watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Đêm Mưa-Chương 2 - tác giả Linh Bảo Linh Bảo

Linh Bảo

Chương 2

Tác giả: Linh Bảo

Lúc Trang cảm thấy một sinh mệnh tí hon sắp đến , thì hình như không khí trong tiểu gia đình của nàng có một đám mây đen bao phủ. Bình đổi tính đâm ra cáu kỉnh bất cứ vì một chuyện gì nhỏ mọn không đâu. Hình như tất cả những cái khó chịu, gắt gỏng, nói tóm lại là tính ốm nghén khó chiều của đàn bà đều tập trung cả nơi anh, làm Trang tưởng người đang « ốm nghén » chính là anh chứ không phải Trang. Tính Bình bỗng thay đổi bất thường , có khi sáng chiều không giống nhau, Lắm khi đang tử tế bỗng dưng Bình gắt gỏng hất hủi Trang một cách vô cớ. Dần dần Trang thấy tinh thần nàng hơi suy nhuợc và sức khỏe kém sút đi nhiều. Khi Bình âu yếm dịu dàng nàng cũng nghi ngờ ngày mai, tối nay hay có khi chỉ vài phút sau không biết Bình có còn tử tế như thế hay không?
Trang không được hưởng những sự săn sóc âu yếm của chồng khi nàng mang thai như tất cả những người đàn bà khác. Bình cũng biết thế nhưng anh không thể kiềm chế được mình khi nổi cơn gắt gỏng. Bình chưa muốn làm cha, anh chưa muốn gánh trách nhiệm nặng nề mà có lẽ anh biết mình chưa đủ tư cách. Nhưng dù muốn hay không cũng đã thành sự thực, khi bụng Trang càng ngày càng lớn thì anh thở dài chịu thua.
« Bắt không được, tha làm phúc », Bình đành phải gánh lấy cái bổn phận mà anh không thích tí nào ấy . Bình vốn chỉ định lấy vợ để có thêm một phần lương phụ cấp vợ, một phần lương vợ đi làm, giá được mãi mãi như thế thì còn gì thú bằng. Cuộc sống thực phong lưu sung túc, và tự do biết bao! Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện sinh ra một đám trẻ con để chúng nó mếu máo, nheo nhóc, khóc la suốt ngày đêm, và nhất định sẽ tranh mất ngày giờ của mẹ nó vốn là của anh tất cả. Nhưng bây giờ anh đành phải nhận, vì không lẽ lại đi kiện ông Trời ?
Bình nghĩ thầm:
· Thôi « Trời cho » thì đành vậy! Với lại hai đứa con đầu tiên sẽ có thêm lương, còn những đứa sau không có lương con thì sẽ thôi không đẻ nữa.
Tìm được « lối thoát » Bình thấy như trút được gánh nặng. Anh bớt gắt gỏng và vui vẻ tìm lại mọi thú giải trí như cũ. Ðến lúc ấy anh mới nhận thấy Trang gầy và xanh. Anh vội vã làm bổn phận người chồng đi mua về một lố nào là dầu cá, sinh tố B, calcium v. v. . . những thứ thuốc bổ mẹ bổ con chất đầy ngăn kéo. Nhưng Trang chưa kịp hưởng sự săn sóc của chồng kể từ ngày nàng bắt đầu mang thai, chưa kịp tẩm bổ một chút thuốc gì của chồng mua về thì đã thấy đau lưng.


*
Một buổi tối Trang và Bình đi xem chớp bóng về. Trang bỗng thấy trong người nôn nao khó chịu. Nàng chỉ muốn được gục đầu vào lòng Bình nũng nịu, để cho tiêu tan những cảm giác u uất kỳ quái trong lòng, những cảm giác lạ lùng không biết từ đâu đến. Nàng cảm thấy cần một sự an ủi âu yếm, nhưng trái lại mặt Bình vẫn lạnh như băng:
· Này, lấy ở chỗ nào nhớ để lại chỗ ấy!
Ðang bực tức, Trang càng thấy bực tức thêm:
· Vâng, vâng, em biết rồi! Chỉ độc có một câu ấy, nói đi nói lại mãi hàng trăm lần không biết chán!
Bình khoanh tay đứng nhìn Trang, nhìn cái áo nàng mới cởi còn để ở giường, lại nhìn đến đôi giầy se sẻ lắc đầu.
Trang bắt chước giọng Bình:
· Còn đôi giầy nữa. Lấy chỗ nào lại để vào chỗ ấy!
· Anh có nói gì đâu! Anh chỉ yêu cầu em một điều là . . .
Bình hơi mỉm cười:
· Nói ra thì em lại bảo nhàm tai. Em lấy cái gì ở chỗ nào lại cất nguyên vào chỗ ấy thế thôi!
· Ðằng nào em cũng phải cất, nhưng hãy để thong thả cho em thở một tí đã chứ! Ði về mới cởi ra thì cũng cho nó hả hơi một chút, không cất vào tủ thì cất vào đâu! Nhà thì chỉ bé bằng cái . . .lỗ mũi!
· Vì thế nên anh mới thích xếp cho nó thứ tự.
· Em đã bảo đằng nào cũng phải xếp, nếu không thì để chân vào đâu? Nhưng em thích tung ra đấy xong rồi thong thả xếp dọn lại. Em thấy thú vị như thế.
· Nhưng như thế thì mất nhiều thì giờ lắm. Nếu em cởi áo ra xong treo ngay lên mắc áo. Thay giầy xong cho ngay vào hộp, ví lại cất vào tủ có phải gọn gàng không? Và lại kinh tế nữa! Tiết kiệm thì giờ cũng là kinh tế đấy.
· Nhưng mà em thích . . .
· Nhưng cái phòng bé nhỏ này không tiện cho em có những ý thích như thế!
· Có hại gì cho ai không? Vậy sao anh không thuê một căn phòng to hơn?
· À thì ra em bảo anh nghèo! Sao em không sớm nghĩ ra? Sao em không lấy một ông trọc phú, ba cầm, bụng phệ, có phải là em có bao nhiêu ý thích ngông cuồng đến thế nào cũng được chiều tất cả không? Thỉnh thoảng buồn buồn lại kéo đầu chồng ra . . nhổ tóc bạc. Thú lạ!
Bình nói xong lên giường nằm quay mặt vào tường vờ ngủ.
Trang cảm thấy vừa tủi vừa buồn. Nàng xếp dọn xong muốn tìm một chỗ ngồi yên một mình nhưng không có. Giới hạn của nàng chỉ ở trong gian phòng bé nhỏ này thôi. Ra khỏi phòng là đến phòng bà Ba chủ nhà, bà ở một mình nên chia bớt một phòng để nhẹ bớt tiền thuê. Trong khi chờ đợi căn nhà ở khu chung cư, Bình thuê ở tạm và đã bị bắt chẹt bằng một cái giá rất lạ lùng là phòng của Trang và Bình bé bằng một nửa phòng bà nhưng phải trả hai phần ba tiền nhà, Bà tuy ở rộng hơn nhưng tính đầu người thì chỉ có một người nên chỉ chịu một phần phí tổn.
Nếu bà Ba thấy Trang ra ngoài giờ này với bộ mặt rầu rầu muốn dấu cũng không thể nào dấu nổi, bà sẽ đoán biết hai người vừa cãi nhau xong. Thế nào bà cũng vênh mặt lên nói :
· Ðấy, tôi đã bảo mà! Cứ ở một mình như tôi có phải thanh nhàn biết bao nhiêu không! Thực là tự do sung sướng, không bị ai quản thúc, bẻ hành bẻ tỏi gì cả.
Nhưng sự thực bà có sung sướng không Trang nghi ngờ lắm. Năm nay bà năm mươi tuổi và to béo một cách kinh khủng. Béo đến nỗi bà không dám ăn một món gì ngon hay có chất bổ sợ dư huyết chết lúc nào không biết. Bà nhận mẹ Bình làm mẹ nuôi để có gia đình đi lại thăm viếng cho vui, vì ngoài gia đình Bình ra, bà không còn một ai bà con thân thích nữa.
Hồi xưa, lúc cha mẹ còn sống có nuôi một vú em săn sóc bà, bà vú ấy cũng độc thân, và cho đến bây giờ vẫn còn săn sóc bà, thương bà như con; hơn nữa bà vú đi làm bếp, mỗi tháng còn chia cho bà một nửa lương để chi tiêu. Ngoài ra bà còn nhận làm mẹ đỡ đầu cho mấy cô con gái của những bà bạn giầu. Mỗi tuần mấy cô con thay phiên nhau đến thăm bà một lần, ăn một món gà hay thỏ chưng với các món thuốc bắc, lúc ra về thế nào cũng dúi cho bà ít tiền.
Nhờ thế bà sống rất phong lưu, suốt ngày công việc của bà chỉ trồng tưới và săn sóc vài luống rau cho thỏ ăn. Bầy thỏ và bầy gà bà nuôi lúc nào cũng sẵn sàng nằm chung với những gói thuốc bắc để tẩm bổ cho những cô con gái hờ..
Thỉnh thoảng bà theo các xe giảng đạo đi về vùng quê hội họp dân chúng khuyên người ta nên tin theo chúa Giê Su. Mấy chục năm trời sống vất vưởng như thế bà tin rằng đã hy sinh cho một mục đích cao cả, và tự cảm thấy mình là người sung sướng nhất đời.
Trang nhìn ra ngoài thấy bà đang quì bên cạnh giường cầu nguyện một cách thành kính . Trong lúc này Trang thấy có lẽ bà sung sướng thực. Bà thường nhắc nhở rằng trong đời bà chỉ yêu một mình Chúa, và chắc chắn rằng Chúa sẽ không để cho bà phải khổ như người trần gian với những thứ tình ích kỷ ở trần gian.
Trang thấy quẩn chân quá nhưng không thể nào làm khác được càng bực bội vô cùng. Giá trời không mưa nàng sẽ ra sân cỏ ngồi nhìn trời nhìn mây. Ngồi cho đến khi Bình phải ra dỗ dành nàng vào nhà, nhưng bây giờ trời mưa, ra sân ướt bị ốm thì khổ thân.
Không làm sao được, Trang phải lên giường mở đèn ra đọc sách. Một lúc lâu vẫn không thấy Bình phản đối như thường lệ Trang càng bứt rứt khó chịu hơn.
Trang tung chăn Bình đắp ra hỏi:
· Ngủ say rồi à?
· Ừ.
· Ngủ say mà còn trả lời được.
· Hôm nay làm gì có trăng đẹp!
· Trăng đẹp thì làm sao?
· Có trăng đẹp mới kiếm chuyện cãi nhau cho vui chứ sao!
· Nếu có trăng đẹp thì em đâu có gây anh làm gì!
Bình như tỉnh hẳn ra:
· Có trăng đẹp thì em lại ra sân cỏ ngồi cho đến khi lạnh cóng, vừa ho vừa hen, vừa sổ mũi phát sốt phát rét lên mới chịu vào phải không?
· Cũng chưa vào đâu!
· Phải, nếu anh không ra triệu em vào thì em sẽ ngồi lì cho đến sáng mai, em sẽ chết cóng ngoài sân, cảnh sát sẽ đến bắt anh, bảo là anh ngược đãi và mưu sát em phải không?
· Sợ không chết được mới phiền chứ!
· Ý em định bảo anh không chạy nổi tiền thuốc cho em chứ gì.
· Ðại khái cũng gần như thế!
Trang bỗng ôn tồn:
· Này, anh sắp được lên chức rồi!
· Anh mà lên chức thì có họa là . . . kiếp sau! Công việc anh làm rất giỏi chỉ phải cái không biết nịnh ai cả. Còn lắm cậu dốt như bò mà bợ giỏi thì bay vùn vụt! Ðời là thế!
· Em cam đoan từ giờ cho đến cuối tháng thế nào cũng được lên chức.
· Anh đã bảo là em cứ đợi đến kiếp sau may ra . . .
Trang tinh nghịch:
· Không, dù sao anh vẫn cứ lên chức như thường. Anh sẽ lên chức papa!
Bình cười:
· Ừ nhỉ, giá em bắt chước chị Nhâm mỗi năm một đứa thì cái phòng này sẽ lúc nhúc như một cái tổ chuột.
Trang không trả lời nàng chỉ lấy tay xoa bụng, rơm rớm nước mắt.
· Em đã sắp sẵn những thức cần dùng chưa?
· Thức gì cơ.
· Áo, tã, khăn gì gì ấy mà!
· Mẹ đem đến một bọc quần áo cũ, em đã xé ra giặt cẩn thận rồi. Khăn bông thì hãy dùng hai cái khăn tắm đỡ tạm thời. Áo ấm em đã bắt đầu đan một cái áo len xinh lắm anh à.
· Thế em đan đến đâu rồi?
· Một cánh tay.
Trang vẫn ngây thơ:
· Len của chị Châu cho. Len thừa ấy mà, nhiều mầu lắm nhưng khéo chắp thì cũng đẹp. Em sẽ đan dần mũ và bít tất.
Bình ngần ngại:
· Thế bao giờ . .
· Ðộ hai mươi hôm nữa. Bác sĩ tính phỏng chừng như thế, nhưng cũng có thể sớm hơn.
· Nếu sớm hơn thì em sẽ làm sao? Con chỉ có một cánh tay áo. . .
Bình nói xong cười sằng sặc:
· Trời ơi, vợ tôi có những chín tháng mười ngày để sắp đặt mà. . .rồi cả nhà thương sẽ nói với nhau . . .
Trang cũng cười:
· Anh đừng lo chị Vinh hứa cho em một tá áo lót mình.
· Thế em định sinh xong viết thư báo cho chị ấy biết. Chị ấy sẽ đi mua một tá áo lót mình gởi sang. Cho rằng chị ấy nhiệt tâm lắm thì thư đi thư về cũng hết hai tuần. Trong khi ấy thì con sẽ ở trần ra đợi phải không? Rét tháng hai, tuyệt em nhé!
Bình ngừng một lúc hỏi tiếp:
· Còn phần em đã sắp đặt xong chưa?
Trang hớn hở trả lời:
· Em đã mua một cái áo nịt bụng rồi anh ạ. Ở đằng trước có bốn miếng thép để cho bụng sát, thứ này tốt mà lại rẻ chỉ có . . .
Bình gạt đi:
· Thôi, em khỏi tính tiền. Ðàn bà có bao giờ làm toán chi tiêu đúng đâu! Chồng giầu thì nói thêm, chồng nghèo thì nói bớt cho chồng đỡ . . xót ruột. Anh muốn hỏi em những thứ bông, băng, thuốc tẩy độc, gừng, rượu gì gì ấy mà!
Trang ngẩn người ra:
· Em làm sao biết được những thứ ấy!
· Hỏi người ta chứ! Em hỏi chị Châu xem. Chị ấy ba con rồi khối kinh nghiệm. Em phải hỏi kỹ xem lúc gần sinh thì có những triệu chứng gì để còn liệu mà đi nhà thương.
· Em đã hỏi rồi. Chị ấy bảo lúc chuyển bụng đau dữ lắm, đau ghê gớm, đau không thể tưởng tượng được!
Bình thở dài, im lặng một lúc bảo:
· Em sinh thì phải nghỉ không đi làm được.Em ở nhà lo cho con. Ðể anh kiếm chỗ dạy thêm Anh Văn ban đêm em nhé!
Trang lắc đầu:
· Thôi anh ạ, đến đâu hay đấy. Mỗi tháng thêm được ít nhiều, không bù vào được tiền thuốc tẩm bổ cho anh đâu! Người anh thì đã . . Oméga như thế này! Giá anh đừng đi đánh mã chược, cá ngựa là em bằng lòng lắm rồi. Em không cần giàu lắm đâu!
Bình buồn rầu trả lời:
· Cá ngựa giống như cái hy vọng vượt ngục của người tử tù, hy vọng rất mong manh nhưng nếu không liều thì chỉ đợi chết.
· Em không nghĩ như thế. Anh ví có thể đúng với người tử tù, nhưng chúng ta có phải là tử tù đâu! Chúng ta chỉ hơi thiếu một ít thôi, nhưng nếu cần kiệm, tìm hiểu học hỏi thêm, trau dồi trí thức biết đâu mai kia, anh có cơ hội được thăng lên chức vụ cao hơn . Vả lại chúng ta còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn làm việc được thì cần gì phải đi tìm cái thú giải trí của những người giầu sang, hay là người tử tù ấy. Sở anh làm có luật lệ rõ ràng, tăng lương hàng năm, Lại còn lương vợ lương con, Cái nhà chúng ta xin chắc sắp hàng cũng gần đến lượt chúng ta rồi. Ai bảo đó là không khí tử tù ?
· Nhưng anh buồn lắm!
· Bộ anh tưởng em vui sao?
· Thôi đừng nhắc nữa em!
Ðó là tính đặc biệt của Bình. Bình biết là mình trái nhưng không muốn ai nói đến , và cũng không muốn sửa đổi. Anh vẫn cứ làm theo ý thích và không muốn ai nói động tới.
· Trời mưa đấy anh ạ. Em ướt cả vai.
Bình tung chăn ngồi dậy đóng cửa sổ gắt:
· Chỉ có việc với tay lên đầu đóng cánh cửa cũng lười. Bộ em mệt lắm sao?
· Hôm nay đi làm về em còn phải giặt bao nhiêu là áo quần, quần tây của anh nặng lắm, lần sau đưa tiệm em không giặt nữa đâu!
· Thế trong người em bây giờ ra sao?
· Nhức mỏi đau lưng, đau không thể tưởng tượng được!
Bình hoảng hốt:
· “Ðau không thể tưởng tượng được”? hay là . . .
Rồi anh lẩm bẩm một mình:
· À, không phải, đau lưng chứ không phải đau bụng. Ðể anh thoa dầu cho.
Bình lấy chai dầu bóp đổ vào tay, nhưng anh chỉ mới xoa xoa mấy cái mắt đã thấy nặng, anh nhắm mắt lại và dần dần buông tay ngủ thiếp đi.
Trang kéo chăn đắp cho Bình và tò mò ngắm kỹ nét mặt chồng trong lúc ngủ. Vẻ mặt Bình khác hẳn trong mỗi trạng thái, lúc Bình vui vẻ trông rất thực thà có vẻ tin cậy được, lúc giận dỗi thì lầm lì đến phát ghét, hỏi gì cũng không trả lời, đã thế lại ưa nằm vạ. Bây giờ Bình đang ngủ trông ngây thơ như một đứa trẻ con.
Nghĩ đến trẻ con Trang đâm ra lo sợ. Nay mai Trang sẽ là mẹ của một đứa trẻ con, và Trang lo sợ vì nàng chưa có một tí gì chuẩn bị đón nó cả.
Trang tự an ủi nghĩ thầm:
· Bắt đầu ngày mai phải cố gắng đan cái áo cho chóng xong và sửa soạn các thứ mới được.
Mải nghĩ miên man Trang quên rằng mình không đắp chăn, nàng vội kéo tấm chăn bông lên tận ngực và ho khẽ mấy tiếng. Mưa bên ngoài vẫn đổ xuống rào rào. Mái nhà gỗ bọc vải dầu bên ngoài làm cho tiếng mưa có vẻ êm êm, không giống như ở quê nhà, tiếng mưa đổ xuống mái ngói nghe thực ròn rã.
Tiếng mưa ở quê nhà bây giờ đã xa xôi lắm rồi! Trang không dám mơ đến ngày nào nàng mới lại được nghe tiếng mưa ở quê hương. Trang bắt buộc phải lo nghĩ đến hiện tại, hay nghĩ đến cái quá khứ rất gần nhiều hơn. Nàng thất vọng vì thấy tính nết Bình không giống như mình tưởng, hơn nữa Bình không tử tế với nàng như xưa, lúc chưa có đứa con trong bụng. Trang nhớ có một hôm Bình thực thà bảo nàng:
· Nếu anh lấy một cô gái quê thì cô ta sẽ coi anh như ông thần. Mỗi lời nói của anh là một mệnh lệnh phải nhắm mắt tuân theo. Còn em, anh rất tiếc em có nhiều tính “tiểu thư hạng nặng”. Trước khi cưới nghe em trình bày gia phả anh cứ tưởng em nói dóc để lòe anh cho vui, nếu anh biết là thực trong nhà thờ của dòng họ nhà em có câu liễn “Thập bát Quận Công, Tam Tể Tướng. Bách dư Tiến Sĩ nhị phong Hầu” chắc anh đã “kính nhi viễn chi”. Nghĩa là anh chạy xa 3 ngàn dặm không hề ngó lui. Ðã thế em lại từng nghe giảng ở trường Ðại Học, chẳng biết có ích lợi quái gì cho em không nhưng mà em khó bảo lắm!
Trang trả lại ngay:
· Anh hối hận phải không? Bây giờ cũng chưa muộn đâu! Khối gái quê ở ngoài máy nước đấy. Em sẽ nhường chỗ này . . . cho anh làm lại cuộc đời với một cô rất ngoan ngoãn giản dị, cô ta sẽ coi anh như thần!
· Ðấy, em lại dở tính ra rồi! Em phải biết sống cho thích hợp hoàn cảnh mới được!
Trang nói gần phát khóc:
· Thế này còn chưa thích hợp hoàn cảnh? Cả ngày làm quần quật còn bị anh mắng lên mắng xuống, chỉ một vài ý thích rất nhỏ nhặt cũng không bao giờ được chiều.
· Anh có thể chiều em tất cả nhưng anh chỉ xin em một điều . . .
Trang cướp lời:
· Lấy cái gì ở đâu thì lại để vào chỗ đó phải không?
· Em cũng biết thế, tại sao em không chiều anh lại bắt anh phải chiều em?
Trang không thể nào quên được cái lý luận kỳ khôi của Bình lúc nàng bảo anh thiếu hàm dưỡng.
· Như thế mới là người tốt em ạ! Khi anh giận thì anh phát cáu anh gắt gỏng, khi anh vui thì anh tử tế anh cười. Như thế có phải cuộc đời thực thà giản dị biết bao nhiêu không? Em muốn anh có cái hàm dưỡng như một ông cụ già bẩy mươi thì em phát chán mất! Hay em muốn anh dấu cảm xúc của mình như một người nham hiểm, trong lòng thì cáu giận phát điên mà bề ngoài vẫn làm bộ cười nói ngọt ngào!
· Anh không thích tại sao em lại muốn anh phải giả vờ. Tại sao một người giầu sang thì có quyền từ chối một bữa tiệc họ không thích dự mà chẳng ai nói gì, còn người nghèo một chút từ chối thì bị phê bình là kiêu ngạo vô lễ. Bạn của em anh không cấm em chơi, nhưng anh không thích họ thì em đừng bắt anh phải giao thiệp.
· Em biết tại sao anh không thích, tại vì địa vị họ cao hơn , nên anh có tính tự ti mặc cảm. Nhưng anh nên nhớ, chúng ta chưa hề xin ai một đồng xu lớn xu bé nào cả, việc gì anh phải xấu hổ?
Lúc đầu Trang rất buồn nhưng sau dần dần quen đi, nàng có cảm tưởng như mình vẫn độc thân, và Bình chỉ là một người bạn cùng thuê chung nhà, giúp đỡ lẫn nhau đôi chút mà thôi. Hai người có hai thế giới trong tâm hồn riêng biệt, công việc của ai nấy làm, bạn ai nấy chơi, chi tiêu trong gia đình mỗi người góp một nửa. Bình thấy rất dễ chịu vì được tự do như thế, anh không bao giờ phải đi với Trang đến nhà một ai. Ngay những ngày lễ Tết đồng hương có giấy mời hai người đến dự anh cũng để Trang đi một mình, vì đó là những người anh không quen tổ chức. Bình thích sống cô độc, ngoài vài người bạn chơi thân từ bé, anh không chịu quen thêm một người nào, hơn nữa cả đến mẹ, Bình cũng không thích về thăm. Có lúc Trang phải năn nỉ:
· Lâu lắm rồi, anh nên về qua nhà thăm mẹ, kẻo rồi mẹ bảo em là “hồ ly tinh” mê hoặc dấu con bà mất tăm mất tích.
Bình nhún vai:
· Bộ em tưởng anh dễ bị mê hoặc lắm hở. Anh không thích về chứ không phải tại ai cả. Cả một nhà đàn bà cả ngày cạp cạp như một cái chợ vịt. Anh là con út nên anh đã “lãnh đủ” những điều dạy bảo của tất cả mọi người mấy chục năm rồi. Anh sợ và chán đến nỗi không muốn thấy ai nữa!
· Thì ngày xưa lúc anh còn bé, người ta có thương mới nhắc nhở kẻo sợ anh sa ngã!
· Ai con nít con thơ gì mà lãnh lương tháng nào cũng phải báo cáo tiêu món gì, bao nhiêu với mấy bà chị nhất định không chịu đi lấy chồng ấy!
· Ðó là chứng cớ tỏ ra anh tiêu nhảm rất nhiều mới mất tín nhiệm của gia đình như thế. Ðã thế anh vẫn còn chưa sáng mắt ra! Người ta khuyên anh tiết kiệm đôi chút để dành lập gia đình, anh không nghe nên đến lúc lấy vợ ra ở riêng, cửa nhà gia thế chỉ có một cái giường vải và một chiếc chăn bông . . . cổ từ 80 đời vương!
· Ngày xưa anh ghét đàn bà lắm, anh cứ tưởng sẽ sống độc thân suốt đời? Lỗi tại mẹ cả. Me làm cô giáo dạy trường nữ học, đem anh theo vào lớp, cho anh mặc áo quần con gái. Rồi anh nghịch quá me bắt hai cô ngồi kèm anh hai bên, làm anh không còn dám cựa quậy gì được nữa. Ban đầu anh bực bội, nhưng bị gò ép mãi dần dần như con cá bị nuôi trong ly nước, phải thuần đi, anh nhiễm tính nhút nhát của con gái, cho đến khi con cá được thả ra ngoài hồ nó vẫn cứ bơi vòng tròn tưởng mình ở trong ly nước không dám bơi mạnh sợ kính đập vào mũi. Anh bực mình lắm, nhưng lâu quá thành tính nết của mình rồi sửa không được nữa!
· Thế anh nhất định không về thăm mẹ phải không? May mà mẹ anh chứ không phải em năn nỉ anh về thăm mẹ em!
· Ðã không phải là mẹ em thì việc gì em phải lo, em phải nói làm nhàm cả ngày như một bà chằng lắm điều thế kia!
Những tính nết trái ngược của Bình làm Trang bất mãn, nàng thích một con người hiên ngang và quân tử thì gặp ngay một anh chàng trái ngược làm Trang ngao ngán . Trang thầm trách mình đã không xét đoán kỹ càng trước khi “chim vào lồng”, nhưng sự thực khó biết rõ tâm tính thực của một người, khi họ cố dấu để giương bẫy giăng bắt một con cừu non rất ngây thơ trên đường đời!
Nhưng dù sao, sau những cuộc cãi nhau không phân phải trái, bao giờ Trang cũng làm lành trước, và đúng theo ý Bình, Trang không hề nhắc lại lỗi anh. Ðể cho đỡ ấm ức Trang đánh miếng đòn cuối cùng:
· Ðố anh biết tại sao em làm lành với anh trước?
· Tại em biết em trái chứ gì! Thế là người biết phục thiện, khá đấy!
Trang cười tinh nghịch:
· Không phải, em làm lành trước để cho anh thỏa mãn lòng tự ái đấy mà! Cho anh giữ lấy một chút “trượng phu” thể diện thì có làm sao! Ðối với em vô hại !
Bình lắc đầu ngao ngán:
· Nghệ thuật trêu tức của em thật tuyệt vời! Chắc có ngày anh sẽ uất lên mà chết mất! Anh cho em hay, phần nhiều đàn bà bị mất chồng là do những cái “thông minh vặt” như thế đấy!
Trang bĩu môi:
· Em không sợ mất! Cô nào quyến rũ anh, em xin “các” thêm tiền! Tính anh có trời chịu nổi!
· Thế em định “các” bao nhiêu? Ðưa trước cho anh một nửa để anh có tiền phí tổn “hoạt động” tìm người cho em “sang”.
Tuy Trang và Bình cũng có những ngày vui, nhưng ngay trong lúc vui Trang cũng không yên lòng, nàng luôn luôn lo sợ nó qua đi rất chóng rồi mất hẳn, hay là bất thình lình bị đánh tan. Bình có thể chỉ vì một con ruồi bay lảng vảng đến gần, hay trong bữa cơm chả trứng nêm nếm không vừa, cũng đủ làm anh phát cáu , gắt gỏng suốt buổi. Bất cứ một duyên cớ rất nhỏ mọn nào cũng có thể làm hỏng cả một ngày rất đẹp mà những đôi vợ chồng trẻ có thể sống những giờ phút êm đềm.
Lúc xưa, Trang tưởng rằng có thể sửa đổi được tánh Bình ít nhiều, nhưng bây giờ nàng mới nhận thấy mình bất lực. Khi người đàn ông chưa cưới vợ thì họ dấu những tính nết của họ rất khéo, và nếu lỡ có hở ra đôi chút thì họ thề thốt hứa hẹn, làm như có thể vì mình mà cao biến thành lùn, hay béo thành gầy được. Nhưng sau khi đã “sống chung không hòa bình” rồi cô nàng mới ngã ngửa ra, nhận thấy rằng không ai đổi tính ai được cả. Mỗi ngày Trang hỏi Bình trước khi anh đi làm:
· Hôm nay anh muốn ăn gì?
· Ăn gì cũng được, em cho gì anh ăn nấy.
“Gì cũng được” và “cho gì ăn nấy” nghe ngọt xớt, nhưng nếu các món ăn không phải là thịt nấu đổi bữa luôn luôn, nếu là món rau hay cá thì Bình sẽ cầm đũa ngồi nhìn hay dúng từng tí một, Bình sẽ ăn cơm nhạt hay là không ăn. Mỗi lần trông cái kiểu ăn “ốm nghén” của Bình là Trang thấy ngán lên đến cổ.
Mải nghĩ ngợi bỗng nhiên Trang thấy đau nhói ở bụng. Ðứa bé trở mình đạp nàng một cái nên thân. Trang xuýt xoa ôm bụng nghĩ thầm: “Con so về nhà mạ” . Giá nàng ở gần mẹ chắc không đến nỗi lo lắng thế này. Cái triệu chứng của sự sinh nở, nàng chỉ biết một câu theo lời Châu “đau không thể tưởng tượng được” mà thôi! Ngoài ra Trang không hiểu gì hơn. Bụng nàng lại đau dội lên mấy lần nữa, Trang nghiến chặt răng, nước mắt trào ra rơi xuống gối từng giọt từng giọt.
Trang lay Bình:
· Bình, Bình, em đau bụng quá!
Bình còn ngái ngủ, anh ừ hử mấy tiếng rồi nằm ngủ say lại như cũ. Mãi đến lúc Trang vừa rên vừa khóc đánh thức anh dậy, Bình mới tỉnh hẳn.
· Em . . em làm sao? Trời mưa đi nhà thương bây giờ sao được! Hay em cố chờ đến sáng mai . .
Ðang đau bụng nghe Bình nói, Trang cũng bật cười. Có ai nín được đẻ bao giờ! Hai vợ chồng trẻ không có một chút kinh nghiệm, hết nhìn nhau lại nhìn đồng hồ, hết xoa bụng lại lắng nghe tiếng mưa. Trang khóc gần thành tiếng, mồ hôi nàng toát ra ướt đầm cả lưng. Bà Ba chợt thức giấc nghe tiếng Trang rên rỉ bà quát lên:
- Trời ơi, còn không chịu đi kêu xe, Mau mau đi, ngu ơi là ngu !
Những Đêm Mưa
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12