Chương 3
Tác giả: Lan Khai
Mặt trời đã chênh chếch về tây...
Những cửa kính nhà máy tựa hồ cháy lên thành lửa đỏ. Da trời xanh trong không gợn vệt mây tạp sắc nào. Những chòm cây to nhuộm nắng trông như màu ngọc bích. Mặt đất, xám đen những sạn than, loang lổ những vệt bóng liền bên những vệt ánh nắng tha thướt. Trên gò cao, khu nhà máy cùng những ống khói cao vút in lên nền phong cảnh một nét sỗ sàng, bẩn thỉu.
Bọn phu khoán làm xong công việc cứ lần lượt từng tốp chui ở dưới lò lên, tản ra các đường đi như một lũ quỷ sứ. Là bởi quần áo anh nào anh ấy ướt sũng, lấm bê bết, cả mặt và hai tay cũng nhọ thui.
Họ đi nghênh ngang trên đường, cười ha hả, nhăn những bộ răng trắng như răng tây đen, và nói oang oang những câu tục tĩu: Công việc khổ sai đã xong, họ đã được vài giờ để nghỉ ngơi cái xác thịt.
Lẫn trong đám người nom chẳng khác tụi ngoáo ộp ấy, Thuật lặng lẽ đi nhanh để về nhà, ở luôn mười mấy tiếng đồng hồ dưới lòng đất, anh ta lúc này có cái cảm giác của một người mù chợt lại thấy ánh sáng, hơn nữa, anh có cái cảm giác của một người đã bị đem chôn sống rồi lại được moi lên.
Khoan khoái, Thuật chào cảnh thiên nhiên, chào ánh sáng mà anh thấy rực rỡ hơn mọi ngày bằng một nụ cười. Anh hít không khí vào đầy phổi và tưởng như linh hồn anh vừa được gột rửa sạch hết những cái nhơ nhớp nó đã thấm vào anh luôn trong mười mấy tiếng đồng hồ.
Thuật nhìn chúng bạn thấy họ cũng một vẻ vui sướng như mình. Anh nghĩ thầm và nhận thấy cái vui sướng của những người nghèo khổ như anh thực rẻ quá!
Đương vẩn vơ. Thuật bỗng nghe có tiếng người kêu oai oái, nhìn ra thì là mấy anh phu lò đương ghẹo mấy chị con gái làm ở máy sàng. Họ đứng chắn đường bọn con gái, giơ ra những bàn tay bẩn như tay gấu để chực bóp vú; mặt họ nhăn lại; mắt họ trợn lên; răng họ nhe ra như quỷ sứ nhà trời.
- Nhà tôi đi đâu thế này?
- A! Cô Tép!... Trời ơi! vú đâu mà nhọn hoắt như sừng trâu thế! Cho tớ bóp cái nào!
- Phải gió cái nhà anh này! Có tránh ra cho người ta đi không?
- Hẵng cho bóp vú cái đã!
- Bóp cái con khỉ!
- Thì chính bóp cái con khỉ chốc!
Thế là cả bọn phá lên cười.
Rồi, sau khi đám con gái đi khỏi, họ kháo nhau:
- Con ấy mà anh em được một chầu thì phải biết!
- Chắc nịch như bánh chưng tày!
- Nhất là hai con mắt, lẳng quá!
- Chưa lẳng bằng cái miệng! Cắn một cái thì phải biết.
Thuật khó chịu quá về những câu thô bỉ nọ. Anh ta thấy lờ mờ rằng ở chỗ mỏ mẻ này tình yêu hình như cũng bị nhơ nhớp bởi mùi than đá và dầu máy. Rồi, do liên tưởng, anh chợt nhớ đến những chuyện gặp gỡ của anh với các cô con gái nhà quê. Thực khác nhau biết chừng nào!
Ở đây, trai gái tỏ tình với nhau sỗ sàng, thô bỉ bao nhiêu thì ở chỗ đồng ruộng kín đáo, thanh nhã bấy nhiêu. Gặp nhau, họ không có cái thói chớt nhả. Chỉ một cái liếc mắt, chỉ một cái mỉm cười, chỉ một đôi gò má đỏ ửng như hai bông hoa phù dung là đủ cho hai bên rõ tình ý của nhau. Lại còn những cuộc hát quan họ với nhau trên cánh đồng trăng tỏ, trước làn gió sực nức mùi hương lúa...
Bỗng, một anh con trai đi cạnh anh Thuật nói:
- Mẹ đếch! Cái con Tép người thế mà đểu chúng mày ạ!
Cả bọn nhao nhao ngay lên:
- Thế nào? Con Tép đểu thế nào hở Đức?
- Nó ngủ với Tây chủ!
- Thế à? Thảo nào độ nó mới đến đây rách rưới như con ăn mày thế mà bây giờ đã ra phết lắm!
Một anh khác hoài nghi hơn:
- Chúng mày chỉ nói nhảm!
- Nhảm à? Có mày mù mới không trông thấy sự thực.
- Thằng Đức nó nói phải đấy. Tôi cũng biết chuyện.
Đức hỏi lại kẻ đã chia cái danh dự biết chuyện của mình:
- Mày biết thế nào hay lại nghe bóng nói mò đấy?
- Không, chính tao biết rõ mà lại. Hôm ấy mẹ con Tép ốm. Nó lên nhà cai Tứ hỏi vay công để cân thuốc cho mẹ nó uống. Nó gặp Tây chủ ở nhà cai Tứ thế rồi...
Một anh chêm ngay:
- Thế rồi a la văng mát chứ gì?
- Chính thế!
- Đểu thật!...
- Thảo nào mà nó được vào làm ngay ở trong nhà máy sàng! Thảo nào hai mẹ con nó bây giờ có tiền cho vay lãi!...
- An Nam mình rồi mai kia có lẽ lai Tây hết!...
- Có mà lai cái... Những đồ nhà thổ ấy thì nói làm đếch gì!
Thuật cúi đầu thở dài. Những lời của bọn con trai nói tự nhiên khiến anh ta đau đớn và buồn vô hạn. Trước kia, khi còn ở nhà quê, nhiều lúc anh cũng ao ước được sống cái đời mỏ mẻ hái ra tiền như nhiều người vẫn khoe. Nay anh thấy cái đời ở đây chỉ hoàn toàn là sự cực khổ. Cực khổ đến nỗi một người con gái xinh đẹp như Tép mà phải đem thân làm đĩ mới kiếm nổi được thang thuốc cho mẹ uống và miếng cơm cho hai mẹ con ăn đỡ đói lòng!
Không như bọn kia, Thuật không khinh bỉ Tép, không chửi Tép là đồ nhà thổ. Trái lại, Thuật cảm thấy một thương xót vẩn vơ đối với cô gái mà người ta đương dè bỉu như một vật cực kỳ ghê tởm. Và cái tấm tức anh vẫn mang trong lòng lại bắt đầu sạo sục hơn mọi khi làm cho Thuật rất khó chịu.
Lão min-nơ bỗng vỗ vai Thuật:
- Này, về nhà tớ chén cơm.
- Thôi, bác để cho khi khác.
- Không, tớ đã nhất định rồi! Và bọn anh em cùng lò cũng đã nhận lời rồi.
Không muốn mất lòng người bạn, Thuật đành nhận lời:
- Vâng, thế cũng được nhưng trước hết tôi phải về qua nhà thay áo và rửa ráy chân tay mặt mũi đã chứ.
- Ừ, lại ngay nhé?
- Tôi lại ngay.
Min-nơ dặn với:
- Đừng bắt anh em chờ đấy!
Anh chàng cố ý mời Thuật vì anh ta muốn cho bọn thêm người. Bọn culi vẫn thường họp bọn nhau như thế. Cuộc đời tẻ ngắt của họ đè lên vai họ như những gánh nặng vô cùng. Họ cần phải được giải trí, họ cần uống rượu, đánh chén, cần hút thuốc phiện, cần quây lại với nhau để tán gẫu. Nhưng lương tháng của họ đem chi vào việc ăn uống, mặc và ở, khéo lắm chỉ còn thừa được tí chút. Họ làm cách nào để giải trí được nếu họ không họp nhau thành bọn để gánh vác đỡ nhau những chi phí cần cho họ cũng chẳng kém gì những tiền mua gạo và củi ấy.
Thuật về nhà khi ông bố hãy còn ở trên nhà máy vì giờ làm mãi đến sáu rưỡi mới hết.
Mẹ Thuật đương ngồi nhặt thóc ở mẹt gạo trên hè bếp.
Thấy con đi làm về, bà lão mừng rỡ đứng dậy hỏi han săn đón:
- Kìa, con đã về!.. Thế nào, công việc có dễ chịu không?
- Chà, khổ quá bu ạ! Trong hầm thế nào mà nó thối tha ẩm ướt quá!...
Bà lão dịu dàng:
- Thôi, chịu khó một tí con ạ. Rồi nó cũng quen đi...
Phải, rồi nó cũng quen đi! Thói quen thường giúp cho người ta, nhất là cho bọn nghèo khổ lao động quên được những đau đớn cực nhục mà đời bắt họ phải chịu. Dần dần họ từ địa vị người rơi xuống địa vị súc vật mà không tự biết. Họ làm như đàn vật, chơi như đàn vật, ăn uống như đàn vật, ở chui rúc như đàn vật. Đời họ chỉ có mấy cái lo là đói, rét, bị đánh đập, bị chửi rủa và có mấy thú tiêu khiển là uống rượu cồn, hút sái thuốc phiện và đánh xóc đĩa. Họ không biết cái gì là no ấm, không biết cái gì là sung túc, không biết cái gì là đẹp nữa. Cả đến cái địa vị của họ trong sự tiến bộ của loài người, cả đến cái quyền của họ được đãi như những kẻ sống bằng mồ hôi nước mắt của họ, họ cũng không biết nữa. Họ được học hành gì đâu, họ có được ai săn sóc đến họ đâu! Người ta còn cấm họ không được biết sự thực và bỏ tù họ nếu họ đem sự thực nói toang ra nữa.
Cuộc đời giống như Sehopenhauer đã nói, gồm có hai hạng: một bọn chó sói nhai xương uống máu đồng loại và một bọn giun đất bị giày xéo suốt đời.
Thuật vừa rửa tay rửa mặt vừa khoe với mẹ:
- À con được ăn công nhì rồi!
Bà lão sung sướng hiện ra sắc mặt:
- Ồ! Ông cai tử tế quá nhỉ?...
Thuật nghe mẹ nói lại chợt nhớ đến lời lão phu già đã nói ở dưới lò, khi cai Tứ vừa đi khỏi. Anh ta bắt đầu hiểu thấm thía sự đời, thấy toàn những cái đáng tức cả.
Trong ngày hôm ấy Thuật sáng mắt ra, kinh nghiệm được nhiều hơn một năm khi anh còn ở nhà quê.
Thuật không đáp, bà lão lại nhắc:
- Ông cai tử tế quá, con nhỉ? Con mới đi làm mà ông ấy đã cho ăn ngay công nhì! Thôi, từ nay bu cũng đỡ lo chứ cả như ngày nay về trước thì bu khổ quá. Thầy mày làm được đồng nào chỉ nốc rượu, đánh bạc cả. Mỗi tháng thì thí cho bu được độ mươi đồng, không đủ đong gạo và trả tiền nhà thế mà ông ấy còn nay hạch, mai hạch...
Thuật nhìn mẹ. Anh ta cảm thương mẹ không biết chừng nào. Bà đã phải thở than, dù chỉ thở than với anh như thế tức là bà đã cực khổ lắm rồi. Thuật nghĩ đến cái đời của mẹ suốt từ khi anh khôn nhớn đến giờ, thực chẳng lúc nào anh thấy mẹ anh được vui cười sung sướng. Lúc nào mẹ anh cũng âm thầm, lặng lẽ, lúc nào bà cũng lo đăm lo chiêu. Trên môi bà chỉ thoáng nở nụ cười khi bà nhìn Thuật hoặc nghe Thuật nói chuyện. Giá có ai hỏi bà lão ấy rằng bà ta sống để làm gì thì chắc bà sẽ trả lời là để làm việc và để bị chửi bới. Bà có biết gì không? Có lẽ bà chỉ biết sự lo lắng và sợ hãi. Đời bà khi còn con gái ra sao chắc bà cũng không nhớ nữa!...
Thuật an ủi mẹ:
- Thôi bu đừng lo. Con sẽ hết sức đi làm để giúp đỡ bu. Bố con tính nết như thế thì bu cứ mặc kệ là xong, ông ấy nói chán mỏi mồm rồi ông ấy khắc nín.
- Chả mặc kệ thì nào bu có dám nói gì! Ông ấy muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, bu có dám hé răng bảo sao đâu? Đến ngay như cái việc ông ấy bán ruộng ở quê nhà bu cũng phải câm miệng đấy!
Rồi bà kể lể:
- Ai lại như thế bao giờ? Sống ở làng, sang ở nước. Mình có một tí của mồ hôi nước mắt của ông cha để lại cho mà đem bán đi ráo thì rồi ra ông ấy định ăn đâu, ở đâu chẳng biết! Hay ông ấy định chết già ở cái xó mỏ than này, mang tiếng là người bỏ làng, bỏ cả mồ cha mả ông? Thực đến thằng mõ nó cũng không nỡ như thế. Bu khổ sở quá, muốn can mà không dám, đành chỉ khóc ngấm khóc ngầm một mình...
Thuật thở dài, anh lại nhớ đến quê hương bản quán, nhớ đến mấy sào ruộng mà mấy đời người đã tưới mồ hôi xuống đó, nhớ đến mồ mả tổ tiên, nhớ đến bao nhiêu điều lặt vặt tha thiết với lòng anh. Cuộc đời dĩ vãng của anh, chẳng khác một cuốn phim quay chậm, lại hiện ra trong trí nhớ anh, gợi ra cho lòng anh bao nhiêu tiếc hận não nùng.
- Bu đừng nói đến chuyện ấy nữa, phiền lắm!
Thuật vào trong nhà thay quần áo. Anh chọn cái áo cánh cộc trắng tươm nhất mặc ra ngoài tuy lúc ấy chẳng phải là mùa nực.
Mẹ anh thấy anh sắm sửa, ngạc nhiên hỏi:
- Chớ con đi đâu vậy?
- Ông min-nơ và bọn anh em cùng lò bảo con đi ăn cơm. Con từ chối mãi không được.
Bà lão nhìn con như nghĩ ngợi điều gì mãi sau mới nói:
- Ừ thôi, người ta đã bảo thì con đi một tý kẻo lại mất lòng mất bề thêm khó ra. Vả làm nghề gì mà không phải có bạn.
- Bu ở nhà nhé! Chốc bố có về bu nói hộ con với.
- Ừ.
Thuật đi ra cổng...
Bà lão nhìn theo con, lẩm bẩm:
- Người ta mời thì rồi mình lại phải mời giả lại. Chú khi ni, mi khi khác, chứ ăn không của người ta được à? Khốn lắm, không cho nó đi cũng không được mà cho nó đi một lần chỉ sợ lại dắt dây mãi, rồi cũng đâm ra rượu chè be bét thì khổ.
Bà thở dài, lo lắng. Nhưng sau bà cũng đành. Xưa nay, sự gì ở đời đối với bà lão ấy cũng đều là dĩ nhiên không thể tránh được. Bà chỉ khẽ chùi hai giọt nước mắt lặng lẽ do sự lo sợ ngầm ngấm tự trong đáy lòng bà chảy ra, đáy lòng một người mẹ thương con nhưng người mẹ ấy lại cũng chính là một người đàn bà suốt đời bị đè nén mãi thành ra hoàn toàn nhẫn nhục.
Trong khi ấy thì Thuật cúi đầu rảo bước trên đường cái trí nghĩ vẫn vơ đến Tép, cô con gái mà chúng bạn anh ta vừa chê cười một cách độc ác lúc ban nãy. Anh không hiểu tại sao cứ nghĩ mãi đến Tép, cứ thương xót người con gái ấy như ta thương một đứa em gái xấu số vậy. Rồi, khi bước chân vào cổng nhà bác min-nơ, Thuật bỗng mỉm cười, trong lòng phơi phới như vui mừng vì đã quyết định xong một việc tuy chính anh chưa biết rõ việc ấy là việc gì...