CON XÀ MÂU
Tác giả: Lê Thao Chuyên
Bữa cơm tối được dọn ra, như thường lệ Thanh ngồi vào chiếc ghế đặc biệt nghĩa là gần ngay nồi cơm để có thể bới cho cả nhà. Đối diện, Hải cũng vừa xà xuống nhưng đã nhanh tay mở lon bia đưa lên miệng ngửa cổ ực một hơi dài. Cường, thằng con trai lớn mười bốn chỉ chờ có vậy bắt chước bố mở lon Pepsi khiến Thanh phải cau mặt:
- Rau nào sâu nấy, anh thấy chưa, rồi sau này bố con lại cũng như nhau, đến bữa không đọc kinh làm dấu gì cả cứ uống đại.
Hải mỉm cười để lon bia trên mặt bàn, hình như đã cạn xuống phân nửa.
- Thì cũng phải uống cho bớt khát mới nguyện được chứ.
- Anh cứ tập cho con cái hư đi. Mình là cha mẹ phải làm gương cho chúng, già cả đến nơi rồi.
Không để ý đến lời vợ phàn nàn, Hải làm dấu đọc lời nguyện rồi mời vợ:
- Sao, giờ ăn được chưa "cô"? Người gì khó na khó nết như "mẹ vợ".
- Ừ, thì mẹ vợ. Anh có sợ gì em đâu nào.
Thanh lườm yêu chồng nhưng lắng tai chờ cho Cường mời xong rồi mới quay sang Ti đằng hắng khi thấy cô con út đang gắp miếng thịt:
- Ti, con lại quên nữa rồi!
Con bé giật mình khi tên mình được nhắc tới nhưng mặt lại ngớ ra nhìn mọi người. Hải bênh vực hộ con:
- Chắc có mời nhưng mình không nghe.
- Con cũng đâu nghe thấy. Cường được dịp khơi ngòi nổ.
- Mời bố, mời mẹ, mời anh Cường. Ti mời cho có lệ rồi vội vàng ăn như muốn rút ngắn thời giờ.
- Con bệnh hả Ti?
Thanh hỏi vì thấy con bé có vẻ khác lạ hơn thường ngày không ngờ lại là tâm điểm cho cả nhà đổ dồn mắt vào. Cường nói khá lớn:
- Bố nhìn kìa! Hai cái má của nó đỏ au, đúng là hồi trưa lén mẹ đi ra suối hớt cá lia thia.
Giòng suối nhỏ ở ngay sau nhà cách hàng rào và phải băng qua cánh đồng đầy cỏ dại xa đến nửa cây số. Ở đó ít ai qua lại ngoài trừ những người nhàn rỗi đi câu. Mùa hè cỏ mọc cao gần đầu người khó có thể kiểm soát được nếu có những bất trắc xảy ra nên Hải triệt để cấm bọn nhỏ mở cổng sau ra ngoài lang thang dù cuối tuần hay những ngày lễ lớn. Thanh không nghĩ bé Ti dám đi một mình hoặc rủ đám bạn gái cùng lớp hớt cá vì dù suối cạn nhưng gai góc và bùn khô cùng cơn nắng bỏng rát lúc nào cũng muốn đốt cháy da thịt.
- Anh có nhìn thấy không mà vu khống?
Như mọi lần thể nào nó cũng phải nguýt Cường trước khi cong môi nhưng hôm nay lại cúi gầm mặt lùa cơm vào miệng tránh câu trả lời. Lẽ dĩ nhiên là Cường chỉ đoán mò vì nếu thấy chắc chắn sẽ chạy bay về nhà mách bố mẹ ngay lập tức.
- Đừng nghĩ hộ em. Không chừng nó bệnh đấy.
Thanh đưa tay định rờ trán Ti ai ngờ nó lách đầu sang một bên tránh né.
- Nó không trả lời tức là đã nhận tội. Để con tìm roi cho bố.
Thằng Cường không buông tha cố trêu chọc nhưng con bé vẫn im lặng. Hình như nó không hề lưu tâm đến sự việc chung quanh dù tay đang đưa ra gắp miếng thịt và miệng vẫn tóp tép nhai.
- Đừng trêu em nữa Cường, con ăn cơm đi...
Từ lúc đó Thanh bắt đầu để ý bé Ti. Càng nhìn càng thấy nó có những cái khác lạ kỳ kỳ, nhất là cái mơn mởn của tuổi mới lớn mà bấy lâu Thanh không hề nhìn thấy. Mười ba tuổi chứ còn bé dại gì nữa. Nữ thập tam, nam thập lục, thời xa xưa tuổi này đã có gia đình hoặc ít ra cũng đám dạm đám nói. Bây giờ con gái dưới hai mươi vẫn được coi là bé tí nhưng không thể phủ nhận rằng bé Ti đang mang thân xác của người lớn. Nhìn Ti với mái tóc dài bóng mượt ẩn hiện cái cổ thiên nga, đôi vai suông và bộ ngực nhu nhú bất giác Thanh giật mình. Con mình đang sắp sửa trở thành thiếu nữ mà người mẹ đoảng hậu như nàng không hề để ý đến những biến chuyển quan trọng ấy. Hôm nọ cách đây nửa năm con bé có kinh nguyệt. Tuy nó dấu nhưng lại cứ vào phòng tắm thay quần áo liên miên. Thấy lạ Thanh đeo theo hỏi thì mặt nó đỏ bừng lên và ấp úng mãi mới khai ra như kẻ phạm tội. Chính ra Thanh nên dành ít nhiều thời giờ cắt nghĩa cho Ti biết thêm về sự giữ gìn vệ sinh và bảo vệ sức khỏe vào những ngày có kinh, về những thay đổi trong cơ thể và tình cảm đôi lúc vui buồn bất chợt, về những rung động tự nhiên giữa trai và gái, những tò mò khám phá và vì thế nên vấn đề giao tiếp bạn bè phải rất thận trọng cần thông qua ý kiến của gia đình nhưng không hiểu sao Thanh vẫn im lặng. Phải chăng im lặng vì cảm thấy chưa cần thiết hay dưới mắt nàng, Ti còn nhỏ quá?
Trong nhà, Cường và Ti là hai đứa con duy nhất mà Thanh có bổn phận chăm sóc và dạy dỗ nhưng lại trái ngược vì nàng dồn mọi thứ vào Hải, một phần tử cứng đầu mà theo nàng nghĩ, phải uốn nắn trước tiên để làm gương cho con. Mỗi ngày Thanh chỉ lo chu toàn bổn phận làm vợ, cơm nước, nấu nướng, giặt giũ mà quên rằng ngoài công việc nội tướng nàng còn là bà mẹ, mẹ của hai đứa con đang tuổi lớn cần phải theo sát để tìm hiểu, đi sâu vào tình cảm, học đường và để gỡ những khúc mắc cho chúng. Thanh đã quá sơ sót trong trách nhiệm làm mẹ, nhất là đối với đứa gái út. Tuy đôi lần nhận ra một vài điều khác lạ ở Ti nhưng nàng lại cố tình bào chữa bằng công việc bận rộn của mình. Thanh nhớ đã gần tuần nay con bé có vẻ lo lắng về một điều gì đó. Sau giờ tan học, vừa cất cặp vào phòng nó đã xin Thanh qua nhà con Nancy làm bài. Nhà con Nancy cách đây hai block đường chỉ chạy ù vài ba phút là tới nhưng nó mượn cái mũ rơm lù xù của Thanh chụp lên đầu và dồn ít sách vở cùng chai lọ, chén đĩa lỉnh kỉnh trong bịch lớn giống như đi picnic. Chính ra Thanh phải hỏi khi thấy nó cứ chạy ra chạy vào rồi lại lấm lét nhìn quanh mỗi lần mở tủ lạnh. Chính ra... Thanh thở hắt..., cái chính ra càng lúc càng nở lớn trong đầu đi kèm theo trách nhiệm nặng nề bủa vây.
Vừa ăn Thanh vừa suy nghĩ và thỉnh thoảng lén nhìn Ti. Con bé vẫn cắm cúi ăn, làn da không phải đỏ au như thằng Cường vừa nói mà rám hồng, một thứ hồng của nắng quá độ nên xạm lại gần như nâu. Hai cánh tay nó cũng vậy, phần phơi ra tiếp xúc với ánh nắng khác biệt hẳn lớp da bị che trong tay áo. Mấy ngày nay nó đã đi đâu? Chắc chắn không thể đến nhà con Nancy học như đã nói vì học bài đâu cần mũ nón, đâu cần chén đũa lỉnh kỉnh, đâu cần mắt la mày lét nhìn quanh, đâu cần... Thanh thấy lòng nóng như bị lửa đốt, những khúc mắc cùng a rập để quy mọi trách nhiệm vào mình. Phải chăng hậu quả chỉ xảy tới vì ỷ y và sự cả tin về con mình mà ra?
Cơm nước xong Thanh rửa chén cho thật nhanh để dành thời giờ cho Ti vì quyết khám phá ra những bí mật. Cửa phòng khép hờ nhưng nàng vẫn gõ cửa trước khi bước vào. Con bé không ngạc nhiên vì hành động khác thường mà trái lại có vẻ lo lắng khi nhìn thấy Thanh, hình như nét mặt quá nghiêm đã biến cái nhìn của nàng thành trầm trọng.
- Con có chuyện gì vậy Ti?
- Không mẹ ạ! Trả lời như thế nhưng nước mắt nó đã muốn đổ xuống.
- Ngẩng mặt lên nhìn mẹ rồi hãy trả lời.
Con bé nhát gan vừa nghe vậy đã vội bệu bạo khóc. Tim Thanh nhói lên với muôn lời thống hối. "Muôn sự tại tôi, vạn sự tại tôi. Sự ỷ y và vô trách nhiệm đã hại con mình".
- Ti, bình tĩnh lại và kể từ đầu đến cuối cho mẹ nghe.
- Con sợ bố biết sẽ đánh con.
Người Thanh lạnh toát, ôm con bé vào lòng che chở mà như đang tẩm nước đá vào người nó. Thảm kịch nào sẽ đổ xuống gia đình nàng?
- Đừng khóc kẻo bố biết. Để mẹ khóa cửa phòng lại.
Thanh tưởng như không thể đứng dậy nổi vì con bé bất thình lình ngưng khóc và chăm chú theo dõi từng động tác run rẩy của mẹ mình. Đúng là con nít, nó còn nhỏ quá, nhỏ quá để không thể ước lượng được sức chịu đựng vượt bực của Thanh đang phải mang trên người. Nào! Gà mẹ nhấc chân lên đừng để cho gà con nhìn thấy sự khiếp nhược. Từng bước nặng nề như buộc thêm gạch, cuối cùng thì Thanh cũng khóa được cánh cửa và trở về chỗ cũ nhưng thiếu điều ngã vật xuống giường.
- Ti, nói cho mẹ nghe đi. Chuyện gì vậy con?
- Mẹ à, khi có bầu sẽ lười biếng ăn và mệt mỏi lắm phải không mẹ?
Thanh nhìn Ti chết trân, không tin từ cửa miệng con mình thốt ra những lời khủng khiếp đó. Vừa xong chưa hỏi nó đã khóc vì sợ mà bây giờ trước sự việc động trời mắt nó ráo hoảnh. "Khốn khổ thân tôi". Người Thanh run lên vì giận nhưng lại hạ xuống cấp thời khi nhìn khuôn mặt ngô nghê non nớt của con mình. Bằng này tuổi biết gì mà đã phải làm mẹ, biết gì yêu với đương, trách nhiệm và bổn phận ngoài sự ngu dại lầm lỡ vì thiếu giáo dục của gia đình? Hơi thở Thanh dồn dập, mỗi lúc một nhanh đến nỗi nàng phải đưa tay trấn ngay ngực. Bình tĩnh lại đi Thanh, khúc mắc nào chả gỡ được, cái cần thiết là phải nghe sự giải bày mới có thể gỡ rối. Tuy bảo lòng thế nhưng đôi mắt Thanh không thể không dừng lại một thoáng trên chiếc cổ thiên nga tìm những vết tích để lại trên đường gân nổi. Không có gì hết. Chưa có gì hết. Thanh không tin nên cố khoét sâu, đào sâu...
- Mẹ nhìn làm con sợ quá!
Con bé lùi dần, lùi mãi cho đến khi đụng phải đầu giường.
- Con nói liền cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra?
Cố gắng lắm Thanh mới cất được giọng êm ả nhưng vẻ mặt nhăn nhúm khó coi làm con bé hốt hoảng.
- Mẹ có sao không vậy mẹ?
Ti không dám đến sát bên Thanh. Hình như nó sợ cái tát tai nên càng đào thêm nỗi đau đớn trong lòng người mẹ.
- Con bình tĩnh kể cho mẹ nghe chẳng có gì phải dấu quanh cả.
Nói thế nhưng Thanh không bình tĩnh chút nào và cố gắng lắm nàng mới quay được sang hướng khác để tạo sự can đảm cho chính mình và cũng để đừng đoán mò. Sự thật nào ai chả muốn nghe nhưng khi chờ đợi nghe ai lại không sợ?
- Con nghĩ nếu đúng như biếng ăn và mệt thì chắc chắn là có bầu.
Thanh muốn hét lên. Con bé đi trở lại cái vòng tròn luẩn quẩn mà nàng muốn tránh. Vậy là nó đã thực sự có bầu? Mười ba tuổi vừa mới nứt mắt đã vác một bụng. Trách nhiệm quy vào ai bây giờ, vào nó, vào Hải, vào học đường hay vào Thanh? Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Thanh như người á khẩu, như kẻ ngập ngọng muốn nói mà không thể diễn đạt được.
- Chắc nó chết mất. Mấy ngày nay nó chẳng ăn uống gì cả.
- Nó nào? Nó là ai?
Sự đè nén được dồn tận lực vào câu hỏi vừa được bung ra như trút hẳn gánh nặng. Nó có nghĩa là không phải con nàng, bé Ti.
- Con Xà Mâu.
Tai Thanh lùng bùng cơ hồ không nghe tiếng bé Ti trả lời. Giờ thì có là con Nancy hay ai, ai đó nàng cũng không dấu được nỗi vui mừng, niềm vui hầu như ích kỷ của người mẹ khi biết con mình không phải là kẻ gặp khốn khó.
- Mẹ nghĩ con Xà Mâu chết được không mẹ?
- Con Xà Mâu?
Thanh ngỡ ngàng hỏi lại như không tin ở đôi tai mình. Bảo rằng bé Ti không rành tiếng Việt là vô lý nhưng hai tiếng xà mâu ở nhà đâu có dùng thì làm sao nó biết, nhất là cách phát âm đúng giọng và rất rõ ràng, như vậy phải là tên của một đứa bạn trong lớp.
- Con Xà Mâu là ai? Mỹ hay Việt Nam?
- Con nghĩ Việt Nam vì nó biết ăn cơm với thịt kho.
- Tại sao không hỏi cho rõ, vả lại nhìn tóc và màu mắt con cũng không thể đoán được hay sao?
- Tóc nó nâu và mắt nó cũng nâu. Con bé ăn nói ấm ớ.
- Thôi kệ nó, Mỹ, Việt, da đỏ, da đen gì cũng không cần thiết. Con học bài rồi còn đi ngủ sớm.
- Nhưng mẹ chưa biết gì về nó hết mà.
Thanh lại ngẩn người. Sự vui mừng làm người mẹ quên hết, kể cả chuyện con mình muốn nói. Nó đã khóc vì sợ là phải có chuyện, tại sao Thanh lại vô tình đến thế!
- Con muốn mẹ giúp gì nào?
Con bé nhìn Thanh thật lâu như ước lượng sự giúp đỡ có tận lực hoặc tận đáy lòng. Khi cảm thấy là có thể đặt được niềm tin nó mới mạnh bạo:
- Ba ngày hôm nay nó bỏ ăn chỉ nằm một chỗ thở khè khè. Con sẽ dẫn mẹ đi ngay bây giờ may ra mới cứu vãn được tình thế.
- Khi nãy con nói rằng nó có bầu thì dĩ nhiên thở khè khè là phải rồi. Thanh nhại lại tiếng khè khè con mình dùng sai khi diễn tả một người, nhất lại là người bệnh.
- Nhưng mấy ngày liền nó đã bỏ ăn... không ăn thì sẽ chết...
Con bé lại rơm rớm nước mắt để tấn công. Cuộc đời Thanh sợ nhất là bị nghe năn nỉ và nhìn thấy nước mắt, bây giờ cả hai đang dồn đọng trên khuôn mặt Ti. Nhìn vẻ lo lắng của con, nàng đã muốn xiêu lòng nhưng khi nhìn đồng hồ gần tám giờ nàng quyết liệt:
- Để ngày mai, có gì gấp đâu con?
- Cứu kẻ sắp chết như cứu lửa, mẹ... đi mẹ...
Thanh lắc đầu, phục nó thật. Mười ba tuổi mà ăn nói dứt khoát chững chạc như người lớn.
- Con đã soạn sẵn "đồ nghề". Ti kéo Thanh đứng dậy và lanh lẹ cầm cái đèn pin để gần đó.
- Mình khóa trái cửa phòng rồi trèo cửa sổ ra ngoài coi chừng bố biết.
Tim Thanh giật thót. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi nó đã đưa nàng hết từ sợ hãi này vừa dứt lại đến sợ hãi khác xuất hiện. Tại sao Ti để sẵn đèn pin trong phòng ngủ nếu không có sự sắp đặt trước? Con bé Ti, con bé tưởng là chỉ lém lỉnh ai ngờ lại quá mưu chước. Với mánh khoé này chẳng cần thời gian mà ngay bây giờ nó cũng có thể qua mặt cha mẹ dễ dàng. Nó không còn nhỏ dại và khù khờ nữa, nhớ kỹ như thế, đừng ỷ y mà có ngày mang vạ. Lần này tai vạ đến cho bạn nó nhưng lại là tiếng chuông tỉnh thức cho những bậc làm mẹ như nàng. Người Thanh bắt đầu rịn mồ hôi. Biết đâu nó thoát lần này nhưng nếu Thanh cứ tiếp tục lơ là việc giáo dục hoặc chiều chuộng buông thả nó mãi thì những lần sau sẽ khó tránh được.
- Trèo cửa sổ? Ai dạy con thế Ti?
- Anh Cường cũng trèo nữa.
Lại thêm chuyện động trời. Thanh không dám la hoảng sợ nó ém nhẹm chuyện thằng Cường.
- Tại sao cửa chính không đi mà lại trèo cửa sổ?
- Anh ấy bảo trèo cửa sổ rồi phóng xuống đất giống như Tặc Giăng đu dây khoái hơn.
Cái thằng mới bây lớn đã đòi làm anh hùng, làm những gì khác thường. Phải đặt vấn đề này với Hải. Thanh thở hắt nhưng sự nặng nề vẫn còn đè trong lồng ngực.
- Và con cũng phóng như nó nhưng sao chân chưa gẫy?
- Con định cột dây ở cửa sổ rồi tuột xuống như trong ti vi...
Trẻ con khôn hơn mình tưởng, có điều khôn nhưng thiếu suy nghĩ chẳng khác gì loài khỉ trông thấy người nấu cơm cũng bắt chước đốt nhà.
- Con có biết những kẻ đào tường khoét gạch, những kẻ trèo cửa sổ hoặc lén cha mẹ trốn ra ngoài được xếp vào loại nào không Ti? Thanh nghiêm nét mặt.
- Con biết nhưng đôi khi có những chuyện cần phải dấu khi biết chắc gia đình không đồng ý.
Con bé lý sự thì đâu phải còn nhỏ mà đã là người lớn. Thanh thở dài:
- Chuyện cần phải dấu như chiếc đèn pin đi đêm và rủ mẹ trèo cửa sổ tối nay?
- Nếu mẹ không muốn bố biết.
Con bé dồn Thanh vào chân tường. Lẽ dĩ nhiên muốn dấu Hải chỉ còn cách theo lời nó bày vẽ.
- Không thể được. Không thể dấu bố được.
- Hay mẹ nói dối chở con đi chợ rồi mình theo đường vòng đậu xe ở lề cỏ lội bộ vào.
Cám ơn Trời Phật, từ lâu Thanh không biết gì về lũ con, về những công việc làm và sự liều lĩnh quá quắt. Không vào hang cọp sao bắt được cọp con? Không đi sát chúng sao biết được những vụng trộm, mưu chước mà ngăn ngừa? Thanh đè cơn giận dữ:
- Mẹ không thích nói dối.
- Chẳng còn cách nào hơn cả nếu chúng ta không muốn con Xà Mâu chết.
Con bé biết hết, biết từ tính tình của mỗi người trong nhà. Biết Hải khó khăn, khó thuyết phục và rất khô khan tình cảm, biết Hải khắt khe và sẽ đưa vào vòng kỷ luật nếu nhìn thấy những gì chướng mắt. Nó biết Thanh lúc nào cũng thẳng thắn khước từ mọi đề nghị đi ngoài khuôn mẫu vì thế mà bấy lâu nay nó đã hành động một cách lén lút. Muốn tìm hiểu con cái hãy mở lòng ra, hãy bình đẳng và tôn trọng ý kiến của nó như đối với bạn. Nhưng Xà Mâu... Xà Mâu... Nó là con quái gì mà hành hạ thân xác con mình nắng cháy đen đúa như thế? Nó là hung thần ác quỷ gì mà ám ảnh con mình từng giờ từng phút? Bằng bất cứ mọi giá phải gặp cho bằng được con Xà Mâu rồi muốn ra sao thì ra, mặt Thanh bừng bừng:
- Tóm lại phải đi ngay tối nay?
Đè nén cơn giận Thanh chụp cái đèn pin nhưng tay vẫn run lên.
- Mẹ thoa thuốc không thôi muỗi mòng cắn chết.
Cầm chai thuốc muỗi thoa vào người mà Thanh chỉ muốn bật tiếng hét. Mọi chuyện đã có xếp đặt hẳn hoi, nếu tối nay Thanh không vào phòng có lẽ nó sẽ trốn ra ngoài một mình. Con nàng, một đứa bé mới mười ba tuổi...
oOo
Thanh không trèo cửa sổ mà hỏi Hải khi đi nhưng không nói rõ là đi đâu. Cũng may Hải đang ngồi xem báo nên chỉ ừ hử cho qua. Ra tới đầu ngõ, chưa tới nhà con Nancy, theo tay con bé chỉ, Thanh rẽ vào con đường nhỏ và đậu sát vào lề cỏ.
- Tới rồi nhưng mình phải đi sâu vào trong một chút nữa.
Theo sau bé Ti, gió sông lồng lộng thổi, mát và tinh khiết nhưng không đủ sức đánh tan được những lo sợ và tự ái vu vơ đang thoảng đến trong lòng Thanh. Có thể sự chỉ đường của con cho nàng cảm thấy mình yếu đuối bé bỏng không thua một đứa trẻ ngang ngửa với tuổi con mình. Trẻ con bên Mỹ được học đường luyện tập nên tự tin và can đảm có thừa. Chẳng nói đâu xa bất cứ trong những buổi hội họp, shopping, nhà thờ hoặc những chốn đông người chúng mạnh bạo ăn nói không thua người lớn, ngay cả dáng điệu cử chỉ và cách phục sức cũng thế. Ti sinh trưởng nơi xứ người, lại may mắn được trau luyện hai thứ tiếng, thừa hưởng nền văn hóa giữa Âu và Á nên rất khác người. Nó đi trước dẫn lối nhưng vẫn quay lại quét từng vệt sáng dài theo bước chân Thanh như thể trấn an. Hành động người lớn của con cho Thanh biết mình yếu kém về nhiều mặt, vẫn biết tre già măng mọc nhưng bụp măng phát triển quá mạnh, nó làm thân tre tự động còm cõi với mặc cảm không đủ sức bảo bọc cho măng mà trái ngược lại.
- Gần tới rồi mẹ ơi. Con bé khích lệ vì sợ nàng chùn bước.
Thanh thở dài, theo con giống như đi vào cuộc phiêu lưu dại dột, nhất là để cho nó hướng dẫn mình. Nhưng nếu không có Thanh, nó sẽ dại dột hơn vì một mình mò mẫm trong đêm tối để đạt cho được mục đích. Sự mạnh dạn vừa thoáng nghĩ khi nãy chợt trở thành liều lĩnh, nàng gắt lên:
- Mẹ không ngờ con táo gan như vậy Ti à! Chung quanh đây rắn rết, bọ cạp...
- Đi ở cổng sau nhà mình phải xuyên qua cỏ mới sợ, còn chỗ này tuy xa hơn nhưng đường mòn mà mẹ. Hơn nữa rắn trong rừng mới độc, ở suối chỉ là rắn nước, rắn ráo. Con bé lại lý luận ngu xuẩn.
- Mẹ không thể tưởng tượng con Xà Mâu là con quái gì mà lại rúc ở bụi xó thế này.
Ngay khi xuống xe Thanh đã linh cảm con Xà Mâu chỉ là một con vật, con sóc, chồn hoặc mèo rừng.
- Mẹ ơi mau lên mẹ, con nghe tiếng nó rên.
Con bé thoắt chạy về phía trước khiến vệt đèn quét ngang dọc như lưới nhện. Thanh tất tưởi chạy theo quên rằng đã bỏ đường cái một đoạn khá xa, nếu có sự gì bất trắc xảy đến chắc chắn trở tay không kịp.
- Con dại cái mang, Ti đứng lại về gọi bố ngay.
- Tới rồi mẹ ơi.
Con bé ngồi xụp hẳn xuống, ánh đèn chỉ còn là một vệt dài.
- Nó còn thở mẹ ơi...
Còn sống mới rên được, còn sống mới thở được, vậy là vừa rồi nó chạy lẹ chỉ vì sợ Thanh đổi ý, là vì biết trước bóng đêm sẽ làm nhụt bước chân nàng? Con bé biết trước tất cả... Thanh khựng lại đến một giây nhìn hình ảnh bé Ti ngồi xổm tay nâng đầu con vật chỉ to bằng bắp vế người lớn. Vệt đèn chiếu ngay mặt con chó khốn khổ làm mắt nó nhíu lại, lớp ghèn ở hai khóe mắt nhòe nhoẹt nước.
- Nó khóc mẹ ơi. Tội nghiệp Xà Mâu quá hả Xà Mâu...
Thanh chết lặng trước hình ảnh thương tâm. Đúng như cái tên và còn hơn thế nữa vì người nó đầy ghẻ, những khoanh ghẻ khô bám chặt vào lớp da trụi lông từng bệt xoắn lấy nhau bốc mùi hôi nồng nặc. Con chó nằm nghiêng đưa cái bụng ễnh tướng lộ bốn cái núm vú đỏ hồng chứng tỏ sắp đến ngày sanh nở. Đau bụng đẻ là phải quặn lại, phải kêu rống lên vì cuồn cuộn chỗi đạp của đám chó con, đằng này cái bụng nó cứng ngắc như bị trương sình và hơi thở rất yếu tựa sắp sửa tắt hơi. Ngồi vội xuống quên cả ghê sợ, Thanh đỡ con vật bằng hai tay lật hẳn sang bên kia. Con chó khôn ngoan nằm im không gầm gừ chống đối hoặc cũng có thể không còn chút sức lực nào. Dưới vệt đèn mờ để lộ nguyên phần đùi sau bê bết máu khô, một vết thương chạy dài như vết chém nứt ra mảng thịt đã đen đặc hôi thối.
- Con ơi nó bị ai chém chạy lết được tới đây.
- Và nó có bầu?
- Cả hai thứ dồn lại nhưng một tuần rồi khó cứu.
Thanh để con chó trở lại như một chấp nhận bỏ cuộc.
- Sao mình không chở nó vào bệnh viện chó?
Bệnh viện chó... Bác sĩ thú y... con bé nói giọng ngọt lịm. Nó đâu biết vào đó là tốn cả vài trăm bạc, chữa cho một con chó hoang rồi lại thả nó chạy rông hoặc sở thú y sẽ chích cho nó chết sau khi sanh... Thanh rùng mình...
- Mẹ, cứu nó mẹ nhé!
Thanh không trả lời nhưng nhìn từng động tác của con mình. Ti ngồi bệt xuống cỏ, không chùi tay lau những vết bẩn như nàng mà tiếp tục thoa đều trên chiếc bụng căng phồng, tiếp tục ve vuốt cái đầu tròn trĩnh của con Xà Mâu như một người mẹ hiền chia sẻ sự đớn đau trước đứa con nằm chờ chết, như vị thầy thuốc não nuột đứt lòng vì phải bó tay trước con bệnh và như một bà tiên đang dùng tận lực quyền phép của mình vì không tin vào định mệnh. Thanh thấy thẹn cho mình đã không làm được như thế, đã không có những xúc động sâu xa, đã không có tình thương tối thiểu cho một con vật đang cơn hấp hối.
- Cứu nó cũng được... Thanh ngần ngừ... nhưng con sẽ làm gì với con chó này?
- Chữa xong mình mang về nuôi. Ti trả lời rất thản nhiên.
Nghĩ đến Hải và tính ghét chó của chồng, Thanh tìm cách thoái thác:
- Ngoài tiền thuốc men mình còn phải trả tiền chích ngừa và...
- Thích quá, mình sẽ có một đàn chó con.
Con bé ngắt ngay lời mẹ, reo lên như thể đã được chấp thuận. Nó lại dồn nàng vào ngõ bí.
- Mẹ sẽ xin bố mua cho con một con chó Nhật xinh xắn, sạch sẽ...
Con chó Nhật lông xù chẳng đáng bao nhiêu chỉ hai trăm bạc, Thanh vẫn thấy các bà bạn mỗi chiều dắt chó đi dạo. Nuôi chó đẹp đẽ xinh xắn là thể hiện một phần tính nết và sự sạch sẽ kỹ lương của người chủ. Không thích nhưng nàng vẫn có thể vì con mà chiều nhưng không thể là loại chó khốn khổ.
- Con chỉ thích con Xà Mâu thôi.
Lại con Xà Mâu, con chó ghẻ, con chó tật nguyền dơ bẩn. Thanh nhăn mũi dọa con:
- Biết đâu nó sẽ bị què.
- Con vẫn thích nó.
- Với bộ lông rụng hết và ghẻ chóc đầy người?
- Đi khám bệnh, thoa thuốc là hết ngay.
Con bé bắt đầu ương bướng nhưng cái ương bướng có lý. Đặt trường hợp Thanh, nếu nàng có một đứa con tật nguyền thì tình yêu thương đâu phải vì thế mà thuyên giảm. Ti đã săn sóc, lo lắng cho con Xà Mâu cả tuần nay thì tình quyến luyến phải ắp đầy và hy vọng hầu như đặt trọn vào đó. Lòng Thanh chùng hẳn xuống, cả tuần nay dù dấu diếm lén lút và dối trá với nàng nhưng nó đã làm một điều đúng. Ngoài tình thương dành cho con vật nó còn thể hiện được lương tâm của một thầy thuốc với con bệnh. Với mục đích tốt lành đó tại sao Thanh không khích lệ bằng một phần thưởng xứng đáng? Tại sao không mang con Xà Mâu đi khám bệnh và làm quà tặng cho nó để khuyến khích những việc làm bác ái kế tiếp? Tại sao không nuôi con Xà Mâu, một chứng tích để nàng nhớ lại những giây phút kinh hoàng dù trong trí tưởng tượng vừa qua và cũng để nhìn ra tầm mức quan trọng của mình, của một người mẹ.
- Mẹ... Mẹ nhé...!
- ...
- Mẹ... Mẹ nhé...!
Thanh thấy lòng xốn xang. Ánh mắt nó tràn ngập hy vọng nhìn nàng và cũng chứa chan tình thương xót khi dừng lại thân thể con chó khốn khổ đang đau đớn rên rỉ trên cỏ. Giọng nàng đặc lại với đầy cảm xúc và hãnh diện:
- Ừ!
Thanh lại thấy lòng chao động khi nghe tiếng con mình reo lớn, rộn ràng, tươi vui cùng tiếng gió đùa trên ngọn cỏ rì rào...