watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gió Bấc-Chương 5 - tác giả Linh Bảo Linh Bảo

Linh Bảo

Chương 5

Tác giả: Linh Bảo

Trang bán tất cả nhưng gì đáng giá còn lại, sửa soạn sẵn sàng và một buổi sáng khi trời còn mờ sương và nước còn mờ khói, Trang từ giã ông Bà chủ tiệm may đã cho Trang việc làm tạm thời, anh chị và bạn bè xuống tàu đi Hương-cảng.
Nói thì nghe dễ như người Huế ăn ớt, nhưng sự thực đi được đến bước đó Trang phải chống chỏi với các áp lực từ nhiều phía, để rồi cảm thấy như con bò bị lùa vào một con đường độc đạo đưa đến lò thịt, không còn ngã nào để chạy quanh.
Đó là thời kỳ tranh tối tranh sáng, ai cũng là Chánh phủ mà ai cũng là địch. Ai cũng có quyền bắt người khác tuân lệnh. Các đảng phái thanh toán lẫn nhau, trong khi địch thực sự lại tự xưng là bạn. Thời kỳ mà ai ở lứa tuổi 18 trở lên đều phải “Xếp bút nghiên...” không bỏ nhà lên chiến khu thì bị đóng dấu Việt gian.
Trái lại trong con mắt quân chiếm đóng, thanh niên nam nữ không ở thành phố lo học, lại sống chui rúc ở bưng biền là quân kháng chiến, là du kích là địch.
Hai bên cứ nã súng vào nhau, bắt bớ nhau , cả bí mật lẫn công khai, nhưng trong âm thầm, những bàn tay trao đổi thuốc men,súng ống, tiền bạc cũng xảy ra thường xuyên.
Phần Trang dù có muốn lẫn vào đám đông dù có chịu làm ngu si cũng không dễ gì được sống yên mà hưởng thái bình.. Lý lịch nàng đã có trong hồ sơ của cả hai bên. Tin từ chiến khu do liên lạc viên đưa tới nói anh Quốc Vệ Quận trưởng tìm chị, nhắn phải lên khu ngay lập tức
Người ân nhân cứu mệnh báo tin ông Phó Công Sứ, một người “Pháp mới” nghĩa là không phải Pháp thời Thực dân, trẻ tuổi, đẹp trai, nhất định đòi cưới Trang chánh thức để đem về Pháp. Ông này từng đến thăm Trang với lễ phép tối đa, lúc Trang vừa được Pháp thả ra, còn tá túc ở nhà ân nhân. Ông bà Phùng rất kẹt. Một bên là xếp mới, một bên là con của Xếp cũ. Chỉ còn cách tổ chức cho Trang ra khỏi nước là rảnh nợ.
Trang bắt liên lạc được với một nhóm người Hoa hồi hương bằng tàu thủy về Hongkong. Đây là nhượng địa của người Anh xén của tỉnh Quảng Đông, nên chấp nhận người Quảng Đông có quyền đổ bộ lên địa phận quê hương của họ.
Ngoài số tiền lương dành dụm, được anh chị và bạn bè giúp thêm, đóng đủ số tiền cho người tổ chức, Trang được lãnh một cái tên Tàu ghi vào danh sách nhóm tị nạn hồi hương.
Trang cũng như cả đám người chạy loạn, không ai biết trước được đi tàu kiểu tị nạn nghĩa là không có hạng. Cần quái gì hạng! Nhất Nhì hay Ba cũng chỉ là danh xưng. Cả đám trải chiếu nằm trên boong tàu, chứ không phải trong phòng, trong hầm hay trong khoang, mà nằm ngay dưới ánh mặt trời, dưới ánh trăng sao và cả gió bão. Trang cứ ngồi run cầm cập làm mấy bà già thương hại cho mượn chiếc mền bông quấn chặt lấy người. Đến bữa mỗi người được chia một vắt cơm ăn với dưa cải mặn.
Sau mấy ngày phơi sương phơi nắng rồi cũng đến bến bờ. Cuộc đổ bộ thực gọn gàng nhanh chóng. Mọi người đi từng toán, chỉ một người của ban tổ chức trình giấy tờ xong là lên bờ.
Cái mền cứu khổ cứu nạn được trân trọng trả lại cho ngưới hảo tâm. Từ Saigon nóng nực bước lên tàu, Trang không hề biết trước để chuẩn bị cái rét như muốn cả người đông lại thành băng.
Vài trang nhật ký
Ngày... tháng....năm....
“Trời Hong Kong mùa Tết gió rét như cắt, nhất là ở những con đường ngay cạnh biển. Hai bên hiên phố, các hàng bán hoa quả và hàng Tết bày lan tràn ra đến lề đường, như giục giã người ta sắm Tết, nhắc nhở Tết đây rồi, làm tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ lạ lùng.
Tôi được các bạn mới giới thiệu vào ở trọ trong một gia đình Tàu. Nhà không rộng, nên họ dọn cho tôi một cái giường vải trong một góc phòng, giăng một tấm màn ngang qua giuờng, và trong chớp mắt, góc phòng bé nhỏ biến thành cái thế giới riêng biệt của tôi.
Ở Hongkong, một tấc đất là một tấc vàng, nhà cửa hiếm quí, nên tùy hoàn cảnh, người ta có thể thuê một tòa lâu đài, một cái nhà, một căn phòng, hay chỉ một chiếc giường cũng thuận tiện, chỉ cần ngã lưng vài giờ ban đêm.
Bên kia tấm màn biên giới là giường của hai thằng bé độ sáu bảy tuổi, con nuôi của bà chủ nhà. Hai thằng bé mù thực khỏe mạnh và kháu khỉnh. Chúng nó sinh ra toàn vẹn cho đến khi quân Nhật đánh chiếm Hương Cảng. Không biết lửa đạn vung vãi thế nào mà chúng biến thành ra mồ côi và tàn tật.
Trong nhà còn đôi ba cặp nữa, mỗi đôi ở một căn phòng nhỏ, ngăn lại bằng ván ép. Biên giới là tấm ván mỏng,không cản được tiếng nói thì thào âu yếm lúc đêm khuya, cũng như lời cãi vã, dù người ta có xuống giọng thấp đến mấy đi nữa. Nhưng nhờ có cái biên giới tượng trưng nên ai cũng thấy yên tâm như được che chở, và khi bóng tối bao trùm thì bên kia biên giới là hư vô...
Thì ra biên giới thật co dãn. Biên giới có thể là Vạn Lý Trường Thành, là biệt thự này cách biệt thự kia hàng trăm thước, là cái hàng rào thưa, mãnh ván ép, và cũng có thể chỉ là một tấm màn mỏng manh.
Sau biên giới vải, tôi nằm im lìm vờ ngủ, lắng nghe những sống động ưu tư trong lòng, và đồng thời cũng lắng nghe cái Tết đang lan tràn.
Người ta có cả tháng để chuẩn bị, thế mà đến phút cuối cùng vẫn còn kẻ mua người bán rối rít. Ai cũng lo áo quần mới cho gia đình, quà bánh cho khách đến chúc Tết, phong bao cho trẻ con. Đồ ăn thì cố nhiên là phải đặc biệt, những món ăn riêng cho ngày Tết. Đêm đã khuya mà ngoài đường vẫn còn cả một rừng người tấp nập đi mua sắm hay đi nhìn thiên hạ mua sắm! Họ đi vào ánh đèn ngũ sắc như trăm nghìn con thiêu thân, như chính họ cũng là một loại thiêu thân.
Giờ này nơi quê hương, gia đình của tôi đang ở lao tù nào? Các bạn của tôi, chắc hẳn từng đoàn, từng nhóm, đang “ xếp bút nghiên”.., đang “ một ra đi là không trở về......”
Còn tôi mơ màng nghĩ đến ngày mai vào Quảng Châu để gặp các anh em sinh viên cách mệnh đang học ở đấy. Mấy hôm trước, anh Hùng sau khi đọc bản tự thuật “ Hoa Sen trên biển” của tôi, đã bảo anh Vĩ, người liên lạc :” Anh đưa cô ấy đi Quảng Châu ngay. Càng sớm càng tốt. Đừng để mất!” Anh Vĩ tin là thế nào tôi cũng sẽ được ở lại học với các anh ấy.” (Nhật ký ngừng)

° ° °

Tình hình sinh viên Việt Nam ở Tàu lúc bấy giờ là tự túc. Chánh Phủ Tưởng Giới Thạch có chương trình cấp Học bỗng gọi là “ Nam Dương Tưởng Học Kim” cho mỗi nước Á Châu 8 người. Sinh viên các nước khác đều được Chánh phủ của họ gửi đến. Riêng Việt Nam đang ở trong thời kỳ không ai biết ai là ai, làm gì có Chánh phủ mà gửi sinh viên du học!
Nhóm anh em này không có phương tiện để đưa người Đông du, Tây du, Bắc du gì cả, nhưng nếu ai tự thoát ra được thì họ có đường giây biết ngay, lập tức bắt liên lạc tìm cách giúp đỡ tìm trường hay tìm việc, và cố nhiên nhận xét để kéo vào nhóm.
Trang lại xếp khăn gói từ giã gia đình Tàu đã cho thuê chiếc giường vải trong những tháng ngày bơ vơ đầu tiên, Trang đi xe lửa vào Quảng Châu, gặp tất cả rồi cùng lên đường đi Nam Kinh. Anh Hùng người Anh Cả của nhóm cần phải lên Nam Kinh để liên lạc trực tiếp với Bộ giáo dục, điều đình xin đặc ân cho bọn sinh viên tạm gọi là.... cái gì cũng “không “ này. Cứ cho vào học, không có Chánh phủ, giấy tờ trách nhiệm anh Hùng nhân danh đảng trưởng lãnh hết.
Ai bảo” Phúc bất trùng lai”? Phúc của Trang đă trùng lai đến mấy lần. Trang đã xuất ngoại thành công. Bước đầu tiên xứ lạ còn thuê được nơi ở tạm trong một gia đình lương thiện. Trang đã được hoan nghênh vào nhóm anh em du học sinh..... Mai đây Trang cũng sẽ được sống cuộc đời có thầy có bạn.... Trang muốn cảm ơn mẹ một lần nữa, Mẹ ở hiền nên Trang đã gặp lành hoài hoài.
Gió Bấc
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10