watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đuổi theo vệt nắng-Chương 1 - tác giả Lê Thao Chuyên Lê Thao Chuyên

Lê Thao Chuyên

Chương 1

Tác giả: Lê Thao Chuyên

T âm không hiểu sao nàng lại có thể chấp nhận được cuộc sống bề ngoài cùng những sự nổ bậy của Thành từ ngày này sang tháng khác mà vẫn không có thái độ hay cảm thấy bất cứ sự phiền hà nào. Phải chăng bao năm Tâm cũng đã sống giả dối hình thức, cũng đã từng khổ sở và lo lắng che đậy như thế nên mặc dầu muốn tránh thoát mà vẫn không sao từ bỏ được. Nhiều lúc Tâm có cảm tưởng hình như những cơn mộng hão, những danh tiếng hờ có ma lực khiến nàng thích thú đắm mình vào và hình như cái bóng bẩy sang giàu bên ngoài vẫn lôi cuốn, vẫn làm nàng lao đao chạy theo hơn là tự lột trần sự thực không đẹp đẽ cũng chẳng ra gì như người vũ nữ già nua hết thời đứng trước gương nhìn bóng hình mình để tự thấy chán chê ghê sợ. Bao tháng ngày Tâm đã cố gắng dùng che đậy này chồng chất lên che đậy khác mà vẫn không dám sống thật với mình vì cái thật của Tâm nó tầm thường bé nhỏ và kém cỏi so với tất cả mọi người. Tâm nghĩ người mang mặc cảm xấu nên mới cố chưng diện, cười nói sao cho duyên dáng tạo sự lôi cuốn trong khi Tâm chẳng ra gì thì tại sao không dùng những hào nhoáng bên ngoài dát vào người cho bớt khuyết điểm? Có thể vì nghĩ vậy và không sao tự thoát ra được nên biết chồng dối trá mà đôi khi Tâm còn a dua, cổ võ để khích động với hy vọng Thành sẽ tiến thân bằng con đường tắt cho mau chóng bởi tuổi Thành cũng đã về chiều. Tâm cho rằng nhiều người nổi danh vì thực tài nhưng cũng nhiều kẻ nổi danh vì biết nắm giữ cơ hội. Giữa ngàn hoa, người ngắm sẽ ngộp mắt không hoa nào đẹp nhưng một cánh hoa vươn cao vẫn được chú ý hơn. Thành cũng thế. Chàng muốn là cánh hoa đập vào mắt mọi người mà không cần hương sắc. Chung quanh bạn bè gọi lén chồng nàng là Thành Nổ. Cái tên không hiểu bắt đầu lúc nào nhưng với Tâm, có lẽ nó khởi nguồn từ bữa tiệc tất niên, sau đám cưới hai người được một tuần. Chẳng biết men rượu làm ngà ngà say hay vì muốn nổ luôn với vợ mà giọng Thành oang oang:

- Sống ở Cali dân nào không biết nổ là dại.

Lúc ấy Tâm nhìn chồng ngơ ngác. Chẳng ai nổ mà ong óng cái miệng như vậy nhưng nếu thằng ăn cắp dám vỗ ngực xưng mình ăn cắp hẳn phải là kẻ phi thường. Tâm chú ý lắng nghe chồng tiếp tục:

- Làm người ai lại chẳng nổ. Không nổ ít thì nổ nhiều, không nổ nhanh thì nổ chậm. Có điều nổ phải nghệ thuật và có căn. Nổ nghệ thuật là tạo tiếng cười, tạo niềm vui cho mọi người. Còn nổ có căn là dựa vào cội nguồn gốc gác. Không phải ai cũng nổ được mà phải thuộc giòng dõi con ông cháu cha. Ông bành tổ tôi khi xưa là trạng Ngẫm, bạn thân với bành tổ trạng Quỳnh. Sở dĩ con cháu trạng Quỳnh tuyệt giống là vì lúc chôn không để ông nằm úp như lời ông trăn trối. Khi lính Pháp đi ngang đạp lên mộ, mọi xác chết bị lật lại hết chỉ có ông bành tổ tôi ung dung ngửa mặt nhìn đời...

Từ thuở nào đến giờ Tâm chưa hề nghe nói đến trạng Ngẫm. Nay bỗng dưng Thành lại gắn kèm trạng Ngẫm vào để nổ khiến Tâm lại thấy buồn cười. Có điều Thành mang mình ra làm trò cười nên chẳng ai bắt lỗi mà trái lại còn lắng tai thú vị.

- Hồi còn trẻ chung quanh bạn bè tôi đi học võ nhu đạo, còn tôi chẳng có võ gì cả mà cứ phóng lên nóc nhà vèo vèo như Batman. Với tài đó làm nghề đạo chích rất dễ dàng nhưng trời sinh mình ra đâu phải đầu trộm đuôi cướp nên cái tài đành bỏ xó.

- Sao anh không đi lính biệt kích đột nhập qua Bắc làm anh hùng độ thế? Một người nghe Thành nổ quá nóng mặt châm biếm.

- Đi lính thì giết được bao nhiêu giặc trong khi tôi đang làm giáo sư đào tạo cả ngàn sinh viên thành người hữu dụng sau này.

- Qua đây anh còn nhảy nóc nhà nữa hết? Coi bộ nghề này đi bắt ghen mướn ở các motel đã lắm à nghe, khỏi bị chó cắn.

Mọi người cười ồ lên vì Hải đá hậu khá hay ai ngờ Thành gỡ tài tình. Đúng là nổ có căn.

- Xưa kia ăn rau cá nên nhẹ mình chứ bây giờ nhậu bữa một toàn dê và bò làm gì có cánh mà bay nổi.

Nổ... Nổ... Nổ... Mọi người chết chìm trong những cơn nổ mang tiếng cười dòn dã vô hại. Được thể Thành càng làm già:

- Tôi dặn bà xã tôi phải gấp có thằng con nối giòng vì thứ nổ rất dễ bị tuyệt tự nên khi chết phải chôn tôi đứng thì xuống âm phủ mới thành tướng.

- Thôi ông ơi trên này làm dân nổ nghe đã nhức óc còn đòi xuống âm phủ làm tướng nổ nữa có nước điếc tai quỷ thần.

Lúc đó Thành nổ mới chậm câu chuyện lại để gắp thức ăn. Tâm ngồi bên cạnh thấy nhột nhạt vì một số coi thường Thành ra mặt nhưng lại có kẻ tỏ vẻ khâm phục. Riêng Tâm cưới nhau rồi, mặt trái của Thành cứ từ từ lòi ra như chiếc kim bọc trong vải. Ngoài đời Thành nổ những cái vô hại nhưng với Tâm, Thành đã nổ cú khá lớn mà cả hai cái nổ đụng nhau lại còn quyết sống chết vì nhau kể cũng lạ. Đúng là duyên nợ.

Quê Thành ở Nam Định nhưng Thành luôn cho rằng những kẻ vào nam trước năm di cư tập thể năm mươi tư là thành phần buôn bán giàu có và khôn ngoan. Qua Mỹ thêm một phen Thành nhắc lại cái quá khứ oai hùng của mình và luôn luôn tự hào với cái chức giáo sư dù rằng đã có nhiều người sang sau này nhận ra chàng chỉ dạy về môn thể dục ở một trường nhỏ khiêm tốn nằm trên đường Trương Minh Giảng. Thời gian đầu, chẳng ai biết Thành sinh sống bằng nghề gì nhưng đến năm tám mươi chàng đã có được một tiệm tạp hóa và một nhà rửa xe. Chẳng hiểu cái tên ông chủ tiệm đã khoác cho Thành vẻ trịch thượng khinh người hay tại xưa nay Thành nhìn đời bằng cái nắp vung nên gặp ai cũng coi họ như những giọt nước vương đọng trên nắp vung đó.

Thời gian ấy Tâm hay lại nhà Thủy nấu nướng, ăn uống, chè cháo đến khuya mới về. Thủy là bạn cùng hãng may với Tâm còn Đức, chồng Thủy, lại là bạn của Thành. Thủy không đẹp và người gầy đét, suông đuột như đàn ông. Trái với vợ, Đức điềm đạm, thâm trầm hơn và hay ngồi ở bàn xem báo để có cơ hội nhìn lén Tâm. Nhan sắc Tâm không hơn gì Thủy mà có thể tệ hơn nữa vì đôi chân quá ngắn nhưng được nước da mịn màmg và khuôn ngực no đầy, bằng đó đủ để những tên háo dục thèm thuồng. Tâm biết được cả ưu lẫn khuyết điểm của mình nên hay mặc quần ống rộng che đôi "sa bô" tấc rưỡi khiến đôi chân dài thêm ra và luôn mặc áo chẽn ngực ôm sát phần trên cho tăng vẻ lôi cuốn. Vài lần Thủy bắt được chồng nhìn trộm Tâm với ánh mắt thèm thuồng nhưng nếu nói ra thì lại không có bằng cớ chính đáng nên chỉ nuôi trong lòng những hờn ghen. Cũng may vài tuần sau Thành lớ ngớ từ dưới Los Angeles xuống Orange county dự đám cưới bạn và gặp cả hai vợ chồng Đức ở đó. Cơ hội bằng vàng, Thủy dùng môi mép mồi chài kéo Thành về nhà mình giới thiệu Tâm cho bằng được.

Hôm đầu tiên gặp Tâm, dù đã được Thủy dặn dò từ trước, Thành vẫn ngồi thản nhiên, ung dung trước thái độ niềm nở, vồn vã của hai người. Bữa ăn chẳng có gì ngon lành nhưng vẻ săn đón thái quá của Tâm cho Thành có cảm tưởng mình sáng giá. Lăn lộn khắp nước Mỹ, Thành chỉ thấy đàn ông phục dịch, hầu hạ đàn bà chứ chưa bao giờ thấy trường hợp trái ngược xảy ra nên lòng cũng hơi chút nao núng...

Thực tình Tâm không thủ đoạn và khôn lanh như Thủy nhưng nàng tin ở bạn có những bí quyết chinh phục đàn ông. Cứ nhìn Đức thì biết, người to lớn, tướng tá oai vệ như thế mà chẳng hiểu sao Đức lại cứ sợ Thủy vành vành. Tâm không mong sẽ được giống như bạn nhưng ít ra nhờ Thủy cố vấn cũng kiếm được tấm chồng khấm khá. Có điều tuổi tác của Tâm khá cao mà đa số những người cùng tuổi đã có gia đình, còn những thành phần lăng nhăng thất nghiệp thì Tâm đâu thèm để ý. Gặp Thành, Tâm thấy lòng xao xuyến ngay. Cái già không còn nằm trong vấn đề chọn lựa dù Thành đã có một đời vợ và hơn nàng bẩy tuổi. Điều làm Tâm điên đảo vì Thành đang mang một sản nghiệp to lớn và tiếng "giáo sư Thành" nghe thật trí thức mỗi khi có ai nhắc đến tên càng tăng thêm phần trịnh trọng. Xưa nay những người nhà quê như nàng nghe tiếng giáo sư, chẳng cần biết giáo sư đệ nhất hay đệ nhị cấp là đã sợ phát sốt. Từ xa vừa trông thấy giáo sư đã vội vàng ngả nón ra chào huống hồ gì Tâm chỉ học hết lớp nhất rồi ở nhà trông coi heo gà, rau rợ, cá mú.

Tâm vượt biên năm tám mươi ba và ở Sikiew hai năm. Nhờ ăn không ngồi rồi Tâm trở nên trắng trẻo, lại được quần áo trợ cấp nên váy dài váy ngắn cứ như đầm thứ thiệt, những vết chai sần ở tay chân theo ngày tháng ăn trắng mặc trơn cũng được bào mòn. Nàng lại dễ thích ứng hoàn cảnh, thích chưng diện, se sua nên khi sang đến Mỹ nàng đã cởi bỏ lốt lọ lem hoàn toàn.

Quen nhau chưa đầy một tháng thì hai người lấy nhau. Nhờ sự đánh bóng của Thủy mà Tâm bỗng nhiên trở thành con gái ông chủ đồn điền trà ở Bảo Lộc. Vậy mới môn đăng hộ đối, Thủy bảo thế, con gái ông triệu phú dẫu có xấu như ma lem mà lấy được ông chủ tiệm thực phẩm thì không còn ai dám đàm tiếu. Nào ngờ vừa rước nhau về, một sớm một chiều Thành đã lộ ngay bản tính keo kiệt bủn xỉn và nhất là cái mác ông chủ chỉ là mác giả vì Thành chỉ phụ làm công cho ông chủ, một tên bạn thân muốn ẩn tông tích vì còn ăn tiền giấy. Tâm uất ức nhưng không dám nói huỵch toẹt ra vì chính nàng cũng chẳng ra gì nên đã toa rập với Thủy để thổi phồng gia đình mình lên nhưng Tâm sợ tức nước vỡ bờ, biết đâu Thành tự ái lại chẳng làm liều bỏ đi thì còn gì danh giá cả hai. Thôi thì đã trót đành phải trét, đã phóng lao thì phải theo lao.

Dĩ vãng của nàng Thành không hề biết bởi vì Tâm khôn khéo che đậy còn dĩ vãng Thành, người ở thế trên, thế vững, biết vợ yêu và phục tùng mình nên Thành chẳng cần gì phải dấu. Khổ nỗi tuy không che dấu vợ nhưng lại muốn che dấu mọi người nên mới tội cho Tâm. Chung quanh ai chẳng nghĩ Thành chỉ có cái miệng nổ bậy bạ nhưng cái bụng rỗng tuếch. Thực tế đâu phải vậy. Những điều cần dấu chàng không hề hé môi nhưng lại bày vẽ tận tường cho Tâm làm, không làm thì lo chạy tiền, không chạy tiền thì cũng phải khích động tinh thần cho chàng hăng say trong công việc.

- Em nhé! Mượn cho anh...

- Mượn cho anh rồi kẻ trả nợ lại vẫn là em?

- Cha mẹ sắp sang rồi, chúng mình nên giữ thể diện một chút chứ!

- Thể diện gì với cái nền gạch khốn kiếp ấy.

- Nhưng không thay cũng không được vì lớp thảm nhà mình vừa hôi lại vừa cũ quá. Đây cũng là dịp để chúng mình rửa mặt với gia đình.

Lần nào mua sắm sửa chữa gì thì Thành cũng dùng tiếng rửa mặt để cổ động vợ và lần này Thành tin chắc mình sẽ toàn thắng. Rồi mặc vợ lải nhải, Thành cứ gọi đám Mễ về làm. Tính ra tiền gạch hết hai ngàn đồng. Tiền công cho hai người thợ phụ chưa hết một trăm bạc. Rẻ chán, nếu không khôn ngoan chạy bạy nhờ chỗ này móc nối chỗ kia để mua vật liệu rẻ thì mọi chi phí phải tăng lên gấp hai. Chỉ tội nghiệp cho Tâm lại thêm một phen chạy đôn chạy đáo mượn chỗ này vá chỗ nọ...

Dù biết cái nền gạch màu rượu chát và dù Tâm đã cố tưởng tượng ra vẻ rực rỡ của nó, nhưng buổi chiều ở sở nhận được điện thoại Thành gọi về thẳng, khỏi phải ghé nhà người em ăn nhờ ngủ đậu như mấy ngày qua, Tâm vẫn lặng người. Suốt từ trong ra đến ngoài trải toàn những viên đá cẩn bóng ngời, màu đỏ đậm làm mọi đồ vật trong nhà như sáng rực hẳn ra. Ngay lối cửa Thành trải miếng chùi chân màu xanh thẫm và góc bên phải đặt cái kệ cao treo giày dép. Tâm tuột giày máng lên và lột luôn đôi pantyhose cầm ở tay để tìm cảm giác trung thật nhất, hơi mát lạnh thấm vào lòng bàn chân.

- Mùa hè khỏi bật máy lạnh anh nhỉ!

Tâm nói hơi thừa vì nhà làm gì có máy lạnh để mở.

- Không ngờ ý kiến của anh thế mà hay. Chỉ ba mùa hè không bật máy lạnh là đủ tiền làm nền gạch hoa này rồi.

Vẫn không nghe Thành nói gì, Tâm ngồi bệt xuống đất mân mê từng ô vuông một.

- Tối nào oi bức em kéo gối nằm ngay xuống đây là ngủ được liền.

Không như vợ, Thành thực tế hơn vì khi có ý định thay thảm chàng đã nghĩ đến mùa đông sắp tới. Gạch có khác chi đá, vừa lạnh vừa buốt để nó thấm vào lòng bàn chân còn hơn ngâm dưới nước. Nhưng đâu hề gì, Thành to lớn mập mạp lại đang trong tình trạng cần nhịn ăn cho gầy bớt nên hàng ngày phải chạy bộ cả chục cây số cho bớt mập, gồng lên chống lạnh cũng là một hình thức chạy bộ. Chỉ tội cho Tâm đã nhỏ lại nhỏ thêm nhưng luật lệ cấm đi dép trong nhà chính Thành đã ban hành ngay từ lúc vừa rước dâu về đến nhà, bây giờ vì nó mà phá lệ thì Thành đâu còn được tôn trọng ở những luật lệ kế tiếp nữa...

Từ khi có cái nền gạch mới thì những vật dụng trong nhà trông cũ hẳn ra. Thành bàn với vợ mượn ít tiền sắm sửa cho khang trang mát mắt hơn.

- Em xem, đã rửa mặt thì phải rửa luôn cả chân. Không lẽ thiên hạ nhắc ghế vạch xem nhãn hiệu của nó? Bây giờ chỉ cần lái xe lên Los mua vài chục thước ren may viền bốn chung quanh là y chang đồ bán ở Gayfer. Rẻ được cả trăm đồng một bộ màn cửa chứ ít sao.

Tuy bực vì Thành chỉ thích vẽ chuyện ra mà làm nhưng Tâm không khỏi không phục về những sáng kiến độc đáo đó. Thói đời ai chẳng thích giàu có sang trọng để được sự nể vì hoặc những lời trầm trồ khen ngợi? Nhất là theo Tâm xã hội bây giờ con người được đánh giá trị qua công việc làm, bằng cấp, nhà, xe cho nên muốn bước vào giới thượng lưu phải có chút đỉnh kiến thức hay tài sản. Muốn quen với những ông tai to mặt lớn thì phải có nhà cửa đàng hoàng. Bên Mỹ cái nhà là giá trị tài sản. Tài sản rỗng tuếch khó có bạn thuộc giai cấp cao. Các ông các bà bây giờ khó phân biệt vì ai ra đường cũng đi xe mới, ăn mặc sang trọng, xách cặp da, bóp đầm thời trang, hột xoàn đeo lủng lẳng nhưng thật hay giả, giàu hay nghèo phải về nhà mới rõ được. Nhà ở năm mười người dồn trong một cái phòng hoặc ngăn năm sáu phòng cho mướn thuộc loại nghèo dù lợi tức thâu vào dư giả hàng tháng, chốn đô hội nào ai biết đấy là đâu. Bởi vậy chết sống, nợ nần không cần biết, những người có máu mặt xưa nay dẫu không có tiền cũng cố bóp chắt nhịn ăn nhịn uống để dồn hết cho căn nhà.

- Hết rửa mặt đến rửa chân rồi còn rửa gì nữa cho em biết luôn một thể để còn mượn nợ. Anh làm như bạn em là kho bạc dễ rút ra lắm đấy.

Thành biết tâm lý những người nghèo khi đi sắm đồ mà bàn tính đủ thứ thì chỉ có nước sắm hàm thụ cho nên chàng chỉ cười:

- Có vậy thôi chứ còn mua gì nữa bây giờ?

Được vài bữa, vừa may xong ba bộ màn cửa, chưa có dịp nằm ngắm tác phẩm độc đáo của mình thì Thành lại đưa thêm một sáng kiến mới:

- Mình dám sắm nhà, sắm xe mà không dám sắm một bộ salon thì bậy thật.

Kể ra Thành cũng khôn không mang bộ salon ra ví với màn cửa mà lại lôi những giá trị to tát hơn để so sánh. Quả nhiên Tâm thấy lời bàn của chồng hoàn toàn có lý nên chống đối rất yếu ớt:

- Nhưng mà...

- Trước sau gì cũng phải mua thôi. Mình không ngồi lên, không dày xéo thì nó vẫn mới tinh khác nào đồ chưng trong tiệm, ngừng một lát cho vợ thấm ý, Thành bắt đầu thủ thỉ, anh nghĩ em mượn đỡ bạn bè vài trăm rồi từ mai tiếp tục nhận hàng thêm về nhà may như dạo nọ thì trả mấy hồi.

- Anh không nhớ bác sĩ bắt em phải ngủ sớm? Giọng Tâm đầy hờn trách.

- Ngủ một, hai giờ sáng đã chết chóc ai. Giá như ngày xưa em chưa từng thức khuya thì còn có thể tạm tin. Mấy tên bác sĩ bày ra nói láo nói lếu để nuốt tiền cho dễ ấy mà!

- Nhưng thức khuya dậy sớm mệt lắm, em luôn ngáp vặt ở sở may làm thằng manager cứ lừ đôi mắt ngó chừng chỉ sợ em lủi vào góc nào đó để ngủ.

- Không thì thôi vậy, Thành giận dỗi, mai kiếm cái mền cũ phủ lên sẽ không ai nhìn thấy và cũng đừng hội đừng họp gì ở nhà này nữa.

- Mình là chủ hụi mà không cho người ta khui ở đây thì khui ở đâu? Vậy chứ những tháng vừa qua cũng ngồi trên bộ salon cũ đã có sao?

- Nhưng lúc đó chưa có cái nền gạch...

Lại cái nền gạch! Không ngờ nó rắc rối đến như thế, mới có hai tuần mà toi hết mấy ngàn bạc, nợ này chưa xong đã đeo thêm nợ khác.

- Hay là thế này... Tâm ngần ngừ... chiều mai tan sở em ghé tiệm vải mua ít thước về bọc lại, cũng mới và đẹp như ai.

- Thôi bà ơi, bà may đẹp lắm ấy, thợ không ra thợ, thầy không ra thầy. Nhìn mấy cái lưng quần em sửa cho khách mà anh xây xẩm mặt mày!

Tâm nguýt chồng, giọng chảy ra:

- Vậy chứ ai may những tấm màn ren kia?

- Ai mà chẳng may được, bốn lằn dài chạy vài đường là xong. Còn cái ghế em nhìn lại xem, phải tỉ mỉ khéo léo lắm nhất là những góc cạnh...

- Hay mình mang ra tiệm cho nó bọc...

Thành xua tay:

- Còn mắc hơn mua mới. Phần nhiều chỉ có những bộ ghế cổ đắt tiền họ mới bọc lại để lưu giữ.

- Em không tin, có mắc cách mấy cũng chỉ vài trăm bạc trong khi ghế mới tốn cả ngàn.

- Ai bảo vào tiệm cho tụi nó chém?

- Không mua ở đó thì mua ở đâu? Em không bằng lòng vào good will hay salvation army đâu.

- Mình đi chợ Mễ mua một bộ.

- Lại chợ trời! Cả một đống ghế thô kệch và cứng ngắc dòm là biết liền.

- Ngốc. Chẳng ai chú trọng vẻ thô sơ của nó nếu trên ghế có chừng chục cái gối nhỏ cùng màu đặt một hàng dọc.

- Nhưng gối ở đâu mà có?

Tâm tròn mắt ngó chồng nhưng đầu óc lại hình dung ra những bộ bàn ghế cực kỳ lộng lẫy chưng ở Sears với những chiếc gối ôm nằm một hàng dài thẳng tắp.

- Anh lại bắt chước ghế ở Sears, loại đó gần hai ngàn bạc.

- Chớ còn gì nữa. Mình lựa ghế màu xanh cỏ đậm, gối vừa xanh vừa rượu chát xen kẽ, đẹp chết người.

- Gối kiếm đâu ra mà đòi xanh với đỏ. Anh vào Sears nó chém hai mươi đồng một cái, mười cái hết hơn hai trăm. Toi tiền.

- Em không biết may à?

Tâm lại nghệt mặt ra và có lẽ Thành chỉ yêu vợ nhất lúc đó.

- Lại em nữa? Sáng dậy năm giờ cơm nước gói gém mang theo vội vàng cho kịp tới sở. Chiều ghé lại tiệm lấy đồ sửa về đến nhà sớm lắm cũng phải sáu giờ. Ăn uống tắm táp xong ngồi vào bàn may tháo tháo gỡ gỡ... Anh tưởng ăn được vài đồng của lũ dân nghèo không có tiền mua mới, phải nới ra bóp vào những cái quần cũ mèm dễ lắm sao?

- Thì có lúc này lúc khác. Bù lại...

- Bù lại anh nằm ngủ khò khò.

- Bậy bạ, Thành cười chống chế, lâu lâu lỡ ngủ quên có một lần mà em cứ hờn trách mãi.

- Không ngủ thì cũng nằm xem báo, xem ti vi. Sao anh sung sướng dư giả thời giờ còn em cứ đầu tắt mặt tối chẳng biết sau này có con rồi công việc sẽ còn khổ đến đâu.

- Mình chỉ ráng thêm thời gian ngắn nữa thôi. Lúc trước tự ý em may vì muốn có ít tiền gửi về cho cha mẹ chứ đâu phải do anh. Bây giờ ông bà già đã sắp qua thì tiền đó mình sắm sửa trong nhà. Sắm xong, số còn lại cũng hoàn toàn về em, lúc đó tha hồ mua cẩm thạch hột xoàn.

- Chẳng ham, Tâm lườm yêu chồng, ba cái nữ trang nghe anh dụ hoài mà có thấy đâu. Nay má anh hỏi xin cái này, mai mẹ em đòi thùng thuốc tây, chắc rồi cũng chết sớm thôi.

Thành cười hề hề ôm lấy vợ:

- Chết rồi đâu còn ai để anh bồng anh yêu...

Thành nhấc bổng vợ lên, nhẹ nhàng như nhấc một con búp bê đi vào trong phòng. Thế là Tâm quên hết nhọc nhằn, quên luôn bắt đầu từ mai trở lại tiệm may sau hơn hai tháng nghỉ việc và quên những buổi sáng mắt nhắm mắt mở vừa tuột xuống giường đã ba chân bốn cẳng lao đầu vào bếp nấu nướng, lồng phần cơm cho mình vẫn chưa đủ còn dọn sẵn cho chồng bữa điểm tâm trước khi đi làm...

Bộ salon mang về nhà được hơn ba tuần thì sở di trú gọi báo tin cha mẹ Tâm đã qua tới Thái Lan và đang chờ chuyến bay sang Mỹ. Tâm mừng nhưng cũng rối cả ruột gan vì nhà chỉ có hai phòng, một cho hai vợ chồng còn một cho khách. Phòng cho khách kê mỗi cái giường "một" mua ở garage sale từ ba năm về trước. Tâm bàn với chồng mua thêm một cái nữa cho đủ cặp để ông bà cụ ngủ trông thanh lịch một tí thì bị Thành gạt phăng:

- Biết ông bà già ở đây lâu mau mà mua cho tốn tiền.

- Không ở với mình thì ở với ai?

- Sao hôm nọ em bảo dì Nụ đã sắm sẵn giường chiếu nơi ăn chốn ở cho ông bà già rồi? Thành ngạc nhiên nhìn vợ.

- Anh tin cái con bụi đời, khố rách áo ôm đó hay sao. Dù nó có ôm một đống vàng, dù nhà nước có nuôi nó suốt một đời cũng vẫn là con tật nguyền. Cùng là phận gái nhưng em là chị chính ra phải...

Tâm bỏ lửng câu nói thở hắt ra rồi mới nhìn chồng trách móc. Thành tránh vội đôi mắt của vợ bằng cách đảo mắt một lượt quanh phòng:

- Cái phòng nhỏ quá, đổi giường đôi cũng không đủ chỗ nhét vào.

Tâm ngắt lời:

- Nhưng mà cha mẹ em già rồi đâu thể nằm chung một giường kỳ chết.

- Kỳ là cái chắc, Thành đốc thêm, tạm thời cứ để y như vậy, biết đâu nơi này không phải là tổ ấm của ông bà.

- Già rồi còn tổ chim tổ cò gì nữa. Tâm gắt khẽ.

- Hay tạm thời mình mua thêm cái sleeping bag để bu nằm kế bên?

- Ý sao được, Tâm hoảng hốt kêu lên, mẹ em bị phong thấp nặng nề, nằm đất có nước đi luôn.

- Không bà nằm thì ông nằm, ba cái chuyện lăng nhăng đó cứ nói hoài. Tóm lại, anh không muốn kê hai giường, cũng không muốn bất cứ ai nằm ở ngoài phòng khách.

Mọi lần bàn để mua sắm thì Thành mềm mỏng nhưng khi hạ lệnh thì nghiêm nghị và giọng lạnh như thép. Cái mệnh lệnh mỗi khi được ban ra là trái tim Tâm đập liên hồi. Hôm mang bộ salon về nhà nàng đã nghĩ ngay đến điều đó. Ít ra cũng là chỗ để ông bà cụ nghỉ trưa hay buổi tối có lỡ xem ti vi mệt mỏi lăn ra ngủ cũng chẳng sao. Ai ngờ bây giờ Thành lại ra điều lệ quái ác như vậy.

- Em cứ nghĩ ghế thay giường?

Thành vẫn khăng khăng một mực và lôi luận điệu tiết kiệm ra để thuyết phục:

- Hồi chưa mua mình đã tính là chỉ để chưng thôi, càng ít người ngồi thì càng giữ được lâu.

- Hay là em phủ thêm cái khăn...

- Đã nói không là không. Ghế chỉ để ngồi, muốn nằm ngủ phải đi vào phòng.

Tâm không tranh luận nữa vì đầu óc còn muôn ngàn điều cần phải lo lắng. Nào những đồ dùng lỉnh kỉnh, quần áo, giày dép, khăn mặt, bàn chải đánh răng và cả những thứ không đáng sắm vẫn cần phải có như bộ bình tích cũng làm Tâm bận lòng. Hôm nọ đi chợ Việt Nam, Tâm đáo qua đáo lại cả chục lần ở hàng đồ sành đồ gốm để ngắm nghía cái bình tích kềnh càng tráng bằng lớp men sứ vẽ vài hình con công con phượng "made in China" và cái vỏ để ủ với giá ba chục đồng. Cái giá quá mắc trong khi ở chợ Mỹ cả bộ trà cũng chỉ có mười lăm đồng bạc nhưng khốn nỗi bình của Mỹ không có vỏ ủ thì sao hợp mắt các cụ. Mà cái vỏ có đẹp gì đâu, được đan bằng những sợi nilon nhỏ như sợi cói, bên trong dồn bông goòng bọc vải vừa vặn để cái bình tích vào. Không mua thì sợ cha mẹ mình buồn vì gia đình Thành vừa qua Mỹ tháng trước cũng có một cái mà mua thì biết sao cho vừa lòng. Nhìn thì biết, các cụ đua nhau mua sắm, thích gì là đòi cho bằng được, từ bộ tranh sơn mài cho đến những thứ lẩm cẩm thật vô dụng như cái lồng bàn, cái nón lá v.v... Quần áo mua sẵn ở tiệm không chịu, cứ đòi phải may theo lối Việt Nam vừa mắc, vừa mất thời giờ. Cũng may Thành không phải đón về nhà nuôi chỉ vì ông bà già chồng sợ lạnh, không chịu nổi cảnh đi chân đất trên cái nền tráng men nên ở với người con trai thứ hai. Hai vợ chồng người em chỉ là technician nhưng làm việc lâu năm nên lương cũng khá. Tâm không phân bì với Thu nhưng nó là dâu mà dám sắm bộ bình tích cho cha mẹ chồng trong khi mình là con ruột lại tính toán từng ly từng tí...

Thế là hai hôm sau Tâm quyết định trở lại nhưng khi móc tiền ra trả thấy đau thế nào. Ba mươi đồng đối với Tâm không to lớn nhưng mua một thứ vô dụng và xấu xí để trong nhà thật uổng phí. Nhớ dạo còn ở Việt Nam, Tâm mua được chiếc bình thủy cũ của Mỹ, nàng cứ thắc mắc tại sao chiếc bình mỏ vịt lại bị ố vàng ở miệng rót, về sau mới biết người ta chứa nước trà trong đó. Bình thủy Mỹ tiện dụng là vừa xài lạnh và nóng, ngược lại cha mẹ Tâm lại cho rằng sức nóng của nó làm cho bã trà nở toét ra uống hết cả ngon. Tâm không nghĩ như thế nhưng ý thích của các cụ thì có trời hiểu nổi vì các cụ nói một đàng nhưng lại làm một nẻo. Thích uống trà nóng mà lại phải kiểu cách, màu mè trong bình tích vì như vậy mới diễn tả được vẻ thanh lịch của thú tiêu khiển. Nhớ hồi còn ở nhà mỗi lần uống trà với khách, cha nàng trịnh trọng giở nắp ủ lên, miệng xít xoa kêu nóng và rất thong thả, ông giơ cao bình rót ngay vào cái tách nhỏ nằm phía dưới. Độ cao làm tiếng nước chảy xuống kêu ròng rọc nhưng không văng ra ngoài tới một giọt. Cha mẹ nàng nghiền trà thì dẫu đi đến đâu, ngoài trừ chết, vẫn không quên được chiếc bình tích.

Tâm thở dài, nàng không tiếc tiền khi mua bộ bình trà mà chỉ vì không muốn cha mẹ mình ở chung. Nàng sợ cảnh đoàn tụ sẽ cười ra nước mắt và sẽ ăn nói thế nào với Thành về ông chủ đồn điền Bảo Lộc? Dù ông chủ đã bị kiểm kê và tịch thu trọn bộ tài sản sau năm bẩy mươi lăm, dù đã phải bỏ hết về Hốc Môn sống kham khổ vất vả thì vẫn còn lại cái cốt cách chứ làm sao có thể mất? Trong khi thực tế, từ ngày di cư vào trong nam ông bà Cửu sống chết với xứ Trung Chánh đã gần bốn mươi năm trời.

Tâm ái ngại và đâm ra ngượng với chồng, nàng nhớ lại bốn năm trước ngày đám hỏi, hai người cùng đồng lòng viết thư về gia đình để hai bên xui gia được gặp mặt. Gia đình Thành giàu có nên hôm đám hỏi, ngoài đồ dẫn lễ gồm có hai con heo quay, ba gánh xôi gấc, một mâm cau, một mâm trà, một mâm rượu và nhãn, xoài, cam, ổi xá lỵ đội từng thúng đầy lại còn trình diện họ hàng tông ti toàn bác sĩ kỹ sư v.v... Đàng trai kéo đến, dẫu đã thông báo trước, vẫn làm đàng gái méo mặt dù Tâm gửi về một ngàn dollars để cha mẹ nàng làm cho nở mày nở mặt với bà con lối xóm. Khốn nỗi họ hàng đã đông lại toàn thứ ăn bám nên khi được tin nhà ông Cửu có con gái gả chồng bên Mỹ thì dù không được thiệp mời, bà con xa gần vẫn cứ lục đục kéo đến từ hai tuần trước.

Tội nghiệp bà Cửu, già cả mệt nhọc nhưng vẫn cố giữ phong cách của một người có con ở nước ngoại nên ngày nào cũng lặn lội từ đầu trên xóm dưới vơ vét từng con heo đến con gà. Bên chợ cũng được một phen đắt hàng vì một ngàn đô chứ đâu phải ít. Lũ con cháu đói khát mười mấy năm liền nên những ngày đầu được bữa cơm trắng cá kho kéo ở ao về là đã thấy đời sung sướng hạnh phúc nhưng sau vài ngày ăn uống no nê, sức khỏe đã phục hồi thì đám gà qué nhốt trong chuồng mới là mục tiêu chính cho họ mỗi bữa ăn. Bà Cửu chẳng hiểu sao gà cứ lăn cổ ra chết, mà chết toàn những con mái tơ mập mạp để dành cho đàng trai thế mới kỳ! Ngày đầu ngả hai ba con rồi cứ thế tăng dần, gà dịch chết toi mà lũ quỷ ăn vào cứ mập mạp béo tốt, đã vậy tới bữa dọn ra chỉ toàn xương với cổ, làm ba con cũng xương với cổ, năm con cũng cổ với xương. Hai ông bà bảo nhau rình nguyên ngày thì khám phá chẳng có toi có dịch nào mà hễ cứ đến giờ trưa, sau vài tiếng kêu quang quác là cả chục con dãy đành đạch. "Chúng vặn cổ nó tại chỗ mà." Ông Cửu hét lên rồi vơ khúc cây đập lia lịa trên đầu thằng Võ, thằng cháu ruột gọi ông bằng chú "Sư bố nó, bố nó mà sống ông quật cả hai." Ông Cửu vừa quật vừa thở dốc còn bà thì bới trong đống rơm sau nhà toàn những đùi gà luộc béo ngậy, lại có cả xị đế và chén muối tiêu chanh. Tiếc của, bà đào ông bới cha lũ cháu đốn mạt khốn kiếp nhưng rồi đâu cũng vào đó, của thiên trả địa vì Tâm đã muốn nở mặt họ hàng. Con cháu tức là họ hàng, chúng được ăn thì mới sợ và nể phục ông bà. Và có như vậy mới khóa mồm cả lũ xưa nay vẫn lén lút dè bỉu con bà ế. "Đấy cho chúng mày biết, ngày xưa đứa nào bảo con bà ế! Ế mà lấy được chồng chủ tiệm, con nhà danh giá giàu có!"

Vì ăn trước như vậy nên ngày đàng trai đến đón dâu chỉ còn được vài chục đĩa nem trộn thính, vài chục đĩa thịt gà luộc và hơn một thúng xôi, giò thủ trong khi đàng trai nối đuôi nhau, người lớn kẻ nhỏ, lễ mễ gánh đội đi một hàng dài đến cả trăm thước. Họ hàng khách khứa, bà con lối xóm cộng lại trên dưới vài trăm người. Cũng may đồ sính lễ quá nhiều, bà "lại phần" một ít còn bao nhiêu cho mang hết xuống bếp chặt nhỏ xếp ra dĩa. Quang cảnh ngày cưới tấp nập nhộn nhịp như đám hội lớn. Bên cạnh, bà Lý cho mượn nguyên căn nhà gạch xây làm đám. Nhà lại có lầu nên khi bà Cửu gửi cuộn băng video sang Tâm cũng cảm thấy mát mặt với chồng. Ông Cửu hôm đó trông cũng ra phết với cái áo sơ mi trắng và cà vạt to bản bông sặc sỡ, bên ngoài khoác bộ vét màu sữa nhạt, tướng tá oai vệ như tổng giám đốc ngân hàng. Bà Cửu cũng đâu kém, bà mặc áo dài bông bằng nhung màu xanh đậm, bên trong là bộ bà ba trắng với hai ống quần rộng thùng thình, đầu không chít khăn mỏ quạ như thường ngày mà lại vấn tròn bằng chiếc khăn nhung cũng màu xanh làm lũ con nít mất nết bu theo chọc:

- Cô "râu" già đội rế hoàng hậu.

Nhìn lối ăn mặc dị kỳ xí xọn, già không ra già, trẻ chẳng ra trẻ nhưng Tâm vẫn thấy thinh thích. Thà dị kỳ còn hơn để lộ sự quê mùa ra. Thà xí xọn còn hơn phơi bày cảnh khó nghèo của muôn thuở trước...

Tâm ngại ngùng vì cái bình tích nhưng lại tự an ủi khi nghĩ gia đình Thành giàu có mà còn xài nó huống hồ gì cha mẹ nàng. Khốn nỗi người ta ở Mỹ Tho giàu cách mấy cũng là nhà quê còn cha mẹ nàng giàu nứt đất đổ vách ở Bảo Lộc. Dân Bảo Lộc, Đà Lạt đâu thua gì dân Sài Gòn... Nhưng thôi, lo quá cũng đến chết vì không còn cách nào nữa bây giờ. Cả năm nay Tâm đã tốn phí biết bao nhiêu tiền để cho cha mẹ cởi lốt. Nàng gửi những mẫu áo thời trang về cho chị dâu để dẫn ông bà đi tiệm may. Nàng gửi giày gửi dép, mua những xấp vải sặc sỡ và dặn đi dặn lại không được mặc quần đen, viện cớ màu đen là màu xui xẻo, tụi Mỹ rất kỵ màu đen, nhất là nó lại nằm ở phân nửa dưới của người đàn bà.

Dặn dò là thế mà hôm đi đón ở phi trường, bà Cửu mặc ngay cái quần đen chân què từ Thái Lan sang tới Mỹ, cũng may có hai vạt áo dài nhung tím phủ che phần trên nên đỡ được phần nào vẻ thô kệch. Ông Cửu tân tiến hơn trong bộ vét màu mỡ gà, tay xách cặp da đen của tụi con nít lớp ba nhưng cũng oai ra phết. Trong lúc Tâm lăng xăng xách cái nọ cầm cái kia thì Thành đứng khoanh tay lạnh nhạt, ánh mắt có vẻ ngỡ ngàng nhiều hơn là khinh thị. Họ như từ một hành tinh nào tới, líu nhíu tiếng bắc rặc khó nghe, đã vậy lại còn lùn hơn bất cứ người lùn nào và nhỏ thó hơn bất cứ ai nhỏ thó. Nhìn đàng sau người ta chỉ nghĩ là đứa con nít chín, mười tuổi trịnh trọng áo quần của buổi đại hội. Nhưng thôi Thành nào hy vọng họ khá hơn vì Tâm cũng đâu có cao chi nếu không đi vào đôi giầy tấc rưỡi. Ngày xưa Thành khoái mỗi lần hôn môi Tâm vì nàng hay bước cả đôi giầy gót nhọn lên giầy mình rồi nghến cao cổ lên... Được đàng nọ mất đàng kia vì muốn có những đặc biệt khác người, muốn được thiên hạ bàn tán xì xào như cái rốn của vũ trụ thì cũng phải chịu ít nhiều thiệt thòi, mà những thiệt thòi đó lại ở trong phòng kín nào mấy ai để ý.

- Anh ra lấy xe là vừa vì chỉ vài phút nữa người ta sẽ đẩy đồ xuống.

Thành cũng muốn đi ra ngoài cho thoải mái và nhẹ đầu óc vì cũng người bắc sao Tâm ăn nói ngọt ngào dễ nghe dễ hiểu mà ông bà Cửu nói cái gì đâu. Đã vậy bà cụ lại cứ nhào tới nắm tay Thành, bàn tay xương xẩu và nháp như giấy nhám.

- Bu mừng lắm, được thằng con rể như mày có chết cũng nhắm mắt.

Thành chỉ biết gật đầu cười trừ trong khi bà cụ ra chiều còn thích nói, bà cố nghến cái cổ ngắn cụt gào lớn giữa tiếng máy phóng thanh và tiếng ồn ào chung quanh:

- Cái máy bay lớn quá, suốt mấy ngày liền cứ kêu u u làm nhức cả đầu. Giá mang theo cái khăn vuông mà bum tai thì đỡ phải điếc.

Khi Thành ra ngoài, Tâm mới dám cằn nhằn về cách ăn mặc của ông bà Cửu. Nàng giằng cái cặp ông đang xách trên tay:

- Thầy vác cái giống quỷ này theo làm gì?

Ông Cửu cười gượng gạo:

- Thì mày bảo tao phải bắt chước y hệt còn gì nữa. Con vợ Chẩn đi khắp chợ Huỳnh Thúc Kháng cũng chẳng tìm ra thứ ấy, có một cái trông cũng tợ tợ nhưng mắc như ma mà có khác cái này là bao. Hàng quốc nội bao giờ cũng rẻ.

- Cứ quốc nội quốc ngoại mãi mà chẳng bỏ, thầy vào trong nam gần bốn mươi năm rồi mà vẫn không thể gột rửa được sự quê mùa của mình.

Ông Cửu nhìn Tâm bằng đôi mắt ngỡ ngàng vì không tin rằng xã hội văn minh đã biến đổi tính tình con ông mau như thế. Ngày xưa còn ở nhà dù Tâm đỡ đần trong ngoài và dù đi bỏ rau ở chợ mỗi sáng mang về cả đống tiền nhưng bố ra bố con ra con, nhiều khi giận ông còn vác cây đuổi đánh thế mà bây giờ mới tiếng tây tiếng u trọ trẹ vài ba chữ đã khinh tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên ông cũng gượng làm vui, chân ướt chân ráo sang đây không nhờ nó thì còn nhờ vào ai. Ông lấy giọng bình thường hỏi Tâm trong khi đảo mắt nhìn quanh:

- Chẳng ai đón thầy bu hết à?

- Thiếu có mỗi cái Nụ thôi, nó đi ăn đám cưới bạn bè mãi bên Canada, hai tuần nữa mới về.

- Rồi tối nay tao với bu mày ngủ ở đâu?

- Thì ngủ đỡ trên con cho đến khi nào nó về.

- Biết tao sang mà nó còn đi. Bạn thì bạn, tao với bu mày không hơn chúng nó hay sao?

Tuy ông lầm bầm trong cổ họng nhưng bà Cửu vẫn nghe được. Thường người già nếu mắt đã sáng thì tai rất thính. Bà bấu nhẹ vào tay ông, giọng nhẹ nhàng:

- Qua Mỹ rồi ông đừng chấp nhất như ở Việt Nam.

Ông Cửu lại không nghĩ như vậy. Không khó khăn, không chấp nhất làm sao đám con ông được trở thành ông nọ bà kia. Trừ vợ chồng Chẩn còn kẹt lại không nói, mặc dù nó giầu nhất xóm vì làm chủ cả một xí nghiệp heo "đi tơ", còn thì con ông ba đứa đang ở bên Mỹ đứa nào cũng khá cả, duy có thằng Phước thì hơi tệ. Ai đời qua Mỹ được hơn một năm mới gửi về duy nhất một thùng quà, con vợ nó véo von dặn đi dặn lại:

- Thầy để dành xài, đừng bán vì toàn những loại hàng tốt.

Ông Cửu nghĩ nó dặn mánh mung gì đó nên đống quần áo tuy thơm nực mùi vải mới nhưng ông chẳng dám bán và cũng không dám mặc. Cái quần có đến năm bẩy túi nặng chình chịch, trên rộng dưới túm chặt như quần thằng phỗng. Đôi giầy không nhọn mũi mà lại bè bè cái đầu bọc mủ mà lũ nhóc hàng xóm gọi là "ten nít su". Ông chẳng cần biết tennis là cái gì chỉ biết rằng nó quá vô dụng. Ông già rồi, quanh năm ngày tháng lam lũ với vườn tược, sáng cũng như chiều lúc nào quần cũng xắn cao, bùn ngập tới đầu gối mà đôi giầy thì trắng bóc, lại cũng không hợp nếu mỗi sáng chỉ dùng để đi lễ vì con đường đất tứ thời nhớp nháp, không vì mưa dầm cũng là đất bùn từ các ruộng rau kéo về. Cả làng ông ở đều trồng rau bán vùng Hốc Môn, Trung Chánh. Đứa lớn đứa bé vừa nứt mắt ra đã ăn rau, rau thay cơm, rau thay thịt cá. Mà rau có ngon chi cho cam, mọi thứ tươi tốt đều mang đi bán để được khá tiền, còn lại những thứ xấu hay quá lứa mới để ăn hoặc nấu cho heo gà.

Nhìn đống quần áo, ông thấy giá trị có mỗi khúc hàng soir đen may quần cho vợ, còn bao nhiêu thì đáng giá gì mà con dâu bảo để dành xài vì toàn loại tốt? Chính vì nghĩ như thế nên suốt ngày ông như người bị ma hành, cứ xăm soi thư dưới ánh sáng mặt trời rồi lại vào phòng tối đốt đèn lên mà rọi cũng chẳng thấy gì hết. Cho rằng nó tuy khôn khéo nhưng lại quá nhút nhát không dám viết chỗ dấu tiền đô. Chắc chắn như thế nên ông cứ từ từ lần lượt gỡ từng cái quần cái áo, rạch hằng chục mảnh ở cổ áo, túi quần để tìm tiền, ngay đến đôi giày mới tinh cũng bị đâm thủng tứ phía.

Vừa mất thì giờ lại vừa toi cả bao nhiêu hy vọng, ông bực tức sai thằng cháu nội viết một trang thơ dày đặc gửi sang chửi vợ chồng con cái nhà Phước. Ai ngờ con vợ đáo để đã chẳng xin lỗi hoặc gửi thùng khác tạ tội cùng cha mẹ chồng mà ngay đến thư từ cũng lờ luôn. Tuy giận lắm nhưng có chửi từ ngày này sang ngày khác cũng không hả, vả lại tiền cò tem đâu phải rẻ, vì thế thỉnh thoảng có viết cho con gái, ông kèm mấy giòng nhắn chửi vợ chồng Phước. Dần dần chuyện giận hờn cũng phai nhạt nhưng chắc chắn không phải tại vì mỗi năm vợ chồng nó vẫn thường xuyên gửi tiền về biếu ông tiêu tết. Tình cảm ông vẫn dửng dưng lạnh nhạt bởi vì có vài lần ông hỏi xin ít ngàn thì Phước tra gạn nào là thầy cần làm gì, tiêu những gì phải cho nó hay. Biết không thể dấu được ông đành xì ra:

- Tao cho người đóng hai cỗ hòm.

- Thầy đóng hòm làm gì? Sắp sang rồi mà!

Phước viết thư đối thoại như đang nói chuyện làm ông nổi cáu:

- Sắp sang là một chuyện, hòm sắm là một chuyện.

- Nhưng còn bộ hòm hồi xưa chúng con đóng tặng thầy bu đâu?

- Cái thằng ngu, trước kia mày nào đã là công dân Mỹ. Tao cũng nào có những đứa con sống vinh quang ở nước ngoại. Hơn nữa đồ quốc nội đâu bằng quốc ngoại nên tao cho bác Cả Phùng rồi, tội nghiệp chết chẳng có miếng ván.

Thư đi thư về đến hơn nửa năm thằng khốn gửi cho được sáu trăm bạc bảo là biếu tiền tiêu tết chứ hòm nó nhất định không cho. Thoạt đầu ông còn giận vì nghĩ nó chi chiết tính toán từng xu với bố mẹ, nhưng sau ông chắc chắn tại vợ chồng chúng nghèo. Vì chỉ có nghèo mới để thua thằng đánh heo cho vợ Chẩn. Thọ đi chui sau Phước ba năm bây giờ đã có vợ Mỹ. Hôm đám cưới nó gửi hình về làm cha mẹ nó nở mặt nở mày nhưng lại làm xấu hổ mặt ông. Trong hình nhìn Thọ phúng pha phúng phính và cái bụng to ễnh như Tàu phù. Nó đeo đôi mắt kiếng râm trông thật sang trọng, đã vậy con vợ Mỹ béo tốt bá cổ một bên. Vợ nó cao hơn chồng một cái đầu và được thằng đánh heo ôm bằng hai tay. Chỉ nhìn hình không cũng biết là chúng giầu có vì theo ông có tiền mới có ăn, mà đã ăn những của ngon vật lạ thì sao lại không mập?

Còn vợ chồng thằng Phước cả năm mới gửi về một tấm. Con vợ ốm đét mặt mày xương xẩu vêu ra, thằng chồng trông cũng chẳng khá hơn xưa. Ông nản, ông buồn rồi đâm ra thẹn với xóm làng mỗi khi có ai nhắc đến thằng con trai. Ở Việt Nam cùng lứa tuổi thì nó chẳng nhì cũng nhất và gia đình ông cũng đâu kém cỏi. Tuy làm rau làm vườn nhưng ông có nhiều ruộng đất, lại chịu khó làm việc. Hơn nữa vợ Chẩn khôn khéo kiếm về cho ông những đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc chết cha chết mẹ làm những công việc ngoài vườn nên chung quanh ai có khổ thì khổ chứ nhà ông vẫn có cơm ngày hai bữa. Bây giờ chẳng những thua mẹ con Thọ lại còn thua luôn cả những người có con ở xóm trên đi Mỹ, nhìn xem nhà nào chẳng có truyền hình màu, máy chiếu phim tại nhà. Còn ông gào rát cổ bỏng họng, vợ Tâm mới gửi về cho được cái ti vi màu sau khi cằn nhằn nghe đến nhức cả đầu.

Xem ra ba đứa con ông chỉ có mỗi cái Nụ là khá. Tuy tàn tật nhưng nó có nhà, có xe riêng, mỗi tháng chính phủ còn phải trả cho sáu trăm bạc tiền "hen đi cép" thì xài sao cho hết. Những sáu trăm bạc. Chao ôi! Ông đâu có ngờ con út tật nguyền hôm nào bây giờ lại giàu sụ và quyền cao như vậy. Chắc chắn nó phải làm lớn lắm nên chính phủ mới phải trả tiền cho đến suốt đời mà chẳng đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Tính Nụ lại dễ dãi, ông xin gì là nó cho ngay, radio cassette âm thanh tám chiều mười chiều cũng ở nó mà ra, rồi tiền bạc xây cất nhà thờ đền đài cho ông nở mặt với xóm làng cũng ở nó mà ra, ngày tư ngày giỗ đình đám kéo dài cả tuần cũng ở nó mà ra. Tính như vậy hàng năm nó chu cấp cho ông bà gần một ngàn chứ ít ỏi gì.

Qua Mỹ ông chỉ còn kỳ vọng ở Nụ và ông cũng nghĩ rằng sẽ ở chung với nó trong một căn nhà quá rộng mà theo nó kể cứ phải kéo bạn bè về cho đỡ buồn. Cái con chưa có gia đình nên ăn xài hoang phí, đúng là tiền chùa nên nuôi một đám cô hồn các đẳng. Qua đây ông sẽ ép nó vào khuôn phép thì số tiền dư hàng tháng còn lên cao tới độ nào. Và qua đây ông sẽ phải cho nó biết rằng ở đời phải đối xử trên ra trên, dưới ra dưới chứ không thể coi bạn hơn cha mẹ... Ông Cửu không bực bội lâu với sự vắng mặt của Nụ vì hành lý đang được máy đẩy xuống và xoay tròn trước mặt ông.

- Cái nào của thầy đâu? Tâm quay nghiêng hỏi ông Cửu, chỉ cho con biết trước, hoặc khi nó đến gần phải chụp ngay không thì vuột mất phải chờ đến "tua" khác lâu lắm.

- Được rồi, chưa gì đã rộn.

Lúc đó bà Cửu đang thích thú nhìn những chiếc va li xanh đỏ sặc sỡ xoay tròn theo vòng quay. Chúng giống như đoàn xe lửa chạy trên đường rầy mà ông bà vẫn thường thấy con ông chánh Đại, nhà bên cạnh, bày chơi dưới nền nhà trải đá hoa. Cái thằng có người chú thật là quý báu, hết gửi xe hơi, xe tăng chạy bằng pin kêu rè rè rồi lại gửi đến cả xe lửa. Vòng đường rầy rộng gần nửa gian nhà làm đoàn tàu cứ xình xịch tha hồ bò, thỉnh thoảng hú lên những hồi còi lanh lảnh. Những lúc nhàn rỗi, ông bà hay sang dụ thằng bé vài viên kẹo chanh. Nó vừa ngậm kẹo vừa bật nút cho tàu chạy nhưng bao giờ cũng vậy, tàu chỉ chạy được hơn nửa vòng là nó vội vàng tắt máy viện cớ sợ hết pin. Cái thằng đáo để, nhỏ tí tẹo mà đã biết mánh mung. Bây giờ chẳng cần dụ kẹo bà cũng vẫn có được những trò chơi thú vị vì trò chơi của trẻ nít đâu thể so sánh với trò chơi của người lớn. Đoàn xe lửa chạy pin đâu thích bằng nhìn những chiếc va li đang tành tạch nảy lên vì độ rung. Cái xanh cái đỏ, cái nằm dọc cái nằm ngang xoay quanh theo vòng bầu dục vĩ đại thế mà có cả đến hơn trăm người đứng nhìn. Ai nấy chăm chú dán chặt mắt như bị thôi miên và tai lắng nghe những tiếng bịch bịch phát ra từ một ô vuông đẩy thêm những chiếc túi xách rớt xuống vòng quay.

Thật có đi ra ngoài mới nhìn thấy cái hay cái lạ. Nhớ hồi tới phi trường Thái Lan, thấy mấy cô tiếp viên hàng không thanh lịch trong bộ đồ vét mầu xanh đậm, cái áo ngoài bó chẽn lấy eo và rộng ở vai, cái váy ôm sát mông vừa chấm đầu gối để hở đôi chân thon dài. Họ đi qua đi lại, đi lên đi xuống làm bà nhìn say mê. Hồi xưa mấy người đi ngoại quốc về cứ bảo vòng quanh thế giới chẳng thấy gái nào đẹp bằng gái Việt Nam. Chưa đi nên bà tin chắc như vậy nhưng khi ra nước ngoài, cái đẹp của người Việt Nam không còn mang cho bà những tự mãn vì cùng người Á đông sao mấy cô tiếp viên này trông nhàn hạ, sung sướng quá, không tất ta tất tưởi, không vất vả lo lắng như những tiếp viên ở Việt Nam. Rồi đến hành khách ngoại quốc cũng vậy, ai cũng điểm trên môi nụ cười hoặc nét mặt thơ thới phè phỡn. Bà để ý một vài người xách cặp da, ăn mặc đóng bộ cũng như ông Cửu nhưng phong thái họ khác hẳn, nhất là dáng đi thong thả, ngực ưỡn ra và mặt hếch cao như chưa hề biết đói khổ hoặc lo lắng là gì. Còn chồng bà và những người Việt Nam đi cùng chuyến thì tất ta tất tưởi bên những túi xách, mắt dáo da dáo dác như sợ chung quanh sẽ có ai giựt mất sắc tay hay lột bộ đồ vía của mình. Đôi giầy da cũng không đem cho họ dáng dấp oai vệ mà trái lại tiếng lộp cộp vang lên tự dưới đế giày mang cho họ mặc cảm bị người ta chú ý, dòm ngó. Đôi khi bà còn cảm thấy người bị co rúm lại lúc thoáng có người khách ngoại quốc định cười với mình.

Hôm rời phi trường Tân Sơn Nhất để qua Thái chỉ non kém hai tiếng đường bay nhưng bà vẫn lễ mễ cơm nước mang theo như mỗi lần từ Sài Gòn xuống thăm người em dâu ở Cái Sắn. Nguyên một sắc tay lớn bà oằn vai đeo theo gồm đồ ăn, chén đũa lỉnh kỉnh, cơm nắm, thịt kho, ruốc, muối tiêu và một hũ dưa muối. Khi những người tiếp viên hàng không phát cho ít xôi với chả lụa thì ông bà hí hửng giở cơm nắm ra ăn làm mùi thịt nạc kho nước mắm theo nắp guigor vừa mở bay tứ phía. Nhiều người hít hà rồi dáo dác tìm kiếm trong khi ông bà thản nhiên từ chối phần ăn của mình trước những đôi mắt nhìn tiếc rẻ. Bà Cửu lấy khay để lên đùi rồi đưa lưỡi dao nhỏ cắt xuống bịch cơm nắm gói bằng nilon. Cơm gạo thơm nắm khi còn nóng, dẻo và dính như bánh dầy.

- Ông ăn dưa muối không?

- Để dành đấy ai ăn mất mà vội.

Ông Cửu cầm khoanh cơm đưa lên miệng, vị ngọt của gạo mới như quyện lấy đầu lưỡi làm ông nuốt hết nửa phần rồi mới đưa tay nhón miếng thịt kho bỏ vào miệng:

- Ăn đi bà, ăn cho đã. Vài hôm nữa qua Mỹ chẳng có mà ăn.

Cũng chính vì sợ không có mà ăn nên nguyên một cái "sắc ma ranh" bà mang theo cất đầy hột giống. Nhiều người đi trước viết thư về dặn dò nên gói lại thành từng bịch nhỏ dấu lẫn lộn trong quần áo chẳng ai xét hỏi mà rộn. Có điều đừng để những gì có chất sắt, đồng, kim khí thì khi qua máy dò sẽ không kêu, còn tụi hải quan có xét cũng qua loa đâu giở tung từng cái áo. Vì được báo trước như thế nên bà gói ghém mang theo không thiếu một thứ gì nhưng nhiều nhất vẫn là cải xanh, cải ngọt, xu hào, ngò, xà lách rồi đến húng chũi, húng quế, kinh giới, tía tô cho tới hột bầu, hột mướp...

- Khiếp đảm. Thầy vác cái của quỷ này đi làm gì? Tâm kêu lên khi thấy ông Cửu gần như bò dài ra để lấy cái túi xách nhà binh ngày xưa đã được nhuộm nâu.

- Sư mày, không có nó thì vãi ra đấy.

- Thầy đựng gì mà sợ nó vãi với chả vãi? Trời ơi!

- Giời ơi cái gì, ông Cửu gắt ầm lên, không có nó lấy cứt mà ăn.

Tâm không nói nữa, nàng khom lưng kéo phụ cái túi xách xuống bên dưới rồi phủi hai tay vào nhau:

- Vừa dơ lại vừa hôi muốn ói, cái mùi nhuộm hay vải bố gì mà ghê sợ.

- Mùi thằng bố mày chứ còn ai vào đấy!

Ông Cửu quen thói mắng con, dù mắng thật hay yêu thương cũng thế, nhưng bà Cửu thì không chấp nhận được điều này, bà khẽ khều ông:

- Vừa thôi, mình đang ở "Ờ mé ri cà" chứ không phải Việt Nam đâu.

- Có ở trên trời thì chúng vẫn là con tôi. Bà cứ vớ vẩn khều với khoèo mà tôi lộn tiết lên đạp cho mấy đạp bây giờ.

Chẳng hiểu ông có đủ sức đạp cho bà té nổi không vì dù ốm o bà cũng còn có tí da tí thịt hơn ông. Lần này bà cấu ông một cái đau điếng:

- Ăn với nói, có cháu có chắt rồi mà không giữ gìn ý tứ để chúng khinh cho.

Ông Cửu bực vì thấy vợ cứ đứng lải nhải lại cấu với bẹo nhưng ông cũng ráng làm thinh vì thấy một vài người Mỹ to lớn đứng gần đấy quay lại nhìn.

- Lấy đi. Nó đấy! Đấy!

Giọng ông lớn và kéo dài. Vài tiếng cười rộ làm mặt Tâm đỏ bừng. Quên cả giữ gìn, nàng kéo mạnh cái va li giọng hơi lớn:

- Còn nữa không thầy?

- Còn một cái nữa.

Bà Cửu nhanh nhẩu trả lời đồng thời chồm người cố kéo cái túi vải vừa trờ tới nhưng cả người bà mất đà lăn theo, đôi chân bị giở hỏng theo vòng xoay. Cũng may Tâm nhanh tay kéo được bà đứng lên, nàng cằn nhằn:

- Nó đã chạy quá tầm tay bu còn với theo làm gì? Chờ vòng sau con lấy cho, bu đứng ra ngoài coi hành lý. Thật khổ ơi là khổ.

Bà vuốt lại vạt áo và lùi hẳn ra sau ai ngờ ông Cửu đã đứng ngay đó tự lúc nào. Hai chân ông khuỳnh ra như cái hàng rào chặn những phường đá cá lăn dưa và hai tay chống nạnh như thể thách thức kẻ nào dám "lương" đồ của mình. Bà nhìn quanh:

- Đồ đạc xuống một lần cả trăm cái mà không xảy ra cướp giựt, hay thật ông nhỉ!

Không trả lời ngay, ông Cửu cúi xuống lẩm bẩm đếm hành lý thêm một lần nữa cho chắc chắn rồi mới cất cao giọng:

- Ở Mỹ ai cũng giàu có cướp làm gì vài cái túi xách. Bà không nhớ hôm nọ đọc trong thư vợ chồng nó bảo tối ngủ không phải đóng cửa cơ à!

- Nó bảo là thế nhưng ai ngờ có thể trật tự đến như vậy.

Đám đông mỗi lúc một thưa dần với hành lý tản mát mọi chỗ. Phải đến mươi phút sau ông bà mới theo Tâm khệ nệ ôm những túi đồ ra ngoài cửa chờ Thành. Bà Cửu vừa lôi vừa kéo vừa cằn nhằn:

- Nặng thế này mà lưng tôi đau thì khiêng làm sao! Giá ông đỡ nó cho tôi đội lên đầu thì có đi mấy cây số cũng chẳng ngại.

Bà Cửu nói chẳng ngoa, thuở còn con gái bà chiếm giải nhất trong làng về đội. Người tuy nhỏ thó và đôi tay yếu ớt nhưng nếu có ai đỡ phụ để lên đầu, cả tạ gạo bà đội chạy bon bon như không. Bà vẫn tự hào về thành tích đội gạo của mình trong khi mọi người chung quanh tuy cảm phục nhưng chẳng một ai mơ ước địa vị vô địch ấy bởi vì họ có cảm tưởng đầu bà bị trì nặng không thể nào cất cao lên được. Giá bà có mặc áo dài cổ lưới, miếng lưới vẫn bị đè xuống vì không đủ sức chống trả với cả khối xương hàm đè xuống.

Vừa bước ra khỏi cánh cửa tự động, ông Cửu đã bị choáng ngộp bởi từng đoàn xe nối đuôi nhau hàng bốn, đông đặc và chậm chạp bò như đoàn kiến di chuyển chỗ ở khi trời sắp chuyển mưa. Đèn xe, đèn đường và đèn từ phi trường sáng rực như ban ngày. Đi đôi với ánh sáng, mùi khói xăng, khói thuốc, dầu cặn từ các ống khói đua nhau phun ra khiến mũi ông ngột ngạt. Đã vậy tiếng động cơ, tiếng còi, tiếng thắng xe hoặc rú mạnh chân ga cho xe vọt đi khiến tim ông đập liên hồi.

Thần kinh bị căng thẳng làm đôi mắt ông mở to nên không bỏ sót bất cứ một người nào lái ngang qua. Nào tóc đen, tóc đỏ, tóc vàng bên những quần áo hoa hòe sặc sỡ. Nào là Mỹ đen, Mỹ đỏ, Mỹ trắng, Mỹ vàng, Mỹ lai căng cũng đều đủ cả. Ai nấy vui vẻ, hớn hở làm như thành phố về đêm mới là cuộc sống hưởng thụ của họ. Ông cảm thấy vui lây với niềm vui mới mặc dù đang hít thở những ô uế của dầu cặn và cơ thể mệt mỏi vì vượt một chuyến bay quá dài.

Bà Cửu trái lại không có lối nhìn như chồng. Cảnh vật tuy lôi cuốn thật nhưng nó dễ mờ nhạt để thay vào sự cô đơn và những dấu hỏi len lỏi. Bà mơ màng với cảm giác hình như cái tình người nơi xứ Mỹ không có. Mười sáu năm xa cách con cái, bà cứ nghĩ ngày hội ngộ sẽ là ngày vô cùng trọng đại đánh dấu một cuộc đời đổi mới. Các con bà chẳng than thở thiếu tình mẫu tử và các cháu nội, cháu ngoại vẫn thường xuyên gửi thư từ hình ảnh nói rằng đã xụt xùi rơi lệ với nỗi thương nhớ nên chỉ cầu mong ngày đêm ông bà chóng sang đoàn tụ là gì? Ai ngờ tất cả chỉ là những môi miếng, giả tạo, dối trá, hoàn toàn trái ngược với sự thật. Chúng nào có nghĩ đến ông bà! Ngay đến con dâu, con trai, con gái, thằng lớn, thằng bé đều mất mặt.

Bà cố nén tiếng thở dài che dấu nỗi ngao ngán để rồi tưởng nhớ lại buổi tiễn đưa ông bà sang đây, con cái cháu chắt tại Việt Nam đã bày tiệc lớn tiệc nhỏ ăn mừng cả hơn tuần lễ. Ao cá chép sau nhà bà cho tát sạch để làm cho những bữa cỗ thêm linh đình. Vườn dừa và những cây thu đủ rộ trái cũng được lần lượt ngả xuống cho món tráng miệng. Cờ xí, câu vè, câu đối, thơ phú treo quanh vách tường không hết nên treo luôn ở đầu ngõ, toàn những lời chúc tụng tốt đẹp, toàn những thương nhớ tiếc nuối đã đeo dính lấy bà như gắn vào khúc ruột. Ngay đến căn nhà vôi to lớn, tuy không nhất làng nhưng đó là công lao mồ hôi và nước mắt của hai ông bà tạo dựng gần bốn mươi năm trời, từ ngày di cư vào trong Nam tha hương lập nghiệp, công của hơn nửa đời người bươn chải vậy mà ông bà mỉm cười vui vẻ giao cả cho vợ chồng Chẩn. Mai kia nó cũng đi rồi thì gia tài đó chẳng biết sẽ về tay ai? Tuy nhiên dẫu có mười lần như thế bà cũng dốc cạn mà ban phát hết. Không nghèo tiền, tình cảm lại quá dư thừa nên ngày đi bà còn những hơn tạ gạo cũng mang ra phân phát hết cho con cháu. Quần áo, khăn nhung, khăn mỏ quạ mới chỉ xài vài lượt cũng bị các anh các em nội ngoại tước sạch từ hồi năm ngoái.

- Chị ạ! qua đấy quần là áo lượt, đồ gấm đồ nhung đầy chị còn tiếc với chúng em làm gì mấy thứ này?

Bà cảm động khi nhìn những giọt nước mắt chảy dài, nghe những giọng mếu máo hoặc nức nở của người thân. Chúng nó thật lòng quá có sao nói vậy:

- Bà ơi, bà đi rồi con thiếu bát cơm chén gạo biết chạy nhờ ai.

- Bà ơi, bà đi rồi con chó con mèo cũng còn phải khóc nói chi chúng con.

Toàn là những câu nói đầy thân tình nhờ vả trông cậy những lúc túng quẩn nhưng vẫn làm bà mủi lòng nước mắt rưng rưng.

- Qua bên ấy vài tháng rồi tôi sẽ trở lại thăm các ông các bà chứ nào đã đi luôn.

Bà bóp tay từng người với đôi mắt ngấn lệ nhưng trong khuôn mặt ấy một niềm hân hoan và kiêu hãnh tột cùng. Vài ngày nữa đặt chân lên đất Mỹ là ông bà như con sâu thoát xác, nó không còn nằm trong tổ kén chịu mãi kiếp tằm mà hóa bướm với đôi cánh mỏng bay khắp vùng trời đất Mỹ. Rồi bà sẽ có những tấm hình màu thật đẹp gửi về. Rồi bà sẽ gửi tiền giúp xứ xây lại nhà thờ, gửi giúp những đứa cháu nghèo nàn đang cần sự nương tựa. Ra đi bà tự cho mình mang một trọng trách lớn về sự yên vui no ấm của con cháu và những người còn ở lại. Bà nhớ ngày xưa di cư từ Bắc vào Nam bỏ của cải ruộng vườn nhưng trốn chui, trốn nhủi, ngay đến họ hàng thân thích cũng dấu đút vì sợ thưa báo. Còn bây giờ với hai bàn tay trắng, cũng rời bỏ quê hương nhưng sự ra đi này đối với bà thật là vinh quang vì được vào đất Mỹ như vào cửa thiên đàng và là khát vọng thèm muốn của bao lớp trẻ, những người còn ở lại. Tại sao họ thèm khát ra đi? Điều đó bà chẳng cần biết. Chỉ biết rằng cả một đời bà làm lụng vất vả, giờ buông tay chấp nhận mất hết mà không hề tiếc nuối chỉ vì ước vọng bà cao hơn. Bà đặt tất cả niềm mơ ước hưởng thụ khi vừa đặt chân sang đất Mỹ, một nước phồn thịnh văn minh đang chờ đón, cái địa vị, danh vọng đó mới đáng kể. Bởi thế bà làm mâm ngon, cỗ đầy cũng chính là một hình thức khoe khoang tương lai sáng ngời của vợ chồng bà cho xóm ngõ biết. Đáp lại, mọi người đã quý hóa, tâng bốc ông bà lên tới mây xanh. Thế mà giờ đây, ngày đón tiếp bà, ngày đón tiếp của con cháu, của những kẻ văn minh giàu có lại không một chút tình người.

Bà thở dài nhớ lại lúc xuống phi cơ đã sụt sùi giọt ngắn giọt dài trong khi con gái mình lại vung tay vung chân như thể muốn cản ngăn những giọt nước mắt đó. Bà tủi thân nhưng cầm lòng được ngay vì nghĩ đó chỉ là ảo giác, và cũng có thể tại bà đòi hỏi quá đáng khi đang ở chỗ xa lạ đông đúc người...

- Xe đến rồi kìa bu, nhanh lên để anh ấy chờ.

Chiếc Chevrolet màu huyết dụ đời tám mươi lăm, sáu máy vừa trờ tới đậu sát bên lề. Thành lẹ làng chui ra, vòng về phía sau mở cốp rồi đến bên vợ khuân đồ chất lên xe.

- Thầy bu vào xe ngồi để đó chúng con khiêng cho. Tâm vừa nói vừa đẩy mẹ về phía trước.

Bà Cửu như quên hết mọi ý tưởng vừa nảy sinh trong đầu. Ôi chiếc xe mới đẹp làm sao! Nó bóng loáng và rực rỡ hơn cả xe đám cưới cô dâu xứ bà với những vành nhôm ở bốn bánh xe sáng ngời, đưa tay rờ nước sơn mà bà thấy tim mình đập rộn ràng. Bà cứ nghĩ xe hơi giống như những chiếc xe đò, xe lô nhỏ, Pegout bốn lẻ bốn hoặc có tân tiến lắm cũng là năm lẻ bốn, ai ngờ... Bà run rẩy đưa tay kéo cánh cửa ra. Đúng là tân kỳ, nào có khe hở hoặc phải cột giây kẽm như những chiếc xe hàng vẫn đi ngang nhà bà mà đàng này nó cứng ngắc, chặt chẽ đến nỗi một chút gió cũng không thể lùa vào.

- Thơm quá ông ạ! Tôi có cảm tưởng như đang lạc vào động đào tiên.

- Đào với mận gì, ông Cửu càu nhàu, vào để chúng nó chờ.

Bà Cửu lần mò bò vào, miệng nói lảm nhảm như đang mơ:

- Cái nệm êm quá lại in kiểu này tốn công biết chừng nào.

- Nó may bọc nệm chứ in đâu mà in, rồi ông tặc lưỡi, bà im mồm giùm tôi một cái có được không, cứ rộn lên cho chúng nó cười mình quê mùa.

Chẳng cần cãi thì bà cũng im lặng vì phía trước vợ chồng Thành đang mở cửa bước vào.

- Thầy bu đói không, trên đường về ghé vào restaurant nhé!

Con khỉ, tiệm ăn thì cứ nói tiệm ăn, bà ngẫm nghĩ, cũng may dạo này ở Việt Nam phong trào học và nói tiếng Mỹ đang thịnh hành nên những chữ nào nghe nhiều bà cũng hiểu đôi phần.

- Chẳng đói đâu, trong túi xách còn một cóng ruốc, về thổi thêm tí cơm nóng nữa là xong.

- Đâu được, Thành cắt ngang, đón thầy bu chúng con phải làm cho ra phép chớ ăn cơm ở nhà coi sao được.

Bà Cửu cảm động, vậy là chúng tiếp đãi tận nhà hàng cơ mà!

- Thầy bu định ăn gì? Thành quay hẳn xuống hỏi như thể muốn nghe ngay câu trả lời.

- Thôi con ạ! Bày vẽ làm gì cho tốn tiền. Để dành đấy giúp đỡ kẻ nghèo khó, cho thầy bu chén cơm nóng thôi!

Tâm đang gài dây thắt lưng an toàn, nghe thấy mẹ bày, sợ về phải lọc cọc nấu cơm thì biết khi nào mới đi ngủ nên vội xen vào:

- Thầy bu muốn ăn cơm có cơm, phở tái phở chín, bánh canh bún ốc gì đều có hết.

Không tin ở tai mình, ông Cửu chồm lên hỏi lớn như vừa khám phá một chuyện lạ:

- Bên Mỹ mà cũng bán những thứ này nữa sao? Vậy mà thầy cứ tưởng qua đây phải ăn đồ như Mỹ nên bu mày mang cả gạo.

- Thầy cứ vớ vẩn thế, Tâm càu nhàu, con đã dặn bao nhiêu lần rồi mà ở nhà có ai thèm nghe, ngay đến mẻ, mắm tôm, mắm sặt, tương, chao còn có nói chi là gạo. Thầy bu ăn gì cho con biết để còn xuống đúng exit.

Từ thuở lấy nhau đến giờ ông bà ít có dịp đi vào tiệm sang trọng ăn uống, lý do chỉ vì không được tự nhiên thoải mái như ở nhà. Thỉnh thoảng ông bà sang chợ mua phân hóa học hoặc bỏ mối rau tươi cũng hay ngồi xì xụp tô bún riêu, hoặc sang hơn ghé vào quán cóc ăn tô phở hay dĩa gỏi gà, bây giờ bảo vào nhà hàng Mỹ thì có sợ không. Nghĩ như thế nhưng khi nhìn xuống áo quần mình tươm tất, ông quên ngay những cực khổ đã qua:

- Con ăn gì cho thầy bu ăn nấy.

Nghe ông vội vã trả lời như không muốn phải nói thêm, Tâm thở dài. Sở dĩ nàng cố hỏi chỉ vì muốn dành cho ông toàn quyền quyết định thay chồng. Lâu lâu được vợ bao ăn chẳng khi nào Thành ngu dại không vào Pagoda kêu bò bẩy món. Bốn người kêu ba phần rồi bia, nước ngọt tệ lắm cũng cả trăm bạc. Tiền của đâu mà hoang phí như vậy? Hơn nữa trong gia đình nàng có ai biết bò bẩy món là gì ngoài món bò xào rau muống, bò nấu khoai môn với rau ngót, bò kho gừng hoặc chân bò luộc chấm tương Cự Đà. Tuy thất vọng nhưng Tâm nhất định không để Thành chiếm ưu thế, nàng bày ý:

- Thầy bu đang mệt, bao tử lại yếu, con nghĩ nên ăn chén cháo thịt hay tô phở cho nhẹ bụng. Giờ cũng khuya rồi.

Đúng như Tâm dự đoán, Thành ném cái nhìn bực bội, khó chịu sang vợ phản đối ngay:

- Em nhớ từ chập tối đến giờ mình chưa ăn gì hết nghe.

Tâm điềm tĩnh:

- Em có nói anh đâu. Vào tiệm anh kêu gì chả được.

- Nhưng tiệm nào mới được chứ! Vào Hiền Vương thì chỉ phở chứ có quái gì mà chọn?

- Không phở thì ăn cơm phần, anh tưởng rẻ lắm sao?

Tâm nhăn mặt làm Thành cụt hứng. Từ hồi Thành thất nghiệp nằm một chỗ đến giờ Tâm lên mặt quá chừng. Anh nhà giáo không ngờ đời mình lại xuống dốc thê thảm như thế. Chẳng những nàng không còn nể phục, mắt sáng rỡ kính cẩn nhìn chồng như lúc đầu mà động một chút là hờn trách, đay nghiến. Thành chỉ lờ mờ đoán đồng tiền đã làm cho con người có thế lực hơn lên nên cũng thường nín nhịn để được ăn không ngồi rồi vì cả ba năm qua nằm một chỗ như tằm ăn dâu Thành cũng thấy áy náy lắm. Hơn nữa hôm nay cha mẹ vợ mới sang, không chừng lải nhải một hồi nó nổi sùng về nhà nhắc nồi cơm lên ăn với chà bông thì thiệt là mệt. Nghĩ thế nên Thành im lặng, tuy lòng tức anh ách nhưng vẫn phải bật đèn signal để nhập vào đoàn xe đang đi về xa lộ năm...

Không khí tự dưng tẻ nhạt và chùng hẳn xuống, ông Cửu cố tình đánh tan sự ngột ngạt đó:

- Đông quá! Thấy xe rầm rộ qua lại mà nhức cả mắt.

Lời nói trống khơi mào câu chuyện nhưng mọi người vẫn im lặng chỉ có mỗi bà Cửu đáp ứng âm thầm bằng cách ngồi quay nghiêng và dí sát mặt vào cửa kiếng nhìn ra ngoài. Hình như xe mỗi lúc một chạy mau nên khoảng cách giữa hai xe dài thêm ra. Bên kia đường, chắn ngang bởi bức tường thấp nhưng dài vô tận, xe vun vút lao nhanh như tên lửa. Từng đôi đèn tròn sáng lòa nối tiếp vụt qua, cứ thế từng đôi rồi từng đôi như những con ma trơi chạy đua trong ngày hội lớn hoặc ví von hơn, trông chẳng khác gì giòng thác vàng từ một phương xa vô tận chảy xuống miền hạ giới. Trước mặt bà cũng đẹp rực rỡ không gì sánh bằng, song song với thác vàng là suối máu. Cả một màu đỏ rực tỏa sáng từ sau đuôi xe cuồn cuộn, nhào lộn trên những vùng lồi lõm của đồi cao. Thoai thoải hai bên dốc là rừng rậm đen đặc làm nổi bật thứ ánh sáng ma quái huyền bí. Xa hơn nữa, trải rộng vào đến đất bằng, nhà cửa, phố xá, cao ốc ngập tràn ánh điện màu làm màn đêm tự dưng có giá trị thêm lên. Bà buột miệng:

- Đây là đâu vậy?

Tâm nhìn thoáng ra ngoài, khi vừa trông thấy những hàng chữ lớn bằng bóng điện neon đỏ rực trên đồi cao chót vót, nàng khẽ trả lời:

- Hollywood.

- Hô Ly Út? Bà Cửu hỏi lẩm nhẩm trong miệng.

- Hồ ly Vọng đấy mà!

- Hèn gì, bà Cửu gật gù và quay sang chồng, ra mình đang ở Hồ Ly Vọng, ông nhớ mà viết về báo cho họ hàng biết là mình đã đi ngang đây, nơi những tài tử Mỹ đóng phim.

Bà Cửu không biết nhiều nhưng điều vừa nói ra bà cho rằng chắc chắn phải đúng vì những người ở Mỹ viết thư về nhà vẫn tán dương chỗ họ ở như thế.

- Từ đây đến nhà còn xa không?

- Khoảng sáu chục miles nữa thầy ạ! Nếu không kẹt xe thì chừng gần một tiếng sẽ tới nhà. Buổi tối đường xa lộ vắng nên chạy lẹ.

Vắng vẻ gì, ông Cửu ngẫm nghĩ, cái vắng ở đây còn náo nhiệt hơn ngày hội lớn ở quê hương ông. Cả đời ông... Phải, cả đời ông có bao giờ được nhìn cảnh đẹp của thành phố về đêm như thế này. Nhìn ánh đèn ngập trời, ông thấy mình như con sâu con đang sắp sửa hóa bướm.



Nửa đêm chợt thức giấc vì tiếng động cơ chạy ầm ầm ngoài đường, bà Cửu lồm cồm bò dậy như mọi lần vẫn đi lễ sáng. Nhìn qua từng ô chéo của tấm màn cửa cột hời hợt, đèn đường vẫn sáng và nền trời đen như mực, chẳng hiểu bà thiếp đi được mấy phút mà mắt vẫn còn cay xé, thêm vào cái bụng dưới nặng như bị trì xuống. Đang đêm lần mò đi giải quyết vấn đề vệ sinh cũng khổ, chẳng biết ngõ ngách nào mà mò. Chợt nhớ lời Thành dặn "cửa phòng có treo giỏ hoa" bà lồm cồm bò dậy, cả một bên mình đau rần như bị vẹo xương sống. Bên cạnh, tiếng ngáy của chồng vang đều, chứng tỏ ông quá mệt mỏi sau cuộc hành trình dài. Chập choạng làm quen với bóng tối, bà lần mò tìm lối ra cửa. Cũng may căn nhà không đến nỗi quá rộng nên dù sợ gây ra tiếng động làm mọi người thức giấc, bà vẫn rờ thấy cái giỏ treo một cách dễ dàng.

Bây giờ lần thứ hai bước vào đây nhưng hình như đã quá trưa nên bà khỏi cần lần mò tìm công tắc đèn vì phòng tắm sáng trưng. Bà xúc miệng rửa mặt rồi lấy khăn kỳ cọ toàn thân cho khỏi rít, xong đâu đó mới rón rén đi tham quan một vòng. Nhà chẳng còn ai, sở dĩ bà biết chắc như vậy vì không thấy đôi giầy của vợ chồng Tâm máng trên kệ. Nền nhà lạnh buốt khiến bà bước nhanh và co hai chân lên ghế salon. Hồi tối than lạnh chân mà vợ Tâm đâu có nhớ lấy vớ đưa cho bà. Ngồi lên chiếc ghế êm ái và thơm mùi vải mới nhưng không hiểu sao bà cảm thấy lòng mênh mang buồn. Hình như những lúc nhàn rỗi bà hay tưởng nhớ về những tháng ngày ở quê nhà một cách thèm khát. Cuộc sống tuy vất vả nhưng hình ảnh đơn sơ mộc mạc, âm thanh quen thuộc và ngay cả đến mùi vị đượm tình quê đã tan loãng vào không khí và tạo thành một chất sâm để bà ngậm, hít vào. Nói chi đâu xa, ngay bây giờ ngồi đây, trên chiếc ghế bọc nhung êm ái mà bà vẫn liên tưởng đến bộ sa lông cũ kỹ ở nhà. Tuy nó đã bị cào xước và rách nhiều chỗ, tuy nó đặc nghẹt mùi nước đái của thằng chắt ba tuổi nhưng bà vẫn thấy ấm cúng và đầy không khí gia đình. Nhà vợ chồng Thành tuy cao sang rộng rãi, sạch sẽ trong ngoài nhưng cái hoang vắng cho bà thấy rõ ràng là không có tình người.

Bà đảo mắt một vòng nhìn quanh phòng khách, ngoài bộ ghế và cái bàn nhỏ ra thì cặp đèn chưng ở kệ là tương đối sáng giá. Nó xanh biếc màu ngọc và hai cái chụp bằng vải trắng kết những viền ren nhung chung quanh thật công phu, còn thì tất cả cũng thường, thường như nhiều nhà ở trên Sài Gòn. Bà Cửu đâu biết rằng nơi Tâm ở chỉ là một thành phố nhỏ, một tiểu bang trong năm mươi hai tiểu bang của nước Mỹ. Gia đình Tâm thuộc loại không mấy khấm khá nên nhà cửa đồ đạc chỉ sắm tượng trưng. Nghĩ cũng tội, cả đời bà đã đi đến đâu mà biết để có cái nhìn chính xác rõ ràng.

Bà ngồi buồn, từ buồn đâm ra nhớ, hết nhớ rồi lại đến tiếc... Giờ này ba tuần trước nhà bà như một đám hội. Lũ con cháu mượn được ở đâu cái đầu lân và bộ trống, thế là chúng đánh tùng phèng cả ngày. Thằng ông địa mới tức cười, mặt nó nhăn nhẳn lại to bành, quần thì ống cao ống thấp, chiếc áo chật và ngắn để hở khoảng bụng độn mo cau phễnh tướng. Thỉnh thoảng nó đưa bàn tay xoa xoa cái bụng, tay kia phe phẩy chiếc quạt ra chiều nhàn hạ. Trong đoàn múa lân, bà thích mỗi thằng ông địa vì nó chính là thằng cháu ngoại của bà. Năm nay Lài vừa tròn mười bốn. Anh chị nó vượt biên từ năm tám mươi ba nên thằng Lài tha hồ ăn kẹo Mỹ do đó xác nó to lớn như trâu chương.

Lài tuy lười học nhưng lại siêng làm, có nó công việc vườn tược cũng đỡ đần cho gia đình bà nhiều lắm. Bây giờ bà đi rồi, chẳng còn những trưa ngồi dưới gốc xoài nhờ nó bắt chấy. Đầu bà ít tóc lại bạc trắng nên có chấy đực chấy cái là biết ngay. Tay thằng Lài mập và thô như nải chuối hột, vừa đụng vào chấy đã lẩn mất nhưng bà vẫn thích gọi cháu lại để cho năm đầu ngón tay nó bò nhẹ trên vùng da đầu tạo những cảm giác vô cùng dễ chịu.

- Chẳng có con nào đâu bà ơi.

Thằng Lài rờ rẫm một hồi rồi thở dài thất vọng nhưng cái giá bà trả cho mỗi một con chấy là một chén đậu hũ đường quá quyến rũ. Nó cố quên đi từng miếng đậu hũ màu trắng đục sóng sánh dưới lớp đường ngà vàng lẫn vị gừng thơm ngào ngạt bán ngay đầu ngõ nhưng cứ nuốt nước miếng ừng ực cho nên hai bàn tay Lài vẫn bò nhanh như vẽ nhột trên vùng da khô. Từng lớp gầu dính theo chân tóc được dịp bung ra nằm hớ hênh bên trên lẫn lộn trong đám trứng lép. Chán nản, bàn tay Lài buông lơi. Nó nhắc lại:

- Chẳng có con nào đâu bà ơi.

- Thằng chó, không có chấy sao có trứng?

- Trứng lép không hà, thôi con không bắt nữa đâu.

Bà Cửu đưa tay gãi đầu sồn sột, những đám gầu theo vết cào tróc ra rơi nhẹ xuống vai áo.

- Bà ngứa tại gầu rồi.

- Không, bà biết mà. Con cứ bắt đi được hay không bà vẫn mua cho chén đậu hũ.

Và rồi trưa nào hai bà cháu cũng ngồi rù rì với nhau cả giờ. Sau đó nó cầm đồng bạc bà cho chạy bay ra ngoài và chỉ một thoáng đã bưng về chén đậu hũ còn nghi ngút khói. Ngồi đối diện với bà, Lài xì xụp húp từng muỗng nhưng mắt nó vẫn lén liếc ngang và lần nào cũng thấy bà đang nhìn nó say sưa, thích thú như chính bà được ăn.

Mẹ Lài làm ở xưởng heo mãi chiều tối mới về, cơm nước ngày ba bữa do bà lo cho nên đôi khi nó có cảm tưởng bà nội còn là mẹ của nó nữa. Giá nội mà biến thành mẹ thì sướng biết chừng nào. mỗi khi xin xỏ điều gì, bà nó sẽ quyết định luôn chứ không phải trả lời quanh co:

- Để chờ mẹ mày về bà hỏi xem sao.

Bố Lài năm nay xấp xỉ năm mươi lăm, hơn mẹ nó một tuổi nhưng trông khoẻ mạnh và phong trần lắm. Khi xưa còn nghèo, ông hay đánh heo thả nọc. Sau năm bẩy mươi lăm, bỏ nghề một thời gian dài để buôn hàng chuyến nhưng quá vất vả và bị tịch thu nhiều lần nên vốn lẫn lời tiêu hao. May nhờ mẹ nó lanh lẹ, đút lót và móc nối với công an phường, nhà nó tiếp tục trở lại nghề cũ.

Cái nghề thả heo không hiểu có huông hay bị khinh miệt mà chẳng ai cạnh tranh ra nghề khiến mẹ nó tha hồ tung hoành với bốn con heo đực. Khắp vùng Hóc Môn mà chỉ có mình gia đình nó được vinh hạnh độc quyền. Mỗi chuyến đi tơ, mẹ nó lấy trọn tiền chẳng phải chia cho xã phường nhưng thỉnh thoảng dăm ba lần trong tháng vẫn đánh xe mang heo đến tổ hợp cho mượn thả đực. Lài không thích cái nghề này, nghề gì mà lúc nào tay cũng dẫn con heo đực hôi hám với cái "vật" đàng sau lòng thòng to tướng, bọt rãi ở mép xùi ra trắng xóa như người lên kinh giật. Đẩy con heo lên xe lam đã là một chuyện khó, mà khi đến nhà người gọi heo lại còn khó hơn. Thanh gỗ chặn sau xe không còn là vật cản trở; từ trên cao con heo chồm cao người phóng ra ngoài, hai chân trước qụy xuống và cả khối thịt đổ kềnh. Tưởng nó không tài nào dậy nổi thế mà chẳng hiểu cái "mùi" hay tiếng rên ư ử của chị heo đang tới cữ trong chuồng mà khối thịt khổng lồ kia vụt bật dậy xô giạt mọi người đứng xem chung quanh, hộc vài tiếng đáp lại rồi xông xáo chạy vào... Vừa nghĩ tới đó, mặt Lài đã đỏ bừng. Không hiểu cái nghề xấu hay ý tưởng xấu mà mỗi lần mẹ nó sai người đánh heo đi là Lài cảm thấy trong lòng bất an. Nếu vì chuyện "đi tơ" mà có thêm đàn heo con, rồi từ heo con thành heo thịt để bán lấy tiền thì mọi người trong xóm đã chẳng nhìn gia đình nó bằng cặp mắt khác. Ngay hồi các chị nó còn ở đây, tuy tuổi còn nhỏ nhưng ai cũng bảo làm nghề này khó lấy chồng. Lài bực dọc lắm vì nó nghĩ lấy chồng thì ở với chồng chứ có ở với heo đâu mà phải bàn ra tán vào. Lài đã từng cãi nhau, đánh nhau với chúng bạn và nghỉ luôn khi vừa hết bậc tiểu học chỉ vì cái nghề của cha mẹ nó. Tuy biết rằng "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" nhưng nó vẫn mang mặc cảm.

- Mẹ ạ, sao con thấy những người nuôi heo nọc ai cũng chột mắt hết mà bố mẹ thì không?

Cũng may câu hỏi khi nó vừa lên chín nên chỉ bị hai cái tát nảy lửa in đậm hai vệt nơi má trái. Từ đó ai làm gì thì làm, có giết chết nó cũng không bao giờ thèm rờ tới sợi dây cột ở cổ con heo nọc.

Gần tối Tâm mới đi làm về. Vai đeo bóp, tay ôm bịch quần áo về sửa. Nàng tất tả bước nhưng vẫn không quên liếc nhanh trên bàn ăn hỏi với giọng ngạc nhiên:

- Thầy bu chưa ăn cơm à!

Hỏi nhưng không chờ câu trả lời Tâm thoăn thoắt bước về phòng bỏ bịch đồ trên giường rồi mới thay quần áo trở ra bếp, nơi ông bà Cửu đang ngồi.

- Cơm hồi trưa không ăn hay sao mà còn nhiều thế hả bu? Cả thịt nữa, sao không động đậy thế này?

- Thì cũng ăn vớ vẩn chút đỉnh cho đỡ đói để chờ chúng mày về ăn chung cho vui.

- Bên xứ này ai có công việc của người ấy, hơi đâu mà chờ với đợi.

Tâm ngồi xuống gỡ những miếng nilon đậy bên trên thức ăn rồi vo tròn ném vào thùng rác:

- Qua đây thầy bu phải chịu khó ăn vào mới mập được.

Vừa nói Tâm vừa bới cơm ra chén. Nồi cơm được nấu từ sáng sớm, loại nồi của Nhật có thể giữ độ ấm được cả ngày. Nhìn làn khói yếu ớt tỏa nhẹ, bà Cửu buột miệng:

- Cơm vừa chín tới bao giờ cũng ngon hơn.

- Thì nhất rồi nhưng thời giờ đâu cạo nồi vét cơm. Ngày nào con cũng nấu một nồi đầy ăn từ sáng cho đến tối. Thôi thầy bu ăn cơm đi chứ!

Bà Cửu nhìn mâm cơm ngấy lên tới tận cổ. Cũng thịt thà cá mú sao trông không ngon lành. Sáu cái đùi gà bự tướng, chẳng chặt chẳng xé mà lá chanh hành tây cũng chẳng có, nằm giơ còng giơ gọng trên chiếc dĩa sành. Chén muối tiêu chanh chênh vênh không gừng không ớt được đặt bên cạnh tô canh khoai cà rốt váng những mỡ và cuối cùng là đĩa cá kho còn lõng bõng nước. Cá hồi trưa bà có thử nhưng nó tanh vèn vẹt vì chưa kho kỹ, lại không có gừng tỏi khử mùi hôi.

Ông Cửu nhìn Tâm bốc cái đùi gà xé đôi hỏi bằng giọng thảng thốt:

- Không chặt ra à?

- Ở đây tụi Mỹ ăn cả con, khỏi mất công chặt vì trước sau cũng vào bụng. Như anh Thành nhiều khi có chút rượu vào ăn đến ba cái. Tâm trả lời thoáng chút hãnh diện.

- Ăn vậy ớn chết được.

Bà Cửu ngán ngẫm lắc đầu đứng dậy mở những cánh cửa tủ trên cao tìm tòi, lục lạo như hồi trưa.

- Nước mắm để ở đâu vậy tao kiếm hoài không ra?

- Không mua lấy đâu mà có.

- Ở đây họ không bán sao? Bà Cửu nhìn con chưng hửng.

- Có đầy nhưng hôi hám nhà cửa lắm.

- Không có nó chắc tao với thầy mày nhịn luôn. Hồi trưa ăn vốc cơm với muối mà mặn chát. Có tí ruốc mang theo cũng phải đổ đi vì đã có mùi. Nói xong bà thở hắt ra chiều buồn bã.

- Giê Su! Tâm buông đũa xuống bàn nhìn bà. Vậy chứ thầy bu thích ăn gì phải nói cho con biết để mà đi mua. Không ăn thì sống làm sao được.

- Tao thèm một đĩa rau luộc.

Bà đến bên tủ lạnh mở ra lấy miếng bắp cải đã cắt dở.

- Mày luộc hộ bu một tí. Chỉ cần nó với chút nước mắm là cũng xong bữa, vậy mà cũng không kiếm được cái bếp để nấu.

Tâm uể oải đứng dậy lấy chiếc nồi nhỏ vặn chút nước để lên bếp. Gọi là bếp cho tiện chứ trông nó không giống bất cứ cái bếp dầu hay bếp than ở Việt Nam, nó to không thua cái máy giặt và sạch bóng, bên trên bốn lỗ tròn có ngàm sắt để đỡ đáy nồi.

- Bu coi con làm để mai mốt còn biết lối xài với người ta.

Tâm mồi que diêm để gần vào lò, tay kia khẽ vặn bếp. Ánh lửa xanh bùng lên làm bà giật mình:

- Khiếp thế sao tao dám làm! Hồi trưa thầy mày cũng lần mò bật hết một lượt mà có thấy cái nào cháy đâu.

Tâm thấy chân tay mình rụng rời, giọng nàng hốt hoảng:

- Cái nào cũng bật hết? Rồi máy giặt máy sấy... Thôi chết con rồi.

Cũng may ông cụ khôn ngoan, bật lên không thấy gì lại tắt đi ngay. Kiểm soát hết một lượt, Tâm đè tay lên ngực như giữ lấy hơi thở:

- Bếp ga mà thầy làm kiểu này có bữa nổ tung nhà. Thôi từ mai con nấu sẵn chứ lỡ có gì cứ ra đường mà ở.

Bà Cửu ngao ngán nhìn cái bếp sạch bóng và những món ăn tanh tưởi trên bàn thở dài. Cũng may chỉ một loáng nồi nước đã sôi sùng sục, Tâm bỏ rau và rắc thêm ít muối đảo nhanh.

- Có cái trứng gà này Tâm, sẵn luộc cho bu một quả.

Bà Cửu đưa cho con rồi đứng nhìn quả trứng đang lạnh gặp nước sôi nứt đôi, một giây sau lằn nứt lồi ra chất nhờn màu trắng và từ từ cứng lại. Tuy nhiên một ít lòng đỏ cũng chảy ra tới ngoài làm nước luộc đục ngầu, bà nuốt nước miếng:

- Bắp cải luộc chấm với nước mắm dằm trứng thì tao với thầy mày phải ăn đến hai miệng chén cơm.

- Thầy bu không ăn thịt gà à?

- Có ăn được đâu mà ăn, tao bị phong phải kiêng cữ từ hồi chúng mày còn ở nhà.

- Bu cữ đã đành nhưng còn thầy?

- Bao tử thầy mày cũng yếu lắm thành ra cứ cho thầy bu tí rau với quả trứng là xong.

- Ăn như vậy mắc bệnh cam tích chết.

- Một vài ngày ăn thua gì. Mai mốt con Nụ đến đón về trên ấy tha hồ mà nấu nướng.

- Vâng, Tâm tiếp lời, ở đó nấu bếp điện nên cũng dễ. Với lại nhà housing chẳng sợ hôi.

Thực ra ông bà cũng chỉ mong thế. Ở với con gái bao giờ cũng hơn con rể vì cha mẹ vợ nào ra cái thể thống gì. Biết vậy nên tuy định ở đây vài ngày ông bà vẫn cố giữ kẽ như khách.

- Chồng mày nó cũng hiền lành đấy.

Bà Cửu gợi chuyện khi bưng dĩa rau ra ngoài bàn.

- Vâng, hiền và ít nói. Phải mỗi cái tội sạch sẽ, quá sạch sẽ thì đúng hơn. Hễ đi thì thôi mà về đến nhà là quét dọn lau chùi cả ngày.

- Nó làm gì mà sáng đi tới tối mịt mới về? Chắc lương khá lắm nhỉ!

Tâm chột dạ vì ngày xưa viết thư về nhà, nàng không tiếc lời khoe khoang chồng mình là giáo sư, là ông chủ tiệm, là thương gia buôn bán tài giỏi và giàu có khét tiếng. Tuy nhiên Tâm vẫn đáp "vâng" nho nhỏ.

Từ khi lấy Thành và khám phá ra chồng mình chỉ là người phụ tá cho ông chủ chợ Việt Nam thì lòng Tâm giảm bớt ngưỡng mộ tôn vinh nhưng bên ngoài vẫn niềm nở săn sóc. Có tật giật mình vì che đậy tật xấu của Thành cũng chính là che đậy luôn cho mình. Cưới nhau mãi hơn một năm sau Tâm mới có thai nhưng lại ngoài tử cung nên chín phần mười không thể có con. Vì lẽ đó Tâm luôn phập phồng lo sợ Thành bỏ mình nên hết mực hầu hạ nuông chiều. Có thể cũng vì thế mà dù Thành bị thất nghiệp cả đời nàng cũng không nghĩ rằng đó là niềm đại bất hạnh của mình.

- Hai vợ chồng làm quần quật mà lại không con thì tiền để đâu cho hết?

- Thì chúng con ráng làm được ngày nào hay ngày đó.

- Tham bô làm gì, bà Cửu chép miệng, người ta bảo giầu con giầu cái chứ ai bảo giầu bạc giầu tiền. Hồi còn ở Việt Nam mỗi lần nói chuyện với vợ Chẩn về mày tao lại buồn đứt cả ruột. Tại sao phải kiêng khem thuốc men trong khi đã ba mươi sáu tuổi chứ nhỏ nhít gì mà bảo còn ham vui? Giờ này có con cũng đã trễ lắm rồi. Thầy bu qua đây chỉ ước ao sao nhìn thấy chúng mày hạnh phúc và có tí cháu ngoại để bồng là đủ trả hiếu.

Tâm không thích nghe chuyện đó vì đã từ lâu lắm rồi mỗi lần Thành nhắc đến con cái là nàng lại khóc ròng:

- Anh biết không phải lỗi tại em mà! Còn xẩy thai thì đó là sự thiệt thòi của hai đứa chúng mình chứ đâu phải dành cho riêng em.

Tâm cố cột Thành vào chung nỗi đau của nàng để được chia sẻ. Thành biết được điều đó nên càng ì ra để vợ một mình đi làm cáng đáng trong ngoài. Tình cảnh nàng đau khổ là thế nhưng đối với bạn bè và ngay cả gia đình Tâm vẫn dấu viện cớ vì công chuyện làm ăn nên không thể có con trong lúc này. Ai mà chẳng bảo Tâm tham bô lo kiếm tiền đến nỗi lạm dụng thuốc ngừa thai. Bây giờ nghe mẹ trách nàng chỉ muốn gạt cho qua:

- Chắc cũng nay mai thôi bu ạ! Hiện tại cuộc sống chúng con tương đối khá nên chẳng còn gì phải lo.

Tâm lùa từng mảng cơm vào miệng, vội vàng hấp tấp chỉ chực đứng lên để tránh những câu hỏi đầy dò xét của mẹ. Chưa buông đũa, nàng chồm người lấy cây tăm xỉa răng trong khi miệng vẫn còn nhồm nhoàm nhai:

- Thầy bu ăn xong cứ để đấy vì con phải vào phòng may đồ cho kịp giao sáng mai. Tối qua con không may nên công việc bề bộn...

****

Ông Cửu buồn bã nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời xâm xẩm tối, ánh nắng không còn nhưng sức nóng vẫn âm ỉ nung những hòn gạch quanh phòng khiến lòng ông bồn chồn xốn xang. Ông nhìn những con chim đứng ủ rũ trên cành kêu ai oán sau ngày dài bay nhảy như tiếng kêu buồn bã của loài chim cuốc mà chợt nhớ cố hương quay quắt. Giờ này vợ chồng Chẩn cùng bà con cô bác hàng xóm láng giềng đang tưởng tượng ông ngụp lặn trong hạnh phúc trùng phùng, trong nhung lụa giàu sang, trong chăn êm nệm ấm chứ đâu ngờ đang bị lũ con xâu xé cạo rửa cái lốt nghèo nàn, cố bắt ông gột rửa ngôn ngữ quê mùa để khoác vào lớp hào nhoáng giả tạo trong khi tâm tình trống rỗng cô đơn. Ông cô đơn thật, còn hơn con đường hoang vắng trước mặt, dù hai bên cỏ non mọc xanh mướt nổi bật những căn nhà được xây cất với khoảng cách thật đều nhưng cửa nẻo im ỉm đóng, một biểu hiệu của tình cảm con người cũng đóng kín theo! Trong nhà, ngoài đường không một bóng người qua lại, tất cả lặng lẽ như những ngôi nhà vô chủ nếu không có những luống hoa đủ màu sắc trồng vòng quanh sân tựa như một che đậy thô thiển. Ngay đến màu hoa dẫu đã dịu xuống với nền trời tranh tối tranh sáng nhưng vẫn cứng còng chẳng khác gì một thứ hoa nhựa. Hoa thật và giả chỉ khác nhau ở hương thơm và sự mềm mại của nó. Con người chỉ thông cảm, hiểu biết nhau qua sự giao tiếp, đi lại.

Ông cảm thấy buồn. Con chim tuy ủ rũ về đêm nhưng ban ngày còn biết nhảy nhót trên cành líu lo hót. Con chó tuy được chủ nuôi để coi nhà nhưng còn biết vượt rào chạy rông gặp lũ chó khác trửng giỡn nô đùa; còn như ông đây, có chân cũng như què, có miệng như câm, bạn bè đâu để nói chuyện vãn. Lạc vào một nước ngoại chủng khác màu da đã là một cách biệt, lại còn kèm thêm tiếng nói, phong tục, tập quán và những văn minh tân tiến khó theo kịp. Biết đến thuở nào ông mới có cuộc sống hòa đồng như họ...? Ngồi trầm ngâm nhìn khung cảnh im lìm giống bãi tha ma chôn người chết, ông thở dài từng chập.

Bóng tối trùm xuống thật lẹ làm nổi bật những ngọn đèn nằm cách khoảng song song suốt hai bên đường. Cũng nhờ thế khi hắt nghiêng qua cửa sổ, đúng vào chỗ ông ngồi trông khắc khổ nhưng linh động như bức tượng khéo tạc. Ngồi chán ông uể oải đi vào phòng tắm lấy khăn mặt thấm nước lau trên thân thể. Đó là thói quen ông vẫn làm khi thấy người mỏi mệt và tinh thần xuống dốc. Mà quả đúng vậy, dạo này ông xuống dốc thật sự, chẳng những tinh thần mà ngay cả thể xác cũng bị coi rẻ chà đạp. Vợ Tâm cho rằng ông bà mang vi trùng quê mùa sang đây làm xấu hổ mặt chồng nó nên không chừa một ngôn ngữ nào: "Chúng con không muốn những người Mỹ họ nhìn mình như nhìn một lũ mọi". Nó sợ Mỹ hay sợ chồng nó? Rõ ràng ông như là trái banh mặc cho vợ Tâm vo tròn bóp méo.

Hơn một tuần sống với vợ chồng Tâm đón nhận bao ê chề cay đắng ông không còn chút sức lực nào nữa để tranh cãi về những phô trương đua đòi mà ông cho là ngu xuẩn. Nhớ vài hôm trước ông bà đang soạn quần áo, Tâm vừa đi làm về đã chạy vào ngồi chễm chệ trên giường mặt mày nhăn nhó khổ sở:

- Con đã dặn đừng mang gì cả ngoài vài bộ đồ thật đẹp mặc trong người, nào ngờ cả những giẻ rách chổi cùn cũng không thiếu.

Tâm lật từ trên xuống dưới và rồi bực dọc hất tung xấp áo cánh của mẹ:

- Hàng họ bông hoa con gửi về đâu hết rồi mà toàn thứ vải đen vải nâu dầy cộm như dọn nhà đi kinh tế mới vậy?

Ông Cửu ngượng chín người, cũng may thằng chồng nó chưa về chứ nếu không ông cũng chẳng biết trả lời sao. Còn bà thì nín lặng nhưng ra chiều buồn bã. Nó còn trẻ nên đâu biết lối ăn mặc của những người già cả. Ai mà chẳng muốn đẹp muốn văn minh tân tiến nhưng nó phải phù hợp với dáng dấp và phong cách của mỗi con người. Nhất là ông bà đã hơn bẩy mươi tuổi rồi, cả đời có biết váy ngắn váy dài là gì, có biết quần tây bó mông bó chân ra sao mà nó cứ một hai bắt phải mặc cho bằng được.

- Ở với con là phải quăng những thứ này vào thùng rác hết.

Bà Cửu sợ con vứt đi vội vàng vơ ngay lấy dồn vào va li:

- Chúng mày không cho mặc thì tao cũng giữ đấy mai kia đóng thùng gửi về Việt Nam. Con ranh cứ làm như giàu có lắm.

Bà tiếc của nên vơ vét lại chứ riêng ông thì mặc kệ. Quần áo đấy xấu cứ việc giục bỏ, hôi cứ việc đốt và quê mùa cứ việc làm giẻ lau. Có giỏi có giàu thì cứ việc mua sắm, bắt mặc gì ông mặc đấy để xem mặt nó có đẹp thêm hay mèo vẫn hoàn mèo. Buồn bã là thế nhưng tay ông vẫn nhanh nhẹn và thoăn thoắt lau đều. Lau xong thấy khoẻ khoắn đôi phần, ông ra bật ti vi lên coi thì Thành về tới. Không thấy vợ ở nhà, Thành có vẻ ngạc nhiên, nhất là khi liếc trên bàn thức ăn vẫn còn nguyên:

- Ủa sao không ai ăn hết vầy nè. Vợ con chưa về tới hả thầy?

- Nó ăn cơm rồi hai mẹ con chở nhau đi ra chợ mua ba thứ vặt vãnh gì đó mà.

Nhìn mâm cơm ngày nào cũng như ngày nào Thành bực bội nhưng bụng đói nên ngồi ngay vào bàn. Ông Cửu cũng đứng lên tắt ti vi rồi ngồi kế bên Thành.

- Sao thầy, thấy ở đây như thế nào?

Câu hỏi rộng lớn quá, chẳng hiểu ở đây là bên Mỹ hay ở nhà này, ông dè dặt:

- Mới quá nên chưa thấy gì.

Thành cầm chiếc đùi gà chấm nhẹ trong dĩa muối tiêu đưa lên miệng.

- Ăn xong con chở thầy đi một vòng cho biết đó biết đây, ở nhà buồn chết đi được.

Ông Cửu không buồn nhưng cô độc và cảm tưởng như bị tách rời giữa đám con cháu. Mấy ngày rồi mà chẳng có đứa nào thăm nom han hỏi ngoài trừ vợ chồng Phước nói qua điện thoại ba chớp ba nhoáng mấy câu rồi cúp. Ông thở dài:

- Thầy muốn đi thăm một vòng xem nhà cửa và công việc làm ăn của mấy đứa con anh Chẩn ra sao.

- Ủa! Nhà con không nói gì với thầy hết sao?

Ánh mắt Thành ngạc nhiên làm ông giật mình và tim bắt đầu nhảy mạnh. Lại chuyện gì nữa đây, tại sao mọi sự việc cứ tuần tự diễn ra trái ngược với điều ông nghĩ?

- Nghĩa là sao thầy không hiểu? Ông hỏi với thoáng chút nghi ngờ.

- Không, chẳng có gì hết nhưng có điều muốn đi thăm đâu phải chuyện dễ.

Chút nữa ông đã để lộ bất bình nếu không kịp thời ngăn chặn lời nói. Thì ra nó sợ tốn thì giờ, tốn tiền quà cáp xăng nhớt và cũng có thể tình cảm của nó đối với đám kia hời hợt nên đã không lui tới. Ở Việt Nam có xa xôi cách mấy cũng chỉ một ngày dài từ Sài Gòn xuống lục tỉnh mà ông không ngại chuyện đi lại, chẳng ngại công của thời giờ và những vất vả chờ chực đón xe, vậy mà bên đây xe cộ có sẵn, chỉ việc leo lên ngồi vài mươi phút là tới nơi mà nó còn bạc bẽo tính toán. Ông Cửu thở hắt một hơi dài thay câu trả lời rồi đăm chiêu nhìn ra ngoài cửa sổ. Cửa sổ hơi cao mà ông lại thấp nên chỉ thấy nền trời xám đen chìm khuất trong màu lá xanh thẫm. Cuộc đời ông rồi cũng chẳng khác cái màu trời u tối kia, nó chỉ nổi bật mầu sắc vào ban ngày và khi có những đám mây trắng lơ lửng, còn không thì... Ông bỗng buột miệng:

- Thầy cũng chẳng muốn phiền con phải khó nhọc chở đi, nên chừng nào ăn xong nhớ viết số điện thoại của chúng để khi nào rảnh rỗi thầy gọi lại hỏi thăm kẻo tội nghiệp. Qua đây mẹ cha không có, còn chú dì...

Thành ngắt lời ông:

- Chúng con chẳng có thời giờ lui tới mà điện thoại cũng hiếm khi. Nhiều lúc thấy vô bổ.

Từ hôm đón ông bà Cửu về đến giờ Thành khó chịu ra mặt. Tưởng chủ đồn điền trà sang giàu thế nào chứ còn như ông Cửu chỉ đáng là người làm công trong đồn điền. Chính vì vậy mà Thành có lối nói chuyện khinh thị và vắn tắt chẳng cần giải thích khiến ông Cửu không theo kịp nên mọi ấn tượng xấu về Thành được dịp bùng lên. Gật gù ra điều hiểu biết, giọng ông đầy châm biếm:

- Hồi thầy bu còn ở nhà cứ nghe người ta kể xứ văn minh dễ biến con người thành máy móc, không biết cảm xúc thương yêu, giờ mới biết sự thực còn hơn thế nữa.

Không nghĩ là ông cố tình khơi ngòi nổ, Thành nhún vai:

- Qua đây mỗi người một công việc, giờ rảnh của chúng con có thể là giờ học hoặc giờ nghỉ ngơi của tụi nó. Hơn nữa sau một ngày làm việc ai cũng muốn đầu óc được thảnh thơi. Thầy coi tụi nó đâu có ở gần đây, mỗi lần gọi tiền điện thoại chết luôn.

- Sao cái Nụ viết thư về bảo là liên lạc với mấy đứa hàng ngày. Vậy nó không phải trả tiền hở?

Nghe nhắc tên Nụ, Thành bật cười nửa thương hại nửa tỏ vẻ bực dọc:

- Con tưởng đem so sánh với ai chứ còn với dì ấy thì nói làm gì. Học hành không học, lêu lổng cả ngày, cứ tưởng ba cái tiền tàn tật là vinh quang cả đời nên không lo nghĩ gì đến tương lai, suốt ngày đứng ở đầu đường xó chợ ôm cái điện thoại công cộng...

Mặt ông Cửu đỏ bừng, con gái ông như thế mà nó dám miệt thị nặng nề. Ra cái thằng này không kiêng nể gì ai, ngay bố cái Nụ ngồi đây mà nó dám tuyên bố tiền tàn tật chẳng vinh quang. Giận trong lòng nhưng vốn là người thâm trầm nên mặt ông tỉnh bơ.

- Đâu dễ gì ai cũng xin được tiền ấy. Ngồi chơi không đầu tháng họ mang tiền tới cung phụng như bà hoàng. Nhà ở lại không mất tiền, hỏi trên đời mấy ai được như nó?

Ngừng một lát như để cho Thành thấm thía ông mới gằn giọng:

- Ở đời trâu buộc ghét trâu ăn. Con người ta tốt xấu đều lộ ra từ đấy!

Thành chỉ được tài nổ và bắt nạt vợ chứ còn hơn thua tranh luận chẳng bằng ai. Mà đâu phải người nổ gặp ai cũng nổ. Nổ với người chịu nghe hoặc được cổ võ khâm phục mới có hứng thú nổ tiếp, cũng như nhậu đâu phải chỉ cần rượu ngon, mồi tuyệt mà chính là bạn nhậu có ăn rơ với nhau.

- Anh nghĩ xem, ngày đi nó đâu mang hình tượng con người thế mà qua đây lại quá vinh quang. Đó cũng là nhờ trời xui khiến cho nó gặp được ông bác sĩ "chính cống". Mọi tật nguyền biến mất, bây giờ trông nó đâu thua gì chị nó.

Thành há hốc miệng nhìn ông Cửu thao thao bất tuyệt tuyên dương Nụ một cách cuồng dại mà không thể thốt thành lời.

- Nếu không nhờ cái "dĩ vãng tật nguyền" như thế thì sao nó được chính phủ nuôi cả đời? Tôi hỏi anh nếu anh có nhà, có xe, có tiền cung phụng hàng tháng thì anh có ngồi chơi không hay còn hơn thế nữa? Anh xem, gái Việt Nam bên đây quý như vàng mà người ăn không ngồi rồi như nó càng quý hơn. Cuộc đời như thế thì cần gì nữa mà phải học với hành? Bằng cấp làm gì, bà nọ ông kia làm gì khi từ tối đến sáng cứ phải làm quần quật? Ngay như chúng mày đấy, cả hai vợ chồng cùng làm mà chắc gì đã được bằng nó chưa?

Ông Cửu nói theo những lời Nụ viết từ trong thư với giọng hãnh diện tột cùng. Ít ra cũng phải cho Thành biết ông là người hiểu rộng, xét đoán rất trúng chứ không phải dễ bắt nạt. Riêng Thành thấy mình như đang ở một thế giới khác, toàn là những chuyện lạ kỳ mà từ trước đến giờ chưa lần nào được nghe. Chẳng lẽ ông già vợ nổ cừ như thế sao? Còn nếu không thì ai đã đầu độc ông một cách mù quáng tai hại như vậy?

- Nhưng... mà...

- Tôi biết, ông Cửu ngắt lời, tệ lắm thì nó cũng là sinh viên đại học. Dù gì cũng ở "co lét" một năm chứ có thua ai đâu.

Đã đến nước này Thành không còn giữ gìn ý tứ nữa:

- Trời ơi, ba mươi bốn tuổi đầu không chồng không con, không sự nghiệp tài sản, học chưa hết trung học, nghề nghiệp cũng không mà thầy còn bênh vực cho nó nữa.

Ông Cửu thở dài ngẫm nghĩ: Có nói lắm cũng mỏi mồm, một khi nó đã ghen ghét với em vợ thì chỉ toàn những lời nói chê bai. Ngay đến chuyện gọi điện thoại mà nó còn dùng tiếng đầu đường xó chợ thì thật là quá đáng. Dằn không nổi sự khinh miệt, ông buột miệng:

- Tôi thiết nghĩ điện thoại phải nhà giàu mới dám xài, nó mắc chứ nào rẻ mà ai lại ngu dại mang ra đường gắn cho mọi người chọc phá?

Giọng ông gần như lạc, có lẽ vì dồn nén cơn giận quá lâu. Bây giờ Thành mới vỡ lẽ là ông già vợ giận thật vì nổ không ai có thái độ đó bao giờ. Môi Thành điểm nụ cười, nụ cười chẳng hiểu châm chọc hay vuốt giận:

- Điện thoại công cộng là do nhiều công ty gắn ở khắp mọi nơi, trong các chợ, shopping, trường học hoặc ngoài đường để những người lỡ bộ hoặc nghèo ra đó mà gọi. Sở dĩ con nói dì Nụ cả ngày la cà chỉ vì nó có số điện thoại chùa nếu gọi ở nhà sẽ bị dính ngay.

Cái gì mà phôn chùa rồi lại dính? Thằng này nói toàn những tiếng khó hiểu quá. Càng nghe càng bực, ông tức mình đứng lên dõng dạc nói như hạ lệnh:

- Tôi vào phòng thay quần áo sẵn. Anh ăn xong rồi chở tôi đi xuống mấy đứa.

- Ngày mai sao được. Để rảnh rỗi vài tháng nữa con chở thầy đi.

Đúng là cái thằng muốn hoạnh họe, mặt ông đỏ bừng và giọng trở nên gay gắt:

- Tôi yêu cầu anh chở tối nay chứ có bảo ngày mai đâu.

Cơn bực từ từ tan. Thành thấy tội nghiệp cho ông hơn bao giờ hết. Đúng là cái mộng tưởng giết hại tất cả mọi người chứ không phải riêng gì Thành. Bao nhiêu lần thổi, bao nhiêu lần nổ để rồi bây giờ ngồi đây nhìn ông chủ đồn điền Bảo Lộc nghèo đói lộ cái dốt nát ra khiến Thành hết còn muốn nổ.

- Thôi để con cố gắng thu xếp cuối tuần này chở thầy đi.

- Vậy thì thôi, ông thở dài, tôi hiểu rồi. Anh làm ơn cho tôi số phôn của cái Nụ và đám kia.

- Thầy tính gọi bây giờ hả? Dì Nụ đi ăn đám cưới chưa về, còn đám kia có gọi cũng phải đợi thứ bảy hoặc chủ nhật cho đỡ tốn tiền.

- Lại tiền bạc. Lúc nào tôi cũng nghe anh nói tới nó, làm người mà trở thành nô lệ của đồng tiền là vứt đi.

Đã đến lúc này Thành thấy cần phải giải thích cho ông hiểu:

- Nhưng thầy đâu cần gì gấp. Gọi giờ này một tiếng nó tính mình mười mấy đồng. Mà thầy đâu chỉ hỏi thăm có một đứa, gọi tất cả một lượt như thế cả hơn trăm bạc.

Ông Cửu ngẩn người, lần đầu tiên nghe nói gọi điện thoại trong nhà phải trả tiền.

- Tôi tưởng mình có điện thoại gọi đi đến đâu mà chả được?

- Đúng vậy nhưng gần quanh đây thì chỉ mất một số tiền cố định phải trả hàng tháng. Còn ở xa hay tiểu bang khác thì trả mắc lắm.

- Vậy chứ chị em con Hạnh ở đâu?

- Đám con chị Chẩn ở Texas.

- "Tếch Xịt" là ở đâu?

- Con có nói tọa độ của nó chắc thầy cũng không hiểu, có điều cách đây gần hai mươi bốn tiếng xe hơi.

- Chúa ơi, ông Cửu kêu lên, vậy mà tao cứ tưởng ở gần cả đây, có xa lắm cũng chỉ một vài cây số.

Ông Cửu chết lặng người. Cảm giác chao đảo hụt hẫng như vừa rơi xuống hố. Im lặng đến vài giây ông chợt bước nhanh về phòng để lại đàng sau nụ cười thương hại của thằng con rể. Vào đến phòng ông nằm vật xuống giường rồi để mặc nước mắt trào ra... Thế là hết, mọi mơ ước đều bỗng chốc tiêu tan. Cả trăm lá thơ của bà con hàng xóm và những lời nhờ nhắn gửi đã hứa với họ trước khi qua đây giờ không thể hoàn thành. Làm sao đến nhà từng đứa một giao thơ tận tay cũng như tìm hiểu công việc làm ăn của chúng mà tường thuật? Làm sao có thể khuyên nhủ qua điện thoại khi biết rằng mỗi phút lại tốn một số tiền không phải nhỏ? Rồi còn cái Nụ nữa, đứa con ông đã đặt tất cả mọi kỳ vọng và qua đây cũng chỉ vì nó, không lẽ cũng lại tệ hại như thằng con rể ông vừa nói?

Tuy không muốn tin nhưng vẫn phải tin vì hiện tại rõ ràng ông thấy mình đang cô độc, giống như con cá nằm trong rọ, như người mù mò mẫm giữa ánh nắng ban mai với ngàn hoa đua nở, như kẻ què quặt giữa ngàn vạn tay bơi lội và như kẻ câm giữa muôn ngàn giọng nói ríu rít... Ông buồn, buồn và thất vọng vì thực tế không như ông nghĩ. Những mơ ước không tuần tự diễn ra mà lại đảo ngược. Không ngờ bằng này tuổi đời ông còn lắm thăng trầm...
Đuổi theo vệt nắng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7