có quả đen và khô. Và sau rốt là dấu hiệu cuối cùng: một đôi hài xảo khô xác treo lủng lẳng trên một cành thông. Sau đôi hài xảo là một vùng cỏ hẹp kéo dài, qua nó thì đến một cái dốc dựng đứng.
Rừng đến đấy là hết. Ở phía dưới có những đầm lầy khô cạn trên đó đã mọc lên một rừng nhỏ: những cây trăn, liễu hoàn diệp và một đám bạch dương.
Đây là chỗ nghỉ cuối cùng. Đã quá trưa. Ngày kêu rào rào như đàn ong vô hình. Mỗi khi có gió, dù rất nhẹ, thì một luồng ánh sáng mờ mờ liền đánh sóng trên khu rừng con.
Cách đấy hai cây số, giữa những đầm lầy đã khô, là nơi Hồ Đen giấu mình - đó là xứ sở của những vùng nước âm u, những khúc gỗ chìm lâu ngày và những bông hoa súng lớn màu vàng.
Đi trên những đầm lầy ấy phải cẩn thận: ở sâu dưới lần rêu vẫn chồi lên những thân bạch dương gãy mà thời gian đã mài chúng thành những cọc nhọn.
Trong khu rừng thưa không khí ngột ngạt, khó thở, xông lên mùi ung ủng, nước than bùn đen kịt kêu oàm oạp dưới chân. Cây cối ngả nghiêng, run rẩy vì mỗi bước chân người. Đã đi trong rừng thì đừng nghĩ đến những cái dưới chân mình. Dưới lớp than bùn và đất mủn dày đến một thước là một cái hồ ngầm. Người ta nói rằng ở dưới hồ ấy có những con cá măng đầm lầy đen như than.
Bờ hồ cao hơn một chút và vì thế khô hơn dưới đầm lầy, nhưng cả ở đấy nữa ta cũng không thể đứng lâu một chỗ: thể nào nước cũng ùa vào dấu chân ta.
Tốt nhất là nên ra hồ vào lúc chập tối, khi mọi vật chung quanh - ánh lấp loáng mờ mờ của nước và của những vì sao đầu tiên mới xuất hiện, ánh sáng bầu trời sắp tắt, những ngọn cây bất động - tất cả những cái đó hòa hợp thực là chặt chẽ với cái yên lặng canh chừng, tưởng như chính yên lặng đã sinh ra chúng.
Ngồi bên đống lửa, ta nghe tiếng những cành khô nổ lách tách và nghĩ rằng sao mà cuộc đời đẹp đến thế, nếu như con người không sợ nó mà mở rộng tâm hồn ra đón nó.
Trong hồi tưởng, tôi lang thang trong những cánh rừng và sau đó trên những phố bờ sông Neva hoặc trên những ngọn đồi xanh rờn cây gai của đất đai khắc khổ miền Pskov.
Tôi đau đớn, tôi xót xa nghĩ đến những nơi ấy như thể tôi đã vĩnh viễn mất chúng, như thể rồi trong đời, tôi sẽ không bao giờ gặp lại chúng nữa. Chắc vì cảm giác đó mà chúng đã có một vẻ đẹp kỳ lạ trong trí tôi.
Tôi tự hỏi vì sao trước kia mình đã không nhận ra những điều đó và ngay đấy, tôi hiểu ra rằng, tất nhiên trước kia tôi đã nhìn thấy tất cả, nhưng chỉ ở trong sự xa cách thì tất cả những nét của phong cảnh quê hương mới xuất hiện trước cái nhìn nội tâm của tôi, với toàn bộ vẻ đẹp mê hồn của chúng. Rõ ràng rằng phải đi vào thiên nhiên như mỗi âm thanh, thậm chí một âm thanh nhỏ nhất, đi vào trong tiếng nhạc vang vang.
Thiên nhiên chỉ tác động tới ta với toàn bộ sức mạnh của nó khi nào ta mang bản chất người của ta vào việc cảm thụ thiên nhiên, khi nào trạng thái tâm hồn ta, tình yêu của ta, niềm vui hay nỗi buồn của ta hòa hợp hoàn toàn với thiên nhiên và lúc ấy thì không còn có thể nào tách rời cái tươi mát ban mai với ánh mắt người yêu, tiếng ồn đều đều của rừng với những ý nghĩ về cuộc đời mà ta đã trải.
Phong cảnh chẳng phải là gia vị cho văn xuôi và cũng chẳng phải đồ trang sức. Cần phải ngụp đầu vào thiên nhiên như anh ngụp đầu vào trong đống lá ướt nước mưa để cảm thấy cái mát mẻ sang trọng của nó, mùi của nó, hơi thở của nó.
Nói đơn giản hơn, ta phải yêu thiên nhiên và tình yêu ấy, cũng như bất cứ tình yêu nào khác, sẽ tìm được những cách chắc chắn để tự thể hiện mình mạnh mẽ nhất.