Chương 17
Tác giả: Ma Văn Kháng
Mùa thu ấy buồn hơn bao giờ hết.
Sau khi về thọ tang ông cụ Bằng, chị Hoài và vợ Cừ đã đi. Mấy ngày sau, đến lượt Lý. “Tôi đi Sài Gòn công tác" Lý thông báo trống không như vậy rồi lẳng lặng rời căn nhà.
Căn nhà trống vắng hẳn đi sau cái chết của người thân.
Mùa thu ấy quạnh quẽ và lê thê trong mưa rây dầm dề, phủ mờ khu vườn đã qua mùa rậm lá. Mùa thu ấy càng nhuốm màu thê thảm vì mất mát đã xảy ra, rồi càng trở nên thê thiết hơn vì nỗi lo sợ phấp phỏng về những mất mát kế tiếp có thể sẽ còn đến.
Lý, không một hồi âm.
Một tháng qua, rồi bốn mươi chín ngày của ông cụ. Lý vẫn chưa về. Rồi Lý bặt tin luôn.
Nỗi lo ngại ngày một thấm nhiễm trên khuôn mặt Phượng. Còn Đông và Luận thì mỗi lần gặp nhau lại là một lần lúng ta lúng túng. Cả hai người đàn ông hình như đều cùng nhận ra một cái gì đó, nhưng thấy nó quá tàn nhẫn, quá phũ phàng, nên không dám, không nỡ nói ra.
Một hôm, Phượng bồn chồn bảo chồng. "Hình như anh Đông quẫn hay sao ấy. Hồi này anh ấy bắt đầu chơi xổ số, có lần mua đến trăm vé, anh ạ. Hay là anh sang xí nghiệp chị ấy hỏi xem thế nào…". Luận đi, chiều ấy về, ngồi trong buồng nhìn ra khu vườn, thở một hơi ám mờ cả ô kính cửa sổ. Xí nghiệp Lý trả lời: Họ lập một trạm thường trực ở Sài Gòn, Lý tình nguyện vào đó công tác vô thời hạn. Ở trạm này còn có gã Trưởng phòng Vật tư, anh ta đang bị cơ quan kiểm điểm. Biện giải rằng có người nhà ở Pháp gửi hàng về cho và trúng xổ số liên tục nên giàu có, kì thực, giờ mới phát hiện ra mấy năm nay anh ta ăn cắp vật tư của xí nghiệp và móc nối buôn gian bán lận với bọn phe phẩy bên ngoài. Sống sa đoạ, trác táng, quan hệ của anh ta với Lý ỡm ờ nửa dơi nửa chuột.
"Sao cô ấy không nói thật với mình là chuyển công tác vào trong đó. Hay là chấp nê từ việc đối xử thô bạo của mình hôm rồi để làm bừa?" Đông ngồi với Luận trên buồng ông Bằng, khắc khoải nghĩ.
Đã sang những ngày cuối thu.
Vòm trời bất động, không có thời gian, giăng trên thành phố mỗi sáng là một màn sương ảm đạm. Mặt đường ướtnhoè và phố phường như bị đẩy ra xa, bập bềnh, ẩn hiện nổi chìm trong sương khói những ngôi nhà cao tầng dựng đứng và những tháp nước hình nấm.
Khu vườn nhạy cảm với thời tiết và xúc động của những người chủ, đã vào buổi giao thời. Lá non trên cành nhãn, cành vải đã thưa, màu xanh bóng bí ẩn của lá mít đã phai nhạt. Mướp thõng một quả lớn ở giữa giàn để làm giống, lá đang héo dần và rau muống khó nhọc trổ những chồi nhỏ teo, cằn cằn.
Tiết thu cuối mùa ủ dột từ lòng Đông.
Mỗi ngày Đông một biến đổi. Thoạt đầu anh nghi ngại, lo buồn, ít lâu sau anh hoang mang sợ sệt. Giờ anh rầu rĩ… Cả một đoạn đời dài nối tiếp những ngày vô lo, vì phó mình cho một sự bảo trợ chắc chắn nào đó, chưa bao giờ Đông ngồi lặng hàng giờ trầm tư như bây giờ.
Chưa đầy hai tháng mà Đông đã như biến thành một ông già, mỗi ngày một nặng nề, thụ động, buồn nản thêm. Chính là một hôm cùng ăn cơm. Phượng phát hiện ra điều đó. Cô nghẹn ắng, đặt bát xuống khe khẽ kêu: "Tóc bác Đông bạc hết rồi!”.
Bữa ấy, Đông cũng chỉ ăn một bát.
Hai ngày sau, Đông kêu no inh ích, không muốn ăn. Luận hiểu: nhìn cảnh vợ chồng Luận thuận hoà âu yếm bên nhau, Đông càng chạnh lòng.
Quả thật vào những ngày này, Đông đang bị dồn tới cực điểm của cơn khủng hoảng. Phượng bảo chồng: “Anh xem có việc gì tìm cho anh ấy làm cho khuây khoả". Tuần sau, Luận bảo anh trai: "Ở Viện bảo tàng Quân đội đang cần một nhân viên thường trực làm hợp đồng”. Nghe xong, Đông cúi đầu, mắt chớp chớp, không đáp. Luận trách mình đã làm anh trai tủi thân.
Đông sa vào buồn tủi thật vì nhiều lúc thấy mình cô lẻ, trơ trọi giữa trống vắng. Cảm giác ấy do hai tình huống ép lại, sinh ra. Một là, ông Bằng mất, người cuối cùng của thế hệ trước đã mãn. Còn cha, Đông đứng ở hàng thứ hai, như có sự che chắn phía trước. Nay, Đông đứng ở vị trí số một xa lạ, tiếp giáp với cái chết theo thứ tự. Hai nữa, việc Lý ra đi, dẫu chưa thật rõ ràng, nhưng chiều hướng xấu là rõ rồi. Và sự trống trải đã ở nhãn tiền càng ghê rợn xiết bao khi Đông đã ở vào tuổi này.
Chiều hôm ấy, khi chỉ có một mình Đông ở nhà, một người đến cổng bấm chuông điện. Người này nói giọng Nam Bộ cho biết có người nhờ đưa một lá thư cho Đông. Đưa thư xong người đó theo Đông lên buồng, lấy một bọc quần áo của Lý, cái xe đạp Mifa và mấy thứ lặt vặt nữa mang đi.
Sẩm tối, Luận lên buồng mở tủ định xếp lại tài liệu, sách vở của ông Bằng thì thấy Đông ngồi, đầu ngoẹo trên cái tựa ghế mây, tay cầm một cuốn sổ nhỏ: dưới chân Đông tung toé một cỗ bài tulơkhơ Lý vẫn dùng để bói, những vé xổ số Đông mua chơi đã bị xé đôi.
Luận mở đĩa hát vì thấy không khí tẻ ngắt, hoang vắng quá. Lâu không chạy, đĩa bám bụi, toàn tạp âm. Bản Vườn khuya nghe trục trặc, lủng củng. Luận dừng máy lau đĩa, thì Đông nghển cổ, tia nhìn vắng tanh:
- Thay bản khác đi! Bản ấy buồn quá!
Chưa bao giờ Luận thấy Đông tỏ ra quan tâm tới âm nhạc như vậy. Có lẽ Đông chỉ làm Luận bất ngờ khi Đông nói lại cảm xúc sâu sắc của anh lúc bà mẹ hấp hối còn cố đưa tay lên cài khuy cổ áo cho anh. Và bây giờ.
- Anh nghe bản Hành khúc của Vácne nhé!
- Cái bản thằng Hitle nó thích chứ gì.
- Tất cả mọi người đều yêu nhạc của ông nhạc sĩ thiên tài nước Đức này, chứ riêng gì nó.
Đông im, lại ngoẹo đầu trên ghế.
Gian buồng rộn ràng một khúc quân hành mạnh mẽ, trong sáng, yêu đời.
Luận chúi đầu vào các ngăn tủ, đang mê man vì cái kho báu tư liệu dân tộc học mà ông cụ sưu tầm, tích luỹ được, bỗng quay ra, thét lớn:
- Anh Đông!
Như một con thú bị thương, đang ngồi, bất thần Đông lao vào giường, dụi mặt vào gối, hai tay ôm đầu, nức từng tiếng một.
Khi Luận đến gần, Đông vẫn nằm sấp, tay móc túi lôi ra một lá thư nhàu nát, ném xuống sàn:
- Đọc đi! Thế là hết!
Luận ngồi xuống, nhặt lá thư, mở ra, vuốt lại cho phẳng. Mỗi chữ trong thư như một hạt sương lạnh buốt rơi vào tim Luận. Thư của Lý.
** *
Vậy là mọi chuyện đã rõ ràng cả rồi.
Khi Phượng lên mời Luận và Đông xuống ăn cơm thì Đông bắt đầu nổi cơn giận dữ. Đông không còn là Đông mọi ngày. Mặt co rút trong một nỗi đau sinh tử. Đông đập bàn gào lên thống thiết và uất hận:
- Khốn nạn! Tôi ghê tởm. Nó ăn phải bả tư sản, bả thực dân mới. Nó chết vì tiền bạc, ăn chơi, hưởng thụ, thoả mãn dục vọng là mục đích duy nhất của nó.
Đông bị choáng, cơn giận dữ đau xé, biến đổi con người từ bản tính, Luận định lựa lời khuyên giải thì Đông ném tạch quyển sổ nhỏ đang cầm ở tay xuống sàn nhà, nói như quát:
- Thư nó nói: nó không thể sống chung được với tôi. Nhưng cậu xem những tờ cuối ở quyển sổ này sẽ rõ hết. Khốn nạn đến thế là cùng. Có đúng là mỗi gia đình phải cung cấp cho xã hội một, hai đứa khốn nạn không?
Luận nhặt quyển sổ, lật những trang cuối. Một bài thuốc nam có tác dụng tránh thai. Những con số, những phép tính cộng trừ, nhân, chia thể hiện việc tính toán trong buôn bán chia chác với một kẻ nào đó. Luận thở dài. Sự kiện này đối với anh cũng quá bất ngờ và đau điếng. Nhưng anh biết, anh phải giữ mình hết sức tỉnh táo, nhất là khi Đông càng lúc càng trở nên khùng nộ như thế này.
Đông càng lúc càng cuồng nộ, lời rủa xả của Đông càng lúc càng nghiệt ngã, độc ác. Tâm trạng Đông như thế là dễ hiểu. Đông là nạn nhân của vở bi kịch gia đình này.
Nhưng, rốt cuộc nội dung của tấn kịch bi đát này là thế nào?
Trước mặt Luận là một hiện tượng phức tạp về tâm lí của con người mà Luận được biết và có quan hệ. Lý đã bỏ Đông ra đi, kết thúc một quá trình giằng co, tính toán. Sự kiện này không giản dị như một câu chuyện ngoại tình. Sai lầm của Lý là hiển nhiên rồi. Nhưng, trong sai lầm này của chị, phải chăng Đông và mọi người trong gia đình là vô can không có lỗi? Đất nước, sau ba mươi năm đánh giặc, đang ở vào một thời kì xây dựng với muôn vàn thiếu thốn khó khăn. Chưa bao giờ, con người đương đầu với hoàn cảnh một cách anh hùng bền bỉ, sáng ngời phẩm cách như thế. Nhưng cũng chưa bao giờ đời sống khó khăn lại kích thích tâm lí hưởng thụ vật chất, thói ích kỉ vô luân đến như thế. Lý khôn ngoan, khi tỉnh táo, hoàn toàn phân biệt được ranh giới đúng sai, nhưng dục vọng mạnh mẽ ở chị, càng tăng cường độ hơn khi đời sống tinh thần ở chị vốn thấp kém lại không được bồi bổ thoả mãn. Chị thiếu người tri kỉ, hướng đạo những khi lao lung bên bờ vực làm lẫn. Chị không vượt qua được cái thô tục vốn có của tự nhiên, cái mà ở chị tích tụ khá đậm đặc dồi dào.
Từ lâu, Luận nhận ra điều đó. Anh thấy bà chị dâu mình đầy nhược điểm cạnh những ưu thế lớn lao. Lý giàu thực tiễn, nhưng nghèo tư duy, một tư duy năng động có khả năng hiệu chỉnh cả bản thân. Chị trong trẻo ở nhiều lúc, do bản chất yêu đời, ham sống, do nhạy cảm, tháo vát.
Nhưng chị mong manh dễ thay đổi vì thiếu nền tảng, dễ bị kích động tức hứng nhất thời bởi các ý tưởng cuồng nhiệt, hoang đường.
Đức tính này bao giờ cũng phải được đảm bảo bằng những đức tính khác. Thiếu sự bảo trợ của những giá trị tinh thần khác, những gì là tốt đẹp trong bản chất chị bỗng trở thành bấp bênh. Chị khát khao một thứ hạnh phúc giới tính vừa cao cả, vừa tầm thường. So với Phượng, chị có những thế năng trội bật hơn, nhưng nhìn tổng thể, chị thông tục xấu xí hơn, chị luôn phân thành hai ngả, chị đi trên một sợi dây chung chiêng; chị thiếu hẳn một tiềm lực vững bền sâu xa.
Chị đẹp biết bao khi mua cây quất biếu ông bố chồng. Nhưng cũng ở hành vi ấy, chị bộc lộ thói ngông ngạo rất đáng ghét. Chị nhiều năng khiếu, giàu ý chí, nhưng thấp kém hẳn đi vì tính hiếu danh, thói đố kị, lòng ích kỉ và thái độ vụ lợi trắng trợn. Chị làm được một số việc có ích cho tập thể. Chị mang trong mình những đặc tính cần thiết của con người ở thời kì lắm biến động này. Tính tháo vát, năng động, năng lực nhạy cảm và táo bạo của chị, trong hoàn cảnh nền kinh tế thiếu trật tự nền nếp, trong cuộc sống đang biến cải, lắm cạm bẫy, chỉ một li là biến thành thói xoay xoả, lừa bịp, dối trá. Lí trí vốn yếu ớt ở chị lúc đó đã hoàn toàn bất lực trước bản năng mạnh mẽ của chị.
Nỗi xót xa, tiếc nuối đã có lần nảy sinh, lại một lần nữa xuất hiện và tấy nhức trong Luận. Chao ôi! Lý hoàn toàn có thể trở nên một người vợ, một phụ nữ hoàn hảo, một con người tốt đẹp, và vô cùng đáng yêu. Tiếc thay, cuộc sống là một chuỗi ngày không hoàn toàn mãn nguyện. Đông và Lý, hai người quá khác nhau từ gốc gác, tâm lí, sở trưởng, sở nguyện. Sống chung mà họ không tạo lập nên một hệ thống tâm lí sinh hoạt phù hợp với cá tính của mỗi người. Cá tính đã không làm phong phú thêm cho cuộc sống chung, trái lại, lại gây trở ngại cho nhau. Đông với ưu thế riêng khi cần thiết đã xa rời trách nhiệm người hướng dẫn tinh thần cho vợ, đã vậy lại còn sống chểnh mảng trong sự ỷ lại đã tập nhiễm thành bản tính.
Bi kịch tất yếu sẽ xảy ra, dẫu có lúc Lý như là hoàn lương. Hoà hoãn chỉ là sự náu mình tạm thời. Thời cơ chín muồi của vở bi kịch tới dồn dập: Liên minh kinh tế ma quỷ của Lý đã thành lập; ông Bằng mất, hi vọng về số tiền người con trưởng được thừa kế tan tành; mưu tác thành cho Cần không có kết quả; Đông vượt khỏi khuôn khổ phụ thuộc, trở thành một kẻ cục súc, vũ phu… Bứt ra khỏi cuộc sống chung vô vọng, tẻ nhạt với Đông, Lý đã hành động một cách thật dứt khoát, và đó là hệ quả tất yếu của những điều kiện trên.
- Con khốn nạn! Nó ăn ở hai lòng! Nó bội bạc tôi. Đối với nó, chỉ có tiền thôi. Vì tiền nó có thể giẫm đạp lên tất cả mọi thứ luân lí, đạo đức. Tôi kinh tởm nó! - Đông lại tiếp tục xả cơn phẫn nộ.
Một phương sách tiêu cực bất đắc dĩ! Có ích gì nữa lúc này. Chưa kể, giận quá mất khôn, lời nói đã vượt quá sự thực. Chính Đông cũng biết vậy nên chỉ lát sau, Đông thôi chửi, ngồi gục xuống bàn.
Phượng nước mắt vòng quanh, lặng lẽ đi xuống gác.
- Bình tĩnh, anh Đông à.
Luận đến ngồi bên Đông. Nhìn mái tóc đã bạc trắng của ông anh trai, lòng Luận trào lên một nỗi xót thương vô bờ. Một đời gian lao, một đời xả thân vì sự nghiệp của đất nước, con người này trở về tuổi nghỉ ngơi đáng được sống an lạc trong hạnh phúc gia đình mà không kẻ nào được phép ghen tị. Đông trong sáng dưới một bề ngoài mờ nhạt. Đông thật sự quý trọng vợ. Đông đã tận hưởng cái vẻ đẹp vốn có của quan hệ gia đình và yên tâm rằng dù đời có đen bạc đến đâu thì đây cũng là nơi trú ngụ yên vui nhất của đời anh… Anh đã ung dung thụ hưởng mà không mất công sức cấy trồng, chăm sóc, điểm tô cái quan hệ tự nhiên vốn đẹp đẽ này.
- Bình tĩnh, anh Đông à.
Nói gì hơn được, nhưng ngay trong khi lặp lại lời an ủi đó, Luận vẫn hiểu: Làm sao mà Đông bình tĩnh được! Con người Đông chỉ quen với sự đơn giản. Đối mặt với tình huống phức tạp, rối ren là Đông mất phương hướng, là nổi cục, là mất tự chủ ngay. Huống hồ lần này, với nỗi đau này.
Cả tối đó, không ăn cơm, Đông nguyền rủa Lý và kẻ đã làm Lý sa ngã. Tối đó, Luận không rời Đông một bước.