Chương 8
Tác giả: Linh Bảo
Ðến Quảng Châu, bọn Trang vào một khách sạn gần bến xe. Tắm rửa ăn uống xong, Trang ngủ một giấc cho đến sáng hôm sau, lúc giật mình thức dậy thấy trong phòng chỉ có một mình nằm trên 4 chiếc ghế kê liền nhau với đống hành lý ngổn ngang. Trang lại ngủ cho đến lúc những tiếng ồn ào đánh thức dậy. Hùng, Vũ, Lưu đã trở về thêm ba sinh viên Việt Nam nữa, Vũ nói:
Trước hết chúng ta hãy đưa cô Trang đi ăn vì cô ấy bị làm “valy” ở đây đã quá bữa rồi! Cơm nhé! Khổ chủ là anh Nguyên biệt hiệu “Cẩu y sinh”.
Trang nhìn Nguyên thấy mặt anh đỏ lên, tuy nước da Nguyên ngăm ngăm đen nhưng cũng không dấu được.
Nguyên ấp úng cải chính:
- “Cẩu y sinh” là thầy thuốc chuyên chữa bệnh chó chớ không phải chó làm thầy thuốc đâu.
Trang cười:
- Cũng không sao, nhưng thôi, anh cho tôi ăn “Woành thánh mìn” nhé! Ba tháng ăn nửa phần cơm lính tôi đã thấy đủ lắm rồi.
Lúc ngồi ở tiệm ăn, Trang hỏi Nguyên:
- Trước anh đã học qua thú y phải không?
Nguyên lại đỏ mặt, Lưu đỡ lời :
- Không, trước anh ấy đã học hai năm trường thuốc ở Hà Nội, nhưng bây giờ học ở Văn Học Viện khoa ngữ ngôn. Lạ một cái là từ ngày anh ấy đổi môn học thì ngay đến thuốc đau đầu của anh ấy đưa cũng không hiệu nghiệm nữa! Nhưng hễ chó nhà ai bị ốm thì anh ấy cho uống gì cũng khỏi, vì thế nên chúng tôi đồng lòng...
Nguyên cướp lời:
- Còn đây tôi xin giới thiệu anh Ðoan, người có bộ mặt đẹp trai nhất trong đám thanh niên ở đây, nhưng lúc anh vừa mới sang Tàu là cạo ngay đầu trọc, và ở trường thì vì thể diện của người Việt Nam nên dù rét như cắt cũng cởi áo nhẩy ùm xuống ao lội hàng giờ để.... tắm mát.
Trang kinh ngạc:
- Thể diện cho người Việt Nam?
Ðến lượt Ðoan đỏ mặt cắt nghĩa:
- Có gì đâu, hồi mới sang Tàu, tôi chưa biết tiếng nào cả, một hôm vào hiệu cắt tóc. Tôi không biết nói sao nên chỉ ra hiệu bảo họ cắt thật ngắn, thật ngắn. Họ hỏi tôi:
- Thay coóng thầu? (cạo trọc ?)
Tôi không hiểu nên chỉ gật gật ậm ừ, thế là chỉ mấy lát “toong đơ” tôi biến ngay thành hòa thượng! Về đến nhà lũ trẻ con bạn tôi cứ chạy theo chế nhạo mãi “Nị coóng thầu! Ngộ coóng thầu”.
- Thế còn thể diện cho người Việt Nam?
- Chỉ tại mấy thằng bạn hỏi tôi: “Có phải người Việt Nam chúng mày sạch sẽ lắm phải không? Ngày nào cũng tắm một lần dù nóng hay rét.” Tôi ừ thành ra trót khoe phải giữ lời ,đành cố làm cho đúng vậy.
Hùng chỉ Lưu bảo:
- Còn anh Lưu nầy là một họa sĩ rất đa tình, mới sang Tàu chưa bao lâu mà đã đòi để cho con gái Tàu cưới!
Lưu phân trần:
- Hồi ấy tôi còn ở biên giới có biết gì đâu. Có con bé học trò mê tôi quá, tôi cũng thích nó, lại mới lõm bõm được mất câu tiếng Tàu. Một hôm nó đến chỗ tôi ở nằng nặc hỏi tôi có yêu nó không, tôi cũng đáp liều: “Ừ, ngộ dách tình ca nị! ngộ dách tình ca nị” (tôi nhất định lấy cô!) Ai có biết đâu chữ “ca” nghĩa là “giá” dùng để nói con gái về nhà chồng. Bây giờ biết ra thì tim tôi đã nguội rồi, chả còn muốn “ca” ai, hay ai “ca” nữa!
- Anh ấy lại còn một cái ý tưởng rất mới nữa, là cho thổ phỉ với binh sĩ giống nhau!
Lưu cãi:
- Phải nói về tiếng thì tôi đã nhầm thổ phỉ với binh sĩ thực, nhưng nếu nói sự thực thì có khác gì đâu! Khi hai quân đánh nhau, binh sĩ chạy sang bên kia đầu hàng thì chả hóa ra thổ phỉ là gì. Và trái lại thổ phỉ muốn thành binh sĩ cũng không khó!
Ðoan chỉ một nguời bé nhỏ, khuôn mặt xương xương và có một đôi mắt rất tinh nhanh bảo:
- Còn đây là anh Lâm, anh ấy ba phần tư Việt Nam, tự coi mình như người Việt Nam, nhưng lại là dân Tàu. Anh ấy là người đã dịch bộ Việt Nam Văn Hóa Sử Cương ra chữ Tàu để hù các ông giáo dạy Lịch sử. Sự thực thì năm nào thi anh ấy cũng chỉ trượt môn Lịch sử.
Lâm tươi cười:
- Ấy, tôi định thi vào môn Lịch sử, nhưng đến lúc thi cứ nhìn vào đầu bài thì bao nhiêu mồ hôi cái mồ hôi con đã toát ra như tắm rồi! Có lẽ tại tôi có ý xấu, định đến năm thi ra sẽ làm luận văn nói về lịch sử Việt Nam, cái giống “Con Rồng, Cháu Tiên” của các anh các chị, để cho quí vị giáo sư chả biết đâu mà tra cứu cho nên Trời phạt đấy.
- Còn đây là cô Trang, các anh đừng thấy cô ấy bé thế mà coi thường, bé hạt tiêu đấy. Ai lại dám xuống tàu không có passport, không mua vé, không có áo ấm, không trả tiền ăn, không quen ai ở Hongkong trước. Thế mà cũng đến được đây. Và còn một sự lạ nữa là cô ấy kéo “violin” tuyệt lắm, từ bé đến giờ, mùa đông đêm nào cũng kéo thế mà vẫn chưa đến được Suối Vàng!
Ðoan hỏi Trang:
- Cô sang đây ghé Hongkong trước, thế có gặp Cựu Hoàng không? Một nhân vật nổi tiếng nhất của nước ta mà!
- Có, riêng tôi thì không có lý do gì để gặp, nhưng vì Người cần gặp ba tôi để hỏi thăm tin tức nước nhà nên gặp cả tôi.
- Thế Người có hỏi gì cô không?
- Có, Ngài hỏi tôi có biết làm bánh bèo không? Tôi nói không đủ đồ dùng để làm.
- Thế thì cô dại! Sao không trả lời ở Hương Cảng làm gì có bèo!
Lâm gật gù:
- Người Huế đi lâu nhớ bánh bèo là phải lắm. Không nhớ mới đáng đánh đòn.
- Nhưng tại sao Ông cụ không trói cô lại, bỏ lên máy bay đem về Việt Nam gả chồng, hay đánh cho một trận về cái tội “đi lạc đường....?”
Trang cười :
- Tôi cũng không hiểu, Chắc ba tôi nghĩ là tôi “hết thuốc chữa” nên cho phép tôi làm gì thì làm, miễn khuất mắt đỡ phiền. Bài thơ “Giận thì khi đánh quạnh thì thương” ông cụ làm cho tôi mà. Chắc cụ nghĩ thôi chẳng thà ở xa để “quạnh thì thương” còn hơn ở gần mà phải “giận thì khi đánh”. Chắc là phải đánh hoài mỏi tay ông già ! Nhưng dù sao trước khi về, Ông cũng đã rũ sạch túi còn 100 đô la Hongkong cho tôi, cho cả cái va li hành lý quà cáp định đem về nhà. Nhờ thế tôi mới có 8o để mua vé máy bay đi Nam Kinh với anh em, và có đồ để bán dần mua hành tây....
- Ông Cụ sính thơ thế có bao giờ tặng thơ cho người đẹp không?
Trang cười to:
- Ðó là “nghề của chàng”. Bao nhiêu bạn gái của mẹ tôi đều giúp ông gợi hứng hết. Bài thơ ông tặng một nữ danh ca thượng thặng đã sồn sồn có câu:
« Gặp nhau chi lúc chợ gần tan »
Tình tứ quá làm trái tim giai nhân nhảy tùm lum đan tư mất mấy tháng.
Lưu bỗng nhiên hỏi :
- Ông Cụ đến chắc không cần thông dịch viên. Có con gái hướng dẫn, thiếu chữ thì múa tay phải không?
- Tôi chỉ mới học vớ vẩn vài câu thôi, nhưng cũng phải chế biến. Ví dụ như ba tôi muốn mua thuốc nhộm tóc, tôi không biết nói sao bèn hỏi người bán hàng: Có thuốc làm cho tóc trắng thành đen không? Họ hiểu tôi muốn gì. Thế rồi cũng xong. Ba tôi muốn nhuộm tóc, chắc ông còn định làm khổ mẹ tôi dài dài.
Lâm bỗng cất giọng nghiêm trang hỏi:
- Nếu chúng ta có nhiều tiền, thì nên giữ cách nào, hay là làm mất tiêu cách nào nhanh nhất ? Ai có kinh nghiệm nói đi cho anh em học hỏi.
Vũ chỉ Trang cười:
- Cứ học lối cô Trang, gửi tất cả cho “Nha hữu quyền” cam đoan sẽ mất tăm mất tích trong chớp mắt !
Nguyên tiếp:
- Còn cách của tôi thì cho vào túi sau quần tây!
Ðoan cắt nghĩa:
- Anh “Cẩu y sinh” của chúng ta kỳ nghỉ hè vừa qua, ra làm việc ở hai nhà thương. Sáng một nơi, chiều một nơi. Ba tháng trời để dành được bao nhiêu cho tất cả vào túi quần sau, đi nghênh ngang ở phố thế nào không biết, lúc về đến trường chỉ còn cái túi không.
Lâm thêm:
- Còn cách của tôi thì đổi lấy tiền của chính phủ. Tôi để dành được một số tiền đô la Hương Cảng, suốt mấy năm trời dành dụm kia đấy. Vừa rồi chính phủ ra bạc mới, khuyên nhân dân nên tín dụng, ai có tiền ngoại quốc phải đổi ra bạc này. Tôi nghĩ tôi cũng là một phần tử.. yêu nước thành ra... chỉ trong mấy hôm... đã biến thành một mớ giấy lộn!
Và anh thở dài:
- Thôi, dù sao tôi cũng là người...yêu nuớc.
Ăn uống xong cả bọn kéo nhau đi thăm ông Vương. Trước kia ông là một nhà cách mệnh nhưng nay chỉ chuyên dạy Anh văn và nuôi chim Bồ câu bán để cung phụng hai bà vợ Tàu. Ông người cao lớn, để râu mép, trông như một nhà đại tư bản và rất trẻ, trái ngược với hai bà vợ cùng già và gầy gò. Ông sốt sắng hỏi bọn Trang:
- Các anh các chị mới sang đây đem theo nhiều hành lý không?
Lưu trả lời:
- Vừa đủ dùng thôi ạ!
- Ấy chết, sao lại thế ? Phải đem nhiều vào chứ! Ðem được càng nhiều càng tốt.
Trang ngạc nhiên hỏi:
- Thưa ông đem nhiều để làm gì ? Mang xách nặng phiền lắm!
Ông nói chậm rãi:
- Cô không biết! Ðể khi nào hết tiền bán dần mà ăn chứ!
Bọn Trang chỉ nhìn nhau mỉm cười thông cảm.
Từ giã ông Vương, cả bọn kéo đến thăm cụ Nguyễn, người đã có cái lịch sử cách mệnh hơn 40 năm, nhưng nay chỉ là một ông cụ già nghèo nàn, hai mắt gần như mù, sống với một bà vợ Tàu trẻ, và một đàn con lớn có, bé có.
Cụ cất giọng sang sảng:
- Các anh làm thế nào chạy hộ tôi 10 đồng, nếu không thì 8 hay là 6, 4 cùng lắm thì hai đồng cũng được!
Lúc Trang hỏi thăm đàn con cụ trả lời:
- Ấy các cháu nó đi đánh du kích cả.
Trang ngạc nhiên hỏi:
- Thưa cụ đánh du kích ở đâu? Nhưng các anh chị ấy còn bé lắm cơ mà!
Cụ cười:
- Không, đây là tiếng riêng của chúng tôi. Hôm nào nhà có gạo thổi cơm ăn thì gọi là “lục chiến” nấu được cháo là “thủy chiến”, không có gì là “không chiến”. Còn nếu “không chiến” lâu quá thì chạy sang các nhà hàng xóm quen biết ăn ké, đấy là “đánh du kích”.
Lúc từ giã căn phòng tối tăm bé nhỏ chỉ vừa đủ để một cái giường 2 từng,
còn thừa một khoảng nhỏ làm chỗ để chân, thấy Trang có vẻ ngậm ngùi, Hùng bảo:
- Khi xưa cụ cũng đã có một thời kỳ oanh liệt, tiếc vì cụ chỉ có lòng mà không có tài, đã thế lại có nhiều quân sư quạt mo quá! Giá mà cụ cứ nghe lời một người thôi thì cũng không đến nỗi nào, nhưng cụ lại nghe theo tất cả, làm theo tất cả thành ra cái gì cũng không thành! Hôm nay cụ nghe lời “quân sư” ủng hộ nhóm này, ngày mai cụ lại nghe lời quân sư khác mà đả đảo họ, mời phóng viên họp báo tuyên bố ầm ỹ cả lên, nhưng ngày kia cụ lại nghe lời một quân sư khác nữa mà viết thư xin lỗi!
° ° °
Trang đã có tất cả giấy tờ của bộ Giáo dục chấp nhận vào danh sách lưu học sinh và được lĩnh món tiền “Nam Dương Tưởng Học Kim” vào Chính Trị Hệ ở trường đại học Trung Sơn. Sau khi làm xong đủ các thể lệ nhập học, Trang được nhận một căn phòng cho 4 người trong tòa Nữ sinh túc xá tĩnh mịch.
Nắng nóng trả lại cho Trang một ít sức khỏe, chỉ một ít thôi cũng đủ làm cho Trang hớn hở. Trang lại cảm thấy yêu đời yêu mọi người và yêu cả đến khói thuốc lá mà Trang vốn không chịu nổi.
Chiều chiều, các bạn lại đến tìm Trang đi tản bộ, cả bọn thường hay trèo lên đồi , ngồi lên tảng đá cao ngất để hứng lấy ngọn gió trong sạch, và đây cũng là nơi có thể nhìn khắp khuôn viên trường. Mỗi học viện là một tòa lâu đài hùng vĩ xây trên một ngọn đồi và mỗi viện cách nhau độ 15 phút rảo bước. Trang nhìn khắp các nơi nhưng mắt nàng như sáng hơn và đầy âu yếm khi nhìn đến nơi Trang sẽ học, Tòa Pháp Học Viện vĩ đại sừng sững trên một ngọn đồi cao nhất với 100 bực thang nghiêng nghiêng bên sườn đồi.
Sau bao nhiêu gian lao và kiên nhẫn Trang mới có được cái kết quả nầy, Trang thấy mừng như điên. Và hơn nữa tự hiểu mình, trong lúc thân thể được khỏe mạnh, Trang như cố tận hưởng những giờ phút thần tiên ấy. Vì Trang không biết rằng mai đây nguồn vui của nàng có cùng chết theo với những chiếc lá bắt đầu vàng trong rừng cây quanh đồi không.
Những buổi chiều trèo lên đỉnh Trà Sơn, ngọn núi cao nhất cạnh trường, Trang nhìn quanh khắp các nơi, kìa là ánh đèn của thành phố Quảng Châu với khách sạn Aùi Quân 13 tầng cao ngất ngưởng. Những ánh đèn điện xa xa cách những hơn mười cây số lấp lánh. Bọn Trang thường gọi đấy là bầy cá vàng đang bơi lội trong không gian, và mỗi khi có các bạn đến chơi, bọn Trang không bao giờ quên đưa lên tận đỉnh Trà Sơn xem cá vàng để tặng các bạn không quen trèo núi một món quà kỷ niệm của trường Trung Sơn đại học.
Trong buổi đầu tiên học tiếng Tàu, bọn Trang ai cũng có nhầm lẫn buồn cười như câu chuyện “lụ hán” của anh Ðoan mà mỗi khi nhắc lại, anh vẫn còn đỏ mặt. Các nam học sinh Tàu vẫn có thói quen thân mật gọi nhau bằng “lụ” gì đó như “Lụ Txan” lão Trần, “Lụ Woong” lão Vương v.. v.. Một hôm anh Ðoan thấy các bạn chỉ một người đi ngang qua mà bảo nhau là “Lụ Hán” nhưng ông ta không nghe. Cho đến khi một bạn cùng phòng cắt nghĩa, anh mới toát mồ hôi lúc hiểu ra người mà anh định bắt chước gọi là “cái lão già kia” chính là một trong những ông giáo của mình.
Cái khó khăn của sinh viên Việt Nam là sinh viên Tàu trước khi vào Ðại Học đã có hơn 10 năm khổ luyện, và nói tiếng mẹ đẻ ngay từ khi mới học nói. Còn sinh viên Việt Nam lạc loài vào đến đất nước này phần nhiều cái vốn chữ Tàu cũng như tiếng Tàu rất khiêm nhượng. Thế mà cùng một lúc phải nhồi sọ hai thứ tiếng nói, tiếng bản xứ Quảng Ðông và tiếng Bắc Kinh được gọi là Quốc ngữ để nghe giảng bài trong lớp.
Lại còn cái thứ chữ không đánh vần mà phải nhận mặt từng chữ, như nhận mặt từng người. Ðối với Trang, nếu một nhóm người không ngồi chung với nhau mà gặp lẻ loi, Trang không nhớ ông ấy là ai mà trông hơi quen quen. Với chữ cũng thế nếu chúng không đi chung với nhau một nhóm mà gặp lẻ loi, Trang cũng thấy quen quen ngờ ngợ, không biết đã từng được giới thiệu ở đâu, hồi nào...
Buổi đầu học chữ Tàu của Trang cũng như tất cả các anh em khác lúc ở Namkinh là chia nhau chép cuốn tự điển Hán Việt Ðào Duy Anh. Mỗi người xé ra một phần, tự chép vào tập vở của mình, chuyền tay nhau chép cho kỳ hết. Năm ngàn chữ duyệt binh qua trong đầu nhanh như chớp cũng để lại một vài dấu vết, làm cho sau này khi đọc sách cũng thấy nó ngờ ngợ, quen quen, hình như đã từng gặp gỡ... và thế cũng đủ dấu vết để tìm manh mối kiếm chữ ấy ở đâu. Ðó là phần nghĩa và cách đọc ra tiếng Hán Việt.
Phần học tiếng Tàu mới thực là một kỳ công. Những ngày ăn cháo ra ngồi thư viện học cho ấm ở Nam Kinh, Trang làm nát hết bộ sách căn bản về văn pháp, tập đọc ra tiếng như trẻ con học, và phải đúng giọng chứ không được đọc trong trí như cách học của người lớn.
Cuốn sách đầu tiên Trang phải đọc để thực tập những gì đã học là cuốn Tam dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên. Hùng chọn cuốn ấy để thực tập vì nó là kim văn chứ không phải cổ văn, dễ đọc, dễ hiểu và dùng toàn chữ chính trị. Ðó là những chữ cả bọn phải biết.
Cổ văn là thứ tối kỵ đối với Trang, nên các anh phải cố gắng nhồi thêm một ít vốn liếng, mong vướng trong đầu Trang được chút nào cũng đỡ vất vả về sau.
Lần đầu tiên sửa soạn món cổ văn, Trang dở một bài ra đọc và hỏi Nguyên:
- Khổng tử tại Trần Chương là gì nhỉ?
- Cô thử dịch xem.
- Khổng tử là đức Khổng tử, tại là ở nơi, Trần Chương là... là..
Anh Lâm cười tinh nghịch:
- Trần Chương là ông Trần Chương ấy mà! Khổng tử tại Trần Chương là nói chuyện Ðức Khổng tử đến chơi nhà Ông Trần Chương chứ gì nữa!
Thế là cả bọn cười ồ lên và sau khi biết rằng Khổng tử tại Trần Chương là Chương nói về Khổng Tử tại nước Trần, tiếng cười của Trang to hơn tất cả.
Những buổi tối rỗi việc, bọn Trang đến túc xá của các giáo sư tìm anh Vương, anh thết ăn mì hay phở. Tất cả cùng xúm vào nấu bằng bếp điện, món nước dùng chỉ có một ít tôm khô và rau cải trắng cũng đạm bạc như số luơng giáo sư của anh, nhưng nếu canh nhạt thì cho thêm muối, và nếu ít thì đã có nước. Ăn xong trèo lên gác thượng ngắm trăng. Bọn Trang có tất cả các thứ chuyện để nói! Chuyện nước, chuyện nhà, chuyện trường, chuyện học, chuyện quá khứ, tương lai, chuyện vui, buồn và cả đến chuyện những mối tình đầu vớ vẩn.
Trang được biết anh Ðoàn lúc còn ở Hà Nội, cứ mỗi khi trời mưa là khoác áo mưa đi xe đạp qua nhà “nàng”, chỉ cốt để mỉm cười chào nàng một cái, và được nàng mỉm cười chào trả lại.
Trang biết anh Nguyễn đã từng nằm lặng người trong chăn, nửa đêm lắng nghe những lời bàn bạc của cha mẹ, định đi hỏi người yêu của mình cho... ông anh.
Trang biết anh Vương đã từng sống qua một cuộc tình duyên rất thơ mộng với một thiếu nữ Việt Nam trên đất Cao Miên, nhưng đến lúc cần anh lại ra đi, lòng nhẹ lâng lâng...
Trang biết anh Lâm...
Trang biết...
Và Trang, nàng cũng phải kể ra năm xưa lúc Trang mới bắt đầu biết làm dáng, có một người đã nhìn Trang với một đôi mắt đắm đuối say sưa, và Trang cũng hơi hơi nhìn lại đáp lễ. Nhưng chỉ có thế thôi, không hơn không kém. Vì mấy tháng sau, người ấy đã thành ra nguời của hải ngoại, của bốn phương, Trang thì ở quê nhà mỉm cười cầm cuốn sách đưa cao lên mặt vờ đọc...
Bọn Trang kể lại hồn nhiên và vui vẻ như kể chuyện cổ tích, một câu chuyện của người khác đã xa và xưa lắm rồi!
Thỉnh thoảng có một vài người Việt Nam ở các nơi đi qua thế nào cũng tìm đến trường chơi. Một hôm có một bậc đàn anh trong làng hải ngoại đến. Các anh em bèn đi gọi Trang đến Cư xá Giáo sư của anh Hùng, vì anh cũng là một Giáo sư nên được một phòng. Còn sinh viên phải chịu 4 người một phòng. Cả bọn họp nhau để bàn định nấu cơm mời khách. Trang nhớ có lần nghe Vũ kể chuyện có một người Việt Nam đã từng than thở với anh:
- Từ ngày tôi ra hải ngoại chưa từng được ăn bữa nào thực no cả!
Và hơn nữa:
- Mỗi lúc tôi vào tiệm ăn, bất cứ là cơm hay mì, cứ nhìn hai chồng đĩa bát không, cao ngất ngưởng trên bàn, ngượng với những người chung quanh nên đành phải thôi, chứ thực ra nào đã no đâu!
Không hiểu tại sao lúc nghe tin ông Hảo đến chơi, Trang nhớ ngay đến câu chuyện ấy và nghĩ thầm: “Khônglẽ tất cả anh em lại không thể mời ông ta ăn được một bữa thực no hay sao?” Vì thế Trang nấu ngay hai nồi cơm to tướng. Lúc ngồi vào bàn ăn, ông Hảo tươi cười bảo:
- Trời lắm thức ăn thế này cơ à? Tôi chỉ hai bát thôi. Thế này thì tôi không ăn cơm nữa, để dành bụng ăn đồ ăn vậy.
Trang bảo:
Ông cứ tự nhiên, có đủ cơm đấy ạ!
Ông Hảo nhìn theo tay Trang chỉ, kinh ngạc:
- Cô nấu cơm cho bao nhiêu người ăn hở? Hay là cô nấu luôn cả ba bữa vào một lần?
- Không, chỉ có ngần này người và ăn bữa nay thôi!
- Thế cô ăn mấy bát? Các anh ấy ăn mấy bát?
- Tôi ăn hai, các anh ấy mỗi người ba.
Ông trợn tròn mắt:
- Còn bao nhiêu về phần tôi cả! Cô định cho tôi trúng thực hay sao thế?
Bỗng ông ôm bụng cười sằng sặc:
- Thôi chết tôi rồi! Có lẽ cô nhầm tôi với ông Mai, cái con người từ ngày sang Tàu chưa từng được ăn no bao giờ!
Trang cũng cười theo với mọi người và rất ngượng, khi thấy còn nguyên một nồi cơm không ai động đến.
Mấy hôm sau lại có ông Tạ đến chơi, ông là một nhà cách mệnh vào bậc đàn anh, nhưng ông chỉ chuyên môn đi phò người khác. Lúc xưa ông đã phò một cái hội Ðồng Minh nổi lên đình đám một thời. Bây giờ ông đang phò một “cửa hiệu” Liên Minh mới mở. Bọn Trang chơi với ông chỉ vì cảm tình riêng chứ đối với sự bán rẻ tên mình cho treo vào bản tên họ của các “phổ ky” trong “cửa hiệu” thì nhất định không chịu.
Lúc Trang cầm một thìa muối đầy định cho vào nồi thịt kho, bỗng chợt nhớ đến sự nhầm lẫn hồi trước nên hỏi nhỏ Nguyễn:
- Ông ấy ăn mặn hay ăn nhạt nhỉ?
Nguyễn nhìn thìa muối ở tay Trang hốt hoảng:
- Chết chưa, ông này là ông Tạ chứ có phải ông Tăng đâu! ông Tăng mới là người “từ ngày sang Tàu chưa được ăn bữa nào đủ mặn chứ!”. Cô cứ nhầm người này với người kia thì nguy to!
Suốt bữa cơm, ông Tạ chỉ nói chuyện thơ, làm thơ, thi thơ, ngâm thơ. Nhắc đến Nam Kinh ông ngậm ngùi:
Cái kỷ niệm sâu xa nhất của tôi ở Nam Kinh là một hôm anh em mời đi uống rượu thưởng tuyết. Lúc ra về đêm đã khuya, tuyết vẫn còn rơi phơi phới, và trên mặt đất tuyết cũng dày đến hơn tấc. Tôi đang đi bỗng thấy trước mặt một giai nhân, giầy cao gót ghi lại trên tuyết những vết xinh xinh, tôi liền đi theo, vừa đi vừa ngâm nga :
"Người xưa đạp tuyết tầm Mai.
Ta nay đạp tuyết tầm ai đêm trường..."
Cho đến lúc đuổi kịp được giai nhân, mặt nhìn tận mặt thì mới rõ “giai nhân” đã ngoại lục tuần rồi! Quái, không hiểu tại sao “nàng” có cái bộ đằng sau đẹp thế! Sau đêm hôm ấy vì rượu, vì lạnh, tôi bị ốm một trận suýt chết, chỉ lãi được một bài thơ!
Buổi chiều ông mời cả bọn đi chơi Xá Hồ ăn phở.
Ði bộ suốt một tiếng đồng hồ mới đến cái vùng có món bánh phở nổi tiếng ấy. Bọn Trang dạo qua lại mãi hai dãy phố, sau cùng bước vào một tiệm ăn cũng khá to. Vừa bước lên lầu, Trang thấy giữa đám bàn ghế trống trải, bốn cô hầu bàn đang ngồi ngủ gật. Các cô thấy khách vào vùng dậy tỉnh táo hẳn lên. Cả bốn cô rối rít nào kéo ghế, nào đưa khăn tay, đưa thực đơn.
Lâm mỉm cười bảo nhỏ Trang:
- Tiệm vắng thế này chốc nữa nó “giã” cho nặng lắm đấy nhé! Cái mặt bốn cô bé này tôi còn nhớ rõ lắm.
Ông Tạ nhìn vào thực đơn gọi năm sáu món, nhưng món nào cũng không có cả. Ông đành phải đứng dậy chạy xuống bếp xem có món gì không để gọi.
Văn chỉ vào Nguyễn nói:
- Cô đừng thấy anh Nguyễn gầy thế mà coi thường, anh ấy quán quân môn chạy nhanh đấy nhé!
Nguyễn ngồi cạnh đỏ mặt nói:
Nhưng hôm nay “khổ chủ” là ông Tạ thì tôi không phải trổ tài nữa.
- Câu chuyện ra sao?
- Hôm ấy nhằm ngày Tiết Thanh Minh, tất cả mọi người đều lên núi thăm mộ, tảo mộ. Còn chúng tôi thì làm gì có mộ ở đây mà thăm! Chúng tôi cũng đi là chỉ cốt để xem các cô khóc sụt sịt đấy thôi. Lúc xuống núi ai cũng ghé vào hàng quán ăn uống. Thường thường chúng tôi cũng từng ăn nên biết gia, ai ngờ hôm ấy Thanh Minh, chúng nó đông khách tăng lên gấp 3 mà không nói trước. Lúc ăn xong nhìn đến cái giấy tính tiền thì...chao ôi !... Thế là anh Nguyễn phải chạy như bay về trường để... đem thêm quân cứu viện. Còn chúng tôi thì ngồi làm “va ly” ở đây.
Văn tức tối :
- Mà mấy con bé có vẻ hiểu hay sao ấy, nó cứ sán cái mặt phấn gớm ghiếc của nó vào tận mặt mình hỏi:
- “Còn ăn gì nữa không? Còn ăn gì nữa không?” mới dễ ghét chứ!
Ông Tạ đã gọi lên hai đĩa phở xào, hai chai Mai quế lộ, và hai đĩa cá mực khô xào. Ông hỏi:
- Tất cả nhà bếp của chúng nó chỉ còn có cá mực khô, thôi chúng ta “nhắm” tạm để nói chuyện thời sự vậy.
Ông nếm thử một tí rượu, nhăn mặt bảo Trang:
- Tệ thế thì thôi! Cô Trang, cô có thể uống một chai, không say đâu! Rượu giả!
Lâm gắp một miếng cá mực nhai bỗng hét lên:
- Trời, đế giầy phải không?
Sau khi nghiên cứu xong, ông Tạ chậm rãi nói:
- Không phải cá mực, chỉ là con bạch tuột đấy mà!
Vũ cũng gật gù:
- Ðúng là cao su xào!
Ông Tạ hầm hầm kêu tính tiền, và mặt ông tái hẳn đi khi thấy mảnh giấy viết rõ ràng 40 đồng, tuy tất cả chỉ đáng độ 15 đồng thôi. Ôâng phát cáu:
- Thì ra chúng nó bắt mình chịu cái thiệt hại cả tuần lễ vắng khách.
Một hôm, Tiến, đã bỏ học vào quân đội , bỗng nhiên từ Ðài Loan trở về.
Không bíêt Tiến nghỉ phép hay co ùnhiệm vu ïgì, nhưng anh em cũng họp trên gác thượng ngắm trăng, để nghe Tiến ba hoa kể chuyện dế mèn phiêu lưu :
- Gớm! gió ở Ðài Loan khiếp quá! Hai bên đường phải trồng toàn cột sắt để khi gió to người ta ôm dần từng cây cột mà đi, hay níu chặt lấy đợi bớt gió. Có lần một tiều phu đốn củi bị gió thổi bay bổng lên, may lão ta vớ được một cây đại thọ, và cứ ôm chặt lấy. Mãi ba ngày đêm mới xuống được, thành ra thằng con trai bẩy tuổi của lão ta ngày ngày phải mang cơm lên núi cho bố ăn.
Trang cười hỏi:
- Thế sao thằng con trai bẩy tuổi không bị gió thổi bay?
Cả bọn bật cười ồ cả lên làm Tiến đâm thẹn và bối rối:
- Ừ nhỉ,... nhưng mà.. Chuyện để thử trí thông minh của quí vị đó.
Trang nhớ lại hôm cùng đi một chuyến bay với Tiến lên Nam Kinh, hôm ấy trời xấu phải chờ hơn mấy tiếng đồng hồ để đợi tin tức khí hậu ở Nam Kinh gởi về. Tiến đứng nói chuyện bô bô với các anh em đi đưa, cái con người tuổi nhỏ hiếu thắng ấy lúc nào cũng muốn biểu diễn.
Trang đứng cạnh chậm rãi bảo:
- Anh Tiến thực là một “thiên tài”, tiếc rằng chưa gặp phải chỗ dùng!
Mắt Tiến sáng hẳn lên:
- Ồ, cô cũng biết đấy à! Tôi làm gì mới thích hợp cô nhỉ?
- Bán dầu trên xe lửa!
Bị mọi người cười, Tiến đâm ra ác cảm với Trang từ đấy. Thế rồi tiếp đến những ngày sống chung ở Nam Kinh, Tiến và Trang vẫn hay cãi nhau về những chuyện nhỏ nhặt. Tiến tự coi mình như một người đàn ông, nghĩa là không cần phải trông nom bếp núc, quét nhà, Trang thì tự coi mình cũng là một học sinh như các bạn, nghĩa là bắt buộc phải ở chung để học. Mọi người phải chia đều công việc ra làm chứ không thể bắt Trang làm hết “việc nhà” một mình. Trang chia phần:
- Tôi nấu ăn, rửa bát, các anh phải quét nhà, nấu cơm.
Tiến hằn học:
- Sao cô khôn thế? Cái ăn thì... chỉ phải... hừ, hừ, cô làm như cỗ bàn gì ấy! Mỗi ngày mấy chục đĩa?
- Thế thôi, tôi nấu cơm, quét nhà, các anh nấu ăn, rửa bát.
Tiến càu nhàu:
- Thế cô lại còn muốn khôn nữa! Làm cái ăn thì phải xếp sách lại dọn bàn, rửa bát thì phải dẹp bàn bày sách ra, lại còn phải ra ao, tôi chả dại!
Lại còn đến lúc trở rét, Tiến phải ra chợ mua rau, anh hậm hực:
- Ngày xưa, lúc ở Hà Nội, me tôi bảo đi chợ mua hành, tôi vặt cả lá vứt đi, bỏ củ vào túi kẻo ngượng, mà sự thực me tôi chỉ cốt dùng lá chứ không dùng củ. Bây giờ thì tôi đã hóa ra một anh bếp thực thụ rồi”! Mẹ ơi !!!
Vũ can thiệp:
- Nhưng anh thử nhìn xem, nếu để cô Trang ra chợ chắc cô ấy sẽ chết cóng mất! Cô ấy có... quần áo rét đâu!
Câu hỏi của Tiến bỗng gọi Trang trở lại với thực tế.
- Cô Trang, cô đã giải thoát được cái bọn nồi soong chắc thích lắm nhỉ?
- Thích chứ, cố nhiên.
Sau một thời gian xa cách, Tiến hình như đã hết ác cảm đối với Trang.
Anh Lang, người tự xưng có một cái quá khứ rất hư hỏng trước khi ra hải ngoại bỗng nhiên nói:
- Giá bây giờ được nghe một bài “Sa Mạc” hay “Mong anh khóa” gì thì thích quá nhỉ! Nói chuyện với các anh chán lắm! Toàn là một bọn trẻ con chưa từng biết cái cảm giác “dư một cánh tay” là gì, buồn chết!
Lâm bảo:
Nhưng ở đây có một “phái yếu”, tốt hơn hết là có biết cũng không nên nói
Vũ cãi:
- Ðừng nói thế, cô Trang cô ấy giận cho đấy, chúng tôi đã coi cô như một nguơì bạn trai từ lâu. Tất cả cứ tự nhiên.
Trang lại nhớ đến những ngày đầu tiên ở Nam Kinh và những cử chỉ bắt nạt của Vũ. Một hôm cơm dọn xong, Trang gọi các bạn:
- Nào, mời các anh lại xơi cơm!
Vũ đang ngồi xem sách quay lại nhìn cau mặt:
- “Xơi” cơm thì phải xới ra bát, chứ để cả nồi thế mà cũng gọi à!
Vũ nói bằng một giọng cáu thật sự chứ không phải nói đùa làm Trang ngạc nhiên mở to mắt ra nhìn.
Vũ ngồi vào bàn tự xới cơm ăn có vẻ rất khó chịu. Trang vẫn cứ đăm đăm nhìn mãi, nàng nghĩ thầm: “Ơ hay cái con nguời tự xưng mình là một nhà cách mệnh, cái con người muốn làm lãnh tụ, cái con người đã tự bảo rằng đã hy sinh tất cả tiền tài, gia đình, hạnh phúc ở quê hương để sống những ngày lênh đênh hải ngoại, cái con người muốn dìu dắt một đám học sinh để đào tạo nhân tài cho đất nước, cho ngày mai, cái con người ấy cũng có thể đài các... rởm được đến thế hay sao! Tại sao lại bắt Trang phải xới cơm ra bát? Trang có phải là vợ, con hay người ở đâu mà phải hầu hạ chu đáo đến thế?”
Một lần nhà chỉ còn có một miếng bí ngô, Trang xắt ra nấu canh và chỉ nêm có một chút muối.
Vũ nhăn mặt bảo:
- “Bí ngô nấu tỏi, bí đao nấu hành” chứ nấu cho ai ăn mà chả có mùi vị gì cả, nhạt nhẽo, lỏng bỏng!
Hôm ấy Trang tức giận đến ứa nước mắt, mỉa mai:
- Phải, nhưng đào đâu ra hành, tỏi, thịt, cá và các thứ mỹ vị khác bây giờ. Với lại mục đích của tôi ở đây có phải là để làm bếp thật ngon cho các anh “xơi” đâu.
Từ đấy Vũ đổi hẳn thái độ đối với Trang không còn có vẻ bắt nạt nữa. Mà cũng không như những ngày đầu thỉnh thoảng lại nói:
- Ðàn bà sinh ra là để làm nô lệ cho đàn ông
Trang mỉa mai nghĩ thầm:
“Hừ, Lai tỉnh, lai tỉnh, bớ hồn ! Ðừng có ở trên mây mãi có ngày chết đuối lỗ chân trâu. Thế mà cũng đòi làm cách mệnh”
Nhưng sau này tất cả những ý tưởng ấy đều biến đi đâu mất tiêu , Vũ thấy Trang ngót một năm trời vẫn không hề hớp hồn ai hay bị ai hớp hồn. Ðã qua những thử thách ấy rồi, tất cả đều coi Trang như một người bạn trai thực.
Trang bỗng giật mình vì Tiến lại hỏi:
- Cô Trang, ăn cơm ở trong trường ngon hơn cơm ngày nào ở Nam Kinh, Thượng Hải đấy nhỉ.
Trang cười:
- Cố nhiên, ít nhất là khỏe hơn vì khỏi phải nấu, và chỉ phải rửa có một bát riêng của mình mà thôi.
Lưu gật gù:
- Cũng nên coi cô Trang như một người bạn trai , vì cô ấy sợ nhà bếp và soong chảo ghê lắm.
- Giải thoát được ngày nào hay ngày ấy.
Những sự nhẫn nhục ở Nam Kinh nhắc Trang lại nhớ đến những sự nhẫn nhục hồi còn “kháng chiến” trong rừng. Trang ở đậu nhà một người trong xóm, một hôm con bà chủ nhà ốm, bà nhờ Trang giữ giúp coi chừng nó cho bà ra đồng, và nhân thể rảnh tay may mấy bộ áo Bà ba. Trang không biết may áo Bà ba đúng kiểu, nhưng chủ nhà năn nỉ xin cứ may , đẹp xấu không cần, hư không bắt đền, miễn sao con có áo mặc. Trang cũng liều đặt cái áo cũ rách nát lên vải mới, chừa thêm đường may cứ thế mà cắt rồi may cũng thành áo.
Ðến hôm sau Trang ra trụ sở bị Minh, một cậu bé con chỉ đáng tuổi em út Trang, nhưng lại là nhân viên cao cấp trong cơ quan ấy, mắng như tát nước vào mặt:
- Sao cô nghỉ ở nhà mà không xin phép hở? Trông con cho chị Ðức! May áo cho con chị Ðức! Hừ, con chị Ðức là nhân dân hay sao mà cô phải phục vụ nó tận tụy thế ?
Trang không trả lời, chỉ yên lặng nhìn Minh và nhìn mọi nguời. Mắt Trang mở rất to để nhìn, không buồn, không giận, cũng không biểu lộ một tình cảm gì, chỉ nhìn đăm đăm không chớp. Có lẽ lúc ấy, Minh cho Trang là một con quái vật, trong khi Trang cũng cho Minh là một con quái vật!
Thực ra sự nhẫn nhục Trang đã tập được từ lúc còn ở trong gia đình, tập được trong sự phải chịu thiệt thòi về đủ mọi phương diện, nên Trang thấy không khó khăn gì cả. Chỉ có cái cảm tưởng hình như tất cả máu đều sôi trào lên trong tim. Nhưng nén xuống, thở nhẹ nhàng vài hơi chỉ một chốc là bình tĩnh như thường.
Trên gác thượng, trong ánh trăng, mọi người vẫn vui vẻ cười đùa nhưng Trang thấy lúc này ai cũng xa lạ, hình như Trang không quen ai hay chưa từng quen bao giờ cả.
Trong nhật ký Trang, mỗi một đoạn đời khác nhau, dù êm đềm đến thế nào cũng để lại một vài dấu vết thắc mắc.
Trang muốn quên tất cả, làm lại tất cả. Và Trang cũng thấy cần nhuộm tâm hồn mình, cuộc sống mình cho thích hợp với hoàn cảnh. Trang tự bảo thầm : “Mình sẽ không bao giờ nghĩ đến, nhớ đến nữa! Phải quên, quên tất cả những cái gì không đáng nhớ!”