Chương 3
Tác giả: Linh Bảo
Những người nằm gần giuờngTrang ân cần hỏi thăm:
-Con trai hay con gái?
-Ðược mấy ký?
-Gái.
Trang đáp rất sung sướng. Bây giờ nàng đã là mẹ trẻ con rồi. Hình như có cái gì trọng đại thiêng liêng mà nàng sắp phải gánh lấy trách nhiệm. Nhưng cái sung sướng được làm mẹ của Trang qua rất chóng, khi chợt nhớ đến cái áo len của con chỉ mới hoàn thành có . . .một cánh tay!
Ðúng giờ người ta đẩy đến một xe trẻ con chia cho các bà mẹ cho bú, nhưng Trang chưa được phép cho con bú ngay. Mãi đến sáng hôm sau nàng mới được gặp mặt con. Con bé bị gói kín trong một cái khăn lớn chỉ chừa mặt ra ngoài. Hai mắt nó nhắm nghiền rất đáng yêu.
Trang để con bé xuống giường, âu yếm ngắm tác phẩm của nàng đã tạo ra. Thực thế, cả người con bé, từ xương, thịt, tóc da, cho đến dòng máu chảy trong huyết quản cũng đều của nàng tạo ra cả. Trang ôm con hôn lên tóc nói khẽ:
- Tác phẩm đầu tiên của mẹ!
Con bé giật mình tỉnh dậy khóc thét lên. Trang cười:
- Giọng kim.
Cô khán hộ đứng cạnh nàng bật cười theo:
- Nó đói đấy! Cho bú nhanh lên, hạn chỉ có nửa giờ thôi. Còn giọng kim với giọng thổ mãi!
Hết giờ cho bú người ta lại đem tất cả trẻ con sang phòng khác để cho các bà mẹ được ngủ yên. Gian phòng trở nên tĩnh mịch. Thấy Trang xoa ngực tỏ vẻ đau đớn, một bà đứng tuổi nằm giường bên cạnh gợi chuyện:
- Anh ấy làm gì?
- Công chức, có cho vào thăm không?
- Có, ngay chiều nay, nhưng chỉ đàn ông được phép vào mà thôi.
Thấy Trang ngạc nhiên, bà tỏ vẻ rất thành thạo, cười tự giới thiệu:
- Nhà tôi là kỹ sư, họ Vương. Tôi là khách thường xuyên ở đây. Mỗi lần vào tôi thề với cô đỡ không bao giờ trở lại nữa, nhưng rồi tôi quên lời thề, cho đến bây giờ là lần thứ năm rồi.
Bà cười tiếp:
- Và tôi đã hứa đây là lần cuối cùng, nhưng . . . chưa chắc!
Trang tò mò hỏi:
- Tại sao họ cấm đàn bà vào thăm ?
- Có lịch sử kia đấy! Chỉ vì lúc xưa một bà mẹ chồng vào thăm con dâu, vừa nghe tin sinh con gái, bà ta mắng ngay cho một trận, bảo sao không đẻ con trai, lại sinh một đàn con gái. Nàng dâu tức uất lên chết giấc. Máu uất của đàn bà lúc sinh xong ghê gớm lắm nhé, chết dễ như chơi! Lại còn một bà khác cũng vào đây đánh ghen với bà nhỏ. Vì thế từ đấy người ta cấm đàn bà vào thăm. Việc nhà muốn xử thì đem về nhà mà xử. Nhà hộ sinh không bao xử lý thường vụ những vấn đề quỉ quái ấy. Tôi cũng đồng ý chỉ nên cho đàn ông vào thăm là phải lắm. Nhất định bình yên vô sự! Cô nghĩ có đúng không?
Trang không trả lời, bà tiếp:
- Thực ra dù các bà vào không sinh sự đi nữa cũng ầm ỹ lắm. Ðể yên tĩnh cho người ta nghỉ ngơi cần hơn!
Trang thấy mệt nên không muốn gợi chuyện thêm. Những bà như bà Vương này thuộc về hạng ăn xong chờ ngày vào nhà thương đẻ, hẳn là biết rất nhiều chuyện. Nếu nàng muốn nghe chỉ cần gợi một câu là bà có đủ hứng để kể nửa ngày.
Trang nằm yên vờ ngủ rồi ngủ thực lúc nào không biết. Lúc nàng thức giấc đã thấy Bình ngồi cạnh giường. Anh cúi xuống hỏi rất khẽ:
- Con trai hay con gái em?
Trang ngập ngừng:
- Con bé . . .
Trang buồn ra mặt làm Bình lo lắng hốt hoảng:
- Con bé làm sao em?
- Con bé . . con bé . . mũi tẹt!
Bình cười thở ra một hơi dài:
- Em làm anh lo quá, tưởng là nó làm sao!
Trang vẫn còn phụng phịu:
- Nhưng cả người anh chỉ có độc một cái mũi là coi được. Không phải tốt tướng, trái lại nữa kia, nhưng mà nho nhỏ xinh xinh, thế mà nó không giống anh, lại đi giống em. Con bé ngu quá!
- Lúc nào em cũng khôi hài được. Có phải lỗi tại nó đâu!
Bình nắm tay Trang nhìn sang các giường bên cạnh, giường nào cũng có một người đang nắm tay vợ thì thầm rất khẽ và rất âu yếm.
- Con đâu em?
- Ở phòng khác.
- Lúc anh vào đi ngang qua một cái phòng đầy cả giường trẻ con, chắc nó cũng ở trong bọn ấy. Anh thấy đứa nào cũng giống nhau cả. Ðứa nào cũng gói kín chỉ chừa cái mặt. Ngoài lại còn buộc chằng chịt như khúc giò, làm chúng nó không còn quờ quạng vào đâu được nữa. Giống nhau thế không biết có nhầm không em nhỉ.
- Không đâu! Lúc sinh xong người ta cột ngay tên vào tay nó.
- Nhưng nó đã làm gì có tên?
- Tên em và số giường.
Trang ngập ngừng:
- Anh ạ . .
Bình chú ý nghe và lo lắng không hiểu chuyện gì mà Trang không dám nói ra.
- Anh ạ, ngày mai em sẽ ra nhà thương. Những người sinh xong khỏe mạnh họ cho ra ngay . . .
- Ra thì ra chứ sao?
- Nhưng . . .nhưng . . áo của con . . .chưa có. Áo và tã nhà phải mang đến cho nó mặc ra, đồ nhà thương chỉ mặc tại đây thôi, xong phải trả lại ngay.
Bình cười:
- Tưởng gì, em làm anh lo. Em sợ áo con chỉ có ... một cánh tay thôi phải không? Anh đã mua sắm đủ cả rồi. Nhưng em về đừng bắt anh tính sổ nhé. Hai trăm đô la của em để ở nhà anh tiêu hết sạch. Áo lót, áo len, áo bông, khăn tã, nệm cao su, đủ cả. Con ông Hoàng cũng đến thế là cùng!
Trang kinh hãi:
- Hết cả hai trăm ? Bây giờ mới đầu tháng thế suốt tháng tiền chợ ? . . .
- Nói khẽ chứ em! Ðến đâu hay đó . . .
Trang vẫn còn bất bình:
- Em định đến chị Châu lấy một ít quần áo cũ của Tuyết cho nó mặc tạm. Tuyết ngoan lắm, mà nó chóng lớn quá nên quần áo mới cũng phải bỏ rất nhiều.
- Anh không muốn thế, người ta khinh, tưởng mình nghèo đến nỗi không sắm nổi cái tã cho con!
Bình cúi xuống giường lấy ra một xách đựng đồ ăn:
- Ðây là phần của em. Anh đưa tiền nhờ chị Ba làm hộ.
Trang dỡ ra thấy một con gà tơ nằm gọn gàng xinh xắn trong đĩa.
- Em hãy uống nước canh trước đã. Chị ấy chưng toàn với rượu nên hơi đắng nhưng bổ và em sẽ có rất nhiều sữa.
Hai mắt Trang rưng rưng mờ lệ. Nàng vốn định gây Bình vì anh đã tiêu hết cả tiền, và một khi sạch túi thì người chạy tiền sẽ là nàng chứ Bình không bao giờ biết đến nữa, nhưng tất cả những lời trách móc đều nghẹn tắc trong cổ.
- Người xứ em, nhất là nhà quê miền Trung, lúc sinh chỉ ăn cơm với thịt kho tiêu, có khi cả tháng, họ nói thế để cho chắc bụng, không sổ to và mềm.
- Huyễn hoặc. Các bà nuôi đẻ bày đặt ra thế để có cái gì ngon dành ăn hết, nguời đẻ cần phải tẩm bổ mới chóng lại sức chứ. Em dại lắm, người ta nói thế mà cũng tin. Ðáng lẽ dù chồng nghèo đến thế nào đi nữa cũng nhân cơ hội ấy mà ăn ngon một chút chứ! Em không lấy chồng xứ em là phải!
*
Bình đi làm về, thấy Trang đang ôm con nằm ngủ, anh bưng thau tã ướt để dưới chân giường nhẹ nhàng bước ra. Ðã mấy hôm nay ngày nào anh cũng phải giặt một thau tã ướt cho con như thế làm anh thấy rất khó chịu. Từ hôm Trang ở nhà thương ra là bắt đầu ốm ngay, nàng vừa sốt vừa rét vừa đau đầu đau bụng đủ thứ. Người ở mới mượn được nửa tháng thì bỗng nhiên không chịu làm nữa. Chỉ tại bà Ba ngày nào cũng xoi bói công việc của nó: nào là làm thế này không được, thế nọ không xong, thế kia hỏng . . nên nó đâm lỳ bỏ việc, bỏ Trang ốm liên miên.
Người làm không có, mướn người khác không được, Trang cố gắng dậy làm nàng ốm nặng thêm, con Mỹ đành phải uống sữa bột không được bú sữa mẹ nữa.
Bình rất cáu kỉnh, nhưng không tránh được nên dù không muốn Bình cũng phải giúp làm những việc mà anh cho là không đẹp tí nào. Anh vừa vò tã vừa ngẫm nghĩ đã gần tháng nay không đi xem chớp bóng nên thấy nhớ lạ lùng! Trong các thứ giải trí ngoài cá ngựa và mã chược ra anh thích chớp bóng, và cái thích này Trang không phản đối nên càng ngày càng thích thêm.
Trước kia Trang không bằng lòng cho anh đi đánh mã chược và cá ngựa, nhưng anh nhất định đi và càng đi càng quên về nên Trang đành phải chịu thua, nghĩa là nàng bỏ liều, coi như không biết đến, không nói gì đến nữa. Bình bảo thà không vợ chứ không thể thiếu những món ấy, Trang cũng bảo thà không chồng chứ không thích chồng cờ bạc.
Hai bên đều giữ chủ trương của mình không ai thay đổi điều kiện hay nhượng bộ tí nào; và mặc dầu không hề xô xát nhưng trong thâm tâm, Trang đã cảm thấy có một cái hố vô hình chia rẽ và đang bành trướng âm thầm. Bây giờ « chàng và nàng » đang đứng bên miệng hố âu yếm nắm tay nhau, vì danh dự, vì lễ nghĩa, vì bổn phận, vì con, vì đủ tất cả mọi thứ . . .nhưng nếu khi người ta hết muốn sống cho mọi người mà muốn sống cho mình, vì mình thì chưa biết ngày mai sẽ ra sao!
Bình thong thả rũ từng chiếc tã ra phơi vừa suy nghĩ không biết có nên đi xem chiếu bóng không. Bỏ Trang ở nhà một mình lỡ nàng lên cơn sốt nặng, hay lên một cơn hen tắt thở như hôm nọ thì nguy hiểm lắm, nhưng mà phim tối hôm nay rất hay, lại chỉ chiếu có một đêm thôi. Cái rạp nhỏ ấy chuyên chọn những phim cũ và hay, đem chớp lại để vớt những khách hàng xem hụt. Bình là một trong những người thích sống ngoài mái nhà của mình, mê chớp bóng, và đang bực mình vì vợ ốm con khóc, anh có tất cả những lý do giúp thêm can đảm để bước ra khỏi nhà mà không ân hận.
Trang vừa thức giấc, nàng chăm chú nhìn anh và gật đầu như muốn gọi. Bình đến cạnh hỏi:
- Sáng nay em có đi bác sĩ không?
- Có
- Ði taxi hay đi bus?
Trang im lặng không trả lời ngay. Nàng biết nếu nói đi bus thì thế nào Bình cũng không bằng lòng, nhưng Trang không thích nói dối. Trang ngập ngừng:
- Em đi . . . bus .
Bình cau mặt:;
- Anh đã dặn em bao nhiêu lần ốm thì phải đi taxi. Từ đây ra trạm xe xa thế em đi lỡ bị gió có phải còn thêm phiền nhiều hơn không?
- Em cũng biết thế nên cẩn thận mặc thêm áo để khỏi bị lạnh. Ði bus chỉ có hai hào, đi taxi em sợ không còn đủ tiền mua thuốc. Anh nên nhớ em ở đây không có bà con thân thích, mà anh cũng không có cảm tình liên lạc gì với ai ... Cả đến mẹ ngày thường anh đối đãi lãnh đạm nên biết em đau nặng cũng không đến thăm qua . . .
Bình không biết trả lời sao nữa. Trang nói đúng quá và hình như có ý trách anh, Bình không dám cãi, hay phân tích sự trách móc này. Trong đó dường như hình dung tất cả con người và tính cách của anh. Anh đã sống như thế nào, cư xử với người, với việc ra sao để được nghe vợ nói một câu lẫn trong nước mắt như thế! Bình biết rằng Trang hết sức nhẫn nhục chịu đựng, vì nói với Bình cũng không ích gì , và anh cũng thấy hơi tủi cho kẻ quanh năm tự xưng là “đại trượng phu” mà lúc vợ đẻ, vợ ốm cũng đành khoanh tay ngồi nhìn.
Bình vẫn thường tự hào cái tính mà anh cho là “khí khái” gia truyền của mình, và cho đến bây giờ anh vẫn thấy chẳng thà để Trang chết trên giường bệnh hay chết trong nhà thương miễn phí còn hơn là phải làm cái bộ mặt . . . khó tả, để gợi lòng trắc ẩn của bạn bè hòng mượn ít tiền. Anh cũng không có cái tài chưa cần mở miệng đã có kẻ hiểu ý mà giúp đỡ, mà anh cũng không có cảm tình với ai để hòng người ta có cảm tình lại . .
Bình không làm gì , cũng không thể nói được câu gì để giải thích với Trang về cái cảnh ngộ này nhưng anh vẫn rất khó chịu. Thói quen của Bình là bất cứ trường hợp nào dù rất cần, anh cũng vẫn thích giữ cái bộ mặt vênh vênh của người không cần, và cho đó là “khí khái gia truyền”.
Lắm khi để tự chế giễu mình, Bình kể cho Trang nghe chuyện anh chàng rất nhút nhát nhưng vẫn tự cho mình là anh hùng. Một hôm có cướp vào nhà, anh ta sợ quá chui vào gầm giường, lúc cướp đi rồi người nhà gọi ra anh vẫn còn ngồi run cầm cập, vừa run vừa thét: “ Ðại trượng phu đã bảo không ra là không ra mà !” Anh kể lại và cho là thú vị lắm.
Con Mỹ đến giờ bú thức giấc khóc thét lên. Thấy Trang gượng ngồi dậy định đi pha sữa, Bình bảo:
- Em cứ ngồi yên để anh pha, ba thìa phải không?
Bình làm rất miễn cưỡng, làm vì thấy cần phải làm, và không có cách gì khác để tránh công việc chứ không phải vì thích hay vui lòng giúp Trang. Ðã khó chịu, giọng khóc của con bé càng làm cho anh khó chịu hơn. Vợ ốm, con khóc, cái phòng bé nhỏ vì trời mưa nên giăng đầy cả tã ướt, lại thêm mùi sữa, mùi ẩm ướt, mùi dầu bóp, mùi trẻ con, tất cả hợp lại thành một mùi khó tả; nhất là khi người ta đang bực mình thì cái mùi ấy như khủng bố tinh thần kinh khủng hơn lúc nào hết. Có phim hay lại không được đi xem. Bình thấy hình như tất cả những rủi ro trên đời đều đổ dồn đến cho anh cùng một lúc!
Bình nhìn con bé khóc, tay anh đánh sữa thực mạnh như muốn trút bớt cơn giận. Bình thấy giữa anh và con bé không có một chút cảm tình liên lạc gì cả. Có nó làm Trang ốm, làm anh phải ngủ riêng ngoài giường vải thiếu chăn thiếu đệm trong lúc trời rét như thế này, có nó mỗi tháng phải tiêu thêm một món tiền không phải là ít. Con Mỹ càng khóc càng to, anh quát lên:
- Có im đi không, người ta đang pha đây này, còn đòi gì nữa!
Con bé nghe tiếng thét, ngừng khóc ngơ ngác nhìn rồi lại khóc to hơn. Bình không nén được cơn giận đến cạnh giường thẳng tay phát vào má nó một cái thực mạnh. Trang kinh hãi vội nắm tay anh để chận cái tát thứ hai. Bình quát:
- Ðấy, lại bênh! Con hư tại mẹ có sai đâu!
- Nó đang đói mà anh!
- Ðói thì cũng để cho sữa nguội đã chứ!
- Nhưng nó còn bé đã hiểu biết gì!
- Bé thì mới phải dạy dần!
Bình nói xong chính anh cũng tự nhận thấy mình vô lý. Con mới có hai mươi lăm ngày thôi nó làm sao hiểu được ý anh, nhưng tiếng khóc của nó sao mà to thế! Sao mà dễ ghét thế! Ðể nuôi cơn giận anh cau có nhìn Trang, thấy Trang mặt tái mét ôm con một cách thương xót, mắt nàng rơm rớm nước mắt, tâm trí anh hơi tán loạn. Bình giật vội áo khoác bước ra ngoài đóng cửa đánh sầm một tiếng, để tỏ ra vẻ ta đang giận dữ lắm đây!
Ra đến ngoài ngõ anh vẫn còn nghe tiếng con khóc, thấy đói bụng anh chợt nhớ ra là chưa ăn cơm, nhưng bà Ba chưa về chắc là cơm cũng chưa có. Bình định đã thế nhân dịp đi xem chớp bóng rồi về nhà ăn sau cũng được, cơm để phần bao giờ cũng nhiều thức ăn hơn. Còn Trang, anh quên không nghĩ đến nàng có đói hay không?
*
Trang đang nấu ăn ở bếp bỗng nghe tiếng con Mỹ khóc thét. Tưởng con ngã nàng vội chạy lên nhà thấy Bình đang đánh tát con bé túi bụi. Trang vội dằng con ra hỏi Bình:
- Sao anh lại đánh con?
- Nhà cửa gì mà bừa bộn thế này ai mà chịu được!
- Em vừa mới xếp dọn sạch sẽ rồi cơ mà!
- Thì nhìn đấy mà xem!
Trang nhìn quanh phòng, thì ra con Mỹ đã bò lăn từ trên giường xuống và vứt đồ chơi tung ra khắp phòng.
Trang se sẻ bảo:
- Em phải xuống bếp làm thế nào mà trông nó trên này được.
- Thế sao em không đeo nó lên lưng mà làm việc như những người khác?
Rồi anh dằn mạnh:
- Hừ, vợ quí của tôi đấy!
Trang thấy đau đớn và uất nghẹn lên tận cổ, nàng trả lời se sẻ :
Lúc trước anh cũng đã biết là em yếu, không thể làm những việc nặng nhọc .
Trang vuốt nhẹ lên đầu con thì thầm:
- Từ nay con sẽ không được nằm lên giường nữa nghe con. Ba muốn tấm chăn trên giường phải thực trắng và không được có một nếp nhăn rồi để đấy mà nhìn. Nếu có mệt mỏi thì hãy ngồi xuống đất cho khỏi hỏng giường. Nhà phải thực sạch sẽ, nền phải bóng loáng không có một hạt bụi nào, xong rồi ngồi ngoài cửa nhìn vào cho sướng mắt. Còn con, con gái me ngoan như thế này thì đem bỏ vào nhà mồ côi để khỏi chơi bẩn nhà khỏi khóc rát tai ba!
Trang nói xong, tự nhận thấy mình vô lý và hèn nhát nữa. Tại sao những lời nàng muốn nói với Bình không nói thẳng với anh mà lại kể lể với con y như một người khùng. Trong một phút Trang thấy mình đã hoàn toàn biến đổi tính nết. Trang mất hết tất cả tính vui vẻ, yêu đời, hoạt bát, lạc quan ngày xưa? Sống chung với Bình, ban đầu vì muốn làm vui lòng chồng , nàng đi từ chiều chuộng đến nhẫn nhục, và bây giờ đâm ra sợ hãi một cách hèn nhát.
Ngày xưa Trang làm gì có những tính nết như thế này!
Bình nằm sấp trên giường, hai tay bịt tai. Ðó là thói quen của anh mỗi khi Trang nói gì mà anh không muốn để lọt vào tai, vì anh biết dù Trang không bao giờ nói những câu thô tục hỗn láo, dù nàng nói rất nhã nhặn lịch sự, nhưng ẩn ý như những viên thuốc bọc đường, bên trong phải có những gì cay đắng lắm, người ta sợ con bệnh chịu không nổi mới phải bọc đường cho dễ nuốt. Những lời Trang nói dù rất ngọt ngào, dù bịt tai lại cũng đoán biết, cố nhiên không phải là những lời ca tụng anh.
Trang ôm con vào lòng âu yếm như muốn bù cái bất công tàn nhẫn của cha nó vừa rồi. Bình nhăn mặt tỏ vẻ rất khó chịu. Trang hỏi:
- Anh không thích em và con ở đây phải không?
- Miễn là nó đừng khóc!
- Anh là một người đàn ông không chịu trách nhiệm. Trẻ con làm sao cấm được nó đừng khóc. Thế anh lúc bé thế nào? Ðã không thích thì đừng sinh nó ra!
- Ai bảo anh thích? Anh có thích bao giờ đâu?
- Không thích có con sao lại lấy vợ?
- Bởi thế bây giờ anh mới thấy anh ngu!
- Anh ngu mà có lẽ em lại còn ngu hơn anh nữa! Ðã lấy chồng là một sự ngu, gặp người như anh tán mà cũng tin lấy anh lại càng ngu hơn nữa. Chính mẹ anh cũng nói em vụng tu nên mới gặp anh. Anh là người mà chính gia đình anh cũng ngán cái tính cay nghiệt, khó chịu, khó chiều. Nếu em biết trước như thế . .
- Nếu em hối hận thì bây giờ cũng chưa muộn!