Chương 5
Tác giả: Lê Thao Chuyên
Căn phòng rực sáng, sáng một cách man rợ khủng khiếp. Tấm mền đỏ ai phơi ở lan can gặp nắng chói dội ngược màu máu quệt từng bệt lên bốn bức tường gỗ. Từng sớ gỗ loang theo đậm nét nổi lên những hình thù ma quái, những con mắt đầy gân đỏ, những chiếc miệng nhe nanh như một hình thức mời gọi của thần chết.
Nụ trở người quay mặt vào lưng ghế trốn chạy những hình thù quái đản nhưng miệng vẫn nhạt đắng. Cả đêm không ngủ, nằm trên ghế trong tư thế dựa ngồi nhưng hai bên thái dương Nụ vẫn giật liên hồi, cảm tưởng như lớp da ngoài ót bị dập ra và sưng to vì vận dụng sự suy nghĩ quá độ. Thật vậy, từ hôm trở lại Mỹ đến nay là bốn ngày nhưng không ngày nào Nụ cảm thấy đầu óc mình thảnh thơi, không choán ngập bộ mặt ghê tởm của Mười Cứng thì cũng là viễn tượng tương lai tối mờ với đứa con sắp tượng hình.
Nụ rùng mình. Ba tháng du lịch về Việt Nam, một hưởng thụ sa đọa tối đa tưởng chỉ là cơn mộng ba tháng đế vương ai ngờ mộng thành thực vì Nụ không biến thành vua chúa nhưng biến thành mẹ, mẹ của đứa bé có thằng bố bất đắc dĩ. Nụ nhớ như in cái ngày đầu tiên về thăm nhà, cờ xí cắm rợp từ cổng nhà thờ Trung Chánh vào đến tận nhà anh chị Chẩn. Chưa bao giờ nàng tưởng tượng ra có ngày võng lọng thênh thang, kẻ đưa người đón xum xoe rộn ràng đến thế. Anh Chẩn mướn hẳn hai cỗ xe đò chở bà con thân thuộc đón ngay ở cổng phi trường Tân Sơn Nhất, vừa đỡ được tiền mướn xe du lịch vừa tránh được nạn cướp bóc ăn chận ăn giựt và nhất là Nụ khỏi phải nháo nhác mắt năm đổ lộn mắt mười cứ phải đếm đi đế lại bốn thùng đồ to kếch xù mang theo.
Bữa cơm đón Nụ không diễn ra trong vòng thân mật ấm cúng gia đình mà khắp từ đầu trên xóm dưới, ai ai cũng nô nức nhốn nháo chen vào nhìn cho được tận mặt cô út Nụ. Ngồi trên chiếc ghế bành của gần hai mươi năm về trước trông Nụ nổi bật dù nàng bắt chéo hai chân cố ý dựa lưng tận vào ghế dấu chiếc lưng hơi khòm. Bộ quần áo dính liền từ trên xuống dưới che bớt những khuyết điểm thô thiển và màu đen làm nổi bật làn da Nụ trắng phấn. Nhìn tổng quát Nụ choé sáng bởi những vòng vàng đeo quanh cổ, nhất làm sau lớp áo mỏng, hai cổ tay Nụ đầy những vàng khó phân biệt được thật hay giả. Tóc Nụ cũng cột cao thành cái đuôi ngựa ngay đỉnh đầu làm mỗi lần cử động nó vắt qua vắt lại nổi cái nơ con công vàng óng ánh.
Họ hàng bu chung quanh Nụ mắt hau háu nhìn vào những thùng đồ hơn là tò mò ngắm nghía người xa xứ. Bốn thùng đồ phải đến hơn hai trăm bộ quần áo của hai chị em Nụ dồn lại từ hơn chục năm về trước. Cũ người mới ta, cái cũ của người sống bên nước Mỹ chỉ là cũ vì qua mùa, vì qua đợt, vì không còn ai thích nhìn nhưng về Việt Nam mặc dẫu cho đến rách, đến tơi tả vẫn còn được tận dụng.
- Nụ à! Em cho mỗi người một đô gọi là chút quà cũng quý hoá quá rồi. Quần áo để thư thả vài ngày sau rồi hãy tính chứ phân phát đứa được đứa không lại ganh tị cãi nhau.
Thực ra chị dâu Nụ cũng chẳng tốt bụng gì. Cho mỗi người một đồng thì móc từ túi Nụ còn quần áo mang về không lẽ lại mang đi? Của để trong nhà này thì thuộc về vợ chồng bà chứ thuộc về ai? Nụ nhìn từ trong ra ngoài, kẻ ngồi người đứng ngót nghét đến hơn trăm. Nàng mở bóp móc tiền ra nhưng phân vân trước tờ giấy chẵn thì Chẩn đã cầm lấy hai trăm dõng dạc nói thay em:
- Các ông các bà có mặt ngày hôm nay ai cũng được em tôi tặng một đô la làm quà. Tiền này tôi sẽ đổi ra và đúng tám giờ chủ nhật mời các ông các bà, các em nhỏ đến đây mà nhận lãnh.
Lũ trẻ được hứa hẹn vỗ tay rầm rầm nhưng lòng vẫn hoang mang vì không hiểu chủ nhật có thật hay chỉ là thứ chủ tới và muôn đời sẽ là chủ nhật tới như bố mẹ chúng vẫn hứa hẹn. Gạt được đám trẻ ra ngoài, bớt được nhiều miệng ăn nhưng chúng vẫn bám vào những lan can cửa sổ dõi mắt nhìn bố mẹ chúng và đám người lớn bắt đầu ngồi bào bàn.
Nhơn được xếp ngồi gần Nụ. Chính vì sự xếp đặt đã được nháy nhó trước mà Nụ thấy mình quan trọng hẳn lên. Chen một mình vào giữa đám đông toàn đàn ông con trai Nụ bắt tay người này, mời tiếp người kia bằng thái độ cố gắng tự nhiên cởi mở nên có đi hơi quá lố. Được mọi người thổi phồng, Nụ sung sướng gọi anh mua thêm rượu đế. Không quen uống nên chỉ mới nhấp đầu tiên nàng đã chấp choáng say và bắt đầu nói năng loạn xạ. Thằng chú rể yếu thế thấy rõ, thoạt đầu còn gượng gạo trả lời, càng lúc về sau càng ấp úng nếu không muốn nói là á khẩu khi bị Nụ trêu chọc. Nụ không thích thằng chú rể vì vẻ quê mùa thô kệch và cũng vì vẻ đạo mạo chừng mực. Vài tay có máu mặt được dịp nổ cho bằng thích nhưng cuối cùng đều bị Mười Cứng cho đọ ván. Bây giờ trong bàn tiệc chỉ còn mỗi Nụ và tay Mười Cứng đối thoại, một chọi một, kẻ tám lạng người nửa cân chẳng ai chịu thua ai.
Mười Cứng tròm trèm ba mươi sáu, thân thể to lớn vai u thịt bắp vì chuyên đào mương lấp đất thuê từ thuở nhỏ. Thời gian trước năm tám mươi, những thanh thiếu niên và phụ nữ đều bị chỉ định đi công tác thủy lợi. Mười Cứng được khá tiền vì thầu đào cho những gia đình không có sức khỏe hoặc cho những người bận bịu con cái, buôn bán. Về sau dân chúng không còn tiền để thuê nên cứ ì ra, không đi mà cũng không thèm mượn người thì Mười Cứng la cà làm ăn với các cán bộ phường. Nhờ có sức khỏe lại dễ sai bảo nên nghề gì hắn cũng làm, nhất là nghề làm cho các chị em cán bộ đạt được tột độ của cảm giác. Mười Cứng "ngon lành" thế ấy nhưng không ai dám ngang nhiên chứa bởi vì hắn có tật luôn bao thầu trọn ổ từ chị đến em, từ mẹ đến con.
Thực ra hắn là con thứ tư trong một gia đình nghèo và thất học từ mấy mươi đời nhưng từ ngày "lập nghiệp" người ta đổi thành Mười Cứng cho xứng đáng với cái thành tích bất hủ có một không hai trên đời. Gặp Nụ đúng là hữu duyên thiên lý, như cá gặp nước quãy mạnh, quãy cao. Miệng hắn oang oang:
- Cô Nụ ở bên đó chắc biết khá nhiều điều văn minh mới lạ. Tôi nghe nói bây giờ đa số các ông ca sĩ người da đen khoái sửa ngực, sửa mông và giải phẫu luôn của quý để biến thành đàn bà mà có đẻ được không cô?
Chuyện gì chứ chuyện đó thì Nụ mù tịt. Nàng mới nếm mùi thằng Mễ có vài tuần, tìm hiểu cảm giác mình và cơ thể của nó còn chưa xong nói chi chuyện thiên hạ nhưng Nụ vẫn thích nổ bậy:
- Đẻ thì chưa thấy nhưng lấy chồng thì lan tràn.
- Rồi họ làm chuyện ấy như thế nào hả cô Út.
Mọi người đỏ mặt ngó nhau, cũng có thể men rượu làm kích thích hầu hết những người có mặt. Trong bàn nhậu ai lại chả thích ăn tục nói phét? Ai lại chẳng thích huênh hoang khoác lác? Những ai khoác lác không lại thì khoái ngồi nghe. Nghe chuyện bậy cũng là một hình thức giải tỏa những dồn nén nhưng lịch sự hơn.
- Chuyện đó phải hỏi mấy ông đã ăn nằm với "thằng đàn bà" ấy chứ còn tôi con gái sao có thể biết được.
Nụ không ngờ mình dám trả lời táo bạo thế nhưng Mười Cứng vẫn không buông tha:
- Cũng ngộ há! Nhiều bà nhỏ tí teo mà lấy ông ngoại quốc to gấp mấy lần làm sao... vừa được cô hé!
Giá như trước đây Nụ đã ngoe nguẩy đứng dậy vì không thể chấp nhận nổi những câu thô bỉ xàm xỡ nhưng hôm nay cô út Nụ mác ngoại kiều quyết không thua bất cứ ai.
- Cái đó cũng tùy, như ông không nghe người ta bảo miệng thế nào ngao làm vậy hả? Mỹ hay Việt chưa chắc ai thua ai, chưa biết mèo nào cắn mèo nào...
- Ố là là... Cô nói vậy tôi chịu quá xá. Tôi chịu cô hết cỡ rồi đó cô Nụ. Ta về ta tắm ao ta, đi đến đâu cũng nhớ và dành tất cả cho quê hương. Cô hướng nội như vậy là tôi phục cô thiệt tình...
Nụ nhớ như in vào óc đôi mắt của Mười Cứng lúc bấy giờ, vừa đĩ thõa vừa lẳng lơ gợi tình mà lại còn quyến rũ, mời mọc mới chết người. Đàn ông gì mà hai hàng mi rậm phủ kín con mắt lá răm, đã vậy cặp chân mày đen nhánh vạch một lằn đậm biểu lộ sự sung sức dai dẳng. Rõ ràng Mười Cứng đá lông nheo nàng thì thằng Nhơn chú rể bị rớt đài là cái chắc.
- Tôi là Tư Cứng tự Mười Cứng.
Hắn đứng dậy chồm hẳn về phía trước, vượt xéo qua ba người nữa để đưa cánh tay rắn chắc cho Nụ nắm lấy bắt tay. Cái bắt tay khá chặt và khá lâu cùng cái tên khiến nàng phải đỏ mặt:
- Tại sao lại tự Mười Cứng vậy?
- Bị... tại... thì... là... mà... Mười Cứng làm bộ gãi tai.
Chung quanh chẳng ai nói giúp hộ hắn vì thực lòng họ cũng không đến nỗi ghét Nụ mặc dù Nụ đáng thương của những ngày tháng xưa đã chết.
- Nụ hỏi thiệt mà! Đừng có mắc cở, cứ tự nhiên như người "Sài Gòn" vậy.
Lần về này Nụ nói nhiều câu khá táo bạo mà trước kia ngay với bạn gái còn ngượng ngùng. Phải chăng trên chiếc ghế danh dự của buổi tiệc, trong ánh hào quang rực rỡ của cô Nụ kén chồng ngày hôm nay đã đẩy nàng trổ tài ăn nói? Khi nói ai chẳng nghĩ mình nói hay nhưng phản ứng và cái nhìn của mọi người sẽ đánh giá trị câu nói đó. Tại bàn tiệc ai cũng chập choạng say nhưng lại muốn được chè chén cho đã không ai dại gì làm ngãng câu chuyện.
Buổi đầu tiên Mười Cứng lọt vào mắt xanh của cô út Nụ. Ai cũng xì xào bàn tán như thế và ngay tối đó Chẩn cũng to nhỏ với nàng về thành tích bất hảo của hắn.
- Anh cứ sợ vẩn vơ. Bên em những thằng Mỹ đen to lớn mà em còn đốp vào mặt nó.
- Nhưng đàn bà bên ấy được pháp luật bảo vệ chứ còn bên này khác hẳn, nhất là thời này...
- Thời nào thì thời, bên nào thì bên, em đã không ưng thì có ông trời cũng không rớ vào được người em. Anh nên nhớ bằng này tuổi mà em chưa lập gia đình thì không phải dễ dãi lựa chọn.
Chẩn nhìn Nụ lòng nghi hoặc nhưng không nói gì thêm vì Nụ còn mới lạ với căn nhà này quá, từ kiểu cách ăn mặc, từ làn da mái tóc cho tới móng chân móng tay hoàn toàn khác biệt với những người cùng lứa tuổi. Không nói nhưng lòng Chẩn cứ nươm nướp lo sợ vì trung thực mà nói ngoài khuôn mặt xấu xí rỗ chằng chịt và vết thẹo ở môi ra thì Nụ rất trẻ và rất trắng, trắng mơn mởn và ngọt mát đến độ người đàn ông nhìn là phải nghĩ đến cái giường...
Mười Cứng quả thật không phải là tay vừa. Biết Nụ chịu đèn, ngay tối đó hắn viết vài chữ hẹn hò trong mảnh giấy rồi làm bộ thơ thẩn đứng chơi đàng trước nhà Nụ chờ nàng "ét sơ sai" như các bà các cô từ nước ngoài về hay chạy bộ mỗi tối. Nụ chưa đến nỗi nào phải cần khoe mẽ sớm quá nhưng cái nóng vào tháng hé ở Việt Nam còn hơn nằm trên giàn lửa. Đứng hóng gió trước nhà Nụ cứ phành phạch quạt, hết quạt nóng, quạt mát lại quay ra đập muỗi. Muỗi bay từng đàn xà vào ai là cứ hút chặt như loài chết đói.
- Cô Nụ... Cô Nụ...
Tim Nụ đập liên hồi. Tiếng ai trong đêm tối nghe thều thào, khào khào như tiếng mèo gọi tình.
- Cô Nụ... Cô Nụ...
Nụ nhớn nhác nhìn qua hàng rào và khi nhận ra Mười Cứng, nàng hấp tấp chạy ra...
... Chuyện hai người mướn nhà ở con hẻm gần chợ Ông Tạ làm tổ ấm thế mà chỉ hơn tuần sau là cả xóm biết. Vừa được tin, thằng Lài phải đánh heo lên phường đi tơ thay cho bố nó, còn Chẩn ở nhà đập chó mắng mèo và sắp đặt câu chửi để chờ Nụ về. Chẩn tưởng em mình về đây làm rạng rỡ mặt tổ tiên nội ngoại ai ngờ lại đi theo thằng Mười Cứng, một thằng đĩ đực mà cả phường đều chạy mặt.
- Tao cứ tưởng qua Mỹ mày học khôn học ngoan chứ ai ngờ vác xác về đây làm xấu cả mặt tao.
- Anh làm như anh là ông nội em mà đay nghiến, chỉ trích. Em bảo thật đời này ai ngon là dám làm dám nhận. Em như thế đó, lấy chồng thì lấy ai chả được miễn họ thương yêu mình. Thân em như vầy mà anh còn muốn treo giá ngọc; có ngọc giả!
- Mày ngu như con chó ăn cứt. Quanh đây từ đầu trên xóm dưới đứa nào từ Mỹ về cũng lấy được đứa ngon lành.
- Thằng Mười Cứng mà không ngon hả? Anh đàn ông không thử sao biết được nếu không ngủ với nó?
Vậy là hết cỡ nói. Chẩn rít lên, quai hàm bạnh ra và mắt long sòng sọc:
- Con lăng loàn dâm đãng.
- Anh tử tế thì em ở đây, còn không em dọn về nhà mới ở luôn.
- Nhà mới hay cái động, hở con điếm...
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Vợ Chẩn năn nỉ chồng bớt giận và bớt lời bởi vì giữ Nụ ở lại đây chẳng những mỗi ngày được hưởng một đô la tiền chợ lại khỏi mang tiếng với cha mẹ anh em con cháu bên Mỹ là mình bạc đãi.
- Nhưng nó ngu đếch chịu được. Thằng Nhơn tuy cù lần nhưng xứng đáng làm chồng.
- Ối chẳng ai xứng đáng đâu ông ơi. Bây giờ đứa nào cũng hau háu đôi mắt, lớp thèm của, lớp thèm làm hôn thú để ra ngoại quốc, lớp được hưởng của chùa lại được cung phụng thêm tiền bạc nên tội gì không nhào vào. Ông cứ tưởng cái Nụ báu bở lắm đó! Có báu chăng là cái mác ngoại kiều, là cái quốc tịch Mỹ kia kìa.
Vợ Chẩn nói đúng. Thằng Nhơn hay thằng Lành, thằng Hảo có làm ra vẻ đạo mạo chững chạc thì cũng không ngoài mục đích xa vời hơn vì giả thử dân ngoại kiều về lấy vợ lấy chồng rồi ở lì tại Việt Nam xem có ai thèm rờ tới?
- Thời này loạn hết rồi, loạn từ trong ra ngoài, từ anh cho đến em, từ vợ cho đến chồng.
- Ừ cứ nói đi, vợ Chẩn cong cớn, bên này phu xướng phụ tùy chứ qua bên đó phu tùy phụ xướng.
Chẩn quắc mắt nhìn vợ nạt lớn:
- Ai bảo bà thế?
- Thì con em ông chứ còn ai nữa...
Từ hôm Nụ về, hai vợ chồng Chẩn cãi nhau bữa một. Ông khăng khăng giữ lấy phong tục tập quán, bà thì muốn phá bỏ cho lẹ để theo kịp đợt sống mới. Chung quanh đây, bằng tuổi bà đã có người xâm lông mày, xâm mắt. Lại cũng có người táo gan sửa cả mắt mũi, căng da mặt vì nghe đồn bên Mỹ đàn bà tám mươi vẫn còn bơm ngực bơm đùi trẻ như gái ba mươi. Có tiền bên đây không sửa trước tội gì qua đó cho bác sĩ nó ăn. Những người xưa nay có máu mặt hoặc có con cháu đi Mỹ đều làm cả rồi chỉ còn có mỗi bà. Dẫu có quê mùa nhưng tiền bạc rủng rỉnh, con cái bên đó đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, đứa bác học chẳng lẽ bà là mẹ của những ông tai to mặt lớn lại tầm thường mãi như vậy người ta cười cho.
- Nó chẳng ở đây lâu đâu mà ông mắng chửi cho mang tiếng. Ông sắp qua Mỹ rồi mà chẳng "ấp đết" gì cả. Đáo giang tùy khúc, nhập gia phải tùy tục chứ lị.
- "Ấp đết" cái củ xu hào. Tiếng Việt chưa thông, tiếng mẹ đẻ chưa rành mà bày đặt nhét vào thứ tiếng bồi hợm hĩnh.
- Ừ bồi. Có ông bồi ấy. Chả trách người ta đồn nhau sang bên đó đàn bà dễ thích hợp cuộc sống, dễ kiếm ra tiền, còn đàn ông cứ ngồi một xó ôn lại ba cái dĩ vãng vàng son thuở nào. Vàng son thời cộng sản, vàng son của thời thả heo nọc.
- Bà câm mồm đi, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, không có mấy con heo nọc cứ là vặt cỏ mà ăn.
- Nếu ông bảo không có nghề nào xấu vậy thì chỉ có con người xấu mà thôi. Như vậy "nghề" cái Nụ cặp thằng Mười Cứng sao ông bảo là xấu?
Chẩn nhìn vợ ngao ngán lắc đầu. Đấy là chưa qua Mỹ mà vợ ông đã nói năng vặn vẹo lố bịch như thế, khi qua tới nơi chắc chắn ngồi hàng đầu của cái kệch cỡm đua đòi.
- Câm cái mồm vào đi. Tử tế ông mới đi còn không...
- Thì cứ việc ở nhà thả tơ...
Thỉnh thoảng Nụ vẫn được nghe những mẫu đối thoại dấm dẳn của anh và chị dâu và nàng biết bà khá thiên vị chỉ vì nàng là người cổ võ cho chị dám mặc những chiếc áo hoa hoè cò bay cò lả. Nhưng Nụ không còn thời giờ để bận tâm với những chuyện vớ vẩn đó. Mỗi sáng Mười Cứng đến đón Nụ bằng chiếc Honda mà hắn vẫn dùng để chở hàng hóa. Ngồi chênh vênh đàng sau, cặp đùi Nụ lại dài quá thước tấc mà những chiếc xe gắn máy đàng sau lách qua lách lại muốn đụng bay cặp giò làm Nụ sợ đến chóng mặt. Cũng may, chính nhờ sợ hãi mà vòng tay Nụ ôm Mười Cứng mạnh hơn, chặt hơn, gần hơn, sát hơn và tình hơn. Sự gần gũi va chạm cho Nụ cảm tưởng mình đang được nắm giữ cái hạnh phúc vợ chồng trong tay. Nụ nhìn mọi người với nét mặt hân hoan vui sướng nhưng người dân ở đây hầu như chẳng ai để ý đến nàng. Ngoại kiều về phải khác, lũ bạn nói với Nụ như vậy, nội màu tóc của mình, nội nước da trắng ngần và cái tươi mát rạng rỡ khác hẳn là họ biết liền. Bị họ bỏ quên, ngồi đàng sau Nụ chồm hẳn lên đàng trước nhìn mọi người xuôi ngược. Dân buôn bán, đi làm hoặc dân ăn chơi lẫn lộn kẻ sang người hèn đầy đường phố nhưng có điều sự sang hèn tương phản rõ rệt chứ không như ở bên Mỹ, kẻ nghèo kiết xác vẫn mặc đồ vét, miệng ngậm xì gà hoặc tay cầm lon bia.
Mười Cứng kể rằng bên này có những tay buôn bán đi xe Mercedes 94 dám bỏ bốn, năm trăm bạc cho một bữa nhậu ở nhà hàng Năm Sao, nhà hàng quốc tế nổi ở bến Bạch Đằng.
- Em biết không, ngay ở cửa vào viết hai giòng chữ Việt và Mỹ thật lớn đập vào mắt mọi người "chỉ nhận vàng lá và tiền đô la". Từ cửa chính đi vào ghế ngồi qua bốn cửa phụ, mỗi cửa có hai cô hầu xinh như mơ đứng sẵn ở đó kính cẩn cúi chào quan khách. Dĩ nhiên họ làm đều có mục đích vì không ai không móc tiền tip cho với lối tiếp đãi nồng hậu và long trọng như thế. Khách ngồi ăn luôn luôn có hai người hầu sẵn ở đó, rượu vừa nhấp hơi lưng đã được rót thêm. Với lối tiếp khách còn hơn đế vương cho nên chai rượu ngon chủ nhân thẳng tay chém một trăm hai mươi lăm đô. Sáu mạng dẫn nhau vào nhậu tệ lắm cũng năm trăm bạc.
Nụ nghe Mười Cứng kể mà lạnh cả xương sống. Sự thật ở bên Mỹ có rất nhiều nơi sang trọng, nhất là trong các sòng bài nổi tiếng, một phòng ngủ dành cho tay chơi khét tiếng không dưới mười ngàn một đêm và ngay người loàng xoàng công tư chức vào những quán thường cũng chi bạc ngàn nhưng xứ sở này, một xứ sở chỉ sống lây lất bằng khoai độn, một nước nghèo chậm tiến mà có lối làm tiền táo bạo như thế thì chỉ có khách "ăn cướp" mới dám vào.
- Em biết không, Mười Cứng nói tiếp như khoe thành tích lẫy lừng của mình, ngoài chợ trời một thùng Heineken hai chục đô, một kết cô ca cô la mười đô mà thiên hạ mua đều tay. Thằng bạn anh làm ở công ty hải sản, một tay có máu mặt lương tháng bốn mươi lăm đô. Em xem bốn mươi lăm đô nếu xài đồ quốc nội, gà, heo, cá, tôm, nếu ăn chôm chôm, sầu riêng, nhãn, mãng cầu thì không cách gì nhét hết vào cái bụng trong vòng một tháng nhưng họ xài toàn thứ quốc ngoại thì tiền đâu nếu không ăn hối lộ là gì...?
Kể ngọn ngành như thế vì Mười Cứng cay lắm. Gần hai chục năm buôn bán với cán bộ phường mà chẳng ăn thua gì. Mười Cứng đổ tội tại phường Mười Cứng ở là phường cù lần. Những thằng công an chết nhát chỉ dám ăn quanh ăn quẩn bớt xén ba cái thực phẩm của dân nghèo chứ không dám làm ăn lớn với đám ngoại kiều. Mười Cứng kể chỉ vì nghĩ rằng làm giàu có số ăn cỗ có phần, có những tay mơ nhưng gặp được em thơm kiếm mối bán cho ngoại kiều phá đi phá lại cái màng trinh đã tơi tả mà vẫn ăn chơi rủng rỉnh. Mười Cứng kể vì muốn cho Nụ sáng mắt rằng loại như Mười Cứng đừng nhỉ ra mỗi ngày vài đô, vào ba cái tiệm vớ vẩn ở đường Trần Hưng Đạo uống ly cà phê sữa hai mươi lăm cents, ăn tô phở hai mươi lăm cents là xong, là được gắn cái mác ngoại kiều. Ngoại kiều như thế là thứ kiết lỵ, là thứ táo bón chỉ có xuống miệt vườn mà ở.
- Bữa nào vào khách sạn tắm hơi một bữa đã đời đi em.
Nụ lắc đầu ngán ngẫm. Lũ bạn nàng kể rằng tại Sài Gòn, ngoại kiều về thăm quê hương đút cái visa vào khách sạn là nó quất tám chục đô. Bây giờ Mười Cứng đòi cả tắm hơi và mấy em hầu thì cứ gọi như một trăm đi đứt. Dân Sài Gòn bây giờ nói đến tiền đô nhậy và nhanh như người bên Mỹ bỏ cục kẹo vào miệng trong khi ngoại kiều về thăm nhà ai cũng muốn nổ, muốn sang. Sang cho lắm thì mỗi chuyến về ba chục ngàn đi đứt, cỡ vừa cũng phải hai chục ngàn còn như Nụ nghèo kiết xác cũng hai ngàn mà đã có liền hay cũng mượn đầu nọ đắp đầu kia. Hôm nhờ Mười Cứng mướn nhà, trong hẻm trong xó kẹt mà còn đòi hai trăm đô mỗi tháng. Đúng là phong trào tiền đô. Mọi người nô nức làm ăn nhưng đỉa chỉ hút máu người đàng này người lại hút máu lẫn của nhau.
Tổ ấm của Nụ có bàn ghế lỏng chỏng, có nước máy và cả bếp dầu nấu cơm. Hình như là chỗ đã từng cho những đôi tình nhân sống vụng trộm như nàng nên vấn đề an ninh và sự dòm ngó chúng quanh không đến nỗi nào. Nằm trong căn nhà xập xệ mà những hai trăm đô một tháng, Nụ liên tưởng đến những cái xập xệ hơn xảy ra chung quanh nàng. Các chị em ta về chiều với manh chiếu và bụi rậm tiếp khách quốc nội mười cents cho một lần. Rẻ như thế mà còn bị lùng bắt vì tội làm mất vẻ đẹp thành phố, làm văn hóa suy đồi. Họ nghĩ gì với cái nghề chị em ta của tuổi về chiều và sự xuống dốc thê thảm trong khi cũng nghề đó những người trẻ đẹp lại được khuyến khích tối đa và tuyên dương thành tích vì đã mang nguồn lợi lớn cho nhà nước và bộ mặt khang trang của thành phố. Ôi văn hóa dân tộc, cũng cùng một hành động nhưng lớp già cả nghèo nàn lại bị kết án và khinh bỉ tàn tệ. Còn lớp trẻ, một tương lai ngời sáng của đất nước được mọi anh em cán bộ người nâng đỡ tiếp tay, được các chủ khách sạn móc nối và ngay chính họ cũng hồ hởi trong cái nghề của mình, một cái nghề với tương lai rực rỡ vì được ăn nằm với các ngoại kiều, biết đâu có chàng Thúc Sinh muốn ra tay nâng đỡ đưa về Mỹ lập phòng nhì. Ôi cái mộng tưởng đã đánh ngã nhân phẩm con người. Ngay chính Nụ cũng biết thế nhưng không sao thoát ra được vì nếu nàng còn nhân phẩm đã không lén lút làm chuyện dâm ô.
- Nụ, chừng nào về bên đó vậy?
Mười Cứng có lẽ chán cảnh ôm ấp con đào già xấu xí nên cứ hỏi nhắc chừng.
- Em mua khứ hồi về chơi đến ba tháng.
- Còn bao lâu nữa em? Bộ không xin về sớm hơn được sao? Nhìn vẻ mặt chán nản của người tình, Nụ tiu nghỉu:
- Anh không muốn chúng mình bên nhau?
- Muốn chứ nhưng ở mãi cái xứ nghèo nàn khốn nạn này anh chán quá rồi.
Mười Cứng chán thật, chán cảnh bon chen giành giựt sống, chán cảnh đổi bán thân xác kiếm từng bữa ăn. Đầu hắn đang mơ chuyện vĩ đại phi thường hơn, không làm mà vẫn có ăn, không làm mà vẫn sung sướng ngày ngày lái xe hơi rẽo khắp đất Mỹ. Ôi cái nước văn minh giàu xụ mà cả đời ông cố ông sơ, ông tổ ông tiên hắn có bao giờ dám mơ cho con mình qua đó du học. Ngay chính hắn, sau cuộc đổi đời 75 lại càng không dám mộng tưởng vì tiền bạc đâu mà vượt biên. Hơn nữa cái thân xác hắn coi trọng hơn giá trị tự do thì làm sao dám đánh đổi bằng cuộc vượt biển mười phần chết chỉ có một phần sống? Dạo này Việt Kiều về nhiều nhưng đàn bà con gái hiếm thấy mà đa số chỉ thấy những ông chuộng gái bỏ tiền mua vui. Có chăng chỉ những bà sồn sồn ham của lạ, ham sự chiều chuộng tâng bốc về cặp bồ dăm bữa nửa tháng với những người tình khi xưa rồi lại cũng trở về với thằng chồng cù lần đang cong lưng cày bên ấy. Chẳng ai muốn sống đời ở kiếp với cái xứ sở có những chính sách nay thay mai đổi. Cũng chẳng ai bỏ vốn đầu tư với trăm ngàn đôi mắt háu đói của những tay tai to mặt lớn chỉ chực ăn cướp tay trên. Mười Cứng biết như thế và cũng biết thân phận mạt rệp của mình không ngờ chó ngáp phải ruồi, vào ăn chực bữa cơm nhà ông bà Chẩn mừng cô út Nụ lại được cô hậu đãi cho cả tình lẫn tiền. Cơm no bò cỡi nhưng Mười Cứng vẫn không hài lòng bởi vì đối với hắn, Nụ là thứ ngoại kiều gà chết. Ngay phút đầu nằm bên Nụ, hắn đã kể truyện về những tay máu mặt ở đây để Nụ đừng chi li tính toán từng đồng từng xu khi tiêu xài vậy mà xuống chợ Sài Gòn sắm quần áo, Nụ luôn miệng kêu còn mắc hơn ở Mỹ. Có nhiều lúc chẳng dè dặt Nụ ong óng lớn tiếng cố cho mọi người nghe thấy. Trời ơi chém gì mà chém giữ vậy, ba cái đồ mắc dịch bên đó cho không ai thèm lấy. Bên đó chừng nào qua hãy tính chứ bây giờ hắn chỉ biết là mình đã quá xấu hổ với những kẻ bán hàng. Nụ không có phong thái của dân xứ Mỹ, từ cách ăn mặc, nhân dáng và ngay đến điệu bộ duy chỉ có mỗi giọng nói. Việt Kiều về đây không dấu được giọng khác lạ của mình vậy mà Nụ không ngậm miệng lại dùm. Mười Cứng xấu hổ rồi đâm ra tức dù lần nào trên tay hắn cũng năm bẩy bộ đồ.
Xấu hổ, tức, ngượng nhưng bề ngoài Mười Cứng vẫn tươi cười săn sóc Nụ bởi vì mục đích của hắn cao hơn ba cái đồ thổ tả này. Ngay hôm hò hẹn đầu tiên hắn đã dụ Nụ xuống phường đăng ký hôn thú rồi hôm sau cũng chính hắn chở Nụ xuống bộ sở Việt Kiều làm thủ tục và xin giấy khám bệnh, thử máu để hoàn tất hồ sơ cho họ chuyển về thành phố Hồ Chí Minh để chờ ngày đi. Lo đút lót chạy chọt cho lẹ mà mãi gần hai tuần mới xong. Hắn sao ra làm mười bản đưa cho Nụ ba còn bẩy giữ lại để làm thuốc tiếp tục lòe các em gái nhẹ dạ muốn làm vợ lẽ để khi sang tới nơi, sau khi nhập tịch hắn sẽ làm một màn ly dị để đưa em "lẽ" sang.
- Thì đâu bao lâu nữa. Còn gần một tháng mà vé đổi đi đổi lại vừa tốn tiền lại vừa mất thời giờ. Anh Mười, bộ không thích có em bên cạnh sao?
Vừa nói Nụ vừa ngảnh cái đầu, nheo cái mắt, ngoác cái miệng ra cười làm duyên khiến Mười Cứng nổi hết da gà. Liều mạng như hắn mà cũng chỉ dám gồng mình cho đến giờ này. Nội nhìn cử chỉ õng ẹo của Nụ đã muốn chết nói gì đến ôm vào lòng.
- Mình ra Bắc chơi một chuyến đi em.
Nụ giật mình. Từ hôm về đến giờ Mười Cứng xài của nàng khá nhiều tiền. Lớp bao xe ra bãi biển Vũng Tàu hóng gió, lớp lên Đà Lạt dạo thác Cam ly mà hắn bảo là những tháng trăng mật đã tốn hơn một ngàn, bây giờ đòi trăng mật ở Bắc rắc tiền xuống đất. Hai ngàn Nụ ký ca ký cóp dành dụm và mượn thêm của bạn bè giờ chỉ còn có ba trăm. Ba trăm nếu tiện tặn cũng dư xài cho đến khi về nhưng Mười Cứng phá nhanh quá. Không tuần nào Nụ không bị hắn dụ đi phòng trà, vào quán nhậu hoặc thậm chí vào cả chỗ tắm hơi bình dân để tẩm quất. Sau khi tẩm quất Nụ rạo rực kích thích bao nhiêu thì Mười Cứng của nàng lại xuội lơ và mệt mỏi bấy nhiêu. Bởi vậy năm thì mười họa chiều lắm Nụ mới chịu vào đó. Đám con gái nheo mắt nhìn Nụ rồi đá lông nheo cho những thằng tay nghề tẩm quất cho nàng. Dĩ nhiên sau màn tẩm quất Nụ cũng muốn thử vì chúng gạ gẫm táo bạo quá nhưng nghĩ mình đã là gái có chồng, phải sống sao cho xứng đáng với tình yêu của Mười Cứng nên nàng cố dằn lòng để chờ Mười Cứng chở về nhà thế mà...
- Nghe cưng, mình đi một chuyến cho biết. Anh mê nhất hồ Hoàn Kiếm.
Mười Cứng biết sao được hồ Hoàn Kiếm vì hắn chỉ hơn nàng có một tuổi trong khi lúc di cư 54 chị Tâm còn đang trong bụng mẹ.
- Mình đâu còn bao nhiêu tiền mà đòi về đó!
Nụ nói thật vì ngoài số tiền hai trăm đưa cho anh mình ngay hôm về để cho hàng xóm, nàng còn trích ra một trăm để chị dâu chi trong ba tháng tiền chợ còn bao nhiêu lớp sắm sửa quần áo cho chồng, lớp ăn uống tiêu xài. Gọi Mười Cứng là chồng Nụ cũng ngượng bởi vì hai người làm hôn thú lén với sự hợp tác đắc lực của tên phường trưởng. Nụ cũng biết để chuyện hôn thú bể ra thể nào anh chị Chẩn cũng chửi cho một trận và bên kia cha mẹ anh em nàng sẽ xâu xé nhiếc móc nên kệ dấu được cứ dấu. Nếu sau này chuyện bể ra cũng là lúc Mười Cứng có mặt ở bên ấy. Chỉ vợ chồng mới sống chết cho nhau chứ còn bà con anh em chỉ giỏi tài phê bình chỉ trích.
- Em còn có ba trăm như anh biết đấy!
Chán thật! Ba trăm đối với những tay ăn chơi ở Năm Sao thì chả nghĩa lý gì nhưng với Mười Cứng thì lớn thật và nếu mở mồm xin chắc chắn Nụ sẽ không ngần ngại đưa cả nhưng Mười Cứng đâu muốn gieo ấn tượng nghi ngờ cho Nụ. Chẳng thà bỏ con tép bắt con tôm, chẳng thà quên số tiền ba trăm mà hắn được chu cấp đều đều mỗi tháng khi Nụ trở qua bên ấy. Nhưng nếu không làm cho số tiền ba trăm tiêu tán sớm thì Mười Cứng còn phải ôm ấp tấm thân của Nụ cho đến bao giờ. Ôm thân thể Nụ có khác nào thời xưa các cô gái tham tiền phải chịu làm vợ lẽ ôm ấp những ông già đáng ghê sợ. Nằm bên nhau mà đầu óc các cô chỉ nghĩ đến tiền cũng như bây giờ nằm bên Nụ mà đầu óc Mười Cứng chỉ nghĩ đến lúc được ăn xài vung vít bên xứ Mỹ. Mười Cứng rùng mình. Không hiểu hắn có cam đảm ôm ấp Nụ thêm được mấy lần nữa. Những vụ làm tình không còn tạo hứng thú của cảm giác mà lợm lên tới cổ. Hắn mường tượng những động tác của Nụ, những oằn oại rướn người một cách bệnh hoạn mà muốn nôn. Không lấy ba trăm, không đi chơi xa mà chỉ ở nhà nằm ôm cái con dã nhân thì điên lên mất.
- Nụ, hay anh đi một mình. Qua bên đó may ra trúng mánh buôn thêm hột xoàn kiếm tí vốn cho hai đứa sau này.
Nụ ngỡ ngàng nhìn hắn. Xưa nay nàng chưa hề nghe miền Bắc có mỏ kim cương, cũng không hề tin rằng chỉ ba trăm mà có thể buôn loại đá quý như thế. Biết Mười Cứng là tay ham vui nhưng lòng Nụ vẫn thấy xốn xang. Vợ chồng mới cưới ghiền hơi hám nhau như người đói nghiền ăn, như dân nhậu nghiền rượu mà nàng để Mười Cứng đi một mình sao đành. Ba trăm nếu tiện tặn hai vợ chồng Nụ thừa sức đi Hà Nội nhưng Nụ cảm thấy cơ thể mệt mỏi muốn nhuốm bệnh. Mà bệnh kiểu gì lạ lùng, càng mệt càng gia tăng những háo hức thèm khát xác thịt. Ngay lúc này Nụ thèm nằm trên chiếc giường nệm nghỉ ngơi, thèm được ôm ấp âu yếm và thèm nghe những tán tỉnh mật ngọt hơn là ngồi trên chuyến xe lửa xì khói kêu sòng sọc từ Sài Gòn ra Hà Nội.
- Để vài ngày em coi sức khỏe ra sao đã, còn không thì mình anh đi cũng được.
Nụ tưởng hứa hẹn lần lữa cho qua ai ngờ cơn bần thần rã rượi càng lúc càng tăng. Sau lần ói mửa và ê ẩm mình mẩy Nụ quyết định đi bác sĩ và khám phá ra mình đã có thai. Nàng báo tin vui cho Mười Cứng nhưng trong lòng không vui chút nào. Chưa bao giờ trong đời Nụ nghĩ đến tương lai hậu vận thế mà chỉ mới vài tháng bao biến cố dồn dập nhanh chóng xô đẩy. Chẳng những Nụ trở thành đàn bà, thành vợ mà lại còn sắp sửa trở thành mẹ.
- Nếu thế em càng phải thu xếp về bên ấy sớm để lo bảo lãnh cho chúng mình sớm đoàn tụ nghe Nụ.
Được tin Nụ có thai, Mười Cứng hí hởn tưởng thoát được cái nợ làm chồng ai ngờ Nụ trì kéo:
- Hay em lên điều chỉnh giấy tờ xin ở thêm vài tháng nữa. Mà thủng thẳng rồi tính, không chừng em ở luôn bên này.
Biết mình vô tình buột miệng vì ở thế nào được với cái xã hội thối nát, tham nhũng tận cùng, mạnh sống yếu chết, hèn thì có cơm ăn còn nghĩ đến nhân phẩm thì ăn rau cỏ nhưng Nụ vẫn thấy áy náy bất an. Tưởng du lịch về Việt Nam ăn một bụng cây trái cho thỏa thê ai ngờ cái bụng không tiêu mỗi ngày mỗi lớn thì biết nói sao với gia đình, nhất là bạn bè sẽ cười Nụ là kém cỏi ngu dại hết chỗ. Tình cho không mà phải về thủ đô bộ đội để rao mời. Ngu thật. Càng lúc Nụ càng thấy cái ngu của mình từ từ lộ ra. Con người ta danh giá rúc một xó cũng vẫn hữu xạ tự nhiên hương, vẫn có người ngấm nghé xin cưới, còn đã không ra gì thì bò ngay vào tổ, hang, động cũng vẫn chẳng ai ngó ngàng. Lần đầu tiên được Mười Cứng tán tỉnh, Nụ cứ ngỡ lời hắn sao thì lòng vậy. Nụ cứ nghĩ mình là đóa hoa nở muộn màng ở một nơi kín đáo mà hắn là người có công khai phá nhưng càng lúc lối tiêu tiền mạnh bạo và những cử chỉ lơ là khác hẳn lúc đầu đã gieo trong Nụ những mặc cảm nho nhỏ. Vào vũ trường, viện cớ Nụ không thích nhảy Mười Cứng tha hồ lắc mông ẹo đít với những cô gái khác. Ngủ với Nụ sao hắn không biết nàng bị tật nguyền, sao không biết vợ mình đi còn không vững nói chi đến New way, lắc Twist. Chấp nhận lấy Nụ làm vợ sao hắn không biết nàng có những khuyết điểm mà còn đưa vào chỗ đông người để nàng lạc lõng trơ trọi mà tìm vui ở bàn khác và làm như Nụ là người có bổn phận phải đưa hắn đi chơi, bao cả tình lẫn tiền.
Mặc cảm trong Nụ càng ngày càng vỡ lớn vì rõ ràng thế giới này không phải của nàng. Ở Mỹ cũng bị cha mẹ khinh bỉ, sang đây lại cũng bị loại. Con người ta chỉ sống vì tiền, chỉ biết có tiền, đồng tiền làm mờ lương tri con người cho nên hãy dùng đồng tiền để đối xử với nhau và dùng đồng tiền để đo lường lòng dạ của nhau.
- Bộ khùng sao ở lại? Ở lại lấy gì sống? Rồi làm sao đi Mỹ được?
Mười Cứng hốt hoảng kêu lên và không thấy Nụ phản ứng gì hắn đâm hoảng:
- Trời ơi bây giờ thiên hạ còn phải bán thân để được qua đó. Ngu ơi là ngu.
Câu sau Mười Cứng lầm bầm trong miệng nhưng Nụ vẫn nghe rõ. Chữ bán thân nghe não nề thê thảm vì Nụ có cảm tưởng Mười Cứng ám chỉ cho chính hắn. Hắn cũng bán thân cho Nụ để được đi. Đau lắm nhưng nàng vẫn trấn tĩnh được.
- Em định như thế chứ vé nào có thể gia hạn được một năm chờ em sanh xong. Vả lại bên đó vắng mặt quá lâu sợ trục trặc cho tiền trợ cấp hàng tháng.
Nụ chợt thấy lối nói chuyện của mình có vẻ thay đổi. Hình như từ lúc về đây thấy mình chẳng bằng ai, từ lúc thấy dân Sài Gòn ăn xài bạt mạng, nhất là từ lúc ý thức được Mười Cứng đối với nàng chưa hẳn là tình yêu vì có sự gượng ép, gò bó và nhất là bây giờ, từ khi biết tin mình mang thai thì cái màn che đậy, cái nổ to nổ nhỏ của Nụ từ từ biến mất. Nàng dùng tiếng trợ cấp thay vì chính phủ phải trả như xưa kia vẫn viết thư về.
- Trời ơi anh mong được qua Mỹ muốn chết mà em cứ lừng chừng lờ chờ thiệt rầu thúi ruột.
Vậy là Mười Cứng chỉ muốn qua Mỹ nên đã làm hôn thú lấy mình? Nụ cười cay đắng và thất vọng ngay từ lúc ấy. Những ngày còn lại tình vợ chồng bớt vui, bớt ở phía Nụ vì Mười Cứng vẫn còn khéo che đậy, vẫn còn ngon ngọt để hưởng nốt số tiền còn lại và cũng để tích cực khuyến khích cho Nụ mau sớm trở về. Cuộc vui nào chả có lúc tàn? Tình hờ nào không đến lúc bẽ bàng. Những ngày cuối ở Sài Gòn là những ngày thê thảm nhất đời Nụ. Bà chị dâu biết nàng có bầu, nửa muốn dấu chồng, nửa sợ trách nhiệm sau này sẽ về mình nên không thèm chống đỡ cho Nụ. Mọi bực bội khó chịu trong lòng được dịp bung ra, Nụ có bầu là cái cớ cho Chẩn nguyền rủa xỉ vả không tiếc lời. Cũng may nàng chỉ ló mặt về nhà lúc gần nửa đêm và ra đi lúc trời chưa sáng. Muốn tránh được ánh mặt hằn học dữ tợn của anh, nàng chỉ còn cách lên nhà đã mướn để ở cho đến ngày đi nhưng Mười Cứng viện đủ lý do để đẩy nàng trở về ngủ ở nhà vì sợ công an lùng bố. Như vậy mỗi ngày Nụ vẫn phải có vài giờ căng thẳng với anh và nhục nhã với chị mình. Nào đã hết, trong lúc mọi tai ương dồn dập xảy đến thì Mười Cứng trở chứng bảo phải chạy áp phe kiếm tiền nên chỉ có thể đưa đón nàng đi về theo giờ nhất định và điều làm Nụ đau khổ tuyệt vọng nhất là Mười Cứng viện lý do Nụ đang có bầu, cần giữ cho đứa bé khoẻ mạnh nên phải tránh việc ăn nằm.
Cả ngày trong căn nhà tranh vách đất không đầy đủ tiện nghi, ra ngoài ăn cũng không muốn vì thấy mình lạc lõng trơ trọi, thêm vào trường hợp có thai con so ảnh hưởng cơ thể cho nên Nụ cứ nằm trên giường thở dài triền miên và suy ngẫm những tai họa đến với mình. Cuộc đời con người ai lại chẳng có lúc thăng trầm trôi nổi, ai lại chẳng có lần bị bồ đá lăn đá lóc khinh khi bạc đãi và người con gái nào lại chẳng có lần khóc vì mối tình dang dở nhưng với Nụ, ngay từ khi bước chân xuống phi trường nàng đã thấy cái quyết định trở về của mình là sai. Sai bởi vì nó không mang một ý tưởng cao đẹp, một trọng trách thiêng liêng cũng chẳng phải là luyến tiếc quê cha đất tổ, anh em, bà con mà rõ ràng về chỉ là một hình thức phô trương. Đa số ngoại kiều về đây ai lại chẳng xây cho mẹ cái nhà sau mấy chục năm đã mục nát, cho cha cái ao cá sinh sống qua ngày, cho em gái cái máy may hoặc cho anh trai chiếc Honda rước khách. Người cho thì nhiều nhưng đã mấy ai hiểu được ý nghĩa của công việc làm hay chỉ đua nhau "nó là ngoại kiều, mình cũng là ngoại kiều thì không thể nào thua nó. Nó dám xây cho gia đình căn nhà ngói thì mình phải đúc nhà lầu" mặc dù biết chắc rằng khi về lại Mỹ phải cong lưng cày trả nợ thêm năm mười năm. Nụ hiểu con người không có lý tưởng sống thì việc làm sẽ trở thành vô nghĩa. Một người đi lính vì trách nhiệm, vì bổn phận và vì lý tưởng khác với kẻ đi lính chỉ vì được đeo lon, chỉ vì được khẩu súng nhét lưng vào quán nước lòe thiên hạ. Như Nụ, kẻ không có đường hướng sống tưởng rằng với hai ngàn mang về sẽ ăn xài vung vít trước đôi mắt khâm phục của mọi người, tưởng rằng cô út Nụ kén chồng sẽ được muôn người chờ chực trái cầu nhân duyên ai ngờ họ đến chỉ vì lợi dụng, chỉ vì kiếm chác và chỉ vì muốn được sang Mỹ. Đói khổ, mặc cảm đã biến mọi người sống trong cái vỏ che đậy, cái vỏ bọc ánh hào quang nên mọi châm ngôn đã bị lu mờ để hiểu quá sai lạc. Xưa kia Nụ cứ nghĩ "nghèo cho sạch rách cho thơm" nghĩa là dù nghèo cũng đừng để ai thấy cái nghèo của mình, dù dở, dù tệ cũng cố che đậy vì nghèo là cái tội, là cái xấu xa bị mọi người khinh bỉ. Chao ôi cũng vì lẽ ấy mà Nụ đã che đậy hơn ba mươi năm với tật nguyền và mặc cảm để sống chui rúc không dám ngước mặt nhìn ai. Anh chị Chẩn cũng vì cái danh con ông chánh, phó trương, cũng vì sự bợ đỡ của mọi người chung quanh mà làm lụng vất vả để mua chuộc kẻ nọ người kia tạo cho mình ngôi vị huy hoàng hão. Chị Tâm cũng vì giữ kẽ với chồng mà coi thường hất hủi Nụ để rồi khi cha mẹ qua sợ tốn kém, sợ lộ sự quê mùa đã đẩy xuống cho Nụ và chính nàng, đứa con bất hiếu đã ngược đãi bố mẹ mình...
Nụ khóc như chưa bao giờ được khóc và quyết định đổi vé về sớm hơn một tuần lễ. Về rồi tính. Phải về rồi tự tính chứ không nhờ vả cầu cạnh ai. Cuộc đời mình phải do mình quyết định, không thể nhờ người khác quyết định dùm như lời chị Phước vẫn thường nói. Xưa nay Nụ không ưa anh chị Phước bởi vì cả hai đều có những lời nói nghe rất chối tai:
- Ai bảo em tật nguyền? Em còn đi đứng, còn nói, còn nhìn, còn nghe, còn làm việc được mà tự nhận mình tật nguyền? Hãy nhìn chung quanh biết bao người bất hạnh hơn em mà họ vẫn tự vươn, kẻ thành bác học, người thành kỹ sư...
- Ôi thôi nói thì ai chả nói được, Nụ ngắt lời Cảnh với nét mặt hằn học khó chịu, thử cho chị một ngày như em có sống nổi không hay tự tử mất đất?
- Cái mặc cảm sẽ giết chết cuộc đời mình. Nụ, em còn trẻ lại được hưởng tiền trợ cấp chính phủ, hãy dùng nó tối đa cho việc học, bắt nó phải làm nô lệ cho mình để cuộc sống tinh thần vươn cao. Người ta chỉ phục những người vất vả thành tài, chỉ trọng cái giàu của kẻ làm ra nó bằng khối óc suy nghĩ lương thiện, bằng sức lực và đôi bàn tay chứ còn của hồi môn, của bóc lột, của mánh mung ăn cướp trên xương máu người khác thì cái giàu đó chẳng vinh dự, chẳng hãnh diện và cũng chẳng bền gì.
- Nhưng người ta có khỏe mạnh, lành lặn mới tự vươn được.
- Nụ, em nghe chị nói. Sự tật nguyền của thể xác không đáng sợ bằng tật nguyền trong tâm hồn mà em xem trong xã hội này mấy ai có tâm hồn lành lặn? Tật nguyền của thể xác có thể vá víu chữa, có thể thay đắp bằng muôn ngàn loại giả khác nhưng tâm hồn thì vô phương ngoài trừ tự mình chữa cho mình. Em nên nghe chị quyết học để giúp thân, giúp đời và còn tương lai mình nữa. Con người sống không có tương lai chỉ là kẻ sống thừa...
... Nụ thở dài đổi lại thế ngồi. Suốt từ đêm đến sáng và bây giờ đã quá trưa. Cơn đói cùng sự mệt mỏi của những ngày có mang lần đầu tạo cho nàng cảm tưởng mình là kẻ hấp hối chờ chết. Buồn, nản, tuyệt vọng, mệt mỏi, cả bằng đó thứ dồn đến cùng lúc khiến Nụ không còn muốn sống. Cái tâm bệnh đã đáng sợ lại thêm thân xác yếu đuối hành hạ khiến Nụ chỉ muốn cái chết đến với mình cho thanh thản nhẹ nhàng. Chỉ cần một vỉ thuốc ngủ, một lọ thuốc chuột hay một chai thuốc an thần ngon ngọt là Nụ sẽ được ngủ một giấc ngàn đời. Nằm yên dưới mộ nhắm mắt, trên thế gian này sẽ chẳng còn con Nụ mặt rỗ, con Nụ sứt môi, con Nụ cà khêu. Bằng đó nhân xưng đại danh từ sẽ bị chôn vùi theo thời gian. Từ đó sẽ không còn con Nụ quái thai trên cõi đời. Không còn con Nụ thì bí mật Nụ chửa hoang sẽ được bao trùm ngoài trừ anh chị Chẩn. Anh chị Chẩn... Anh chị Chẩn... Nụ chợt toát mồ hôi khi chợt nhớ ra những nhân chứng đáng ghê sợ, nhất là cái miệng của người chị dâu cả. Chắc chắn xóm nàng ở đã đồn ầm và thằng Mười Cứng không bao giờ tha cái thành tích lẫy lừng là chẳng những có vợ mà còn có đứa con bên Mỹ để gạt gẫm những người khác. Mười người biết thì cả ngàn người sẽ biết và cái chết của Nụ thay vì giải thoát lại là hèn nhát trốn chạy. Không. Nhất định phải sống để cho thằng Mười Cứng một bài học đời, phải sống để nhìn nó suốt đời chìm nổi trong cái mơ ước không bao giờ được Nụ bảo lãnh qua. Phải sống để cho nó thấy rằng nàng tuy không xứng đáng là vợ nhưng rất hãnh diện được làm mẹ dù đứa con muôn đời sẽ không có bố. Đúng như lời chị Phước nói. Con người ta không vấp ngã không học khôn được. Mỗi vấp ngã là một bài học để đời; có điều ngã là phải đứng dậy tiếp tục đi, đừng khiếp nhược nằm chết rũ đổ tội cho trời đất, cho số mệnh.
Đúng. Chị Phước nói đúng. Chỉ khi nào vấp ngã và nhận ra lỗi lầm của mình thì mới có sự thay đổi. Ngay lúc này đây nàng thấy phải làm lại cuộc đời sau những ngày tháng đã đánh mất. Nàng sẽ đi lại từ đầu với cái nhìn khác, cái nhìn chững chạc của người lớn, cái nhìn thương yêu của một người mẹ, cái nhìn hãnh diện chấp nhận cuộc đời và cái nhìn chia sẻ đến với những kẻ bất hạnh hơn mình. Ngay từ phút này nàng vất bỏ Mười Cứng ra khỏi đời mình, một kẻ chỉ biết lạm dụng người khác. Cắt đường giây liên lạc, vứt bỏ hôn thú đó là một câu trả lời đích đáng nhất cho những kẻ lạm dụng hôn nhân để làm bàn đạp ra nước ngoài...