watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phố Hoa Phai-Phần 02 - tác giả Mường Mán Mường Mán

Mường Mán

Phần 02

Tác giả: Mường Mán

Quán thưa khách. Hai chị em ngồi ở một góc trống thênh thang gió lùa cạnh hàng chậu kiểng không hoa, ăn kem ba màu. Múc muỗng kem màu hồng kèm một chút chiều phai cho vào miệng, Trang lắng nghe vị ngọt thơm ngấm tan đầu lưỡi, lại buông ra câu hỏi nghe chẳng ngọt chút nào:
- Chị có biết gì nhiều về chú Phong không?
- Ờ thì… Đại để ổng là tay buôn đồ cổ nổi tiếng, một cổ đông lớn, thành viên hội đồng quản trị của công ty Kim Phú.
- Chú Phong kết bạn với má đâu từ thời còn đi học?
- Không rõ, chị chỉ nghe nói trước kia má thường gặp, bẵng đi một thời gian ổng ra miền Bắc hay nước ngoài làm ăn gì đó, rồi quay lại Sài Gòn. Sao em có vẻ quan tâm đến chú Phong vậy?
- Em muốn kiểm lại vài thông tin do chú ấy “tự bạch” coi có bao nhiêu phần trăm sự thực.
- Ghê vậy hả?
- Hổng biết chú ấy muốn gì khi cho em biết trước đây chú và má Thu từng là… và bây giờ lại tiếp tục!
- Ôi, người lớn rắc rối lắm, hơi sức đâu em nghe ổng. Chị nhớ có lần quan hệ giữa hai người trục trặc sao đó, má tâm sự với một bà bạn, tình cờ chị nghe thấy…
- Chắc là má phải yêu ổng ghê lắm?
- Không phải đâu, má nói với bà bạn rằng, ổng là người ưa nhiễu sự, lắm chuyện và luôn ảo tưởng về mình!
- Vậy hả? Hổng giống chút gì với mường tượng của em sau khi nghe chú ấy nói, người lớn quả là loài động vật rắc rối nhứt trên đời!
Hai chị em cùng cười. Ngọc đập khẽ bàn tay cô em đặt hờ hững trên bàn:
- Sáng nay em hoàn thành nhiệm vụ đưa ngoại đi chùa chớ?
- Đương nhiên. Ngoại buồn lắm, sau hôm suýt gây hỏa hoạn do mải coi phim và tán gẫu với chị em mình, cậu Út cấm tiệt, hổng cho ngoại nấu nướng bếp núc gì nữa. Tới bữa cứ nhấc điện thoại gọi là người ta mang cơm hộp đến tận nơi!
Điện thoại di động trong túi xách mang bên vai bỗng reo, Trang lấy ra nghe:
- Alô, đang chờ Tuấn dài cả cổ đây nè, tới liền nghen!
Cô đóng máy trả về chỗ cũ. Ngọc thấp giọng:
- Hẹn đi đâu mà tình tứ quá vậy?
- Tập bài mới chuẩn bị hội diễn ở Câu lạc bộ Phi Vân. Lát nữa chị đi cùng cho vui, tụi nó đứa nào cũng khen em tốt phước, có được bà chị đẹp, hiền y như ma soeur!
- Đừng có xạo nhỏ. Tiếc là chị còn phải đi sắm mấy thứ lặt vặt cho ba.
- Gì mà lặt vặt?
- Mấy cái tà lỏn, áo thun í mà!
Trang lấy từ túi quần jeans ra mấy tờ bạc 100.000 dúi vào tay Ngọc:
- Cho em góp mua tặng ba một cặp sơ-mi!
Thỉnh thoảng chị nên nhắc ba ăn diện lên một tí, kẻo trông già trước tuổi í! Không biết có mối quan hệ đặc biệt giữa ba và cái cô diễn viên loại 3 đó không? Nếu có thì cũng đáng mừng, thấy ba cứ thui thủi một mình, em…
Ngọc sa sầm nét mặt, lảng mắt ra phố đông. Lát nữa chỉ cần bước ra là cả hai chị em tan vào dòng chuyển động rùng rùng không ngơi nghỉ ấy. Những người thui thủi một mình và những đôi cặp giống, khác nhau ở chỗ nào? Cô nhủ thầm và nói bâng quơ khi thấy Tuấn lừng lững bước vào:
- Mới đó mà đã gần hết một ngày!
Cô em lạ lùng quay nhìn cô chị.

*
* *

Đêm mỗi lúc mỗi đậm đặc, dù đèn bật sáng trong lẫn ngoài căn hộ trên tầng 4 chung cư, bà Báu vẫn có cảm tưởng đầu óc rối mù vì bị ám bởi cánh quạ đen nào đó. Những cánh quạ cứ chập chờn trong suốt bộ phim video kinh dị vừa xem xong chăng?
Dẫu chậm chạp thế nào thì hai cái kim trên mặt đồng hồ treo tường cũng cho biết đã 10 giờ 20. Cả cô dâu lẫn cậu con trai chưa mống nào về. Bà đành dằn dỗi “xuống núi”.
Thong thả bước trên hè phố, chốc chốc bà trông ngược ngó xuôi như thể tìm kiếm ai đó, đoạn tiếp tục bước với cái bụng đói và cảm tưởng mình bị bỏ rơi. Dừng trước một quầy điện thoại công cộng, bà băn khoăn không biết có nên gọi cho một trong hai cô cháu gái không? Đoạn, bà quyết định không cầm máy mà rảo bước vào quán phở cạnh đó.
Quay về với dáng vẻ và những bước chân không còn thất thểu nữa, bà Báu lên tới căn hộ trên tầng 4, dừng phắt lại trước cánh cửa đóng bởi trong cửa không im lìm mà ồn ã tiếng cãi vã của vợ chồng Út Liêm:
- Tôi đã nói cả ngàn lần rồi, buổi chiều ráng về sớm lo cơm nước cho bà già!
- Thì bữa nay có việc đột xuất ai mờ biết trước đặng. Ăn cơm trễ một chút đâu có sao? Mình quần quật tối ngày sáng đêm lo kiếm miếng ăn, chớ có phải ăn không ngồi rồi như má đâu mà…
- Nè, ăn với nói kiểu gì vậy hả? Xưa rày tánh bà già hay hờn mát, khó dàn trời, em hổng rành sao?
- Rành quá đi chớ. Cô Thu còn trối trời chịu hổng xiết, nói gì tui!
- Nói nghe ngu bỏ mẹ! Có thương có quí má mới về ở với mình. Cô Thu giàu có nhưng tan đàn rã nghé nên má không ưng, rõ chưa?
- Giờ còn rảnh rang, sắp tới sanh con vừa chăm sóc nó vừa hầu hạ bà già chắc tui khùng luôn quá!
- Có khùng cũng phải ráng, má mỗi người chỉ có một, còn con thì nếu muốn, cả hàng đàn hàng lũ cũng có, quí báu gì?
- Có hiếu cỡ ông thì nên kiếm thêm con vợ nữa rước về hầu hạ bả, còn tui thì xin đủ!
- Đ... mẹ, nói vậy mà nghe được hả?
Có tiếng vỡ của một chiếc ly hay tách bị ném xuống sàn nhà. Bà Báu khẽ lắc đầu, mím chặt môi quay bước xuống cầu thang. Cánh quạ đen trong đầu chui tọt ra thành cả đàn quạ bay chấp chới nửa hư nửa thực khắp bầu trời chung cư.
Trong khi bà Báu rời khỏi nơi “ở trọ” - theo cách nói của bà - thì ông Thái và Ngọc quay về “tổ ấm” của họ trên tầng hai một chung cư khác, cái nơi Trang từng bông phèng bảo “đông lúc nhúc y như cả tỷ con sâu bị dồn vô mấy cái hộp quẹt chồng lên nhau”.
Ngả người trên ghế salon, gác cả hai chân lên bàn, ông Thái hút thuốc nhả khói. Ngọc mang ly đá lạnh đặt xuống bàn, ngồi xuống chiếc ghế đối diện cha. Uống ngụm đá lạnh, ông Thái nói vui:
- Sao? Con thích nhân vật nào nhất trong vở Khói lam chiều của đạo diễn Vân Thi?
- Dĩ nhiên là cô giáo Thoa, kế đến là ông cụ lữ khách lỡ tàu. Lâu lắm mới được coi một vở kịch nhẹ nhàng mà không hời hợt, nhiều kịch tính thú vị như vậy. Có điều, phải chi giảm bớt màu sắc triết lý rải rác đây đó trong các lời thoại thì…
- Thì sẽ đời hơn chớ gì?
- Dà! Và sẽ cuốn hút lớp trẻ như con hơn.
- Dẫu sao thì khai trương một sân khấu mới với một vở kịch như vậy và lượng khán giả gần đạt tới mức lý tưởng thì kể như đã thành công lắm rồi.
- Nhân sự kiện này, ba có cảm thấy hứng thú chút nào để quay lại nghề không?
- Có, sân khấu sẽ đông vui trở lại, rồi những ngày bận rộn sẽ quấy rầy ba cho coi.
- Ba uống ly sữa trước khi đi ngủ nghen?
- Khỏi, rót cho ba ly vang đỏ thì thích hơn, cái chai còn lưng nửa để trong tủ lạnh ấy!
Ngọc “dạ!” khẽ, đứng lên quay vào trong. Chuông điện thoại trên bàn reo, ông Thái cầm nghe. Tiếng bà Thu dịu dàng bên kia đầu dây:
- Xin vui lòng cho gặp nhỏ Ngọc!
- Thu hả? Gì mà khách khí quá vậy? Xin vui lòng… Xin vui lòng cho anh biết má con Ngọc có khỏe không nào?
- Cảm ơn, vẫn thường! Ngọc nó ngủ rồi sao anh?
- Quá nửa đêm rồi còn gì!
Ngọc mang ly rượu ra đưa ông Thái, ông cầm lấy uống ngụm nhỏ. Cô gái quay về phòng mình chuẩn bị tắm táp, đi ngủ. Bà Thu nói tiếp:
- Lúc nãy gọi cả chục lần không ai cầm máy!
Ông Thái cười:
- À, hai cha con mới về tới! Lâu lắm mới có dịp thư giãn thú vị như tối nay.
- Bộ tiệc tùng gì sao?
- Ờ, một bữa đại tiệc kịch nói!
- Lại kịch cọt! Vậy thì bà ngoại sắp nhỏ lỡ có ghé chắc cũng đành…
- Bà ngoại à? Có gì không ổn sao?
- Con Trang có cùng đi với anh và Ngọc không?
- Không! Nếu không lầm thì tới lúc này hai bà cháu chưa về nhà hả?
- Không biết nữa. Riết tôi mệt mỏi với các người quá rồi! - Bà Thu than vãn kèm tiếng thở dài rõ to, khiến ông chồng cũ tưởng chừng hơi thở của bà vợ cũ phả vào má mình, nói giọng cà rỡn:
- Các người! Trong số đó hổng có anh à nghen!
- Cảm ơn, chúc ngủ ngon!
Bà Thu gác máy, duỗi người trên ghế bành, ngửa mặt ngắm trần nhà. Không khí yên tĩnh trong một ngôi nhà lớn đậm đặc cơ hồ có thể cầm dao cắt từng miếng. Người đàn bà của công việc bận rộn thường ngày bây giờ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Nỗi cô đơn đã trở nên quen thuộc từ vài năm sau vụ ly hôn, thỉnh thoảng ngỡ được lấp đầy lại hóa ra trống rỗng, thỉnh thoảng trở nên xa lạ hệt con thú chỉ chực chờ gặm nhấm từng chút, từng chút tâm hồn bằng những chiếc răng nhọn bọc nhung, chẳng đớn đau mà lạnh lùng, giá băng khôn xiết!
Máy điện thoại lại được nhấc lên, bấm số:
- A lô! Liêm, Út Liêm nghe! - Út Liêm nói.
- Đã hỏi hầu hết các nơi quen biết, không có chút tin tức nào cả… - Bà Thu nói giọng mát mẻ - Không, tôi có trách cậu mợ đâu. Chỉ có điều giờ này không biết má ở đâu, an nguy thế nào! Cậu mợ ăn ở, đối xử với má chắc tệ lắm mới ra nông nỗi này!
Nóng nảy gác máy, nóng nảy đứng lên bước lui tới, bà Thu tạm gác nỗi lo âu dành cho mẹ, lại canh cánh nỗi thắc thỏm dành cho Trang. Giờ này chưa chịu vác xác về, lêu lổng đã trở thành thói hư tật xấu của nó rồi ư? Hết thuốc chữa rồi ư?
Cô gái bỗng xuất hiện. Chẳng có lối nào về phòng mình ngoài lối phải đi ngang phòng khách, cô đành… bước liều. Với bê rê tím và giày cầm tay, Trang gần như nín thở nhẹ bước về phía phòng mình. Lặng nhìn theo cô giây lát, đoạn bà Thu gọi giật giọng:
- Trang, quay lại má biểu!
Thoáng khựng sững rồi Trang quay lại khép nép đứng trước mẹ. Vết bầm tím trên gò má phải của cô làm bà Thu kinh ngạc:
- Ủa, bị gì mà…
Trang cúi gằm, lí nhí:
- Dạ, con bị té xe…
Người mẹ quắc mắt giận dữ, vòng hai tay ôm lấy khuôn ngực phập phồng thở gấp, gằn từng tiếng:
- Lại đàn đúm… đua xe chớ gì?
- Con… đâu dám!
Sự bực dọc không màu, nỗi cô đơn không sắc và cả nỗi lo âu, thắc thỏm không mùi vị ăm ắp, bị dồn nén trong khuôn ngực phập phồng kia vụt bùng nổ, người mẹ hét lạc cả giọng:
- Mầy biết lúc này là mấy giờ sáng rồi không hả đồ hư thân mất nết? - Vừa nói bà vừa bước rấn tới thẳng cánh xáng cái bạt tai khiến Trang xính vính, đoạn quát - CÚt, mầy cÚt đi cho khuất mắt tao!
Trong căn phòng ngậm kín bóng tối, hai tay kê lót đầu, Trang đăm đăm trông vào màn đêm để mặc nước mắt đầm đìa tuôn. Dòng nước mắt lặng lẽ len lỏi vào từng ngóc ngách cảm xúc êm đềm ru dỗ, đưa cô quay lại với giấc mơ đêm nào có cánh rừng thần tiên ngập tràn ánh sáng và âm nhạc, chim bướm và hoa, có má Thu khoác chiếc áo cưới dài lê thê bay qua nhiều khúc sông ngọn núi…
Và, trong thế giới riêng của mình, dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn ngủ, đêm hôm ấy bà Thu ngỡ mình sẽ không thể chợp mắt được vì cái tát lỡ tặng cô con gái bỗng “biến tấu” thành nỗi tiếc hối vò xé nhè nhẹ lòng mình, nhưng rồi bà đã ngủ rất ngon lành. Có điều, chẳng có cơn mơ nào dám héo lánh đến với người đàn bà cô đơn!

*
* *

Buổi sáng vơi lưng nửa. Khi Ngọc tới thì Trang và bà giúp việc đã ra khỏi nhà, người đi học, kẻ đi chợ. Bà Thu ngạc nhiên, rất vui được gặp cô.
- Ủa, sao con biết bữa nay má ở nhà mà tới vậy?
- Sáng sớm, Trang điện thoại báo má khó ở… Mấy bữa nay má đang buồn nó, nên muốn con đến với má!
- Chậc, buồn nó thì má buồn lâu rồi, đâu phải chỉ mới mấy bữa nay.
Vẻ bơ phờ mệt mỏi, bà Thu nửa nằm nửa ngồi với chồng chăn gối kê cao đầu giường, dựa tường. Ngọc bưng ly cam vắt đưa mẹ. Bà Thu uống từng ngụm nhỏ.
- Nếu cảm thấy mệt không tiện đi, con sẽ mời bác sĩ Tâm đến khám bịnh cho má!
- Ôi, bịnh hoạn gì, cảm xoàng ấy mà! - Bà Thu thấp giọng - Chưa bao giờ má cô đơn như lúc này. Đôi khi má lao vào công việc ở công ty như thể sắp hóa rồ hóa dại mong khuây khỏa, nhưng rồi không thể. Nếu Trang cũng biết thương má như con thì…
- Em con còn non nớt, nông nổi lắm, má đừng trách, tội nó.
- Theo con, bà ngoại giờ này đang ở đâu?
- Nghĩ mãi rồi… con cũng mù tịt, cố tự thuyết phục mình và cả em Trang rằng, ngoại theo tour du lịch nào đó đi hành hương đâu đó xong sẽ quay về.
- Người gì mà khó tánh, khó nết dàn trời, con cháu còn hổng chịu nổi, huống hồ là con dâu.
- Nói trước bước hổng qua đâu má! - Ngọc cười - Biết đâu sau này má còn khó hơn cả bà ngoại?
- Má khác chứ, cái đức nhẫn nhục của má dày lắm, không mỏng như mợ Ứt Liêm đâu. Còn nhớ không, hồi đó ba con quậy tá lả, cực chẳng đã má mới lôi ổng ra tòa ly hôn. Tiếc là con không chịu ở với má.
- Hồi đó trước tòa con khăng khăng một mực xin theo ba vì thấy ông lẻ loi, lại không có chút tài sản nào cả, lo lắng có ngày ba sẽ phải khốn khổ vì cái tạng nghệ sĩ bất cần đời của mình.
- Có khi nào con hối hận đã theo ổng không?
- Dạ không, dù thỉnh thoảng ba trái tính trái nết con dọa cuốn gói về với má, nhưng rồi như má thấy, chuyện đó chưa hề xảy ra.
Ngọc cầm lấy bàn tay có những ngón gầy guộc ấp vô ngực mình, nhìn sâu vào mắt mẹ.
- Nói thiệt đi, có khi nào má cảm thấy hối tiếc vì ba và má hổng còn thuộc về nhau không?
Bà Thu thoáng ngẩn người, ngập ngừng, đoạn lắc đầu. Như thể lỡ đà, Ngọc tiếp tục lao vào nỗi ngờ vực của mình:
- Nếu ba đi bước nữa, ví dụ vậy, má có buồn hay thất vọng chút nào không?
- Không! - Bà Thu buột thốt hơn là khẳng định có đắn đo. Ngọc bắt nọn:
- Bởi bây giờ đã có chú Phong?
Vói đặt ly cam vắt còn lưng nửa lên mặt tủ thấp đầu giường, bà Thu cốc khẽ đầu Ngọc, cười buồn:
- Mầy chỉ giỏi bắt nọn. Lớn thêm chút nữa con sẽ biết cái gọi là cuộc sống này nó đa đoan phức tạp ra sao?
- Vậy má có lời vàng ngọc nào cho con không?
- Đừng đi theo lối mòn bẽ bàng của má, thận trọng từng bước để không bị lạc lối lầm đường hay bị chính mình dồn mình vô ngõ cụt.
- Khó quá. Con chỉ tâm niệm sống sao cho chân thực.
- Chân thực tốt thôi, nhưng phải tùy lúc, tùy nơi.
- Má theo nghề kinh doanh nên phải vậy, còn con…
- Con phục vụ nghệ thuật chớ gì? Cũng xem xem như nhau. Nghề nào cũng có mặt trái, và cái giá phải trả của nó.
- Eo ơi, vậy thì con hổng thèm lớn đâu!
- Muộn quá rồi con! - Bà Thu âu yếm xoa đầu Ngọc, cười, vẻ mặt tươi lên chút đỉnh - Bây giờ nếu hối tiếc, con chỉ có thể nói, phải chi tôi đừng được sinh ra!
Những “ý tình” ít nhiều u ám, không vui nọ tưởng chỉ tán gẫu, nghe qua như gió thoảng, nhưng rồi chúng cứ bám riết lấy Ngọc trong hai tiết học buổi chiều ở Nhạc viện.
Chiều muộn, Ngọc lại ghé ngôi nhà lớn ở Phố Hoa, Trang và bà Thu chưa về. Cô lấy từ túi xách ra mấy vỉ, hộp thuốc bọc trong túi nylon đưa bà giúp việc:
- Cháu gởi ít thuốc bổ để má dùng!
Cô dợm quay đi, bà Nẫm níu lại.
- Uống miếng nước đã, gấp gì!
Và cô nán lại, dù chỉ mươi phút thôi, tình cờ hiểu sâu hơn nữa nỗi khổ tâm của mẹ. Đón lấy ly nước dừa nhỏ nhẻ uống, Ngọc cùng bà Nẫm ngồi trên cái xích đu trước hiên nhà.
- Cháu biết tại sao cô Hai sáng nay đổ bịnh vậy không? - Bà Nẫm nói.
- Dạ không, bộ có gì bất thường sao dì?
- Cũng… thường thôi, đêm qua má cháu gần như không hề ngủ. Dì năn nỉ muốn gãy cả lưỡi cô Hai cũng hổng chịu vô giường, cứ ngồi miết trên ghế salon tới sáng, không biết có chợp mắt lúc nào không!
- Chắc là má buồn em Trang lắm phải không dì?
- Trang chỉ là… chuyện nhỏ. Tối qua vợ chồng cậu Út Liêm sang đây, hết thanh minh việc bỏ đi của bà ngoại, lại xin mượn vốn làm ăn, than gặp vận xui làm ăn thất bát đã đành, lại bị giựt hụt! Cô Hai mắng cho một trận, rồi biết sao không?
- Bộ dì nghe lén à?
- Dì ngủ mất đất có biết gì đâu, sau đó cô Hai kêu dì dậy kể lể, đưa dì 5 triệu biểu đón xe ôm mang đến tận nhà cho cậu mợ Út, nhắn đây là lần cuối, cho luôn chớ hổng phải… mượn.
- Đây có lẽ là lần thứ một ngàn lẻ một, bao giờ má cũng từ chối, nhưng rồi không đành lòng.
- Cô Hai là người tốt bụng mà. Dì cầm tiền ra cổng tính đón xe ôm, hai vợ chồng chực sẵn ở cái quán cóc bên kia đường nhào sang ngay. Anh chồng chìa tay ra, chị vợ cười ngỏn ngoẻn. Dì lờ đi, cậu Út hớn hở nói: “Đưa tiền đây, tánh chị Hai tui, tui rành lắm mà!”.
- Dì có đưa không?
- Từ bộ điệu đến lời ăn tiếng nói của họ hổng đàng hoàng, thấy ghét, nên dì nói trớ ra là định đi mua mấy ổ bánh mì để dành mai ăn sáng, chớ có biết tiền nong gì đâu. Cả hai đành xẽn lẽn bỏ đi.
- Rồi dì trả lại tiền cho má hả?
- Nghĩ lại thấy cũng tội nghiệp, ngại vỡ chuyện cô Hai la nên… sáng nay dì nhờ nhỏ Trang mang sang cho cậu Út.
- Hết người hay sao mà dì nhờ nhỏ Trang?
- Bộ nó hổng phải là người của nhà này sao? Sao cháu có vẻ hớt hải quá vậy?
- Trang rất tốt bụng, ngặt cái tánh nó vốn đễnh đoãng lại ham vui, cháu chỉ ngại… Lạy trời nó đừng để mất hay tiêu béng đi. Sao dì lại giao tiền cho một đứa trẻ con vậy?
- Trang mà còn trẻ con à? Bây giờ có đứa sinh viên nào được gọi là trẻ con nữa đâu?
Ngọc đứng lên, nói mau:
- Thôi, cháu phải biến đây!
Đặt ly nước dừa cạn queo vào tay bà Nẫm, cô quày quả dẫn bộ chiếc Dream ra cổng.

*
* *

Trang ngồi đong đưa trên ghế xích đu trước hiên chờ Tuấn. Buổi chiều nghèo nắng, giàu gió. Gió luồn qua kẽ lá trong rẻo vườn hẹp quanh nhà rung bông hoa này, ghẹo cánh bướm nọ. Mọi tiếng động vẳng từ phố vào nghe xa xôi tựa sóng của biển thời nào, nay đã bị gạch đá vôi vữa lấn chiếm hóa bê tông, đường nhựa… Thực ra, chẳng có biển nào cả, không dưng nghe gió rồi cô bỗng cho trí tưởng bay bổng. Điện thoại di động chợt réo chuông. Lấy nó ra rừ túi quần tây rộng thùng thình hệt tóm con vật nghịch ngợm áp lên tai nghe, Trang nóng nảy nói:
- Alô, đang ở tận đẩu tận đâu vậy hả?
- Ở Biên Hòa, kể như về không kịp, khất hẹn lại, hơi trễ chút xíu được không? - Tuấn nói.
- Cũng… được thôi! Lâu lâu làm tài xế cho bà già, phải ngoan nghe chưa?
- Cảm ơn đã nhắc nhở! Khi nào về tới Sài Gòn sẽ gọi lại. Bye!
Chưa kịp tự hỏi phải làm gì để lấp đầy khoảng thời gian chờ Tuấn thì chuông gọi cổng vang lên, Trang rảo bước ra mở.
Thấy khách là ông Phong, cô nói giọng không buồn không vui:
- Chào chú, rất tiếc là má cháu vắng nhà.
Tắt máy xe mô-tô, ông Phong cười:
- Cháu mới là người chú cần gặp nên không có gì gọi là rất tiếc cả. Sao? Mời khách vô nhà đi chớ!
Thoáng ngập ngừng rồi Trang mở cổng. Dựng xe trước sân, ông Phong ngó quanh, đoạn đến thả người xuống chiếc xích đu trước hiên.
- Ngồi đây cho thoáng!
- Dạ tùy chú thôi! - Vừa nói cô vừa mau mắn vào nhà xách cái ghế tựa ra ngồi đối diện ông. Bà Nẫm mang nước ra mời khách rồi biến lẹ vào trong.
- Có việc gì mà chú tìm cháu vậy? – Trang dè dặt hỏi. Ông Phong nói vui:
- Có khi nào cháu từng cảm thấy mình bỗng trống rỗng không?
- Dạ có, đôi khi!
- Chú cũng vậy. Chiều nay chợt cảm thấy trồng rỗng, chú bèn xách xe chạy rong. Ngang qua đây giác quan thứ sáu mách bảo rằng có cháu ở nhà, nên ghé lại.
- Như thường lệ, cháu chỉ tin chú không phẩy một phần trăm.
Họ cùng cười. Trang lật tay nhìn đồng hồ như không phải để coi giờ mà do thói quen cố hữu.
- Sao? Dạo này tình cảm giữa cháu và má Thu có cải thiện được chút nào chưa?
- Chú nói hơi quá, có gì mà phải cải thiện, chỉ là lúc đầy lúc vơi chút chút thôi!
- Ôi, nghe ngọt mà… cay đáo để!
- Cháu không hề cố ý làm má phải buồn lòng, nhưng hình như má luôn thất vọng về cháu.
- Có gì khó hiểu đâu. Cha mẹ càng già đi thì hy vọng đặt vào con cái ngày càng lớn.
Trang lại lật tay dòm đồng hồ:
- Nhưng cháu chỉ là đứa tài hèn sức mọn.
- Nãy giờ cháu coi đồng hồ hơi nhiều đó, lỡ hẹn rồi sao?
- Sao chú và má không cầm tay chạy ù tới đám cưới cho rồi, nhẩn nha hoài vậy?
- Cháu giả lảng hay lắm. Vậy cháu và cái gã tóc đinh lạng xe như quỷ sứ ấy tới đâu rồi, chơi rock nặng riết quên slow mùi sao?
- Thì ra chú vẫn còn giận Tuấn?
- Không đâu, chú chỉ ganh tị với hắn thôi. Giờ này hắn hổng tới kể như cháu bị leo cây rồi. Vô Đầm Sen hóng gió thì hay hơn.
- Sao lúc nào chú cũng tỏ ra quan tâm đến cháu vậy?
- Chưa phải lúc trả lời câu hỏi này, cho chú khất một dịp khác. Giờ thì đi không nào?
Đầm Sen! Ý kiến không tồi vào lúc trống rỗng - theo cách nói của chú ấy - như vầy. Lại nữa, để coi sự quan tâm của chú đối với mình nó ra làm sao! Tự nhủ rồi Trang mủm mỉm cười:
- Phiền chú chờ cháu một lát!
Vào nhà thay bộ cánh khác trông ít “bụi” hơn, Trang tỏ ra hào hứng đi Đầm Sen trên xe Spacy của cô thay vì để ông đèo như ông gợi ý. Họ vào nhà hàng nổi chọn chỗ ngồi gần lan can góc ngoài cùng. Lác đác vài bàn đầy khách, trời lắm mây, nắng gần như không màu. Chờ hai người yên vị xong, cậu tiếp viên cầm giấy bút đến chờ nghe khách “đi chợ”. Ông Phong đưa tấm thực đơn cho Trang:
- Cháu “đi chợ” đi!
- Bao nhiêu món, thưa chú?
- Tùy thích, bữa nay chú chiều cháu hết mình mà.
Một ý nghĩ tinh nghịch vụt lóe trong ánh mắt cô gái gửi xa vắng lên tận trời mây, đoạn cô quay lại cậu tiếp viên:
- Ghi giùm và nhớ mang lẹ ra nghe bạn!
- Dà, xin cô vui lòng chọn đi!
Mở rộng tấm thực đơn trên bàn, vừa rà ngón trỏ dọc dài theo các món ăn liệt kê thành từng cột, Trang thỏ thẻ nói:
- Súp măng cua, cá tai tượng chiên giòn, cua rang muối, lẩu Thái, tôm hùm nướng, gà xối mỡ, vịt tiềm, lươn xào lăn, mì Ý xào…
Thấy ông Phong trố mắt, Trang mỉm cười:
- Đủ chưa, thưa chú?
- Chú thấy hình như… - Ông Phong ấp úng, Trang cướp lời:
- Còn ít phải không? Vậy thì… Quái, ở đây thịt trừu nướng, thịt kănguru băm viên có không mà hổng thấy ghi?
- Thưa cô, không ạ! - Cậu tiếp viên lễ phép nói kèm vẻ mặt “rất tiếc” khá giảo hoạt.
- Nhà hàng lớn như vậy lại thiếu mất mấy món “sao”? Anh có thể làm ơn kêu giùm nơi khác mang đến không?
- Dạ không! Xưa rày…
- Chưa từng làm ơn cho ai chớ gì?
- Dạ không, không phải vậy đâu, xin cô thông cảm.
Vẻ mặt ỉu xìu, ánh mắt van nài của cậu tiếp viên khiến Trang phì cười, khoát tay:
- Thôi thì thêm món bò lúc lắc mí lị khoai tây chiên, kể như tạm đủ, còn món uống là hai chai vang trắng hàng Pháp chính hiệu ngâm lạnh - Quay sang ông Phong, Trang rạng rỡ cười - Chú muốn dùng gì theo sở thích riêng không ạ? Ông Phong xua hai tay, xởi lởi nói:
- Được rồi! Bữa nay chú rất vui lòng ăn uống theo sở thích của cháu.
Điện thoại trong túi quần jean réo chuông, Trang lấy nó ra tắt chuông nhưng không vội nghe, đứng lên:
- Xin lỗi chú ít phút!
Cô rảo bước theo cậu tiếp viên đi về phía quầy phục vụ bên trong nhà hàng, ghé sát vào anh ta, thấp giọng nói:
- Nấu đủ các món cho sáu người ăn chớ hổng phải hai, các bạn tôi sắp đến.
Rồi cô dài bước ra khỏi nhà hàng, vừa đi vừa bấm số điện thoại di động, môi nở nụ cười tinh quái.
Từ lúc Trang biến khuất, các chỗ trống trong nhà hàng dần lấp đầy thực khách, chẳng rõ bao nhiêu chuyến mây đã ngang qua bầu trời. Chiều tím nhạt rồi tím thẫm. Các đôi cặp chơi pandêlô trên mặt hồ lần lượt lên bờ. Ông Phong ngồi một mình với những đồ ăn thức uống bày đầy trên bàn.
Quái! Con nhỏ biến đi đâu vậy ta? Chốc chốc ông lật tay coi đồng hồ như thể chẳng để biết giờ giấc mà đã lây cái tật ấy của Trang trước lúc tới đây, ngồi chán lại đứng lên tựa lan can, đốt thuốc gần như liên tục.
Sau cùng, ơn trời, những khoảnh khắc thắc thỏm của ông cũng được lấp đầy bởi năm cô cậu của nhóm nhạc trẻ Bê Rê Tím. Họ ăn mặc không chệch thời trang li nào, trông tươi tắn cơ hồ vừa bước từ một bộ phim tình cảm Hàn Quốc ra. Họ xuất hiện khá bất ngờ, ùa đến tranh nhau bắt tay ông Phong lắc lia lịa. Tuấn tóc đinh sôi nổi nói:
- Thưa chú, chú vẫn khỏe phải không ạ? Nghe Trang nói chú đã thứ lỗi cho cái lạng xe thiếu văn hóa của cháu, cháu rất lấy làm mừng. Quý hóa quá, lúc nãy nghe nhỏ Trang gọi là tụi cháu kéo nhau tới ngay, dù rất bận! - Quay sang các bạn, Tuấn dõng dạc hô - Nào, còn chờ gì nữa, vào bàn đi các tía mí lị các má!
Đứa nào cũng tỏ vẻ lịch sự, cúi gập người mỉm cười chào ông Phong trước khi kéo ghế ngồi.
- Ủa, nhỏ Trang đâu?
Đáp lại câu hỏi ỉu xìu của ông, Tuấn làm bộ vò đầu bứt tóc, tặc lưỡi tới ba lần mới nói:
- Ựm… à, Trang nó nhắn xin vô cùng xin lỗi chú, có việc bận đột xuất nên…
Ông Phong cố gượng cười, bực bõ nói:
- À, cũng hơi bị bất ngờ, nhưng chú đã quen cái nết tinh nghịch của nó nên hổng sao! - Đoạn đổi sang giọng giả lả - Nói có thể các cháu không tin, lúc nãy nó chịu đến đây là hạnh phúc lớn đối với chú! Nào, cầm đũa đi các cháu!
Cơ hồ không còn nhớ mình vừa rời khỏi nơi nào và “cống hiến” các bạn một bữa tiệc thịnh soạn “chùa” ra sao, cô gái hồn nhiên rảo bước lên những bậc thang chung cư đến căn hộ quen thuộc ở tầng hai xoay nắm đấm cửa không khóa, bước vào.
Ông Thái trang phục chỉnh tề đang đứng trước tủ quần áo soi gương loay hoay thắt cà vạt. Gieo mình xuống ghế, Trang nói:
- Chị Hai có nhà không ba?
- Có chỗ mời làm gia sư, nó đi liên hệ…
Nắn sửa xong nút cà vạt, ông Thái đến ngồi cạnh Trang:
- Có chuyện gì cần sao?
- Dạ không, con chỉ tính rủ chị đi coi phim, ba sắp đi đâu mà diện đẹp quá vầy nè?
- À, bữa nay khai trương nhà hàng của một cô bạn mới mở.
- Cái cô diễn viên gì đó, con nghe chị Ngọc nói ba có hùn hạp vốn liếng phải không?
- Hùn hạp khỉ gì, ba chỉ góp vốn tinh thần thôi, nếu rảnh lát nữa con cùng đến cho vui.
- Nhà hàng thuộc loại nào?
- Ờ thì cũng thường thường bậc trung thôi, chủ yếu là các món ăn miền quê Nam bộ. Tên nhà hàng cũng hết sức gợi nhớ miền sông nước: Lục Bình!
- Hình như dạo này đặc sản miền quê, các món mộc mạc thời khai hoang đang được người Sài Gòn ưa chuộng?
- Nói chung, cái gì hái ra tiền là người ta đua nhau khai thác, đẩy lên thành mode! Lâu lâu mới gặp con, nếu tin lời nhỏ Ngọc, ba sẽ mắng con một trận ra trò.
Trang so vai, lè lưỡi:
- Gì mà ghê vậy ba?
- Có đúng là dạo này con chán học, thích la cà quán xá, đàn đúm bạn bè ngoài đường hơn thích về nhà không?
- Hẳn là thông tin chị Ngọc lượm lặt từ má?
- Từ đâu… cũng được. Có điều là, có đúng hay không?
- Dạ có, nhưng không hề trầm trọng như má, chị Ngọc và ba tưởng tượng, phóng đại tô màu đâu!
- À, cái con này… hỗn! - Ông Thái cốc khẽ đầu cô con gái, cười - Nhớ lấy nghen con, cái gì cũng một vừa hai phải thôi, thái quá thì bất cập!
- Dạ, con xin nhớ! - Đoạn cô lái câu chuyện sang ngõ khác:
- À này, ba có rành chú Phong không vậy?
- Phong đồ cổ à? - Ông Thái buột thốt - Đương nhiên là… biết.
- Chú Phong là một trong nhiều nguyên nhân để ba không thể tiếp tục sống chung với má nữa phải không?
Cau ríu mày lại, ông Thái xoáy cái nhìn soi mói vào tinh mũi Trang. Cái gì khiến nó ném ra câu hỏi hóc búa này? Đã đến lúc mọi sự cố, hành vi ứng xử đưa đến đổ vỡ hạnh phúc của người lớn đặt dưới con mắt soi xét, thậm chí phán xét của bọn trẻ con? Chúng trách móc đã đành, nhưng chúng có coi thường cả mình và bà ấy không? Cất mắt khỏi gương mặt trong sáng, tươi roi rói tuổi trẻ của con gái, người cha cố giấu ngượng ngùng sau nụ cười buồn:
- Đang tuổi ăn tuổi lớn, con không nên để các băn khoăn thuộc loại đó quấy rầy! Thôi, quên ông ta đi, thiếu chuyện gì để nói. Ngọc nó than cả tuần nay không cách chi gặp được con qua máy cầm tay.
- Đơn giản vì nó đã bị con ném xuống biển hôm đi chơi Vũng Tàu với lũ bạn rồi!
- Thì ra cái tính ưa xài phí tới nay ở con vẫn y nguyên à?
- Hổng có đâu ba, tại bữa đó thằng bạn cà chớn chọc quê con xài đồ đề mốt nên… Con đã sắm cái mới, ba coi nè, có xịn không?
Vừa nói, cô vừa vui vẻ móc cái điện thoại di động đưa ông. Ông cười, lắc đầu.

*
* *

Ngày mồng một âm lịch lại thấm đẫm bát ngát hương trầm khói nhang trong và ngoài chùa Vạn Hạnh, nhiều thiện nam tín nữ đến lễ Phật đông chen. Ngọc vừa dừng xe Dream, Trang từ một quán nước đối diện phía bên kia cổng chùa vội rảo bước ra níu tay cô chị:
- Nãy giờ em hết rảo vô chùa lại ra canh chừng nhưng… vô quán uống nước đã!
Ngọc đảo mắt nhìn quanh, chậm rãi gỡ kính râm, tháo găng tay che nắng và khăn bịt mặt chống bụi, nói vui:
- Chắc trớt quớt quá à!
- Hãy chờ coi, chị sẽ thấy dự đoán của em là đúng.
Họ vào quán. Trang uống tiếp ly nước ngọt bỏ dở, Ngọc gọi ly nước mía và cả hai vừa giải khát vừa chong mắt ra đường. Dưới nắng ngút cả hai chiều xuôi ngược, chưa bao giờ những người đến chùa và thiên hạ ngang qua ngoài đường được hai chị em nhìn ngắm kỹ đến thế.
Nhìn riết thiên hạ đâm nản, Ngọc quay nhìn cô em:
- Nè, hình như em có gì bí mật mà mắt cứ chơm chớp, chơm chớp vậy?
Nói hú họa, chẳng ngờ trúng phóc, Trang mỉm cười:
- Ủa, sao chị biết?
- Đừng có đánh trống lảng, nói đi nào. Có cái gì mới giữa em và Tuấn tóc đinh sao?
- Trật lất!
- Chú Phong vừa tặng món quà đặc biệt nào đó?
- Càng không đúng, bỏ cái tật lúc nào cũng làm ra vẻ “đi guốc trong bụng người ta” đi! - Lườm cô chị một cái sắc lẻm, cô em lấy từ túi xách ra xấp giấy bạc dày gói trong giấy báo đặt vào tay Ngọc - Bí mật đây, chị cầm lấy cho em vui.
Ngọc mân mê cọc tiền:
- Bao nhiêu mà dày quá vậy nè?
- Nhiêu đâu, có 5 triệu à!
- Em lấy đâu ra mà… - Ngọc nghiêm giọng.
- Hỏi vớ vẩn, em biết ba và chị lúc này đang gặp khó khăn, giữ lấy mà tiêu. Còn ở đâu ra à? Thì em rút từ sổ tiết kiệm gửi ngân hàng ra chớ đâu!
- Nhìn thẳng vô mắt chị và lặp lại lần nữa coi, nhỏ.
Lảng tránh tia nhìn nhọn hoắt của cô chị, cô em lặp lại câu nói vừa rồi tỉnh queo. Ngọc mím môi bỏ cọc tiền vào túi xách mang bên vai. Họ tiếp tục chong mắt trông ra đường. Trang nói:
- Nghe ba nói có người mời chị làm gia sư, chị nhận lời không?
- Gia sư gì đâu! Chỉ dạy piano cho một con nhóc 12 tuổi tuần hai buổi. Buồn cười lắm, ba nó vốn là một “ông kẹ”, được người ta biếu một cây đàn mới cáu cạnh chưng ở phòng khách ngôi nhà mới xây trông cho nó sang. Vậy là ổng bắt buộc con nhỏ phải học đàn.
- Nó có khoái học không?
- Không, nó chỉ mê chơi game điện tử. Lâu quá không gặp cậu Út, chiều nay chị em mình ghé nhà cậu nghen!
Nghi hoặc, Trang nhìn chăm Ngọc, uống vội hớp nước ngọt hệt bất thần bị mắc nghẹn:
- Cậu mợ vẫn thường, có gì mà phải thăm viếng, chị?
Vẫn dõi mắt ra đường, Ngọc thủng thẳng nói:
- Cảm ơn chân tình, sự lo lắng em đã dành cho ba và chị, nhưng chị không thể sử dụng món tiền má đã cho cậu mợ Út, lỡ má biết được thì không chỉ ác cảm thêm với em mà còn coi thường cả ba lẫn chị, biết chưa? Hứa đi…
- Cậu mợ Út lâu lâu vẽ chuyện để moi tiền má, em thấy ghét nên dối chị. Nếu chị nghĩ riết róng như vậy thì em hứa lần sau hổng thèm làm vậy nữa. Trước mắt, chị cứ giữ lấy dùng tạm, sau này em kiếm khoản khác bù vào.
- Không nên, cái gì ra cái đó chớ em. Vả lại, sau thời gian ế ẩm, sân khấu đang đông vui trở lại, ba vừa ký được hợp đồng dàn dựng vài vở cũ và mới nên cũng chưa đến nỗi nào.
Ngoài đường, giữa dòng xuôi ngược nhàm chán chợt xảy ra một “sự cố”, dù hết sức bình thường nhưng lại ở trong mong đợi nãy giờ của hai chị em: Bà Báu cùng một bà bạn xuống xích lô, mỗi người xách một giỏ đựng đầy hương hoa quả phẩm chậm rãi đi vào chùa. Thoạt thấy, hai chị em đưa tay chặn ngực cố nén xúc động, Trang “nổ”:
- Chị thấy chưa? Một Phật tử ngoan đạo như ngoại làm sao quên ngôi chùa mình từng lui tới hàng chục năm nay, em đoán trúng phóc.
Và, họ trả tiền nước, gửi xe, rảo bước vào chùa. Ngọc gọi điện thoại báo ngay tin vui cho bà Thu.
Cuộc hội ngộ, hàn huyên sau gần hai tháng xa cách có cả nụ cười và nước mắt. Quá trưa, năn nỉ muốn sái quai hàm, gãy vài ba khúc lưỡi, người mẹ vẫn cứng lòng không chịu quay về mái nhà xưa, bà Thu cùng hai cô con gái đành đưa bà Báu và bà Mùi - bạn của bà - về nơi “ở trọ” mới của họ: Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.
Ngồi giữa căn phòng trống trải, đồ đạc cũ kỹ sơ sài, gọn ghẽ tinh tươm, hít thở không khí tĩnh lặng của cái “thế giới” nhỏ bé dành cho những người già neo đơn, bà Thu buồn nẫu lòng, lại không cầm được nước mắt, lại nhìn mẹ van lơn, thấp giọng khẩn nài:
- Con xin cắn cỏ lạy má, cả gần hai tháng nay con ăn không ngon, ngủ không yên.
- Má biết! - Bà Báu lạnh lùng nói.
- Má vô đây ở, người ta sẽ chê cười con, con mang tiếng bất hiếu bỏ bê má.
- Thây kệ… người ta, đèn nhà ai nấy rạng mà con! Ở đâu cũng là ở trọ, chỗ trọ này tốt chán. Má hổng còn ích gì cho con cháu, đi chỗ khác chơi thì có gì là lạ?
- Nói vậy nhưng con biết má không thực bụng nghĩ vậy đâu, má luôn thương con yêu cháu, sống xa tụi con sao đành má?
- Đành tuốt! Đây mới đúng là chỗ của má, đông bạn bè cùng trang lứa, đâu có cô đơn thui thủi như ở nhà?
- Bà Mùi đúng là bạn tốt, nhưng…
- Bả có thằng con trai duy nhứt độc đinh, lấy vợ Việt Kiều, theo vợ sang Canada rồi quên béng mẹ luôn mới ra nông nỗi…
- Hoàn cảnh bà Mùi khác xa má…
- Cũng già cả, cũng lạc lõng như nhau, khác chỗ nào đâu?
Bà Thu cầm tay mẹ áp lên khuôn mặt đẫm lệ của mình, van vỉ:
- Nói vậy mà nghe được sao má? Tụi con có để má phải lạc lõng hồi nào đâu? Con cắn cỏ xin má về…
Bà Báu lắc đầu, cứng giọng:
- Má nói rồi, bao giờ tụi bây sum họp…
Phố Hoa Phai
Phần 01
Phần 02
Phần 03
Phần 04
ĐOẠN KẾT