watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mùa lá rụng trong vườn-Chương 20 (Chương kết) - tác giả Ma Văn Kháng Ma Văn Kháng

Ma Văn Kháng

Chương 20 (Chương kết)

Tác giả: Ma Văn Kháng

Chợt có ngày hai mẹ con đang đi giữa phố cái Nga bỗng kêu: "Mẹ ơi, khói ở đâu ra thế này?" và cả hai mẹ con chìm trong một làn sương xám như bụi tro bay. Cái cảnh tượng như chỉ thấy ở miền núi vào những ngày mù sa làm cho con bé ngỡ ngàng. Nó ngỡ ngàng với tất cả. Kể cả việc nó được về thành phố ở với mẹ và bố. Phải mất gần một năm trời, mọi việc mới thu xếp xong, Phượng mới đưa được nó về đây. Con bé bị thiệt thòi nhiều quá. Nhưng nó đã được đền bù ngay: nó về đến thành phố thì cái Tết vừa chớm tới. Tết đang chầm chậm về, càng chầm chậm càng vui nôn nao.

Cái Tết đến theo tiếng pháo dẫn đường. Thoạt đầu, pháo nổ đì đẹt, thưa thớt, ở xa lắc. Rồi gần dần, đặc dầy dần. Tới khi đường phố đã lấm tấm xác giấy hồng hồng và ở các cổng chợ, các ngã ba ngã tư, các quầy lá dong dựng lều bán mái thì đã là hăm ba tháng chạp - cái Tết thật sự đã có hình bóng. Cái văn phòng Xí nghiệp In có bà trưởng phòng tính nết thất thường của Phượng - cái thế giới sinh động vui vẻ ấy đón nhận cái Tết sớm hơn hẳn nơi khác. Vì cách đó mấy tuần, những tính toán chi tiêu sắm sửa cho cái Tết dân tộc đã lầm rầm chen lẫn vào công việc thường ngày, rồi mỗi ngày tiếng nó càng to, đến nỗi đã có lúc nó lấn át cả tiếng nói công việc. Và bà trưởng phòng, đã phải liên tục mở miệng quát tháo để giảm bớt sự nhiễu loạn và kéo sự chú ý của các cô vào công việc. Câu nói cửa miệng của bà lúc này là: "Tết với nhất, tốn tiền, mệt xác! Rồi lại còn dửng mỡ nữa chứ! Tôi yêu cầu! Tết năm nay cô nào còn đẻ nữa sẽ cắt thưởng. Sao mà ham đẻ thế!”

Phượng bận rộn với công việc cuối năm. Hăm nhăm, hăm sáu Tết rồi vẫn còn hàng đống chứng từ hoá đơn chưa thanh toán, vào sổ. Còn quyết toán cả năm. Còn báo cáo tài chính với Liên hiệp xí nghiệp, với Ngân hàng. Năm nay xí nghiệp hoàn thành kế hoạch trước gần tháng, tiền thưởng khá to, nhưng làm cách nào rút được tiền mặt. Các cô đi qua, ghé lại bàn Phượng: "Chị Phượng ơi, Tết năm nay vợ chồng con cái em trông cậy cả vào chị đấy!” Và hình như chỉ chờ có vậy là bà trưởng phòng giật lên đùng đùng:

- Hỏi cô thủ quỹ nhà các cô kia kìa! Bụng đã vượt mặt thế kia, còn có mà chạy được tiền mặt khối ra đấy! Tết năm nay cứ chuẩn bị mà treo niêu! Chửa với đẻ gì mà cứ như gà thế!

Tháng trước xí nghiệp đã đứng ra làm lễ cưới cô thủ quỹ lấy ông Trưởng phòng Kỹ thuật.

Giờ bụng cô đã to sề sệ. Rõ ràng là chửa trước ngày cưới chứ còn gì. Và Phượng thì bước đi đã thấy kềnh kệnh. Bà trưởng phòng nhằm vào hai cô tha hồ ngấm nguýt, móc máy, nhưng ngấm nguýt móc máy mà bà ngấm ngầm hả hê. Nhất là với cô thủ quỹ. Chửa đẻ thế, bị công luận coi thường là cái chắc, thì làm gì còn khả năng mà dám ganh với cái chức Trưởng phòng của bà.

Một hôm bà đến bàn Phượng lúc cô đang bận làm quyết toán. Phượng nghĩ, chắc bà lại cự nự về việc mình trừ lương ông giám đốc từ tháng tới, hoặc là phàn nàn việc mình tự động lên gặp giám đốc đề nghị một số cải tiến trong việc kinh doanh của xí nghiệp hôm vừa rồi. Nhưng, không. Nghiêng nghiêng đầu, nhìn Phượng, mặt bà lồ lộ vẻ hí hửng rất trẻ con:

- Này, đã có tin tức gì thằng Cừ chưa?

Hơi bị bất ngờ, Phượng lắc đầu thật thà buồn rầu khe khẽ đáp:

- Chú ấy không còn nữa, chị ạ.

- Cái gì? Cậu nói cái gì! Nó có mà chết khối ra đấy! - Hai con mắt nổi phồng như mắt sư tử giấy, bà trưởng phòng, bỗng như nổi cơn hùng hổ, tiếp. - Này, nói để cô biết, phải cảnh giác nhé. Thằng Tàu nó bắt bọn di tản huấn luyện biệt kích rồi tung về ta làm gián điệp ối ra kia kìa.

Quái, Cừ ở Canađa, chú ấy đã thất vọng và đã tự tử rồi. Sao bà lại nhằng chuyện nọ sang chuyện kia thế? Bà nói vậy là có ý gì?

Đã tưởng bà đi, Phượng cúi xuống quay cái máy tính. Nhưng bà cũng lại cúi xuống theo và chống khuỷu tay lên mặt bàn Phượng, ghé sát vào mặt Phượng, toang toang như cố tình để người khác nghe thấy:

- Này, thế bà vợ tay Đông ra sao rồi? Tớ biết ngay là con mẹ ấy nó sẽ bỏ lão Đông mà. Này, hồi nó viết thư đến xí nghiệp tố cáo cậu lăng nhăng với lão Đông, tớ mà không đứng ra bênh cậu thì còn lôi thôi to. Mụ ấy giờ ở đâu rồi?

Thừa thời giờ, tỏ ra quan tâm đến nhân viên, định bêu riếu Phượng hay định lên mặt dạy dỗ Phượng điều gì? Phượng cau mặt, khó chịu:

- Em cũng không rõ, nhà em có viết thư vào Sài Gòn cho chị ấy rồi.

- Nó không dắt díu thằng kia đi di tản tôi chớ kể? Mà này, cái lão Đông anh chồng cậu, một hôm tớ đến chơi, tớ đã gặp, trông mặt cứ như mặt thằng Tàu phù ấy nhỉ!

Trời! Sao lại có thể nghĩ suy, nói năng độc địa thế!

Chẳng lẽ, đúng như chị em trong phòng vẫn nhắc nhở nhau: Với mụ ấy phải ba không: không biết, không nghe, không trông thấy. Độc ác lắm, mụ ấy chỉ muốn người khác lụn bại thôi.

Tình thực bà trưởng phòng không phải là con người độc ác, bà chỉ ác khẩu và hay soi mói người thôi. Và nói cho công bằng, đó cũng là một cách để bà tự vệ. Kém cỏi về năng lực, ít hiểu biết, nên bà cứ sợ bị người ta khinh thường, bị người ta tranh quyền. Trong sâu xa, bà vẫn là một người đàn bà từ tâm, cũng hay động lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của con người.

Càng giáp Tết, bà càng thể hiện theo chiều hướng dễ chịu hơn. Hăm bảy Tết, bà thân mật bảo Phượng: "Tôi đe nẹt họ là để họ nên người thôi, chứ tôi hằn thù gì ai. Với lại làm lãnh đạo phải nghiêm, kinh nghiệm đấy, Phượng ạ. Rồi cũng đến lần cậu làm trưởng phòng thôi. Nói thật đấy, cậu không vướng tí lí lịch rắc rối thì tớ đã đề nghị cậu phó phòng rồi. Xem ra, chị em họ tín nhiệm cậu lắm đấy. Còn tớ, nói thật, sức tớ đảm đương việc này là cưỡng lắm. Tớ có được học hành gì đâu”.

Không khí Tết nhất nhấn chìm những chuyện vặt vãnh, dẫu là trong chốc lát, cũng có ý nghĩa tách con người ra khỏi trạng thái tha hoá, để họ trở về với bản chất hồn nhiên thuần hậu vốn có. Hăm tám Tết, bà trưởng phòng đứng ở giữa phòng the thé:

- Tôi nghỉ phép hai ngày để gói bánh chưng, uỷ quyền cô Phượng thay tôi lãnh đạo phòng. Các cô, ai không biết gói bánh thì chiều ba mươi Tết tôi đến giúp. Ngày mồng một thế nào các cô cũng đưa các cháu đến chơi nhà mình nhé!

Và không khí trong văn phòng từ đó tưng bừng, ấm áp hẳn lên.

Càng áp Tết, Phượng càng náo nức. Tết này, có bé Nga. Bà ngoại bảo, có thể cũng sẽ về ăn Tết cùng. Cần và Vân thì hứa dứt khoát về ăn Tết cùng anh chị. Phượng sẽ phải đảm nhiệm công việc nội trợ của cả nhà.

Chiều hăm chín Tết, Phượng xách cái làn nặng những đồ sắm Tết về tới nhà. Cái Nga mở cổng, reo:

- Mẹ ơi, con xếp hàng mua lá dong, mua lạt, mua thịt phiếu của bác Đông, của bố mẹ, chú Cần, cô Vân rồi. Mai gói bánh rồi gửi tổ Phục vụ phường luộc, mẹ ạ.

Cái Nga giành cái làn, vẹo cả một bên sườn, tha vào nhà. Phượng vào khu vườn, ngồi xuống cái ghế đá dưới gốc táo, muốn tĩnh tâm trong chốc lát, sau những tất tả ngược xuôi chen lấn xếp hàng mua bán vừa rồi.

Khu vườn yên tĩnh và sạch quang. Trên đầu Phượng, cây táo chẽ ba cành toả thành một tấm màng rộng dầy đặc những chùm táo xanh mọng. Góc vườn, cúc toả hương nồng thơm. Cây quất không có quả, nhưng vòm lá bồng bồng vẫn gợi bóng hình xưa. Cây quất Lý mua, chị Hoài trồng, Phượng vun tưới, nhìn nó lại nhớ bao nhiêu chuyện đã qua. Cây quất đưa cái Tết năm ngoái về gần. Tưởng như còn quanh quất đâu đây cái buổi chiều ba mươi làm cơm cúng tất niên, Lý la hét, sai bảo Phượng và say mê chế tác các món ăn dành cho ba ngày tết và bữa ăn tối ba mươi sum họp cả gia đình lớn. Buổi chiều lạnh ấy ấm hẳn lên từ lúc chị Hoài, từ ước ao của Lý, của Phượng hiện ra trước cổng nhà. Còn đâu đây hương khói buổi cúng lễ gia tiên. Và khung cảnh trời đêm sau bữa cỗ khi chị Hoài và Phượng đi gieo hạt mướp, lập loè các sắc màu pháo sáng và bùng bùng tiếng pháo tiễn đưa năm cũ đón mừng năm mới nổ rền rền.

Còn đó, cả âm thanh và hình bóng.

Còn đó, mái nhà này.

Một năm qua, dưới mái nhà này đã xảy ra bao chuyện buồn vui. Ai có thể ngờ được căn nhà yên tĩnh, ở đầu cái phố dài yên tĩnh, lại chỉ có được sự yên tĩnh bề ngoài. Gia đình, cái giọt nước của biển cả, có ai ngờ lại là một vùng chứa nhiều sóng gió đến thế. Ôi, cái vùng tưởng là tĩnh lặng, cái vùng hay bị lãng quên trong mối quan tâm hàng ngày, có ai ngờ lại là nơi khởi thuỷ, chung cục của lắm điều bất hạnh và những niềm hạnh phúc. Thật ra thì bản chất cuộc sống vốn là sống động. Và mọi sự xáo trộn thế nào cũng phải tự tìm lấy sự ổn định, sự hợp lí của nó. Hãy từ cửa sổ gia đình mình nhìn ra cuộc đời; và từ cuộc đời hãy chiếu rọi ánh sáng vào mỗi căn nhà, như thế mọi điều sẽ sáng tỏ hơn.

Ôi, cái năm dài dặc đầy những biến cố hãi hùng. Giờ đây, nhìn lại nó, nghĩ về tất cả những điều đã xảy ra, Phượng lại thấy rưng rưng. Thương quá ba mẹ con Cừ và chị Hoài. Thương quá bác Đông. Thương quá anh Luận. Và với Cừ, Phượng có lúc chợt sa nước mắt xót xa. Riêng Lý, Phượng vẫn thương nhớ canh cánh bên lòng. Phượng không giận cả bà trưởng phòng. Với mọi sự sa sẩy lầm lỡ, Phượng đều mủi lòng. Phượng sẵn sàng chia sẻ với mọi người, Phượng chỉ muốn mọi người tốt đẹp và sung sướng. Làm tất cả mọi việc có thể làm được để cho mọi người tốt đẹp, sung sướng, Phượng sẽ không bao giờ mệt mỏi ngại ngùng. Để trở nên người tốt, phải dám chọn lựa sự vất vả, để được yêu thương mọi người, phải dám đón nhận sự hi sinh; sự hi sinh, đó là một vẻ đẹp mãi mãi tươi mới ở Phượng, ở những người Phượng yêu mến và kính trọng.

Từ trong nhà cái Nga chạy ra, gọi qua hơi sương: "Mẹ ơi, mẹ ở đâu?”. Rồi ào tới, liến láu:

- Mẹ ơi, con mèo đen nó tha con nó từ buồng bác Đông xuống buồng nhà mình rồi, mẹ ạ. Mẹ ơi, bác Lý…

- Sao con?

- Bác Lý bảo mẹ là đi công tác ở Sài Gòn ấy, có khi bác ấy sắp ra, mẹ ạ. Bưu điện họ đưa báo Tết đến. Có một lá thư của nông trường cô Cừ với một lá thư ở Sài Gòn gửi ra. Bố và bác Đông đang đọc báo Tết ở trong phòng, nói với con là thư của bác Lý mà…

Phượng đứng dậy, tim đập trĩu một bên ngực.

Trong buồng khách vừa được kê dọn lại, Đông và Luận đang ngồi đọc báo Tết. Trên bàn thờ có thêm ảnh ông Bằng đang nghi ngút khói hương.

Đông, trông đã có dáng ông già, đeo kính lão, đang loạt soạt giở một tờ báo, thấy mẹ con Phượng bước vào, liền ngẩng lên:

- Nào, hai mẹ con đã sắm sửa được những gì rồi?

Cái Nga lanh chanh lục cái làn nó mang vào từ nãy, kéo ra nào pháo, nào mứt, nào bánh.

Luận với tay sang Đông:

- Anh cho em mượn cái kính.

- Đã phải đeo kính rồi cơ à? Nặng lắm, số ba đấy!

Luận mắc kính vào mắt:

- Đã đến lúc rồi. Thế mới biết mình chóng già.

- Còn trẻ với ai nữa!

Phượng đang nhấc chai rượu từ trong làn ra, ngẩng lên, tủm tỉm cười. Giật kính khỏi mắt, Luận xoa mặt, lắc lắc đầu:

- Nặng quá! Hoa cả mắt! Anh Đông, Phượng này, năm nay báo Tết Văn nghệ thành phố, Quân đội, Khoa học… có đăng tất cả năm bài của em. Kí bút danh hết. Đố anh với Phượng tìm được đấy.

- Về những đề tài gì?

- Chủ yếu là về các vấn đề đạo đức. Nhưng có cả khoa học.

- Năm Quý Hợi, chắc anh viết về con lợn! - Phượng đùa. Luận gật đầu, hồn nhiên:

- Còn rộng hơn nữa. Về vũ trụ, thời tiết, mặt trời. Năm nay hết chu kì có bầm đen trên mặt trời, thời tiết sẽ thuận hoà hơn. Chắc sẽ được mùa. Có một bài kí gửi tặng chiến sĩ biên giới phía Bắc nữa.

- Tham thế! - Phượng nguýt yêu chồng.

Luận cười. Đông đận đà:

- Sẽ tìm ra thôi. Đọc văn của cậu tôi biết chứ!

Luận bị bất ngờ:

- Văn em thế nào?

- Văn là người. - Đông chậm rãi. - Mà con người cậu thì nồng nhiệt, tình cảm đậm đà bộc phát mạnh nên cũng có lúc quá khích. Nhưng, không sao, được thế là đẹp lắm rồi!

- Không ngờ ông anh giỏi thế! Nhưng, em chưa đẹp đâu.

Phượng trìu mến nhìn ông anh chồng, không ngờ Đông nói rất đúng với điều mình thầm nghĩ. Chị đặt chai rượu lên bàn, lại kéo một bó mùi già từ dưới đáy làn lên, nói: mai cả nhà sẽ tắm lá thơm.

Luận cười, cũng như Phượng, muốn truyền cái vui sang Đông.

Nhưng, Đông buông tờ báo, nhìn bó mùi già, liền quay mặt đi. Đông vui sao được, sau những xáo trộn ghê gớm vừa qua. Đông không có những biểu hiện giận dữ và đau đớn nữa. Bản lĩnh chiến sĩ đã kiềm chế những gì là thái quá trong cơn đớn đau giằng xé tâm thể, giúp anh đứng vững ở tư thế con người đích thực. Nhưng, Đông vẫn không sao giấu được mình. Nỗi đau đã kết đọng trong lòng Đông, đã trở thành một phần con người Đông. Tuyệt vọng xâu xé Đông. Đông nghiến răng chịu đựng và tự trách móc dằn vặt mình. Đông vẫn khóc thầm và Phượng đã thấy nhiều đêm anh đi tha thẩn như vô định trong vườn cây bên nhà. Anh vẫn nhớ Lý. Lý vẫn sống trong anh, với những bản sắc riêng không thể phai nhoà. Lý vẫn sống ngày ngày với cả Phượng.

"Chị Lý có ra không, anh Luận, anh Đông?” Đưa mắt qua Luận, Đông, Phượng ngong ngóng một câu hỏi, một lời giải đáp, từ thông tin của cái Nga.

Nhưng lúc này, Đông, dường như đang cố gắng gạt ra khỏi tâm trí những ngẫu sự và cố quên đi không khí gợi nhớ một chiều áp Tết, đang chú mục trên từng trang báo để tìm bài của ông em.

"Có thư của Lý đâu! Chắc họ nói quấy quá cho cái Nga khỏi hỏi thóc mách đó thôi. - Phượng nghĩ bộn bề. - Cái Nga chín tuổi. Lớn chút nữa, nó sẽ biết chuyện này thực hư thế nào. Có con gái phải dạy cho nó cái tính cay như hạt tiêu đối với bọn con trai. Đêm hăm bảy Tết năm ngoái, Lý nói vậy”.

Không khí trong buồng đang lặng tờ. Bỗng nhiên Đông đặt tờ báo xuống bàn, quay ngang, quay ngửa:

- Luận này, nếu như nông trường họ gửi công văn lên, họ nhận lại vợ Cừ về làm, thì ta nên giải quyết thế nào nhỉ? Còn một vấn đề nữa: Sở nhà đất hôm qua đến, họ định xây lại chỗ nhà bị cháy, tôi bảo, để tôi hỏi thêm ý kiến mọi người đã…

Phượng đứng dậy, cùng cái Nga đi xuống bếp. Có thư của nông trường gửi vợ Cừ thật. Nhưng, chưa ai bóc. Không hiểu nội dung thế nào? Còn Lý, có thư từ gì đâu!

Ba mươi Tết, ngay từ sáng, Phượng đã vào bếp.

Nấu nướng cỗ bàn mấy ngày Tết cho gia đình, đó là việc của Phượng. Từ lâu, chị đã trở thành người nội trợ và hơn nữa, chị đã là linh hồn của cuộc sống căn nhà này, nơi chỉ có tình yêu thương chi phối các quan hệ hàng ngày.

Bé Nga giúp mẹ rửa rau, vo gạo, tỉa hoa su hào, đu đủ ngâm dấm ớt. Phượng nấu các món ăn. Vừa làm chị vừa cố nhớ lại từng cử chỉ, từng lời dặn của Lý. Và nhiều lúc chị đứng ngẩn, quên hết, vì âm hưởng sâu xa và hồi niệm rực rỡ của những ngày Tết năm ngoái. Hôm qua, Luận từ xí nghiệp Lý về nhà, mặt hớn hở, nhưng đứng ở trước bếp, bỗng như là bâng quơ: "Tết này mà có bà Lý thì có phải vui không?" Phượng không tiện hỏi, nhưng hiểu: Như thế là Luận đã đạt được ý muốn, Lý không bị kỉ luật sa thải nữa. Khổ, Lý không hoàn toàn xấu, không hoàn toàn sai. Lý có thể là người tốt, rất tốt. Tội nghiệp Lý! Thật là thế, như Luận vẫn hằng nói, chứ không phải là không khí Tết gợi mở lòng khoan thứ và tình thương yêu.

Chiều sâm sẩm mâm cỗ mới làm xong và được bưng lên căn phòng chung của cả gia đình.

Căn phòng đã được bày biện, trang trí y hệt năm ngoái. Hai góc phòng đặt hai chậu cúc đại đoá. Trên bàn, cái Nga để một lọ xuxi vàng ngà. Luận vừa đánh và bưng cả cây quất năm ngoái Lý mua 500 đồng từ ngoài vườn vào, đặt ở giữa phòng, rồi đứng ngẩn ngơ ngắm nó. Cử chỉ ấy nói lên một điều, Luận còn rất thương, rất nhớ bà chị dâu.

Mâm cỗ bày xong thì chợt cái Nga reo to:

- Chú Cần! Chú Cần, mẹ ơi!

Cần dắt cái xe đạp cao lênh khênh từ cổng vào, tóc rễ tre ướt nhoáng, áo bay màu lá chuối loáng hơi mưa phùn, tua tủa ria mép, mặt tươi rói:

- Cô Vân đâu, chú Cần? - Đông, Luận, Phượng cùng quay ra, hỏi.

Cần dựng xe, nhảy vào nhà, xốc cái Nga lên, hôn chút chút vào hai má nó:

- Đã được nghỉ đâu. Còn phải lo quần áo cho các vị cán bộ cao cấp tiếp khách quốc tế nhân ngày Tết dân tộc.

- Tết nhất phải cho người ta nghỉ chứ! - Luận nói.

- Thôi, nghỉ bù cũng được. Với lại, em hẹn rồi: 11 giờ tan ca, Vân sẽ đến. - Cần nói, quay nhìn mọi người, phân bua. - Lát nữa, em sẽ đi đón Vân. Bây giờ tiện có các anh chị, em tranh thủ hỏi ý kiến luôn nhé.

- Ngồi vào ghế đi đã. Làm gì mà sốt sột thế.

- Em và Vân định tổ chức cưới ngày mồng hai Tết.

Luận và Phượng cùng kêu:

- Gấp thế cơ à?

- Vì mồng năm Tết bọn em bắt đầu vào một chiến dịch rất quan trọng.

Luận gật đầu. Phượng cắn môi định nói thì Đông rút tay ra khỏi ống tay áo bông. Tóc bạc phếch, mặt Đông khổ não, nhưng trông Đông trịnh trọng nghiêm trang. Thế hệ trước đã mãn cả rồi. Giờ Đông là người thứ nhất của thế hệ sau trong gia đình.

- Thôi được, ông cụ mất cũng đã nửa năm rồi. Không câu nệ lắm chuyện ấy. Nhưng, tôi hỏi cậu vài điều đã.

Giọng Đông cân nhắc già nua:

- Việc này là chung thân đại sự, cô cậu đã tính kĩ chưa? Tình yêu không nên chỉ là hồn nhiên, không nên coi là chuyện giản đơn.

- Chúng em yêu nhau từ hồi còn học lớp 10 và đã qua năm năm thử thách.

- Tôi biết. Nhưng, cậu nên hiểu: gia đình chịu ảnh hưởng rất ghê gớm của xã hội. Liệu cô cậu có đủ vững vàng trước mọi khó khăn của cuộc sống không? Trước hết, có dám hoàn toàn chịu trách nhiệm về nhau không? Tất nhiên cơ sở của nó là tình yêu, là sự tự giác, là bản lĩnh của từng người.

Luận đưa mắt nhanh cho Đông. Luận hiểu, trong những lời thuần vẻ lí trí ấy có máu thịt, linh hồn Đông. Đông đang gắng khám phá sự thật và truyền kinh nghiệm sinh tử cho người em.

Nhưng, hình như là Cần thiếu nghiêm túc cần thiết khi đón nhận lời căn dặn của Đông. Cần cười, đầu lắc lắc:

- Anh tưởng bọn em chưa hề phải chịu tai hoạ do cái tồi tệ của xã hội gây ra sao? Vân bị đe doạ và chọn con đường không khuất phục như thế nào thì có lần em đã nói với các anh, chị rồi. Gần đây, em được biết, ông bố Vân ngoặc với ông tổ chức Bộ em, quyết phá việc của chúng em. Nhưng có hề gì. Bất trắc chẳng lung lạc được bọn em đâu. Kể cả việc nay mai, trúng tuyển nghĩa vụ, em vào bộ đội, đi lên biên giới xa tít, và Vân lại sống kham khổ như cũ. Dù thế nào bọn em cũng đủ ý thức và năng lực, ý chí để sống đẹp, sống đúng với bản chất người.

Đông hơi bị bất ngờ vì cách nói đại ngôn của Cần. Mỗi thế hệ, mỗi lớp người có một kiểu đi riêng. Lớp em Đông, rất khác Đông, trí tuệ hơn, có ý thức và tự tin hơn.

- Cuộc sống phức tạp lắm chứ không đơn giản đâu.

Đông chép miệng. Luận như chồm lên. Đông đã tiến một bước dài từ câu nói cửa miệng quen thuộc một năm trước đây: "Đời có gì phức tạp lắm đâu" tới câu nói vừa rồi, Luận hào hứng:

- Không phức tạp, không gọi là cuộc sống. Bản chất con người là vậy. Suốt đời con người chuyển động. Ai cũng có một cái đích lựa chọn để đi tới. Đích đúng, thì hạnh phúc cho mọi người. Còn đích sai thì tai hoạ, chí ít cũng làm phiền xung quanh. Còn cái xấu, cái tốt thì thời đại nào chả có. Đừng sợ cái xấu, cái xấu cũng là của mình, ở mình thôi! Phải chăm lo cho từng người. Cá tính mãi mãi tồn tại và đòi hỏi được quan tâm.

Cần ngẩng lên, lắc lắc cái đầu rậm, đầy vẻ quả quyết:

- Em cho rằng, công nghiệp hoá xong thì sẽ thanh toán hàng loạt cái xấu!

- Chưa hẳn đâu. - Đông lắc đầu. - Mức sống và lối sống là hai vấn đề khác nhau.

Cần găng:

- Hai vấn đề, nhưng có quan hệ với nhau. Em vừa về nước đã nghe chuyện cô y sĩ nào đó bỏ chồng, nói chính xác là được sự thoả thuận của chồng để lấy gã tư sản Thuỵ Điển. Mức sống cao, không có chuyện kiếm chác trong quan hệ vợ chồng.

Luận nhổm hẳn người lên:

- Nhưng có một thực tế là: Không nhất thiết thật giàu có mới sống đẹp được. Đói vẫn sạch được. Rách vẫn thơm được. Mỗi người đều có thể sống đẹp được; không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh; nhưng cũng không nên quá khắt khe với sai lầm của con người, con người đang ở trong tiến trình của nó, nó còn vật lộn dai dẳng với bản thân nó. Cần đi học nước ngoài về, Cần lưu ý điều này: đứng vững trên mảnh đất than bụi đầy bùn này mà ngửa mặt đón nhận thế giới. Dân tộc mình đẹp, biết sống làm người lắm. Nhân nghĩa, vị tha, hết lòng cho nhau. Không có cái đó, lạc lối ngay.

Cần gật đầu, đầy vẻ hiểu biết:

- Em không phản đối anh. Nhưng lúc này mà cứ nhấn mạnh đạo đức, e không hợp. Đói nghèo lâu quá rồi.

- Cả hai mặt đều phải đồng thời. Theo tôi, - Luận dằn mạnh, - đó là vì bản chất con người là một sinh thể tự nhiên, con người có nguồn gốc động vật, nhưng là một sinh thể tự nhiên tính người. Ta vừa phải thoả mãn nhu cầu con và nhu cầu người của con người. Nhưng thoả mãn nhu cầu con là để phát triển nhân cách người. Cuộc cách mạng của chúng ta không gì khác hơn là làm cho con người sống sung sướng về vật chất và cao đẹp về tâm hồn. Ngoài ra, trong con người nếu có phần thần thánh, cao diệu nữa, thì cũng cần được cuộc sống giữ gìn, vun đắp.

Đông cụ cựa, có lẽ vì anh nhà báo hay lí sự dài dòng và cao siêu. Nhưng Luận vẫn chưa chịu thôi. Hạ giọng, Luận nhìn Cần, vẫn giữ giọng đàn anh, giáo huấn:

- Riêng về địa hạt gia đình, cậu dẫu sao cũng là anh lính mới đó, Cần ạ.

- Tất nhiên, em sẽ luôn hỏi ý kiến anh chị.

- Cần có biết một năm ở nước ta có bao nhiêu đám cưới không? Năm mươi vạn. Tức là mỗi năm có một triệu thanh niên bước vào cuộc sống gia đình.

Phượng ngẩng lên, ngạc nhiên thích thú về thông tin Luận vừa truyền đạt. Đông quay ngang, như ông chủ toạ cuộc họp:

- Cô Phượng có ý kiến gì về việc cậu Cần không?

Phượng khẽ khẽ.

- Mồng hai Tết, chỉ sợ không báo kịp cho chị Hoài, chị Hoài viết thư có dặn…

- Không lo! - Cần đứng dậy. - Em sẽ mượn xe máy, sáng mồng một Tết về đèo chị Hoài lên.

Đông gật:

- Được đấy. Nhân thể cậu chuyển lá thư nông trường họ gửi cho cô Cừ, bảo cô ấy đọc xem họ nói gì. Rồi bàn với chị Hoài luôn. Tôi chắc, họ gọi cô ấy về làm việc lại ở nông trường.

Chị Hoài lên! Mắt Phượng và mắt bé Nga cùng loé sáng. Chị Hoài! Một năm qua, đó là khuôn mặt Phượng lưu giữ lâu nhất trong tâm ức. "Bao giờ cậu Cần cưới vợ, cô Phượng ở cữ, cô Lý về, nhớ điện cho tôi lên ". Chị Hoài nói vậy. Bao giờ Lý về? Lý có về không? Tưởng như bóng hình Lý vẫn còn lẩn quất đâu đây, giữa câu chuyện của mọi người, trong đáy mắt âu sầu của Đông, trong khắc khoải của Luận, trong giấc mơ của Phượng, trong đón chờ vô tư của bé Nga.

Giá mà Lý bỗng hiện ra, Lý sẽ đứng điều khiển lo toan cho cái đám cưới hôm mồng hai Tết của Cần và Vân. Sẽ vui lắm. Sẽ mừng lắm. Mừng cho một trong năm mươi vạn gia đình hàng năm hình thành. Gia đình, cái hình thái kết hợp lạ nhất của loài người, hình ảnh thu nhỏ của đời sống xã hội; rồi đây trong bước phát triển vũ bão của cuộc sống, sẽ còn nảy nở thêm bao sắc thái mới mẻ trong các mối quan hệ, nhưng với nó, ước mong no ấm, yên vui, hạnh phúc có bao giờ thôi là ước mong muôn thuở vĩnh hằng. Mong cho con người được no ấm, yên vui, hạnh phúc, mong cho con người ngày một phong phú về cá tính, ngày một giỏi giang, một tốt đẹp lên, dẫu còn gian nan nhọc nhằn, dẫu kẻ thù còn độc ác, tàn bạo, nhiều kế hiểm mưu sâu.

Đông quyết định chờ Cần đi đón Vân về rồi cả nhà mới ăn cỗ.Cái Nga níu vai Phượng, ríu rít:

- Mẹ ơi, con với mẹ đi gieo hạt mướp đi.

Hai mẹ con ra vườn.

Lát sau, gieo xong mướp, cái Nga vào nhà, Phượng đi sau con. Nhưng Phượng phải dừng lại ở cửa buồng vì bỗng nghe thấy tiếng Đông dóng to lên như nổi nóng rồi sau đó là tiếng Luận khẽ khàng, kín đáo:

- Anh đừng nên bất công với chính anh. Chỉ cần con người có khuynh hướng trở về với cái thiện là ta phải giơ tay ra đón nó. Nhất là người đó là của mình. Cái xấu nhiều khi là ngẫu nhiên. Con người, chứ không phải là cái gì trừu tượng… Phải tha thứ, như xí nghiệp người ta đã xoá bỏ dự định sa thải chị ấy. Trong việc này, ta chưa có thói quen tha thứ sai lầm của phụ nữ. Bao dung trước lỡ lầm của phụ nữ, xem ra còn là việc khó với đàn ông. Nhưng, với anh thì em tin là anh vượt được cái khó này. Em tin cả chị ấy nữa. Thư chị ấy nói: Thà em chịu cái khổ, cái buồn ở nhà còn hơn sống như hiện nay . Đó là chị ấy nói sự thật. Anh đừng chấp nhặt, cũng đừng nên tự ái. Sống ở đây, chị ấy chưa thoả mãn đâu, nhưng ít ra chị ấy cũng đã nhận ra một chân lí: sống theo luân lí, đạo đức dân tộc, sung sướng hơn sống vô luân, buông thả.

Phượng run hết chân tay. Hoá ra có thư của Lý thật và hai người đàn ông có điều cần bàn bạc riêng nên vẫn giấu chị. Và lúc này Luận đang cố gắng thuyết phục Đông, thuyết phục bằng tất cả tâm hồn và lòng nhiệt thành. Đông sẽ phản ứng? Đông sẽ nói gì?

Không, Luận vẫn nói, thôi thúc:

- Anh đồng ý, em ra Bờ Hồ đánh điện khẩn cho chị ấy ra Hà Nội, trở về nhà ngay bây giờ. Anh nói đồng ý đi, anh Đông!

Im lặng lần này mới thật nghẹn thở. Tim Phượng nén chặt, cơ hồ như nó sẽ bung vỡ ngay bây giờ mất. Cầu giời cho anh Đông đồng ý. Anh Đông, em xin anh. Anh Đông, anh gật đầu đi. Anh Đông, hay là anh bảo: "Mặc các cô cậu! Tuỳ các cô cậu!" cũng được. Bản chất chiến sĩ cao thượng và kinh nghiệm đời sẽ gạt đi cái khó để anh giải quyết thoả đáng, đúng đắn sự kiện này. Chị Lý có đủ điều kiện để trở nên một con người tốt. Anh Luận, anh Đông im lặng tức là anh Đông đồng ý rồi đấy. Anh ra bưu điện ngay đi, không em ăn cỗ đêm nay không ngon, không cái Tết này sẽ mất vui, không em sẽ thương sẽ lo, sẽ mãi mãi đau đớn trong lòng.

Chợt, Phượng giật thót mình. Một chùm lá nhãn già rụng, rơi sượt qua người Phượng. Phượng chợt nhớ tới lời ông Bằng nói về Cừ khi ông hấp hối. Mùa rụng lá trong vườn cây sắp qua, tuy vẻ tiêu điều của nó thì còn ở lại trên cây một thời gian dài nữa. Vẻ sầu thương của cảnh quan cũng như khía cạnh bi đát của cuộc sống là hiện thực và dễ hiểu, nhưng hình như con người luôn luôn muốn phủ nhận chúng, muốn chế ngự chúng và bao giờ con người cũng muốn, cũng cần giữ tư thế chủ động vươn tới, đạt được sự hợp lí hài hoà, dầu có phải chịu bao nhiêu khó nhọc, khổ đau.

Cái Nga bỗng ló ra cửa, thất thanh:

- Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?

Một lần nữa, Phượng lại giật thót mình. Bé Nga ập vào chị, thủ thỉ: "Mẹ ơi, có phải bác Lý bác ấy làm sao phải không, mẹ? Bố với bác Đông lên gác rồi. Con thấy bác Đông không nói gì, nhưng bác ấy khóc, mẹ ạ".

Chính lúc ấy Phượng cũng trào nước mắt. Phượng thương Lý, thương Đông, thương tất cả mọi người.

Hà Nội 12/1982

Hết
Mùa lá rụng trong vườn
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20 (Chương kết)