CHA TÔI và những kỷ niệm
Tác giả: Mầu Hoa Khế
Người nơi thành phố nhỏ . Ai cũng gọi cha tôi là người Minh Hương bởi lẽ ông nội tôi là người Trung Hoa ở tận cái hòn đảo Hải Nam bên Trung Hoa . Một ngày đẹp trời đã dừng lại cuộc đời phiêu bồng của mình bên cạnh bà nội tôi , một cô đào hát bội tài sắc vẹn toàn .
Bà tôi có 4 người con, cha tôi là con trai trưởng nên được bà thương nhiều nhất . Thuở bé cha được cưng chìu nên nghịch ngợm ghê lắm, thường hay làm mích lòng hàng xóm về những trò chơi tinh quái của cha bày ra , nhưng bà nội chỉ la cho có lệ:
"thiệt chẳng chịu học hành gì cả, lớn lên chỉ hư thôi "
Rồi tới tuổi trưởng thành cha tôi cũng phải lập gia đình . Mạ là người đàn bà ở thôn quê chỉ biết trồng khoai , trồng sắn, trong khi cha đã thi đậu bằng trung học Pháp . Lúc bấy giờ người mù chữ nhiều lắm , nên người có chữ nghĩa , học hành là một niềm hãnh diện đối với hàng xóm .
Tánh cha rộng rãi, không nề hà bất cứ chuyện gì mà người ta nhờ đến . Cha nói :"sống để cho người ta tin cậy không phải là chuyện dễ làm " . Cha còn có một tấm lòng thương yêu những kẻ nghèo khổ nên nhà cha thường hay có những người khách lạ, kiếm chuyện vu vơ làm quen trong những giờ cơm để được cha mời ở lại dùng cơm .
Cha mang trong mình dòng máu nghệ sĩ của bà nội, nên cha đóng kịch rất hay và ngâm thơ thì tuyệt vời . Những ngày kỷ niệm lễ Phật Đản thành phố nơi cha ở, tuy nhỏ nhưng tổ chức rất chu đáo . Cha là huynh trưởng gia đình Phật tử nên trách nhiệm của cha khá nặng nề . Buổi lễ hôm đó cha dựng vỡ kịch thơ " Sự Tích Đức Phật Thích Ca " , cha thủ vai Tịnh Phạm Vương , chị cả tôi thủ vai chính, vai Hoàng tử Tất Đạt Đa, còn tôi được cha cho đóng vai con trai của Hoàng tử .
Sân khấu lộ thiên được dựng lên ở bãi cát trước Chùa Phật Học. Mặt tiền của ngôi chùa nhìn ra con sông Thạch Hãn nước sông chảy lững lờ êm trôi hiền hòa ,bờ bên kia sông là bãi cát trắng phau của làng Nhan Biều . Thiên hạ trong thành phố, luôn từ những miền quê gần sát đã lũ lượt kéo nhau về Chùa Phật Học tưng bừng náo nhiệt, nhưng không kém phần long trọng trang nghiêm .
Bà tôi đã có mặt tại Chùa trong khâu nhà bếp, vì bà nấu đồ chay ngon không ai sánh kịp . Ở Chùa những gia đình Phật tử khắp nơi, chia phiên nhau làm thành những ban trật tự . Chuông Chùa đổ liên hồi, khói hương nghi ngút thớm nức cả một vùng . Buổi tối những chiếc xe hoa lộng lẫy, biểu tượng của ngày lễ đi diễn hành chậm quanh thành phố, dân chúng đổ xô ra đường nhìn ngắm . Thì trên mỗi khúc sông,hoa đèn được thắp sáng thả trôi theo dòng nước với lòng khấn nguyện thành tâm, chim, cá cùng một lúc được phóng sanh, trong không gian trầm lắng thiêng liêng.
Bóng đêm đã đậm màu,trước bãi cát Chùa Phật Học đã không còn chổ để chen chân, bỡi giờ mở màn của vỡ kịch nồng cốt sắp được trình diễn . Tôi được hoá trang thành một chú bé Ấn Độ của vai trò vở tuồng đòi hỏi .
Gió sông thổi lên mát rượi , mặc dù quanh tôi âm thanh ồn ào náo động, bỡi vì theo cha mệt cả ngày nên tôi ngủ thật ngon lành trên chiếc ngai vàng của vua .Màn mở đầu là cung điện, những người phụ trách xếp đặt phong cảnh ở phía hậu trường ánh đèn không sáng lắm, họ không nhìn thấy tôi đã vô tình kéo hất chiếc ngai vàng . Tôi bị rơi từ sân khấu xuống bãi cát nghe một cái "bịch", tôi hết hồn la lên "A" thật lớn. Thì cha tôi lúc đó dù đang bận rộn,chuẩn bị lo lắng để bước ra sân khấu cũng phải giật mình nhảy xuống ôm xốc tôi lên, sờ đầu sờ tay chân coi tôi có bị thương tích gì không .Mặt mày tôi dính cát tùm lum, được thể cứ oà lên khóc nhõng nhẽo .
Tấm màn mầu đỏ được kéo ra trong tiếng vỗ tay đón mừng háo hức của quần chúng . Tôi nhìn cha uy nghiêm ngồi trên chiếc ngai vàng, giọng cha ngâm thơ ấm áp trìu mến, lại có lúc hùng hồn, làm cho mạch máu trong tim tôi cũng rung động dồn dập theo .
Tôi còn quá bé không nhớ được những phần đối thoại của vỡ kịch thơ hôm đó, nhưng nhìn qua dáng điệu của cha, tôi biết cha đang thủ vai của một vị minh quân đầy hào khí, bên cạnh chị cả tôi cũng đã diễn đạt thật tuyệt vời trong vai Hoàng tử Tất Đạt Đa, còn tôi chỉ là chú bé con được bồng ra sân khấu cho đúng với tuồng tích mà thôi .
Những thành tích văn nghệ của cha tôi nổi lên như cồn, trong mỗi câu chuyện nói về văn nghệ, không bỏ sót một ai trong thành phố và những làng phụ cận mà không nhắc tới tên cha . Cho nên cha đuợc chính quyền sở tại, mời làm trưởng ban văn nghệ trong bộ chiêu hồi tại tỉnh nhà vào thời đó ...
Đó là vào thời đại ông Ngô Đình Diệm đang làm Tổng Thống, cũng là lúc phong trào chống Cộng lên cao điểm với kế hoạch xây dựng lên hàng rào ấp chiến lược . Trong một vở kịch tố Cộng, vở kịch đã gây một ấn tượng mạnh mẽ đánh dấu sự thành công của cha . Ông trong vai một người lính quốc gia bị cộng Sản bắt làm tù binh, người lính quốc gia không chịu đầu hàng trước những cuộc tra tấn dã man vô cùng đau đớn .
Ở hàng ghế danh dự tôi đã khóc nức nở vì hình hài cha thật tang thương, nhưng trong ánh mắt của cha sáng ngời lên ý chí bất khuất kiên cường . Tên cán bộ Cộng sản, hình tượng được vẽ và treo đầy trong thành phố, là một con rắn hổ mang mang đầu người, đội nón cối, hai cái lưỡi thè ra màu xanh trông rất dễ sợ .
Tên Cộng sản trên sân khấu, nó không phải là con rắn, nhưng nó còn ghê gớm hơn đang hành hạ trên thân xác cha tôi không nương tay, nó chỉa mũi súng vào ngực cha tôi lạnh lùng cất tiếng dõng dạc :
_ mày còn cứng đầu, không khai đồng bọn , tau sẽ bắn mày .
Trong giây phút đó, là sự chuẩn bị cho một cái chết kiêu hùng . Người chiến sĩ quốc gia tay chân bị xiềng xích đã đứng cao lên hướng về mặt kẻ thù hô to khẩu hiệu .
_Đá đảo ****
_Ngô tổng thống muôn năm
Một tiếng nổ chát chúa, cha tôi ôm ngực máu trào ra đỏ thắm chiếc áo sơ mi ngã màu từ từ quị ngã xuống sân khấu .Đã làm cho tôi kinh hãi , khóc thét lên, làm cho Mạ tôi cuống quít ôm xốc tôi chạy ra khỏi rạp hát . Cha tôi diễn quá xuất thần, sau tiếng khóc thét của tôi làm cho mọi người ai cũng bàng hoàng theo vai diễn khiến nửa rạp hát họ đứng lên, đồng thanh hô to khẩu hiệu .
_ Đá đảo Cộng sản
_Đá đảo ****
Tôi ở nhà khóc dai dẳng, ai dổ cũng không nín mãi khi thấy cha trở về mới hoàn hồn ôm lấy cha khóc thút thít . Ngồi nghe cha giãi thích, cái trò tinh xảo hoá trang trên sân khấu là khi máu thấm ra chỉ là cái hột vịt được khoéc một lổ nhỏ, đã lấy hết tròng bên trong , bỏ phẩm màu đỏ vào rồi lấy băng keo dán lại, để trong túi áo trước ngực . Cây súng, chỉ là một thanh gỗ với đôi tay khéo léo cha tự đẻo thành rồi mang sơn màu đen, còn tiếng nỗ chát chúa chỉ là viên pháo đại cho nỗ đúng lúc mà thôi . Tất cả là do cha tự đạo diễn lấy, luôn cả kịch bản và những người diễn viên phụ trong tuồng, thì cũng là mấy chú , mấy bác hay tới nhà của tôi chơi mà thôi . Vậy mà hôm đó đã làm cho tôi một phen khiếp vía để nhớ mãi suốt đời.
Rồi thời gian trôi qua,giòng máu nghệ sĩ của cha mang từ giòng máu cô đào hát bội của bà nội tôi , trong người cha còn có thêm giòng máu lãng tử giang hồ của ông nội nữa. Con cái mỗi ngày một lớn , kinh tế gia đình không mấy khả quan , rồi thiên tai ập tới vô chừng, quê nhà lâm vào cảnh túng thiếu . Cha lo âu tìm đường mưu sinh, Mạ lo lắng con đường tương lai mịt mờ trước mắt . Cha nói là thực hiện ngay trong lúc Mạ mang thai em tôi đang gần tới ngày sinh nở .
Một sáng mùa đông trên quê hương cái giá lạnh buốt tới óc, trên sân ga nhỏ , những người thân yêu cùng luôn bạn bè co ro trong những chiếc áo ấm dày cộm, đến thật đông để đưa tiễn gia đình tôi lên tàu để xuôi vào miền Nam . Bà Nội tôi thì mếu máo khóc , chú thím tôi rưng rưng nước mắt .Ngày hôm đó mưa phùn giăng đầy bầu trời bay bay từng hạt nhỏ.Lúc tôi vô ngồi trong toa tàu vô tư đưa bàn tay bé nhỏ ra cửa sổ đùa hứng những hạt mưa, đôi mắt tròn xoe nhìn theo những người đưa tiễn ngày hôm đó từ từ khuất dạng . Quê hương từ đó đã nằm thật im trong một góc nhỏ của tâm hồn tôi .
Nơi đến là Sài Gòn hoa lệ mệnh danh là Hòn ngọc viễn đông lúc bấy giờ . Gia tài mang theo chỉ là mấy bộ đồ, một ít tư trang của Mạ , một túi tiền nhỏ dành dụm của bà nội . Cha tôi là người từng đứng trên sân khấu đóng những vai trò hào hùng bất khuất. Cho nên đối với nơi chốn vừa đến đâu thể nào làm khó được ông . Lòng tin và sự tháo vác của cha rất mạnh mẽ, cộng thêm sự cần mẩn , chịu khó của Mạ . Cho nên bước đầu tiên nơi xứ lạ, không làm cho gia đình chúng tôi nao núng . Còn anh chị em chúng tôi, thì Sài Gòn với đèn xanh đèn đỏ rực sáng thật chẳng khác nào là thiên đường nơi trần gian .
Với nụ cười thân thiện cha đi tới đâu cũng gặp người giúp đỡ , người Sài Gòn hồi đó họ chân chất thật thà lắm, lòng tử tế tràn đầy chung quanh cuộc sống của chúng tôi. Cái câu "tứ hải giai huynh đệ " thật là đúng nghĩa của nó lúc đó.
Cuộc sống gia đình tôi cũng lắm cái lênh đênh, cha vất vã trong công việc không được lâu, thì đi đăng lính để đồng lương được ổn định . Lúc ông ở quê nhà có nghề chụp ảnh , nên khi vô lính với cấp bậc Hạ sĩ cha được làm trong ngành thông tin .
Gia đình đầm ấm hạnh phúc với đồng lương căn bản của chính phủ , có một chuyện xãy ra trong đời lính của cha đã làm cho tôi vô cùng hãnh diện . Trong cuộc thi về Anh ngữ để chọn người đi ra nước ngoài học về cách huấn luyện cho những con chó để dùng trong quân đội . Cha tôi là thí sinh đỗ với điếm cao nhất , người đứng hạng hai là một ông thiếu tá trẻ tuổi . Cha lúc đó vì không muốn xa gia đình nên đành bỏ lỡ một cơ hội thật hiếm quí .
Cha tôi bây giờ đã trên 74 tuổi . Ai bảo tuổi già trên đất Mỹ là không còn hửu dụng? là cô độc? . Buồn bã chờ ngày về với đất trời . Riêng cha tôi thì thật lạ lùng , ông càng già thì càng minh mẫn , cha tôi đâu chịu thua lớp trẻ đã ghi danh lên đại học , ôn lại tiếng Pháp bởi ông đã có bằng trung học trước đây , học thêm tiếng Nhật , ở nhà tập viết tiếng Tàu , dầu gì nguồn cội cũng là người Trung Hoa . Điểm học luôn lấy con A, làm cho chúng tôi khâm phục trong lòng . Tiếng Anh thì cha giống như một cuốn tự điển sống, chúng tôi lỡ bí chữ nào, hỏi cha thì ôi thôi cha nói luôn chữ này dính qua chữ kia nghe muốn ù cả đầu, nhất là tôi làm biếng học nhất nhà .
Ngoài ra cha phụ trách phần dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt , hay ngược lại cho một tờ báo ở nơi chúng tôi cư ngụ.Tiếc rằng bà nội không còn sống để mắng yêu cha " thiệt chẳng học hành gì cả, lớn lên chỉ hư thôi" .
Ngày xưa người con gái đi lấy chồng thì coi nhà chồng là nhà mình , chuyện về thăm cha mẹ ruột phải qua luật lệ khắc khe của bên chồng, có khi đôi ba năm cũng chưa được về thăm, nên ca dao từ đó đã nói lên hộ nỗi lòng của những người con gái lấy chồng xa quê .
"chim đa đa đậu nhánh đa đa ... chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa ... nhỡ mai cha yếu mẹ già , chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng" .
Luật lệ đó theo thời gian đã trở thành lỗi thời .Với thời đại hiện tại đã bị thay đổi hoàn toàn . Nhưng sự khắc nghiệt của đời sống cơm áo xứ người đưa tôi theo chồng không được sống bên cạnh cha tôi .
Trong mỗi bửa ăn được chồng con khen " mẹ nấu đồ ăn ngon quá " . Lòng tôi bỗng chùng xuống , nước mắt dấu kín trong lòng khi nghỉ tới cha. Tuổi cha càng ngày càng lớn không biết cha có ăn được ngon miệng không , giấc ngủ cha có tốt không ? . Nhưng tôi biết cha sẽ hiểu và thông cảm cho những đứa con của cha, nụ cười cha thật đẹp và phúc hậu, lòng cha như biển trời độ lượng. Cha như đang nói với tôi " nước bao giờ cũng chảy xuống con ơi ..."
Mầu Hoa Khế , Los Angeles 1993