Chương I
Tác giả: Minh Quân
Bà Niêm rất quý đôi dép màu ma rông, tuy nó chỉ là một đôi dép mua xôn. Và vì quý nên bà chỉ mang vào những dịp trong nhà có tin vui. Tháng chạp năm ngoái nhân dịp đi Sài Gòn, bà tìm ra đôi dép bền, đẹp, tiện ấy trong mớ dép giày đủ màu, đủ kiểu ở vỉa hè Lê Thánh Tôn. Bà hãnh diện khi nghĩ rằng bà chỉ tốn có 160$ mà được một đôi dép thật đẹp, thật bền, chắc chắn nó không phải là thứ mà cửa hiệu họ đóng hàng loạt để bán cho bất cứ một người nào, nó do một mệnh phụ nào đó đặt đóng mà rồi vì một lý do gì, đã bỏ quên luôn sau khi đã trả trước phân nửa tiền cọc. Và một sự tình cờ là chân bà mệnh phụ ấy hơi thô, giống chân bà, thứ chân của hạng phụ nữ hay đi bộ, không có được cái mỹ hiệu gót son - hay gót sen chi đó.
Công bình mà nói thì quả đôi dép ấy đã lỗi thời đi từ tám hoánh, cho nên chủ hiệu mới phát sùng lên mà đem vứt ra bán xôn, chứ nếu không ấy à? Còn lâu mà mới mua được với giá rẻ mạt như vậy.
Trưa nay, vừa đi làm về, ông Niêm nhận ra vợ mang đôi dép đặc biệt - ông về sớm một giờ, khác với lệ thường cho nên có thì giờ nhận thấy điều này, chứ ngày thường, ông về sau lũ con và vừa về là ông hét toáng lên: "Đói! Đói!" thì làm gì mà nhận ra điềm lành nổi? Ông cười bảo vợ:
- Này mình hôm nay có gì vui mà mợ mang đôi dép ma rông vậy?
Bà vợ cười, giọng bí mật:
- Có! Nhưng em chỉ nói khi đông đủ các con.
Ông chồng lại trêu:
- Đôi dép của mợ coi cũng tàm tạm, nhưng nó không hợp thời nữa...
- Hợp với không hợp, em không cần. Người ta chứ có phải là khỉ đâu mà thấy ai làm gì là bắt chước? Tôi theo đúng ba tiêu chuẩn...
- Mẹ! Có gì vui mà mẹ mang đôi dép ma rông hở mẹ?
Phan thò đầu vào bếp, hỏi. Bà Niêm nghiêm giọng chỉnh con trai:
- Dù cho có gì vui đi nữa, con cũng phải nói: “Thưa mẹ, con đi học về” cái đã, nghe chưa?
- Dạ, thì thưa mẹ, con đi học về, nhưng mẹ phải nói cho con biết nhà có gì vui.
- Thong thả, mẹ không thể kể ngay bây giờ, vì thế mẹ sẽ phải hao hơi kể lại hai lần nữa. Hãy chờ đến bữa ăn, đủ mặt các con.
Phan liếc xéo đôi dép ma rông của mẹ lần nữa, hơi phật ý nhưng biết phản đối vô ích, nên lặng lẽ về phòng mình. Cậu bé vứt cặp trong góc tủ, không thèm rửa tay, rửa mặt, ra cửa sổ đứng ngóng hai em.
Yến về trước. Nó nhỏ nhắn, hơi gầy với mái tóc đen thường rối bù và đôi mắt cùng màu rất to. Bước đi tung tăng, cặp sách đáng ra là mắc sau lưng, lại treo cồng kềnh trước ngực. Yến vừa ở lớp mẫu giáo ra.
Sau lưng Yến là Lai, anh kế nó và là em kề Phan. Trái hẳn cô em gái gầy nhom, Lai thật đúng với biệt danh “phì lũ” mà bạn đồng học tặng nó. Tuy nhiên, Lai không hề phật ý về cái biệt danh không mấy thanh bai này. Nó không những chẳng than phiền mà còn vênh mặt lên, cười dài nói:
- Ừ! Thì tao phì lũ đó! Rồi có sao không ? Ba tao nói hồi ông mười tuổi ông giống tao bây giờ, mà hiện nay ông đẹp trai hết sức, không phải chơi đâu.
Mặc dù mập mạp, Lai rất nhanh nhẹn, vui vẻ. Đụng vào nó, ta có thể tưởng tượng là đụng vào một quả bóng cao su, nó nẩy tưng lên liền.
Lai là người về đến sau cùng, vì nó học xa nhất, song nó không vội, vừa đi chầm chậm, cậu bé vừa phồng mũi thưởng thức mùi thơm của mấy khóm hoa do mẹ nó trồng trước hiên nhà, dọc theo lối đi.
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cả nhà quây quần quanh bàn. Thằng con trai lớn nhắc lại lời mẹ hứa vừa rồi.
Bà mẹ chậm rãi rút trong túi ra một là thư màu xanh dán tem xinh xắn có vẻ là tin ngoại quốc. Ba chúng sốt ruột hộ các con:
- Thôi! Lẹ lên! Mẹ mày cứ làm bộ bí mật hoài. Thư của Cậu Bích đó, các con.
- Thư của cậu Bích?
- Hoan hô cậu Bích!
- Hoan hô! Đọc liền đi mẹ!
Ba đứa cùng nuốt vội búng cơm, hét lên.
- Nếu tui bay còn làm ầm ĩ vô trật tự kiểu đó thì đừng hòng.
Bà Niêm nói, giả vờ đút túi lá thư đã được rút ra khỏi bao. Lập tức ba đứa đồng thanh:
- Xin lỗi mẹ! Tụi con không làm ồn nữa. Đọc đi mẹ! Tội nghiệp tụi con mà.
Bà Niêm lại giở thư ra, thong thả đọc:
“Anh chị thân mến,
Em Bích của anh chị đang ốm nặng, một thứ bệnh vô phương cứu chữa: đó là bệnh H.H. Bệnh này hành hạ lại em rầu rĩ còn hơn mấy cô tiểu thư mang chứng tương tư. Em gầy guộc vì ngày không ăn, đêm không ngủ, em không thiết nói, biếng cả cười - hồi còn ở nhà em vui vẻ là thế! Đã bảy năm dài, em… ”
- Bệnh H.H là bệnh gì mà ghê vậy hả ba?
Phan tò mò hỏi. Bà mẹ gắt nhẹ:
- Tụi bay có nghe không. Để mẹ đọc xong đã được không?
Rồi bà điềm nhiên đọc tiếp, không tỏ chút gì thắc mắc về hai chữ H.H trong thư của cậu em trai:
“… Đã bảy năm dài em lìa quê hương yêu dấu, gần như quên mất mùi vị của món tôm rim, nhưng em thèm nhất là mấy thứ bình dân như khoai lang, khoai mì, bánh tráng - nướng hay nhúng nước - Em nhớ tiếng ểnh ương ỳ oạp vàoo mùa mưa, tiếng ve sầu ra rả vào mùa hè. Chao ơi! Cả đến tiếng con thạch sùng tặc lưỡi nữa, em nhớ tuốt hết... Anh chị còn nhớ không? Những đêm Giáng sinh tại quê nhà? Trời chỉ vừa phải, người ta mặc áo len là cốt để chưng diện chớ không phải như bên này, lạnh điên vào tháng chạp dương lịch.
Em đau nặng quá rồi! Nếu em còn chần chờ do dự em sẽ gầy xác ve mất thôi, anh chị ạ! ”
Ba đứa trẻ trố mắt lên, lo lắng thay cho cậu chúng, ông cậu mà chúng rất thương yêu, dù lâu lắm rồi chúng chỉ nghe chứ chưa hề thấy mặt. Nhưng chúng không dám ho he, sợ mẹ lại mắng, im lặng lắng nghe. Giọng mẹ chúng lại cao lên:
“… em phải trở về nước, đó là cách duy nhất để chữa khỏi bệnh H.H. em biết rõ như vậy. Anh chị có vui lòng cho em được tá túc tại nhà anh chị trong thời gian em trở về không? Em muốn gần lũ cháu. Em cam đoan sẽ tỏ ra đứng đắn, không làm anh chị phải chau mày - em cần làm gương cho các cháu chúng soi chung, em biết.
Em xin long trọng hứa:
1. Không đi chơi khuya để chị phải bận lòng đợi cửa.
2. Chùi chân thật kỹ trước khi vào nhà.
3. Khi ngồi không gác chân lên bàn.
4. Không mặc quần soọc khi đi cùng anh chị đi xem xinê.
5. Và chính em cam đoan mua vé cho anh chị.
Nếu dự tính được thực hiện em sẽ có mặt tại SAIGON vào tháng 7 tới đây bằng chiết tàu Santa-Maria.
Nếu vạn nhất - điều nào là nói phòng xa - em không về được kỳ này, em sẽ gieo mình xuống biển, chỗ sâu nhất, kết liễu cuộc đời vì không đủ sức để chứng H.H hành hạ nữa.
Em xin gửi đến anh chị lời chào thân mến và riêng các cháu, mỗi đứa một cái hôn. Quên, còn một điều khoản nữa, điều thứ 6: em đã bỏ thuốc lá, chắc chị hài lòng lắm? Song nếu về xứ, có thèm, em xin hứa sẽ không bao giờ hút thuốc lá trong nhà, mà có hút đi nữa, em hứa không có chuyện làm vung tàn bừa bãi.
Em Bích của anh chị. Kính thư. "
Nhiều tiếng hoan hô vang dậy cả phòng ăn. Lũ trẻ làm ầm lên vì sung sướng quá. Cha chúng cũng tươi hẳn nét mặt:
- Hay lắm! Cậu ấy về nhằm về lúc chúng ta nghỉ hè.
- Hay thiệt chớ - Lai tiếp lời cha - nếu mà cậu về nhằm lúc con đi học thì chán chết đi.
- Cậu về vì mày chắc?
- Thôi, thôi! Cậu về vì tất cả chúng ta. Các con đừng cãi vã...
- Sai bét! Mẹ con mấy người đều sai bét. Nghe đây: Cậu Bích về vì chứng bệnh H-H hành cậu, chẳng vì ai cả hiểu chưa?
- Hoan hô ba! Ba thông minh quá! Hoan hô!
Yến tròn xoe mắt:
- Con chưa biết bệnh H.H là bệnh gì, ba giải nghĩa cho con đi.
- Con cũng không biết...
- H.H là hai chữ viết tắt của tiếng Hoài Hương, hiểu chưa?
- Hoài hương? Là nghĩa gì chớ?
- Con biết rồi - Phì lũ ngắt lời mẹ - Hoài là hoài niệm, là nhớ tới, là hướng về. Hương là quê hương, dễ ợt...
- À! Thằng này, mày chỉ được cái nhanh nhẩu đoảng. Biết làm sao hồi nãy không nói đi? Đợi mẹ…
- Trời ơi! Khó khăn gì. Tại em chưa kịp nghĩ ra, tại em mừng cậu về nên quýnh quá.
- Theo em nghĩ, cậu về với mợ, vui quá....
- Con nhỏ nói hay chưa? Ai bảo là cậu mày về với mợ? Mợ nào?
Mẹ nó nhướng mắt lên, gặn lại. Yến cười tủm tỉm:
- Thì mẹ đọc thơ cậu đó, con nghe có tiếng tata Maria, chắc mợ tên Maria, tên đẹp...
Ông Niêm bật cười:
- Lầm rồi con út của ba ơi! Santa Maria là tên chiếc tàu thủy chứ không phải tata Maria. Cậu chưa có vợ, nếu có cậu đã tin cho ta biết từ lâu.
- A! Vợ cậu Bích là chiếc tàu! A!...
Hai thằng anh trai cười chế giễu. Yến gần khóc là bà Niêm phải la con trai:
- Tụi bay không được trêu em. Chẳng được cái tích sự gì.
Ông Niêm nghiêm giọng:
- Thôi, mợ coi trả lời thư cho cậu ấy kẻo cậu trông. Nói là vợ chồng ta và lũ nhỏ đều mong sớm gặp cậu, nhớ dặn cậu chừng nào về phải đánh điện cho hay, đặng mình đón cho vui.
Náo nức vì cái thư của cậu chúng, lũ trẻ thức rất khuya. Yến thò đầu ra khỏi tấm chăn mầu hồng thủ thỉ:
- Này anh Phan, cậu Bích ở chỗ nào vậy?
- Cậu ở Mạc xây, một tỉnh lớn bên Pháp.
- Ủa, sao hồi đó em nghe mẹ nói cậu làm việc bên Nam Mỹ lận mà? Xa lắm mà?
- Thì đúng vậy, hồi trước cậu làm việc bên Nam Mỹ. Cậu trồng mía, chăn bò...
- Nữa em lớn, em cũng sẽ đi Nam Mỹ. Em trồng mía, cỡi ngựa, chăn bò.
Lai chen vào câu chuyện. Phan ra vẻ hiểu biết:
- Tưởng gì chớ mày ưng cưỡi ngựa chăn bò thì đâu có khó: Mạc xây có mấy vùng lân cận như Ạt lờ, Mạc ti gờ, Ca mạc gờ cũng ngon lành lắm, đó là chỗ đóng phim cao bồi đó nghe.
- Sướng quá! - Lai vỗ tay tán thưởng - mà sao anh biết hết vậy?
- Cậu viết thơ nói. Tao còn nghe như là mấy chỗ đó có một chỗ trồng lúa như bên mình. Mà phong cảnh bên đó đẹp lắm nghe.
- Em không tin, nếu cảnh đẹp sao cậu còn nói là nhớ, muốn về?
- Mày ngu quá. Yến ơi! Cảnh đẹp thì đẹp cho sao bằng quê hương mình? Quê hương là chỗ đẹp hơn cả, mày phải biết như vậy!
Lai lại được dịp tỏ ra hiểu biết không kém gì anh cả. Yến vẫn chưa thôi thắc mắc:
- Mà tại sao đang làm việc bên Nam Mỹ, cậu lại tới Mạc xây, hả anh Phan?
- À, tại cậu buồn. Xứ đó nóng lắm với lại xa nữa. Cậu nói Mạc xây hơi giống xứ mình, không lạnh lắm không nóng lắm. Hồi cậu mới đi, cậu đi qua thẳng Nam Mỹ, ba năm sau cậu đi Mạc xây. Cậu nói Mạc xây vui hơn...
- Em ưa đi Nam Mỹ hơn. Xứ gì mà toàn mạc với mạc, nghe không ngon lành gì hết!
Yến nối lời Lai:
- Mạc xây. Mạc ti, Ca mạc...
Lai cười khúc khích:
- Theo em nghĩ, dầu cho vãn minh cách mấy mà đặt tên cách đó sẽ mạt luôn.
Phan trừng mắt:
- Lai, mày ưa nói bậy bạ, làm gương xấu cho em. Ai bảo là đặt tên...
- Em nói thiệt mà - Lai ngắt lời anh - tụi bạn em trên trường nói vậy đó, chúng nói nhà Mạc cũng vì đặt cái họ mà tàn mạc luôn. Anh học sử thấy đó chớ không sao?
- Em đồng ý với anh Lai, tên Mạc xấu lắm.
Thấy hai em cùng một giọng, Phan chịu thua, cậu bé xoay mình nằm sấp, hai tay đỡ lấy cằm, nhìn ra cửa sổ. Thình lình, Yến hỏi:
- Cậu trồng mía làm chi, anh há?
- Để cho con nít ăn.
Lai trả lời tranh. Yến lại đặt câu hỏi.
- Mà cậu đã có con đâu?
Phan lên giọng kẻ cả:
- Lai, mày cứ không chừa tật nói bá láp. Yến ơi! Cậu trồng mía để bán cho nhà máy làm đường. Trồng nhiều lắm chớ không phải ít đâu, như vậy mới đủ cung cấp cho nhà máy.
- Chắc cậu giàu lắm, phải không anh?
Phan suy nghĩ trước khi trả lời em:
- Chắc không giàu lắm nhưng... giàu hơn ba mẹ mình, kiếm được nhiều tiền nhưng cậu phải chi tiêu nhiều thứ: trả lương cho công nhân làm việc trong đồn điền của cậu nè, mua xăng nè, sửa xe khi nó hư nè, đường bên đó xấu lắm, biết không?
- Anh còn nhớ mặt cậu không?
- Không rõ lắm. Anh chỉ nhớ mỗi lần cậu đến là cậu ẵm anh, tung anh lên như trái banh với lại túi cậu luôn luôn có kẹo và thuốc lá. Cậu cho anh kẹo, còn thuốc lá thì cậu hút.
- Em nhớ rõ cậu à! Cậu dắt em đi sở thú hồi ba mẹ đi Sài Gòn đó, rồi cậu mua cho em đôi giày đỏ tươi…
- Hố rồi! Cậu đi Nam Mỹ cái hồi thằng Lai còn ẵm ngửa, làm gì có con Yến? Đó là cậu Khâm, cậu họ tụi mình. Tụi mình chỉ có một cậu ruột là cậu Bích thôi, nhớ chưa?
Yến xịu mặt xuống, cô bé không thể tưởng tượng được mặt ông cậu ruột ra sao. Và cô có thói quen là hễ thắc mắc thì phải hỏi cho ra lẽ:
- Mà sao cậu đi xa chi vậy?
Nó không hài lòng về chỗ ông cậu ruột nó đi xa, mà nó đâu nhiều cậu cho cam: vỏn vẹn có một ông cậu ruột. Lai giải thích liền:
- Cậu ưng giang hồ mạo hiểm. Đàn ông, ai cũng vậy. Nữa lớn tao cũng đi như cậu. Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn !
Câu sau cùng, Lai cao giọng lên, ngâm nga làm em gái nó bật cười.
- Cậu đẹp không anh?
Yến lại hỏi Phan. Nó tin cậy anh cả hơn anh hai, vì Phan không hay trêu nó và chịu khó trả lời đứng đắn khi nó hỏi, vả lại theo lời Phan thì Lai còn ẵm ngửa khi cậu chúng đi, hỏi Lai làm chi vô ích. Phan mơ màng đáp:
- Cậu cao lớn, mắt giống mẹ mình, tóc nâu nâu và quăn...
- Em hy vọng cậu không uốn tóc. Đàn ông mà làm dáng coi kỳ lắm - Lai thè lưỡi nói.
- Em chắc chắn cậu đẹp, rất đẹp!
Ba đứa cùng sung sướng. Bây giờ đến phiên Yến mơ màng:
- Em đang nghĩ coi phải làm một cái gì tặng cậu.
- Trời ơi! Em gái tôi giỏi quá. Mà em tính tặng cậu cái gì đây?
Không suy nghĩ, Yến nói:
- Một cái áo len! Ờ, phải, em sẽ đan tặng cậu.
- Cậu sắp về rồi đa. Chỉ còn có 7 tuần lễ nữa thôi.
- Ối! Dư sức! Dư sức! Em đan hai cái cũng được nữa là. 7 tuần lễ chớ ít sao? Mỗi ngày em đan...
- Ê! Khoan!- Phan chặn lại - phải chín chắn một chút; em giống thằng Lai chỗ đó, nói không suy nghĩ. Em quên cái khăn choàng em hứa đan tặng mẹ hồi Noel năm ngoái chưa? Khăn choàng dễ đan mà rồi em có làm xong đâu?
- Năm ngoái em còn nhỏ, kể gì?
- Vậy năm nay em lớn chắc?
Lai cứu cơ em nhỏ vì thấy nó thở dài lúng túng:
- Hai người nói chuyện gì đâu, không vui. Cậu gần về, mình phải bàn chuyện vui chớ. Đố hai người cậu có đem gì về cho tụi mình không?
- Cái đó là cái chắc. Người đi xa về hay làm quà cho người ở nhà. Anh cam đoan là ba sẽ có cà vạt mẹ sẽ có lọ nước hoa...
- Còn anh em mình?
Hai đứa em nói theo sở thích chúng. Yến nói trước:
- Em có con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt, biết khóc, tóc đen... vòng đeo tay nữa.
Đến phiên Lai:
- Em có một con chó xù biết làm xiếc, ngon lành.
- Cậu sẽ đưa tụi mình đi chơi líp! Cậu sẽ dây anh lái xe. Chắc chắn cậu có xe.
- Và cậu kể chuyện Mạc xây.
- Tao thích chuyện Nam Mỹ hơn.
- Chắc gì cậu nhớ? Cậu bỏ Nam Mỹ lâu rồi.
- Thì chuyện Mạc...
Cửa phòng sịch mở. Bà Niêm thò đầu vào:
-Các con chưa ngủ à?
- Thưa mẹ, tại cậu Bích, tụi con nôn gặp cậu quá.
- Cậu ra sao, hả mẹ? Cậu giống mẹ không?
- Hơi thôi, tóc cậu nâu nâu. Hình cậu trong an bum đó, các con quên sao?
- Lâu quá, tụi con chưa coi lại. Mẹ! Cho tụi con coi lại hình cậu đi!
- Đợi đó mẹ lấy cho mà coi. Rồi phải ngủ liền, nghe không?
Ba đứa cùng dạ một lượt. Năm phút sau, bà mẹ đem vào cho các con xem một tấm ảnh đã cũ, người trong ảnh là một thanh niên, trẻ măng, mặc quần sọt và áo ngắn tay, một cái vợt dưới nách, nét mặt hao hao giống mẹ chúng và nụ cười thật tươi. Hai thằng con trai ngắm kỹ chân cậu trong lúc cô cháu gái thì ngắm tóc và mặt cậu. Bọn con trai tuyên bố, dáng hài lòng:
- Được quá chớ. Cậu mình có vẻ thể thao gia quá chớ! Coi chân cậu kìa!
Bà mẹ hỏi con gái út:
- Còn con? Con thấy cậu thế nào?
- Con thấy... con thấy cậu dễ thương, giống như hoàng tử trong truyện "Công chúa ngủ trong rừng!".
Hai thằng anh cười to. Lai chế em:
- Con nhỏ này đầu óc phong kiến gớm! Đời bây giờ mà còn tưởng tượng đến chuyện công chúa với hoàng tử. Quê quá đi!