watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mưa núi-Chiếc xe hàng cũ - tác giả Mai Thảo Mai Thảo

Mai Thảo

Chiếc xe hàng cũ

Tác giả: Mai Thảo

Ấy là chiếc xe chở hàng đã cũ. Cũ từ ngoài Bắc Việt. Con số T.N. 405 thuộc vào loại những chiếc xe đã biết quá nhiều ngày mưa nắng trên các ngả đường sỏi đá và đất lầy ngoài đồng bằng Bắc Việt. Biển chỉ số dừng lại trên con số 75659, cách đây ba năm. Con số dài đằng đẵng những dặm trường này nhắc nhở cho anh Sáu đến một tai nạn cũ. Chiếc xe trúng mìn trên con đường Phát Diệm trong một chuyến chở toàn chiếu cói từ vùng bể lên những miền trên. Anh Sáu suýt bỏ mình trong chuyến đi không may đó. Nhưng anh chỉ bị thương nhẹ. Mấy ngày sau, anh nhờ xe nhà binh kéo 405 về một xưởng chữa máy vùng ngoại ô Hà Nội. 405 được tháo ra từng mảnh, nung, thổi hàn, nấu toàn bằng điện, và ít lâu sau 405 lại lên đường. Trong chiến thời, 405 là lẽ sống của gia đình anh Sáu. Những ngày hỏng máy, nổ bánh, hay gặp tai nạn ngang đường, 405 là cái tang lớn nhất cho gia đình anh. Chiếc xe cũ xê dịch trên những ngả đường, lại đi luôn vào đời kiếp anh Sáu, chị Sáu, những đứa con anh Sáu ở lại đó làm một thứ cột trụ bằng sắt thép cho cái gia đình cần lao này.

Chị Sáu yếu quanh năm, không làm gì để có thể thêm thắt vào những chi dùng hàng ngày. Những đứa con anh Sáu còn bé, đứa nọ cõng đứa kia, cứ líu ra líu ríu suốt ngày bên cạnh người mẹ. 405 sống giữa cái gia đình cùng khổ, đau yếu ấy lâu dần đã chiếm được tình thương yêu của mọi người như một người bạn đường có chung một cảnh ngộ. Hồi còn chạy đi chạy về trên con đường Phủ Lạng Thương, anh Sáu vì chuyến đi xa vẫn thường phải nghỉ đỗ lại dọc đường, không về kịp nhà. Những buổi chiều chờ đợi người bố còn ở lại dọc đường, để ban đêm lại leo vào trong xe mà ngủ, những đứa con anh Sáu lại tìm mẹ chúng để hỏi:

“405 không về, hả mẹ?”

Thiếu vắng người cha, chúng còn thấy thiếu vắng luôn cả cái bóng lênh đênh kềnh càng của 405. Khoảng sân hẹp trước ngõ, chỗ 405 về ngủ trên rêu cỏ sau một ngày đốt cháy mã lực trên ngả đường, trống vắng hẳn ra. Những đứa con anh Sáu ngồi nhìn ra một khoảng sân vắng, mấy vệt bánh xe in hằn lên như một niềm nhớ thương.

Hồi ấy gần đây, trước ngày ngưng bắn, gia đình anh Sáu cứ lúng túng thiếu thốn luôn, cũng chỉ vì 405 gặp bất hạnh liền liền ở dọc đường. Hết vỡ bánh, “pan” xăng, lại tiếp luôn hai lần nổ mìn. Mà lần nào cũng nặng cả. Nếu là người thì sau những lần ngộ nạn ấy, 405 đã có thừa những vết thương thập tử nhất sinh, để nếu có qua khỏi cũng chỉ còn là một tên thương binh có quyền được nghỉ ngơi cho đến mãn đời. Nhưng cái an dưỡng đường cho lũ cơ khí già yếu chưa có. Như đứa con đầu lòng của một gia đình đông con, 405 vẫn còn phải sớm chiều bước đi những bước tập tễnh trên ngả đường để cho cả một gia đình đáng thương không đến nổi phải ôm bụng đói ngồi nhìn nhau.

Xê dịch trên những ngả đường đất đã rách nát về mìn điện, hầm hố, mưa nắng, chiếc xe cũ từ lâu đã mang nặng những dấu vết của một đời kiếp hai sương một nắng, đã tàn lụi và đã xế chiều. Đầu mũi xiêu vẹo long lở. Mình xe đổ gục về phía trước vì mang chất quá sức. Mui bạt xanh bạc màu. Từ những thành gỗ đã rỗng mục, bụi lả tả đổ xuống những chiếc lốp già yếu.

405 đã là một sự kiện điển hình của chiến thời. Nó chứa đựng nhiều vết tích tàn phá. Nó là hình ảnh của một bờ vai gầy mang nhiều tháng ngày. Vậy mà nó vẫn cứ lăn đi trên những ngả đường: Sơn Tây, Trung Hà, qua Hà Nội, về bốn tỉnh miền nam Bắc Việt. Leo dốc xuống đèo. Con ngựa già cơ khí này, dưới tay cương anh Sáu, vẫn sáng đi chiều về, vẫn chở nặng, vẫn chạy đều, vẫn mang lại cho gia đình anh Sáu đủ hai bữa ăn. Nhiều buổi ở nhà, chị Sáu bế con ngồi bên chồng, nhìn ra 405 nằm nghỉ ngoài khoảng sân hẹp, vẫn bảo anh Sáu:

“Không có nó thì thật chết, mình ạ!”

Anh Sáu coi 405 như một người bạn đường trung thành. Đời anh Sáu gặp nhiều bất hạnh, nghèo khổ, cũng không còn lấy một người bạn nào khác. Tình người gửi xuống sự chung thuỷ của cơ khí, hương thơm ngát lên trong chiến thời chứa đựng quá nhiều vận hạn và trong cuộc sống chứa đựng quá nhiều phản bội. Cũng là một sự lạ lùng. Những bạn đồng nghiệp của anh Sáu, lúc nhàn rỗi, ngồi chuyện vãn với nhau ngoài bến xe, dưới chân một cây xăng, hoặc trong một xưởng chữa máy nào đó, lúc chê khen đến những đời kiếp của lũ cơ khí vận tải, vẫn kháo nhau rằng 405 quả là bậc bô lão của vận chuyển trên các ngả đường Bắc Việt. Giữa những gắn bó của xe cộ với người, 405 là điển hình của chung thuỷ bền chặt. Họ cũng không hiểu tại sao 405 lại có thể ở dưới mái nhà của anh chị Sáu được lâu đến thế.

“Cây tiền cây bạc nhà thằng Sáu đấy! Mình nó bằng đồng, da nó bằng sắt, ruột nó lại bằng thép già. Hai lần đụng mìn tổ bố mà không vần gì, có khiếp không chúng mày?”

Tuy vậy, những tai nạn của chiến thời và những sớm mưa chiều nắng dọc đường cũng đã làm cho 405 càng ngày càng thêm đau yếu, nhọc mỏi. Qua bản chất năng lực nhất định của cơ khí, sự chịu đựng đã ra ngoài mức bình thường.

Những buổi anh Sáu mang xe lên đường kiếm gạo cho vợ con anh, anh cũng không quên rằng con ngựa già của anh đáng lẽ đã được nằm nghỉ một nơi nào, hoặc là có chuyển vận thì cũng chỉ là những đoạn đường ngăn ngắn trong lòng thành phố. Bất đắc dĩ lắm, anh mới cho xe đi những đoạn đường xa. Biết mã lực 405 yếu mỏi, anh Sáu cho xe đi vừa tầm. Chạy tàng tàng thôi. Để còn đi. Để còn về. Vì phải đi phải về nhiều. Những buổi chạy tập đoàn hàng bốn năm chục chiếc trên những ngả đường liên tỉnh dài dằng dặc và ngổn ngang hầm hố, anh Sáu nhả chân ga, ghìm 405 lui dần về cuối đoàn, 405 chậm chạp nối đuôi một lũ đàn em còn chan hoà sức mạnh non trẻ. Tiếng máy nổ ậm ạch. Nhịp chuyển động ầm ỳ. Tiếng thở của cơ khí xế chiều này lúc nhanh lúc chậm, cứ hồng hộc như một người đi đường yếu tim, thiếu hơi.

Còn đâu là mùa oanh liệt cũ? Xe và người cùng hồi tưởng lại những chuyến đi dài hạn trên những ngả đường miền núi, anh Sáu vừa dậm chân ga là 405 đã vượt lên khỏi đoàn và cứ thế mà dẫn đầu mà bứt đi, mang vào chuyến đi cái nhanh thoáng của máy móc còn đang tuổi lành mạnh.

Những chiến thắng cũ trở nên những vang bóng, đến nay còn là những giai thoại của nghề nghiệp vận chuyển. Sỏi đá, đất lầy. Dốc đò, dốc phà. Hầm hố chữ chi. Địa lôi. Đường xuyên sơn, độc đạo. Cùng là những cạm bẫy dọc đường dựng lên trên những ngã ba, trong đêm tối di chuyển, 405 đều đã biết qua hết trong đoạn đời chứa đựng nhiều gió bão.

Kỷ niệm đường dài chìm vào những chiếc bánh mòn, 405 cứ già yếu thêm mãi.

Chuyến đi cuối cùng của 405 trên những ngả đường Bắc Việt là một chuyến đi thời đại. Anh chị Sáu theo tập thể di cư. Anh Sáu mang theo 405 vào chuyến đi, đã lựa chọn hộ cho cả cơ khí cái thái độ của người đi tới một ngày mai không tù đày.

Sau một bữa nằm nghỉ trên khoảng sân hẹp, máy cũ lại nổ lên. Tiếng động cơ ầm ầm vang dội cả một vùng ngoại ô. Lũ con anh Sáu bị bố mẹ chúng dựng dậy sớm hơn ngày thường, chạy ùa cả ra ngoài sân. Chúng vây quanh 405, đứa nào đứa nấy ngái ngủ, mắt còn gấp gay trong sương sớm. Tới lúc anh chị Sáu sắp sửa bồng con lên xe thì hàng xóm đổ sang. Toàn là những gia đình cùng khổ. Làm công, làm thợ, bán quà rong, thất nghiệp. Sự nghèo khó bắt buộc họ ở lại trên mảnh đất cũ như những cánh bèo không bao giờ đi thoát được bờ ao tù đày. Người nọ người kia chúc anh chị Sáu vào trong ấy làm ăn khấm khá hơn ngoài này.

Chị Sáu vâng dạ, tay vẫn không thôi gạt nước mắt.

Một người hỏi anh Sáu:

“Anh đưa cả 405 đi à?”

Anh bản vỗ vỗ tay vào đầu chiếc xe cũ:

“Mày vào trong ấy đường sá nhẵn đẹp, tha hồ mà chạy nhé!

Trước những chia tiễn của một lớp người tưởng như đã đứng trên những bờ vĩ tuyến cách biệt, 405 nổ máy chờ đợi như đã thấy trước đầu mũi xe bốc khói, những ngả đường miền Nam rộng ngút ngàn cùng là đất đá, sỏi cát, đèo dốc, mưa nắng nhiệt đới. Dậm xa hiện lên từng nét biếc, mê man xuôi chảy trên một ngả đường không bến bờ. Đó là ngả đường của một niềm tin vĩ đại. Của một lối đi thênh thang về tự do. Cuộc đời lên hương đã gửi đi cái cao đẹp của chuyển đi xuống bờ xe cũ.

Hôm nay, theo vợ chồng anh Sáu, 405 đã đặt chân lên một ngả đường miền Nam.

Sau mấy ngày vượt bể nằm trên mui tàu nghe sóng đại dương, 405 đã đổ bộ. 405 đã vào đất liền. Đường miền Nam từ những quốc lộ thông xứ đến những ngả đường liên tỉnh, thước đất nào cũng nhẵn phẳng, cũng óng ánh nhựa xám, chảy đi giữa hai bờ lúa xanh miền Đồng Nai. Chưa bao giờ 405 lại được xê dịch trên những ngả đường tốt đẹp như thế. Anh Sáu nhìn đoạn đường. Anh nhìn chân trời. Anh nhìn 405. Anh đưa đi đưa lại bàn tay trên một lớp kim khí nhọc mỏi đã ọp ẹp, mềm yếu. Dưới lớp sơn nhạt màu, có một cái gì của 405 đã rung lên, đầm ấm như tiếng đập của tim phổi thoát ra từ nội tâm người. Sự sống của cơ khí bắt nguồn, truyền cảm. Anh Sáu thử máy. 405 chuyển mình, cả thân xe rung chuyển. Tiếng máy nổ, náo nức, choáng váng không đều nhịp. Những chiếc bánh cũ ngả nghiêng trên lòng đường.

Từ trạm tiếp đón đồng bào miền Bắc di cư, những ngả đường xanh ngắt bóng cây và chan hoà nắng ngày mở đi bốn hướng. Ngày lớn vừa dựng. Những con đường dài thênh thang cho mã lực chuyển vận này đã nối tiếp nhau mà đi sâu mãi vào lòng đất của người tự do. Chào Mừng. Như một con người của chuyển dịch sau nhiều tháng ngày ngừng nghỉ lại chống gậy lên đường, 405 chuyển động theo nhịp thở của cơ khí bốc lửa đã bắt đầu tác động sức mạnh xuống lòng bánh cũ. Vệt xe in xuống thước đất đầu tiên miền Nam, ngả đường hướng dẫn luôn chuyến đi về những vùng mênh mông không bến bờ.

Ngồi trên xe mà anh Sáu cũng như cảm thấy cuộc sống ở dưới ấy, từ lòng đường dâng lên. Một vệt khói xanh thoát về phía sau cắt ngang mình một giọt nắng sớm, chảy chan hoà vào tấm biển số. Con số 405 nổi lên, đậm đà cá tính của cơ khí hoà mình vào đời sống người, cùng chịu đựng những thử thách, cùng có chung một niềm tin.

Dời bỏ những ngả đường rừng núi ngoài Bắc Việt, những chiếc bánh mòn cũ kia vậy là đã chấm dứt cho một mùa vận chuyển, bây giờ đã nằm lại bên kia, trong tù đày. Để con người vẫn còn là con người và để cho cơ khí vẫn còn những sự kiện của sửa chữa và xây dựng tự do, anh Sáu đã chọn những ngày tháng miền Nam và 405 thì đã chọn những ngả đường bên này vĩ tuyến 17. Hôm nay ngày mai, mưa nắng vẫn đương mùa trên những ngã ba, và cái thái độ của người giữa cái rối rắm của mưa nắng, của những vùng tranh tối tranh sáng, là chọn lựa một ngả đường, đến một sân ga, về một trạm hẹn của thời đại. Anh Sáu không hề thương nhớ những con đường, những vết xe cũ. Chúng đã đi dần vào một ảo tưởng tàn lụi, chấp chới hình ảnh bóng tối và cạnh khía ngục tù. Đường quốc lộ số 1. Đường số 5. Đường Hoà Bình - Lai Châu, và những ngả đường của tre xanh lúa vàng miền ngoài bây giờ đã nằm bên ngoài những ước định chuyển dịch của vợ chồng anh Sáu, của 405.

Chân trời miền Nam mở ra hôm nay: Tây Ninh, Long Xuyên, Vũng Tàu. Những ngả đường chữ chi, bàn cờ đan miền Tiền Giang, Hậu Giang. Những ngả đường mải miết xuôi chảy về Lục tỉnh bát ngát nắng. Những đô thị, những làng xóm, những rừng dừa. 405 vào làm bạn với lũ cơ khí vận tải ở trong này, rồi những chiếc bánh mòn cũ lại cứ việc mà chạy tàng tàng ở cuối đoàn, trong những chuyến đi tập thể. Sau 405, còn có biết bao nhiêu là sự kiện của cơ khí vận tải cũng đang lũ lượt xuống tàu vượt đại dương, sống những ngày lênh đênh của đổi dời, để về với những con đường miền Nam xa xôi, cùng đốt cháy một lúc với người ngọn lửa tin tưởng cũ. Sau ít ngày tạm nghỉ, 405 đã lại đập lên những tiếng đập cũng chan hoà cũng vui ấm như tiếng đập của máu huyết luân chuyển.

Anh Sáu dận chân ga, tỳ mạnh tay xuống thành vô lăng. Bên kia mặt kính, con đường mở ra, như một vết nắng, như một ngọn suối. Hai bờ bồng bềnh nổi lên giữa cái xanh mát của cỏ đường và của biển lúa đòng đòng. Gió thổi ngược vào những ngọn cỏ lả lả. Lúa nườm nượp chuyển đi. Anh Sáu giữ thẳng vô lăng đưa vợ con, đưa 405 vào cái thênh thang rộng phẳng đang dàn ra. Chuyến đi của chào mừng này, 405 chạy ngoan như một con ngựa thuần đã quen đường.

Từ phía trái, những bạn đường của 405 đã vượt lên. Trên tay lái của đoàn xe bạn, nhiều anh tài xế thôi nhìn đường trong một phút giây, đã quay lại làm hiệu chào anh Sáu. Anh mỉm cười làm hiệu đáp lại.

Trên đường, nhịp di chuyển thoang thoáng vui ấm. 405 khoan thai di chuyển đi, những chiếc bánh mòn cũ lăn nghiến trên sỏi đá, cứ đi sâu mãi vào những bến bờ tự do.
Mưa núi
Lời vào tập
Đêm giã từ Hà Nội
Nhà mới
Mưa núi
Một chiều qua Cửu Long
Chiếc xe hàng cũ
Tháng Giêng cỏ non
Người bạn đường
Giai đoạn chị Định
Đêm tân hôn