Con chuột
Tác giả: Mai Ngữ
Con chuột làm tôi lục sục suốt đêm và suốt đêm nó hành tôi không sao chợp mắt được. Trong nhà, bất cứ xó xỉnh nào nó cũng luồn vào gậm nhấm, cái gì không ăn được thì nó cắn xé nát, ngay cái cây con tôi vừa trồng hễ nhú lên là nó cắn đứt. Con chuột chỉ nhỉnh hơn cái cán dao mà nó phá tôi quá lắm, tôi không sao trừ được nó. Tất cả các thứ bẫy cũng không sao đánh lừa nổi nó, mồi mắc vào nó chén hết mà bẫy không sập, thế mới tức! Có buổi sáng, tôi đang ngồi làm việc, văn chương đang lúc dâng trào thì nó rón rén bò đến ngay chân bàn, giương đôi mắt lấc láo nhìn tôi vênh váo. Khi tôi đứng dậy, nó vụt biến mất... Trần nhà tôi là cái trần làm bằng cót ép trải qua bốn chục năm hơn nay đã thâm sì lại và mục nát, vậy mà ban đêm chuột cứ rúc rích trên ấy rồi như là chúng liên hoan hay hội thảo gì đó, chạy rầm rầm cãi nhau chí chóe, tôi phải lấy cây sào chọc lên trần mấy cái, nhưng cũng chỉ im im một lát rồi lại đâu vào đấy...
Tôi từng được nghe người nào đó đã nói rằng: “Trong cuộc chiến giữa loài người và loài chuột thì loài chuột đại thắng và loài người đại bại'. Bởi bằng cách mấy anh cũng thua loài chuột. Chuột là giống tinh khôn nhất trần đời. Thuở xưa, các cụ ta đã vẽ bức tranh “đám cướì chuột”, cũng ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau, cũng cờ quạt, biển lọng, cũng có những chú chuột già cầm cầm bó hương đi đầu, cũng những anh chuột nhỡ lăng xăng theo sau. Nhưng đặc biệt là một chú chuột đôi mắt sắc sảo râu ria vểnh lên điệu bộ lém lỉnh, tay xách con cá chép to, trước nó là chú mèo ngồi chờ. Nó đang làm cái công việc mà bây giờ con người vẫn làm là: hối lộ. Chú mèo nhận hối lộ sẽ bỏ qua cho đám cưới chuột đi qua, tiền mãi lộ đã nhét vào túi rồi thì có gì mà chẳng nhắm mắt làm ngơ...
Có anh chàng đắt xe đạp chuyên bán rong các đồ lặt vặt: xích chó, khoá xe, dây dù, bơm ga bật lửa và các loại bẫy chuột thường đi qua cửa nhà tôi Chính anh ta đã gạ bán cho tôi cái bẫy chuột quảng cáo là bẫy đó thuộc diện ISO mấy nghìn, mấy nghìn đó, đã được quốc tế công nhận. Tôi mua về và không sao nhử được con chuột nhà tôi, nó cứ nhởn nhơ như không. Hôm sau tôi gọi anh ta lại, đưa trả anh ta cái đồ vô dụng kia. Anh ta nhăn răng cười: “Chuột nhà ông quả là cú cáo, có khi nó thành tinh rồi...”. Rồi gã đưa cho tôi mấy ống thuốc bả chuột của Tầu. Tôi nói kháy: “Này, sao hôm qua anh bảo bẫy chuột của anh được dán mác Idô Idiếc mấy nghìn, mấy vạn kia mà?” – “Quảng cáo mà ông, sao ông thật thà thế. Thôi ông cầm hai ống uống Tầu này, cháu khuyến mại ông...”
Tôi lấy một ống thuốc, hỏi cách thức sử dụng rồi cầm về. Tối hôm ấy, tôi lẳng lặng bẻ ống thuốc tẩm vào con cá nướng thơm phức, con chuột ma giáo này nhất định phải chết...
Sáng sớm hôm sau, tôi vừa tỉnh giấc đã nghe tiếng chửi the thé bên bà hàng xóm, bà ta chửi đứa nào vô lương tâm, đánh bả chết con mèo khoang, giống ngoại nhưng nuôi nội của bà. Con mèo vừa đẹp vừa ngoan, đêm nào cũng chui vào nằm trong chăn của bà. Vậy mà lúc gà gáy, chỉ loáng cái mà về lăn ra chết. Mèo nhà bà toàn ăn thịt cá, giò chả làm sao mà chết được. Hẳn có đứa khốn nạn nào, đứa mất dậy nào đã giết chết nó, toàn bọn vô lương tâm, cấp to hay cấp bé cũng vậy mà mèo nhà bà có ăn tàn ăn hại gì nhà nó đâu? Mà nó nỡ lòng nào như thế. Cái bà hàng xóm của tôi là một mụ ác bá nhất trong khu phố này, người mẹ khệ nệ, đi chân chữ bát, hai mông đít cứ xẹo xọ hất bên này lại hất bên kia, mặt mũi vênh áo, gặp ai cũng chỉ đợi người ta chào trước, không chào thì mụ nhổ phì như rắn hổ mang. Mụ chửi đến khiếp, ý hẳn mụ nghi nhà tôi đã đánh bả chết mèo của mụ, con mèo yêu, con mèo quý, nửa nội nửa ngoại của mụ.
Của đáng tội cũng tại con mèo nhà mụ vốn ăn tham lại thèm của lạ, chứ đâu phải đói khát. Nó cứ trèo sang nhà tôi, chui vào bếp lục lọi, ăn vụng. Có đêm nó cậy nồi cá kho ăn chán rồi hất đổ tung tóe, có hôm nó rình bên nhà tôi, lừa lúc tôi sơ hở, nó đớp luôn miếng thịt lợn vừa mua về chưa kịp làm, cắp miếng thịt biến luôn. Nhưng với con chuột thì nó lờ đi y như con mèo trong tranh tết dân gian của làng Đông Hồ, coi chuột là tình bạn hữu nghị lâu đời, đã vừa ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau. Con chuột chạy qua mõm nó, nó cũng mặc kệ, mắt lim dim, coi như không thấy không biết, không nghe... Trời sinh ra mèo để mà bắt chuột mà nó không bắt thì nó làm gì? Nghề của nó là nghề rình ăn vụng của hàng xóm sao? Như vậy là trong nhà tôi có hai tên khủng bố quốc tế: tên chuột và tên mèo. Con cá nướng để đánh bả chuột, con mèo nhảy sang chén nhẵn, để đến nỗi chỉ kịp bò được về nhà là lăn ra chết. Và bây giờ bà chủ nó đang đọc điếu văn cho nó. Giá như con mèo yêu, mèo quý của bà chỉ chuyên đi lùng bắt chuột thì đâu đến nỗi phải bỏ mạng? Giống chuột là giống đại tinh khôn, nó không ăn phải bả tẩm trong con cá nướng, con mèo của bà lại khù khờ, ngu đần nên mới đến nỗi thể. Con mèo đáng thương kia phải chết vì ăn phải bả dành cho chuột. Chắc nó nghĩ đơn giản rằng con chuột có phá thì phá ở nhà tôi, chứ có phá phách gì bên nhà nó mà nó phải quan tâm, nó sang đây cốt để ăn vụng mà thôi, ăn vụng mà không chùi sạch mép, chết là phải!
Anh chàng bán bẫy chuột có lẽ cám cảnh cho nỗi chịu đựng của tôi, nên một hôm đi qua đưa cho tôi mấy cái bẫy mới, nhỏ thôi nhưng nhậy hơn, hình bán nguyệt, nghe nói đây là sáng kiến của nông dân Thái Bình, chẳng có ai công nhận Idô Idiếc gì hết. Anh ta gạ bán rẻ cho tôi: bốn cái năm nghìn đồng, lẽ ra anh phải bán hai nghìn một cái. Anh tập huấn cho tôi cách thức đặt bẫy, gài bẫy và bảo đảm với tôi thể nào con chuột của tôi dù tinh ranh đến mấy cũng bị sa bẫy. Chẳng còn cách nào, tôi đành cầm bốn cái bẫy về, sau khi chi cho anh năm nghìn đồng chẵn. Buổi tối, tôi lẳng lặng mắc mồi và đặt bốn cái bẫy ở các hướng mà con chuột hay đi lại. Quả nhiên, sáng hôm sau, con chuột ranh con bị kẹp đúng đầu, máu me toe toét, hai con mắt lồi ra và cái đầu bẹp dí. Ha ha... tôi reo lên. Chuột dù khôn ranh đến đâu cũng không thể bằng con người. Người là giống sinh vật cao cấp thượng đẳng với trí tuệ thông minh tuyệt vời, có thể đạp mây, cưỡi gió, bay lên tận mặt trăng và tới các hành tinh xa xôi. Người còn chế tạo ra vô vàn máy móc tinh vi siêu hạng, có thể chỉ ngồi một chỗ mà trò chuyện với toàn thế giới, đang phóng xe máy cũng có thể “alô alô” nói chuyện, dặn dò vợ con hay bồ bịch, hẹn hò nhau đi karôkê hay quán nhậu, đến quán “Bò tùng xẻo” hay quán thịt chó v.v... Con người còn, cứ ngồi ngay ở bàn giấy mà nghĩ ra đủ trò ma mãnh để móc túi thiên hạ hay tiền công quỹ, để xây nhà xây cửa, ăn tiêu xả láng mà vẫn bịt được miệng mọi người, chẳng cần biết trời biển là gì... Con người giỏi giang hơn loài chuột nhưng lại có nhược điểm lớn là lòng tham lam cực độ, vì quá tham lam nên mới thành bệnh tham nhũng hay tham ô. Vì quá tham nên mới sinh ra lý thuyết của kẻ mạnh, lợi dụng sức mạnh của mình mà lấn chiếm, mà bắt nạt nước khác hay dân tộc khác, sắc tộc khác, nuốt từng tấc đất, từng hải lý, chủ quyển của người khác gây nên bao cảnh giết chóc, đầu rơi máu chảy... Lại cũng vì tham ăn, tham uống và thèm khát đến mức ăn tiệt chén hết những kẻ thù của loài chuột: mèo và rắn, kể cả chó nữa. Có biết bao nhiêu quán thịt chó, quán tiểu hổ (tức là thịt mèo), biết bao nhiêu quán thịt rắn “phong độ”. Kẻ thù mà bị loài người giết hại thì tất nhiên là chuột phải múa râu ăn mừng và càng ra sức phá phách loài người.
Con chuột kẻ thù của tôi bị sập bẫy chết tươi nhưng nỗi mừng vui của tôi không lâu bởi ngay hôm sau lại thấy một con chuột khác xuất hiện, không biết có phải con chuột vừa chết hồi sinh lại hay không? Bởi nó cũng phá phách tôi không thua con trước. Buổi tối, tôi lại phải giương bốn cái bẫy ra chống lại và nó cũng bị tiêu diệt y như đêm trước Nhưng rồi lại con khác mò đến, chúng như thể xếp hàng nối đuôi nhau xông vào nhà tôi, cứ thế, cứ thế... Cuộc chiến tranh giữa tôi, một con người và con chuột không sao ngừng nghỉ, cứ tiếp diễn liên tục, ngày này qua tháng khác...
Niềm mơ ước nhỏ nhoi của tôi là tiêu diệt cho hết loài chuột giống như mọi người đang mơ ước tiêu diệt hết được loài tham nhũng, tham ô. Bao giờ? Vậy đến bao giờ?