watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lầm Than-Chương 6 - tác giả Lan Khai Lan Khai

Lan Khai

Chương 6

Tác giả: Lan Khai

"- À này, bác Thuật tử tế với cô Tép đáo để!...".
Câu Dương nói đùa không hiểu tại sao cứ văng vẳng bên tai Tép. Nó hình như chen lẫn trong tiếng máy chuyển sình sình, tiếng sắt va lủng củng và tiếng các chị em nói cười như chợ vỡ ở quanh mình thiếu nữ.
Cô thẫn thờ làm việc, mắt nhiều khi nhìn bâng khuâng hàng giờ lâu đằng trước như theo dõi một hình ảnh nào.
- Bác Thuật tử tế với cô Tép đáo để!...
Tép lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại câu nói ấy hai ba lượt và, mỗi lần như thế, cô càng tỏ ra vẻ nghĩ ngợi vô cùng.
Trạc độ tuổi mười bảy mười tám, Tép là một cô gái quê xinh xắn, với một gương mặt trái xoan màu da trắng hồng, một cặp mắt trong, cái miệng nhỏ và tươi như cái nụ hoa tầm xuân và cái dáng người tầm thước.
Cha mẹ cô nghèo khổ nên Tép đã phải làm lụng vất vả ngay từ ngày bé. Nhưng, ngay từ ngày bé, cô đã nghiệm thấy rằng ngoài cha mẹ cô ra, chẳng có ai tử tế với cô hết. Nhất là từ khi xảy ra câu chuyện ấy, Tép càng thấy ở quanh mình nhiều tiếng mỉa mai cay độc, nhiều cái nhìn trộm cay độc, nhiều cái mỉm cười xỏ xiên của chúng bạn. Bọn phu con trai đối với cô lại càng thô tục hơn, hình như họ cho rằng đối với một người con gái đã bị hà hiếp thì họ có quyền đểu giả thế nào cũng được. Sống ở giữa sự bất công thô tục ấy, Tép yên chí một cách ngây thơ rằng người ta đã hẹn nhau để ác nghiệt và tàn nhẫn với cô nên Tép vẫn hết sức thu mình lại, lủi như con cuốc để họa may người ta có quên Tép đi chăng. Nhưng bao giờ sự hà hiếp độc ác lại có thể quên đi được một người con gái yếu mềm, không ai che chở và không có cả cách tự vệ nữa!
Mà câu chuyện xảy ra có phải lỗi tại Tép đâu. Cô bị nhem nhuốc mà thực ra không phải tự cô đã làm ố mình cô.
Nguyên từ sau khi cha cô bị lò sập đè chết, ông chủ đền mạng cho được dăm đồng vừa đủ mua cỗ săng gạo và cái nhà táng thì cảnh nhà cô lại càng túng bấn khổ sở. Tuy cô vẫn có việc, vẫn đi làm mà tiền công ít ỏi, không đủ nuôi mẹ già. Đã thế, mẹ cô lại thường hay ốm đau luôn. Ngoài tiền gạo, tiền thức ăn, tiền dầu đèn, cô còn phải lo tiền thuốc cho mẹ nữa. Một hôm, mẹ cô thốt nhiên bị ốm nặng, mà trong nhà thì không còn một đồng một chữ nào nữa. Cô lo quá, chẳng biết làm thế nào, sau đành lại nhà cai Tứ, là người cô vẫn tránh mặt vì thấy lão xưa nay không chính đính, để van nài lão cho vay đồng bạc.
Cũng là không may cho cô mà cô gặp ngay lão chủ ở đấy. Lúc vào, cô vô tình nhưng khi nhìn rõ trong nhà cai Tứ có chủ, cô sợ hãi muốn lui ra thì đã không kịp. Cô luống cuống chắp tay vái chào ông chủ thì thấy ông này cười mủm mỉm và đáp lại bằng tiếng An Nam:
- Không dám, chào cô!
Sự lễ phép không ngờ ấy làm cho Tép hơi yên lòng. Cô nhìn cai Tứ đoạn lấy một vẻ mặt khốn khó và một giọng nói van nài, bảo với hắn:
- Thưa ông cai, cháu muốn nhờ ông một việc. Cai Tứ hách dịch hỏi:
- Việc gì?
- Bu cháu bị ốm nặng, cháu lại nhờ ông cho cháu vay đồng bạc để về mua thuốc cho bu cháu rồi cuối tháng này ông trừ vào công cháu cũng được.
Cai Tứ nhìn Tép từ đầu đến chân và nhại:
- Cuối tháng trừ vào công cháu cũng được!... Cô nói mới dễ nghe làm sao!
Tép nước mắt chạy quanh, vừa lo lắng vừa hổ thẹn:
- Ông làm phúc cho cháu...
- Hừ! Làm phúc!... Nếu tất cả ngót nghìn phu cùng bắt tôi làm phúc cho họ thì tôi bán thần xác tôi đi sớm!...
- Cháu chưa dám vay lần nào...
- Mặc chứ!
Tép uất lên tận cổ; đành lủi thủi bước ra vì cô biết nếu cô nói nữa thì thế nào cô cũng bật tiếng khóc.
Trong này, ông chủ ghé tai bảo thầm cai Tứ mấy câu. Bỗng, hắn mỉm cười, đầu gật gật, miệng uẩy rối rít đoạn to tiếng gọi:
- Này, chị Tép!
Tép quay lại.
- Vào đây mà lấy tiền!
Tép ngờ rằng ông chủ động lòng thương bắt cai Tứ phải cho vay nên mừng rỡ vội quay trở lại. Tứ vờ móc ví, rút ra một tờ giấy năm đồng.
- Lại không có giấy lẻ thì làm thế nào bây giờ?
Đoạn, quay lại người Tây, hắn lễ phép hỏi:
- Quan lớn có tiền giấy một đồng làm ơn đổi cho...
Người Tây lắc đầu:
- Làm gì có!
Tứ càu nhàu:
- Thế mới lại rắc rối nữa!
Và, chân bước ra cửa, hắn bảo Tép:
- Chờ đấy, tôi đi đổi đã.
Tép gọi với:
- Ông cai, hay là cháu đi theo ông...
Cai Tứ gắt:
- Thì chờ đấy không được à? Ai nợ nần gì nhà chị!
Trong lúc ấy, người Tây đã đứng chắn ở cửa, cái thân hình to lớn không để hở một tí nào cho Tép có thể chui lọt mà ra ngoài được.
Ngoài sân, cai Tứ chạy như ma bắt. Khi hắn đã khuất sau một búi lan, người Tây bèn quay trở vào và khép cửa lại.
Tép lo lắng như con thỏ bị sa vào cạm. Trống ngực cô đánh như trống hộ đê. Toàn thân cô run cầm cập.
Người Tây lại gần Tép, hỏi đến hai bận cô mới nghe rõ:
- Mẹ cô ốm nặng à?
- Bẩm quan lớn, vâng!
- Cô làm ở đâu?
- Con gánh đất thuê cho ông cai.
- Công mỗi ngày được bao nhiêu?
- Bẩm, hào rưỡi một ngày. Hôm nào nghỉ thì bị trừ tiền.
- Hào rưỡi một ngày!... Đủ sống làm sao được?
- Bẩm, chúng con ai cũng chỉ được như thế.
- Tôi sẽ cho cô vào làm trong nhà máy sàng, công việc vừa nhẹ lương lại được mỗi ngày những hai hào rưỡi.
Thấy ông chủ ngọt ngào và tử tế, Tép mừng rỡ vội nói:
- Con cảm ơn ông chủ. Ông chủ tốt lắm!
Người Tây cười:
- Thì ông chủ bao giờ cũng tốt, bố cu tốt, ông chủ yêu cô lắm!
Tép đỏ mặt và nóng ran cả người.
- Ông chủ yêu cô... Cô đẹp lắm!...
Vừa nói người người Tây vừa ôm choàng lấy Tép và dúi vào tay cô một tờ giấy năm đồng. Tép hoảng kinh giãy giụa nhưng hai cánh tay ông chủ đã khép lại cứng như sắt, miệng ông ta ngoạm lấy cặp môi cô với một hơi thở gấp và bỏng như hơi lửa. Tép muốn kêu thì một bàn tay đã gắn chặt lấy miệng. Cô bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất và bị dằn ngửa xuống mặt cái giường tre gần đấy. Quanh mình cô mọi vật như đảo lộn, như quay cuồng. Cô bàng hoàng tức thở, hổ thẹn, uất ức mà không làm thế nào được. Cùng lúc ấy, cô bỗng có một cảm giác như bị xé ruột, nó làm cho toàn thân cô quằn quại lên như đỉa phải vôi... Người Tây thở càng mạnh ôm càng chặt... đau đớn của cô pha lẫn một cảm giác mới lạ, lờ mờ nó tràn lấn khắp cơ thể cô như một vết bùn lan rộng mãi ra...
Rồi một lát sau, Tép thấy mình ở ngoài đường. Cô cũng chẳng nhớ ra làm sao nữa. Cả những việc vừa xảy ra cũng lộn xộn, lờ mờ trong trí cô chẳng khác nào một cơn mê sảng hãi hùng. Duy có một cái nó làm cho Tép không chối sự thực là tờ giấy bạc nhàu nát cô cầm ở trong tay và cái cảm giác nhơ nhớp đầy trên mình cô...
Một dịp cười nổi lên gần đâu đó.
Tép ngẩng đầu và thấy một bọn phu vừa con trai vừa con gái đang nhìn mình. Cô nóng bừng cả mặt, vội cúi đầu rảo bước đi. Hai bên tai cô những câu nói xa xôi, mát mẻ văng vẳng theo sau càng làm cho Tép luống cuống...
Cái cảm giác lạ lùng trong mấy phút Tép nằm gọn trong lòng người Tây vẫn làm cho máu trong người cô như sôi lên. Cô bàng hoàng, ngây ngất và không khỏi tò mò cố nhớ lại... Đó là một ý muốn ở bên ngoài ý muốn của cô.
Tép vẫn biết cái việc vừa rồi là một việc xấu xa, bẩn thỉu và hổ thẹn vì đời mình sẽ mãi mãi phải mang cái vết nhơ ấy mà không hiểu tại sao Tép vẫn cứ vẩn vơ nghĩ đến nó như thường. Là vì cái bí mật nam nữ bấy lâu cô chỉ lờ mờ chưa hiểu nay đã xé rách thân thể cô, thấm vào mạch máu cô, khiến cô không thể dễ dàng quên ngay được.
Thế là từ hôm ấy quanh mình Tép bỗng nổi lên biết bao nhiêu câu bàn tán, mỉa mai, cạnh khóe nó làm cho Tép không một phút nào dám ngẩng mặt nhìn trời, cái khổ cực của cô là mấy giờ phải có mặt ở nhà máy, giữa đám đông những kẻ lấy sự đau đớn của cô làm một thứ giải trí để vui cười. Cái sợ hãi nhất của cô là quãng đường từ nhà tới sở và từ sở về nhà. Trên quãng đường ấy, cô đã hàng ngày phải gặp và phải chịu đựng biết bao điều lăng nhục.
Có những đứa, chính Tép biết rõ những sự đĩ thõa, những việc đê tiện của chúng cũng như có lắm thằng con trai trộm cắp, đểu giả ai cũng chẳng còn lạ gì thế mà bây giờ cũng đua nhau chửi Tép, lên mặt ta đây trong sạch, đứng đắn để nhiếc cô là đồ nhà thổ!
Đứng trước đám người nhâu nhâu lên như một đàn chó dại, chỉ cốt lấy cái xấu của kẻ khác để che đậy cái xấu của mình, Tép đành chịu không thể nào phân trần được. Cô náu mình vào trong thái độ hoàn toàn im lặng và lắm lúc thấy mình cô độc không biết chừng nào. Nhưng sự im lặng của cô, Tép thường phải mất nhiều tủi cực và phẫn uất mới đổi lấy được. Nhất là mỗi khi gặp bọn phu con trai ở đường, Tép phải chúng đùa nhả, cô càng bối rối không biết chừng nào. Cự chúng ư? Chúng sẽ chửi ngay rằng đã làm đĩ còn giữ giá! Mà im đi ư? Chúng sẽ không còn kiêng nể gì nữa. Bởi vậy, mỗi khi ra đường, Tép hết sức lẩn tránh những lối thường qua lại mà chỉ đi trên lối rẽ. Có lắm lúc cô buồn chán quá, định thôi không làm mỏ nữa, đem mẹ đi nơi khác. Nhưng, tiền không có, tựa nương không, thân gái bơ vơ, biết rồi ra thế nào? Biết đâu tránh thằng đánh đau lại phải thằng mau đánh thì quanh quẩn cũng như truyện ấy.
Ngay lúc ấy thì câu nói đùa của Dương bỗng phát sinh trong lòng cô một cái gì nó êm đềm như một hy vọng.
- Anh Thuật tử tế với cô Tép đáo để!
Tép nhắc lại câu ấy không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nhắc lại, nó lại gieo trong tâm hồn cô một âm hưởng vô cùng êm ái... Cô đâm ra mong ước vẩn vơ, chờ đợi một cái gì chẳng biết nhưng nếu có. Cô chắc tâm hồn cô sẽ được an ủi một cách dịu dàng. Tuy vậy, Tép vẫn ngạc nhiên rồi ngờ vực câu Dương nói. Cô chắc Dương có ý gì giễu cợt cô mặc dầu hai bên đối với nhau có ít nhiều thân thích. Phải, chắc chỉ thế chứ người ta, cô thừa biết. Vì cô đã đem cả sự trinh bạch của cô đổi lấy bài học ấy. Có bao giờ lại thực bụng tử tế với nhau bao giờ, nhất là với một đứa con gái nghèo hèn như cô.
Thế thì Tép đừng nên nghĩ ngợi gì nữa, đừng mong chờ gì nữa là hơn vì biết đâu sự nghĩ ngợi mong chờ hão ấy chẳng đem lại thêm cho cô một sự bẽ bàng.
Để thực hành ý định khôn ngoan ấy, Tép cắm cúi làm việc. Nhưng rồi cái hình ảnh của Thuật, của anh chàng trai trẻ hiền lành và ít nói tuy gặp cô đã nhiều lần mà chưa bao giờ chòng ghẹo ấy vẫn cứ hiện ra trước mắt cô với những nét rất từ tốn, rất lương thiện, rất đáng yêu, chẳng khác cái hình ảnh một người anh cả...
Tép cúi đầu, lòng phơi phới rung động và cảm thấy lờ mờ một sự hối hận; cô hối hận vì đã ngờ tấm lòng của Thuật, coi anh ta cũng như phần nhiều đứa khinh bạc khác.
- Anh Thuật tử tế với cô Tép đáo để!
Câu ấy, lúc này không còn cái nghĩa đùa cợt của nó nữa. Nó trở thành một câu đầy hứa hẹn, đầy ý nghĩa kín đáo, một câu mà Tép có thể gạn ở trong đó ra cả một cái mộng đẹp về mai sau...
Tép rùng mình, chợt nhớ tới sự nhơ nhớp của cô, sự nhơ nhớp nó làm cho cô như tấm lụa vấy bùn.
Thân em như tấm lụa đào
Còn nguyên hay đã xé vuông nào cho ai...?
Tấm lụa đào kia đã bị xé lẻ. Tuy đó không phải lỗi tại cô; Tuy kẻ quyền thế đã lạm quyền xé lẻ của cô, tấm lụa cũng đã bị xé rồi, chẳng còn nguyên nữa!
Tép cúi đầu trước hình ảnh Thuật như mỗi khi nhìn lên mặt trời mà chói mắt. Nhưng, cái hình ảnh kia vẫn thản nhiên không hề có vẻ trách móc và khinh bỉ. Trái lại tia mắt nhân từ và nụ cười hồn hậu của Thuật hình như còn hứa cho cô một sự tha thứ êm đềm nó cũng cần cho linh hồn cô như giọt sương đêm cần cho bông hoa úa nắng.
- Câu chuyện xấu xa của ta, Thuật làm gì không biết. Thế thì câu anh Dương nói là nghĩa làm sao? Chắc chỉ có một nghĩa là Thuật tuy biết rõ hết mà anh không lấy thế làm khinh ta chứ gì? Anh Thuật không khinh ta thế nghĩa là anh hiểu thấu cái cảnh của ta, hiểu thấu cho ta không phải là một kẻ xằng bậy và đem lòng thương xót. Phải, chắc chỉ là thế!
Tép định sẽ hỏi dò Dương về việc này. Đã là anh em, Dương chắc sẽ không giấu. Vả, nếu Dương định giấu thì anh còn hở câu chuyện cho Tép biết làm gì?
Tép cảm động say sưa với một hy vọng êm vui.
- Có lẽ ta sẽ gặp Thuật ở nhà anh Dương không biết chừng!...
Lầm Than
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18