watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bóng mờ hiu quạnh-Chương 2 - tác giả Lê Thao Chuyên Lê Thao Chuyên

Lê Thao Chuyên

Chương 2

Tác giả: Lê Thao Chuyên

- Cháu ơi, ngồi dậy uống miếng nước cho khỏe một chút đi.

Bà cụ ngồi bên phải khẽ lay vai tôi chuyền ca nước.

- Không khát cũng uống, có mỗi một thùng đâu ai chịu để dành.

Tôi nhìn chung quanh ai nấy đều còn thức. Hình như nồi cơm làm tỉnh một số người.

- Cơm còn không bác?

- Họ chia nhau ăn ngay từ hồi đêm. Giờ đã gần sáng rồi còn gì nữa.

Thì ra nãy giờ tôi đã thiếp đi với dĩ vãng chẳng buồn cũng chẳng vui, phẳng lì như mặt cát ướt chấp nhận bước chân đầu tiên chà đạp. Nhìn bà cụ ân cần lo lắng tôi đỡ lấy ca nước:

- Giờ cháu mới thấy đói.

Bà cụ thoáng chút ái ngại nhìn tôi rồi lần tay vào lưng quần. Bàn tay bất động ở đó khá lâu nhưng không hiểu sao bà lại rút tay về.

- Cụ còn dầu gió không cho cháu một chút.

- Có đây.

Mặt bà tươi tỉnh trở lại khi nghĩ lối nào cũng là hình thức làm phúc. Tôi gượng ngồi dậy dựa lưng vào mạn thuyền như mọi người và lấy dầu bôi vào lưỡi, chiếc bụng rỗng được dịp kêu rọc rọc. Vừa xong tôi đã lả đi vì đói, chắc chẳng ai biết được điều đó. Hai ngày rồi từ lúc bước chân xuống thuyền chưa một hột cơm nào trôi vào bụng, tôi không muốn ăn để không phải ói vì có mỗi chiếc ca nhựa tanh tưởi thay phiên chuyền từ người này sang người khác. Chẳng phải riêng tôi mà hầu như tất cả mọi người, họ ói vì say sóng, vì ngộp thở, vì mùi dầu cặn và ói vì lây giây chuyền. Chỉ cần nghe tiếng ọ oẹ là ruột gan mọi người đã lộn lên. Tôi là người làm việc hăng say nhất, cái ca tanh đến lợm giọng vừa đưa đến gần đã mửa thốc mửa tháo, mửa ra cả mật xanh mật vàng. Chung quanh nhốn nháo đòi ca, còn đang run rẩy vục đầu trong đống cơm cá tanh hôi, tôi không nghe không nhìn thấy ai nữa hết, cứ mửa cứ ói, ói như điên, như sợ ai dành mất cái ca của mình. Tôi là kẻ đã khích động khiến cho mọi người ói công khai dưới khoang tàu vì đã chiếm giữ vật chung quá lâu. Không ai nỡ trách tôi mà cho rằng tôi quá khờ, nếu ói chỉ có nước thì cần gì ca...

Ngồi lên mà lại dễ chịu, vừa cho tôi vừa cho mọi người. Chỗ nằm của tôi nhường cho một cô bé khoảng mười hai, tội nghiệp, dưới ánh trăng lờ mờ tôi thấy rõ mặt nó xanh như tàu chuối, thân quắp co và đôi vai cứ nhẹ rung đều. Chung quanh tiếng nức nở than khóc vẫn vang vọng, hình như có cả tiếng đàn ông. Bên trái, Trang, người tôi mới quen vì cùng đi chúng chuyến ghe nhỏ, đang được một người con trai an ủi. Mọi người đều có cặp, ngay kẻ cô đơn nhất cũng có bà lão dỗ dành, còn tôi, một mình lạc lõng.

Trường đang ngủ ngon bên Nguyện, người bố gật gù nửa tỉnh nửa mê. Tôi cất tiếng gọi, vài người lay Nguyện chỉ sang phía tôi. Vừa trông thấy tôi Nguyện vội vã quay đi. Khoảng cách chúng tôi là tám người ngồi hàng dài, tại sao Nguyện lại chọn chỗ xa xôi như thế? Tại sao Nguyện lại quay đi khi tôi cố tình muốn tìm ánh mắt của chồng? Tôi đưa ly cho người ngồi đối diện:

- Còn nước không anh?

Không có tiếng trả lời, một là giọng tôi nhỏ quá, hai là thùng nước cạn sạch vì đã chia nhau. Mặc cảm bị hất hủi làm tôi tủi thân, chồng ngồi đó mà vợ khát nước phải nhờ người ngoài. Người tôi rũ xuống trong buồn tủi và cứ thế nước mắt trào ra, rơi, rơi mãi, không một tiếng nấc. Mấy năm trời từ ngày lấy Nguyện tôi đã tập được lối khóc tài tình. Khóc mà không ai biết mình đã khóc, đau khổ mà không ai biết mình đã đau khổ. Có bao giờ một đứa con nít vòi vĩnh cha mẹ lại âm thầm khóc? Những kẻ khóc âm thầm là những kẻ đã chấp nhận thua thiệt, đã nhận chịu hoàn cảnh mình đang có. Khóc là một hình thức làm cho vơi đi những hờn tủi. Đúng, nhưng đúng với ai kia chứ còn tôi bây giờ nước mắt đâu thể làm cho vơi đi những chua xót não nề.

Tiếng máy bắt đầu xình xịch nổ át đi tiếng than thở của cặp tình nhân gần đó. Mọi người reo lên mừng rỡ. Bọn Thái phá đầu máy, lấy luôn cả địa bàn thành ra hì hục gần hết đêm mới sửa được nhưng đi biển mà mất địa bàn kể như lạc. Chẳng hiểu vì lý do gì mà bọn cướp cùng làm rập một khuôn như nhau, cho dù máy còn chạy cũng đâu thể nào đuổi theo trả thù? Mà có đuổi theo cũng chẳng làm gì được vì như chúng đã biết chỉ cách một sợi xích sắt mà ai nấy đều bó tay không dám kháng cự. Phải chăng phá máy hỏng là một hình thức giết người bịt miệng chứng nhân, bịt miệng dư luận đang lên án sự quá lộng hành của chúng? Máy hỏng, thuyền lạc, tương lai mờ mịt, sống chết không phân định mà chung quanh, mọi người vẫn còn đủ thời giờ chia nhau để an ủi những đứa con gái khốn nạn như chúng tôi. Ôi tình người, bảo rằng con người đã có tình cảm thì sống ở đâu hoàn cảnh nào cũng có thể bộc lộ được, còn Nguyện bao năm trời vẫn khô cứng. Có phải hôn nhân không dựa trên tình yêu đều nảy sinh ra tấm lòng độc ác?

Máy chạy, mọi người thở phào yên chí dựa vào nhau ngủ. Đám con gái khóc chán cũng nằm im lắng nghe tiếng máy từ từ nhỏ lại và khua đều. Con thuyền như bóng ma cô đơn lướt dưới bóng trăng đã nghiêng hẳn về một góc. Trăng bây giờ mới là của sự sống, nó dịu hiền và như thiên thần dẫn lối, thuyền cứ men theo ánh trăng rẽ sóng mà đi. Nước hai bên bắn tung lên mạn thuyền như những viên kim cương lóng lánh chất lân tinh...

- Anh cấm em không được tự tử.

Thì ra cạnh chỗ tôi một đôi tình nhân vẫn còn thức. Tiếng nói khá lớn làm tôi giật mình.

- Nhưng thân em nhơ nhớp thế này..

Tiếng nấc lên theo câu nói và người con gái lại rúc vào lòng người yêu khóc mùi mẫn. Tôi nhắm mắt lại để tránh nhìn cảnh dỗ dành âu yếm của họ. Người con gái như con chim non gặp nạn đang được băng bó vết thương; còn tôi, con chim mẹ, con chim vợ, con chim đã chịu đày đọa nắng mưa, đã từng vượt qua phong ba bão táp, đã từng gẫy cánh giữa trời chịu những roi vọt sấm sét thì thèm khát chi lời mật ngọt. Phải thế không Nguyện? Có phải thế không nên anh đã dửng dưng trước cảnh ngộ của vợ mình hay con chim bẩn thỉu nhơ nhớp kia hãy dấu mặt đừng ngước lên nhìn đời, nhìn loài người, nhìn những người thân, nhất là đừng nhìn chồng để van xin sự thương hại.

Cả đêm tôi không hề chợp mắt và như thế đã hai ngày ba đêm thức trắng, hai ngày ba đêm chỉ uống cầm chừng những hớp nước cố giữ mãi trong cổ họng. Nếu không giữ sức mày sẽ là người làm mồi cho cá trước tiên Phượng ơi. Tôi lầm nhầm, răng cắn chặt răng, môi cắn chặt môi, tay lại nắm lấy bàn tay để tạo thêm nghị lực. Giọt nước mắt kia phải ngưng chảy tức khắc, nếu không ngàn đời mày sẽ ân hận. Tôi đưa tay áo quệt khô dòng nước mắt, nước mắt pha bụi nước biển làm môi mặn đắng. Vài người trở mình và ú ớ trong cơn mơ; vài tiếng kêu thét hốt hoảng như cầu cứu; vài tiếng thở dài cay đắng cứ thế văng vẳng bên tai tạo thành âm thanh nhức nhối, buồn và dài vô tận...

Trời vừa mờ sáng, Trường mò mẫm bò qua từng người sang đến tận bên tôi. Gói cơm nguội của tụi Thái cho đêm qua được Nguyện lận vào lưng quần làm thằng bé khó chịu. Tôi ôm lấy tấm thân còm cõi của con vào lòng với cảm tưởng tiếp nhận thêm một khối nước đá. Tội nghiệp, rồi đời nó chẳng thể khá khi có một người mẹ ủy mị như tôi và một người cha tầm thường ích kỷ như Nguyện. Năm tuổi mà nói năng ngô nghê, hành động chậm chạp như đứa trẻ lên hai. Nó khờ là phải chỉ vì tôi không đủ sức săn sóc bảo bọc che chở cho nó khi mới bắt đầu cưu mang. Tôi đã để thể xác đau đớn, tâm hồn buồn sầu hòa nhập trong nó bằng những đêm dài thức trắng. Người ta nâng niu con từ khi đang trong trứng nước, còn tôi, tôi đã nuôi nó bằng nước mắt, tiếp hơi cho con bằng những tiếng thở dài đau khổ.

- Con đói quá.

Tôi lần trong lưng quần giở bọc cơm bằng hai bàn tay run rẩy, bàn tay xạm đen thô kệch và gầy như bàn tay thần chết đang mời vẫy. Nắm cơm tuy ấn chặt nhưng vài hột bên ngoài rơi xuống, miếng cá luộc nát bét cũng chỉ chực lăn theo. Cơn đói theo mùi cá thơm hoành hành dữ dội hơn bao giờ hết.

- Con muốn ăn hủ tiếu cơ!

Tôi không còn sức để mở lời, mùi cá thoang thoảng làm nước miếng ứa ra tới cổ. Miếng cơm đưa đến gần miệng Trường, thằng bé hét lên:

- Con thèm ăn bánh mì với hột gà ốp la cơ.

Trường ôm mặt tấm tức khóc. Có tiếng càu nhàu của một người:

- Thí nó dùm một chút, trời đã sáng đâu.

Nắm cơm làm tôi quên hết những người chung quanh, quên luôn tiếng con tôi đang làm vạ. Tôi đưa vội lên miệng.

- Của thằng bé đấy, ăn hết đi.

Giọng nói khô và cứng của Nguyện, giọng nói không tình cảm con người, kẻ mà tôi vẫn còn nghĩ đang là chồng khiến lòng tôi giận bừng bừng rồi giận lây sang cả Trường. Cổ họng tôi thoáng chốc như bị ai bóp nghẹn và chiếc bao tử rỗng được lấp đầy bởi hờn tủi. Cái đói hạ xuống cấp thời, đôi tay cũng không còn run khi gói lại nắm cơm. Trường vẫn i ỉ khóc nhưng lại để mặc tôi lận cơm vào lưng quần nó.

- Con đến xin bố trứng gà ốp la và nói mẹ sắp chết rồi.

Tôi xoay lưng cho thằng bé tự đi trở lại rồi thản nhiên ngả đầu vào mạn thuyền nhắm mắt. Trường oà lên khóc vì vẻ lạnh lùng dửng dưng của tôi nhưng cuối cùng vẫn bám từng người trở về vị trí cũ. Tội nghiệp, bỗng dưng nó bị ảnh hưởng lây bởi cơn khủng hoảng của mẹ. Cái đói đã làm nhợt nhạt trí óc và sự giận hờn lan sang cả đến tình mẫu tử. Chả trách gì ngày xưa đã có kẻ đoạn tình nghĩa chỉ vì miếng ăn. Tôi nhắm mắt lại nhưng cay đắng tủi hờn lại kéo đến, nước mắt trào ra chảy ướt má. Tôi gục đầu xuống gối vòng hai tay qua che dấu, người ta chỉ thèm ăn khi đói, thèm khóc khi đau khổ và thèm vỗ về khi tâm hồn khủng hoảng, giao động. Cùng một lúc tôi phải giang tay đón nhận cả ba, không ai chia sẻ khi chồng tôi ngồi đó, dửng dưng bạc bẽo hơn kẻ xa lạ.

- Còn ít cơm em dấu được chị ăn không?

Một bàn tay nóng ấm đặt trên vai và giọng nói nhẹ nhàng của Trang. Tôi lắc đầu nhưng không ngẩng lên.

- Ăn đại với em không thôi hết bây giờ. Chị nên nhớ mình sẽ còn trải qua không biết bao nhiêu gian nan đói khát và biết đâu chừng sẽ lạc vào hoang đảo hoặc lại thêm tàu cướp...

Trang bỏ lửng câu nói nhón miếng cơm cho vào miệng, mùi cá thơm lại được dịp bay ra. Phải chi Nguyện nói với tôi những lời này, phải chi Nguyện sai con mang nắm cơm nguội lạnh tanh sang cho tôi. Tuy ngồi nhưng nước mắt vẫn làm nghẹt mũi, tôi phải hả miệng ra để thở vì cảm tưởng thiếu dưỡng khí. Lồng ngực tôi như bị ai đè cứng và chân tay cứ thế lạnh dần. Ý tưởng phải chết vụt đến làm tôi bật khóc lớn, tiếng khóc đầu tiên từ khi bước chân xuống thuyền, tiếng khóc tru lên thê lương của loại mèo đi hoang. Ghê rợn, lạnh người. Trang khều nhẹ vào lưng tôi:

- Người ta nhìn kìa.

Mặc kệ, tôi đâu có ngẩng mặt lên để thấy họ đâu mà sợ. Tôi cũng đâu phải đang đóng tuồng mà cố gắng phô trương cái hay cái đẹp của mình. Tôi phải sống cho tôi. Đúng, tôi phải sống cho chính mình, nghĩa là tôi đang thèm được khóc, thèm được ngã lăn ra giãy dụa cho hả cơn đau trong lòng. Mọi người có vẻ khó chịu vì tiếng khóc của tôi, nó không hợp tình hợp cảnh chút nào. Đêm qua cần khóc thì tôi lại câm nín; hôm nay mọi vết thương lắng đọng thì tôi lại khơi lên. Vài tiếng thở dài phụ họa theo trong khi tôi vẫn tiếp tục khóc. Bây giờ mới thực sự tôi khóc cho tôi, cho cuộc đời mình, cho bao năm qua với vết thương cô đơn mỗi lúc mỗi đục khoét và cũng chính lúc này đây tôi khóc như một tiễn đưa những gì đã mất.

Những gì đã mất sao lấy lại được? Tấm thân hoen ố trước những đôi mắt chứng kiến. Vết nhơ này làm sao gột rửa? Dù tôi không tạo ra nó, dù mọi người quanh đây không tạo ra nó nhưng hình phạt chỉ có đám đàn bà chúng tôi phải mang. Phải chi Nguyện có chút tình người và chỉ cần đối xử với tôi bình thường như mọi người thì tôi vẫn đủ sức vượt thoát sự u buồn. Đàng này chính thái độ lánh xa như một kết án sự hoen ố của vợ mình. Một người chồng đầu ấp tay gối mà không có sự thông cảm trách sao miệng người đời. Ngày hôm trước tôi còn mộng mơ bảo là sẽ giang đôi cánh bay như loài chim rừng. Bây giờ con chim rừng khốn nạn đang sợ sương gió, sợ bão táp của miệng đời, sợ tiếng cây lay động thì sao cất nổi đôi cánh? Mày mâu thuẫn quá Phượng ạ, mày chỉ là một con chết nhát, chính vì chết nhát nên đã để mơ ước bay lên mãi cao. Mày không thoát được miệng đời vì một vết nhơ không do mày tạo thành thì sao dám sống cho riêng mày? Nghĩ như thế nhưng tôi vẫn không ngừng khóc, hình như còn chờ đợi sự dỗ dành của Nguyện. Tôi cố giữ tiếng khóc nhỏ lại để không đứt quãng, nhỏ nhưng đủ rót vào tai chồng tôi. Như thế có nghĩa là tôi đang dùng tiếng khóc để lung lạc, khơi động một sự thương hại. Người ta có đói khát nghèo khổ mới đi ăn mày. Đã đi ăn mày đâu ai còn coi phẩm giá mình là trọng. Tôi đang ăn mày sự thương hại của chồng tôi vì tôi là kẻ đói khát thiếu thốn tình thương.

Tiếng khóc đau khổ không người an ủi mỗi lúc một nhỏ dần, tôi lịm người đi từng chập, triền miên với cơn đau tình người cắn xé... Và cứ thế, người tôi khô đi, khô đi như chiếc lá vàng đang lảo đảo trước cơn gió nhẹ. Nó đưa hồn tôi đi xa, xa tít, về những tháng ngày còn sống dưới mái gia đình có bố, có dì, có Hằng và có Nguyện của những ngày đầu gặp gỡ...



- Hôm nay cậu Nguyện xuống thăm nhà mà cũng đi nữa hở chị Phượng?

Tôi không quay lại và cũng không dám nhìn vào gương dù biết rằng dì Loan đang đứng sừng sững sau lưng. Tấm gương lớn ba mặt ở bàn phấn sẽ không e dè hiện rõ dung nhan người đàn bà chưa ngoài ba mươi. Một khuôn mặt tròn đều đặn, nước da trắng và đôi mắt đẹp sắc xảo của người vùng Hà Nội. Dì Loan đẹp thật, cái đẹp vừa lẳng lơ vừa đĩ thõa đã làm điên đảo bố vừa khi mẹ qua đời được ba tháng. Người ta đồn rằng tại vì ghen với dì mà mẹ tôi uất lên sinh bệnh rồi chết. Tôi thì không tin là thế vì mẹ tôi hiền như mụ, giá bố tôi có rước ai về làm vợ hai vợ ba thì mẹ vẫn âm thầm chấp nhận vì đầu óc mẹ quá nặng về phong kiến của "trai năm thê bẩy thiếp".

Thuở đó tôi vừa tròn mười hai. Em tôi, Hằng, mới lên tám. Không hiểu có phải những đứa trẻ mất mẹ đều khôn ngoan hơn những đứa trẻ khác hay sự có mặt của người đàn bà không phải mẹ mình đã làm cho tôi có cái nhìn cặn kẽ và tỉ mỉ hơn mọi người. Tôi thường mang sắc đẹp của dì Loan và sự si mê điên dại của bố tôi ra so sánh với mẹ Hoài, người đàn bà muôn đời chịu thiệt thòi. Thiệt thòi chỉ vì mẹ Hoài không đẹp, không biết dùng những xảo thuật để mê hoặc chồng. Mẹ quá hiền lành và đôn hậu đến nỗi dễ sai dễ bảo như con ăn đầy tớ và với riêng bố, mẹ chỉ là người giữ tiền hay nói cho đúng là một két tiền đúc bằng bê tông cốt sắt, bảo đảm an toàn nhất. Chẳng hiểu mẹ yêu bố thế nào chứ chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ đùa giỡn hoặc tỏ tình âu yếm với nhau và cũng chưa bao giờ thấy hai người dẫn nhau đi xem hát hoặc bát phố. Có nhiều lần, thật nhiều lần tôi bắt gặp mẹ nằm khóc những lúc bố vắng nhà vì công việc.

Nếu bảo cha tôi sợ cảnh gà trống nuôi con đầy những khó khăn vất vả hoặc muốn tìm một người mẹ khác để mang đến cho chúng tôi tình mẫu tử thì bố tôi đã rất lầm lẫn khi chọn dì Loan. Bố tôi quên rằng dù trên đời cũng có những bà dì ghẻ rất tốt lành nhưng không ai có thể thay thế được hình ảnh tuyệt vời của người đã cưu mang và đẻ ra mình. Dù ngoan ngoãn và thương yêu bố đến thế nào tôi cũng không thể chấp nhận bố mang tình thương san sẻ cho người đàn bà khác. Tôi ghen dùm cho mẹ tôi. Những hạnh phúc nồng nàn, những tiếng cười dòn sung sướng trong phòng ngủ kia chính ra phải là của mẹ tôi, là của chúng tôi thế mà đã từ bao năm qua, từ khi bắt đầu có trí khôn tôi thấy chưa bao giờ bố dành cho mẹ. Bố tôi vội vàng quá, còn quá sớm, quá sớm để cho đứa trẻ dù mới mười hai tuổi như tôi nhận ra sự cần thiết của một người đàn bà trong gia đình và còn quá sớm để có thể chấp nhận dễ dàng khi phải kêu một người xa lạ không cảm tình là mẹ. Không. Tôi khẳng định và quyết liệt. Bà ta không phải là mẹ tôi, không phải là mẹ ruột nên tôi chỉ có thể gọi là dì. Dì Loan.

- Tôi đã dặn chị ngay tối qua mà có lẽ chị lại quên rồi.

Tiếng dì Loan ngọt ngào vang lên nhưng loại ngọt ngào của một viên thuốc đắng đã bọc đường. Tôi vẫn ngồi bất động, mặt cúi gầm xuống nhưng trả lời rất nhã nhặn, lịch sự và khách sáo như dì:

- Thưa dì, con cũng đã thưa với dì ngay tối qua là hôm nay con cần phải đi vì đã lỡ hứa làm phù dâu từ ba tháng trước. Mọi chuyện đâu vào đó không có ai thay thế nên không cách gì không đi được.

- Tôi biết và tôi cũng đã nói với chị là cậu Nguyện xuống đây vì con gái ông thầu khoán Hoàng Báu chứ không phải vì ai trong cái nhà này hết.

Giọng dì cao lên, cao vút, lảnh lót như tiếng chim hót nhưng nó chỉ có thể hót bên tai bố tôi; còn với riêng tôi nó là tiếng rít của một loại rắn cực kỳ độc hại.

- Thưa dì, không ông Nguyện thì cũng ông khác, con chưa đến nỗi ế đâu mà dì phải sợ. Còn bạn con cả đời chỉ có một lần cưới.

Tôi vẫn cố cất giọng êm ả để giữ sự lễ phép tối thiểu nhưng lồng ngực muốn vỡ bung ra. Tại sao phải sống màu mè, hình thức và gượng ép như vậy trong một mái gia đình? Tại vì sự nể sợ bố tôi? Tại vì quá thương em tôi? Có thể nhưng chỉ đối với riêng tôi; còn bà? Bà đâu có nể sợ ai, ngay đến bố tôi vẫn còn ở dưới quyền bà cơ mà!

- Người ta xin xuống chơi chứ nào đã lấy đâu mà rộn lên như thế! Mà tôi bảo thật ông nào thì ông cũng chẳng ai bằng cậu Nguyện cả. Chị mà lấy được đám này như chuột sa hũ gạo.

Đã từ lâu tôi vẫn mơ được lấy chồng giàu và tôi cũng thèm được làm con chuột rơi vào chĩnh gạo nhưng hãy để cho tôi tự bò tự rơi, đừng ai bắt hoặc ném tôi vào. Hành động vồn vã của bà đã làm tự ái trong tôi bừng dậy. Bà đâu phải là mẹ Hoài mà dám định đoạt hôn nhân của tôi? Hơn nữa hầu như bất cứ chuyện gì có bà nhúng tay vào thì dù phải dù trái tôi cũng quyết chống đối tới cùng.

- Người ta giàu có lại quyền thế. Mất đám này là ăn mày cả đời. Nhưng thôi, hôn nhân của chị do chị quyết định, tôi chẳng là mẹ là cha mà khuyên bảo được.

Biết bà đã bỏ đi nhưng người tôi vẫn nóng bừng, nóng vì những câu nói khơi đầy mai mỉa. Mỗi lần tiếp xúc với bà là ruột gan tôi lại bị nấu sôi. Mỗi lần nói đến chuyện coi mắt gả bán là tôi lại có cảm tưởng không những bà mà cả ngay bố tôi cũng cùng toa rập lạm dụng tôi để gỡ gạc. Chẳng ai chịu tống khứ suông mà không có sự đổi chác, kẻ đến rước tôi đi phải giàu, giàu để củng cố lại địa vị của ông thầu khoán Hoàng Báu giờ chỉ còn là hư danh. Thầu khoán Hoàng Báu. Cái tên nghe kêu lắm nhưng nó chỉ thực sự kêu khi mẹ tôi còn sống, người đàn bà có của mà không có tình, người vợ biết giữ của mà không nắm giữ được tình để rồi khi ngôi vị của mình có người thay thế, tiền bạc cứ từ từ cạn dần vì những cuộc ăn chơi phung phí. Ba tôi bị dì và những phù phiếm quyến rũ, lao đầu vào vũ trường, phòng trà và ngay cả đến cờ bạc.

Tôi ghét dì Loan, vì bà mà gia đình tôi sụp đổ, vì bà mà tình cảm bố con tôi bị giới hạn lại. Bây giờ thêm một lần nữa cũng vì bà mà tôi phải làm con thiêu thân để cứu vãn tình thế gia đình, cứu vãn căn bệnh hiểm nghèo của em tôi.

Lý do tôi muốn lấy chồng giầu là thế! Làm sao tôi dám nói với các bạn tôi? Làm sao tôi dám tâm sự để có những cuộc sắp đặt vùng lên chống đối? Tôi biết các bạn tôi sẽ cho là hoàn toàn vô lý và sai lầm nếu chỉ có bằng ấy lý do. Bố tôi nằm xuống đã có dì Loan cáng đáng dù có thể chỉ là một manh chiếu đắp điếm hoặc một nắm đất vội vàng. Xác đất vật hèn, tôi biết bố tôi cũng chẳng phiền trách. Người nằm xuống cần gì những nghi thức phiền toái tốn kém khi lúc sống đầy những lo lắng buồn phiền về vật chất? Dì Loan có tàn tạ xác thân, có lê lết chầu chực ở những sòng bài xin xỏ hoặc đổi chác thân xác thì tôi cũng chẳng một mảy may xấu hổ hoặc xúc động. Còn hai tiếng thầu khoán? Nó đâu làm cuộc đời tôi đổi mới, đâu làm cho mẹ tôi sống lại mà tôi cần phải cứu vãn? Như vậy cái lý do chính đáng nhất có phải vì em tôi?

Vì em tôi hay vì mình?

Người ta khi làm những việc gì khác thường hoặc đi ngược theo đường lối khác thường hay viện nhiều lý do để bào chữa. Tôi cũng có nhiều lý do để bào chữa cho ước muốn lấy chồng giầu và lý do nào thì nghe cũng hợp lý cả nhưng tôi không thể che dấu với chính con người và lương tâm của tôi. Thực ra tôi thích lấy chồng giầu chỉ vì cho tôi, vì tôi thì đúng nhất.

Từ khi sống với dì Loan, tôi hiểu nhiều về giá trị và sức mạnh của đồng tiền. Không có tiền dì Loan không thể nào xinh đẹp, không thể nào mỹ miều môi son má phấn áo quần lượt là, và không có tiền lời nói của dì sẽ không còn giá trị vì chẳng ai thèm nghe. Cũng nhờ thế tôi mới khám phá ra rằng bố tôi chỉ làm ra tiền khi có mẹ tôi khuyến khích và tiện tặn. Ông chỉ oai phong khi bên cạnh mẹ tôi quỳ lụy, tôn kính quá đáng. Ông chỉ hét ra lửa thở ra khói khi mẹ tôi cung cúc như con hầu. Còn đối với dì thì những uy quyền, khôn lanh đã biến đi để nhường cho khờ khạo thuần phục, mặc dì muốn tàn phá gia đình thế nào tùy ý.

Nhờ có tiền, dì Loan đã trau chuốt tô điểm và lạm dụng tận cùng sắc đẹp lả lơi của mình để mê hoặc bố tôi. Với thân hình bốc lửa, với bộ ngực vun đầy khiêu khích, với đôi chân thon dài dẻo dai dì đã thừa khả năng sai khiến bố như tên nô lệ phục dịch tình ái. Để bù đắp, bố đã dồn hết tiền bạc vào cái túi tham khổng lồ của dì. Bố đâu biết rằng không có mẹ, bố trở thành tầm thường, nhu nhược và bất tài như mọi người đàn ông khác. Không có sự thương yêu chân thật của mẹ, bố tôi biến thành kệch cỡm, khôi hài trong giới ăn chơi lừa lọc. Đôi khi dì Loan cũng đã dùng sự tiêu xài phung phí để áp chế bố tôi, tạo nơi bố mặc cảm bất lực vì không làm ra tiền. Điều đó không thể phủ nhận. Những năm gần đây, công việc dồn dập thất bại, tinh thần và thể xác của bố tôi sa sút thấy rõ. Những đêm nằm nghe tiếng dì Loan đay nghiến mắng nhiếc, những đêm nghe tiếng chân bố bước nhẹ ngoài hành lang buồn bã khô khốc và lạc loài như tiếng lá rụng, tôi biết giờ phút đó bố đang nghĩ về mẹ tôi và tiếc nuối. Người ta chỉ cảm thấy tiếc khi đã mất một vật quý, nhưng sự tiếc nuối của bố tôi chỉ có giai đoạn vì ông còn phải chiến đấu với sự cấu xé rỉa rúc của dì và chiến đấu luôn cho cả cuộc sống giả dối tạm bợ của chính mình để che đậy niềm mất mát triền miên.

Cả bố lẫn dì Loan cùng che đậy, cùng đóng những vở tuồng khôi hài "phu xướng phụ tùy" trước mặt con cái. Cũng may dì Loan không có con, gái độc không con là phải. Hằng thì có cũng như không. Còn tôi? Đôi mắt không dám nhìn thẳng, không dám đối diện với sự thật nên đã cùng giả dối trước mặt mọi người và ngay cả với em tôi. Cả ba chúng tôi đã đóng những vai trò hay nhất, hạnh phúc và lễ nghĩa nhất nhưng bên trong là những đợt sóng ngầm, kèm theo những cơn lốc cuồn cuộn. Điều đó chỉ làm khốn khổ cho bố, bố chẳng biết gì về những chống đối giữa tôi với dì. Bố tưởng tôi hiền lành nhu nhược như Hằng, như mẹ tôi nhưng ông đâu có ngờ những đứa trẻ mồ côi hay tủi thân và thường có những ước muốn gớm ghê.

Tôi vẫn mơ một ngày nào sẽ lấy được chồng giầu, đồng tiền đó tôi sẽ dùng để áp chế dì Loan như bà đã áp chế bố tôi. Tôi sẽ bắt bà phải nhẫn nhục, chịu lụy tôi như bố tôi đã chịu lụy bà. Tôi sẽ cho bà từng chục từng trăm để chỉ đủ ăn một tô phở, uống đủ một ly nước ngọt cho mỗi ngày như bà vẫn thường chi li tính toán với bố mỗi khi thua bạc. Tôi sẽ dùng tất cả đồng tiền đang có để đục đẽo thân xác bà dần mòn như bà đã đang đục đẽo thân xác bố tôi. Có điều giấc mơ khó thực hiện chỉ vì cái nhãn hiệu con ông thầu khoán tuy bóng bẩy, giàu sang nhưng không quyến rũ bằng cái nhan sắc cần phải có để làm vợ, làm bà, làm mệnh phụ.

Người ta bảo trai tài thì gái sắc. Gái không sắc sao lấy được trai anh hùng? Gái không sắc lại tham giầu thì chỉ lấy ông già đáng tuổi cha chú hoặc tật nguyền, bệnh hoạn. Sự mơ ước trong tôi, của đứa con gái đang tuổi tràn đầy sức sống lại ghê tởm đến thế sao? Sự thù hận người đàn bà đã làm tan nát gia đình tôi lại có mãnh lực xô đẩy tôi vào con đường cùng? Còn nguyên do nào nữa không? Có phải tôi muốn trả thù dì Loan? Trả thù đời? Trả thù cho những người đàn bà thiệt thòi như mẹ tôi hay tôi muốn làm một cuộc nổi loạn, một con cờ thí để cứu những con cờ khác? Điên rồi! Mày không thể lấy một người chồng già vì đó là hình thức mua bán thân xác. Tôi biết. Trí suy nghĩ của tôi không phải là không có nhưng lấy ai thì tôi cũng đâu có tình yêu? Lấy ai thì tôi cũng đâu biết rung động? Một ông già sắp xuống lỗ hay một người đàn ông tài hoa lỗi lạc nằm bên cạnh xác chết thì cái xác chết đó cũng chẳng thể sống lại được.

Như vậy tôi mơ ước lấy chồng giầu chỉ vì tôi đã là một xác chết?

- Cho em đi với chị Phượng nha! Ở nhà buồn chết đi được.

Giọng nói nhẹ và êm, êm đến nỗi tôi tưởng môi con bé chưa hề mấp máy.

- Nghe chị Phượng, em thích đến chỗ đông người.

Không hiểu nó dậy từ lúc nào nhưng chắc chắn mẫu đối thoại giữa tôi với dì nó không nghe thấy nên còn vui vẻ hồn nhiên lắm. Tôi rời bàn phấn đến bên giường Hằng nằm. Hai chị em ở chung một phòng, hai chiếc giường kê song song trải ra trắng như trong bệnh xá.

- Đám cưới đông ngộp không thở được. Hằng chịu khó ở nhà lát chiều chị mang xôi chả về cho.

- Em không thích ăn, chỉ thích ngồi nghe nhạc và xem cô dâu chú rể.

Xem làm gì? Tôi muốn hỏi gắt lên để đánh tan ước muốn đang nhen nhúm trong lòng em mình nhưng không nỡ. Xưa nay tôi chưa hề lớn tiếng với nó bao giờ, con bé bị bệnh tâm thần từ khi mẹ Hoài vừa mất. Tôi nhớ ngày ấy, nhớ rất rõ vì đó là biến cố kinh hoàng nhất trong đời tôi, của một đứa nhỏ mười hai tuổi trong ngày tết Mậu Thân, tết năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám...

Nửa đêm giật mình thức giấc vì tiếng nổ kinh hồn, tôi bò rột dậy ôm chiếc gối chặn lấy ngực như sợ trái tim mình văng ra ngoài. Tiếng nổ quá lớn và quá gần, chắc chắn không phải là tiếng bom quân giặc vẫn thỉnh thoảng pháo kích lẻ tẻ vào phi trường Tân Sơn Nhất, nơi chỉ cách nhà tôi khoảng mươi cây số, cũng không phải là những tiếng nổ rền và đều từ hướng biên giới Tây Ninh vọng lại hàng đêm như tiếng ru ngủ cọc cằn.

Ầm... Ầm... Tiếp theo hai tiếng nữa thật gần muốn xé rách màng tang. Mặt đất rung chuyển làm tôi có cảm tưởng máu trong người ứ lên và dội ngược. Tôi hốt hoảng nhào xuống đất lăn vội vào gầm giường, một phản ứng tự nhiên mà ai cũng có thể làm trong lúc cấp thời. Chỉ tạm thời vì nếu đã có trái thứ ba thì cũng có thể có trái thứ bốn, thứ năm. Mắt tôi đảo nhanh tìm chỗ ẩn náu an toàn hơn. Ở trong này, dưới gầm giường chỉ đặt hai tấm nệm, như lớp mạng nhện mỏng manh sẽ rách tung nếu một trái trứng gà rớt vào. Làm sao có thể tránh được cảnh tan xương nát thịt dù mái nhà của bố tôi được đổ bằng bê tông cốt sắt, dù đã được che chở thêm tầng lầu bên trên. Nếu bom không rơi giữa nhà thì độ tàn phá của nó cũng có thể làm sập và nội bị gạch đè cũng đủ chết.

Sự sợ hãi làm tim tôi bóp lại. Chuyện gì đã xảy ra giữa đêm mùng hai tết? Chuyện gì ... chuyện gì và Hằng đâu rồi? Tí nữa tôi đã buột miệng kêu lên. Em tôi. Hơn ba tháng nay nó vẫn ngủ chung phòng với tôi từ khi mẹ Hoài chết. Hồi tối trước khi ngủ tôi còn vẽ nhột trên lưng và kể chuyện "cô bé quàng khăn đỏ" cho nó nghe. Tôi còn nhớ rõ lúc đó mắt nó mở tròn hỏi tôi bằng một giọng ngạc nhiên:

- Tại sao mẹ cô bé không mua chiếc khăn quàng màu xanh lá cây mà là màu đỏ?

Ơ hơ! Tại sao, tại sao nhỉ? Tại da nó tái quá! Ừ đúng rồi!

- Tại da nó tái quá! Tôi trả lời.

- Em không tin. Nếu cô bé bệnh tại sao còn bị sai đi mang bánh thăm bà ngoại?

- Tái đâu có nghĩa là bệnh. Nhiều khi không chịu ăn cơm nên ốm o như Hằng thì da cũng tái đi. Tôi cãi bừa.

- Sao dì Loan không bắt em mặc áo đỏ?

Dì Loan. Lại dì Loan. Hình như Hằng thích dì Loan hơn cả tôi. Cơn ghen tị chỗi dậy làm tay tôi buông lỏng không thèm vẽ nhột nữa.

- Mai qua ngủ với dì ấy tha hồ nghe kể chuyện.

Hằng quay lại dụi đầu vào ngực tôi cười khúc khích:

- Em thích nhưng không dám ngủ chung vì còn có bố; mấy lần em vào phòng đều bị bố đuổi ra.

Mười hai tuổi nhưng tôi đã biết thế nào là tình thương phát xuất tự lòng và ngoài đầu môi chót lưỡi. Chỉ cần nhìn ánh mắt cũng đủ hiểu nhất là dì lại quá mới trong gia đình chúng tôi, tròm trèm chưa tới ba tháng. Hôm hai mươi chín tết, dì Loan đi chợ mua hoa quả bày đầy bàn thờ mẹ, sắm đủ thứ nào là bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, kẹo, hạt dưa và đủ các loại mứt, nhiều nhất là mứt khổ qua và mứt cà chua. Dù sao cũng là cái tết đầu tiên dì về nhà này vừa để làm vợ và cũng để làm mẹ. Buổi tối hôm đó dì còn đưa cho chúng tôi mỗi đứa ba bộ quần áo mới bảo thay đổi trong ba ngày Xuân. Tết đầu tiên không có mẹ Hoài, Hằng vẫn vô tư nói cười bên mẹ mới. Còn tôi, tôi hiểu tất cả bánh quà, quần áo chỉ là những thứ vá víu tình cảm, là một hình thức mua chuộc hay nói cho đúng để làm hài lòng bố tôi với số tiền đã lấy ra quá nhiều để tiêu xài riêng cho dì. Thế mà Hằng ngu xuẩn không biết lại cứ rúc vào phòng người ta. Tôi giận hờn:

- Vào làm gì? Rờ vú người ta à!

Hằng lại cười, lần này thì nó cuốn tròn người trong chiếc mền bông.

- Ai cho rờ mà rờ...

Mới hồi tối đây thôi, không lẽ nó chờ lúc tôi ngủ rồi lần mò qua đó? Giải đáp tạm thời làm tôi bớt lo lắng nhưng một mình trong căn phòng rộng thênh thang mà vừa xong ba tiếng nổ kinh hồn đã làm lòng tôi tràn ngập hãi sợ. Căn phòng như rộng thêm ra dù tôi đã rúc tận dưới gầm giường. Tôi đang cần bóng tối, cần chỗ chật hẹp để dấu hẳn người vào trong đó và tôi cũng cần nghe một hơi thở, một vòng tay, một ánh mắt dù chẳng còn hồn người.

Qua khung cửa bị mở rộng thêm ra vì tiếng bom dội ngược, màu sáng hỏa châu hắt hiu vàng vọt như lởn vởn bóng tử thần. Cái ánh sáng lạ kỳ len lỏi trong lùm cây bụi cỏ, quét thành từng vệt dài soi tận cùng trong hang hốc. Cái ánh sáng chui hẳn vào chỗ tôi nằm cho tôi nhìn rõ tôi, đang cuộn tròn người như con quấn chiếu. Tôi nhìn ánh sáng như kẻ phạm tội chợt nhìn thấy lửa hỏa ngục; như kẻ trộm chạy trốn những vệt đèn pin rọi đuổi. Ánh sáng khiến tôi co quắp hơn như sợ nó sẽ nấu chín tim gan. Người tôi cũng cố thu lại, bó lại, càng nhỏ càng tốt để tránh những con mắt lẩn quất đứng sau vùng ánh sáng.

Trong tích tắc im lặng, sự im lặng hãi hùng và đe dọa, văng vẳng từ đâu vọng lại tiếng gào thét của loài cọp rừng. Càng gần tiếng rống càng lớn và khi nó rà xuống sát mặt đất, khạc từng tràng đạn lửa dài vô tận tôi mới biết đó là chiếc oanh tạc cơ.

- Mẹ ơi cứu con.

Tôi ú ớ hét trong cổ họng quên cả hãi sợ khi nghĩ đã bị trúng đạn. Giờ phút này mình mẩy tôi đau nhừ, thần kinh căng thẳng quá độ bởi những máy móc giết người làm tôi chỉ phân biệt được đã bị thương hay không khi nhìn thấy máu. Tiếp theo tiếng hét là tiếng chân chạy rầm rập và những bóng đen xuất hiện vùn vụt ngoài cửa sổ. Vườn sau đàn gà tây kêu tục tục liên hồi dày xéo lên nhau, đôi cánh vướng vào những thanh sắt vây chung quanh kêu phành phạch. Cùng trong sự hỗn loạn ấy là một vùng trời đỏ rực. Cháy! Những ngọn lửa phừng phực bốc lên cao. Đúng là cháy nhà, cháy rất lớn nhưng sao không có tiếng hò hét chữa cháy? Hàng xóm chung quanh đây cũng im ắng bất động? Những bóng người và vùng lửa đỏ tạo sự bình tĩnh, tôi quên cả sợ hãi bò ra khỏi gầm giường và như mộng du lần theo ánh sáng tiến về cửa sổ.

Tôi cứ nghĩ từ cửa sổ là có thể nhìn thấy hết mọi người để không có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi và biết đâu trong những bóng người tất tả chạy đó lại chẳng có Hằng và bố tôi. Không ngờ sự thật làm tôi choáng váng. Ngoài hiên nhà dọc theo giàn hoa ti gôn rậm rịt lố nhố đầy những người. Họ lom khom bám sát vào bóng tối tránh màu hỏa châu quái ác và ánh lửa đang cháy đỏ hừng hực nhưng vẫn lộ ra những bộ quần áo lính rất lạ, đầu đội mũ tai bèo và chân mang dép râu.

Vẻ lom khom lén lút khiến tôi biết nguy cơ đang bám chặt lấy họ và cho cả chính tôi nữa. Quân giặc. Đúng rồi. Đôi dép râu và chiếc mũ tai bèo... Chân tôi nhũn ra, sự sợ hãi lan nhanh làm mặt mũi tối xầm. Giặc đã đến. Họ đang ở đây, chung quanh nhà này. Tôi run rẩy và cuối cùng quỵ xuống như gà gặp phải cáo. Từ lâu tôi vẫn chỉ thấy họ trong ti vi hoặc phim ảnh, sách báo với lưỡi lê, mã tấu và lối giết người man rợ, còn đêm nay, đêm nay mới thực sự mặt đối mặt. Hèn gì hỏa châu thả sáng như ban ngày. Bố tôi bảo một trái hỏa châu tốn kém bằng mua một căn nhà lá, đêm nay ánh sáng liên tục thi nhau phóng lên trời. Chưa bao giờ tôi được nhìn hỏa châu nhiều và cũng chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi như thế. Bố và em tôi đâu? Họ đã trốn chạy hay bị giết? Đầu óc tôi quay cuồng nên không đủ tỉnh táo để suy luận, chỉ biết rằng hình như tôi đã bị bỏ quên...

Tiếng gầm chợt rà sát xuống mái nhà và từng tràng đạn dài xé rách không gian. Dưới bắn lên trên bắn xuống, đạn quét ngang quét dọc, quét cả vào giàn hoa ti gôn, nơi có những bóng đen lẩn trốn và cũng là nơi có những chùm hoa hình trái tim màu đỏ máu. Tôi nghe tiếng rên rỉ dãy chết của ai đó mà nổi cả da gà, nghe tiếng rít đầy tham vọng và cuồng sát, nghe cả tiếng hét đầy khoái cảm khi họ đã nhắm bắn trúng mục tiêu.

Giây phút đó cả vũ trụ như bị cày nát vì những lằn đạn, đạn nổ như pháo rang, nổ như điên như khùng, nổ như muốn phá vỡ bầu trời. Cùng theo những tràng súng lớn là những súng nhỏ cũng đua theo tạch tạch đùng đùng, hình như quân giặc có mặt ở mọi chỗ và hình như lính quốc gia cũng nằm tràn đầy. Chắc chắn phải là một cuộc tổng tấn công vào thủ đô Sài Gòn cho nên mới có phản lực hỗ trợ. Phản lực hỗ trợ thì thể nào quân giặc cũng có súng phòng không bắn ra, loại đạn được chế tạo đặc biệt của Liên Sô với tính chất hút nhiệt trong một khoảng cách giới hạn. Chắc chắn chiếc phản lực đầu tiên bị bắn rớt và căn cứ phòng không bị lộ cho nên trận chiến sẽ còn kéo dài và vô cùng thảm khốc.

Quả đúng như tôi dự đoán, tiếng gầm kế tiếp xuất hiện không đầy ba phút sau, chắc chắn chúng bay cả đàn. Ôi những con chim sắt, những cánh chim cứu non sông tổ quốc, những cánh chim giết quân xâm lược, kịp lúc, kịp thời nhưng lại rất không may cho tôi, một đứa bé đang mang mặc cảm bị gia đình bỏ rơi giữa bom đạn thì thấy gì mà chẳng hãi sợ? Tôi lết vội về phía cửa phòng vì biết tình hình càng lúc càng nguy ngập, không thể nằm im ở đây chịu chết, phải tìm con đường sống bằng bất cứ giá nào. Trong cơn kinh hoảng tôi chợt thấy mình cũng có những ý nghĩ can đảm bất ngờ. Có phải khi đã kề cận với cái chết thì người ta rất tỉnh táo và quên cả hãi sợ? Tôi trườn thật nhanh như loài bò sát khi chợt nhớ ra chiếc hầm trú ẩn.

Hầm trú ẩn mẹ tôi mướn người đào từ hai năm về trước để tránh pháo kích. Từ bếp ra đến hầm chỉ vài bước, nó nằm trong khoảng sân sau gần chuồng gà tây, khuất dưới gốc ổi. Ở đây, chung quanh ai cũng có một cái hầm nhưng không rộng lớn và chắc chắn như ở nhà tôi. Có thể mẹ tôi quá lo xa hoặc nghĩ chiến tranh sẽ còn lâu còn dài nên mướn người đào thật sâu dưới lòng đất, chung quanh đặt những viên gạch lốc và trét xi măng láng bóng. Mặt hầm đổ toàn bê tông cốt sắt rồi mới lấp đất dầy đến hai thước. Cái khó là mặt hầm phải bằng với mặt đất nên thời gian để hoàn thành phải mất hơn một tháng. Hầm không rộng nhưng thoáng vì có những lỗ thông hơi và đầy đủ tiện nghi không thua một căn nhà nhỏ. Một chiếc bếp dầu, vài thùng nước uống, một bao than, một bao gạo nhỏ và khoai lang, khoai tây, đồ hộp cùng những thứ lặt vặt thau, chén đũa và ngay đến mùng, mền cũng có đủ. Nhưng bằng đó thứ có lẽ đã mốc hoặc hư hỏng vì thời gian.

Cả gần năm nay chúng tôi không còn thích xuống đó chơi bán đồ hàng, không còn trèo lên trèo xuống những bậc thang dốc đứng chỉ vì không ai chùi rửa, quét dọn sau những trận mưa lớn. Giờ này tôi mới nhớ ra cái hầm trú ẩn kể là cũng tối dạ; chắc chắn bố và em tôi đang ở dưới đó. Nghĩ đến Hằng tôi nhoài nhanh hơn nhưng chợt vướng phải một vật nằm chắn ngang lối. Chết sững đến vài giây, vài giây để nhận ra dưới vệt sáng em tôi nằm gục ngay ngưỡng cửa, tiếp giáp với phòng ngoài và bếp, sõng xoài như một xác chết. Quên cả hiểm nguy tôi chồm tới kéo cái thân thể còm nhom của Hằng, bàn tay đụng vào người nó mà cảm nhận được độ run của mình truyền sang, cái run vì trơ trọi nhiều hơn là lo cho Hằng. Vậy là dự đoán mọi người dưới hầm đều sai cả. Lúc này đây tôi mới thấy sự có mặt của bố và dì thật là cần thiết. Em tôi cần một bàn tay của người lớn săn sóc hơn của một đứa bé mười hai tuổi. Làm thế nào để đem nó xuống từng bậc thang dưới hầm và với cái xác nằm bất động kia tôi sẽ phải làm gì?

Đêm như đứng lại và thời gian cũng đồng lõa không chịu nhấc chân. Tôi lẩm nhẩm những câu vô nghĩa với mục đích trấn an cho quên tất cả hãi sợ để tăng thêm năng lực kéo Hằng về phía hầm. Cánh cửa bếp bị mở toang tự lúc nào, ánh sáng soi từng cái then cài để thấy rõ không có dấu đập phá hay cạy, bẩy. Bên ngoài hàng hiên không một bóng người di động nhưng vài cái xác đổ kềnh bất động.

- Hằng... Hằng...

Tôi lay gọi mong sao cho nó tỉnh để theo tôi bò ra tăng xê. Chỉ còn ba bước nữa thôi. Ba bước nữa là sẽ đến nơi an toàn hơn nhưng ba bước ngoài ánh sáng mà có thể chung quanh mọi người đang ẩn nấp trong bóng tối rình mò bắn nhau. Ba bước giữa những xác người nằm chết la liệt và ba bước trong giờ hấp hối tử thần.

- Hằng... Hằng...

Tôi lay gọi nhưng nó vẫn cứ nằm mê man không nhúc nhích. Sự im lặng cho tôi cảm giác rờn rợn tử thần đang đến với nó, cái im lặng mà tiếng lá rụng cũng có thể đếm được. Hình như tất cả mọi sự việc đều ngừng lại để chuẩn bị hoặc chờ đợi một cảnh chết chóc, phản ứng từ giác quan, tôi lăn vội vào và phủ chụp lên người Hằng.

- Tạch tạch tạch... Đùng đùng đùng... Chíu chíu chíu...

Từng tràng đạn bắn ngang trên đầu xoáy từng mảng trên tường làm vỡ ra bắn đầy xuống người tôi, lẫn lộn cả những vỏ đạn đồng. Tôi nằm cứng đơ như xác chết, xác lớn nằm chồng lên xác bé, hai xác chết vẫn còn biết thở dù mũi đã bít đầy bụi.

Tiếng ù ù như tiếng rống của loài cọp rừng bắt đầu quay trở lại. Lần này thì chết thôi. Tôi úp mặt vào mớ tóc bệt mồ hôi trộn lẫn đất cát của Hằng mà nghe tiếng gầm thét hãi hùng. Đạn bắt đầu khạc xuống như mưa. Lần này thì tôi chảy nước mắt thật; mọi can đảm như không còn vì biết rằng cái chết không chỉ đến một mình mà với cả em tôi.

Chiếc oanh tạc cơ lượn qua rồi lượn lại ngạo nghễ như loài cáo giữa đàn gà, hung hãn như quỷ sứ với con bệnh, rồi như tự mãn vì không còn gặp sự phản kháng, nó ngông nghênh phóng lên và vút cao. Trong giây phút lắng dịu bất ngờ, tôi bò phắt dậy lấy hết sức bình sinh kéo Hằng xềnh xệch xuống miệng hầm. Nắp hầm đóng kín mà trời thì sáng như ban ngày, người tôi nhễ nhại mồ hôi khi cố đẩy vội, nhanh và mạnh. Tay tôi trầy trụa cả ra vì móc xuống đất đá và những gờ xi măng sắc cạnh. Nắp hầm bật mở, tôi đỡ lấy Hằng để lần mò từng bậc xuống nhưng trượt chân ngã lộn xuống. Cũng may bậc thang không cao lắm.

- Con đấy hả Phượng?

Suýt nữa tôi đã kêu lên. Chưa kịp ngồi dậy thì bố đã bò đến.

- Hai đứa kéo nhau vào trong để bố đóng miệng hầm.

Nắp hầm được đậy lại, chỉ còn yếu ớt màu sáng hỏa châu len lỏi qua những ống thông hơi. Không khí lạnh và ngột ngạt của đất bưng kín lấy mũi tôi. Chợt có tiếng níu kéo rên rỉ đầy sợ hãi của dì Loan ở tận góc trong cùng. Sự mừng rỡ bỗng chuyển qua cơn thịnh nộ. Thì ra bao lo sợ cho họ không ngờ họ ở cả dưới này ôm nhau trong khi con bố, giọt máu ruột thịt thì lại đối xử quá vô tình.

Trong bóng tối tôi nhìn dì Loan ghê tởm như nhìn một đống thịt nhầy nhụa, nhìn bằng đôi mắt tóe lửa. Căn hầm bừng cháy, đất cát như đang bị nung sôi. Con mụ kia. Tôi rít trong cổ họng bằng tiếng kêu lí nhí của loài thú. Con mụ kia... Con mụ kia... Tiếng khóc vỡ tung, tôi gục đầu xuống người Hằng nức nở.

- Nín đi con, bố đang ở đây mà!

Không. Ông không phải là bố tôi. Ông không phải là người đẻ ra tôi. Tiếng khóc vẫn i ỉ, nhỏ và chậm trong khi bố đưa tay choàng qua vai tôi. Vòng tay ấm, ấm lắm làm tôi bình tĩnh trở lại. Thì ra tôi khóc, tôi giận chỉ vì ghen, ghen cho mẹ tôi, cho em tôi và ghen cho cả tôi nữa.

- Con Hằng... Con Hằng sắp chết rồi... Chỉ nói được đến đó tôi choàng ôm lấy bố run rẩy, cơn lạnh lại từ đâu lẻn vào. Nằm gọn trong vòng tay của bố tôi cảm tưởng ấm hơn cả tấm mền, hơn cả lò sưởi. Trong cái ấm êm hạnh phúc đó tôi lại chợt nhớ đến Hằng:

- Bố ơi, Hằng... Hằng...

Tôi lách người thoát ra khỏi bàn tay huyền diệu để nhường chỗ cho em tôi; bây giờ tôi mới thấy sự bất tỉnh của Hằng rất kỳ lạ.

Bố tôi bế thốc Hằng vào giữa hầm lay gọi. Người nó lạnh ngắt, lạnh như xác chết chỉ trừ nhịp tim đập.

- Em đốt hộ anh cái đèn dầu. Còn Phượng, con kiếm nùi giẻ hoặc giấy nhét vào những lỗ thông hơi cho ánh sáng đừng lọt ra ngoài.

Tôi luống cuống đứng lên và lục trong đống đồ mẹ tôi dồn vào từ hai năm về trước. Trong căn hầm tối ngột ngạt hơi đất, mọi sự như cách biệt hẳn thế giới sôi động và nóng bỏng bên ngoài. Nó âm u tĩnh mịch như một bãi tha ma mặc dù bên ngoài súng vẫn nổ đì đùng. Căn hầm lạnh như chứa cả trăm tấn nước đá, lạnh ngắt, lạnh đến run người. Mò mẫm trong vùng sáng mờ mờ, tôi lôi ra được cái mền và mấy chiếc áo đầy mùi ẩm mốc, có lẽ đã mục.

- Mau lên em, anh cần ánh sáng. Con bé nguy đến nơi rồi.

Tôi cuống lên trong khi dì Loan vẫn ngồi rũ ra như một đống thịt.

- Em... em đứng không nổi...

Có phải nỗi sợ hãi làm dì đứng không nổi hay cái chết sắp đến với Hằng đã không mảy may ảnh hưởng đối với dì? Tôi vẫn còn căm hận, căm hận lắm khi nghĩ đến điều này nhưng thôi thì hãy cứ coi như đống thịt bầy nhầy, đừng để nó ảnh hưởng đến mình mà trở thành hỗn láo. Tôi trải chiếc mền cũ cho bố để Hằng xuống.

- Con biết chỗ để diêm và đèn. Bố đi nhét giẻ vào lỗ hở.

- Không bỏ xuống được, người nó lạnh lắm rồi.

Tim tôi lại nhói lên, đau như bị ai bóp mạnh, càng đau càng thấy cái hiểm nghèo đến gần với em mình. Tôi tất tưởi chạy lại bới nát đống đồ cũ thêm lần thứ nhì:

- Bố ơi có lọ dầu cù là. Tôi khẽ reo lên khi mò xuống tận đáy của bao vải.

Chạy đến và mặc bố với chai dầu trên tay, tôi bít những lỗ sáng rồi tiếp tục tìm kiếm hộp quẹt với chiếc đèn dầu. Sự đi lại trong hầm này đối với tôi quá dễ dàng vì nắp hầm còn cách đầu tôi cả gang tay.

- Que diêm mục hết rồi bố ạ!

Giờ chỉ còn một lỗ thông cuối cùng mang ánh sáng èo ọt rọi vào chỗ tôi đang đứng.

- Con chừa lỗ này để khỏi bị ngộp thở bố nhé!

- Nếu bít kín được thì càng tốt, nhưng điều quan trọng vẫn là cố tìm cho ra cái bật lửa.

Giọng bố tôi run lên làm người tôi cũng run theo. Không thể chữa em tôi trong hầm nước đá, bằng tất cả mọi cách phải làm cho nó tỉnh dậy, bằng tất cả mọi cách. Tôi xốc tung mọt thứ mà khi xưa mỗi lần chơi bán đồ hàng với Hằng đều xếp lại cẩn thận. Con Hằng giống mẹ, tỉ mỉ hơn tôi, vật gì cất ở đâu nó cũng biết, nhiều khi ngay đến mẹ mà cũng phải hỏi nó. Chắc chắn thể nào cũng tìm được.

- Đây rồi.

Tôi reo lên mừng rỡ, ngay dưới tận cùng của bao gạo mốc là chiếc bật lửa. Không biết nó còn xăng còn đá không. Lần này chỉ có mẹ Hoài mới làm cho cháy được. Tôi lầm bầm khấn hứa khi nhét mảnh vải vào lỗ cuối cùng mang ánh sáng. Căn hầm tối đen nổi rõ từng tia sáng xẹt ra nhưng tắt ngúm.

- Mang lại đây bố giúp cho.

Tôi mò mẫm trong bóng tối với cây đèn dầu trong tay mà lòng đầy lo lắng. Xẹt... xẹt... xẹt... Ánh lửa lóe lên trên bàn tay run rẩy của bố, nó loang nhanh vào tiêm dầu và lan tràn sang đống thịt bầy nhầy co ro sát cạnh chỗ bố tôi. Đống thịt bảo đứng không nổi tìm que diêm mà lết lại chỗ bố tự lúc nào. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao bố lại không thể lên nhà dẫn chúng tôi xuống. Bố đã bị đống thịt ngãng chân, đã bị sự sợ hãi ích kỷ cản lối, đã bị những tiếng rên rỉ nhõng nhẽo không phải lúc mê hoặc. Ánh sáng loang đến khuôn mặt hốc hác của bố, chỉ mới vài giờ mà bố đã biến thành người khác. Lòng tôi xót xa, bố biến thành người khác chỉ vì lo cho chúng tôi, lo trong sự bất lực của một người cha. Bây giờ thì ánh sáng mới thực thụ dừng hẳn lại chỗ tôi muốn nhìn. Em tôi nằm sõng sượt, cả thân thể nó bọc kín trong chiếc mền hôi hám.

- Để bố lo cho em. Con đốt ít than lấy hơi ấm.

Tôi cung cúc làm theo lời bố như một cái máy. Hành động này cho tôi thoáng có ý nghĩ giống mẹ Hoài. Tự dưng mặt tôi nóng bừng lên. Còn đống thịt kia bố để làm gì? Tại sao bố không sai bảo bà ta như đã sai bảo mẹ? Tại sao bố không tỏ uy quyền của mình như đã từng làm trước mặt mẹ? Tay tôi khựng lại và ném hòn than sang một bên. Ấm là ấm cả mọi người. Vâng, ấm là ấm cả mọi người mà trong đó có em tôi. Lúc này không phải là lúc tị nạnh nhau, dù sao tôi cũng chỉ là một đứa con nít, đứa con nít thiệt thòi là chuyện dĩ nhiên, nhất lại là con ghẻ, "mấy đời bánh đúc có xương" thì đòi hỏi sao được sự thương yêu của người dưng nước lã.

- Nấu chút nước nóng nữa Phượng à!

- Vâng.

Tay tôi mồi than, nhờ có dầu hôi nên nó bén lửa một cách nhanh chóng. Khói đen tỏa mù mịt nhưng chỉ một lát vì khi một vài vệt than nổi đỏ, tôi lấy mảnh bìa cứng quạt lấy quạt để. Bên cạnh, ấm nước nhỏ cũng réo sôi. Thế là một lúc hai ba việc, một tay kéo vội lò than hồng đến chỗ em tôi nằm, mắt đã dáo dác tìm ly đựng nước nóng. Phần nước còn lại, tôi đổ cả vào chiếc thau nhôm hòa thêm chút nước lạnh để bố lau người cho Hằng.

Lúc đó da mặt Hằng đã có sắc hồng. Không hiểu tôi tưởng tượng hay màu hồng của than đã làm cho mắt tôi có những ánh nhìn không chính xác vì cục thịt nằm rũ bên bố tôi cũng có chút thần sắc trở lại.

- Em sợ giặc vô đây rút móng tay em quá anh ơi. Cục thịt di động, cánh tay khẽ lay nhẹ đùi bố tôi.

- Để im coi nào, chừng nào họ rút hãy hay.

Lần đầu tiên tôi nghe bố gắt với bà. Có thể bố tôi đã thấy khung cảnh gia đình từ lúc có sự hiện diện của tôi hoặc vì tôi lui cui lầm lũi làm không một câu than trách đã khiến bố liên tưởng tới mẹ và gợi hình ảnh so sánh. Tôi nhìn mười đầu ngón tay thon dài sơn màu đỏ thẫm và chợt có ý nghĩ thật ác độc. Nếu bàn tay đẹp mà vô dụng thì chẳng thà chặt nó đi cho khỏi vuốt ve mê hoặc bố tôi nữa. Giờ này mà bà nghĩ đến chuyện sợ rút móng tay trong khi chung quanh, cả xóm, cả làng, cả đứa con ghẻ nằm đây ngấp ngoái chưa biết sống chết thế nào thì quả là một người mang dòng máu lạnh như rắn.

- Em Hằng có sao không bố?

- Nó sợ quá nên người cứng lại, hy vọng không đến nỗi nào.

Trong khi bố lau người cho Hằng, tôi thoa dầu thêm trên gan bàn chân và bóp đều cho nó. Có máu có đau, những lúc như thế này tôi mới biết tình thương mình dành cho đứa em ruột thịt không phải là ít. Mọi chuyện xảy ra dồn dập mà bình thường nếu chỉ có mình tôi, có lẽ cũng chỉ nằm rúc một chỗ mà phó mặc cho định mệnh.

- Cho thêm than vào đi con, hơi nóng cần nhất trong lúc này...

.

Sáng hôm sau khi trời còn tờ mờ, mọi người đã lũ lượt khăn gói dắt díu nhau chạy loạn. Họ nghe thông cáo từ truyền thanh, truyền hình, những vùng nào bị quân giặc đột nhập bắt buộc dân chúng phải rời khỏi lập tức. Thế là khắp vùng Trung Chánh, Hốc Môn, Bà Điểm cho đến Xóm Mới, Hạnh Thông Tây, mọi người đều gồng gánh dắt nhau đi về hướng Gò Vấp, Phú Nhuận.

Ngoài đường người đông như kiến cỏ, lẫn vào giữa là những xe đạp, xe ba bánh chất gà, vịt, chó, heo, bánh chưng, bánh tét bít kín cả hai bên lề. Biển người hớt hải đi như sóng gặp gió lớn, bụi đỏ bay lên mù trời. Hai bên đường nhà cửa cháy rụi nằm trơ những mảng sườn đen. Thỉnh thoảng cũng có một vài căn nhà còn hình thù nguyên vẹn nhưng đạn cày đầy trên vách. Dọc theo lề đường trên những bờ cỏ khô cằn, nằm vắt ngang vài xác người trong thế co quắp, mắt mở trừng trừng như nuối tiếc sự sống. Không khí nồng nặc mùi khét gỗ, khét của gà vịt, bò heo và khét cả thịt da loài người.

Trong khung cảnh chết chóc, gia đình tôi cũng có mặt cùng biển sóng ấy. Nhà có xe nhưng xe hơi lúc này thật là vô dụng vì người ta chen chân không còn kẽ hở, bước nọ đạp lên bước kia, tay nọ nắm tay kia dắt dây dắt nhợ vì sợ bị lạc. Bố tôi cõng Hằng trên lưng bằng chiếc khăn vải buộc chéo từ sau kéo lên vai giống người Thượng đeo gùi. Hằng đã tỉnh nhưng đôi mắt vẫn lờ đờ mất hết thần sắc, sữa không uống, bánh không ăn. Nó cũng chẳng nói chẳng rằng, hai hàm răng cứ cắn chặt vào nhau, hai tay nắm chặt không thể mở và cả đôi chân lẫn thân thể cứ co quắp như bị chuột rút.

Dì Loan không còn đủ thì giờ cho chuyện làm đẹp dù chải lại mái tóc hoặc thoa chút son cho môi hồng hơn vì còn mải chạy tất ta tất tưởi đàng sau bố cho kịp. Riêng tôi, vai đeo bình sữa cho Hằng, tay dẫn con chó nhỏ cùng hoà vào đám bụi mù đặc kín những người.

Nắng chưa lên cao nhưng ngầm hăm dọa sẽ rọi cháy mọi mái đầu. Súng cối, súng trường, tiểu liên, đại liên cũng im hẳn tiếng nhưng sự im lặng giống như một ngấm ngầm sẽ khạc vào mọi người bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ tôi sống trong cảnh khổ sở, lo lắng và đói khát như thế này. Dọc đường, trong xóm ngõ không một hàng quán, không một bóng người bán hàng rong, không một xe nước đá trong khi cái khát như phủ chụp xuống tất cả mọi người. Xấp tiền và cả vàng vòng hột xoàn trong bóp dì Loan lúc này trở thành vô dụng. Tôi thèm một ngụm sữa, thèm ăn một cái bánh của mỗi bữa điểm tâm và mặc dù bụng đói cồn cào vẫn không dám uống sữa của Hằng. Giá mẹ tôi còn sống, thể nào bà cũng buộc vào lưng mình vài đòn bánh tét, đeo vài bình nước uống. Làm sao tôi có thể biết mà lo những chuyện tuy lẩm cẩm nhưng rất cần thiết, một chuyện mà trong đời chỉ có những người lớn mới có thể tiên liệu trước.

Chẳng hiểu dì Loan hay tôi đi chậm mà đám đông dài thườn thượt đàng sau mỗi lúc như một thu ngắn lại, cả những con đường nhỏ tiếp giáp cũng bớt rầm rập như lúc còn sáng sớm.

- Mình đi đâu sao đi mãi vậy bố?

Tôi sốt ruột đánh bạo hỏi vì thấy càng lúc chúng tôi càng tiến vào những phố xá tấp nập người qua lại và không hề có một vết tàn phá của bom đạn. Vậy mà bố thở dài áo não nhìn tôi, giọng chùng hẳn xuống:

- Kiếm nhà thương đưa em con vào.

Câu trả lời như một chấp nhận không than oán làm nuớc mắt tôi rưng rưng. Trong hoàn cảnh tang thương của đất nước, mọi người bồng bế nhau lánh nạn đi tìm sự sống, còn bố con tôi chẳng những tìm sự sống cho cả bốn mà lại còn phải đối diện thêm với căn bệnh khó hiểu của Hằng.

Sau biến cố, bố tôi đưa Hằng đi vào nhà thương chạy chữa cả năm nhưng vô hiệu quả. Họ bảo một sợi dây thần kinh nơi bộ não của Hằng bị chấn động làm tê liệt các bắp thịt không phát triển được. Thời gian sau này trí nhớ Hằng đã bình phục trở lại, chân tay cũng cử động dễ dàng nhưng cơ thể chẳng hiểu sao cứ mỗi ngày một héo khô, một còm cõi đi. Hồi xưa tám tuổi thế nào bây giờ mười bốn tuổi vẫn như thế ấy, cũng may mà nó nhỏ thó chứ nếu không có lẽ tôi đã phải đi nằm nhà thương vì những cú đá thần sầu của Hằng lúc mê ngủ. Thoạt đầu tưởng nó xấu thói tôi còn ngắt còn cào, sau này biết là nguyên do tại bệnh tôi cảm thấy tội nghiệp cho nó và cho chúng tôi nhiều hơn.

Từ khi ở nhà thương về, bố sắm thêm cho Hằng cái giường kê song song trong phòng tôi. Phòng không rộng nhưng giường nhỏ mà chị em tôi lại ít đồ chơi bày biện nên vẫn rộng chán. Nhưng cũng từ lúc đó, Hằng luôn đòi nằm chung với tôi viện cớ sợ ma. Thương và chiều em tôi chấp nhận sự nài nỉ của nó nhưng hễ cứ vừa chợp mắt là bị nó dùng chân quắp đau đến tận tim gan. Có lẽ bao sức lực trong cơ thể còi cọt chỉ truyền qua mười đầu ngón chân nên một khi nó xuống tấn là tôi chỉ có nước ngắt véo trả lại theo phản ứng tự nhiên. Mười ngón chân nó như những càng cua, đụng đâu là quắp đó. Bao nhiêu lần cào cấu mà nó không tởn, sáng ra có rủa xả trách móc nó chỉ cười trừ. Có đêm giận run người vì giấc ngủ bị phá liên tục, tôi bò rột dậy bật cả hai bóng điện sáng rực để nhìn xem tại sao nó lại quá quắt như thế.

Tội nghiệp Hằng, đèn sáng mà nó vẫn ngáy khò khò, mặt tươi tỉnh rạng rỡ. Toàn thân nó như chết cứng ngoài trừ hai cái đùi di động lẹ làng. Bàn chân nó cũng linh hoạt khác thường, hết đưa sang phải lại tiến tới trái như đang rà mồi. Tôi kéo chiếc gối để gần chân nó, đôi chân như có mũi, nó ngừng lại một vài giây nhận định mùi da thịt rồi mới hất rớt xuống đất. Như vậy là nó chỉ tìm thịt người để kẹp. Tôi để chân mình lại gần, lập tức những ngón chân bám sát như râu bạch tuộc và xoắn mạnh, đau điếng, đau đến tê lịm cả người, đau đến nổi điên. Tôi lôi Hằng ngồi ngay dậy bắt nó giải thích tại sao? Hằng ú ớ như kẻ bị buộc tội oan rồi khóc nức nở khi tôi khăng khăng một mực bắt nó ngủ riêng giường.

Cả đêm nó cứ ngồi dựa lưng vào tường tấm tức khóc. Chịu không nổi những dằn vặt và sự van xin của Hằng nheo nhẻo bên tai, tôi bắt nó đi vớ vào. Con bé quệt vội nước mắt cười tươi như hoa khi được phép nằm chung. Để chắc ăn nó cột cả sợi dây ngang cổ chân cho vớ khỏi tuột. Vô ích. Đã bảo đôi chân nó có mũi nên đâu thể thở được khi bị bít kín, chỉ năm mười phút sau, khi tiếng ngáy vừa thoát từ cổ họng Hằng cũng là lúc chân đi đằng chân, vớ đi đằng vớ. Lần này kinh nghiệm hơn, tôi bò sang giường Hằng ngủ. Hình như đêm nào không quắp được ai thì sáng ra Hằng mệt mỏi thờ thẫn và người chậm chạp lừ đừ như muốn bệnh. Bố tôi bảo đó là biến chứng của căn bệnh nên cần phải cho những sợi gân cử động.

Bệnh gì mà bệnh quái ác như vậy chứ? Bệnh không chịu ngủ một mình, bệnh chỉ muốn quắp chị mình cho thật đau? Với lại bố tôi có phải bác sĩ đâu mà định bệnh? Tôi nghĩ tại hồi xưa mẹ Hoài chiều nó một cách thái quá nên đâm hư đi. Ai đời đi đâu mẹ cũng phải kè kè nó sau lưng. Ngồi ăn cơm nó cũng bám sát một bên nách. Ăn uống phải theo ý nó; nó không cho ăn mà cứ ngồi lì là nó thò tay vào móc miệng. Mà Hằng có nhỏ gì cho cam, năm tuổi đầu, người ta năm tuổi cắp sách đi học còn nó cứ nhèo nhẹo phải ôm một bên. Có hôm mẹ tôi đi cầu dắt nó vào đứng chờ bên trong như thường lệ; tôi giằng ngay khi mẹ vừa đẩy cửa định bước vào. Mặt mẹ xanh và giọng yếu ớt thấy rõ:

- Đừng Phượng, nó khóc ngất đi đấy.

- Mẹ cứ tập cho nó hư đi, để con ẵm nó đi chơi.

Tôi ôm con bé chạy một mạch ra đàng trước định trừng trị đích đáng. Trong này có lẽ mẹ tôi cũng chẳng đành lòng dù bụng đang đau quặn. Mẹ hấp tấp chạy theo sau:

- Hằng... Hằng... đừng khóc nữa mẹ thương...

Mặt con bé đã xám xanh; nó oặt người trong tay mẹ tôi không thể khóc dù một tiếng, chẳng hiểu vì tức giận hay quá sợ hãi.

- Con đừng đánh em, Phượng nhé! Nó ốm yếu lắm, phải chiều thôi.

Có lẽ vì được nuông chiều quá sức nên biến cố Mậu Thân xảy ra nó chịu không nổi. Vâng, có lẽ tại thế và cũng có thể tại mẹ tôi đã chết đi. Sự chết của mẹ như lấy phân nửa phần sống của nó.

Tôi thương Hằng, thương vì nó quá yếu đuối, thương vì nó hiền lành lại có khuôn mặt giống mẹ tôi như khuôn đúc và cũng thương vì căn bệnh ngặt nghèo. Sở dĩ tôi gọi là ngặt nghèo chỉ vì cho đến nay bác sĩ vẫn chưa tìm ra đúng bệnh để chữa trị. Không tìm ra thì biết lối nào chạy chữa trong khi bệnh mỗi ngày một thêm biến chứng lạ lùng. Những ngón chân của Hằng không còn cử động nhanh nhẹn mà thay vào đó cả bàn chân. Bàn chân Hằng khi ngủ như một cầu thủ football chuyên nghiệp. Có điều dân football gặp banh mới đá còn Hằng chỉ thích đá người. Nó đá cú nào cú nấy đau thấu tận mây xanh và trăm lần như một tôi đều văng ra khỏi giường. Đau và bực nhưng càng đau lại càng thương nó hơn; nếu tôi đau để nó được sống thêm năm mười năm thì cái đau ngoài da thịt nào thấm thía gì.

Mười tuổi, Hằng vẫn không thể đi học dù nó rất muốn đến trường và nghe những chuyện cổ tích. Ngoài việc học tôi dành tất cả thời giờ còn lại cho Hằng. Có nó tôi không còn cảm thấy cô đơn lạc lõng, cũng chẳng thèm chú ý đến công việc của dì Loan và có nó chúng tôi như hai con sâu rúc trong tổ kén, cái hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng thật đầy đủ ý nghĩa.

Trời chẳng chiều lòng người, mấy năm gần đây bệnh của Hằng lại chuyển sang trạng thái phong giật. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ tại sao khi xưa ngón chân Hằng lại thích quặp người khác? Tại sao từ ngón chân lại chuyển qua bàn chân để rồi giờ đây lan khắp cùng người? Bệnh phong giật không chết được, tôi thấy có nhiều người từ nhỏ cho đến khi già vẫn kéo dài căn bệnh, có điều nó không xảy ra quá lâu và quá liên tục như em tôi. Mới đầu tôi còn tự một mình giữ tay, giữ chân cho nó để sự giãy giụa, co, đạp quá lâu không làm trầy rách da thịt. Về sau phải có sự giúp sức của dì Loan và cuối cùng thêm cả con Bê, đứa ở bố mới mang về. Gọi nó là đứa ở cũng không đúng vì thực ra mướn người ở là phải trả tiền; mà tiền bố có đâu vì dì Loan đã phá trong vài ba năm đầu. Bê là cháu rất xa của mẹ Hoài. Tết Mậu Thân cả gia đình nó bị pháo kích chết ngoài trừ ngoại và nó. Vài năm sau ngoại nó cũng đi theo ông bà để nó lang thang nay ở thím này mai ở mợ kia làm con ở không công nhưng vẫn bị đối xử tàn tệ như kẻ ăn bám. Lạc lõng lang thang tình cờ gặp bố, thương hại, bố mang nó về và được dì Loan nhiệt liệt tán thành. Một miệng ăn đối với gia đình này có thiệt hại gì trong khi nhà lại có kẻ hầu người hạ. Con Bê to lớn như cái tên của mình. Người nó núng na núng nính những thịt nhưng làm việc lanh lẹ và khéo chiều lắm. Nó được lòng tất cả mọi người.

- Bà để một mình con giữ cũng được.

Bê xắn cao tay áo như sẵn sàng tham dự vào cuộc chiến không có đối thủ. Nó nằm vắt ngang cái thân to ễnh qua đùi Hằng, hai bàn tay cử tạ đè chắc lên đôi cánh tay yếu ớt như chân gà. Tôi ứa nước mắt, khi bị phong giật, sức mạnh của một con gà vẫn không thể so sánh với con bò mộng thế mà em tôi vẫn phải cần cái xác to lớn kia đè xuống. Thân thể đó đè lên tôi chỉ một thoáng đã muốn tắt thở nói chi đến chuyện nằm trên tấm thân còm cõi yếu đuối của Hằng kéo lê từ ngày này sang ngày khác. Cơn giật mạnh và đều đến nỗi người con Bê rung lên như ngồi trên chiếc lò so. Tôi ngồi cách đó cả hai gang tay mà cũng bị ảnh hưởng nhưng sự rung động của tôi từ lòng, từ tim và từ các mạch máu. Nhưng đối với dì Loan, chỉ chờ có thế dì vội vã đứng lên thở hắt như vừa trút xong gánh nặng và vội vàng đi rửa tay. Ai đụng vào người Hằng mà chẳng phải rửa tay vì đang khi giật người nó ướt đẫm như tắm. Mồ hôi thấm qua quần áo, qua gối, qua khăn trải và ngấm cả xuống mặt nệm. Sức lực nào còn, thân thể nào còn và trí óc nào sáng suốt nổi khi cơn giật đôi lúc kéo dài gần hai tiếng? Mỗi lần Hằng lên cơn cho đến khi dứt cơn là mỗi lần chúng tôi, cả con Bê cũng cùng đứ đừ vì mệt.

Hàng năm bố tôi đều thay nệm mới, thay càng nhiều sự lo lắng của tôi càng tăng. Tôi biết chẳng còn bao lâu nữa... Vâng, chẳng còn bao lâu nữa... Nếu Chúa không để cho Hằng sống thì hãy cất nó về cùng Chúa để tránh những cơn đau đớn của thể xác. Tôi đã khóc trong từng cơn phong giật của em tôi để rồi thầm thĩ kêu xin trong tột cùng của khổ đau vì tôi biết chỉ có Chúa mới cất được gánh nặng cho nó...

- Nghe chị Phượng nhé!

Hằng nhắc lại và ngồi nhỏm dậy dựa vào vai tôi. Tôi ôm lấy nó vuốt lên những sợi tóc rối đỏ như râu ngô mà lòng chỗi lên niềm đau. Trông nó không khác gì một con mèo nhỏ, con mèo bệnh hoạn ốm yếu không còn sức sống và không mang hình thù loài người. Nó mặc chiếc áo ngủ khá rộng để hở khoảng ngực lép xẹp phô diễn gượng ép trọn bộ xương sườn. Tuổi mười bốn. Ai nghĩ nó tuổi mười bốn hay chỉ là đứa trẻ lên tám? Hằng đẹt. Đẹt một cách thảm thương, đẹt một cách tội nghiệp. Hai chị em cách nhau bốn năm nhưng tôi không dám nhìn nó để so sánh, có một cái gì uất nghẹn đè trong lồng ngực nếu nghĩ ông trời đã quá bất công.

- Uống thuốc chưa vậy Hằng? Hỏi để mà nhắc chứ tôi ngồi trang điểm ở đây từ lúc nó còn đang ngủ.

- Tí em uống.

- Phải uống ngay để chận không thôi nó lại giật cho nữa bây giờ.

Giọng tôi oai lắm nhưng không thể làm cho nó sợ tái mặt đi nếu không nghĩ đến cơn giật hàng ngày. Ai bị dẫn đi tra tấn mà không sợ? Còn em tôi, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Tôi thở dài quay đi không dám nhìn vào đôi mắt thiểu não của nó.

- Chịu khó đi Hằng, chẳng thà khó nuốt còn hơn thân xác em bị hành hạ đau đớn.

Tôi đang ru ngủ Hằng cũng như đang lừa dối tôi. Thuốc không khó uống, so với cơn giật hành hạ thì một vốc thuốc có nghĩa gì? Hơn nửa tháng nay, bác sĩ cho nó đủ loại thuốc an thần với mục đích làm tê liệt thần kinh. Chính vì làm tê liệt nên nó không còn giật triền miên nhưng người cứ lịm dần, lịm đi mãi để rồi khi tan thuốc, tỉnh dậy lại biến thành một con bệnh khác. Thuốc trị bệnh hay thuốc giết người? Thuốc làm em tôi phục hồi sức khỏe hay đưa về gần với Chúa? Với thân xác bé nhỏ còm cõi và một tâm hồn trong sáng thánh thiện ấy, em tôi sẽ phải là thiên thần, thiên thần với đôi cánh bay cao, em phải được hưởng hạnh phúc thiên đàng sớm hơn mọi người. Hằng chết là giải thoát cho thân xác khỏi những đớn đau nhưng sự ích kỷ từ tình thương khiến tôi muốn níu kéo thời gian sống của em mình. Dù thế nào đi chăng nữa tôi cũng không muốn em tôi chết, tôi không muốn phân nửa thể xác của mình lại lịm tàn khi Hằng không còn trên cõi đời này. Nhớ có lần tôi hỏi bố:

- Tại sao bố không mang em Hằng ra ngoại quốc chữa bệnh?

Tôi biết bố sẽ cho là tôi ngớ ngẩn. Tiền đâu, khả năng đâu và tình thương đâu? Nhưng tôi vẫn cứ hỏi, hỏi để nghe bố nói dối:

- Ngày xưa bố đã mang Hằng vào nhà thương có cả toàn bác sĩ ngoại quốc chữa trị nhưng họ cũng đành bó tay.

Bố dùng tiếng ngày xưa như một gián tiếp nhắc nhở cái ngày xưa là lúc mẹ Hoài vừa mới mất, núi của chưa cạn còn bây giờ không phải ngày xưa mà là ngày nay, đang sống với dì Loan, con mọt gỗ đục đẽo, con giòi rút rỉa.

- Sao bố không đưa Hằng vào nằm trong Chợ Quán ít tiền hơn cho đến khi nào không còn hy vọng được nữa hở bố?

- Nằm trong ấy rồi ai coi sóc?

- Bố, con và con Bê. Ba người sẽ thay phiên nhau...

Tôi lại mang những viên kẹo rẻ tiền ra dụ người lớn. Bố tôi làm gì có tiền ít tiền nhiều và thời giờ cho Hằng. Ngoài công việc giao dịch, bạn bè, thời giờ còn lại ông dành cả cho dì Loan. Tiền bố làm ra, được đồng nào dì nắm chặt đồng nấy nên có theo chân vào sòng bài, bố cũng chỉ đứng ngoài chầu rìa hoặc cổ động cho dì thêm mạnh tay sát phạt. Con Bê thì phải ở nhà lo cơm nước giặt giũ, hầu hạ bà thầu khoán Hoàng Báu. Chỉ có tôi ngoại trừ ngày bốn tiếng ở trường...

- Hay là mình con ở đấy trông nó cũng được. Tội nghiệp Hằng bố ạ, con sợ nó khó sống...

Lúc ấy tôi nhìn bố rưng rưng nước mắt, lòng mang đầy lo âu khắc khoải và những mơ ước là làm sao có thật nhiều tiền một cách nhanh chóng để đưa em tôi đi nhà thương ngoại quốc, mơ có nhiều tiền biếu bố tôi để ông đừng bị dì cằn nhằn cấu xé. Thế là ý nghĩ lấy chồng giàu lại bùng lên mãnh liệt...

- Chị Phượng ơi em không uống thuốc đâu, thuốc làm em mệt lắm.

Tôi co rút người lại theo mỗi câu nói của Hằng. Hình như dạo này sức lực của nó chỉ thoát ra từ cửa miệng.

- Mệt nhưng không đau, em nhìn chân tay của em kìa Hằng, cổ tay thì chai đen còn gót chân đầy những máu mủ vì vết thương bị động kinh mãi không sao lành được.

Hằng không nói chuyện đó nữa. Nó thoát ra khỏi vòng tay của tôi rồi kéo gối dựa lưng vào tường, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi bỗng sáng ra khi dừng trên khuôn mặt tôi, khuôn mặt vừa mới trang điểm kỹ lưỡng bằng một loại phấn của Nhật. Nó nhìn không chớp mắt:

- Chị Phượng đẹp quá!

Câu khen không làm tôi hãnh diện mặc dù tôi rất thích được nghe những lời đó phát xuất từ miệng của những người đàn ông nhưng Hằng... đừng...

- Hôm nay chị bôi cả nước hoa nữa, thơm kinh khủng.

Mười bốn tuổi, tôi có nghĩ và nói những lời ngô nghê kia hay đã biết tự tay sắm những thứ vặt vãnh, tỉ mỉ của con gái cất dấu trong phòng? Mười bốn tuổi tôi đã có những lá thư tán tỉnh vụng về của những đứa học chung lớp và mười bốn tuổi đã biết mắc cở khi đang ăn trái cóc hay trái ổi bất chợt nhìn thấy đám con trai đi ngang.

- Đám cưới chắc vui lắm chị Phượng nhỉ! Em chỉ mơ ước có một lần.

Em mơ ước có một lần? Niềm mơ của nó trọng đại lớn lao như những niềm mơ của người con gái sắp sửa được lấy người mình yêu.

- Hằng, người tôi run lên vì sự mơ ước khốn khổ kia, chị cho em hết nước hoa và những hộp phấn trong tủ để đổi lại em phải ở nhà ngày hôm nay. Cả quần áo nữa, cái nào vừa em cứ lấy mặc Hằng nhé! Đừng nói thêm gì nữa hết, chị phải đi không thôi trễ giờ, quá trễ rồi. Để chị dặn con Bê coi cho em uống thuốc và ăn sáng. Hằng, chị đi chiều sẽ mang bánh phu thê và hoa cô dâu về cho em... Hằng... Hằng...

Tôi nói không ngừng không nghỉ để Hằng khỏi chen vào, vừa nói vừa vội vã mặc áo rồi thoăn thoắt bước ra khỏi phòng như trốn chạy đôi mắt buồn bã của em tôi. Mà trốn chạy thật sự, trốn chạy tia mắt khao khát, trốn chạy những lời nói non dại của Hằng và trốn chạy cả lòng tôi. Lòng tôi đang đau, nỗi đau cứ cuồn cuộn dày xéo với cơn bệnh triền miên không bao giờ dứt.

Dì Loan không thể lái xe đưa tôi đến nhà Tuyết viện cớ con đường lầy lội xe sẽ bị lún bánh. Cũng có lý vì chẳng ai điên dại lái chiếc Mercedes đen loáng vào trong một con ngõ dơ bẩn đầy đất đỏ, chẳng những giảm giá trị chiếc xe mà còn giảm luôn cả vẻ sang trọng của người ngồi lái. Tôi nhún vai tỏ ý bất cần nhưng lòng sôi sục. Phải chăng bà cố tình dùng mọi hình thức dù thật trẻ con để cản trở bước chân tôi? Bố tôi đi vắng thì ai có quyền hành đối với con gái của ông?

- Chị đi thật đấy à!

- Vâng, thưa dì.

Tôi không quay lại nhưng nhũn nhặn trả lời và tỉnh bơ kéo hai ống quần trắng cao lên.

Từ cổng, tôi phải đứng chờ đến mươi phút mới đón được cyclo đạp sang nhà Tuyết. Nhà tôi cách nhà Tuyết khoảng hơn một cây số. Kẻ giữa xóm Hạ, nhà nó, đứa cuối xóm Thượng, nhà tôi. Chính ra nếu không có cơn mưa hôm qua thì tôi đã lấy xe honda đi cho tiện nhưng con đường dơ bẩn kia sẽ theo bánh xe quay tròn tung những vệt bùn nhuộm kín màu áo và không chừng còn bị té dọc đường vì quá trơn cũng nên.

Tôi vào nhà Tuyết giữa lúc mọi người đang chuẩn bị chờ đàng trai đến đón dâu. Len vào giữa đám đông xa lạ tôi gật đầu chào khi bất chợt có ai nhìn thấy mình. Thanh Huyền đang ở trên gác nhìn thấy tôi nó chạy bay xuống lôi lên vừa cười vừa hí hửng khoe:

- Đổi thằng phù rể mới rồi. Thằng này ga lăng, chịu chơi và tán gái một cây chứ không cù lần như thằng hôm qua.

Cơn phiền muộn bay bổng đâu mất, tôi hòa niềm vui trong cái vui của mọi người.

- Đầu mày đặc những chuyện trai gái mèo mỡ. Tôi cào vào tay nó.

- Mèo mỡ gì? Giữa ban ngày trời sáng trưng có tất cả mọi người mà bảo là mèo mỡ à?

- Vậy ra nó đã tán mày? Tôi nhìn Huyền, hôm nay nó xinh xắn hơn hôm qua, có lẽ nhờ màu áo đỏ với loại gấm mềm mại làm cho người nó có vẻ mảnh mai và dịu dàng hơn.

- Nó tán cả đám con gái.

- Trên đó đông lắm hả? Tôi đứng lại giữa lưng chừng cầu thang.

- Đầy, thế mới đểu chứ! Cái thằng chính ra phải theo chú rể để đón dâu ai ngờ làm bộ lạc đường xông xáo đi vào phòng lại còn trêu ghẹo mọi người. Vừa xong bị ông già con Tuyết "kéo cổ" xuống bắt về nhà đàng trai để cho kịp giờ rước dâu.

Vừa thấy chúng tôi ló đầu lên, Tuyết réo to:

- Dữ không, tao tưởng mày lặn mà tiếc thương cho cái số tình duyên lận đận.

Trong phòng đầy các cô, mỗi cô ngồi một góc trang điểm chải chuốt, mặt đẹp và tươi như hoa cười, áo xanh, áo tím, áo vàng sặc sỡ như những nàng bướm. Ngày cưới mà, cơ hội để gặp gỡ các chàng, biết đâu ngày vui của cô dâu lại cũng chính là ngày vui của họ. Tôi đứng ở cạnh bàn phấn nhìn Tuyết tiếp tục trang điểm; miệng nó vẫn không ngừng nói.

- Vừa kiếm được thằng phù rể độc đáo. Nó là chú họ của thằng Dũng mới về phép tối qua, trung úy hải quân, bay bướm, lả lướt và đẹp trai ác.

- Nó tài giỏi thế bằng này đứa ôm không hết sao còn đến lượt tao?

- Biết đâu đấy!

- Ừ, biết đâu đấy...

Hai đứa tôi nheo mắt nhìn nhau, Huyền cũng chen vào:

- Kỳ này hai phù dâu không chừng đánh nhau.

- Đánh với đấm gì cho mệt, tao nhường cả cho mày đấy Huyền ạ! Được xơ múi gì mà ham, mày xem chung quanh ai mà chả đẹp hơn tao với mày?

Biết tôi đùa, cả đám con gái cười rộ. Mỗi người góp vào một câu ồn ào như chợ cháy. Tôi định bỏ xuống nhà dưới nhưng lại đứng tần ngần giữa cầu thang. Dưới nhà tiếng cười nói, chào hỏi oang oang. Không khí của ngày cưới vui như thế này sao? Tôi lơ đãng nhìn thiên hạ lên xuống mà suy nghĩ về tương lai của mình. Mai này... nếu mai này tôi lấy một ông chồng già, có lẽ họ hàng hai bên sẽ xấu hổ khi phải đi dự tiệc. Họ sẽ có những nụ cười gượng gạo, có những đôi mắt khắt khe để biến thành châm biếm, có những lời nói môi miếng, giả tạo làm cho khung cảnh sẽ trở nên khôi hài kệch cỡm. Nếu tôi lấy chồng già...? Có nên thay đổi ý định điên rồ này không...?

- Đàng trai tới rồi, xin mời quý chức ra ngoài cửa đón tiếp.

Tiếng nói trong máy ồm ồm như con vịt bị khàn làm không ai không che miệng cười. Tôi vội bước lên gác. Tuyết đã trang điểm xong; mặt nó rạng rỡ với chiếc áo dài nhung và khăn hoàng hậu mầu vàng.

- Mày làm gì xuống luốt dưới đó vậy Phượng?

- Tao chờ thằng phù rể hải quân. Tôi cười pha trò.

- Tao thấy thằng này được, hy vọng nó sẽ làm cho trái tim đá của mày có tí ti rung động.

- Thì mày cứ cầu xin; có điều lương lính chẳng được bao nhiêu, lấy về rồi tao sẽ phải nai lưng đi làm như mày thì chán bỏ xừ.

Lời nói chơi của tôi không hợp lúc nên Huyền nhăn mặt nhưng Tuyết vô tâm hơn nó cứ cười, cười bằng mắt, bằng miệng và cười cả bằng lời nói. Giọng nó thánh thót như chuông ngân. Tình yêu! Ôi tình yêu quan trọng đến thế sao?

- Đàng trai đã đến.

Vài người chạy vội lên báo tin, không khí đang vui vẻ cười nói bỗng yên lặng và trở nên long trọng một cách khác thường. Chúng tôi, ngay cả Tuyết cũng lấy lại điệu bộ, tác phong của người lớn, sẵn sàng xuống trình diện trước hàng trăm con mắt dòm ngó mà trong đó thể nào lại chẳng có đôi mắt của thằng chú hải quân. Cũng may con Tuyết đẹp quá; nó sẽ làm lu mờ những người đứng chung quanh, nhất là tôi và Huyền, hai sắc đẹp thật khiêm nhường. Chả vậy mà hôm qua lễ cưới nhiều bà đứng đàng sau xì xầm:

- Rõ mà khéo chọn hai cô phù dâu cùng xấu như nhau.

Chúng tôi xấu hay tại Tuyết đẹp? Có lẽ cả hai vì cho đến giờ này Thanh Huyền cũng chưa có bồ.

- Mười tám tuổi Phượng nhỉ! Hay là sau này mình cưới nhau hai đứa về ở chung?

Huyền thường đùa nhưng giọng chất chứa nhiều cay đắng. Ở tuổi này, tuổi đẹp nhất, dễ thương nhất mà chưa có người để ý là "tiêu", chẳng ế thì cũng làm bia cho miệng đời cười thỏa thích.

- Cô dâu chuẩn bị xuống chào quan viên hai họ rồi còn đi về bên ấy. Một bà lớn tuổi mặc áo nhung nâu ì ạch trèo vài bậc thang gỗ nói vọng lên.

Tôi vuốt lại những lọn tóc và nhìn mình thêm một lần nữa trong gương. Chính mình còn không hài lòng với sắc đẹp của mình thì đàn ông nào thương cho được. Dẫu biết rằng thương bởi tính bởi nết nhưng sắc đẹp là một cục nam châm có sức hút mạnh nhất. Đàn ông không tiến gần mình được thì làm sao tìm hiểu để mà thương yêu...?

- Xuống đi, lẹ lên Phượng.

Huyền đánh vào vai tôi đến lần thứ hai.

- Con này, mày đang nhớ bồ hả hay đợi thằng phù rể lên ẵm xuống?

Tôi giật mình với bóng Huyền trong gương nên cử chỉ đâm ra lúng túng như người phạm tội. Tại sao tự dưng hôm nay lại cứ nghĩ đến chuyện đâu đâu, xưa nay có bao giờ tôi dự định sẽ chọn người mình yêu để lấy? Tại đám cưới Tuyết hay tại trong lòng tôi đang có sự thay đổi?

Từ trên cao nhìn xuống, tôi nhận ra ngay thằng chú hải quân đứng bên Dũng với cánh hoa trắng cài trên ngực áo. Tóc hắn hớt cao kèm theo đôi mắt nhỏ hơi xếch trông khá ngổ ngáo. Đôi chân mày rậm và nụ cười đỏm dáng cho tôi cảm tưởng tay này chẳng phải vừa. Tôi lừ mắt khi hắn mỉm cười hiền lành với tôi, sự hiền lành giả tạo vì một con cáo già thành tinh có dấu diếm hay cách mấy cũng không thể biến thành con mèo đang ngủ. Thanh Huyền húc cùi chỏ vào ngang hông tôi đau điếng:

- Ê, nó chịu đèn mày rồi đấy. Lúc nãy láo lếu cả với tao thế mà bây giờ... dơ dáng chưa, lại còn khoanh tay như con nhà tử tế.

Tuyết đưa tay che miệng cười vì Huyền nói khá lớn.

- Tao có nói sai đâu mà mày đỏ mặt? Ơ thì ra mày cũng chịu đèn nó rồi. Đúng là nuôi khỉ dòm nhà. Ối giời đất ơi thế thì có khổ thân tôi không cơ chứ. Nuôi cho cò béo rồi cò cũng bay...

Thanh Huyền nhái giọng Bắc y hệt mấy bà dữ dằn ở tỉnh Hà Đông làm đám con gái đứng phía sau không sao nín cười. Như thế thì còn ra thể thống gì nữa, tôi đá nhẹ vào gót chân nó:

- Ngậm cái miệng cá ngao của mày vào một chút coi, đây đâu phải lớp học mà giỡn hớt kiểu đó.

Lũ nhóc ở đàng sau lại được dịp rúc rích cười, cũng may người lớn đang rào rào vỗ tay khi ông đại diện nhà trai vừa dứt lời. Bọn chúng tôi nghịch ngợm vỗ tay theo. Đối diện, hắn cũng gỡ vòng khoanh và vỗ hai đẫn gỗ đẽo khá công phu vào nhau kêu đồm độp...

Lễ rước dâu cử hành cũng khá lẹ làng vì cả gia đình hai bên đều đồng lòng cắt bớt những nghi thức rườm rà không cần thiết nhưng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi ít nhiều sự phô trương bên ngoài. Mẹ chú rể mở hộp đựng đồ tuế nhuyễn lấy ra sợi dây chuyền vàng một lượng đeo cho con dâu dù hôm đám hỏi cũng đã đeo cho nó đủ bộ. Bên gia đình Tuyết, mẹ nó cũng long trọng đeo vào cổ nó cái kiềng vàng hai mươi bốn chạm trổ trông thật xinh xắn làm Tuyết cười tươi như các ả đào được đeo tặng vòng hoa danh dự. Bà lại còn đeo vào tai nó một đôi bông đính hột sa phia đỏ làm tăng thêm phong cách cao quý của cô dâu. Chính ra nếu khắt khe dòm ngó, nó không được quyền đeo bông tai vì đôi bông tượng trưng cho sự trinh trắng của con gái. Chẳng hiểu ai đã đặt ra luật lệ quái ác đó và ai đã dùng tiết hạnh của người đàn bà để định số phận hẩm hiu cho họ? Tuyết ở trường hợp ngoại lệ, một đứa bé con bị hiếp trong nhà cầu nên may ra... Chỉ may thôi vì biết đâu ngày mai lại mặt, đàng trai gửi sang cái đầu heo với hai tai bị cắt thì đúng là xấu mặt họ nhà gái. Sau mẹ Tuyết là đến cậu mợ, chú dì, mỗi người một món quà, một lời nhắn nhủ và những tiếng vỗ tay cứ ào ào nổi lên, liên tục không ngừng như thúc dục mọi người ra xe đến nhà đàng trai.

Tôi vẫn đứng sát bên Tuyết, như để giúp tăng thêm vẻ mỹ miều cho nó và như để thách thức những tên con trai rằng sắc đẹp tôi kém cỏi và trái tim chai đá thế đấy, đừng tốn thời giờ vô ích.

.

Đang tiệc cưới, sau khi mẹ Dũng dắt cô dâu chú rể đi rót rượu chào bàn, bọn chúng tôi kéo nhau lên lầu nghỉ ngơi để chờ bữa tiệc chiều. Nhà Dũng khá rộng nên mọi huyên náo vui nhộn dưới nhà không ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi.

Tuyết cởi bỏ áo đầm hồng, trong tiệc cưới kể ra nó cũng chịu khó thay đến ba cái áo, bỏ vớ bỏ mũ nằm ngay đơ trên giường. Chiếc giường có vẻ lạ; nó không có bốn cọc cao để giăng mùng mà ngay trên nóc là một vòng tròn túm chặt lấy đầu mùng. Thân mùng nằm thõng trông như chàng nghệ sĩ có bầu được thắt bằng sợi dây to bản gắn dính vào tường.

- Cái gì thế kia Tuyết, dây thòng lọng hay cái còng chân? Tôi đưa tay chỉ.

- Cái gì thì cái, rồi mày cũng có thôi. Thanh Huyền phát mạnh vào mông tôi trước khi trả lời.

Tuyết cười pha trò:

- Nghĩ gì thì nó thành nấy, riêng tao đang nghĩ đến cái vòng lục lạc trên tay baby.

- Hả? Cái gì? Tôi ngỡ ngàng kêu lên.

- Chuyện con cái mà mày kêu lên như cháy nhà. Cởi áo ra không nhăn hết bây giờ. Thanh Huyền kéo tôi đứng dậy.

Bọn tôi, ngoài trừ chú rể còn đang nhậu nhẹt với chúng bạn thì chỉ có mỗi ba đứa.

- Áo đâu mà thay?

- Có hay không cũng phải cởi ra để chiều xuống đấy nhăn nhúm không giống ai.

Huyền máng áo dài trên móc, lưng nó tròn lẳn những thịt. Không hiểu nó muốn khoe nửa thân trên đẹp ngang ngửa tượng thần vệ nữ hay không biết mắc cở là gì.

- Người mày đẹp thật, tao nhìn mà muốn nuốt trửng.

- Xạo cho cố, nếu đẹp thiên hạ đã nuốt từ lâu đâu đợi đến giờ này. Mày đừng vờ làm cóc khen ãnh ương nữa. Chán bỏ xừ. Cởi áo ra.

Thanh Huyền đến sát bên tôi đưa tay như muốn giựt tung nút cổ. Lạ thật, tại sao nó lại cũng muốn tôi ở trần như nó?

- Không. Tôi lùi lại và hét to.

- Không thì thôi chứ làm gì mà gào như cháy làng vậy. Báu bở lắm mà tao cần nhìn.

Tôi biết rồi, thì ra nó muốn có sự so sánh. Tuyết thấy hai đứa tôi giằng co nó nhỏm dậy kéo va li lại gần:

- Của hồi môn của tao chỉ có mấy cái áo cánh, cho chúng mày xâu xé hết.

Tuyết quăng cho chúng tôi mỗi đứa một cái rồi lại nằm xuống giường. Căn phòng quá nhỏ chỉ kê vừa đủ chiếc giường đôi, một tủ áo và sát tường là tấm ri đô kéo ngang, có lẽ để che những đồ vụn vặt hoặc là nơi thay quần áo.

- Tao nằm với nhé! Có kiêng cữ gì không?

- Kiêng con khỉ gì, tao nằm ở đây mấy lần rồi.

Vừa nằm xuống nghe tin chấn động Huyền bật ngồi dậy:

- Nằm mấy lần? Sao mày nằm được? Mẹ thằng Dũng cho nằm hả và chúng mày đã có gì chưa?

Nó hỏi cho một hơi với vẻ mặt nghiêm trọng làm tôi bật cười:

- Xảy ra thì chỉ có nó với thằng Dũng biết. Ai ngu đem kể mà mày hỏi?

- Tao sẽ thọc léc bắt nó phải kể. Không kể không làm người và không kể tao bỏ buổi tiệc tối nay.

- Đừng có rối, chúng mày muốn thì tao kể cho mà nghe, có điều nghe xong ráng tu đừng có lấy chồng. Hãi không chịu được.

- Mày yêu nó mà cũng hãi chuyện đó à? Tôi ngớ ngẩn hỏi.

- Kỳ lắm Phượng ạ! Tao cứ nghĩ yêu là ôm ấp hôn hít ai ngờ còn phải có cái chuyện kia, chuyện trần truồng giữa ban ngày thấy kỳ... kỳ quá!

- A! thì ra mày còn mắc cở nhưng kể cũng gan thật dám thử trước, lỡ nó không lấy mày thì sao? Mặt Huyền vẫn không giảm chút nghiêm trọng, cứ y như mẹ chồng hỏi cung con dâu.

- Không lấy thì thôi chứ tao cũng mất tỏng tòng tong thì cố giữ để làm gì?

Mặt Tuyết thoáng có sắc buồn khi trả lời. Chuyện gì đây? Tôi ngồi dậy và lôi theo Tuyết:

- Chuyện đó ghê lắm sao mày sợ hãi vậy?

- Ghê thì không ghê nhưng nó kỳ kỳ. Đàn ông sao lắm trò thô tục quá.

- Mà nó đã làm gì? Huyền hỏi sẵng, cứ úp úp mở mở bực ơi là bực.

- Nó làm chuyện vợ chồng. Cứ lấy chồng thì biết ngay cần gì phải hỏi.

Nghe Tuyết gắt, tự dưng tôi liên tưởng đến chuyện xà bông Bạch Tuyết và những ích kỷ, ghen hờn ngấm ngầm của Dũng đã xảy ra. Đàn ông trăm người như một, chưa cưới được mình thì nói ngon nói ngọt, hình như chỉ nói theo sách vở, tiểu thuyết hoặc cố làm ra vẻ ta đây cao thượng chứ trong lòng đã có sẵn những chấp nhất nhỏ nhen chỉ chờ dịp là bung ra. Tuy không than thở gì nhưng nhìn sự buồn bã của Tuyết là tôi hiểu hai đứa đã có chuyện. Tồi. Hạng đàn ông chỉ nghĩ đến trinh tiết của vợ mình để cắn cấu, xâu xé cho thỏa mãn sự ghen hờn thì quả là tồi.

- Tuyết, tao tưởng mày hạnh phúc lắm khi lấy nó?

- Thì hạnh phúc chứ sao nhưng cũng có thể tại tao chưa quen cảnh đó. Vậy mà không hiểu ông bà mình cứ bảo cặp nào lỡ ăn nằm với nhau rồi có giết chết chúng cũng không nhả. Mày nghĩ ẩn ý gì? Xác thịt hay tình nghĩa?

Tôi lờ câu hỏi vì muốn khám phá sự thật trên đời có tình yêu như nó đã nói nên hỏi ngược trở lại:

- Có nghĩa là mày đang hoang mang về tình cảm của mình?

- Hoang mang thì không nhưng tao thấy rõ cuộc sống vợ chồng ngoài tình yêu ra thì tình dục cũng không kém phần quan trọng.

- Như vậy nếu không hợp chuyện ăn nằm, chúng mày có thể tan vỡ?

- Không tan vỡ nhưng hạnh phúc khó nắm giữ. Giờ tao mới hiểu tại sao đàn ông lại lắm vợ và chuyện chồng mình có mèo mỡ hay vợ bé con mọn lại được người đời dễ dàng chấp nhận.

- Mới lấy nhau chưa được vài giờ mà sao đã bi quan như vậy? Mà đã sợ sao còn lấy? Ai bắt mày phải lấy chồng đâu?

- Tại tao thương...

Có lẽ Tuyết chỉ biết bào chữa sự ngu dại của mình bằng ba tiếng "tại tao thương". Thương thì vung méo cũng thành tròn, nồi sứt sẹo mất quai cũng thành lành lặn.

- Tuyết, Huyền hỏi giật giọng, tao nghĩ thằng Dũng cù lần không biết cách làm cho mày sung sướng và thỏa mãn. Bắt nó đi bác sĩ khám.

- Riêng tao lại nghĩ khác, tại mày mơ mộng quá nên khi đụng chuyện thực tế thấy chán ngẫm thế thôi. Mai này chuyện ấy quen đi, đêm nào không có không ngủ được. Tôi pha trò để Tuyết vui ai ngờ nó chồm lên vật tôi ngã nhào xuống giường:

- Con khỉ, dán băng keo vào miệng mày bây giờ. Thích lắm đấy mà cứ trêu với chọc.

- Ừ thích lắm, thích lắm nên mới lấy chồng.

Huyền cũng xen vào và ngã bổ lên người chúng tôi; cả ba đứa nằm đè lên nhau cười rúc rích.

- Giá ba đứa mình đừng thèm lấy chồng để sống với nhau nhỉ? Tuyết lại vô tình buột miệng.

- Thì chính ngày xưa mày đã nói thế rồi tự động xé lẻ ăn vụng trước.

- Cuộc sống độc thân vui chết đi được.

Tôi nghe tiếng thở dài thật nhẹ của Tuyết sau câu nói. Như vậy là nó đã trưởng thành, trưởng thành vì đụng thực tế. Vài tuần trước khi nằm trên giường này, trước khi gần chuyện xác thịt sao nó không nghĩ đến điều đó? Cả năm nay đi lại trong căn nhà này, mùi phân, mùi nước đái heo thum thủm xông lên sao nó không đặt thành vấn đề? Cuộc sống thực tế đôi khi trở thành so đo tính toán nhưng nó cũng chính là nền tảng để giữ gìn hạnh phúc. Tôi cảm thấy thương cho Tuyết, chẳng hiểu thương vì nó quá lý tưởng tình yêu hay thương vì trái tim nó bị mù lòa để phải mò mẫm trong muôn vàn khúc quanh. Mai đây đàn heo nái kia sẽ làm chai cứng đôi bàn tay thon cán viết; phân heo sẽ làm người nó mất đi mùi da thịt ngọt ngào. Khổ cực vất vả sẽ không còn làm môi nó nở được nụ cười và đôi mắt biếc mơ mộng kia biết đâu lại chẳng vương đầy những giọt lệ vì phiền muộn chuyện gia đình... Như vậy Tuyết đúng hay tôi đúng? Có nên lấy chồng già không?

- Ê Tuyết, mày có gửi thiệp cho con Hồng Nhung không? Huyền đang gác cao chân lên tường để ngắm nghía đôi chân thon dài trắng nuột của mình bỗng đột ngột hỏi.

- Có gửi báo tin nhưng không mời.

- Sao vậy?

- Bụng ễnh tướng đi sao nổi mà mời, mời nó lại nghĩ ngợi mình chơi gác nó.

- Tao không nghĩ như thế, tôi xen vào, trong này không mày thì thằng Dũng kỳ thị.

- Cũng có thể là vợ chồng con Tuyết sợ xui cho đám cưới của mình. Huyền bênh vực.

Mặt Tuyết đớ ra như người phạm tội khi nghe hai đứa tôi nói chuyện. Tôi vỗ vào vai nó:

- Chúng mình chỉ có bốn đứa thân với nhau mà cũng không thể sống cho nhau. Suy ra cái dư luận còn khiếp hơn cả súng đạn.

- Mày trách cả tao nữa đấy hả Phượng, Huyền chép miệng thở dài, hôm đám cưới nó tao cũng không đi chỉ vì sợ xấu mặt. Mà xấu mặt thật, cô dâu cái bụng to hơn ngực, thiếu điều mặc áo bầu là vừa. Lại gặp gia đình chồng người Hố Nai trọng lễ giáo và khắt khe chết đi được. Rước dâu mà họ coi cứ như rước nhục về nhà, ra vô lườm nguýt, chì chiết nặng nhẹ thì con Nhung chỉ có nước úp rế vào mặt mà đi.

- Kể ra thì cũng tội nghiệp cho nó. Tôi vẫn cố tình bào chữa cho Nhung.

- Tội gì cái con lang bang đó. Đã bảo thằng Trung chẳng là quái gì nếu không có ba cái hoa mai vàng.

- Bây giờ không là quái gì nhưng chục năm sau thành bà trung tá, đại tá hoặc tổng thống phu nhân mấy hồi.

Tuyết cười đồng lõa với sự nhạo báng của Huyền. Chúng có thành kiến như vậy không đi dự đám cưới là phải, nếu đi sẽ uất lên vì sự coi thường quá đáng của đàng trai.

Nhớ hai tháng trước Nhung ghé nhà tôi đưa hộp bánh, gói trà, hai quả cau và phong thiệp cưới. Mặt nó xanh đớt, hai con mắt trũng sâu trong khi chiếc bụng càng cố che dấu lại càng gồ cao dưới vạt áo kiểu.

- Sao bày vẽ vậy Nhung, để bánh trái cho những người khác. Họ hàng mày đông lắm mà! Nói thế nhưng lòng tôi lại thương hại nó. Cái bụng lớn thế kia thì còn danh giá gì mà cau với trầu để màu mè hình thức.

- Đời tao có một lần, mày nhớ đi đám cưới tao Phượng nhé!

- Thằng Trung đâu sao không chở mày?

- Nó đang làm việc.

Thấy Nhung có vẻ buồn khi trả lời, tôi kéo nó ra sân sau ngồi tâm sự dưới ghế đá.

- Nếu không thương mày lấy nó làm gì?

- Không lấy nó thì còn lấy ai và ai dám lấy mình? Thú thật nếu ba tao không làm dữ đòi thuyên chuyển nó ra ngoài mặt trận thì chắc gì nó đã chịu lấy.

- Nó là thuộc cấp của ba mày?

- Tại vậy nên mới dễ tòm tèm con ổng.

- Thứ lính kiểng sợ chết trận như vậy có lấy cũng khổ.

Nhung thở dài não nuột:

- Không lấy cũng khổ mà lấy cũng khổ. Có điều đám cưới xảy ra thì cũng gỡ danh dự cho gia đình tao được phần nào nhưng đổi lại cả đời tao phải chịu lụy, chịu nhục với đám họ hàng quá quắt của nó. Dân gì nhà quê chịu không được, vậy mà cũng có con làm đại úy.

Lối buộc tội của Nhung hoàn toàn không có tình yêu. Tôi biết nó chỉ bị cám dỗ bởi ba cái hoa mai vàng. Con gái thời bây giờ đa số đều muốn làm "bà" sớm.

- Sống như chúng mày tao nghĩ cả hai đứa đều không có hạnh phúc. Mày thì mù quáng trước danh vọng, thằng Trung thì tính chuyện cặp kè cho vui ai ngờ bị mắc kẹt. Tao như mày cứ ì ra cùng lắm bị ông già sởn tóc chứ đâu nỡ giết mày. Để từ từ thời gian sau chuyện lắng dịu thì làm lại cuộc đời mấy hồi.

- Nếu ai cũng nghĩ như mày thì cuộc đời này đã nhăn nhẳn những đứa con rơi, đã chẳng ai đi phá thai và cũng chẳng ai phải khổ.

- Con rơi con rớt thiếu gì tại mày không để ý.

- Nhưng mày có biết rằng chính vì sự có mặt của chúng trên trái đất này mà mẹ chúng đã phải trả bằng một giá quá mắc, phải thoát ly gia đình và cả đời bị xã hội khinh bỉ nguyền rủa. Phượng, nếu là tao thì mày sẽ chọn đường nào? Chọn gia đình để cắn răng nuốt nhục lấy người đã lỡ ăn ở với mình hay sống cô độc chui rúc như ở đất nẻ bò lên?

Giờ thì tôi đã hiểu ý nó, dẫu thế nào thì danh dự gia đình cũng phải được đặt lên hàng đầu. Làm thân con gái khổ thật, một lần sa chân là tàn lụi cả cuộc đời, một lần nhẹ dạ là mất hết tuổi xuân trong khi đàn ông trăm lần nhẹ dạ, ngàn lần nông nỗi vẫn được coi là chuyện thường tình. Chẳng hiểu xưa kia ai đã mang chuyện trinh tiết ra để đầu độc con người. Thử hỏi có người con gái nào cùng lứa tuổi như tôi, như Huyền đều không lo sợ lỡ trời sinh ra mình không có màng trinh hoặc tuổi nhỏ chơi đánh đu nhảy dây nó mất từ lúc nào. Có đứa con gái nào không lo sợ đêm tân hôn không nhìn thấy vệt máu đỏ dấy trên giường? Có nó may ra mới có hạnh phúc, còn mất nó...?

- Mày nghĩ gì thừ người ra vậy? Tuyết hỏi khi nó thấy tôi im lặng quá lâu.

- Tao nghĩ đến hoàn cảnh con Nhung mà buồn. Nó lấy thằng Trung vì lỡ có bầu chứ không phải vì yêu. Cô nàng cũng cay đắng đau khổ lắm.

- Mày tin nó à? Con đó xạo tổ, lúc ôm thằng Trung du dương, hôn hít nó có chia cái sướng cho mày không?

- Biết đâu thằng kia dụ dỗ, ép buộc hoặc dùng thuốc mê...

- Mày còn cố bênh vực. Con người ta "khôn ba năm, dại một giờ", đàng này nó dại đến mấy chục giờ, dại đến lúc bụng ỏng ra rồi mà vẫn còn dại. Để mày xem sang năm nó mà không có bầu nữa cứ đem đầu tao ra mà chặt. Anh chị lấy nhau sướng muốn chết còn cứ làm bộ ra điều ta đây.

- Tao không nghĩ như vậy, nếu thương nhau chúng đã lấy nhau sớm đợi gì chuyện vỡ lỡ thưa kiện tùm lum và đợi bụng con Nhung to bằng cái trống mới nhắm mắt rước về?

Tuyết chưa kịp trả lời, Huyền đã chen vào:

- Đời có nhiều cái lạ kỳ, tao thấy rõ cặp nào dù thương nhau đến đâu mà chưa cưới đã ăn ở trước thì y như rằng có chuyện.

Câu nói của Huyền có lẽ làm Tuyết chạnh lòng. Tôi lái sang chuyện khác:

- Cưới xong mày ở đây hay về bên nhà?

- Về làm gì? Về để rờ vú mẹ... Huyền phá ra cười, Con Phượng nói chuyện như trẻ con.

- Ước gì mình lấy chồng mà vẫn được ở chung với gia đình Huyền nhỉ!

Tôi chợt khựng lại, câu nói trong tiềm thức làm lòng chợt nhói lên. Có phải tôi luôn nghĩ đến Hằng và đến cơn bệnh của em tôi?

- Chuyện mày với thằng chú hải quân như thế nào? Huyền hỏi.

- Cứ chú hải quân mãi. Nó là Thống, thống khổ, có tên đàng hoàng mà cứ hải quân với hải tặc. Tuyết xen vào.

- Tao tưởng mày biết hết rồi? Khi nãy nói mò hay lắm mà! Tôi trả lời.

- Nói mò thì được nhưng không muốn đoán mò, kể tao nghe đi.

- Không hợp đâu, tao bảo tao đã có người yêu.

- Mày nói thiệt hay nói chơi vậy Phượng? Huyền đang nằm nghiêng, nó ngóc đầu lên cao như không tin chuyện có thật.

- Tao không thích nói đùa.

- Vậy là hết khôn dồn đến dại. Mày tưởng mày ngon lắm hả Phượng?

Biết nó tiếc dùm nhưng lòng tôi vẫn dửng dưng:

- Tao không có trái tim.

- Ừ, tao cũng mong thế. Vậy chúng mày nằm im đây tao xuống tán thằng Thống. Đời này nó không tán mình thì mình phải tán lại mới khỏi ế chồng.

Huyền nói thế nhưng người vẫn không động đậy, biết nó đùa mà sao nghe lúc nào cũng như cay đắng.

- Mày cần chồng đến thế sao?

- Tuổi mình nếu không lấy chồng thì phải học cho đến nơi đến chốn. Đậu xong tú tài hai phải là con ông cháu cha mới vào được dược hoặc y. Còn tao nghèo rớt mùng tơi may ra vào đại học sư phạm là cùng thì học làm quái gì?

- Đại học sư phạm ra làm giáo sư không dậy cấp một cũng cấp hai, sau này biết đâu chẳng trở thành bà hiệu trưởng cũng thích vậy Huyền?

- Nói thì ai cũng nói được nhưng học khó nuốt. Tao thích đi tắt cho lẹ, cũng thành bà vậy.

- Bọn mình rồi cũng chẳng ra gì, đứa bà đứa con. Tao ở giữa nửa nọ nửa kia, còn mày thì sao hở Phượng?

Lối nói chuyện của Huyền lúc nào cũng làm người nghe nhức óc; vậy mà không hiểu sao chúng tôi lại thân với nhau. Phải chăng đứa nào cũng có một tâm sự u uẩn, thầm kín và đau khổ?

Ba Huyền chết sớm vì bệnh điên. Bà mẹ quanh năm chỉ biết ngơ ngẩn ra vào nhặt nhạnh cái rơm cái rác chứ không hề biết lo toan, cáng đáng gia đình như những người đàn bà góa khác. Huyền có hai người chị đã lấy chồng và người em trai đang học lớp mười. Cả gia đình sống nhờ vào người chú ruột. Ông ta là luật sư có tài, có tiền nhưng bà vợ lại chi li tính toán. Ngoài chú ra, Huyền còn có người cô ruột và bà nội hiện là chủ của bảo sanh viện lớn nhất ở Thủ Đức. Nhờ vậy cuộc sống vật chất của gia đình Huyền không đến nỗi nào nhưng ngược lại sự khinh thường của mọi người hầu như lộ ra mặt.

Huyền thấy ức và nhục nhưng vẫn cắn răng mỗi lần tết nhất hoặc giỗ ba mình. Đám con chú bác ra chuyện gia đình Huyền ăn bám sống nhờ nên đủng đỉnh áo quần đứng bên ngoài nhất định không bước chân vô nhà. Bà nội, cô Sương và chú Hoàng vào cắm mấy nén nhang cho ba Huyền, đi quanh một vòng trong nhà xem cái gì còn, cái gì mất rồi vội vã về chứ chưa hề đặt mông xuống ghế uống được ngụm nước. Đầu tháng cô Sương chở bà nội mang tiền của chú Hoàng cấp dưỡng trao cho con dâu. Thực ra chú chỉ cần lái chiếc vespa chạy khoảng mười lăm phút là đến nhà Huyền nhưng vốn dĩ chú thích khoe khoang về sự rộng rãi của mình nên mới nhờ cô và bà. Bà và cô lại màu mè hình thức, tháng nào ra tháng đó, chi xài những gì phải kê khai ra giấy hoặc giữ lại hóa đơn. Mẹ Huyền khù khờ cố đấm ăn xôi cứ nín nhịn nhận sự trợ cấp từ năm này qua năm khác.

Trong giòng họ chỉ có mỗi gia đình Huyền nghèo nàn, tệ hại và ngu dốt nhất. Sự thấp hèn làm cho Huyền không dám ngước mặt nhìn ai; chính ra nó phải sống vươn lên nhưng có thể đồng tiền giúp đỡ bằng sự rẻ rúm ngược lại đã làm nó thối chí. Từ chị Như, chị Sở đã phải lấy chồng rồi đến bây giờ sắp đến lượt nó. Nó cũng chỉ muốn lấy chồng, lấy chồng cho khuất mắt, cho rảnh nợ và lấy chồng để khỏi phải nghe những lời nhạo báng của họ hàng trong kiếp sống ăn bám...

- Trên lầu có cô phù dâu nào tên Phượng không nhỉ?

Người đàn bà phụ bếp đứng ngay dưới chân cầu thang nói với lên giọng ong óng. Cả ba chúng tôi im lặng đến vài giây.

- Chết, chuyện gì vậy?

- Thì xuống coi.

Huyền xỏ dép vào chân chưa kịp đứng dậy thì mẹ Tuyết đã ló đầu vào phòng:

- Cháu Phượng ơi, có bác trai đến kiếm.

- Chuyện gì vậy Phượng? Sao lại kiếm mày? Tuyết ngồi bật dậy không hiểu vì nhìn thấy mẹ chồng hay vì câu nói đã làm nó lo lắng.

- Vâng, cháu xuống ngay bác ạ!

Tôi ngồi dậy uể oải thay áo. Chạy trời không khỏi nắng, đành phải về thôi.

- Còn sớm mà, mới bốn giờ. Tuyết ngơ ngác.

- Mày không ở lại dự tiệc tối à! Có nhảy nhót vui không chịu được. Huyền cũng ái ngại.

- Tao phải về vì có người đến chơi nhà và đòi xem luôn cả tao.

Chúng nó chưa biết gì cả, chỉ tại tôi cố nhận chìm nỗi buồn của mình. Tuyết, Huyền và mẹ Dũng trố mắt nhìn tôi, những đôi mắt tròn to chứa đầy ngạc nhiên pha lẫn nghi ngờ...
Bóng mờ hiu quạnh
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương Kết