II-Chương 3
Tác giả: Mạc Ngôn
Ngày mồng hai tháng Ba năm 1900 tức mồng hai tháng Hai năm Canh Tý, Quang Tự năm thứ hai mươi sáu, tương truyền chấp long ngóc đầu dậy vào ngày này. Qua ngày mồng hai tháng Hai, xuân dương phát động, địa khí bắt đầu dâng lên, chỉ còn đợi ngày là đánh trâu ra đồng làm lễ hạ điền. Hôm ấy là phiên chợ trấn Mã Tang của làng Đông Bắc Cao Mật. Nông dân ru rú trong nhà cả mùa đông, cần hay không cần đều đi chợ, không tiền thì đi bát phố ngắm thiên hạ, xem hát quịt; có tiền thì ăn bánh nướng, ngồi quán trà, uống rượu hâm. Hôm ấy nắng đẹp tuy vẫn còn đôi chút gió lạnh, nhưng rõ ràng đã là tiết xuân, rét ít ấm nhiều, những cô gái thích làm dáng, trút bỏ áo lông dày cộp, thay bằng áo chẽn gọn gàng, nổi bật đường cong của cơ thể.
Sáng sớm, Tôn Bính – chủ quán trà Tôn Ký, quảy đôi thùng gỗ leo lên mặt đê, lần xuống mép sông Mã Tang, bước lên cái bến ghép bằng gỗ, múc đầy hai thùng bước trong, chuẩn bị cho một ngày làm hàng. Ông thấy băng vụn đầu hôm đã tan hết chỉ trong một đêm,dòng sông xanh biếc sóng lăn tăn, hơi nước mát lạnh từ từ dâng lên.
Năm ngoái mùa màng không thuận lắm, xuân hạn, thu lụt, nhưng không có mưa đá, thu hoạch chỉ sáu bảy phần mười. Quan huyện Tiền thương dân, báo lên là bị lụt, miễn cho vùng Đông Bắc Cao Mật một nửa thuế, vậy là dân Đông Bắc Cao Mật dư dả hơn cả nửa năm được mùa. Dân làng cảm ơn quan lớn Tiền, góp tiền làm một cái lọng, đề cử Tôn Bính đem biếu quan huyện. Tôn Bính ra sức thoái thác, nhưng dân làng giở võ cù lần, quẳng lọng vào gian giữa quán trà của ông.
Không còn cách nào khác, Tôn Bính đành vác lọng lên huyện biếu quan tri huyện. Đây là lần đầu tiên ông lên huyện kể từ khi bị vặt râu. Đi trên phố huyện, ông không thể nói rõ là mình ngượng, mình hận hay mình buồn, chỉ thấy cằm nhâm nhẩm đau, hai tai nóng bừng, bàn tay đẫm mồ hôi. Gặp người quen, chưa kịp chào, ông đã đỏ mặt. Hình như trong lời lẽ của những người quen, ông đều cảm thấy có vẻ mỉa mai diễu cợt. Định phá bĩnh nhưng không tìm được lý do.
Vào huyện, nha dịch dẫn ông đến phòng khách. Ông để lọng xuống, quay ra thì nghe thấy tiếng cười ha hả của quan lớn Tiền. Hôm ấy, quan lớn Tiền mặc áo dài, bên ngoài mặc áo chẽn, đầu đội mũ nhỏ có dải lụa đỏ, tay cầm quạt giấy màu trắng, phong thái ung dung, trang nhã. Ông lớn Tiền rảo bước, tiến đến bắt tay Tôn Bính, vồn vã:
- Tôn Bính, ta với ông đánh nhau rồi mới nhận anh em!
Nhìn bộ râu thanh thoát của quan lớn Tiền, trong lòng Tôn Bính cay đắng vô cùng khi nghĩ mình cũng từng có bộ râu đẹp như thế, mà nay cằm dưới lởm chởm như đầu con nhím. Ông định nói một câu ngỗ ngược, nhưng khi nói ra miệng lại là: Tiểu dân được dân vùng Đông Bắc ủy thác, đem lọng đến biếu ông lớn… Vừa nói ông vừa mở lọng ra – lọng đầy chữ ký của dân trong vùng, đưa đến trước mặt quan lớn Tiền. Tiền Đinh cảm động nói:
- Chà chà, bản chức vô tài vô đức, đâu dám hưởng vinh dự to lớn này? Không dám, quả thực không dám…
Sự khiêm tốn của Tiền Đinh khiến Tôn Bính cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm đôi chút. Ông đứng nghiêm, nói: Nếu quan lớn không còn điều gì sai bảo, tiểu dân xin cáo từ.
- Ông đại diện cho dân Đông Bắc lên biếu lọng, bản chức rất vinh hạnh, làm sao về ngay được? - Tiền Đinh gọi to – Xuân Sinh!…
Xuân Sinh dạ lên một tiếng, chạy đến:
- Ông lớn có điều gì sai bảo?
- Bảo nhà bếp bày tiệc đãi khách, long trọng vào! Nhân tiện bảo Phu tử viết ít thiếp, mời hơn chục vị hương thân bồi tiếp.
Bữa cơm trưa hôm đó cực kỳ thịnh soạn. Quan huyện đích thân mời rượu; các vị hương thân luân phiên mời mọc, chuốc cho Tôn Bính say lử cò bợ, chân không bén đất, những cấn cá trong lòng tan biến. Khi nha dịch dìu ông ra cổng huyện lỵ, ông ngẫu hứng cất giọng ca một khúc Miêu Xoang:
Cô vương tọa Đào hoa cung, nghĩ tới mặt hoa nàng Mỹ Dung…
Năm vừa qua, nhân dân vùng Đông Bắc Cao Mật tương đối vui, nhưng chuyện không vui cũng có. Không vui nhất là người Đức làm con đường sắt từ Thanh Đảo đến Tế Nam, vắt ngang vùng Đông Bắc. Thực ra, chuyện người Đức làm đường sắt thì cách đây mấy năm đã có tin đồn, nhưng mọi người không lấy làm được. Đến khi nền đường từ Thanh Đảo bò tới Cao Mật thì chuyện trở nên nghiêm trọng. Bây giờ, đứng trên đê Mã Tang đã có thể nhìn thấy nền đường như con rồng đất từ phía đông nam bò tới, trải dài trên cánh đồng bằng phẳng. Phía sau trấn Mã Tang, người Đức dựng những căn lều cho công nhân làm đường và kho vật liệu, cánh đường tương đối gần, trông xa như hai chiếc tàu thủy chạy song song.
Tôn Bính gánh đầy ang nước, cất thùng và đón gánh, bảo chú giúp việc mới tuyển tên là Thạch Đầu nhóm lò. Ông lau chùi bàn ghế, cọ rửa ấm chén, mở cánh cửa mặt phố, rồi ngồi sau quầy hút thuốc, đợi khách.
Từ khi bị vặt râu, cuộc sống của Tôn Bính có sự thay đổi lớn.
Trưa hôm ấy, ông ở nhà con gái. Nằm trên giường, ông nhìn lên cái thòng lọng đã buộc sẵn trên xà nhà, đợi tin con gái hành thích quan huyện, thành công hay thất bại ông đều treo cổ tự tử. Vì ông biết, chuyến này con gái thành công hay không đều liên quan đến ông, chắc chắn ông lại vào nhà giam. Ông đã từng bị giam, biết nó kinh khủng như thế nào, vì vậy thà chết còn hơn.
Tôn Bính nằm rên giường suốt buổi, lúc ngủ lúc thức, lúc nửa ngủ nửa thức. Khi nửa ngủ nửa thức, trong đầu ông lại tái diễn hình ảnh kẻ giết người như từ trên trời rơi xuống, dưới ánh trăng vằng vặc… Tên giết người cao to, chân tay thô mập, hành động nhanh nhẹn, như một con mèo đen khổng lồ. Khi đó, ông đang đi trong ngõ hẹp từ lầu Mười Hương sang khách điếm họ Tào, mặt đường lát đá sáng lên như dưới nước có trăng, lung linh cái bóng đổ dài của hắn. Rượu và gái của lầu Mười Hương khiến ông ngất ngư, đến nỗi khi tên sát nhân “bụp” cái đứng ngay trước mặt, ông cứ tưởng đó là ảo ảnh. Tiếng cười nhạt của hắn khiến ông sực tỉnh, theo bản năng, thò tay vào bọc lấy mấy đồng xu lẻ còn sót lại, ném xuống trước mặt. Tiền rơi lanh canh trên mặt đường, ông lè nhè: “Anh bạn, tui là Tôn Bính, người Đông Bắc Cao Mật, kép hát kịch Miêu Xoang, tiền bạc thì trả nợ phong tình hết rồi, hôm nào anh bạn đến Đông Bắc, người anh em sẽ diễn một vở tầm cỡ đãi anh bạn…”. Người áo đen không thèm nhìn mấy đồng xu dưới đất, mà từng bước áp sát ông. Ông cảm thấy khí lạnh toát ra từ con người này nên tỉnh hẳn rượu. Ông ý thức được, đây không phải là tên trộm vặt kiếm mấy đồng xu, mà là một kẻ đang lùng sục kẻ thù. Trong đầu ông như đèn kéo quân, cố nhớ xem ai là kẻ thù của mình, đồng thời lui dần vào một góc tối. Người áo đen lồ lộ dưới ánh trăng, đường nét khuôn mặt lờ mờ sau tấm mạng đen. Chiếc bao râu buông lơi trước ngực đập vào mắt ông, một ý nghĩ lóe lên trong đầu, hình hài quan huyện lộ ra sau bộ đồ đen, như con tằm chui ra từ xác nhộng. Cảm giác sợ hãi lập tức tan biến, chỉ còn lại sự căm thù và khinh bỉ. Thì ra là ông lớn, ông nói, giọng khinh miệt. Người áo đen vẫn cười nhạt, đồng thời nâng bao râu rũ một cái, làm như khẳng định ông đã đoán đúng. Nói ra xem nào, ông lớn! Ông muốn gì ở tui? Nói xong, tôi nắm tay lại, chuẩn bị quyết đấu với quan huyện cải trang kẻ đi đêm. Nhưng ông chưa kịp ra tay, cằm dưới đã đau nhói, một nắm râu đã trong tay người áo đen. Tôn Bính gầm lên, nhằm người áo đen xông tới. Ông đã diễn trò đã nửa đời người, nhào lộn; đấm đá trên sân khấu, tuy không thực sự là võ công, nhưng thừa sức hạ một anh tú tài. Tôn Bính bừng bừng lửa giận, hăng máu lên, nhảy xổ vào người mặc đồ đen. nhưng tay ông chưa chạm tới người áo đen thì đã ngã ngửa, gáy đập phải đá, ngất lịm. Khi ông tỉnh lại, người áo đen chặn chân trên ngực ông. Ông thở khó nhọc, nói: ông lớn đã tha cho tui rồi kia mà? Sao lại… Người áo đen cười khẩy, vẫn không nói câu nào, túm lấy chòm râu của ông giật mạnh, một nắm râu lại đã trong tay hắn. Tôn Bính đau quá kêu thét lên. Người áo đen vứt túm râu, cúi nhặt hòn cuội to bằng quả trứng, nhét gọn trong miệng Tôn Bính. Tiếp đó, bằng một động tác chính xác và mạnh, người ấy vặt sạch râu của ông. Khi Tôn Bính gượng dậy được, người áo đen đã mất hút, nếu cằm và gáy không đau như cắt thịt, ông tưởng như mình đang ngủ mê. Ông dùng tay móc hòn đá ra, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa. Ông trông thấy những sợi râu của mình lăn lóc trên mặt đất như cỏ nước khô.
Lúc trời sắp tối, con rể cười khơ khớ, quẳng cho ông cái bánh nướng, cười khơ khớ đi luôn. Đợi đến khi lên đèn, con gái mới về nhà. Dưới ánh sáng rực rỡ của ngọn nến, con gái vui cười hỉ hả, chẳng có vẻ vừa đi giết người trở về, cũng không có vẻ giết hụt trở về, mà in như vừa dự đám cưới. Ông chưa kịp hỏi, con gái đã xịu mặt, nói:
- Cha nói bậy! Ông lớn bạch diện thư sinh, tay mềm như bông, làm sao có thể che mặt làm đạo tặc? Theo tui thì cha bị mấy con đã đổ cho nước đái ngựa, lú lẫn rồi, mắt không phân biệt thực hư, đầu không phân nổi phải trái, mới nói bậy bạ như thế. cha không nghĩ rằng, muốn vặt râu cha thì cần gì một ông tri huyện phải đích thân động thù? Lại nữa, nếu định vặt râu cha, thì khi đọ râu, sao không để cha tự vặt? Việc gì phải xóa tội cho cha? Lại nữa, câu nói bậy của cha, đủ để người ta công khai lấy mạng, cho dù không định tội, cứ giam cho đến chết trong nhà giam, việc gì phải đọ râu cho mệt? Cha ơi, cha cũng đã quẳng đi cái tuổi bốn nhăm năm mươi của cha rồi, vẫn không bao giờ nghiêm chỉnh, tối ngày ngủ lang đi bụi, bắt gà trộm chó, tui cho rằng, chính là người nhà trời vặt râu cha! Đó là trời cảnh cáo cha. Nếu cha không sửa, lần sau sẽ vặt đầu cha.
Con gái nói như liên thanh, khiến Tôn Bính toát mồ hôi. Ông nghi ngại nhìn nét mặt nghiêm chỉnh của con, nghĩ thầm: Lạ thật! Mười câu có đến tám câu không phải là khẩu khí của nó. Vỏn vẹn trong một ngày, nó đã trở thành người khác. Ông cười nhạt, hỏi:
- Mi Nương, thằng cha họ Tiền đã phù phép gì trên người con?
- Cha nói gì thế, cha còn là cha nữa không? – Mi Nương giận đỏ mặt – Ông lớn Tiền là bậc chính nhân quân tử, gặp tui ông không thèm nhìn – Nàng lấy trong bọc một thỏi bạc lớn, quẳng lên giường – Ông lớn bảo rằng, “xướng ca vô loài”, người đứng đắn không ai làm nghề này. Ông lớn thưởng cho cha đĩnh bạc năm mươi lượng, cha giải tán cái gánh hát đi, mở một cửa hiệu nhỏ.
Ông tức lộn ruột, định ném trả đĩnh bạc để tỏ rõ khí phách của người dân Đông Bắc Cao Mật, nhưng khi tay chạm vào thỏi bạc mát lạnh, ông lại không nỡ quẳng nó đi.
- Con gái, đĩnh bạc này không phải trong chì ngoài thiếc đấy chứ?
- Cha nói gì bậy bạ thế? – Mi Nương giận tím mặt – Chuyện giữa cha và mẹ tui, đừng tưởng tui không biết. Cha sống phóng đãng đã quen, khiến mẹ tui uất mà chết, tui suýt nữa cũng bị con lừa cắn chết! Tui suốt đời hận cha! Nhưng vì không thể đổi cha này lấy cha khác, dù oán hận đến mấy thì cha vẫn là cha. Trên đời này nếu có một người thành tâm mong cha tốt lên, người đó chính là tui. Cha nên nghe lời khuyên của ông lớn Tiền, kiếm nghề đứng đắn mà làm, xem ai hợp ý mình thì cưới, sống yên lành lấy dăm năm.
Tôn Bính cầm đĩnh bạc trở về vùng Đông Bắc Cao Mật, dọc đường, lúc giận cành hông, lúc ngượng chín mặt. Gặp người đi đường, ông lấy tay áo che miệng, sợ người ta trông thấy cái cằm máu loang lổ. Khi về gần đến nhà, ông dừng lại bên sông Tang Mã, làn nước phẳng như gương, ông nhìn thấy khuôn mặt xấu xí đầy nếp nhăn, tóc mai đã điểm sương, gần như một ông lão. Ông thở dài, nén đau, vốc nước rửa mặt rồi đi về nhà.
Tôn Bính giải tán gánh hát. Trong gánh có đào Hồng, mồ côi, với ông vốn đã già nhân ngãi non vợ chồng, nhân dịp này, nhờ người mai mối, chính thức cưới. Tuy tuổi tác có chênh lệch khá xa, nhưng vẫn đẹp đôi. Vợ chồng dùng số bạc ông lớn cho, mua một cơ ngơi trên phố, sửa sang đôi chút, mở một quán trà. Mùa xuân năm ngoái, Đào Hồng đẻ sinh đôi, một trai một gái, đại hỉ. Tiền đại nhân sai người đem lễ vật đến mừng: Một đôi kiềng cổ, mỗi chiếc hai lượng. Chuyện này kinh động vùng Đông Bắc Cao Mật. Người đến mừng rất đông, bốn mươi mâm mới đủ. Người ta đồn mảnh với nhau, rằng quan huyện là chàng rể một nửa của Tôn Bính, Tôn Mi Nương là quan bà một nửa. Lúc đầu nghe nói vậy, ông cảm thấy nhục nhã, dần dà cũng bỏ ngoài tai. Râu không còn, trước như con ngựa bất kham trụi bờm trụi lông đuôi, uy phong đã mất mà trái tính cũng đỡ, khuôn mặt ngang tàng xưa kia, nay hiền hòa, bóng nhẫy. Tôn Bính bây giờ đang sống hạnh phúc và yên ổn. Mặt đỏ au, tính nết hiền hòa, đúng là một hương thân.
Khoảng nửa buổi, khách đông. Tôn Bính cởi áo dài bông, chỉ mặc một áo chẽn, khăn mặt vắt vai, tay xách bình trà cổ cao, chạy tới chạy lui, bận rộn toát mồ hôi. Ông vốn hát giọng cao. Giờ đây, vận dụng nghệ thuật sân khấu vào công việc làm ăn, giọng ông lên bổng xuống trầm, bước chân ông như nhảy như múa. Chân tay nhanh nhẹn, động tác chuẩn xác, nhất cử nhất động, tiết tấu phân minh. Bên tai ông, hình như có dàn đệm của đàn Miêu, tì bà và sáo trúc. Lâm Xung bỏ trốn trong đêm, Thất không trảm, Phong ba đình, Thường Mậu khóc mèo… Ông pha trà, thêm nước, chạy tới chạy lui, quên hết những việc khác, hạnh phúc trong lao động. Sân sau, ấm nước sôi rít lên lanh lảnh. Ông vội chạy vào lấy nước. Chú giúp việc Thạch Đầu tóc đầy bụi than, mặt nhem nhuốc, do vậy hàm răng càng trắng. Thấy chủ vào, chú càng ra sức kéo bễ. Trên bốn bếp lò là nước sôi bắn xèo xèo xuống bếp, khói trắng bốc lên, mùi thơm xộc vào mũi. Đào Hồng vợ ông, mỗi tay dắt một đứa lẫm chẫm tập đi, đòi lên chợ chơi. Bọn trẻ vui cười, mặt tươi như hoa. Đào Hồng bảo:
- Con Bảo, con vân chào cha đi!
Hai đứa trẻ lúng búng chào cha. Ông đặt ấm xuống, lau tay bằng vạt áo, bế hai đứa trẻ lên, dùng cái cằm đầy sẹo thơm lên má chúng. Mặt chúng có mùi sữa. Bọn trẻ cười như nắc nẻ, ông cảm thấy mật ngọt đang tan trong người. Ngọt đến cực điểm thì có vị chua. Bước chân ông càng thanh thoát, ứng đối khách cười sang sảng. Nét mặt tươi cười của ông, người khó tính đến mấy cũng phải thừa nhận rằng, ông đang hạnh phúc.
Tranh thủ một phút rỗi, Tôn Bính tựa quầy châm tẩu thuốc, rít một hơi thật dài. Từ khung cửa mở rộng, ông trông thấy vợ dắt hai con hòa vào dòng người, đi về phía chợ.
Một người tai to mặt lớn, vẻ phú quí ngồi trước bàn bên cạnh cửa sổ. Ông ta tên là Hiếu Cổ, tự Niệm Tổ, người ta gọi ông là Hai Trương. Ông Hai Trương tuổi ngoài năm mươi, mặt hồng hào, khí sắc cực tốt. Chiếc mũ quả dưa bằng đoạn màu đen chụp trên cái đầu tròn xoay, mặt trước mũ đính vào viên ngọc lục hình chữ nhật. Ông Hai là người học rộng ở vùng Đông Bắc Cao Mật, mua chức giám sinh, từng xuống Giang Nam, từng lên biên giới phía bắc, tự khoe rằng, đã từng một đêm nhất dạ phong lưu với kỹ nữ nổi tiếng Bắc Kinh Trại Kim Hoa. Chuyện thiên hạ, chỉ cần mào đầu, không có chuyện nào ông không biết phần đuôi. Ông là khách hàng quan của quán trà Tôn Ký, chỉ cần ông ngồi vào ghế là nói hết phần của những người khác. Ông Hai bê bát trà lên, mở nắp, dùng ba đầu ngón tay gạt bọt sang một bên, thổi phù một cái, nhấp một ngụm nhỏ, chép chép miệng, nói:
- Ông quán, sao trà hôm nay nhạt thế?
Tôn Bính vội gõ tẩu, lon ton chạy tới:
- Thưa ông Hai, đây là trà Long Tỉnh loại một mà ông vẫn thường dùng.
Ông Hai lại nhấp một ngụm nhỏ, chép chép, nói:
- Đúng là nhạt.
Tôn Bính vội nói:
- Không thì đốt quả hồ lô cho ông Hai.
- Hơi cháy một chút – Ông Hai nói.
Tôn Bính trở lại quầy, lấy xiên xuyên suốt quả bầu be rồi nướng trên ngọn đèn dầu, một mùi thơm kỳ lạ lập tức tỏa khắp căn phòng.
Sau khi uống nửa chung trà đậm pha trong quả bầu be, tinh thần ông Hai phấn chấn hẳn lên, hai mắt ông linh hoạt như hai con cá nhỏ, lướt trên khuôn mặt mọi người. Tôn Bính biết, ông Hai sắp cao đàm khoát luận. Cậu cả Ngô người gầy guộc, răng xỉn vì trà đặc và khói thuốc, cất giọng khê đặc hỏi:
- Ông Hai, đường sắt có tin gì mới không?
Ông Hai đặt đánh cạch bát trà xuống bàn, dẩu môi trên, khịt mũi một cái, ra vẻ kẻ cả:
- Tất nhiên có tin mới. Ta có nói với các vị rằng, ông bạn Quảng Đông Giang Nhuận Hoa tiên sinh của ta là Tổng Chủ bút Vạn quốc công báo, trong nhà lắp đặt hai máy điện báo, nhận từ Đông dương Tây dương tất cả những tin tức mới nhất. Hôm qua, nhà ta vừa nhận được Phi Hồng truyền thư – Từ Hi Thái Hậu tiếp đặc sứ Đức tại cung Vạn Thọ – Di Hòa Viên, bàn chuyện xây dựng đường sắt Giao – Tế.
Cậu cả Ngô vỗ tay:
- Ông Hai, ông đừng nói vội, để tiểu nhân đoán thử.
- Cậu đoán xem nào – Ông Hai nói – Cậu mà đoán đúng, ta bao hết tiền trà của các vị ở đây.
- Ông Hai hào phóng quá! – Cậu cả Ngô nói – Tiểu nhân đoán là, đôn kêu của dân chúng đã phát huy tác dụng, đường sắt đổi tuyến rồi.
- Vạn hạnh, vạn hạnh – Một ông râu đốm bạc lẩm bẩm – Lão Phật gia sáng suốt! Lão Phật gia sáng suốt!
Ông Hai lắc đầu, thở dài:
- Các vị phải tự trả tiền trà thôi.
- Rút cuộc vẫn không đổi tuyến! – Cậu cả Ngô cáu kỉnh, nói – Vậy là công toi.
- Đơn thỉnh cầu của dân đã bị đại nhân nào đó dùng làm giấy lau tay rồi – Ông Hai vẻ oán trách - Lão Phật gia đã nói ra miệng, “Hoàng Hà có thể đổi dòng, đường sắt Giao – Tế thì không đổi tuyến”.
Mọi người chán nản, đây đó vang lên những tiếng thở dài. Tú tài Khúc có mảng lang ben trên mặt, nói:
- Vậy vua Đức cử đặc sứ sang, để tăng tiền đền bù chiếm đất phá mồ mả của ta chứ gì?
- Ông tú Khúc bàn sát nút rồi đó – Ông Hai rành rẽ – Đặc sứ của Đức hoàng gặp lão Phật gia đã dùng đại lễ – ba lần quì lạy, chín lần khấu đầu để ra mắt, sau đó dâng lên một quyển sổ da dê loại hảo hạng, vạn năm cũng không rách. Đặc sứ nói, Đức hoàng bảo, quyết không để nhân dân vùng Đông Bắc Cao Mật bị thiệt. Chiếm một mẫu đất, bồi thường một trăm lượng bạc; hủy một ngôi mộ, đền hai trăm lượng. Từng gánh bạc trắng đã được tàu thủy đưa đến từ lâu rồi.
Mọi ngẩn ra một thoáng, rồi lập tức ồn lên:
- Mẹ kiếp, chiếm của tui một mẫu hai mà chỉ bồi thường có tám lạng!
- Phá của nhà tui hai ngôi mộ tổ mà cũng chỉ đền có mười hai lượng!
- Thế bạc chạy đi đâu?
- Làm gì mà ầm lên thế? – Ông Hai vỗ bàn, không bằng lòng – Gào đến vỡ trời cũng chẳng ăn thua! Nói để các vị biết, số bạc đã bị bọn phiên dịch, bọn Hán gian mại bản cắt xén hết.
- Đúng, đúng – Cậu cả Ngô nói – Có biết thằng Cầu bán quẩy ở trước đồn không? Thằng cha làm chân hầu bài trong tháng cho bọn phiên dịch. Mỗi tối nhặt nhạnh tiền giấy rơi dưới đất cũng được nửa bao. Chỉ cần chơi với bọn đường sắt, bất kể rùa rùa ba ba đều giàu to! Nếu không, đã chẳng có câu “Xe lửa nổi còi, vàng thoi vạn lượng”.
- Ông Hai, những chuyện này lạo Phật gia có biết không?
- Cậu hỏi ta – Ông Hai trợn mặt – Vậy ta hỏi ai?
Mọi người cười đau khổ, rồi cúi xuống húp trà xoàn xoạt.
Im ắng một lát, ông Hai thấp thỏm ngó ra ngoài, sợ có người nghe trộm, ông hạ giọng nói:
- Có chuyện đáng sợ hơn, các vị muốn nghe không?
Mọi người nhìn chằm chằm vào miệng ông Hai đợi nghe kể, không ai nói gì.
Ông Hai nhìn quanh, vẻ bí hiểm:
- Ông bạn thân của ta, tiên sinh Vương Vũ Đình, người Bái Nhiên, làm trợ tá phủ đường Giao Châu, gần đây tiếp nhận mấy chục vụ án kỳ lạ; rất nhiều đàn ông khi ngủ dậy thấy đuôi sam đã bị cắt cụt.
Mọi người kinh ngạc, không ai dám hỏi gì thêm, chỉ dỏng tai nghe ông Hai kể tiếp:
- Những người bị cắt đuôi sam, thoạt tiên đầu váng mắt hoa, tay chân bải hoải, tiếp theo là tinh thần thảng thốt, nói năng lảm nhảm, thế là tàn đời! – Ông Hai nói – Thuốc mấy cũng không khỏi, vì rằng đây không phải bệnh trong người.
- Chẳng lẽ lại có phong trào tóc dài? – Cậu cả Ngô nói – Tiểu nhân nghe người già kể, những năm thời Hàm Phong, quân tóc dài đánh lên phía Bắc, cắt đuôi sam trước, chém đầu sau.
- Không phải, không phải! – Ông Hai nói – Lần này là do bọn truyền giáo Đức giở trò ma thuật.
Tú tài Khúc băn khoăn:
- Cắt đi bấy nhiêu đuôi sam dùng vào việc gì?
- Cổ hủ quá! – Ông Hai tỏ vẻ không bằng lòng – Ông tưởng người ta cần cái đuôi sam của ông chắc? Người ta cần là cần linh hồn ông. Vì sao những người bị cắt đuôi sam lại bị chứng bệnh như vậy? chẳng phải bệnh tâm hần thì là bệnh gì?
- Ông Hai, tui vẫn có chỗ chưa rõ – Tú tài nói – Người Đức bắt đi bấy nhiêu linh hồn để làm gì?
Ông Hai cười nhạt, không trả lời.
- Ông Hai, tiểu nhân đã hiểu, chắc hẳn chuyện này liên quan đến đường sắt.
- Cậu cả thông minh! – Ông Hai hạ giọng, vẻ bí mật – Chuyện này không được nói lung tung. Người Đức dùng đuôi sam lót đường ray, mỗi thanh ray là một đuôi sam, mỗi đuôi sam là một linh hồn, mỗi ling hồn là một người đàn ông khỏe mạnh. Các vị thử nghĩ coi, xe lửa là một đống sắt nặng hàng chục vạn cân, nó không uống nước, không ăn cỏ, vậy mà chạy băng băng! sức mạnh ấy từ đâu mà ra? Các vị thử nghĩ xem.
Mọi người ngớ ra, im như thóc. Các ấm siêu trong bếp rít còi lanh lảnh. Mọi người linh cảm có cái gì đó cực kỳ khủng khiếp ấy sắp xảy ra, gáy lạnh toát, hình như có cái kéo rình mò phía sau lưng.
Giữa lúc mọi người đang lo lắng cho cái đuôi sam sau gáy, chú giúp việc ở hiệu thuốc trên trấn hớt hải chạy tới, thở hồng hộc, nói đứt quãng:
- Bác chủ quán… không hay rồi… Ông chủ sai cháu báo bác biết, kỹ sư Đức đang làm nhục bác gái trên trấn… Ông chủ bảo bác lên ngay, để muộn lôi thôi to!
Tôn Bính thất kinh, đánh rơi cái ấm, nước sôi bắn tung tóe, hơi nước mù mịt. Tiếp theo là lửa giận bừng bừng đốt cháy toàn thân. Khách hàng đều nhìn thấy cái cằm đầy những sẹo của ông co giật dữ dội, vẻ mặt thanh thản vỗ cánh bay đi, ở lại là bộ mặt hung thần ác quỉ. Tay phải tì mặt quầy, dướn mình lên như chuẩn bị bay, ông vọt ra đường, thuận tay vớ lấy cây gập chèn cửa bằng gỗ táo.
Khách uống trà cũng bị kích động, ồn ào như vỡ chợ. Mọi người đang bàng hoàng về chuyện chuyện cắt đuôi sam, đột nhiên được tin người Đức hạ nhục phụ nữ Trung Quốc, thế là nỗi sợ biến thành cơn giận. Sự bất bình chất chứa bấy nay, từ khi người Đức làm đường sắt Giao – Tế, cuối cùng trở thành hận thù. Tính khì người Cao Mật tiềm ẩn trong mỗi con người bùng nổ, lửa giận bừng bừng, bất kể sống chết, gầm thét chạy theo Tôn Bính ra chợ.
Tôn Bính chạy dọc theo phố hẹp, gió thổi hai bên tai ù ù. Ông cảm thấy máu dồn hết đỉnh đầu, vì vậy tai ong ong, mắt mờ đi. Những người trên đường đều như hình nhân bằng giấy, ngả ngiêng trước luồng gió do ông chạy như điên gây ra. Từng khuôn mặt méo mó lướt qua bên vai ông. Ông trông thấy một đám người quây thành vòng tròn trên khoảnh đất trống giữa hiệu thuốc Tế Sinh Đường và hiệu tạp hóa Lý Cẩm Ký, không nhìn thấy giữa vòng tròn có gì, nhưng nghe rõ tiếng la đến khản giọng của vợ và tiếng gào khóc của thằng Bảo con Vân. Ông gầm lên một tiếng như hổ gầm, như sói hú. Ông giơ cao cây gậy gỗ táo màu đỏ sẩm xông tới như một con thú nổi khùng. Mọi người dãn ra, nhường đường cho ông. Ông trông thấy tên kỹ sư Đức cẳng như cẳng sếu, đầu như mõ chùa, một tên đứng trước, một tên đứng sau sờ soạng vợ ông. Vợ ông dùng hai cánh tay che chắn, đỡ gạt rối cả lên, nhưng che được ngực thì hở mông, che được mông thì hở ngực. Bọn kỹ sư Đức cánh tay lông lá, đỏ au, dẽo như chân bạch tuộc, khó mà tránh. Mắt chúng chớp chớp, xnah như mắt mèo. Mấy tên cùng hội với hai tên này vỗ tay tán thưởng. Thằng Bảo và con Vân của ông lê la dưới đất gào khóc. Ông gầm lên một tiếng như con mãnh thú bị trọng thương, cây gậy gỗ táo rắn như thép nguội kéo theo làn gió đỏ sẫm, đập vào sau ót tên kỹ sư Đức lưng quay về phía ông, đứng lom khom, hai tay đang thọc trong đũng quần của vợ ông. Ông nghe thấy một tiếng “bịch” khi cây gậy đập vào gáy hắn, và cổ tay ông rung chuyển. thân hình tên kỹ sư dướn lên một cái rất kỳ quặc rồi mềm nhũn, nhưng hai tay hắn vẫn thọc trong đũng quần vợ ông. Thân hình cao to của tên kỹ sư đè lên Đào Hồng. Tôn Bính trông thấy rất nhiều máu đỏ sẫm chảy trên đầu tên kỹ sư Đức và ngay lập tức ngửi thấy mùi tanh nồng. Ông còn thấy tên Đức bóp vú vợ ông vừa nãy mặt mày nhăn nhở, giờ miệng há hốc như quỷ sứ. Ông rất muốn vụt tiếp tên ấy, nhưng hai cánh tay rã rời, cây gậy rơi xuống đất. Cú đập chí mạng vừa rồi, tiêu hao hết sức lực ông. Nhưng ông nhìn thấy sau lưng một rừng khí giới, đòn gánh có, cuốc xẻng có, cán chổi có, nhiều nhất là nắm đấm. Tiếng hò đáng inh tai nhức óc. Một số công nhân làm đường và hai tên Đức khác vội dìu tên kỹ sư sợ đến đờ đẫn thất thểu bỏ chạy, để lại tên Đức bị đánh vỡ sọ giữa đám người.
Tôn Bính đứng ngây ra một lúc rồi cúi xuống, cố lật tên Đức sang bên. Tên này vẫn co giật một cách kỳ quặc. Hai tay hắn thọc trong quần của vợ ông dài như rễ của cây cổ thụ, kéo mãi mới ra hết. Lưng vợ ông dính đầy máu tên Đức. Ông lợm giọng, chỉ muốn nôn, thậm chí quên cả kéo vợ dậy, vợ ông phải tự làm lấy. Tóc rối bù, khuôn mặt hơi gầy bê bết bùn đất, xấu đi một cách đáng sợ. Nàng vừa khóc vừa sà vào lòng ông, nhưng ông chỉ nghĩ đến chuyện nôn ọe, không còn hơi sức ôm lấy nàng. Đột nhiên, vợ ông nhào ra khỏi lòng ông, chạy đến chỗ hai con đang gào khóc. Nàng đứng đó, nhìn không chớp mắt tên Đức co giật từng cơn.
Đứng trước thân hình tên Đức như một con rắn chết, ông mơ hồ cảm thấy đại họa sắp tới gần. Nhưng trong lòng ông, công lý đang lên tiếng biện hộ cho ông: chúng tròng ghẹo vợ tui, tay chúng đã thọc vào đũng quần của vợ tui. Chúng đã làm tổn thương con cái tui. Do vậy tui mới đánh hắn. Nếu như hắn thọc tay vào đũng quần vợ anh thì anh có để yên không? Lại nữa, tui không định đánh chết hắn, chẳng qua là cái đầu hắn mềm quá. Ông cảm thấy mình không có gì sai, tình lý đúng cả. Bà con xung quanh có thể làm chứng. Những công nhân làm đường có thể làm chứng. Các vị có thể hỏi cái ông kỹ sư kia, chỉ cần ông ấy có lương tâm, ông ấy cũng có thể chứng minh, rằng các ông ấy chọc ghẹo vợ tui trước, hạ nhục vợ tui, bấn quá tui mới dùng gậy đánh ông ấy. Dù rằng cảm thấy tình lý trong tay, nhưng hai chân ông vẫn nhũn ra, miệng vừa khô vừa đắng, cái cảm giác đại họa sắp choán hết trong đầu ông, đuổi không đi, khiến ông không còn khả năng tư duy phức tạp. Người xem rất đông, lặng lẽ bỏ đi hết. Hàng quán hai bên đường vội vã dọn hàng, xem ra họ muốn rời khỏi đây, càng sớm càng tốt. Dọc hai bên phố, mới giữa trưa mà các cửa hiệu đều đóng cửa, lạii còn treo biển đang kiểm kê. Đường phố bỗng trở nên rộng hơn rất nhiều. Gió heo may tràn về, thổi tróc cây bay lá trên đường phố thênh thang. Vài con chó màu lông bẩn mắt, nấp trong ngõ, sủa ran.
Ông đâm hoảng khi nhận ra rằng, gia đình ông hình như đang ở giữa sân khấu, mọi người đang xem ông biểu diễn. Những ánh mắt nhìn trộm qua kẽ hở của các cửa hiệu xung quanh qua ô cửa của các nhà phố bên, và từ các xó xỉnh khác. Vợ ôm hai đứa nhỏ, run cầm cập trong gió lạnh. Nàng nhìn ông bằng cặp mắt đáng thương, van xin ông hãy thông cảm và tha thứ cho nàng. Hai đứa trẻ rúc đầu trong vạt áo mẹ như hai con chim non quá khiếp hãi, bạ đâu rúc đấy. Trái tim ông như bị cứa bằng lưỡi dao cùn, đau cùng cực. Mắt cay, sống mũi cay cay, một tình cảm bi tráng dâng lên, ông đá tên kỹ sư một cái, chửi: Mẹ mày, giả vờ chết phải không? Ông ngẩng đầu lên, cao giọng nói với những cặp mắt lén lút xung quanh:
- Chuyện hôm nay, bà con đã thấy hết. Nếu quan phủ có hỏi, xin bà con hãy nói theo lẽ phải, tui xin lạy tạ – Ông chắp tay vái bốn phía, nói tiếp – Tui đánh chết người, tội ai người nấy chịu, quyết không để liên lụy đến bà con!
Hôm sau, ông vẫn mở quán từ sáng sớm, lau chùi bàn ghế. Chú giúp việc Thạch Đầu, vẫn ra sức kéo bễ quạt lò. Bốn ấm nước sôi sùng sục. Nhưng mặt trời đã gần trưa mà vẫn không có khách. Đường phố trước cửa vắng tanh, không một bóng người, từng cơn gió lạnh buốt cuốn lá bay đi. Vợ ông mỗi tay bế một đứa, bám sau ông, không rời nửa bước. Cặp mắt to, trắng đen phân minh, thấp thỏm không yên. Ông xoa đầu bọn trẻ, cười nhẹ nhõm: về buồng nghỉ đi, không chuyện gì đâu, chúng tròng ghẹo con nhà lành, nếu phải chém thì chém đầu chúng!
Ông biết mình cố ra vẻ bình tĩnh, vì rằng ông thấy bàn tay cầm giẻ lau của ông run lẩy bẩy. Sau đó, ông bắt vợ phải vào sân trong, còn mình thì ngồi ngoài quán, tay vỗ bàn, cất tiếng hát một khúc Miêu Xoang:
Ngóng quê nhà đường đi xa lắc, nhớ vợ hiền nương cậy vào ai. Như tui nay dữ lành chưa rõ, còn nàng ư, sống chết khôn lường.
Aùi chà chà, toàn thân tui ướt đẫm vì sợ, nhen lửa lòng nung nầu con tim…
Như người ta mở đập nước, khúc thứ nhất hát xong, lời ca mà cả đời tích cóp, cuồn cuộn chảy theo. Ông càng hát càng ai oán, càng hát càng thê thảm, lệ chảy từng dòng xuống cái cằm không râu.
Hôm ấy, tất cả người dân ở trấn Mã Tang lặng nghe tiếng hát của ông.
Một ngày dài dặc trôi đi trong tiếng hát. Mặt trời sắp lặn đỏ như máu, quét trên rừng liễu ven đê. Từng đàn chim sẻ đậu trên một ngọn cây liễu, cùng cất tiếng kêu nháo nhác như mách bảo ông điều gì đó. Ông đóng cửa quán, cầm cây gậy gỗ táo ngồi đợi trước cửa sổ. Ông chọc thủng giấy dán cửa, nhìn ra ngoài quan sát động tĩnh. Chú giúp việc Thạch Đầu bên đến cho ông một bát kê, ông ăn một miếng, nuốt không trôi. Ông bị sặc, hạt kê vọt ra lỗ mũi như đạn ghém. Ông bảo Thạch Đầu:
- Này con, sư phụ gây đại họa, người Đức sớm muộn sẽ đến trả thù, nhân lúc bọn chúng chưa tới, con nên trốn đi!
- Sư phụ, con không đi, con đánh giúp sư phụ – Thạch Đầu lôi trong bọc cái giàn thun, nói – Con bắn rất trúng.
Ông không khuyên Thạch Đầu nữa. Cổ họng khê đặc, ông nói rất khó khăn. Ông cảm thấy ngực đau không chịu nổi, y như hồi học nghệ bị ngã khi tập. Chân tay ông vẫn còn run, trong bụng vẫn hát trầm một hồi ba cảnh của một vở diễn.
Lúc vầng trăng lưỡi liềm treo trên ngọn cây liễu, ông nghe thấy tiếng vó ngựa từ phía tây của con đường đá, phi tới. Ông nhảy dựng lên, bàn tay nóng hổi nắm chặt cây gậy gỗ táo, chuẩn bị đối phó. Ông trông thấy, dưới ánh trăng sao yếu ớt, một con la to lớn màu đen, ngất ngưởng chạy tới, người cưỡi mặc đồ đen, đeo mạng đen, không rõ mặt.
Đến trước cửa quán, người ấy lăn khỏi mình con la, gõ cửa cộc cộc.
Ông nắm chắc cây gậy, nín thở, nấp sau cánh cửa.
Tiếng gõ không mạnh, nhưng bức bách.
Giọng khản đặc, ông hỏi:
- Ai?
- Tui!
Ông nhận ra ngay tiếng con gái, mở vội cửa, nàng Mi Nương màu đen lách vào, nói luôn:
- Cha, đừng nói gì nữa, chạy mau!
- Vì sao cha phải chạy? – Ông giận dữ nói – Chính chúng chọc ghẹo con nhà lành trước!
Con gái ngắt lời ông:
- Cha gây họa lớn rồi! Người Đức điện báo cho Bắc Kinh, Tế Nam. Viên Thế Khải cũng điện cho Tiền đại nhân phải bắt cha ngay trong đêm nay, đội truy bắt sắp tới rồi!
- Thế này thì còn công lý gì nữa!
Ông định tranh luận, nhưng con gái nổi cáu, nói:
- Nước đến chân rồi! – Con gái nghiêng tai nghe. Từ xa vọng lại tiếng vó ngựa dồn dập – Cha, đi hay ở tùy cha định liệu – Nàng nghiêng mình lách ra ngoài, nhưng lại ló nửa người vào trong, nói – Cha chạy đi, bảo dì Hồng giả điên.
Ông trông thấy con gái nhẹ nhàng nhảy lên mình la, cúi rạp, gắn người với la làm một. Con la hắt xì hơi, chạy vụt đi, ánh sao nhảy nhót trên cặp mông, thoắt cái hòa lẫn vào bóng đêm, tiếng vó xa dần về hướng đông.
Ông vội vàng đóng cửa, quay lại thì đã thấy vợ xõa tóc, mặt bôi đầy nhọ nồi, vạt trước mở phanh, để lộ mảng ngực trắng phau, đang đứng trước mặt. Nàng nói, giọng nghiêm túc:
- Nghe lời Mi Nương, chạy đi!
Ông nhìn cặp mắt long lanh trong đêm tối của vợ, trong lòng chua xót. Trong giờ phút đặc biệt này, người đàn bà bề ngoài có vẻ yếu đuối, lại dũng cảm cơ trí đến thế! Ông nhào tới ôm chặt vợ. Vợ ông dùng sức đẩy ông ra, giục:
- Chạy mau đi, bố nó! Đừng lo cho em và các con.
Ông vọt ra cửa, men theo con đường mòn quen thuộc ngày thường ông vẫn đi lấy nước, trèo lên đê Mã Tang. Ông nấp sau gốc cây liễu lớn, chăm chú nhìn xuống thị trấn yên tĩnh, con đường màu xám và ngôi nhà của ông. Ông nghe rõ tiếng khóc nức nở của thằng Bảo và cái Vân mà lòng như dao cắt. Trăng non như mày ngài gác trên chân trời phía tây, đẹp đến não lòng. Bầu trời mênh mông điểm kín những vì sao, ánh sao lung linh như kim cương. Thị trấn tối mò, không nhà nào lên đèn. Ông biết, mọi người chưa ngủ, đang lắng nghe động tĩnh ngoài phố, làm như chìm trong đêm tối thì triệt tiêu được tại họa không bằng. Tiếng vó ngựa từ xa đến gần, chó trong thị trấn sủa đồng loạt. Đội khinh kỵ đen ngòm chen lấn nhau phi tới, không đếm được có bao nhiêu con ngựa, chỉ nghe tiếng cá sắt nện trên mặt đường đá, bắn lên từng chuỗi lửa hoa.
Đoàn ngựa đến trước cửa nhà ông, lượn mấy vòng rồi dừng lại. Ông trông thấy loáng thoáng bọn bắt người, loáng thoáng từ trên lưng những con ngựa nhảy xuống đất. Bọn chúng hò hét, hình như cố ý để lộ mục tiêu. Hò hét một hồi, chúng mới đốt mấy cây đuốc đem theo, ánh đuốc soi tỏ đoạn đường, nhà cửa, và những cây liễu trên đê. Ông vội thu mình nấp kín hơn nữa sau gốc cây. Đàn chim trú đêm thấy động, vỗ cánh aby lên rào rào. Ông ngoảnh nhìn thấy dòng sông phía sau. Chuẩn bị phòng khi phải nhảy xuống chạy trốn. Nhưng đội truy bắt không hề để ý lũ chim vỡ đàn, cũng không một ai lên sục sạo trên đê.
Lúc này ông đã nhìn rõ, tất cả có chín con ngựa, màu lông lôm côm, trắng có đen có, đỏ có vàng có, đều là giống ngựa bản địa, dáng không đẹp, mông không trơn, thể lực không tốt, bờm rối bù, yên cương cũ nát. Có bốn con không yên, thay vào đấy là chiếc bao tải vắt ngang lưng. Dưới ánh đuốc bập bùng, đầu lũ ngựa trông vừa thô vừa xấu, mắt lũ ngựa vừa sáng vừa trong. Đội truy bắt giơ cao ngọn đuốc soi rõ biển hiệu, rồi thong thả gõ cửa.
Không ai ra mở cửa.
Đội truy bắt đập cửa.
Tôn Bính lờ mở cảm thấy rằng, đội truy bắt không hề có ý bắt ông, định bắt thì không có ai dềnh dàng như thế, không ai kiên trì gõ cửa như thế. Ông đâm ra rất có cảm tình với bọn truy bắt. Tất nhiên ông hiểu, đằng sau bọn truy bắt là ông lớn Tiền, và đằng sau ông lớn Tiền là Mi Nương, con gái ông.
Cửa quán bị phá, bọn truy bắt giơ cao ánh đuốc, dềnh dàng bước vào. Ông lập tức nghe thấy tiếng khóc chen lẫn tiếng cười điên loạn của vợ ông, và cả tiếng khóc thất thanh của hai đứa trẻ.
Bọn truy bắt ầm ĩ một hồi rồi cầm đuốc quay ra, có đứa lẩm bẩm điều gì đó, đứa thì ngáp vặt. Bọn chúng lần chần hồi lâu trước cửa rồi hò nhau lên ngựa bỏ đi, tiếng vó ngựa và ánh đuốc xuyên dọc phố. Thị trấn trở lại yên tĩnh. Ông đang định xuống đê về nhà, thì thấy đèn đóm của mọi nhà nhất loạt bừng sáng như có một hiệu lệnh thống nhất. Dừng một khắc, mấy cây đèn lồng rồng rắn nối nhau trên phố, chuyển động như bay về phía nhà ông.
Dòng nước mắt nóng hổi ứa ra từ đôi mắt ông.
Những ngày sau đó, theo kinh nghiệm của người già, ban ngày ông lánh sang rặng liễu bên kia sông, nơi có mấy nấm nhà đắp bằng đất dùng để sấy thuốc lá. Ban đêm yên ắng, vắng người qua lại, ông mới bơi qua sông, lẻn về nhà. Sáng tinh mơ hôm sau, nhét bánh vào bao, lấy nước vào hồ lô, ông lại sang chỗ ẩn nấp.
Trên mấy cây liễu to gần kề, có tổ chim khách. Ông nằm trên giường đất, ăn rồi lại ngủ, ngủ dậy lại ăn, ban đầu ông không dám ra khỏi nhà, dần dà ông lơi cảnh giác. Ông ra chỗ gốc cây xem bọn chim khách cãi nhau. Một thanh niên chăn dê, vóc người cao to, kết bạn với ông. Cậu ta tên là Mộc Độc, hiền lành, không giỏi giang gì. Ông đưa bánh cho Mộc Độc ăn, đồng thời nói mình là Tôn Bính, người đánh chết tên kỹ sư Đức.
Ngày mồng bảy tháng Hai, tức là ngày thứ năm sau khi tên Đức bị đánh chết. Buổi trưa. Ông ăn mấy cái bánh tráng, uống một bát nước lạnh, nằm trên giường nghe đám chi khách líu ríu và con gõ kiến mổ cây làm tổ, mơ màng nửa thức nửa ngủ. Bỗng từ bên kia sông vọng lại tiếng súng nổ chát chúa. Lần đầu tiên trong đời, ông nghe thấy tiếng nổ của loại súng khai hậu, bắn nhanh, khác xa tiếng nổ của súng bản địa. Tim ông nhói một cái, hiểu rằng đại sự thế là đã hỏng. Ông nhảy xuống đất, cầm lấy cây gậy gỗ táo, nấp sau cánh cửa cũ nát, đợi kẻ thù. Lập tức mấy tiếng nổ đanh nhưng vẫn từ bên kia sông vọng tới. Ông không thể cứ ở trong nhà được nữa, bèn lẩn ra ngoài, lom khom vượt qua mấy bức tường đổ, chạy vào rừng liễu. Ông nghe bên trấn Mã Tang, tiếng vợ khóc, tiếng con gào, tiếng ngựa hí, tiếng lừa kêu, tiếng chó sủa, cùng dậy lên, nhưng không thể nhìn thấy cái gì. Cái khó ló cái khôn, ông giắt gậy vào cạp quần, trèo lên cây liễu cao nhất. Lũ chim khách bị phá rối, từng đàn từng lũ tấn công ông quyết liệt. Ông khua gậy đuổi chúng đi, hết đợt này đến đợt khác. Ông đứng bên một cái tổ to bự của chim khách, tay vịn chạc cây, nhìn sang bên kia sông. Tình hình bên trấn lần lượt diễn ra trước mắt ông.
Ông trông thấy, có đến bốn mươi chín con ngựa tây cao to đứng rải rác trên khoảng đất trống cửa nhà ông, bọn lính tây quần áo rực rỡ, đầu đội mũ ống cài lông chim, tay cầm súng màu xanh đen lắp lưỡi lê, nhằm cửa ra vào và cửa sổ nhà ông mà bắn. Từng đám khói trắng phụt ra từ đầu nòng như từng chuỗi bông cúc nhỏ, rất lâu mới tan. Những cúc áo bằng đồng, và những lưỡi lê bằng thép, sáng loáng dưới nắng. Đứng đằng sau đám lính tây, là bọn lính dõng nhà Thanh, đầu đội nón có tua đỏ, trước ngực sau lưng đáp thêm miếng tròn bằng và trắng. Mắt ông mờ đi, cây gậy tuột khỏi tay, va đập vào cành cây trước khi rơi xuống đất. May mà tay ông bám chắc chạc cây, không bị ngã theo.
Lòng như lửa đốt, ông biết đại họa đã thực sự giáng xuống, nhưng trong lòng còn le lói chút hi vọng, đó là trông mong vào tài diễn xuất của vợ, nhất là những vai giả dại. Bọn Đức rồi sẽ nhưng đám lính dõng, náo loạn một hồi rồi tay không ra về. Cũng đúng vào lúc này ông quyết định, qua được đận này, ông sẽ đưa vợ con đi thật xa.
Điều kinh khủng nhất đã xảy ra. Ông trông thấy hai tên lính Đức kẹp chặt hai tay vợ ông, lôi lên đê. Vợ ông gào lên, hai chân kéo lê trên mặt đất. Hai đứa trẻ, bị một tên Đức hộ pháp cầm chân xách ngược như người ta xách gà xách vịt, đem lên mặt đê. Chú Thạch Đầu tuột khỏi tay một lính Đức, hình như còn cắn nó một miếng. Ông trông thấy cái thân hình bé nhỏ và đen thủi của Thạch Đầu cứ lùi, lùi nữa, cho đến khi lưng chú chạm mũi lê của thằng lính Đức đứng sau, lưỡi lê lóe sáng dưới nắng, xuyên qua người chú.
Hình như chú kêu lên một tiếng, hình như chẳng có tiếng kêu gào nào phát ra, như một quả bóng màu đen, chú lăn lông lốc xuống sông. Tôn Bính dán mình trên cây, mắt tối sầm khi nhìn thấy bãi máu trên đê.
Bọn Đức đã rút hết lên mặt đê, có tên quì một chân, tên thì đứng, nâng súng nhằm bắn người trong trấn. Chúng bắn rất chuẩn, gần như mỗi phát là một người gục xuống hoặc bật ngửa, trên đường cũng như trong sân. Quân Thanh cầm đuốc đốt nhà ông. Lúc đầu khói đùn lên như một cái cây vươn thẳng lên trời, tiếp theo là đám lửa phừng phừng màu vàng kim. Ngọn lửa reo phần phật, nổ ran như pháo tép. Đột nhiên trời nổi gió to, khói lửa ngả nghiêng hết đông sang tây, mùi khét, mùi bụi đất bay tới trước mặt ông.
Chuyện càng kinh khủng hơn đã xảy ra. Ông trông thấy lính Đức giằng kéo vợ ông đến quần áo rách bươm, cuối cùng, vợ ông không còn mảnh vải che thân… Ông đập trán vào cành cây đến tóe máu, miệng cắn ngập vỏ. Trái tim ông như quả cầu lửa bay sang bờ bên kia, còn cơ thể ông thì như trói chặt vào thân cây, cứng đờ như đã chết. Người Đức cầm tay chân đánh võng cái cơ thể trắng phau của vợ ông rồi lẳng xuống dòng sông Mã Tang, không một tiếng động, nước sông im lặng tung bọt trắng, vợ ông chìm ghỉm. Cuối cùng, lính Đức dùng lưỡi lê xộc hai con ông cũng quẳng xuống sông. Trước mắt ông toàn một màu máu, ông như bị ma ám trong cơn ác mộng, lòng như lửa đốt, tay chân cứng đờ. Ông cố sức vùng vẫy, cuối cùng bật ra được một tiếng kêu, cơ thể được giải phóng. Ông cố sức chồm lên làm gãy mấy cành cây, rồi nặng nề rơi xuống cát ẩm.