Chương 179
Tác giả: Mikhail Solokhov
Ngày hai mươi tháng Năm, các đơn vị quân phiến loạn bắt đầu rút lui trên khắp vùng hữu ngạn. Các đơn vị đó vừa đánh vừa rút, cố nán lại trên từng tuyến. Dân chúng các thôn trên dải đồng cỏ đổ xô ra sông Đông với cả một tâm trạng hoang mang hốt hoảng. Những người già và phụ nữ thắng tất cả các gia súc kéo xe có trong nhà rồi chất hòm xiểng, đồ ăn thức dùng, thóc lúa và cho con nít lên xe. Họ phân chia những con bò và cừu trong các đàn nuôi chung và xua đi dọc theo đường cái. Những đoàn xe vận tải rất lớn vượt lên trước quân đội, kéo cuồn cuộn về các thôn ven sông Đông.
Theo lệnh của bộ tư lệnh, bộ binh đã bắt đầu rút lui trước một ngày. Ngày 21 tháng Năm, đại đội bộ binh của thôn Tatarsky cùng đội nghĩa dũng của dân ngụ cư trấn Vosenskaia tiến ra khỏi thôn Trebotarev của trấn Ust-Khopeskaia, hành quân một chặng trên bốn mươi vec-xta , rồi đến nghỉ đêm ở thôn Ryvnyi thuộc trấn Vosenskaia.
Ngày 22, từ tảng sáng bầu trời đã phủ một màn sương mù nhợt nhạt. Trên cả một khoảng bao la mênh mông sương khói chẳng thấy một gợn một bóng mây nào. Chỉ về phía nam, trên đường gờ của một cái đèo ven sông Đông là có một đám mây màu hồng chói lọi hiện lên nhỏ xíu lúc mặt trời sắp mọc. Đường viền phía đông của đám mây tựa như băng tuyết, tóe ra một thứ ánh sáng đỏ tía. Đến khi mặt trời ló ra sau những ngọn gò cát mát rượi sương đêm của bờ bên trái, đám mây ấy biến mất hẳn, không còn chút dấu vết gì nữa. Tiếng những con cuốc cuốc kêu trên bãi cỏ hoang nghe chói tai hơn, những con bói cá cánh nhọn hoắt lao thẳng xuống nước ở chỗ lòng sông cạn và đầy cát nom như những đám lông màu xanh biếc rồi lại bay vọt lên với những con cá nhỏ nhấp nhoáng như bạc trong những cái mỏ hung ác.
Đến giữa trưa, trời nóng như thiêu, cái nóng chưa từng thấy trong một ngày tháng Năm. Hơi nước bốc ngùn ngụt như trước cơn mưa.
Ngay từ lúc trời còn chưa rạng, những chiếc xe tải của dân chạy loạn đã từ đằng đông kéo theo bờ bên phải sông Đông tới những khoảng rừng đã chặt cây ở Vosenskaia. Không lúc nào ngớt tiếng bánh xe lọc cọc trên con đường của các vị Ghet-man . Tiếng ngựa hí, tiếng bò rống và tiếng người lao xao vang từ trên núi xuống bãi cỏ hoang ven sông.
Đội nghĩa dũng của dân ngụ cư trấn Vosenskaia gồm khoảng hai trăm chiến binh, vẫn còn ở lại thôn Ryvnyi. Đến chừng mười giờ sáng họ nhận được mệnh lệnh truyền xuống từ Vosenskaia: đội nghĩa dũng chuyển tới thôn Bolsoi Gromoc, đặt những vọng tiêu trên con đường của các vị Ghet-man cũng như trong các phố để bắt giữ tất cả những gã Cô-dắc nào còn trong tuổi đi lính mà chạy về Vosenskaia.
Xe cộ của dân chạy loạn về hướng Vosenskaia cứ trườn tới Gromoc như một làn sóng. Những người đàn bà đầy bụi bậm, đen sạm vì dãi nắng xua những đàn gia súc, những gã cưỡi ngựa tiến theo hai bên đường. Tiếng bánh xe rít, tiếng ngựa hí, tiếng cừu be be, tiếng bò rống, tiếng trẻ khóc, tiếng rên la của những người mắc bệnh thương hàn cũng được đưa đi theo trong khi rút lui, ngần ấy thứ tiếng làm náo động cả bầu không khí trầm lặng trước kia không có gì phá nổi của những cái thôn nấp kín trong những khu vườn anh đào. Các thứ tiếng ồn ào đủ loại ấy hoà lẫn với nhau, nghe đã khác thường đến nỗi những con chó trong các thôn đã sủa đến hoàn toàn khản cả tiếng và không còn xồ ra cắn từng người khách đi đường, không chạy theo những chiếc xe tái dọc vào các ngõ hàng vec-xta cho đỡ buồn như lúc đầu nữa.
Prokho Zykov ở chơi nhà hai ngày, trao bức thư của Grigori cho Acxinhia, chuyển lời chàng dặn miệng cho bà Ilinhitna và Natalia, rồi đến ngày hai mươi hai lại đi Vosenskaia.
Hắn dự tính sẽ bắt gặp đại đội của hắn ở Batki. Nhưng tiếng hoả lực pháo binh ầm ì vọng tới vùng sông Đông nghe như vẫn còn từ một nơi nào đó trên sông Tria. Prokho cũng ngại không muốn mò tới cuộc chiến đấu đang diễn ra sôi nổi, vì thế hắn quyết định cứ đến Batki rồi chờ ở đấy cho đến khi Grigori tới nơi cùng với sư đoàn Một của chàng.
Suốt con đường tới thôn Gromoc, Prokho luôn luôn bị những chiếc xe tải của dân chạy nạn vượt lên trước. Hắn đi chẳng có vẻ gì vội vã gần như lúc nào cũng cho ngựa lững thững bước một. Mà cũng chẳng có gì làm hắn phải vội. Từ Rubegin trở đi, hắn nhập vào đoàn rút lui của trung đoàn bộ trung đoàn Ust-Khopeskaia mới được tổ chức trong thời gian gần đây.
Trung đoàn bộ nầy hành quân với một chiếc xe ngựa kiểu đua có càng giữa, bánh có nhíp, và hai chiếc xe ngựa bốn bánh nhỏ. Bọn trung đoàn bộ có sáu con ngựa yên cương sẵn sàng buộc đằng sau ba chiếc xe đó. Một chiếc xe bốn bánh chở những giấy tờ gì đó và những máy điện thoại, còn trên chiếc xe kiểu đua có một tên Cô-dắc có tuổi bị thương và một tên nữa mũi diều hâu, gầy một cách khủng khiếp Không hề thấy hắn ngẩng cái đầu đội chiếc mũ lông cừu non màu xám của sĩ quan lên khỏi cái đệm yên gối đầu. Đúng là hắn vừa mắc bệnh thương hàn. Hắn đắp một chiếc áo ca-pốt kéo lên sát cằm. Bụi bám đầy trên cái trán dô xanh nhợt và cái mũi thanh thanh bóng nhoáng mồ hôi, nhưng hắn vẫn luôn miệng đòi lấy thêm cái gì ấm đắp lên chân mình, và cứ đưa bàn tay to xương, gân nổi nhằng nhịt lên chùi mồ hôi trán. Hắn vừa văng tục vừa lèm bèm:
- Lũ khốn nạn! Lũ thối thây? Gió lùa vào chân tao đây nầy, có nghe thấy không? Mày có nghe thấy không, Polikap? Khép tà áo lại cho tao! Con lành con ở cùng bà, bây giờ… - Rồi hắn đảo hai con mắt đúng là không phải dân vùng nầy nhìn quanh, hai con mắt nghiêm khác của tất cả những người mắc bệnh nặng.
Cái gã mà hắn gọi là Polikap là một thằng Cựu giáo cao lớn, vẻ rất hiên ngang. Gã nhảy xuống đất giữa lúc con ngựa còn đang chạy, đi tới bên chiếc xe đua.
- Ngài thật dễ bị lạnh quá, ngài Xamoilo Ivanovich.
- Đắp ngay vào, đã bảo kìa?
Polikap ngoan ngoãn chấp hành mệnh lệnh rồi bỏ đi.
- Hắn là ai thế? - Prokho Zykov đưa mắt chỉ tên bị thương hỏi gã.
- Một sĩ quan ở Ust-Medvediskaia. Ở trung đoàn bộ của bọn mình hiện nay đang có những thằng như thế nầy đây.
Đi cùng với trung đoàn bộ có cả những người chạy loạn từ các thôn Chiukov, Bobrovsky, Krutovsky, Dimovnyi và nhiều thôn khác của trấn Ust-Khopeskaia.
- Nầy, quỷ dữ lôi bà con ta đi đâu thế? - Prokho hỏi một lão già chạy loạn. Lão ngồi trên một chiếc xe chở hàng kiểu Krym chất đầy đến ngọn đủ mọi thứ đồ lủng củng.
- Chúng tôi muốn đến Vosenskaia.
- Có lệnh bảo bà con đi Vosenskaia à?
- Anh bạn thân mến ạ, lệnh thì không có đâu, nhưng ai lại muốn chết? Có lẽ khi nào cái sợ đã ập tới trước mắt thì chính bác cũng quàng chân lên cổ mà chạy thôi.
- Tôi muốn hỏi rằng cụ mò đi Vosenskaia làm gì? Vượt sang bờ bên kia ở ngay Elanskaia có hơn không? Đỡ bao nhiêu thì giờ.
- Nếu vậy thì qua bằng gì? Người ta bảo đằng ấy không có phà.
- Nhưng đến Vosenskaia rồi sẽ qua bằng gì? Người ta sẽ cho cụ phà để chở những của tội của nợ nầy đấy chắc? Quẳng các đơn vị ở lại trên bờ để chở người và xe cộ của các người đấy chắc? Chà, ông cụ nầy, các người thật là hồ đồ! Cứ đi là đi mà cũng chẳng cần biết đi đến đâu và đi làm gì nữa. Nhưng nầy, sao cụ lại chất tất cả những của nầy lên xe thế? - Prokho cho ngựa lên tới ngang chiếc xe, giơ roi chỉ những chiếc tay nải, hỏi giọng bực bội.
- Trên ấy chẳng thiếu thứ gì đâu? Nào quần áo, cổ ngựa, bột mì lẫn mọi thứ khác cần dùng trong công việc làm ăn… Không thể nào vứt lại được. Nếu không khi trở về chỉ còn có cái xác nhà cũng chửa biết chừng. Vì thế tôi đã thắng một cặp ngựa và ba cặp bò, xếp lên được những gì là mang đi hết, cho bọn đàn bà con gái ngồi lên là đi ngay. Anh bạn thân mến ạ, anh phải biết rằng tất cả đều do mình làm ăn quần quật, đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới kiếm được, chẳng nhẽ có thể vứt bỏ hết mà không tiếc hay sao? Nếu có thể thì cả đến cái nhà tôi cũng bê đi nốt, cho bọn Đỏ chúng nó khỏi chiếm được. Ôn dịch bắt chúng nó đi.
- Nhưng chẳng hạn như cái rây lớn kia, cụ lôi đi theo làm gì? Hay những cái ghế dựa nầy nữa, đem theo thì dùng được việc gì? Bọn Đỏ chúng nó cần đến làm cái quái gì?
- Nhưng không thể nào để lại được? Chà, cái anh chàng thật là kỳ quặc… Nếu để lại, chúng nó không đập nát cũng đốt ra tro thôi. Không, chúng nó sẽ không thể cướp được của chúng tôi mà phát tài đâu. Cho chúng nó tức điên lên một mẻ? Mang đi tuốt tuồn tuột!
Lão già vung ngọn roi quất hai con ngựa béo tốt đang thẫn thờ lê bước. Rồi lão quay người lại, giơ roi chỉ chiếc xe bò thứ ba ở phía sau và nói:
- Bác xem con bé chít khăn đang đánh bò kia là con gái tôi đấy. Trên cái xe nó đánh có một con lợn cái và một lứa lợn con. Hôm ra đi con lợn mẹ đang có chửa. Có lẽ chúng tôi đã làm nó đau trong khi trói nó và bỏ nó lên xe. Thế là đêm hôm ấy nó đẻ, ngay trên xe. Bác có nghe thấy bầy lợn con ủn ỉn không? Không, cái bọn Đỏ chết tiệt ấy không thể cướp được của tôi mà phát tài đâu. Quỷ dữ bắt chúng nó đi!
- Nầy, bố già ạ, lúc nào đến chỗ qua phà thì bố chớ có chạm trán với tôi đấy! Prokho tức tối nhìn thẳng vào khuôn mặt rộng bè bè đẫm mồ hôi của lão già và nói - Bố chớ có dẫn xác đến trước mặt tôi nếu không tôi sẽ tống tất cả lợn mẹ, lợn con lẫn mọi thứ của cải của bố xuống sông Đông cho mà xem!
- Nhưng sao lại thế? - Lão già hết sức kinh ngạc.
- Đó là vì người ta đang chết mất xác, phải chịu mọi mặt thiếu thốn mà lão, cái con quỷ già nầy, lại quơ tất cả mang theo như một con nhện ấy! - Prokho quát lên tuy ngày thường hắn vốn là một thằng ôn hoà bình tĩnh. - Những đứa ăn bẩn như lão thì thằng nầy căm thù đến chết? Đối với thằng nầy thì cái bọn như lão là những con dao găm!
- Thôi xéo đường nào thì xéo đi! Xéo đi cho khuất mắt! - Lão già phát khùng thở phì phì, quay đi chỗ khác. - Kiếm đâu được cái kiểu thủ trưởng như thế nầy, tài sản của người ta lại đem quẳng xuống sông… Mình thì đối xử với hắn như với một người hiền lành lương thiện… Chính tôi cũng có một thằng con trai đóng quân lúc nầy đang cùng với đại đội của nó đánh chặn bọn Đỏ đấy… Thôi bác làm ơn đi đi cho! Nhìn thấy của cải của người khác thì chớ đem lòng ghen ghét! Bác hãy cố kiếm thêm cho mình nhiều hơn rồi sẽ đỡ tráo mắt lên nhìn của người khác?
Prokho thúc con ngựa chạy nước kiệu. Sau lưng hắn, một con lợn con rít the thé, con lợn mẹ cũng kêu lên, vẻ lo lắng. Tiếng rít của con lợn con xuyên vào tai như một cái dùi.
- Cái của quỷ quái gì thế hử? Đâu ra một con lợn con như thế nầy? Polikap? - Tên sĩ quan nằm trên chiếc xe kiểu xe đua nhăn mặt đau khổ quát lên, và chỉ thiếu chút nữa thì hắn khóc.
- Có con lợn con rơi xuống từ một chiếc xe bò, bị bánh xe chẹt gẫy chân, - Polikap cho ngựa chạy tới, trả lời.
- Bảo chúng nó… Chạy ngay ra bảo thằng chủ con lợn giết nó đi. Bảo nó là ở đây có người ốm… Đã khổ đến thế nầy rồi mà nó còn để cho rít lên như thế. Mau lên! Đến bảo nó đi!
Prokho lên tới ngang chiếc xe ngựa, nhìn thấy tên sĩ quan nhỏ bé mũi diều hâu nhăn mặt, giương mắt trừng trừng nghe tiếng lợn rít, rồi lấy chiếc mũ lông cừu non màu xám bịt tai, nhưng chỉ hoài công… Polikap cho ngựa chạy tới.
- Người ta không muốn giết, thưa ngài Xamoilo Ivanovich. Họ bảo rằng con lợn con ấy nó sẽ khỏi thôi, và lại bảo rằng nếu không khỏi thì đến tối chúng tôi sẽ giết.
Tên sĩ quan kia tái mặt, cố hết sức ngồi dậy, hai chân lõng thõng.
- Khẩu Browning của tao đâu? Giữ ngựa lại! Thằng chủ của con lợn đâu? Tao sẽ lập tức cho nó thấy… Chiếc xe nào hử?
Cuối cùng lão già có lợn cũng bắt buộc phải giết con lợn con.
Prokho vừa thúc ngựa chạy nước kiệu đuổi kịp một đoàn xe của trấn Ust-Khopeskaia. Phía trước chừng một vec-xta lại thấy có những chiếc xe khác và những người cưỡi ngựa khác. Xe thì ít nhất cũng hai trăm chiếc, còn bọn cưỡi ngựa đi lẻ tẻ cũng khoảng bốn chục.
"Ra đến chỗ qua phà thì sẽ đại loạn?" - Prokho nghĩ thầm.
Hắn đã đuổi kịp đoàn xe. Từ một chiếc xe chạy trên đầu có một người đàn bà cưỡi con ngựa rất đẹp lông màu hạt dẻ sẫm phi nước đại tới trước mặt hắn. Tới ngang Prokho, người ấy ghìm cương. Con ngựa đóng một bộ yên rất sang, đai ngực và dây mõm đều lấp loáng ánh bạc, ngay đến má yên cũng chưa mòn chút nào, còn đai bụng và đệm yên bóng lộn màu da rất tốt. Người đàn bà cưỡi ngựa rất thạo, rất khéo, bàn tay rám nắng và khỏe mạnh nắm chắc hai sợi dây cương gióng rất đúng kiểu. Nhưng xem ra con ngựa chiến to lớn coi thường bà chủ của nó. Nó long hai con mắt lồi lồi ngầu máu, ngoái cong cái cổ, nhe những cái răng vàng phẳng bẹt, cố tìm cách cắn vào một bên đầu gối tròn tròn hở ra dưới gấu váy người đàn bà.
Một chiếc khăn bịt đầu mới giặt, trước kia màu lam nay đã bạc thành màu xanh da trời, quấn che kín đến mắt người đàn bà. Người ấy kéo chiếc khăn khỏi miệng rồi hỏi:
- Nầy bác, bác có vượt những chiếc xe chở thương binh không?
- Vượt thì có vượt nhiều xe lắm. Nhưng có việc gì thế?
- Thật là tai vạ, - Người đàn bà kéo dài giọng trả lời, - tôi đi tìm chồng mà chẳng thấy đâu cả. Chồng tôi cùng đi với trạm quân y từ Ust-Khop. Anh ấy bị thương ở chân. Bây giờ hình như vết thương mưng mủ, vì thế có nhờ bà con cùng thôn nhắn tôi đem con ngựa đến cho anh ấy. Con ngựa nầy là của nhà tôi đấy, - Người đàn bà đập ngọn roi vào cổ con ngựa, mồ hôi lấm tấm trên cái cổ ngựa như những giọt sương. - Tôi đã thắng ngựa tới ngay Ust-Khop, nhưng trạm quân y không còn ở đấy nữa, đi mất rồi, tìm quanh tìm quẩn không biết bao nhiêu chỗ mà chẳng thấy đâu cả.
Prokho ngắm khuôn mặt tròn rất đẹp của người đàn bà Cô-dắc, hắn cảm thấy rất thích thú khi nghe cái giọng nữ trầm dịu dàng, rất thấp của người ấy. Hắn è è trong họng trả lời:
- Chà, cái nhà thím nầy! Việc quái gì mà thím phải đi lùng kiếm đức ông chồng làm gì! Cứ mặc cho anh chàng đi theo trạm quân y, còn thím mặt hoa da phấn thế kia, lại thêm một con ngựa như thế nầy làm hồi môn thì anh chàng nào chẳng muốn nhận về làm vợ! Ngay tôi có lẽ cũng đánh liều một cái xem sao.
Người đàn bà miễn cưỡng mỉm cười rồi cúi cái thân hình đầy đặn xuống kéo gấu váy che chỗ đầu gối hở:
- Bác đừng có pha trò như thế nữa, bác hãy bảo giúp tôi là bác có vượt những xe quân y không?
- Đến đám xe kia thì có cả người ốm lẫn người bị thương đấy, - Prokho thở dài trả lời.
Người đàn bà vung roi, con ngựa chỉ dùng hai chân sau quay ngoắt lại, đám mồ hôi bám đầy bẹn nó ánh lên trắng loá. Nó đã quá mệt nên phải bắt đầu chạy nước kiệu rồi mới chuyển sang nước đại.
Những chiếc xe tải lăn bánh chậm chạp. Những con bò vẫy đuôi một cách lười nhác, xua những đàn mòng kêu vo vo. Trời nóng quá, không khí trước lúc giông bão ngột ngạt khó thở quá, làm những cái lá non trên những cây hướng dương mọc thấp lè tè hai bên đường cong lại, bệch màu.
Prokho lại đi bên cạnh đoàn xe vận tải. Hắn rất lấy làm lạ không hiểu vì sao có nhiều tên Cô-dắc trẻ đến thế. Bọn nầy gồm những tên lạc đại đội hoặc chỉ là những thằng đào ngũ. Chúng nhập vào các gia đình và cùng các gia đình ấy đi tới chỗ vượt sông. Một số tên buộc những con ngựa chiến của chúng vào những chiếc xe tải, rồi lên nằm dài tán chuyện với bọn phụ nữ, đùa nựng trẻ con. Cũng có những tên cưỡi ngựa, gươm và súng cũng chẳng buồn giấu đi. Prokho nhìn những tên Cô-dắc ấy, nghĩ thầm: "Chúng nó bỏ đơn vị chạy trốn đấy".
Nồng nặc mùi mồ hôi ngựa, mồ hôi bò, mùi gỗ xe nóng rực, mùi các đồ dùng trong nhà và mùi mỡ bôi bánh xe. Những con bò lê bước, đầu cúi gục, hai bên sườn đưa đi đưa lại một cách nặng nề. Từ những cái lưỡi thè lè, nước rớt nước rãi chảy lòng thòng xuống tới bụi đường thành những dòng lỗ chỗ như thùa hoa. Đoàn xe tiến với tốc độ chừng bốn năm vec-xta một giờ. Những chiếc xe có ngựa kéo cũng khộng vượt lên trước các xe bò. Những hễ từ một chỗ nào đó rất xa về phía nam khẽ vẳng tới những tiếng hoả lực pháo binh là tất cả lại nhộn nhịp hẳn lên, những chiếc xe thắng một hay hai con ngựa lại phá rối trật tự, rời khỏi cái đội hình rồng rắn kéo dài của đoàn xe, rẽ sang bên đường. Những con ngựa chuyển sang nước kiệu, những ngọn roi vung lên loang loáng, những tiếng quát đủ các giọng lại vang lên: "Nào, đi đi!", "Na-a-ào, quỷ dữ đẻ ra mày!", "Quàng lên nào! " Những cành cây và roi da quật đen đét lên lưng những con bò, tiếng bánh xe nghe rộn ràng hơn. Sự kinh hoàng làm tất cả đều tăng thêm tốc độ di động. Những đám bụi xám nóng hổi bốc lên trên mặt đường, nặng nề, chập chờn bay về phía sau, quay tròn rồi rơi xuống hoa màu và các thứ cỏ.
Prokho cưỡi một con ngựa nhỏ nhưng rất khỏe. Nó cứ vừa chạy vừa vươn cổ xuống cỏ, lấy răng rứt khi thì một nhánh cỏ sông Đông, khi thì một túm hoa cải đầu vàng khè, khi thì một bụi giới thái. Nó rứt cỏ xong lại ve vẩy hai tai lắng nghe và vừa ăn vừa cố đá lưỡi đẩy cái hàm thiếc luôn lách cách chạm vào răng. Nhưng sau loạt đạn pháo đầu tiên, khi Prokho lấy gót ủng thúc nó, con ngựa nhỏ bé tựa như cũng hiểu bây giờ không phải là lúc ăn, vì thế lại chuyển sang một nước kiệu rất xóc.
Cuộc bắn phá của pháo binh mỗi lúc một mạnh. Những tiếng nổ phá ra của các phát đạn hoà lẫn vào nhau, và trong bầu không khí ngột ngạt những tiếng rền như sấm còn kéo dài rất lâu, khi trầm khi bổng.
- Giê-su-ma lạy Chúa tôi! - Một người đàn bà còn trẻ ngồi trên một chiếc xe bò làm dấu phép, lôi khỏi miệng đứa con gái đầu vú nâu hồng, bóng nhoáng vì dính sữa, rồi nhét cái vú căng mọng vàng vàng vào trong áo lót.
- Quân ta bắn hay ai bắn thế? Thế nào, thầy quyền? - Một lão già đi bên cạnh những con bò hỏi Prokho.
- Bọn Đỏ đấy, bố già ạ! Bên quân ta không có đạn đâu.
- Chao ôi, lạy Nữ hoàng trên trời, xin Người hãy cứu vớt họ!
Lão già buông cái roi trong tay, bỏ chiếc mũ cát-két đã tàng xuống, rồi quay mặt về phía đông, vừa đi vừa làm dấu phép.
Về phía nam, từ sau đường sống đồi mọc đầy những cây ngô cuối mùa lởm chởm như một rừng tên, bỗng hiện lên đám mây đen mong mỏng. Đám mây chiếm dần nửa đường chân trời, che hẳn một mảng trời như tấm thảm sương.
- Cháy to quá bà con ta xem kìa! - Trong chiếc xe có người kêu lên.
- Có thể là chuyện gì đấy nhỉ.
- Cháy ở đâu thế? - Qua những tiếng bánh xe lóc cóc có tiếng người hỏi.
- Ở ven sông Tria đấy.
- Bọn Đỏ đang đốt các làng trên sông Tria!
- Lại đang hạn hán thế nầy, lạy Chúa đừng để…
- Xem kìa, khói đen có ghê không kìa!
- Không phải chỉ cháy một thôn thôi đâu!
- Xuôi theo sông Tria, cháy bùng bùng từ Karginskaia trở đi, hiện nay ở vùng ấy đang có chiến đấu mà…
- Nhưng có thể là cả vùng sông Chernaia không? Đánh cho chạy nhanh lên thôi, Ivan?
- Chao ôi, cháy đến thế kia!
Làn sương đen ngòm lan rộng mãi ra, mỗi lúc lại chiếm một khoảng trời lớn hơn. Tiếng pháo binh gầm mỗi lúc một mạnh. Và nửa giờ sau, một làn gió nồm hiu hiu đã đưa tới con đường của các vị Ghet-man cái mùi khói lửa hắc hắc đầy kinh hoàng của đám cháy đang hoành hành trong các thôn trên sông Tria, cách con đường có ba mươi nhăm vec-xta.