Chương 3
Tác giả: Maxence Fermine
33
Tuy nhiên, một hôm, vì sự thăng bằng đó quá mỏng manh, chiếc gậy đã bị gãy.
Một hôm, tình thương đến từ hai kẻ thân yêu nhất cũng chưa đủ cho nàng được hạnh phúc. Nàng nhớ cuộc đời trên không trung. Nàng lại thèm những giây phút choáng váng, rợn người, chinh phục. Nàng chỉ muốn trở lại với cuộc đời nghệ sĩ đi dây.
Nàng xin phép Soseki cho nàng được tổ chức một buổi diễn cuối cùng. Nàng muốn căng dây qua hai đỉnh của dãy trường sơn.
Có thể chồng nàng đã cho việc ấy là điên rồ, coi việc đó là quá nguy hiểm đối với tính mệnh của nàng, thế nhưng, vì muốn hành sự theo đúng tinh thần hiệp sĩ nên chàng chiều ý nàng và tuân lệnh.
Chàng gởi mua từ châu Âu hai sợi dây cáp thép, một ngắn một dài. Sợi cáp ngắn có bề dày nhỏ, sợi kia thì có đường kính lớn hơn, dài năm trăm mét. Rồi chàng sai hai người giúp việc đem sợi cáp dài cột vào sườn một ngọn núi cao ở giữa dãy trường sơn của vùng núi Honshu.
Tuyết lấy chiếc gậy giữ thăng bằng ra khỏi túi đựng, mang vào chân đôi hài vũ ba-lê và tập dượt đi qua đi lại nhiều giờ trong căn vườn trên sợi cáp ngắn, những đỉnh núi hoa nhỏ và một đại dương nhỏ lênh đênh những hoa súng.
Soseki cứ mải mê nhìn nàng chẳng hề thấy mệt. Vợ chàng là một vũ công ngoại hạng trên dây. Trên sợi dây dó, Tuyết quá hạnh phúc, quá đẹp, quá thướt tha khiến mỗi ngày Soseki tri ân trời phật đã ban tặng nàng cho chàng.
Tóc nàng vàng hoe. Mắt nàng trong sáng.
Và nàng bước trong không gian.
34
Buổi trình diễn được ấn định vào những ngày hè đầu tiên. Khán giả từ khắp nơi trong nước kéo tới xem các trò khéo léo của cô gái Pháp. Người ta kể lại rằng hoàng đế đã đích thân tới xem cảnh thần tiên, ngồi bên cạnh một chàng hiệp sĩ.
Khi Tuyết đặt chân lên sợi dây, quần chúng rì rào. Vì ở nơi quá cao, quá chóng mặt, nàng chỉ là một điểm trắng trong không gian, một bông tuyết trong bao la của đất trời.
Tay cầm chiếc gậy để giữ thăng bằng, Tuyết bước đi trên không trung hơn một giờ rưỡi, dần dần tiến về phía sườn núi bên kia. ở dưới, khán giả nín thở trố mắt nhìn. Sẩy một bước là lãnh lấy cái chết ngay tức thì.
Nhưng cô gái, làm chủ nghệ thuật của mình, cứ bước đi. Từng bước một. Từng hơi thở một. Từng im lặng một. Từ giây phút choáng váng này sang giây phút choáng váng kia.
Nàng chưa một lần sẩy chân.
35
Nhưng chính sợi dây đã đứt. Có thể vì gắn không chặt, sợi dây cáp tách rời tảng đá, cuốn theo người thiếu phụ và cây sào trong một sự đổ nhào từ một chỗ cao hơn mười ngàn bàn chân. Từ xa, người ta thấy nàng khuất dạng, giữa dãy trường sơn Nhật Bản, người ta tưởng chừng như thấy một con chim từ trên trời sa xuống đất.
Người ta không tìm thấy xác nàng, có thể đã rơi vào một khe núi. Tuyết đã trở thành tuyết và an giấc trên chiếc giường của sự trắng xoá.
36
Soseki không bao giờ nguôi ngoai về cái chết của người vợ. Hai người giúp việc phạm tội bị sa thải nhưng được miễn truy tố. Vài hôm sau người ta hay tin họ đã tự tử bằng cách lao mình xuống núi. Nhà hiệp sĩ không bày tỏ một cảm xúc nào vì chuyện đó. Chàng chỉ thấy mỗi một điều: nỗi buồn của chính mình. Chàng chỉ biết mỗi một điều: chàng sẽ không bao giờ tìm lại được người mình yêu. Chàng sẽ không bao giờ được thấy lại Tuyết. Chàng sẽ không bao giờ được nhìn thấy lại nhan sắc của nàng.
Trở về tư thất nay đã vắng mọi niềm vui, chàng trút bỏ chiến bào. Chàng sẽ thôi là hiệp sĩ. Chàng sẽ không là viên võ tướng của hoàng đế.
Chàng dành trọn thời giờ vào việc dạy con và cho nghệ thuật. Nghệ thuật tuyệt đối. Trên gương mặt đứa con là bóng dáng của cuộc tình đã mất, chàng lấy nguồn cảm hứng ở đó, và trong nghệ thuật chàng sẽ tìm thấy lại sự thăng bằng đã mất vì sự khuất bóng của nàng nghệ sĩ đi dây.
Và như vậy, nhờ tình yêu dành cho một người phụ nữ, chàng đã trở thành nhà thơ, nhạc sĩ, nhà thư pháp, vũ công. Và hoạ sĩ.
Vì hội hoạ tất nhiên là mối liên hệ chung thủy nhất giữa khuôn mặt đã mất và nghệ thuật tuyệt đối, nó là phương tiện chắc chắn nhất để tìm lại Tuyết. Và chính là ở trong nghệ thuật đó mà bậc thầy trở nên xuất chúng.
Soseki mua sắm nhiều thứ trong một tiệm buôn bán dụng cụ — một giá vẽ, nhiều bút lông, một bản màu, vô số bột màu —, xây cất cho mình một túp lều trong mảnh vườn nhà và tự giam mình trong ấy. Chàng sống nhiều năm như vậy để hoạ hình một phụ nữ đã qua đời một cách lạ lùng mà mãi mãi chàng chỉ có thể thấy lại trong giấc mơ.
Tuy thế, Soseki không bao giờ thoả mãn với công việc của chàng. Các bức hoạ của chàng dù tuyệt sắc vẫn có vẻ quá loè loẹt, chưa thật giống người mẫu. Nếu muốn hoạ hình Tuyết thật chính xác thì phải là một bức hoạ toàn trắng, trinh bạch, lọc gạn.
Làm thế nào để hoạ màu trắng? Mỗi bức tranh vẽ người phụ nữ đều đẹp nhưng chẳng giống tuyết chút nào cả.
Vì thế, Soseki tiếp tục trau dồi nghệ thuật của mình, ngày này qua ngày kia, đêm này qua đêm nọ, không bao giờ biết mỏi mệt.
Rồi chàng trở thành già yếu. Đứa con gái, đã lớn và đẹp, được đưa lên Đông Kinh để hoàn tất việc học hành. Người đàn ông già một mình đối diện với khung lụa, mỏi mắt ngắm nhìn hình ảnh người vợ quá cố. Rồi một hôm, dưới áp lực của công việc không ngừng nghỉ, ông đã bị mù mắt.
Và chính vào hôm ấy mà Soseki, trong tận cùng của sự mù loà, đã hoạ được bức chân dung trắng nhất và đẹp nhất.