Đàn ông
Tác giả: Lưu Quang Minh
(LĐCT) - Hai mốt tuổi, Lưu Quang Minh từng đoạt giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn của trang Web Hội ngộ văn chương, truyện "Già trước tuổi".
Minh già trước tuổi thật!
Truyện này viết thật sát ván. Giọng tưng tửng rặt Nam Bộ trong phiếm chỉ nhân vật. Cắt nghĩa tinh quái, đáo để, về hiện tượng xã hội đáng báo động: đàn ông trẻ hôm nay càng lúc càng lười... yêu! Nhân vật chính luôn dùng dằng lẩn tránh: Có gì mà phải vội lấy vợ? Thế rồi, nhân một đổ vỡ đầu đời, đã hết muốn yêu thêm lần nữa. Nhưng, một khi đàn ông chịu đi chợ vào cuối truyện, sự thể sẽ ra sao nhỉ?
Tác giả "nửa nạc nửa mỡ", không chường mặt phản đối, song, cũng không đừng được giễu cợt nhân vật, trong thấp thoáng cười mỉm rải rác khắp truyện. Cười cũng thật có duyên. Nhờ thế, lại thấy cái viết của Lưu Quang Minh trẻ bất ngờ. Mà trẻ thật, trẻ không vờ vĩnh!
Nguyễn Thị Minh Thái
Lưu Quang Minh
Sinh 18.5.1988
Hiện là sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM
Năm 40 tuổi, đàn ông vẫn chưa chịu lấy vợ cho mẹ vừa lòng. Mẹ sốt ruột lắm, giục suốt mà đàn ông mãi dửng dưng, chẳng chịu dẫn ai về nhà ra mắt mẹ một lần. Đàn ông làm kiến trúc sư, vẽ đẹp, đàn hay, bạn bè không ai tin đến tuổi này lại chẳng có người nâng khăn sửa túi. Đàn ông kiếm tiền rất giỏi, tậu được một căn hộ ở cao ốc gần 30 tầng. Dân kiến trúc nên đàn ông tự tay thiết kế nội thất, ai đến cũng phải xuýt xoa: nhà đẹp quá ông bạn ơi! Nhưng ngó khung cảnh vắng lặng buồn bã, lại thêm một câu: thôi nhanh nhanh lấy vợ đi ông tướng!
Lấy vợ! Đi đâu, gặp ai đàn ông cũng đều nghe mỗi hai từ ấy.
"Giờ sự nghiệp, tài chánh của chú tốt như thế, còn chờ gì nữa hả?". Chị của đàn ông khuyên. Đàn ông hờ hững, ngậm điếu thuốc lá, hít một hơi, lim dim. Thỉnh thoảng cuối tuần đàn ông lại ghé nhà bà chị chơi, ngồi luyên thuyên với ông anh rể. Ông anh rể dáng bệ vệ, giọng sang sảng động viên:
- Có vợ sướng như tiên ấy chú ạ. Thấy tôi không, cơm ăn, áo mặc có phải lo lắng cái chi đâu...
- Vừa nói vừa vỗ vai đàn ông bôm bốp, lại hơi liếc liếc bà chị. Bà chị đang dở tay làm bếp, nghe chồng khen khéo tủm tỉm cười.
Đàn ông lái sang chuyện khác:
- Chứng khoán dạo này chán quá anh nhỉ...
Ăn bữa cơm trưa với nhà chị xong, đàn ông xin phép. Ông anh rể cố giữ:
- Ở lại chơi với các cháu, tối về ai nấu cơm cho mà ăn?
Ông anh bà chị có cả nếp cả tẻ. Con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học, anh chị tính cho đi tu nghiệp nước ngoài luôn, tiếng Anh cứ gọi là vanh vách. Thằng con trai năm nay vào lớp 10, trường chuyên hẳn hoi. Hai đứa bám cậu lắm. Cô cháu gái còn gợi ý: "Bạn cháu nhiều đứa xinh lắm, cậu thích không cháu giới thiệu cho!".
Nếu cô cháu gái nói câu này cách đây mười năm trước, nghe còn chấp nhận được. Đàn ông ngượng:
- Về chẳng biết cậu gọi bằng em hay bằng cháu đây...
- Em hay cháu gì mà chẳng được. Chồng già vợ trẻ là tiên trên đời mà... - Kèm theo là một trận cười sang sảng của ông anh rể.
Chẳng biết ông anh chỉ giỡn hay có pha chút mỉa mai mà trên đường về đàn ông cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Ừ thì đúng rồi, tối về ai nấu cơm cho đàn ông ăn đây.
Vốn dĩ từ lâu, đàn ông đã chấp nhận những bữa ăn qua loa chiếu lệ. Khi hàng xóm đang quây quần bên mâm cơm đầm ấm của gia đình, có tiếng cười khanh khách của trẻ nhỏ, tiếng nhỏ to tâm sự giữa vợ và chồng, đàn ông ngồi trên ghế salông, mắt đăm đăm lên màn hình tivi. Xem tivi mà tưởng như đang phóng tầm mắt chu du vô định vào một khoảng bao la nào đó. Lâu lâu lại khẽ nhấm nháp ổ bánh mì kẹp thịt nguội ngắt.
Đàn ông rất ít khi mở đèn vào buổi tối. Trong nhà, chỉ ngập mỗi ánh sáng mập mờ loạng choạng của tivi. Khói thuốc tràn khắp phòng khách. Đàn ông nghiện thuốc lá nặng. Thông thường, phụ nữ ghét mùi khói thuốc. Chính cô người yêu đàn ông quen ngày còn là sinh viên đã ra tối hậu thư: "Một là thuốc lá, hai là em. Anh chọn đi!" Nàng cứ nghĩ đàn ông sẽ chọn nàng. Vậy mà không, đàn ông quyết giữ thuốc lá ở lại.
Có tiếng chuông điện thoại. À, bạn chí cốt. "Làm vài chén chứ mày, quán cũ nhé".
Đàn ông chơi thân với Tấn chừng cũng đã hơn hai chục năm. Dễ gì có được một tình bạn bền lâu như thế. Nhất là, khi đã bận đường vợ con, bạn bè cũng dễ chểnh mảng nhau đi. Vậy mà không, cuối tuần anh em vẫn nhậu nhẹt, cà phê cà pháo đều đặn.
"Mày là sướng nhất rồi, như tao đây, tự dưng đeo cái cùm vào người, có khổ không cơ chứ!".
Tấn cũng muộn đường vợ con y như đàn ông. Hình như tận xa xưa hai thằng đã có lời thề không bao giờ lấy vợ, có lẽ vì trông thấy nhiều người mất tự do quá, mình cần phải làm "cách mạng". Ấy thế mà đến năm ba mươi lăm tuổi, đột nhiên Tấn "phản bội", quay ngoắt đi lấy vợ, bỏ đàn ông chơi vơi lại một mình.
"Tao thì cũng muốn đi đến cùng lắm đấy, thế nhưng mà vì hoàn cảnh
" - Tấn gãi đầu gãi tai, làm bộ làm tịch, rồi phá lên cười hềnh hệch. Nói là nói thế, chứ từ ngày rước vợ về, Tấn như khác hẳn. Quần áo, đầu tóc gọn gàng tươm tất, chẳng còn nhận ra thằng Tấn luộm thuộm của ngày xưa nữa.
"Trăm phần trăm đi. Mà này, chú mày cũng kiên trì thật đấy...". "Lấy vợ đi!". Chưa dứt câu đàn ông đã nói thay. Hai thằng lại phá lên cười.
Đàn ông nhớ hồi vợ Tấn mới sinh. Trong điện thoại giọng nó lạc đi, đầy sự xúc động: "Con trai. Con trai. Con trai mày ơi! Trời ơi con trai!" Có thể tưởng tượng ra nó đang nhảy cẫng lên vì sung sướng. Đàn ông nhận được tin tức tốc đến thăm vợ con nó ngay. Đang đi, đàn ông sực nhớ ra, đâu thể nào tay không được. Thế là gửi xe, vào siêu thị.
Vào tới nơi trông y như một mê cung với đủ loại hàng hoá xếp nhau trên kệ tầng tầng lớp lớp. Khổ, công việc mua sắm vốn là của phụ nữ. Đàn ông ngơ ngơ ngác ngác, chẳng biết nên mua gì. Mua gì thì tốt cho cả mẹ và con nhỉ? Lục tung đầu óc một hồi, mới nhớ hồi bà chị sinh, đàn ông phải chở mẹ đi mua sữa, rồi ít trái cây cho chị bồi bổ. Phải rồi, sữa bột cho bà mẹ.
Lại đi khắp các dãy hàng, vẫn chẳng tìm được quầy sữa ở đâu. Cái siêu thị này rộng quá, gì cũng bán, đi đến là mỏi nhừ chân. Chả hiểu sao mấy bà phụ nữ có thể bỏ cả ngày trời vào trong này được nhỉ.
Mò mẫm mãi cuối cùng đành phải hỏi cô nhân viên đang đứng phụ trách quầy gần đó. Cô bé xinh xắn, chỉ dẫn tận tình, đàn ông ấp a ấp úng lọng cọng cảm ơn.
Cầm hộp sữa ra khỏi siêu thị, đàn ông tạt qua chợ mua trái cây. Chợ thì chẳng được mát mẻ như siêu thị. Đủ mùi thịt, tôm, cá, mắm, trái cây trộn lẫn nhau bên cạnh những đống rác chất lên bề bộn, nhớp nháp. Ngày nào mẹ và chị đàn ông vẫn đi, chẳng bao giờ biết chán, hay thật! Đàn ông chạy xe từ đầu chợ đến cuối chợ, quay xe lại từ cuối chợ đi đến đầu chợ, luống cuống đến là tội nghiệp. Mua trái cây nhưng là mua trái cây gì, mua một thứ hay mua tất tần tật mỗi thứ một ít. Một hồi lâu, đành bấm máy alô cho bà chị: "Chị ơi đi thăm vợ thằng bạn mới đẻ thì cần mua trái cây gì?".
Tấn biết chuyện lăn đùng ra mà ôm bụng cười. Đàn ông đỏ hết cả mặt, sau về chị hỏi mới ớ ra mình lại còn bị mua đắt nữa. Có mấy quả cam quả táo mà hết gần cả trăm nghìn. Khổ, lơ nga lơ ngơ, đàn ông đi chợ thì biết mặc cả là thế nào đâu.
Đấy là tình hình của năm năm về trước. Đàn ông bây giờ có không muốn vẫn phải đi chợ như thường. Không thể ngày nào cũng ăn bên ngoài, rồi mãi mì gói, bánh mì kẹp thịt được. Lần đầu tiên bắc nồi lên bếp, tưởng ngon ăn, đàn ông cứ để lửa đấy đi tắm cho mát. Đang tắm dở chừng thì nghe mùi khét nồng nặc bốc lên, mới tá hỏa tam tinh vội vội vàng vàng chạy ù ra ngoài. Kết cục vẫn là mì gói "chữa cháy". Rút kinh nghiệm về sau đàn ông chỉ dám nấu những món cực kỳ đơn giản, chẳng mơ mộng đòi làm "Yan Can Cook" nữa.
Chị biết đàn ông vốn sẵn vụng về, thương lắm, lâu lại qua nấu cho một bữa tươm tất. "Chị đã bảo chú lấy vợ đi mà cứ gàn. Mẹ trông mãi. Phải để mẹ thấy cháu chứ...". Đàn ông hễ cứ nghe nhắc đến là mau đánh trống lảng. Chị thở dài ngao ngán: "Chẳng vợ con thì cũng kiếm một cô bồ mà đỡ đần cho mình, nhà rộng thênh thang thế này".
Cũng có mấy lần hiếm hoi đàn ông miễn cưỡng nghe lời chị đi "xem mặt". Đều là bạn bè, em, cháu... của chị cả. Chị phải dụ mãi: xinh lắm, đẹp người đẹp nết, không nhanh người ta đi lấy chồng thì phí! Đàn ông đang bị stress vì công việc, thôi thì đi một lần đã mất gì, gọi là giải trí cho đầu óc thư giãn. Nhưng đến lúc ngồi đối diện "người đẹp" rồi, đàn ông đổ mồ hôi hột, tim đập, chân run, mặt đỏ au, nói mãi chả nên lời. Bà chị ở nhà chờ tin vui, nào ngờ ông em về lắc đầu: "Chẳng được gì cả chị ơi!".
Càng thêm tuổi, tiêu chuẩn của đàn ông mỗi lúc một nâng dần lên. Đẹp là đương nhiên rồi này. Nhưng đẹp phải đi đôi với sự thông minh, duyên dáng. Nói chuyện mà nhạt như nước ốc thì còn thú vị nỗi gì. Rồi thì phải đảm đang này, nấu ăn ngon, việc nội trợ trong nhà không bao giờ phải đến lượt đàn ông làm...
Bà chị chịu thua với ông em: "Lạy chú, chú già đến nơi rồi đấy."
Đàn ông môi phì phèo điếu thuốc.
Nhận được cuộc điện thoại bất ngờ hẹn gặp của người xưa, đàn ông hơi bàng hoàng. Bao nhiêu năm không gặp nhau rồi. Mọi ngày ăn mặc tuềnh toàng, hôm nay ráng chải chuốt một chút. Đàn ông nhớ những ngày còn bên nhau, nàng ngồi sau xe đạp cho đàn ông đèo đi chơi, cứ như là thơ là phim vậy. Giờ ra đường thấy mấy em xinh như mộng ngồi sau SH, Dylan, đàn ông phì cười. Ít ra đàn ông còn phúc hơn các thằng chở mấy em ấy.
Nàng vẫn đẹp, nhưng theo một kiểu khác. Nàng vừa cùng chồng về nước, thăm lại quê hương sau mười mấy năm bên xứ người. Anh chồng mắt xanh, mũi lõ, bập bẹ được vài câu tiếng Việt vợ dạy cho, lịch sự bắt tay đàn ông.
- Em nghe bảo anh vẫn chưa vợ con gì, còn nhớ em hay sao?
Đàn ông ngượng chín mặt:
- Thì cũng có nhớ, mà kiếm mãi chẳng tìm được ai phù hợp...
Chẳng biết anh chồng nàng nghe có hiểu gì không mà cũng cười cười, gật gật hóng chuyện. Đàn ông thấy không thoải mái, ngồi một lúc cáo bận đi về.
Mấy hôm sau nàng hẹn đàn ông đi uống càphê, chỉ có hai người. Đàn ông ngậm điếu thuốc lá, mắt phiêu du ra ngoài cửa sổ.
- Anh vẫn không bỏ được thuốc lá à? Buồn cười thật anh ạ, chồng em cũng nghiện thuốc lá nặng, có khi còn hơn cả anh nữa. Đúng là, ghét của nào trời cho của ấy...
Ghét của nào trời cho của ấy.... Đàn ông gắng kìm tiếng thở dài rất khẽ. Đàn ông ghét đi chợ, ghét nấu ăn, ghét phải ngồi xem tivi một mình trong đêm. Vậy mà vẫn phải làm tất cả. Làm một mình.
Hôm sau, đàn ông hẹn nàng và chồng qua nhà ăn bữa cơm, cho gọi là biết nhà. Thế là phải đi chợ, mua gì đó đơn giản...
* * *
Đàn ông đi chợ, một mình như mọi khi. Chợm nghĩ, giá mà ở nhà giờ này có một người đàn bà ngồi chờ cơm. 2.2009