BÀ GIAO CHỈ
Tác giả: Lê Thao Chuyên
Thực ra chồng bà tên Giao và tuy đã chết từ lâu nhưng vì ở vậy nuôi con nên người ta vẫn gọi bà bằng tên ông như để thầm khen ngợi sự trung trinh của người đàn bà góa. Chuyện bà thủ tiết thờ chồng không có gì lạ nhất là với cái nhan sắc dưới trung bình lại lam lũ vất vả ngày này qua tháng nọ ở nương rẫy, một nơi khỉ ho cò gáy mà chòm xóm quy tụ vài mươi căn nhà trên lưng chừng đồi, xa hơn, về phía chợ, vài trăm nóc nhà nằm san sát, quây tròn quanh bệnh xá, trường học do đó vấn đề giao tiếp hạn hẹp nên những người ở vậy như bà không phải là hiếm. Ông Giao qua đời khi Nhường, thằng con trai độc nhất mới lên hai. Cũng may bà còn có mẹ chồng sớm tối hủ hỉ và săn sóc cháu những lúc bà phải ra rẫy nên hoàn cảnh không đến nỗi cô độc, túng thiếu.
Dân ở đây sống bằng nghề trồng trọt, vài trăm gốc bắp, vài chục luống mì và dăm ba chục luống rau là có thể bảo đảm tươm tất cho cả gia đình trên dưới năm người ăn. Sức bà làm không thua ông, lại chăm chỉ cần cù vì thế con bà được theo học như chúng bạn nhưng được bà nội quá nuông chiều, Nhường ham chơi lêu lổng cả ngày nên mãi đến khi bị gọi động viên vẫn chỉ có mỗi cái bằng tiểu học. Rồi Nhường cũng như mọi thanh niên cùng thời, đi lính, lấy vợ, sanh con đẻ cái và cuối cùng một mình vượt biên trong dịp tình cờ.
Không nhờ con trai nhưng bà lại nhờ dâu, chẳng trách người xưa bảo con dâu là con của mình. Vợ Nhường cần cù chăm chỉ không thua mẹ chồng lại hiếu thảo một mực. Dù mấy năm trời liền Nhường không gửi quà cáp hoặc thư từ về nhưng nó vẫn chu trí làm ăn không một lời phiền hà than thở. Khi mẹ chồng mất, bà Giao gom góp tài sản và quyết định lo cho dâu cùng hai thằng cháu nội vượt biên, trước là vì tương lai chúng, sau cũng là để vợ chồng đoàn tụ bởi bà sợ lâu ngày thằng Nhường khó giữ trọn đạo phu phụ. Hơn thế nữa bà cũng không muốn con dâu giết lần mòn tuổi xuân nơi đất nước gọi là thanh bình mà lòng người chẳng được bình an chút nào.
Nếu cuộc đời con người chỉ êm đềm như giòng suối ấm hiền hòa dưới chân đồi hoặc phẳng lặng như vùng nước ao tù thả bèo sau nhà thì có lẽ bà chẳng có cái tên Giao Chỉ dù thằng con đã nộp đơn bảo lãnh cho bà từ khi vợ nó vừa sang tới, và nếu đừng có lá thư con dâu gửi về với lời lẽ thương tâm thống thiết thì đất Mỹ, vùng đất tự do tuy hào nhoáng quyến rũ, vẫn bị đẩy lui vì sự níu kéo từ yêu thương tha thiết của quê cha đất tổ...
... Bà Giao chớp mắt. Vùng ký ức đứt đoạn hoặc nói cho đúng như chiếc máy sưởi, vừa độ ấm dĩ nhiên phải ngừng. Qua đây đã hơn một tháng mà không ngày nào trong nhà không có những biến động. Tuổi già sức yếu nhưng đối với bà gọi là sức mạnh vì phải mạnh lắm bà mới có thể đứng ở giữa làm quan toà xét xử cho vợ chồng chúng đôi co ngấm ngầm với nhau. Vợ Nhường đoàn tụ với chồng đã hơn bốn năm, dĩ nhiên trông cũng thay đổi đôi chút nhưng đối với thằng con trai bà thì quá chênh lệch. Cái thằng ngày xưa gầy gò ốm yếu mà bà vẫn mắng yêu là phường lười, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm bây giờ to phễnh và tướng tá bệ vệ như Mỹ. Chẳng biết theo thời hay theo mốt mà đã ba mươi tám tuổi đầu nó vẫn còn phơi ngực phơi rốn với chiếc áo chim cò rộng thùng thình không gài nút. Điệu bộ tướng đi đến giọng nói nó cũng ngông nghênh khác người thiếu điều muốn nhảy xổ vào họng hoặc chịt cổ người nghe.
- Ai qua đây cũng phải đổi lốt có mỗi mẹ là không.
Tuy hiểu ý con chê mình nhà quê lam lũ nhưng bà vẫn mỉm cười hãnh diện. Gì chứ không bị đồng hóa với Mỹ là thích rồi vì theo bà nghĩ mỗi dân tộc đều có tính chất đặc biệt và những tự hào riêng của nó. Như bà là người dân quê chất phác, đầu búi tó củ hành, áo bà ba, quần lãnh đen và đôi dép cao su mủ, đi đâu đội thêm cái nón lá thì ai chả biết là người Việt Nam. Người Việt cái xấu cũng nhiều, con người mà, nhưng cái tốt không phải là ít. Dân tộc bà đi tới đâu cũng làm rạng danh con rồng cháu tiên đến đó chỉ có mỗi thằng con bà a dua với tụi mất nết vẫn chứng nào tật nấy, nhởn nhơ đi ra đi vào chẳng chịu làm việc mà giàu có chi cho cam, nhà còn hơn cái ổ chuột.
- Khổ thật không lẽ con ném hết quần áo của mẹ ra ngoài đường, mặc gì tang thương như ăn mày.
- Thằng khỉ, bà mắng yêu con, không mặc chẳng lẽ quấn váy hay ở truồng?
- Thật là xấu hổ, mẹ người ta như tiên như phượng còn mẹ mình thua cả mấy con mỹ đen làm phòng. Nhường vẫn không buông tha.
- Được làm con bồi phòng đã đỡ, tao bảo thật cuộc sống tao còn khổ cực hơn cả mấy con cò lặn lội bờ ao nữa. Hồi bố mày chết, ban ngày tao xuống rẫy trồng trọt, ban đêm chờ mày ngủ tao lén ra sau nhà rửa khoai, luộc bắp cho kịp phiên chợ sáng. Con làm phòng ở đây vẫn được miếng cơm ngon mà nuốt còn tao bóp chắt từng đồng để nuôi mày ăn học. Không có tao làm cú làm quạ thì mày đã chết vì đói từ lâu...
Được dịp kể lể, bà tuôn ra một hơi. Bà nói, nói nhiều lắm nhưng có lẽ quên tiếng mẹ đẻ nên thằng con nghe tai này chạy sang tai kia và chui tọt ra ngoài do đó vẫn thản nhiên mạt sát:
- Còn hai cái bàn chân, chỉ có nước gọt đi mới bớt nghèo hèn.
Thay vì rụt chân vào che dấu theo phản ứng tự nhiên khi có người lôi ra chỉ trích bà lại giơ cả hai lên cao ngắm nghía. Xấu thật, ngoài lớp da nhăn nheo nám đen nó còn mang hình thù rất kỳ dị tựa cái đơm cá mà điểm nhọn lại nằm ngay sau gót chân.
- Đẹp lắm mà nhìn, bàn chân của mẹ là chân trèo núi. Ngày xưa chỉ ông bành ông tổ mới có chân này thế mà không hiểu sao mẹ còn tiếc nuối cố giữ lại để làm xấu cái thế giới văn minh.
Biết con luôn ăn nói hồ đồ nên chẳng những không giận bà còn hãnh diện ra mặt:
- Đâu phải chỉ mình tao mà cả xóm. Mày xem con dốc trơn tuột, quanh năm ngày tháng mưa cũng như nắng tao phải gánh gánh gồng gồng trèo lên trèo xuống không bỏ dép bỏ guốc lấy năm ngón chân bám vào mà đi chỉ có nước bò.
- Biết rồi nhưng hai ngón chân cái của họ đâu có bè ra như mẹ.
Chẳng cần nghe nói bà cũng biết mình có cái khác biệt hơn mọi người. Từ thuở lọt lòng cho đến bằng này tuổi đầu chớ hề chân bà xỏ lọt vào đôi guốc mộc hay dép một quai. Quanh năm bà cứ chân đất đi từ đầu trên xuống xóm dưới nhưng tết nhất, đình đám, giỗ chạp đóng quần đóng áo vào mà để chân không coi sao được. Mỗi lần phải đi đôi dép hai quai bằng cao su là mỗi lần bà cảm thấy bực bội và khó chịu. Dép cao su đâu được gọi là sang cả nhưng đi vào chỉ khắn khít vừa mỗi gót chân còn năm ngón xòe ra nhất là ngón cái, nó tõe hẳn sang một bên như vỏ trái bắp lột nửa chừng. Đi dép để khỏi bẩn mà dép đi đàng dép, chân đi đàng chân, dơ vẫn hoàn dơ.
- Chân tay gì mà ghê gớm khủng khiếp như con E. T.
Nhường vẫn còn bực dọc cay cú vì nhân dáng mẹ mình trong khi bà Giao đã bắt đầu cảm thấy Nhường đang đi quá trớn.
- Mẹ biết con E. T. là "ai" không? Một "người" được mọi người tưởng tượng từ hành tinh khác đến nhưng đối với con nó là quái vật.
Bà Giao không còn cười được nữa. Tuy biết rằng Nhường vẫn tấn công bà thường xuyên, không phải chỉ bây giờ mà ngay hồi nhỏ nó đã ngỗ ngịch và khó dậy nhưng không vì thế mà bà tiếp tục lờ đi. Ngày xưa sống trong gia đình bà chịu ép mình vì muốn la rầy con phải được sự cho phép của mẹ chồng. Bà càng cứng rắn với Nhường bao nhiêu thì bà nội lại càng nuông chiều cháu bấy nhiêu. Vì không muốn gia đình một mẹ một dâu có những bất hòa nên bà chỉ biết lén dậy con và khi không được vừa ý thì cũng cố cắn răng chấp nhận. Biết sự chấp nhận của mình là ngu xuẩn vì đứa trẻ được nuông chiều thái quá chắc chắn sẽ trở nên hư đốn nhưng dậy được con thì lại mất lòng mẹ. Bà muốn làm dâu hiếu thảo thì phải quên đi trách nhiệm mình. Hơn nữa bà ở ngoài rẫy cả ngày, tối đến có tí giờ thì lại sửa soạn rau trái xếp vào sọt sẵn sàng cho buổi sáng sớm kịp phiên chợ. Âu cũng là sự thiếu sót và là cái lỗi của bà. Mười sáu năm trời xa con, bà tưởng với tuổi đời chồng chất con mình sẽ chính chắn hơn ai ngờ chứng nào tật nấy. Trẻ con hư đốn còn có thể dậy được nhưng người lớn như loại tre già khó uốn, uốn mạnh nó sẽ gẫy mà nhẹ thì chẳng ăn thua gì.
- Biết bị "tật" như vậy từ mai mẹ làm ơn mặc quần rộng cho nó phủ xuống dùm một cái.
Bà Giao thở dài nhưng mắt trừng trừng nhìn con. Không ngờ vào những ngày cuối đời bà phải bận tâm về tư cách của nó. Chính ra tuổi ấy Nhường phải thay bà dạy dỗ con cái, đàng này chẳng những không mà còn làm gương mù gương xấu cho đám nhỏ. Vợ Nhường hiền lành làm sao dám lấn lướt quyền chồng, cả ngày lo cho hai thằng lớn và đứa gái nhỏ chưa được ba tuổi cùng công việc may vá cũng đã đuối còn thời giờ đâu lo những chuyện ngoài tầm sức mình? Vợ Nhường trông cậy bà, thư viết về cũng chỉ có thế nhưng khi vừa đặt chân tới nơi là bà biết chuyện không phải đơn giản...
oOo
Hai ngón chân cái không ngờ là đề tài cho mọi người quanh đây bàn tán mặc dù mỗi lần đi ra ngoài bà đều phủ ống quần xuống che dấu theo ý thằng con. Thành phố tuy nhỏ nhưng người đông, đa số sống bằng nghề biển hoặc làm công ngoài hãng xưởng. Những thành phần buôn bán thì không nói tới vì bà ít tiếp xúc, vả lại họ cũng chẳng có thời giờ mà cà kê dê ngỗng. Một số thất nghiệp lang thang tìm việc làm hoặc buôn thúng bán bưng, nấu xôi chè mang đến tận nhà bán. Một số làm nghề khâu may như vợ thằng Nhường và còn lại là những thành phần bất hảo chỉ thích ngồi lên đôi mách, dòm ngó chuyện gia đình người khác. Bà không thích vơ đũa cả nắm vì ở nơi đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Kẻ nghèo đói vẫn có tâm hồn trong sạch, người giàu vẫn có thể cướp của giết người hoặc làm chuyện loạn luân nhưng những người bà gặp, phải nói là những người quen biết hoặc giao thiệp mật thiết với thằng con bà đều là những quân chẳng ra gì, không cắt tay cắt chân xin tiền tàn tật thì cũng đầu trộm đuôi cướp hoặc dùng vợ làm cái máy sản xuất con cái để lãnh tiền trợ cấp.
Hôm nọ đi chợ Việt Nam mua ít đồ khô, vừa bước vào là có hơn ba cặp mắt cú vọ xoáy chặt vào chân bà. Đã vậy bà không thèm dấu nữa để chúng nhìn cho no mắt.
- Mẹ làm gì kỳ vậy?
Không trả lời bà kéo cao cạp quần lên và cứ thế chân đất đi lên đi xuống hết dãy hàng rau qua dãy hàng thịt.
- Ai mà đẹp lão quá vậy mày?
Một tên đàn ông ăn mặc áo rằn ri sặc sỡ trông kinh hãi không thua gì con bà cố tình châm chọc. Sư cái thứ vô học mất gốc. Kính lão đắc thọ mà người đáng tuổi cha mẹ chúng lại mang ra đùa nghịch một cách vô ý thức.
- Mày ăn nói cho đàng hoàng coi, bà già tao đó mày.
Nhường trả lời cũng "mất gốc" không kém. Tiếng "bà già tao" thốt ra như triển lãm một bức tranh quê mùa.
- Úy trời! Má con sao không giống chút nào mậy. Coi cái chơn bà ấy kìa!
Trong chợ ngay chỗ quầy tính tiền có bốn năm người đang đứng ở đấy. Họ cùng tò mò nhìn xuống chân bà và không dấu được tiếng cười.
- Ô! Chân người Giao Chỉ... Bà Giao Chỉ...
Tiếng trêu chọc khá lớn, nhiều người đứng gần tò mò nhìn về phía bà. Ông chủ tiệm sợ bà buồn nên lớn tiếng bênh vực.
- Bộ mình không phải dân Giao Chỉ sao?
- Mình lai căng từ khuya vì hết còn ham ăn giá sống và rau muống chẻ. Thằng mất gốc vẫn không buông tha bà.
- Không phải, tại chúng mình cập nhật hóa...
Thằng vừa trả lời có lẽ ăn rau muống kinh niên nên vội vàng bào chữa vì khi cười nó đã chứng minh bằng hàm răng cáu những rêu xanh. Có kẻ trêu chọc và có người được mang ra làm đề tài, cả lũ được dịp cười hô hố. Giọng cười từng đợt đập vào màng tang bà, như thế thì bảo nín nhịn sao được cơ chứ!
- Các cậu con cái nhà ai mà mất dậy như thế!
- Oái oái bu ơi đừng đánh con oái oái.
Thằng mất gốc khẽ nhích người ra xa như thể sắp bị bà đuổi đánh. Đúng là thân xác to như trâu chương mà nhân cách bé chỉ bằng hạt thóc, lớn chẳng ra lớn mà trẻ con chẳng ra trẻ con, bà Giao lầu bầu trong cổ họng nhưng mắt dáo dác nhìn quanh. Biết tính bà xưa nay mỗi khi nổi cơn giận gặp cái gì cũng cầm mà phang ráo cho nên Nhường vội vàng kéo lũ mất dậy ra ngoài.
Con với cái, bà Giao giận dữ nhìn theo nhưng chỉ một thoáng lòng bà lại chùng xuống. Sự buồn phiền như những cơn đau bao tử từng chập hoành hành, như khúc ruột già không thể tiêu hóa. Một thằng Nhường, hai thằng Nhường rồi ba thằng Nhường, xã hội này không thiếu những thằng con rắn mặt và cũng không thiếu những người mẹ bất lực như bà. Giờ thì bà biết, làm mẹ không phải chỉ đẻ nó ra nuôi cho lớn, dựng vợ gả chồng là hết trách nhiệm. Cái trách nhiệm sẽ theo bà cho đến giờ nhắm mắt, đẻ là phải nuôi, có con là phải dậy, lớn bé gì cũng là con mình, bà thánh ông tướng cũng không thể từ đất nẻ chui lên. Cá không ăn muối cá ươn, nhà không có muối tốt hơn đem chiên, kho khi vừa mới mang về. Xưa kia con bà còn đỏ hỏn, như con gà bỏ vào bầu thì tròn, bỏ vào ống phải dài nhưng bà không dám thực thi trách nhiệm chỉ vì muốn làm hài lòng mẹ chồng. Ôi! Chỉ vì làm hài lòng nhau mà bà đã phải trả bằng một cái giá quá mắc. Người già phải chết, tre già măng mọc. Bà không tưới bón chẳng những bụp măng bị sâu không lớn được mà còn ăn lan ra những bụp non khác. Thật là một điều vô cùng thiếu sót nhưng còn nước còn tát, dẫu biết tre già khó uốn nhưng bà tin rằng những ngày tháng sau này nó phải trở thành một người nếu không khá hơn cũng đừng quá hàm hồ khi buông lời ăn nói. Nếu cần cũng có thể bà phải đào nó lên để cho những cây con đâm chồi đất sống. Có điều dậy thế nào nếu nó nhất quyết không thèm nghe, còn dùng sức mạnh thì bà chỉ đứng tới ngực con, chưa vung tay nó đã dúi cho té nhào. Suy ra chỉ có mỗi một điều duy nhất là dùng tình thương để uốn nắn nó...