watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mưa núi-Mưa núi - tác giả Mai Thảo Mai Thảo

Mai Thảo

Mưa núi

Tác giả: Mai Thảo

Hai chúng tôi nhìn nhau yên lặng, như thế rất lâu. Sau cùng, Nam rút tay khỏi tay tôi, quay trở vào. Tôi đi theo anh. Lối đi nhỏ đổ xuống một chân dốc, vòng về sau đồi. Mưa vừa ngớt. Cỏ núi ướt át. Đường vai Nam in lên cái nền trắng nhờ nhờ của một thứ hơi núi trôi ngang phía thung lũng bên kia. Trời từng quãng một, bắt đầu xanh. Xanh từ sau núi xanh lên.

Nam yên lặng dẫn đường cho tôi trong cái không khí thoáng mát của núi rừng sau một trận mưa lớn, thung lũng đã nổi gió vẫn còn nghi ngút hơi nước trắng đục. Có thể nắng. Cũng có thể mưa. Cái khoảng xanh ở phía đầu núi mở rộng hơn. Tôi nhìn đường vai Nam in hẳn vào trong khoảng xanh này.

Bỗng Nam hỏi tôi:

“Thế nào, lạ lắm phải không?”

Từ một ngày nào biết anh và yêu mến cái con người cứng rắn trong anh, tôi biết Nam vẫn có cái lối hỏi đột ngột như thế. Cái lối hỏi từ một con đường tắt đi ra bắt người ta trả lời.

Chưa đoán được ý Nam, tôi trả lời vội:

“Không, không. Lạ cái gì?”

Đáng lẽ ra, tôi phải trả lời có. Tôi bỏ hẳn tảng trời xanh đầu núi và đường vai gầy của anh, để chỉ nghĩ đến anh. Phải rồi, Nam đã làm cho tôi lạ lùng thật. Khó hiểu nữa. Nhưng mà tôi đã định ở lại với anh đến sáng mai. Tất cả những cái gì tôi định nói, chúng tôi sẽ nói với nhau trong suốt đêm nay.

Tôi nhìn lại tảng trời xanh vẫn đang đi lên, đang mở rộng. Xanh trong gần thành vàng nắng. Bên kia núi, chắc có nắng. Ở khắp nơi, chắc vẫn có nắng. Chỉ ở riêng miền này, nắng chưa dâng thôi. Hai chúng tôi lại im lặng bước đi. Nhưng một cái gì nặng nề ban nãy hình như vừa được nhấc khỏi. Có lẽ bởi một tiếng nói, một hòn sỏi lăn động dưới chân chúng tôi. Lại có lẽ vì một tảng trời xanh đã nằm trong nhỡn giới của người. Trên một ý nghĩ u uất trong tôi, hình như có ít nắng vừa dâng lên.

Tôi nhìn xuống một con đường cứ nhỏ dần, hỏi với lên:

“Này, đến chưa? Sao “nghìn dặm” thế hả?”

Nam quay lại, chỉ tay xuống một khoảng thấp phía dưới:

“Kia kìa.

Tôi nhìn theo ngón tay anh trỏ xuống một căn nhà bé nhỏ, tường mái cũ kỹ, kiến trúc cái lối nhà để chứa đựng đồ đạc hơn là để ở. Màu ngói nâu thẫm, rêu xanh chảy thành từng dòng từ những đầu mái long lở xuống những chân tường. Chân tường lấp dưới cỏ núi. Cái cảm giác đầu tiên của tôi vẫn kính mến bởi cái năng lực vô cùng phong phú của anh gửi vào cuộc sống, là Nam không ở được nơi này. Con đường cỏ dại và những mái tường rêu phong kia không thể là những khung đời đen tối của anh.

Tôi nhìn xuống căn nhà nhỏ bé. Bốn cửa sổ đóng cả bốn, khép kín một vẻ bưng bít. Tôi nhìn Nam. Anh đứng bên tôi, cũng đang lặng lẽ nhìn xuống. Sự yên lặng của anh là một tiếng nói. Tiếng nói này nói lên cho một thái độ: Sự chịu đựng. Nam thua rồi. Nhìn chỗ ở của anh, tôi cũng biết là Nam thua rồi. Buồn hơn, anh đã chịu thua. Không biết từ đâu, một rung động buồn rầu thấm thía từ từ nổi dậy trong tôi. Nó buốt lạnh như hơi rừng. Tôi vừa thấy lạnh lẽo vừa thấy mệt mỏi, như một người đi đường đặt hết niềm tin vào chỗ đến, và đến, chỉ thấy đổ vỡ, chỉ thấy tàn hoang. Trong một thoáng, tôi muốn quay trở về. Tôi sẽ bỏ Nam đứng lại một mình với núi rừng của anh. Tôi sẽ yên lặng đi trở lại con đường bé nhỏ, ra ngoài đường cái, leo lên một chiếc xe đò cũ kỹ, dời bỏ cả một vùng cao nguyên lúc nào cũng nằm ngủ bên cạnh những bờ vực chìm đắm, để đi xuống những vùng phường phố chan hoà sự sống dưới kia, ở những vùng xây dựng đang mùa, kiến thiết không ngừng nghỉ. Tôi muốn bỏ đi. Tôi muốn xuống núi. Để được sống. Được cho đi, được nhận lại. Được vui và được tin yêu. Được đóng góp cái phần bé mọn của mình cho tập thể.

Ở đây, tôi không thấy gì, thật không thấy gì. Nếu thật ra sự sống rất mênh mông cũng có những biên thuỳ, thì nơi này đã ở ngoài biên thuỳ sự sống. Nam đã đứng thật xa, ngoài biên thuỳ. Một con đường nhỏ. Những lớp núi rừng trùng điệp. Những chiều mưa dầm dề. Cỏ hoang. Ở đâu cũng cỏ hoang. Tôi bắt đầu phải công nhận một cách bực bội rằng ngoại cảnh nếu không tác động, cũng ảnh hưởng mãnh liệt đến đời sống. Nó tô thêm sắc màu cho những tâm trạng, những sự kiện chưa đẫm nét. Tôi nhìn những đường rêu chảy trên mái cũ, nghĩ rằng núi rừng hoang vu nơi này cũng là những lớp rêu xanh. Chúng đang chảy xuống đời Nam. Một cánh cửa đóng kín. Những lớp rêu tường. Sự cách biệt ghê gớm. Nam chỉ thiếu biến thành một tượng đá. Nhưng chưa, thì cũng đã gần rồi.

Tôi nghĩ thế, và tôi đã muốn trở về. Tôi tưởng rằng núi rừng hoang vắng cách biệt chưa phải là chỗ ở của Nam. Tự nhiên tôi nhớ đến những con đường đi trong một bệnh viện thành phố. Những con đường lúc nào cũng như ngủ thiếp dưới mái lá xanh. Bệnh viện nào cũng là một thứ thế giới cách biệt. Đời sống đứng lại bên ngoài. Nó đứng lại dưới những hàng cây, vừa đọng lắng vừa sôi nổi, và bên trong, chỉ là một thứ thời gian lâu dài yên lặng. Bóng nắng bóng lá mệt mỏi. Tường vôi trắng toát. Những người bệnh xanh yếu. Ở đây, rừng núi cũng phảng phất một thứ không khí bệnh viện. Căn nhà rêu phong dưới chân núi kia cũng là một thứ an dưỡng đường cho một con người nhọc mỏi giữa lưng chừng cuộc sống.

Tôi không muốn đến những an dưỡng đường. Tôi muốn trở về. Nhưng với niềm bất mãn vẫn ngấm ngầm trong tôi. Tôi muốn được hiểu Nam hơn. Sự xoay chiều đột ngột của anh.

Cuối cùng, tôi nhất định ở lại.

Nam nhường tôi xuống trước. Qua những bực đất đào ngập vào sườn đồi, đến một khoảng sân nhỏ, không trồng trọt gì. Rừng gần nhà đổ lá xuống ngập ngụa. Tiếng nước rỏ xuống tí tách.

Nam gõ nhẹ tay vào cánh cửa đóng kín.

Có tiếng động ở bên trong. Những bước chân lại gần. Cửa hé mở. Tôi nhìn thấy chị Nam qua màn mưa loáng thoáng. Dưới mái tóc loà xoà, khuôn mặt chị hiền hậu nhìn tôi. Một thoáng ngạc nhiên ánh lên trong đôi mắt to đen.

Nam điềm đạm bảo vợ:

“Anh Thảo lên chơi với chúng mình. Em mở cửa cho sáng.

Cửa mở rồi mà gian phòng cũng không sáng được bao nhiêu. Chỉ mới bớt tối đi thôi. Phảng phất trong cái nhờ nhờ một thứ không khí u uất. Cuộc sống ở đây chứa đựng quá nhiều bóng tối rồi. Gian phòng không sáng nổi được nữa. Tôi nhìn chung quanh. Bàn ghế, đồ đạc đứng lặng lẽ từng khối tĩnh vật chìm lặng. Tôi nghĩ đến thứ ánh sáng của một niềm tin sáng chói, chưa được anh Nam đốt cháy ở nơi này. Ánh sáng của một nụ cười. Của một đôi mắt. Phút giây này, tôi đã thiết tha mong mỏi sự cháy đỏ của những dòng ánh sáng ấy, dù chỉ một chút ít thôi. Thì ở đây sẽ đỡ tối hơn. Những sự vật bé mọn nhất ở nơi này hình như đều phủ ngập dưới những tầng lớp băng tuyết, những trận mưa núi; những đợt sương rừng, ánh sáng có bùng được lên không?

Tôi nhìn ra ngoài. Rừng núi ngớt mưa đang đi dần vào hoàng hôn. Tối xám lan đi từng ngọn đồi. Hết ngọn này đến ngọn khác. Từng gốc cây. Hết gốc này đến đến gốc khác. Cái tảng trời xanh phía đầu núi của tôi ban nãy cũng đã nhoà đi rồi. Sao chưa kịp lên, đêm đã sâu thăm thẳm. Rồi tất cả những ngọn đồi, những gốc cây đều không nhìn thấy nữa. Cửa mở thành một khung đen. Mắt tôi tối lại. Nhìn Nam, bóng tối cũng ngập đầy trong mắt anh.

Sau bữa cơm, chị Nam pha cho chúng tôi hai tách cà phê.

Nhớ lại một hình ảnh đẹp cũ, tôi lên tiếng nhắc chị nhớ pha cho thật đặc. Chị Nam quay lại mỉm cười:

“Tôi nhớ rồi, anh chẳng phải dặn. Lần nào gặp nhau mà các anh không uống cà phê đặc, rồi thức suốt đêm. Cà phê của các anh không phải là cà phê nữa. Thuốc bắc thì đúng hơn”.

Tôi mỉm cười nhìn Nam. Chúng tôi cùng sống lại những đêm cũ. Kỷ niệm. Gương mặt Nam đã tươi hơn một chút.

Chị Nam đặt hai ly cà phê vào cái khay nhỏ, lấy hộp thuốc lá thơm, bưng tất cả đặt trên cái bàn thấp gần cửa sổ, đoạn chị kín đáo bỏ xuống nhà dưới. Tôi nhìn theo chị Nam, yêu mến cái vẻ kín đáo của chị lúc đó. Tôi vừa bắt gặp lại những nếp sống đặc biệt, tế nhị của người đàn bà Hà Nội. Một dáng đi. Một cách ăn nói. Cái lối pha một tách cà phê đặc sánh. Chị vẫn giữ gìn được nguyên vẹn cái duyên dáng ngày cũ, lúc chị còn là một người thiếu nữ ở Hàng Đào. Chị không đổi thay. Mà chỉ có Nam đổi thay thôi.

Chị Nam bỏ xuống nhà dưới vì chị biết Nam và tôi có những câu chuyện cần phải nói với nhau đêm nay. Đó cũng là một thói quen đã có giữa Nam với tôi từ rất lâu. Đêm nay, tôi đã muốn sống lại với Nam những đêm chí tình cũ. Một tách cà phê đặc. Một hộp thuốc lá. Để mà bàn định với nhau về những dự định của đời sống. Nhưng đêm nay tôi thức với Nam để làm gì? Anh còn có những dự định gì về đời sống? Tôi nhìn sang anh. Bên kia bàn. Nam chống tay lên cằm, nhìn xuống. Giây phút yên lặng vời vợi khắc khoải. Điếu thuốc lá cháy trên tay anh, dòng khói vật vờ khuất khúc. Khói thuốc ngừng lại trên nếp tóc rồi bồng bềnh. Những đường gân hai bên hàm nổi lên một thoáng cử động chìm lặn. U uất. Tôi nghĩ thầm: “Chỉ thấy mưa phùn và mây xám thôi. Chưa thấy nắng. Cũng chưa thấy trời xanh”.

Một lát Nam ngẩng lên hỏi tôi:

“Bạn hữu ở dưới ấy ra sao?”

“Cũng lúng túng cả”.

Tôi ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:

“Nhưng họ đang cố gắng. Rồi sẽ được tốt đẹp như cũ”.

Nam đáp thờ ơ:

“Nhất định rồi”.

Con mắt anh nhìn tôi rồi nhìn ra ngoài. Cái nhìn hết sức thờ ơ gửi vào đêm rừng mênh mông. Tôi biết Nam nói mà không nghĩ gì. Những ý nghĩ mất nhiệt thành mất tin tưởng không còn là ý nghĩ nữa. Tôi đã muốn hét lên với anh rằng nhất định rồi, nhất định rồi cuộc sống sẽ được tốt đẹp, nhất định như thế bởi vì những người bạn anh ở dưới kia đang lăn mình vào cuộc chiến đấu để xây dựng cho một ngày trở về, với tất cả niềm tin tưởng sắt đá của họ, với tất cả cái năng lực sáng tạo của họ. Và chỉ anh là anh đã mất niềm tin thôi.

Nghĩ thế nào tôi lại thôi. Tôi nghĩ rằng Nam đang là một người bệnh. Cho dẫu rằng anh chưa có quyền được vào bất cứ một bệnh viện nào. Nhưng im lặng, tôi lại bất mãn. Bất mãn nhiều nhất về cái thái độ của anh. Con người anh hôm nay đem đối chiếu với dĩ vãng, sau mâu thuẫn lại đậm đà đến thế. Tôi nhớ đến dĩ vãng. Một thứ dĩ vãng gần gụi của anh, của chúng tôi:

Từ đầu mùa thu 1950 đến những ngày trước hiệp định chia đôi đất nước. Nam ở hậu phương về Hà Nội. Dời bỏ hàng ngũ của những con người đã kìm hãm, đã huỷ diệt cái năng lực sáng tạo của anh, về tới Hà Nội anh bắt tay ngay vào việc. Tôi đã sống gần Nam những ngày tháng sôi nổi mãnh liệt ấy, để mà đo lường được thế nào là cái năng lực của con người sống vượt bực quyết tâm xây dựng lại cơ sở. Từ hai bàn tay trắng Nam bắt đầu. Và cuộc sống của anh cứ thế chuyển đi, như một hình ảnh mùa màng nườm nượp sinh thành trên tàn đổ. Anh sống không ngừng không nghỉ. Dạo ấy, Nam vẫn luôn luôn bảo tôi:

“Thời gian gấp rút ghê lắm, Thảo ạ! Phải xây dựng được ngay một cái gì cho chúng ta.”

Câu nói sôi nổi này, Nam đã đem gắn liền nó với hành động. Cứ theo anh thôi, tôi cũng thấy mệt đến đứt hơi. Lối sống của anh thu thế kỷ vào một năm, thu nghìn năm vào một phút. Anh làm bằng mười, bằng trăm người. Công cuộc xây dựng cơ sở của anh ngày lại ngày thể hiện trong một nhịp điệu đều đặn. Trước hết, Nam nhảy vào nghề thầu khoán. Đêm ngày anh lặn lội với lũ vật liệu, với công nhân, với mưa nắng ngoài công trường. Chỉ trong một năm anh đã xây cất được ba căn nhà mới nữa ở trung tâm thành phố. Ngân khoản gửi ngân hàng của anh lên tới hàng triệu đồng.

Hết một năm anh vụt đổi nghề. Những đô thị tàn phá đã được xây dựng lại gần hết trong thời gian này. Nghề thầu khoán không thích hợp nữa.

Đêm hôm ngồi uống cà phê với anh ở bàn giấy, kết toán lại công việc để sửa soạn dự định mới, Nam cười bảo tôi:

“Thế là chúng mình đã kết thúc xong chương trình đầu tiên. Bây giờ đến chương trình thứ hai. Tôi hẹn với anh ba năm. Sau đó, sẽ là cái chương trình cuối cùng của tất cả chúng ta”.

Cái chương trình cuối cùng của chúng tôi là một sự tổ chức thật đầy đủ, thật chu đáo cho đời sống vật chất và tinh thần của một số người gắn bó với nhau qua một thứ duyên văn đậm đà nhất, cùng theo đuổi một lý tưởng trên lãnh vực văn nghệ. Chúng tôi thật đông thật tin tưởng, nhưng chúng tôi sống lẻ loi và thiếu thốn tất cả mọi phương tiện. Sống những ngày lênh đênh mưa nắng ở hậu phương cộng sản, để chịu đựng đến ê chề sự chà đạp tin tưởng, sự kìm hãm tinh thần, chúng tôi kẻ trước người sau đã dời bỏ thiên đường cộng sản trở về Hà Nội.

Cuộc chiến tranh đau khổ lâu dài dạo đó đã là nguyên nhân phát sinh một tâm trạng văn nghệ thật đen tối. Mặt trận văn nghệ mở ra từng giai đoạn gay go. Kẻ thù mọc lên trùng điệp. Sa đoạ, đổ vỡ ghê gớm. Để xây dựng lại tất cả, phải phá huỷ tất cả.

Hướng đi mới sáng chói trong nội tâm từng con người đã sống nhiều thời gian đau đớn của thí nghiệm, của nhận đường. Lòng tin tưởng dư thừa. Nhưng phương tiện ở đâu? Chúng tôi thiếu thốn tất cả. Một nhà xuất bản. Một nhà in. Một nơi lui tới cho những buổi sinh hoạt tập thể. Cả đến những nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Một vài anh bạn đau tim đau phổi trầm trọng. Một vài người sốt rét kinh niên, thứ rét rừng ghê gớm mang về từ những biên giới âm u miền ngoài. Đôi khi lại một vài anh trút hơi thở cuối cùng trong một bệnh viện làm phúc.

Nam gặp lại tất cả chúng tôi vào thời kỳ đó.

Anh biết đến cảnh ngộ của chúng tôi. Nhiều đêm thức với anh, tâm sự với anh về những cảnh huống đau buồn của bọn người cầm bút nghiêng ngả điêu đứng vì những tác động vật chất, tôi đã cởi mở đến cái mực không giấu giếm gì anh nữa.

Anh suy nghĩ, rồi anh bảo tôi:

“Chúng mình phải chấm dứt ngay cái tình trạng này. Các anh không thể chết dần chết mòn trong những bệnh viện làm phúc được. Tôi sẽ thay Chúa Giêsu làm một cái gì cho chúng ta”.

Sự quyết định của Nam, giữa một thời đại xa hoa ích kỷ, không làm tôi ngạc nhiên. Một phần vì Nam là con người của những quyết định mau lẹ. Một phần vì tôi biết Nam vẫn có lòng với văn nghệ từ lâu. Anh mến chúng tôi vì anh biết chúng tôi đau khổ nhiều. Vì anh biết chúng tôi có niềm tin, nhưng không bao giờ tạo nổi được những điều kiện vật chất cần yếu.

Nam bàn với chúng tôi như thế này:

“Tôi dự tính dựng một nhà in, một nhà xuất bản, có đủ hết máy móc vật liệu để có thể ấn hành được tất cả những tác phẩm hữu ích. Sẽ có một câu lạc bộ văn nghệ cho các anh nữa, với chỗ ăn chỗ ngủ chu đáo. Các anh phải được nghỉ ngơi, được tĩnh dưỡng như tất cả mọi người. Các anh hãy giữ vững niềm tin. Tôi sẽ thu xếp đầy đủ phương tiện cho các anh”.

Nam hành động sát thực tế. Anh biến dự định thành những con số. Những con tính kỹ càng cho từng ngân khoản bé nhỏ một.

Anh kết toán:

“Phải có từ bốn đến năm triệu đồng”.

Anh cười nói đùa:

“Vì các anh đông lắm. Nhà văn lại sống dai nữa”.

Cuộc dự tính có tính chất vĩnh viễn được đặt trên một quy mô rộng lớn chưa từng thấy. Dự định này thành được do sự nhiệt tâm của một người, thì cả tập thể có thể vững lòng mà phục vụ bằng ngòi bút, bằng tư tưởng.

Nam bắt tay thực hiện chương trình này vào khoảng đầu mùa xuân 1954. Anh bán phăng ba căn nhà, đem số tiền mua một biệt thự diện tích gần ba mẫu ở ngoại ô thành phố. Sửa chữa lại, ba tháng sau thì xong. Còn hai căn nữa, anh để một làm nhà in, một làm toà soạn. Tiền gửi ngân hàng, anh rút ra hết, gửi tất cả sang Âu châu mua máy in.

Công cuộc tiến hành tuần tự tốt đẹp.

Nhưng có một điều mà Nam không tính đến: Sự biến chuyển của thời cuộc. Cho đến bây giờ, những phút ngồi ôn lại đến cái dự định cao đẹp kia đã đổ vỡ không phải vì chúng tôi, càng không phải vì Nam, tôi vẫn không hiểu tại sao Nam không chịu lưu tâm đến những yếu tố ngoại cảnh. Vậy mà ngoại cảnh trong không gian Bắc Việt và trong thời gian 1954 lại như đập thẳng vào mắt. Suy nghĩ nhiều rồi, tôi mới cảm thấy quý mến anh, sự quý mến gửi đến một con người dám xây dựng những sự kiện trường cửu ngay giữa mùa dông bão.

Được xây dựng là đủ, còn mặc kệ dông bão. Không tính đến thành bại.

Dông bão đổ ập tới: Tháng sau, thất thủ Điện Biên Phủ. Tháng Bảy, chúng nó ký kết với nhau hiệp định Genève. Miền Bắc rơi vào tay cộng sản. Hà Nội sống những ngày vực thẳm. Cái chương trình của Nam, của chúng tôi đổ vỡ theo. Hà Nội sống nốt 100 ngày tự do cuối cùng. Không may cho chúng tôi, lúc đó Nam lại vắng mặt ở Hà Nội vì một chuyến đi xa. Ở Hương Cảng về tới nơi, Nam bỗng dưng đau nặng. Những chiếc máy in lớn gửi về từ Âu châu nằm ngổn ngang dưới nhà in không có người ở. Đến khi Nam ra khỏi nhà thương, thì cái thời hạn 100 ngày cũng gần chấm dứt. Anh không kịp thu xếp gì cả. Mà hình như anh cũng chẳng muốn thu xếp nữa. Con người của những dự định lớn lao, có tất cả ngày hôm trước, mất tất cả ngày hôm sau. Nam đi khỏi Hà Nội với hai bàn tay trắng. Như chúng tôi, như phần lớn những người Hà Nội.

Nam đưa vợ con xuống Hải Phòng. Từ Hải Phòng vào Nam, anh đi thẳng lên vùng Cao nguyên, trốn lánh bạn hữu, trốn lánh cuộc sống, trốn lánh tất cả.

Một năm rồi.

Tôi mới lại được gặp anh ở đây.

Cuộc chiến đấu cho tự do cũng bắt đầu vừa chẵn một năm.

Đêm núi rừng mịt mùng bên ngoài. Tách cà phê đã nguội lạnh từ lâu. Những giây phút yên lặng, thăm thẳm. Nam đưa tay gạt một tàn thuốc lả tả rụng xuống. Tôi nghĩ đến anh. Đến bọn chúng tôi. Đến Hà Nội. Đến bọn cộng sản. Đến một ngày trở về chưa tới. Đến một cuộc sống mới đã khởi đầu. Chúng tôi đã định khởi đầu cả rồi. Hàng triệu người đã khởi đầu ở dưới kia, trên những miền đất nước bàng bạc sắc thái tự do. Cuộc chiến đấu mới sôi nổi, gấp rút, người ta không có quyền đòi hỏi phương tiện, đợi chờ cơ hội. Ở khắp nơi, những con người tự do đã hát lên. Đã đi thẳng vào xây dựng, đến thẳng với kẻ thù. Trên những địa hạt văn nghệ, những cây bút tự do đã kết tụ lại từng nhóm phục vụ chiến đấu. Giai đoạn sống còn này nằm trong cái gấp rút, sôi nổi của hiện tại. Dĩ vãng chết thật rồi. Chúng ta đã bỏ lại dĩ vãng cho kẻ thù ở bên kia. Trước tương lai chói loà, người ta không có quyền được thương tiếc quá khứ nữa.

Đêm hôm đó, tôi đã nói được với Nam về những sắc thái bay múa của cơ man nào là cuộc sống đang khởi đầu ấy. Tôi muốn nhìn thấy sự cháy đỏ trong anh một ngọn lửa tin. Nhưng mà những sự kiện bé nhỏ nhất ở nơi này cũng đều chìm ngập dưới những tầng lớp băng tuyết, lửa có cháy lên được không?

Hãy nghe Nam thủ thỉ:

“Tôi không thiết tha gì nữa, Thảo à! Sống cho qua ngày thôi. Nhiều lúc tôi muốn xoá bỏ hết, muốn xuống núi, để bắt tay vào một cái gì với các anh. Nhưng cũng không nổi nữa đấy. Tôi đã mất mát nhiều quá, tôi thua rồi. Hành động trong một thời gian nghiêng ngả, con người phải vững lắm mới được. Tôi nghĩ đến sự cố gắng của tôi ở Hà Nội trong 5 năm trời đằng đẵng. Tôi sống 5 năm bằng cả một đời. Bây giờ trắng tay vẫn hoàn trắng tay. Anh bảo tôi không thất vọng sao được”.

“Vậy mà hàng triệu người như chúng ta đã không thất vọng mà còn tin tưởng ghê lắm”.

Nam cười buồn:

“Tôi chưa thấy điều gì làm tôi tin tưởng được. Mất mát nhiều như tôi, tin tưởng lại khó lắm”.

Tôi không trả lời Nam. Tôi biết anh mất mát nhiều. Nhưng tôi còn biết anh đã mất mát ở ngay đây một cái gì to lớn hơn tất cả những mất mát của anh ngoài Hà Nội. Nam đã đánh mất niềm tin. Rừng núi hoang vu buồn thảm ảnh hưởng sâu nặng thêm mãi vào cái tâm trạng tàn lụi này.

Tôi nghĩ thầm: Nếu anh xuống núi. Phải rồi. Nếu anh xuống núi để đến những thành phố, những làng xóm, những trung tâm định cư, những vùng bị cộng sản tàn phá, những miền mới tiếp thu, để có những ấn tượng rực rỡ nhất về cuộc phục sinh của đất nước, để tai nghe mắt thấy tại chỗ những lớp người đã đau khổ, đã mất mát như anh, đang đặt những nền tảng đầu tiên cho đời sống tự do.

Nếu Nam xuống núi để tiếp nhận những dòng đời đang xuôi chảy, đang dâng lên. Những con suối nhỏ đang sống những đời đại dương. Những người đã bỏ hàng trăm nóc nhà đến vùng tự do, sống tin yêu dưới một mái lều tạm trú. Thì anh sẽ khám phá được điều này: Chúng ta giầu có hơn bao giờ. Vì chúng ta tự do. Và những vùng trời của chúng ta không chỉ là những cơn mưa núi, những buổi chiều tối xám, u uất, mà còn là những miền bình minh, những ngày chói nắng, những buổi đầu mùa.

Tôi liền đề nghị với Nam:

“Từ ngày vào đây, chắc anh cũng chưa đi đến đâu. Anh thử đi thăm các nơi một chuyến xem sao. Anh cần phải đi. Nằm mãi ở miền cao này, rồi anh biến thành trăng sao mất. Tôi tin rằng cuộc sống của dân tộc hôm nay ở miền tự do sẽ làm anh thay đổi thái độ. Không ít thì nhiều, nhưng thế nào cũng thay đổi”.

Nam yên lặng không nói gì.

Đêm hôm đó, chúng tôi thức với nhau đến sáng.

Tôi từ giã vợ chồng anh buổi sớm hôm sau. Mưa núi đã tạnh hẳn. Trên lối đi nhỏ, sương trắng bốc lên nghi ngút. Có tiếng chim rừng hót ở đầu nhà. Vợ chồng anh đưa tôi ra ngoài đường cái. Tôi bỏ anh lại với rừng núi của anh. Niềm tin tưởng cuối cùng trong tôi là một ngày nào sẽ có một chuyến đi vào sâu giữa lòng đất nước, sẽ gửi trả Nam cho chúng tôi…

Lần gặp Nam ở cao nguyên đến nay đã được một tháng.

Bỗng một hôm, tôi nhận được thư anh. Tôi mừng vô tả. Trong thư, Nam báo tin cho tôi, ít ngày sau hôm tôi về, vợ chồng anh đã bắt đầu một chuyến đi trên khắp các vùng bên này vĩ tuyến 17. Anh đã đến các vùng mới tiếp thu. Anh đã đi thăm những vùng bị tàn phá nhất. Anh đã đến các trung tâm định cư. Anh đã gặp những bạn hữu cũ. Và anh đã được biết thế nào là cái lực lượng phục hồi vĩ đại của dân tộc, cùng là cái năng lực của người tự do trong cuộc sống.

Đây là một đoạn ở cuối thư:

“Cứ nằm mãi ở những miền rừng núi hẻo lánh, nằm mãi trong một thứ thạch động cách biệt, người ta có thể quên cả cuộc sống, quên cả chính mình nữa. Thảo ạ! Tôi đã sống một năm thương nhớ dĩ vãng, đau xót với những mất mát cũ, tôi không sống được gì cả. Nguy quá. Tôi vừa đi thăm nhiều nơi về. Đâu đâu, tôi cũng gặp những con người bừng bừng tin tưởng, và hăm hở xây dựng. Trong tôi, ngọn lửa tin mà tôi tưởng nguội lạnh hẳn, những người bạn đường hôm nay đã đốt nó cháy lên. Tôi muốn sống. Tôi muốn hành động. Tôi không thể tưởng tượng được rằng những lớp người đã mất mát đã đau khổ như chúng ta, hơn chúng ta, lại có thể sống mãnh liệt được như thế. Nhưng sự thật như thế. Tôi sẽ bỏ rừng núi. Tôi sẽ xuống đồng bằng đây. Hẹn gặp tất cả các anh. Chưa có dự định gì, nhưng hành động đã. Mà lần này thì chắc không thể nào tan vỡ được nữa…”.

Bức thư của Nam chưa nói hết được với tôi về sự chuyển hướng lớn lao anh. Nhưng tôi biết chắc chắn được điều này, Nam đã trở lại đời sống. Nam đã trở về với chúng tôi rồi. Nam đã ra khỏi bệnh viện, ra khỏi dĩ vãng rồi. Nghĩ đến tập thể đông đảo sẽ có thêm anh, tôi vui đến cái độ có thể hò hét toang oang lên. Bọn cộng sản có thể chiếm đất đai của chúng ta, nhưng chúng không thể cướp được con người của chúng ta. Chúng có thể đánh ngã chúng ta trong một phút, nhưng rồi chúng ta lại vùng dậy. Sự vùng dậy của Nam là một trong muôn triệu.

Tôi còn biết chắc chắn được điều này nữa:

Cuộc sống của dân tộc hôm nay có một sức tác động mãnh liệt mà kẻ thù đã nhầm và chính chúng cũng không ngờ tới. Như một con bệnh, một ngày đến những miền đất nước tự do, cái không khí lành khoẻ của tập thể đã giúp Nam sống lại. Nhiều người như Nam nữa. Đau khổ mất mát nhiều nhưng vẫn tin tưởng thắm thiết. Vẫn đấu tranh mãnh liệt.

Tôi gập thư lại. Tôi nghĩ đến Nam, những người như Nam, thức dậy trong những lớp chiếu chăn dĩ vãng ẩm mục, đang tấp nập xuống núi. Bỏ những ngọn núi cô lẻ, những thạch động ớn lạnh, họ đang xuống những miền đồng bằng của tự do. Họ sẽ sống lại trong lòng đất nước, trong lòng tự do. Họ sẽ chiến đấu để bảo vệ đất nước, bảo vệ tự do.

Tôi nhớ đến đường vai gầy của Nam. Đến vùng trời của Nam.

Nơi ấy chắc đã có nắng. Như ở đây.
Mưa núi
Lời vào tập
Đêm giã từ Hà Nội
Nhà mới
Mưa núi
Một chiều qua Cửu Long
Chiếc xe hàng cũ
Tháng Giêng cỏ non
Người bạn đường
Giai đoạn chị Định
Đêm tân hôn