Chương 177
Tác giả: Mikhail Solokhov
Hai tập đoàn Hồng quân số 8 và số 9 không đánh tan nổi sức chống cự của các đơn vị Quân đội sông Đông trước vụ lũ mùa xuân để tiến sang bên kia sông Dones, nhưng họ vẫn cố tìm cách chuyển sang thế tấn công trên những khu vực riêng lẻ. Phần lớn các cố gắng ấy chỉ đi đến thất bại. Thế chủ động đã chuyển sang bộ chỉ huy sông Đông.
Cho tới trung tuần tháng Năm, trên Mặt trận Miền Nam vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Nhưng chẳng bao lâu những thay đổi ấy cũng đã xảy ra. Theo kế hoạch mà tên tướng Denisov cựu tổng tư lệnh Quân đội sông Đông cùng tham mưu trưởng của hắn là tên tướng Poliakov đã thảo ra, trong khu vực hai trấn Kamenskaia và Ust-Kalitvenskaia đã thực hiện xong việc tập trung các đơn vị mệnh dânh là binh đoàn xung kích. Chúng đã điều về khu vực nầy của mặt trận những lực lượng ưu tú nhất gồm những phần tử cốt cán đã qua huấn luyện của cái quân đội trẻ tuổi nầy, những trung đoàn vùng hạ du đã được thử thách: Gundorovsky, Georgievsky, vân vân. Tính sơ lược thì lực lượng của binh đoàn xung kích nầy gồm một vạn sáu ngàn tay gươm, tay súng, cộng thêm có hai mươi tư khẩu pháo và một trăm năm mươi khẩu súng máy.
Theo ý tên tướng Poliakov, đáng là binh đoàn nầy phải hiệp đồng tác chiến với các đơn vị của tên tướng Fitkelaurov hướng làng Makeevca, đánh tan sư đoàn Hồng quân số 12, rồi hoạt động bên sườn và trong hậu phương của hai sư đoàn 13 và Uralskaia, đột nhập vào địa hạt của khu Đông Thượng để hợp nhất với quân đội của bọn phiến loạn, và từ đó tiến quân tới khu Khopesky để "lấy lại sức khỏe" cho bọn Cô-dắc đang mắc cái bệnh Bolsevich.
Ở vùng gần sông Dones, chúng đang tích cực làm công việc chuẩn bị tấn công, chuẩn bị đột phá. Quyền chỉ huy binh đoàn xung kích được trao cho viên tướng Sekrechev. Phần thắng đã rõ ràng ngả về phía Quân đội sông Đông. Tướng Sidorin mới lên chỉ huy quân đội nầy thay tướng Denisov, tay chân của tên Krasnov, vừa về hưu, cũng có xu hướng dựa vào Đồng minh cũng như viên tướng Frikan Bogaevsky lại được bầu làm ataman nhiệm mệnh của quân khu. Cùng với những tên đại diện của các phái đoàn quân sự Anh và Pháp, chúng đã thảo ra những kế hoạch đại qui mô để tấn công về Moskva và quét sạch chủ nghĩa Bolsevich trên toàn lãnh thổ nước Nga.
Những tàu vận tải chở vũ khí đã cập bến những hải cảng trên bờ Hắc hải. Những chiếc tàu viễn dương không chỉ chở đến máy bay, xe tăng, trọng pháo, súng máy, súng trường của Anh và Pháp, mà cả những con la kéo xe cùng số lương thực, binh phục mất giá trị sau khi họ đã ký hoà ước với Đức. Các kho hàng ở Novorossisk đầy ắp những bó quần áo và quân phục cổ đứng màu xanh lá cây sẫm của quân đội Anh với hình con sư tử Anh đứng chồm hai chân trước in trên những chiếc khuy đồng. Bột mì, đường, chocolatte và rượu vang Mỹ được chất cao đến ngọn các nhà kho. Hoảng sợ trước sức sống bền bỉ của những người Bolsevich, châu Âu tư bản chủ nghĩa đã gửi không tiếc tay tới miền Nam nước Nga đạn pháo và đạn súng trường, chính số đạn mà các quân đội Đồng minh còn chưa kịp bắn vào quân Đức. Bè lũ phản động quốc tế đổ xô tới hòng bóp chết hẳn nước Nga Xô viết đang băng huyết… Bọn sĩ quan huấn luyện viên Anh và Pháp đến vùng sông Đông và sông Kuban dạy cho bọn sĩ quan Cô-dắc và sĩ quan của Tập đoàn quân tình nguyện các kỹ thuật lái xe tăng, bắn các kiểu pháo của Anh, chúng đang tưởng tượng mùi vị của ngày khải hoàn tiến quân vào Moskva…
Nhưng trong khi đó ở vùng Dones đang diễn ra những sự việc quyết định thắng lợi của cuộc tấn công năm 1919 của Hồng quân. Không còn nghi ngờ gì nữa, nguyên nhân căn bản làm cho cuộc tấn công vừa qua của Hồng quân bị thất bại đó là cuộc nổi loạn của dân Đông Thượng. Trong hai tháng ròng cuộc bạo động đã đục khoét của hậu phương mặt trận của Hồng quân như một cái ung, đòi hỏi phải luôn luôn có sự điều động các đơn vị, gây trở ngại cho việc liên tục tiếp tế đạn được và lương thực cho tiền tuyến, làm cho việc đưa thương bệnh binh về phía sau trở nên khó khăn. Riêng hai tập đoàn Hồng quân số 8 và số 9 đã phải điều gần hai vạn tay súng về trấn áp cuộc phiến loạn.
Vì không được biết rõ về mức độ đích xác của cuộc nổi loạn nên Uỷ ban quân sự cách mạng của nước cộng hoà đã không kịp thời áp dụng những biện pháp đủ kiên quyết để trấn áp. Đầu tiên người ta chỉ điều về vùng phiến loạn một số chi đội hay phân đội lẻ tẻ (chẳng hạn trường sĩ quan của Ban chấp hành trung ương toàn Nga đã phái đi một chi đội hai trăm người), những đơn vị không có đủ quân số, những đội đánh chặn nhỏ. Cả một đám cháy lớn đã nổ ra mà lại muốn dập tắt bằng cách múc từng cốc nước. Các đơn vị Hồng quân rời rạc bao vây cả một khu vực phiến loạn với đường kính lên tới một trăm chín mươi ki-lô-mét, hoạt động một cách độc lập, không có kế hoạch tác chiến thống nhất. Và tuy quân số chiến đấu chống quân phiến loạn có tới hai vạn năm ngàn tay súng, song vẫn không thu được những kết quả thực tế.
Mười bốn đại đội bổ sung, vài chục chi đội đánh chặn đã lần lượt được điều tới phong toả không cho cuộc phiến loạn lan rộng. Một số chi đội học sinh sĩ quan cũng được đưa tới từ Tambob, Voronez, Ryazan. Và mãi đến khi cuộc nổi loạn đã phát triển mạnh, khi quân phiến loạn đã được vũ trang bằng những khẩu súng máy và những khẩu pháo cướp được của Hồng quân, hai tập đoàn quân số 8 và số 9 mới rút trong biến chế của mình ra, mỗi tập đoàn quân một sư đoàn tiễu phạt có những đội pháo binh và súng máy phối thuộc.
Quân phiến loạn đã phải chịu những tổn thất nặng nề, nhưng chúng vẫn không bị đánh tan. Những tàn lửa của đám cháy trên vùng Đông Thượng đã bay cả sang cả khu Khopesky ở ngay bên cạnh. Bên đó đã nổ ra những cuộc bạo động của vài nhóm Cô-dắc không đáng kể do những tên sĩ quan lãnh đạo. Ở trấn Urinpinskaia, tên trung tá Alimov đã tập hợp được chung quanh bắn một số khá đông những tên Cô-dắc và sĩ quan đang lẩn trốn. Vốn là cuộc nổi loạn phải nổ ra đêm mồng một tháng Năm, nhưng âm mưu đã bị phát hiện kịp thời. Alimov cùng một số đồng đảng đã bị bắt tại một thôn của trấn Preobrazenskaia và bị xử bắn theo lời tuyên án của Toà án cách mạng. Cuộc bạo động như rắn không đầu, không thể bùng lên được nữa, vì thế các phần tử phản cách mạng của khu Khopesky đã không đạt được mục đích liên hợp với quân phiến loạn ở khu Đông Thượng.
Trong mấy ngày đầu tháng Năm, một chi đội của trường sĩ quan thuộc Ban cháp hành trung ương toàn Nga xuống xe lửa ở nhà ga Chervoko, tại đấy đã có sẵn vài trung đoàn hỗn hợp của Hồng quân.
Chervoko vốn là một trong những ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Đông - Nam, các ga nầy nằm sát khu vực phía tây của mặt trận phiến loạn. Trong khi đó bọn Cô-dắc ở các trấn Migulinskaia, Mekovskaia và Kazanskaia đã tập kết những lực lượng kỵ binh rất lớn tại địa giới trấn Kazanskaia, liều mạng đánh những trận hết sức táo bạo chống lại các đơn vị Hồng quân chuyển sang thế tấn công.
Trong trấn đang truyền đi những tin đồn nói rằng quân Cô-dắc đã bao vây Chervoko và sắp bắt đầu tấn công đến nơi. Tuy từ đấy đến mặt trận ít nhất còn có năm mươi vec-xta và phía trước còn có những đơn vị Hồng quân khác sẽ báo tin ngay một khi quân Cô-dắc mở được đột phá khẩu, nhưng trong trấn đã bắt đầu có tâm trạng hoang mang hốt hoảng. Các hàng ngũ Hồng quân đã dàn thành đội hình cũng rung động. Ở một chỗ nào đó sau nhà thờ chợt có tiếng ra lệnh oang oang: "Cầm su-u-úng!" Thế là dân chúng chạy rối cả lên trong các phố.
Té ra chỉ là một cuộc báo động nhầm. Có một đại đội kỵ binh Hồng quân tiến từ phía làng Malkovo về trấn mà lại tưởng là quân Cô-dắc. Các học sinh sĩ quan và hai trung đoàn hỗn hợp xuất phát về hướng trấn Kazanskaia.
Hai ngày sau hầu như toàn bộ, trung đoàn Kronstat vừa kéo đến chưa được bao lâu đã bị quân Cô-dắc tiêu diệt.
Ngay sau trận chiến đấu đầu tiên với các chiến sĩ trung đoàn Kronstat, quân Cô-dắc đã tổ chức một trận tập kích đêm. Vì không dám mạo hiểm đến chiếm cái thôn mà quân phiến loạn vừa rút bỏ, trung đoàn phải nghỉ đêm trên đồng cỏ sau khi đã đặt những vọng gác và bộ tiêu bí mật. Đến nửa đêm, vài đại đội kỵ binh Cô-dắc đã bao vây trung đoàn, làm như phát huy một hoả lực điên cuồng, nhưng thật ra là khua những cái mõ rất to bằng gỗ! Ban đêm, quân phiến loạn thường khua những chiếc mõ ấy để giả làm tiếng súng máy: nói chung thì hầu như không thể phân biệt được tiếng mõ với tiếng hoả lực súng máy thật.
Đến khi các chiến sĩ trung đoàn Kronstatsky bị bao vây nghe thấy trong bóng đêm mịt mùng tiếng nổ liên hồi của vô số những khẩu "súng máy", tiếng các bộ tiêu của họ nổ súng như điên, tiếng quân Cô-dắc la thét, tiếng huyên náo và tiếng vó ngựa rầm rập của những đợt sóng tấn công kỵ binh mỗi lúc một gần, họ đã chạy tán loạn ra sông Đông, cố chọc thủng vòng vây nhưng lại bị quân Cô-dắc xung phong đánh bật trở lại. Trong toàn quân số trung đoàn chỉ sống sót vài người bơi được qua sông Đông mênh mông vì cơn lũ mùa xuân.
Sang tháng Năm, tất cả các lực lượng tăng viện mới của Hồng quân bắt đầu kéo từ sông Dones tới mặt trận của quân phiến loạn: sư đoàn Kubanskaia số 33 đã kéo tới nơi và lần đầu tiên Grigori Melekhov cảm thấy toàn bộ sức mạnh của một đòn tấn công thật sự.
Các chiến sĩ Kuban liên tiếp đánh đuổi sư đoàn Một của chàng, không cho lấy lại hơi một phút nào. Grigori rút bỏ hết thôn nọ đến thôn kia, chạy về phía bắc, về sông Đông. Chàng nán lại một ngày ở gần trấn Karginskaia, trên địa giới vùng sông Tria, nhưng sau đó, dưới áp lực của một lực lượng địch quá lớn, chàng bị bắt buộc không những phải rút bỏ Karginskaia, mà còn phải tức tốc xin viện binh.
Koldrat Medvedev điều tới cho chàng tám đại đội kỵ binh thuộc sư đoàn của hắn. Những tên Cô-dắc bên hắn đều được trang bị đầy đủ lạ lùng. Tất cả đều dồi dào đạn được, quần áo chỉnh tề, giầy ủng rất tốt. Mọi thứ đều đã được lột trên người các chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh. Tuy trời nóng nhưng nhiều gã Cô-dắc trấn Kazanskaia vẫn diện áo da ngắn. Hầu như tên nào cũng có súng ngắn hay ống nhòm… Quân Cô-dắc trấn Kazanskaia đã chặn được ít lâu sức tấn công bất chấp mọi trở ngại của sư đoàn Kubanskaia số 33. Nhân tình hình đó, Grigori quyết định đi Vosenskaia một ngày vì Kudinov cứ khẩn khoản mời chàng về họp cho kỳ được.