watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn - tác giả Lưu Quang Minh Lưu Quang Minh

Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn

Tác giả: Lưu Quang Minh

Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đènXe hủ tíu gõ của đôi vợ chồng và đứa con trai đang dọn hàng lẹ làng với vài ba chiếc bàn gỗ, một chồng ghế nhựa. Phân nửa chúng nứt vỡ, sắp gãy lìa đến nơi. Tuy nhiên nếu chồng hai ba chiếc với nhau vẫn còn có thể “an tọa”, chưa sợ đang yên vị bỗng dưng “bịch” xuống đất. Khách đến ăn cũng chẳng hơi đâu để ý, cốt ta cần “làm” một tô lót bụng đỡ cồn cào thôi, nghĩ ngợi nhiều chi.


3 giờ chiều. Ngày “làm việc” thực sự bắt đầu. Từ sáng, cả nhà xoay quanh các “nguyên vật liệu” phục vụ buổi đi bán ban chiều. Nào hành, ớt, chanh… Thịt heo, bò viên, giá sống… Phải thật sẵn sàng. Quan trọng nhất đương nhiên là món chính: hủ tíu, mỳ và hoành thánh.
Thằng cu con được “ưu tiên” trọng trách: “gõ”. Chẳng rêu rao gì cho mất công, cứ cái đập đá và muỗng, lon ton từ góc này đến hẻm nọ, nghe tiếng gõ người ta tự biết, ai kêu gì cu cậu chạy ù về mang ra. Người trạc 13, 14, thân đen nhẻm nắng mưa - như hai thành viên còn lại - nhưng phải rong ruổi nên trông càng nhiều sương gió.
Chỗ bán đối diện một cao ốc hơn hai mươi tầng. Tòa nhà hoàn tất chưa lâu. Trông mới thật hoành tráng, văn minh, bên dưới có siêu thị, nhà sách, hầm để xe hơi… Giá từng căn hẳn đắt đỏ, mà nghe nói bán hết sạch veo. Cái nên xem là người ta đã dọn đến hay chưa. Có cách để biết. Ban đêm, ngẩng mặt nhìn lên. Cửa sổ nào có đèn là đã có người ở. Vậy mà thằng bé giơ ngón đếm, kìa, còn vô khối căn vẫn đen mịt mù.
Họ bán từ chiều đến tận đêm. Tầm mười giờ nghỉ. Khách vào, đủ loại. Một ông honda ôm, vài đứa choai choai, mấy bà sồn sồn… Làm luôn tay. Nhưng không phải lúc nào cũng có khách. Mỗi khi bàn trống, rảnh tay, hai vợ chồng ngồi thừ xuống ghế, mắt chăm chăm nhìn lên. Ngước mỏi cả cổ. Cao thật, bà nó nhỉ. Ừ cao thật. Mấy người kia họ ở cao thế, chả biết có sợ chóng mặt không? Gớm, ở quen thì sợ gì. Sợ chứ, như tôi, chắc chết! Nhiễu, mơ sao mà đòi đến lượt…
Có khách, câu chuyện tầm phào bị cắt ngang. Một tô hủ tíu, nhiều nhiều chút nha! Dạ, có ngay, có ngay. Thằng cu chạy về : hai tô mỳ…làm…lè…lẹ.... Mệt quá, muốn hụt hơi, nó với cốc, lấy nước trong bình trà đá, hớp một ngụm. Đôi tay ông chồng đen sần run run thái từng lát thịt mỏng. Chắc không còn mỏng hơn được. Bà vợ ngắt một dúm hủ tíu, cho vào nồi trụng. Một lúc cho chín, bỏ ra tô, lại cho tiếp giá vào. Rồi thịt, hành, ít tóp mỡ rải lên trên. Dội nước lèo, phút chốc đã thành bát hủ tíu thơm nghi ngút. Cắm thêm muỗng và đôi đũa, xong xuôi, ông chồng đem ra. Thêm hai ba vị khách, cả hai chẳng được nghỉ tay.
Xin lát chanh ông chủ ơi. Ông chồng dạ vâng, lấy dao cắt, đem ra cùng chén ớt xắt. Thằng con lại đi giao mỳ. Gió hiu hiu. Bà vợ ngồi xuống. Nắng lim dim rồi tắt. Thành phố lên đèn. Ánh vàng phủ xuống gương mặt gầy gò của người phụ nữ tảo tần. Bỏ nón lá dắt sau lưng cho mát, bà lấy tay kẹp lại tóc. Mái tóc pha sương khô gãy. Ấy thế mà ông chồng quay sang, cười chúm chím, bàn tay thô ráp nhẹ nhàng vuốt lên đuôi tóc vợ. Bà tủm tỉm. Trên đường, thiếu nữ ăn mặc mô đen, tóc nhuộm nâu đúng kiểu “Hàn quốc”, ung dung “rồ” xe tay ga đời mới lướt ngang qua đôi vợ chồng. Bụi vương lại đằng sau.
* * *
Từ taxi bước xuống, hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ. Cô bé chợt reo: “A, hủ tíu! Má ơi, ăn hủ tíu!”. Má nó cau mày: “Không. Mất vệ sinh chứ ngon lành gì”. “Ứ…con muốn ăn cơ, hủ tíu cơ…”. Ba nó bồng lên: “Mi ngoan, vào siêu thị kìa con, có khu ẩm thực, nhà mình ăn hủ tíu trong đó. Ngon hơn nhiều”. Chừng xuôi xuôi, con bé la: “Thế vào siêu thị, vào siêu thị ăn hủ tíu liền cơ!”. Bị đòi bằng được, ba má đành phải chiều lòng cô con gái cưng. Gia đình này vừa dọn về cao ốc ít lâu.
Thằng cu im ắng quan sát con bé. Nó chăm chú, để ý từng cử chỉ, cách con bé nhõng nhẽo. Bỗng nghe tiếng càu nhàu văng vẳng, nó bừng tỉnh. Tiếng của cha. Đi gõ đi, ngồi đó hoài…. Nó ậm ừ, đứng dậy, mắt còn hướng về cửa siêu thị. Giờ này, hẳn cô bé con đã thỏa mãn niềm mong ước. Ở đó, bát hủ tíu thơm ngon mắc gấp đôi ngoài này. Được cái “hợp vệ sinh”.
Đêm. Thằng bé vẫn nhịp gõ đều đặn. Đôi chân đen đúa đã làu làu từng nẻo đường rong ruổi. Học dở lớp 6, nó từ quê nghèo theo cha mẹ lên thành phố với xe hủ tíu. Dù vất vả thằng bé vẫn thương cha mẹ. Nhưng ngày ngày, nhìn đám áo trắng quần xanh xách cặp tan trường về, nó thèm thuồng như thèm một tô hủ tíu lúc đói lòng. Vô số lần, khi đi gõ, nó ghé tai sát tường ngôi trường : tiếng giảng bài, giọng đọc thánh thót…mường tượng trong đầu cô giáo đang cầm tay nắn nót viết từng nét trên trang vở trắng tinh. Rồi cả lớp tập đếm, làm toán, tính nhẩm… Riêng tài đếm thì nó tự hào. Nó đếm không phải xoàng. Chẳng phải vì mẹ bắt nó đếm tiền. Mà tối tối nhìn lên cao ốc, xem cửa sổ nào sáng, cửa sổ nào không. Cứ thế nó đếm, đếm đi đếm lại. Nhiều quá, hai bàn tay đen đúa lại chỉ có mười ngón thôi. Nhưng nó chẳng sợ. Mới đầu chậm nhưng quen dần, đếm mỗi lúc sẽ ngày một nhanh hơn. Đếm cho thật giỏi để sau này khi đã lớn hơn, nó sẽ thay mẹ đếm tiền. Có nhiều tiền rồi, nó sẽ mua cho cả nhà…một cửa sổ. Một ô cửa sổ sáng đèn phía trên kia…
* * *
Cái bát dơ cuối cùng được rửa xong. Hai dáng người cặm cụi thu dọn bàn ghế. Đường phố thưa thớt. Dáng đàn ông xù xì đưa mắt ngóng: giờ này còn chưa về, khuya đến nơi rồi. Dáng phụ nữ gầy guộc càng sốt ruột: lại la cà đây…
Gió buốt cuốn theo vài chiếc lá. Xa xa vọng lại tiếng chổi tre. Thằng bé lủi thủi lê dép lẹt xẹt. Về thế nào cũng nghe chửi. Nghĩ thế, nó càng cố lết chậm chạp hơn. Nó nhớ lại trận Game đã đời ban nãy. Xuýt chút nữa là thằng đánh giày - bạn chơi Game của nó - phải một phen tơi bời. Không may nó sực nhớ ra: còn chưa lấy chén dơ về. Nó đành hậm hực để thằng đánh giày được một phen hả hê. Lần sau tao sẽ phục thù. Chạy ù ra khỏi tiệm net, lòng nó nơm nớp, đáng lý không nghe lời rủ rê của thằng trời đánh kia… Nó hết dám đi nhanh. Gương mặt quạu quọ của cha, tiếng càu nhàu của mẹ làm nó chùn bước. Nó ghét lắm.
Nó về tới. Hẳn cha sẽ sấn tới…mày!...một bạt tai. Nhưng không, người ra đón là mẹ nó : Đi đâu, biết cha mày kiếm không. Ổng đi tìm mày rồi. Nó càng lo. Cha về kỳ này no đòn. Mồ hôi nó túa ra. Làm sao dám nói thật, lấy bát dơ về sao lâu thế được. Nó cố bịa trong đầu một lý do thật hợp lý. Vừa nghĩ vừa phụ dọn hàng... Mắt nó lơ mơ. Buồn ngủ lắm rồi. Về lẹ cha ơi, ăn mấy bạt tai cũng được, cho tỉnh. Mẹ bồn chồn đưa mắt ngóng. Biết thế cản không cho ổng đi, hết con lại đến cha… Mắt nó díp lại. Mấy ô cửa sổ trên kia tắt gần hết rồi. Để nó đếm thử xem. Một…hai…ba… Ba là ba với má… Ui da, nhức đầu quá. Nó vẫn còn chóng mặt vì trận Game lúc tối. Mắt nó cứ dí sát màn hình, quyết ăn thua đủ với thằng oắt mới thôi. Đêm, trên đường đi lấy bát, tình cờ nó đụng phải thằng “bạn làm ăn” ấy. Khỏi nói, nghe khích có mấy câu mà máu đã nổi lên đến đầu rồi. Hai thằng vù vào tiệm Net. Chuyện là vậy. Nó phải bịa lại làm sao cho hay đây?
Nó đếm xong một dãy cửa sổ rồi. Mắt hoa hết cả lên. Không biết cô bé hồi chiều sống trong ô cửa sổ nào nhỉ. Thật ra, nó rất ghét bọn nhà giàu hợm hĩnh. Nó nhớ từng bị một thằng nhà giàu đi SH xuýt tông phải. Chẳng một lời xin lỗi, thằng thanh niên kênh mặt hét : Muốn chết hả mày, đi đứng kiểu đó có ngày! Dù nó đi trên lề đường đàng hoàng, chỉ cái xe tay ga bóng loáng kia cố tình vọt lên lề đang giờ tan tầm- kẹt xe… Với cô bé lại khác. May mắn cô được sống trong một gia đình sung túc đầy đủ, mọi “yêu cầu” đều được ba mẹ đáp ứng. Bất giác mỉm cười, lòng nó thấy vui lây. Trong đầu hiện lên hình ảnh cô bé hồn nhiên mặc đồng phục, đeo cặp tung tăng đến trường…
Quái, ổng vẫn chưa về cho nhờ! Giọng léo nhéo của mẹ. Nó đếm tiếp hàng cửa sổ thứ hai của cao ốc. Nhiều khi nó thấy sao cực khổ quá. Số của nó là phải khổ sao? Cha mẹ đã khổ, nó khá hơn được là bao? Không, không được buồn…Tám…chín…mười… Cười hở mười cái răng… Cười lên. Một ô cửa sổ nữa vừa tắt ánh đèn. Đã khuya quá rồi. Nó vụt đứng lên. Để con đi kiếm ổng. Mẹ lưỡng lự. Mày kiếm lát ổng lại về… Rồi tới bao giờ… Hơi nhíu mày, nó đâm ra sợ. Đường khuya, tụi phóng nhanh vượt ẩu, kẻ xấu… Đủ thứ lung tung nảy ra trong cái đầu nhỏ với mớ tóc cháy nắng. Con biết lỗi rồi, về đi cha.
Nó cúi gằm mặt. Chợt, tiếng dép quen thuộc. Nhận ra, hai gương mặt một già một trẻ như bừng sáng, giây phút hiếm hoi trong đêm tối tăm mờ mịt. A, cha về…. Ông làm tôi lo quá, đi gì lâu dữ vậy, không thấy nó thì phải về chứ. Người đàn ông không kịp phân trần, nhưng đã kịp giơ lên. Trên tay là ba cái bánh giò vẫn còn hôi hổi.
Và ngay cả khi cơn gió buốt tạt mạnh qua, với cả nhà như vẫn không hề hấn. Nó ngấu nghiến cái bánh giò trên tay. Ngon, ngon quá….Từ từ thôi, nghẹn bây giờ…. Kệ, tội thằng bé, người gầy đét, ăn luôn bánh của cha đi con. Lắc đầu, miệng còn nhồm nhoèm. Nó không thấy cha hỏi gì. Nhưng nghe cha nói vậy, tự nhiên trong cổ có cục nghẹn. Sống mũi đã cay cay…
Tiếng lanh canh vẫn đều đặn cất lên, bên cạnh những ô cửa sổ sáng đèn phía trên cao. Càng cao, cửa sổ càng nhỏ, trông lấp lánh như những vì sao. Đâu ai hay lại có những ước mơ bé nhỏ như những vì sao ấy… Chập chờn, đôi khi tiếng lanh canh đứt đoạn. Một vị khách vừa gọi món. Đôi dép lê vội vã chạy về.
Rồi một lần kia, trong một ô cửa sổ, tiếng lanh canh loáng thoáng làm vang lên giọng lảnh lót: “A, hủ tíu! Má ơi, ăn hủ tíu!”. Tất nhiên má lắc đầu để mặc cơn nhõng nhẽo ngây thơ. Có lẽ còn lâu, cũng chẳng biết đến bao giờ cô bé mới được thưởng thức mùi vị của tô hủ tíu ấy.
Một tô hủ tíu đặc biệt.


LƯU QUANG MINH

Các tác phẩm khác của Lưu Quang Minh

Cô đơn trên mạng

Thỏ Ragu

Thiên thần của anh

Song song

Một tháng khuyến mãi ở Phong Vũ

Mẹ Loan

Mẹ con Panda*

Lẩu cá kèo

Lành lặn

Gỏi khô bò VS* McDonald’s

Già trước tuổi

Đàn ông

Con Mèo Đen

Combo gà rán

Cơm nhà

Báu vật

Bắp xào ơi !