Phần 03
Tác giả: Mường Mán
Ảnh hưởng bởi thời tiết xấu gây bão lũ ở miền Tây, Sài Gòn có những ngày, đêm mưa tầm tã.
Vào một đêm mưa như thế, thêu xong ba chữ viết tắt của họ tên mình - B.S.T - theo kiểu hoa văn mềm, quấn quít bằng chỉ màu nhũ bạc lên ngực áo của chiếc áo liền váy màu đen lấm tấm những hạt tròn trắng, xấp vải Ngọc cho hôm nào - vừa lấy từ hiệu may về, Trang đưa lên ngắm nghía, đoạn khoác vào đứng trước gương chiêm ngưỡng một cách thích thú từng nét cắt, đường may theo đúng bản vẽ thiết kế của mình. Bà Thu đẩy khẽ cửa bước vào. Trang nói vui:
- Trông được không má, kiểu do con vẽ í! Hơi đơn giản nhưng khác xa mấy cái kiểu người ta mặc hay bày bán nhan nhản ngoài phố.
Chẳng rõ do kiểu áo hay màu áo nhắc nhở bà món quà tặng cho Ngọc sau chuyến đi Singapore, cô chị cắc cớ mang tặng lại cô em khiến bà không hài lòng, bà Thu cấm cẳn nói:
- Ờ, cũng được! - Rồi lạnh lùng quay ra, buông thõng - Ra phòng khách, má có chút chuyện muốn nói với con.
Tiếng mưa bên ngoài chẳng chùng nặng như không khí quanh chỗ ngồi của hai mẹ con ở bộ salon giữa phòng khách. Bà Thu nói:
- Dạo này con hay gặp chú Phong lắm phải không?
- Dạ, không thường lắm, chỉ thỉnh thoảng vài lần, chủ yếu là do chú ấy tìm gặp.
- Gặp nhau, câu chuyện giữa hai người hay đề cập tới vấn đề gì?
- Dạ, cũng vớ vẩn thôi. Có điều chú hay nhắc tới quan hệ giữa má và chú trước đây!
- Con có tin không?
- Dạ, có chút ít!
- Láo toét cả đó thôi. Hứa đi, từ nay con không gặp ổng nữa dù bất cứ lúc nào, ở đâu!
- Nếu má muốn thì con xin hứa!
- Không phải má muốn mà… - Bà Thu long mắt, gằn giọng - mà má cấm, rõ chưa?
- Dạ rõ!
- Tại sao muốn tổ chức sinh nhật sắp tới ở nhà, con không nói thẳng với má mà lại đi nhờ ông Phong xin phép giùm?
- Dạ… tại… tại… Trang ấp úng - Tại con sợ má không vui lòng…
- Chắc con nghĩ tiếng nói của ổng có trọng lượng ghê lắm đối với má chứ gì? Lâu rồi con, ổng không là cái đinh gì cả.
- Vậy giờ con xin phép má tổ chức sinh nhật ở nhà, má có đồng ý không?
- Không, tổ chức ở đâu mặc xác, ở đây thì không.
- Tại sao hở má? - Trang xoe tròn mắt, rình chờ từng biểu hiện dù nhỏ nhất trên vẻ mặt giá băng của bà Thu. Không, chẳng có biểu hiện “thân thiện” nào cả. Như thể bà vừa biến thành kẻ khác, hoàn toàn xa lạ trước cô con gái.
- Tại sao à? Đã đến lúc má phải nuông chiều con cách khác, không giống trước đây nữa!
Người mẹ lạnh lùng đứng lên, lạnh lùng rảo bước về phòng mình, đóng cửa đánh sầm.
Cô gái đưa tay vuốt khẽ lên ba chữ B.S.T lấp lánh mà ngân nhũ trên ngực áo, đoạn ôm mặt khóc, nấc lên từng cơn nghe ớn rợn.
Sau đó ngôi nhà lớn ngậm kín bóng tối và hòa vào âm mưa, tiếng trống quen thuộc nửa hư nửa thực vang lên như không phải từ “thế giới” của Trang mà từ cõi xa ngái nào khác.
*
* *
Đêm hội của các ban nhạc trẻ. Câu lạc bộ Phi Vân tràn ngập những mắt sáng môi tươi, quần là áo lượt của cơ man nào là con gái con trai. Sân khấu ngoài trời lúc chói lọi, lúc mờ ảo bởi các luồng ánh sáng đổi màu liên tục quét ngang dọc, xoáy tròn hòa nhịp cùng âm thanh của nhạc khí, của các giọng ca như thể đã nhín nhịn lâu ngày, đêm nay thả sức bùng nổ.
Ông Phong chen được tới hàng ghế gần sân khấu nhất ở phía trái với bó hoa hồng lớn ẵm trên tay, an vị được chín phút thì tới phần trình diễn của ban nhạc Bê Rê Tím. Dù đã cố đưa bó hoa cao lên vẫy, la khản giọng, các cô cậu trong cái ban nhạc có ông là fan nồng nhiệt nhất có vẻ không hề thấy. Sáu cô cậu khoác áo sơ mi, quần giả da đen bóng, mang giày trắng ống cao và chỉ mỗi mình Trang đội lệch cái bê rê màu tím như thường lệ ngồi ở dàn trống, múa dùi và hát. Một ca khúc do nhóm tự biên, ông Phong nghe như uống từng lời. Tất thảy cơ hồ nhòa hết, chỉ mỗi Trang bừng sáng cùng tiếng hát ông không biết phải ví với cái gì cho xứng hợp. Sau mỗi câu hát ông lại gật gù la to: tuyệt vời!
Trang hát: “Ai đánh rơi chuỗi mơ. Nhuộm tim ai lá biếc. Để tên em chợt hồng. Gọi chiều lên da diết. Tay lỡ dại xa tay. Ừ thì thôi đừng vội. Môi đã lỡ xa môi. Trả sóng về ngàn khơi!..”. Ca từ mềm mượt gieo vần thơ tứ tuyệt, Trang lại nhả chữ hết sức tùy hứng nghe xốc nổi mỗi khi đệm thêm hàng chuỗi ré liên hồi dé dé dé… Có khi đang pop ngon ơ bỗng chuyển rap ngang xương. Có điều giai điệu luôn được nhịp trống phối hợp một cách nhuần nhị nên các fan nhún nhảy như hóa rồ, vỗ tay hệt hóa dại. Ông Phong thầm nghĩ, lời lẽ bài ca, khúc thức nhạc này nọ, nếu là ai khác trình bày chắc mình không thèm nghe, đằng này là của nhóm Bê Rê Tím nên… khi ông kịp nhận ra mình cũng lắc lư theo bọn trẻ thì bài hát đã dứt! Bó hoa lớn lôi ông lên sân khấu đặt vào tay Trang. Cô lí nhí cảm ơn, lờ đi khi ông đặt tay lên môi phát tặng cô cái hôn gió.
Nửa đêm về sáng. Hội diễn tan, nhóm Bê Rê Tím và chừng chục fan trẻ kéo nhau ra vỉa hè uống nước mía. Trang ngồi ở chiếc bàn chất nhiều bó hoa, mặt mày tươi rỡ dưới vành bê rê tím. Một cô trong nhóm níu tay Trang nói lớn:
- Nè bạn, bộ tính xù luôn sinh nhật hả?
- Lắm sinh nhật vui thì thỉnh thoảng cũng phải có một sinh nhật buồn, sinh nhật chay chứ? – Trang cười. Nhiều cô cậu đồng loạt nhao lên:
- Không được buồn!
- Không nên chay!
- Nói vậy sao nghe lọt lỗ tai?
- Trang xạo quá hà!
Tuấn tóc đinh đưa hai tay quá đầu:
- Thưa quý tía mí lị quý má, sinh nhựt mà hổng được tổ chức tại nhà vì “mẫu hậu” không duyệt nên Trang rầu lắm!
- Thì tổ chức nơi khác, có chết con muỗi nào đâu? - Hải “nổ”.
- Chán đời, Trang hổng tổ chức thì bọn mình góp tiệc mời nó vậy! - Tuyết “hô hào”.
Cả bọn nhao lên hưởng ứng. Ông Phong bỗng xuất hiện, mái tóc muối lấn tiêu bỗng xanh mướt và ông nghe mình nói giọng của gã trai trẻ tuổi hai mươi:
- Tiệc đã đặt sẵn ở nhà hàng Tân Quế Châu, xin mời cháu Trang, nhóm nhạc tuyệt, tuyệt, tuyệt vời Bê Rê Tím và tất cả các bạn!
Tiếng vỗ tay ran rộ, cả bọn quây lấy ông, công kênh ông lên, hò hét:
- Hoan hô bố già! Hoan hô chú Phong!
- Sao Trang? Cháu thấy vui rồi chớ?
Quay sang Trang, ông Phong âu yếm hỏi. Cô hơi ngượng nhưng rồi cười tươi:
- Cháu xin cảm ơn món quà bất ngờ mừng sinh nhật của chú.
- Nào, ta đi thôi! - Ông Phong giục. Tuấn nói vui.
- Khoan đã, cháu đề nghị chú sẽ tặng thưởng cho ai đến Tân Quế Châu trước nhất!
- À, ý kiến hay. Ô kê!
- Như thường lệ Tuấn phải chấp bọn này chớ? - Nguyên “cò kè”.
- Được thôi! Chấp 7 phút! - Tuấn ưỡn ngực.
Ông Phong hào hứng theo bọn trẻ dẫn xe ra đường dàn thành hàng ngang, máy xe nổ vang động. Và sau tiếng đếm “một, hai, ba” của Tuấn, tất thảy lao đi. Sau đó 7 phút, Trang rạp người xuống ôm chặt lấy Tuấn, chiếc mô tô vọt lên hệt con ngựa chứng đưa họ vào chuyến đi… sau cùng.
*
* *
Đèn vẫn tiếp tục sáng đêm đêm trong căn phòng ấy. Dàn trống và mọi vật dụng khác được phủ khăn trắng, chúng chờ đợi nhưng cô chủ nhỏ của chúng không bao giờ quay về nữa.
Sự cố bất hạnh đêm hôm ấy đã xảy ra hàng chục năm rồi, hay chỉ mới hôm qua, hoặc chỉ mới tức thì? Bà Thu đắm mình vào đau buồn và tiếc hối đến độ mụ mẫm cả hồn lẫn xác, đánh mất cả ý thức về thời gian. Bà khóc, kiểu khóc nước mắt chảy ngược vào trong nên mắt cứ khô không khốc mà lòng thì ngập lụt những triều sóng xót.
Sau đêm hôm ấy, tóc ông Phong chẳng thấy xanh lại lần nào nữa mà bạc trắng như muối bọt, như mây trời quên bay. Chẳng rõ có sức nặng từ thinh không nào đổ ập xuống vai mà thỉnh thoảng, ông lại thấy dáng đi của mình hơi nghiêng cúi.
Và, ông không thể nhớ nổi mình đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần cái câu van vỉ này mỗi lần gặp người tình cũ ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào: “Hãy tha lỗi cho anh Thu ơi, Thu ơi! Nếu đêm hôm đó anh không ngu dại bày ra cái bữa tiệc sinh nhựt xui xẻo kia thì…”.
Van vỉ để rồi lầm lũi bỏ đi trước ánh mắt khó tả là tuyệt vọng hay khinh bỉ của người mẹ vừa mất con. Ánh mắt thời nào từng cháy lên một cách khát khao, đồng lõa, vụng trộm với ông, do ông và vì ông!
Bà Báu, ông Thái, Ngọc, bà Nẫm, mỗi người đau buồn theo kiểu cách riêng của mình, nhưng nói chung, phải mất một thời gian họ mới quen với sự vắng mặt của Trang trong cuộc sống thường ngày.
Không còn tay trống “cự phách” và Tuấn trưởng nhóm, các cô cậu Bê Rê Tím lặng lẽ rã đám.
Như hàng bao đêm khác, đêm nay trước khi vào giường dỗ giấc, bà Thu lại tỉ mẩn lật giở, săm soi lại từng tấm ảnh của Trang từ thời ấu thơ đến lúc bóng cô không còn in trên mặt đất nữa và cả hàng lô hàng lốc ảnh thuở gia đình chưa tan đàn rã nghé. Mỗi tấm ảnh gợi lắm hoài niệm ngọt ngào hơn là đắng cay, buồn ít hơn vui mà sao môi không thể mỉm cười, lòng càng trống vắng hơn? Người đàn bà thở dài gấp cuốn album thứ bảy đặt chồng lên sáu cuốn khác, hờ hững nhìn tivi đang phát bản tin nóng về lũ lụt ở miền Tây.
Bà Nẫm cầm ly nước và mấy viên thuốc vào nhắc bà chủ uống. Bà Thu uể oải uống thuốc.
- Cô Hai ăn chè hột sen nghen? Hột sen Ngọc nó mang tới hồi chiều, tôi nấu để sẵn trong tủ lạnh - Bà Nẫm dè dặt nói.
- Lát nữa tôi sẽ… Lúc này sao ăn uống cái gì cũng thấy ngán quá.
- Cả mấy tuần nay chớ đâu phải chỉ lúc này. Ngọc sợ cô Hai đổ bịnh thì khổ. À, nó nhắn lúc nào công ty tổ chức đi miền Tây cứu trợ bão lụt cô Hai nhắn để nó và bà ngoại cùng đi.
- Dì thấy bà ngoại sắp nhỏ có tệ không? Phải chi có bà bên cạnh vào những lúc như vầy…
- Ngọc nói đang cố thuyết phục bà.
- Dì mang cất mấy cuốn album, đủ rồi, tôi tự hứa sẽ không bao giờ coi lại nữa. Kiếm giùm cái túi xách cũ hay bao tời gì đó trong kho mang vô phòng con Trang giùm tôi!
Bà giúp việc mang cái bao tời cũ quay lại ngạc nhiên thấy bà Thu đã ở trong phòng Trang, đang đứng trước tủ quần áo mở rộng. Bà Thu lặng người ngắm nghía cái áo liền váy nền đen lấm tấm những hạt tròn trắng cầm trên tay. Không còn hơi người, nó trở nên lạnh giá, vô cảm y hệt hôm bà mang nó từ Singapore về. Một thoáng hồi niệm vụt qua: “Chị Hai bảo là hàng Thượng Hải chính cống, má coi thử…”. Bà Thu ứa nước mắt.
- Thưa cô Hai, bao loại này được không, hơi cũ nhưng còn tốt - Bà Nẫm hớt hải khi thấy mắt bà Thu nhòa lệ.
Cầm lấy cái bao tời, bà Thu gấp gọn cái áo liền váy mỏng mịn bỏ vào, đoạn đưa bà Nẫm:
- Dì gom hết quần áo của nhỏ Trang cho vô bao, hôm nào công ty đi cứu trợ tôi sẽ mang đi miền Tây…
- Toàn đồ xịn cả mà sao cô Hai…! Bà Nẫm tiếc rẻ.
- Nó có còn mặc nữa đâu. Vả lại, chừng nấy cũng đâu thấm thía gì, mai thêm mớ quần áo cũ của tôi và của dì nữa!
Những chiếc mặt nạ trên tường lặng lẽ nhìn hai người, bà Thu lững thững quay ra, chúng chao đảo khẽ như thể vừa có làn gió nào thổi qua, và tiếng trống quen thuộc bỗng nửa hư nửa thực vang lên trong khi dàn trống vẫn “ngủ quên” dưới lớp khăn trắng phủ. Bà Nẫm vừa để mặc những giọt xót ứa lăn trên má mình, vừa hơi run tay xếp từng bộ quần áo thời trang cho vào bao tời, chốc chốc nhìn quanh, nơm nớp sợ cô chủ nhỏ sẽ bất thần xuất hiện. Những tiếng trống lặng lẽ tan tạnh y như khi chúng lặng lẽ đến làm sủi tăm bề mặt đêm yên tĩnh.
Trong khi ở ngôi nhà lớn bà Thu mãi trằn trọc vì giấc ngủ mãi chưa chịu đến thì ngoài phố, ông Phong - quần áo lôi thôi lếch thếch, vóc dáng tiều tụy, tóc trắng rối bù - say xỉn, ngất ngưởng bước vào nhà hàng Lục Bình.
Nhà hàng sắp đóng cửa. Tiếp viên và khách chẳng còn một ai. Những chiếc ghế úp ngược trên mặt bàn im lặng chào ông khách cuối cùng trong ngày bằng những cái chân giơ ngược lên trời. Đang ngồi đếm tiền sau quầy, Huyền - cô cựu diễn viên loại 3 - thu gọn các thứ cho vào hộc khóa kỹ, đỏng đảùnh nói:
- Xin chào quý ông! Gớm, biến đi đằng nào mà mất mặt lâu vậy hả?
Tựa hẳn người vào quầy, coi bộ vẫn muốn té, ông khách cười hềnh hệch, chìa cả râu lẫn răng sát vào bà chủ nhà hàng:
- Nè, bộ ế hay sao mà đóng cửa sớm vậy hả người đẹp đất… phèn?
- Hổng dám ế đâu, mới có hơn nửa đêm một canh à, em đuổi hết khách để tiếp riêng quý ông ấy chứ!
Miệng nói, tay dìu khách đến bộ salon kê sát tường, thân mật ấn ông ta ngồi xuống, đoạn Huyền lắc mông vặn eo đến kéo cửa đánh soạt, quay lại cười mơn:
- Rượu cốc tai như thường lệ, phải không ạ? Còn “món tươi”, ngoài em ra hổng còn ma nào, thông cảm nha!
Phong ngả người ra lưng ghế nói giọng úng men:
- Bữa nay uống đủ rồi, cũng cóc cần em Út, chỉ muốn gặp ông đạo diễn một tẹo, em giấu ổng trong tim hay kẹp trong nách hả? Nhả ra mau!
Họ cùng cười. Nói vậy nhưng rồi Huyền lấy chai vang đỏ còn lưng nửa rót ra ly mời, ông Phong tợp đến cạn và quàng tay ôm riết lấy nàng khi bà chủ than buồn ngủ đến thả rơi người xuống bên ông hệt cái súc thịt gói trong vải hoa sực nức mùi dầu thơm pha mồ hôi.
- Sao? Thằng cha bồ ruột của em đâu rồi hả?
- Bồ khỉ khô! - Huyền giẫy nẫy - Thằng chả theo mấy con đào trẻ, quên mất tiêu con đào loại 3 này rồi!
- Từ lúc nào vậy? Sao hổng thông báo sớm?
- Để chi?
- Để kẻ hèn này nhào vô… nâng khăn sửa dép cho quý cô nương!
Huyền hứng đỡ cái hôn đánh chụt của ông khách say y hệt thời nào hứng những cái hôn không cảm xúc, thuần… “nghệ thuật” của anh bạn đồng diễn quá cố những lúc tấu hài.
- Nè, bộ có gì cần gặp anh Thái sao?
- Thì chuyện gì ngoài cái chuyện… - Phong cầm chai rót đầy ly, uống, thở khà, đủng đỉnh lấy thuốc châm hút, thở khói. Huyền nháy mắt:
- Biết rồi, cái chuyện cũ xì hai mươi năm trước phải không nào?
- Hai mươi năm trước! - Phong gật gù - ờ à…
- Anh đạo diễn Thái tội nghiệp bị cắm sừng mà không hề hay biết!
- Tôi là thằng chó má…
Tiếp tục giọng đả đớt, cười cợt, Huyền ghé sát tai ông Phong ra vẻ đồng cảm:
- So với quý ông chịu chơi, phong lưu mã thượng thời đó, các anh đạo diễn thuộc loại gà tồ…
- Chính xác! Gà tồ đến nỗi…
- Hổng hay đứa con gái Út thuộc hệ khác?
- Nàng cứ khăng khăng buộc tôi, quý ông của em, giữ kín bí mật trọng đại này… không cho cả con nhỏ hay cha ruột của nó là ai!
- Là ai mới được? - Huyền giả nai.
- Còn ai trồng khoai đất này nữa? Sao quý cô nương hỏi ngốc vậy hả? - Dựng lên cơ hồ phải bỏng, đoạn xẹp xuống hệt quả bóng bị xì hết hơi, ông Phong gần như thì thầm với vẻ mặt hết sức quan trọng - Nè, hứa đi, đừng nói với ai bí mật đứa con gái yêu quý nhứt đời, bất hạnh nhứt đời của tôi chưa hề hay biết, nhá, nhá, nhá!
- Xin hứa! Nhưng mà… chuyện của quý ông sao khó tin y như chuyện phim hay tiểu thuyết í!
Huyền phá lên cười. Ông Phong ngước đôi mắt đục ngầu, đờ đẫn trông vào điểm bất định nào đó, rồi bất thần đấm ngực, lẩm bẩm:
- Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, quỷ tha ma bắt tôi đi Thu ơi, Thái ơi, Trang… ơi!
Đoạn, ông đổ gục vào lòng súc thịt bọc vải hoa nức mùi mồ hôi và dầu thơm công nghiệp, khóc nức nở...
*
* *
Lần lữa, khất hẹn mãi, sau chuyến đi cứu trợ miền Tây về, bà Thu đành ghé lại phòng mạch tư của bác sĩ Tâm, nơi chăm sóc sức khỏe không chỉ riêng bà mà cho cả nhà từ hàng bao năm nay. Ngồi đối diện bà Thu sau bàn làm việc có chưng bình hoa hồng đỏ thắm cạnh máy điện thoại, ông bác sĩ tuổi trung niên xoáy cái nhìn nghề nghiệp qua kính trắng, mỉm cười:
- Lần chị gặp tôi gần nhất cũng mấy tháng rồi phải không?
- Gần ba tháng gì đó. Bộ lần này trông tôi tệ lắm sao, anh!?
- Phải nói là xuống sắc tới mức báo động.
- Tưởng gì? Tôi có tính đi bước nữa đâu mà cần phải lên… sắc? - Bà Thu đỏng đảnh nói.
- Chị hiểu nhầm ý tôi rồi, nghĩa là…
- Chỉ vờ vĩnh để đùa anh thôi, tôi dư biết đã tới lúc mình cần làm một đợt kiểm tra, đại tu sức khỏe toàn diện.
- Ai cũng ghét phải đến gặp tụi tôi, nhưng một năm không gặp đôi lần có khi cũng hơi kẹt, phải không nào?
Họ cùng cười. Từ phía trong, cô y tá mang mấy mẩu phiếu ghi kết quả xét nghiệm máu và siêu âm ra đưa ông Tâm. Ông cầm lấy, chăm chú xem. Cô y tá vừa khuất vào bên trong, bà Thu bật miệng thốt:
- Thế nào anh Tâm? Có xấu lắm không?
- Chưa đến nỗi xấu lắm nhưng chị cần có chế độ nghỉ ngơi, tẩm bổ đến nơi đến chốn. Đánh vài đợt thuốc nữa, nếu không khả quan, chắc phải mổ thôi!
- Đến mức đó lận à?
- Tôi xin nhắc lại là nếu không khả quan… Còn tùy thuộc phần lớn vào quyết tâm trị bịnh, giữ gìn sức khỏe của chị.
- Cảm ơn anh đã nhắc nhở. Tôi sẽ hết sức cố gắng, quyết tâm như anh nói! - Nhìn xa vắng ra cửa, bà buồn rầu tiếp - Từ ngày con nhỏ đột ngột bỏ tôi mà đi, tôi gần như mất ngủ liên tục, hổng thiết ăn uống, lao mình vô công việc, cố quên nỗi bất hạnh…
Rời phòng mạch giữa trưa, bà Thu tính về thẳng văn phòng công ty nghỉ ngơi, nhận được điện thoại của Ngọc bảo ông Thái và bà Báu đang chờ ở nhà. Bà bảo ông Bảy quay xe về phố Hoa.
Họ ngồi quanh bàn ăn, vừa ăn uống vừa trò chuyện.
- Nghe bây năn nỉ miết, má cầm lòng không đậu, thôi thì… ngay chiều nay má sẽ thu xếp rời Trung tâm dưỡng lão về đây.
- Con xin cảm ơn má! - Bà Thu cười tươi rói.
- Hoan hô bà ngoại! - Ngọc đế theo.
Bà Báu quay sang ông Thái:
- Còn anh đạo diễn thế nào? Hổng còn con đường nào để quay lại cái nhà này nữa sao?
Chạm phải cái nhìn sắc lạnh của người vợ cũ, ông Thái cúi mặt, ngượng ngịu nói:
- Muộn quá rồi, thưa má! Giờ mà lại bắt đầu thì khó cho con lẫn Thu.
Không khí chùng nặng, yên ắng tới độ nghe cả hương hoa và tiếng chim ngoài rẻo vườn hẹp quanh nhà lẻn vào. Nối cái nhìn nửa yêu nửa hờn từ cha sang mẹ, Ngọc mím môi, uốn lưỡi tới bảy lần rưỡi mới thận trọng nhả rời từng tiếng.
- Tiếp tục chớ sao lại bắt đầu, ba?
Ông Thái ăn miếng bưởi tráng miệng chậm rãi, chăm chú như thể cử hành thứ lễ nghi gì đó. Bà Thu sa sầm nét mặt đứng bật lên, quay sang bà Báu:
- Xin lỗi, con hơi mệt! - Đoạn quay bước về phòng riêng.
Ngọc tiếp bà Nẫm dọn dẹp, rửa chén bát. Ông Thái miễn cưỡng ra phòng khách uống trà cùng bà Báu, nơm nớp sợ bà nhắc kể cơ man nào là niềm vui nỗi buồn thời họ ở chung dưới một mái nhà, nhưng thật may mắn, bà như quên hẳn chàng rể cũ ngay khi bật tivi và bị cuốn hút vào bộ phim Tình si của Hàn Quốc phát trên đài Bình Dương.
Ngọc vào phòng Trang. Tấm ảnh hai chị em lộng khuôn kính, những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, cây ghi-ta treo trên tường, bàn học và mọi thứ từng ấm hơi hám cô em... giờ chợt hóa lung linh sau ánh mắt ngân ngấn nhớ nhung của cô chị. Em đang giấu mình đâu đó sau cánh cửa nọ, hay tấm khăn trắng phủ dàn trống kia phải không Trang? Lát nữa, chỉ một lát nữa thôi, em sẽ thình lình xuất hiện và… Chị còn nợ em một lời hứa vĩnh viễn không trả em được, nhớ không? Chị hứa đêm nào đó sẽ tới ngủ cùng em như em từng ngủ với chị, mơ thấy má mặc áo cưới thướt tha dài phủ mấy núi mấy sông! Em giờ khuất sau những giấc mơ kỳ ảo, còn chị…
Ông Thái đến trước khung cửa mở rộng, khẽ gọi:
- Muộn rồi, về thôi con!
Mắt đẫm lệ, cô gái nhẹ bước đến gần ông cứ ngỡ như đang bước trong giấc mộng của ai, cả ông nữa, cũng chợt lung linh như là ảo ảnh.
- Ba về đi, con sẽ ngủ lại với em!
- Thật sao?
- Thật mà, con đã từng hứa…
- Có lần Trang nửa đùa nửa thật bảo, ba là người keo kiệt nhất trên đời, từ ngày nó vào đại học ba chưa đưa hai chị em đi du lịch lần nào, ba hứa… vậy mà…
- Em con ra đi đúng vào ngày sinh nhựt!
- Ờ, ngày đến cũng là ngày đi, buồn quá!
Ngọn gió lẻn qua cửa sổ nghịch những tấm khăn trắng phủ lên mọi đồ vật trong phòng khiến chúng khẽ lay động rồi phấp phới trong nhịp nhàng theo giai điệu trống quen thuộc. Ông Thái vụt biến mất tựa làn khói. Ngọc đến bên cửa sổ nghe mơ hồ những ngón tay thon thả của cô em luồn trong tóc cô bay. Những ngọn tóc bay về phía những giấc mơ nửa hư nửa thực giữa ban ngày.
*
* *
Ra dáng tay chơi bụi, tóc chùm gáy, gầy nhom, khoác áo thun quần jeans bạc màu, Út Liêm cỡi chiếc Vespa cũ sờn ngang qua quán cà phê trước lối vào chung cư. Bà Chín Mập ngồi ở chiếc bàn ngoài cùng đặt vội ly nước mía uống dở xuống, tay vẫy miệng kêu. Liêm giảm ga, tắt máy, bước vào ngồi tréo mảy.
- Uống gì mậy? - Bà Chín hỏi.
Liêm nói với gã hầu bàn:
- Chai Sài Gòn, nửa gói ba số!
Gã hầu bàn biến lẹ vào trong. Bà Chín nhăn mặt:
- Ê, đừng có dở thói bắt địa nghen, tao chỉ bao chai bia!
Út Liêm cười, xởi lởi nói:
- Hàng xóm bao nhiêu năm mà cô Chín hổng biết tánh thằng này gì trơn. Cháu luôn thích sòng phẳng, được thôi, để coi cô cần loại thông tin nào?
- Nghe mày đang nợ ngập cổ phải không?
- Vòng vèo chi vậy? Cô Chín đang cần gì nói toạc ra có phải đỡ mất thời giờ vàng ngọc không?
- Còn giữ ý định bán căn hộ không?
- Trước thì có, nay tạm hoãn.
- Sao vậy?
- Bà xã sắp đập bầu, cần có chỗ cho mụ con nó nằm ổ chứ. Vả lại nhà đất đang tăng, cứ ngủ một đêm sáng ra lại thấy căn hộ mình nặng thêm mấy phân vàng, tội gì gả nó sớm. Ủa, cô Chín tính làm cò, chán đồng bóng với lại cho vay nóng rồi sao?
Bà Chín hút cạn ly nước mía, bẻ gập cái ống hút ném xuống sàn.
- Sao lâu nay hổng thấy bà già lui tới mậy? Thiệt tệ, láng giềng với nhau đi hổng thèm chào lấy nửa tiếng.
- Xin cô thứ lỗi, đây thuộc loại tin mật, không thể tiết lộ.
- Gì dữ thần vậy? Tao chỉ hỏi thăm bả thôi mà. Bữa nay sao về sớm vậy, rã sòng rồi hả?
- Sòng đâu mà rã? Cô cứ thích đùa. Về nấu món cá trê kho tiêu mang ra sạp cho bả. Nó ỷ thế cái bầu nên ra lịnh gì cũng phải chấp hành tuốt.
- À, suýt quên. Lúc nãy có ông khách xưng là bà con của mầy ở Long An lên, tao chỉ nhà, ổng đang đợi trên trển í!
Út Liêm giật thót, gãi đầu bứt tai:
- Long An à? Chết tía, phải quay ra chợ mới được, phải có cái đãi khách chớ.
Gã lên xe dông biến, không ra chợ mà đến ngôi nhà lớn ở Phố Hoa thăm mẹ. Họ ngồi ở phòng khách. Thoạt thấy Út Liêm, bà Báu mát mẻ nói:
- Cảm ơn Trời Phật, vậy mà tôi cứ ngỡ hổng bao giờ còn gặp lại thằng con trai độc nhứt của tôi nữa chớ!
Liêm cười mơn:
- Má nói quá làm chi cho con tổn thọ vậy? Năm lần bảy lượt vợ chồng con vô Trung tâm dưỡng lão thăm, má một mực không thèm gặp, đuổi như đuổi tà. Hôm đám tang cháu Trang, má cứ lờ đi, làm như thể con hổng phải cậu ruột nó. Tối qua nhận tin báo của cháu Ngọc, con thao thức cả đêm, hổng chợp mắt được vì… mừng.
- Nghe cảm động muốn chết. Má không còn đồng xu cắc bạc nào cho con đâu, thằng phá gia chi tử. Sao? Cái con đờn bà đó dạo này sao rồi?
- Con đờn bà, má muốn nhắc tới ai vậy?
- Thì cái con dám mắng lén tao là đồ ăn không ngồi rồi, xúi mày có hiếu thì sắm thêm con vợ nữa để hầu hạ tao, còn nó thì xin đủ í mà!
- Không ngờ má còn quạu cái chuyện vặt đó lâu đến vậy. Nó lỡ dại mồm dại miệng thôi, chớ tâm can thì rất tốt. Hôm đó con tính dần cho một trận, nhưng rồi…
Bà Báu giật nẩy, xoe tròn mắt, và thằng phá gia chi tử trong mắt bà không còn đáng ghét lắm nữa.
- Nó bụng mang dạ chửa, sao mày dám…
- May là con dằn lại kịp, chỉ dạy cho nó bài học rằng thì là, má mỗi người chỉ có một, không ai có thể thay thế được, má có khó mấy cũng ráng mà chiều!
Hởi lòng hởi dạ tựa vừa được uống không chỉ một ngụm mà cả nguồn nước mát, người mẹ nở nụ cười tươi nhất trong ngày:
- Thôi được, má tha tội cho nó, nhưng nói thiệt con đừng buồn, thương nó, má thương hổng… vô!
- Vậy là má cho nó điểm không sao?
- Ờ, gần như vậy.
- Nhưng con biết tỏng tòng tong rồi má sẽ cho nó điểm mười. Chuyện khó tin mà có thiệt đó má!
- Cái gì? Điểm mười à? Mầy có đang nằm mơ không hả thằng đầu đường xó chợ?
- Không mơ, hoàn toàn không, thưa má triệu lần kính yêu, má coi đây nè! - Út Liêm lấy từ túi áo ra mẩu giấy gấp tư đưa bà Báu - Đây là phiếu ghi kết quả siêu âm do bệnh viện phụ sản cấp…
Bà Báu săm soi tờ phiếu, mặt mày rạng rỡ:
- Có đúng là con… trai không mậy?
- Một trăm phần trăm, bảo đảm má sẽ có thằng cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Đây là món quà vô giá vợ chồng con kính dâng lên má!
- Mầy học ở đâu ra cái lối tán tụng văn huê đó vậy? - Người mẹ cười - Chưa hẳn tin đâu, bao giờ bồng nó trên tay tao mới…
Làm bộ giật thót, đoạn Út Liêm mở túi xách lấy ra chiếc hộp bọc giấy báo, đưa bà Báu bằng cả hai tay, xởi lởi nói:
- Đây là loại nhân sâm tốt nhứt chánh hiệu Triều Tiên, con xin má nhận lấy gọi là bồi bổ sức khỏe.
Bà Báu gỡ bỏ lớp giấy bọc, ngắm nghía chiếc hộp màu đỏ tía in hình củ sâm và lắm chữ Hàn lấp lánh màu vàng nhũ.
- Để đáp lại món quà bất ngờ này, má phải cho con bao nhiêu, nói đi?
- Trời, má nói nghe phũ phàng, đau lòng hết sức nhưng cũng vô cùng... đúng. Cháu đích tôn của má sắp chào đời mà túi của vợ chồng con gần như rỗng tuếch, chưa chuẩn bị được gì.
Bà Báu cười khẩy:
- Có con nít nó tin. Nói đi, vừa rồi chị Thu cho 5 triệu, đâu cả rồi? Bộ tiền giả hay tiền âm phủ chắc?
Út Liêm gãi đầu bứt tai:
- Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống mà má! Biết bao nhiêu khoản phải chi, nên tiền nằm chưa ấm túi đã…
- Cơ khổ quá ha! Vậy mà con Ngọc kể khi nó mang tiền tới, nhà con đang mở tiệc lu bù, có cả mấy con gà móng đỏ đờn ca hát xướng, đúng không?
- Dạ đúng, làm ăn lớn phải vậy má à! Thỉnh thoảng phải chiêu đãi các đối tác đại gia, bạn hàng tới bến, người ta mới rộng bụng giúp mình, tổ chức ở nhà ít tốn hơn đi nhà hàng.
- Mầy nói kiểu luồn lách như vậy bao giờ mới hết chuyện? Có uống hết cả chục hộp sâm mầy cho chắc tao cũng hổng đủ sức nghe. Thôi được rồi, cần mua sắm thứ gì chuẩn bị cho lúc con đàn bà đó nằm ổ thì ghi hết ra giấy đi, tao sẽ tự tay đi mua sắm, còn tiền thì dứt khoát một xu cũng không.
Năn nỉ ỉ ôi, dở đủ thứ “mẹo vặt” hòng lay chuyển người mẹ, nhưng bà vẫn cứng lòng, cậu con trai độc đinh đành phải hứa sẽ giao nộp cho bà tờ liệt kê những thứ cần dùng, đoạn lủi thủi ra về, lúc bước vào ngôi nhà lớn hí hửng bao nhiêu thì khi ra khỏi ỉu xìu bấy nhiêu.
Bấm remote rà hết mọi đài truyền hình có thể bắt được sóng, chẳng có chương trình nào ưng ý, bà Báu bực bội tắt tivi, vào kho lấy kềm cắt cây, bình tưới ra loay hoay chăm sóc đám cây kiểng trước sân. Tưới hết hai bình nước đã cảm thấy mệt, nhìn quanh các loại cây lưu niên như tùng, trúc… đến các loại yếu ớt dễ thương mau tàn như thược dược, cúc, hồng… đều được chăm chút khá tỉ mỉ, không thể xỉa kềm vào bất cứ chỗ nào để cắt tỉa, không dưng bà cảm thấy nỗi bực bội tiềm ẩn từ lúc gặp Út Liêm tới lúc nào bỗng dâng anh ách, cao giọng quát:
- Nẫm ơi, ra biểu!
Đang rà máy hút bụi vào các ngóc ngách phòng khách, bà Nẫm vội tắt máy đặt dựa tường quay ra, lễ phép thưa:
- Dạ, bà gọi con?
- Bắc giùm ấm nước sôi!
- Để làm gì, thưa bà? - Bà Nẫm bửng lửng.
- Để tắm chớ chi?
- Nhà có sẵn máy nước nóng, con sẽ mở bà dùng.
- Khỏi, hổng quen xài đồ điện, lạng quạng nó giựt cho thì… Ai chê tôi hủ lậu tôi chịu, cứ tắm nước pha như ở chỗ dưỡng lão cho chắc ăn!
- Dạ, vậy thì… lát nữa con sẽ pha sẵn!
Vào nhà, bắc ấm nước lên bếp ga xong, bà Nẫm cầm máy hút bụi lên lầu một tiếp tục công việc. Cất các thứ đồ lề vào kho xong, bà Báu tự hỏi không biết nên làm gì để qua hết khoảng thời gian dài của buổi sáng. Lại mở tivi, lại tắt vì chẳng có cái gì để “tẩm bổ” cho hai giác quan nghe và nhìn, sau cùng bà quay vào phòng ăn, mở tủ lạnh lấy ra năm hũ yaourt, nhẩn nha “chén” từng hũ một một cách từ tốn, như thể ăn để thưởng thức mùi vị hơn là để thỏa mãn sự khoái khẩu. Ấm nước trên bếp ga lúc còi báo sôi phun khói mù mịt rồi nước tràn cả ra kêu xèo xèo. Vẫn ngồi yên tại chỗ, bà gần như hét dựng lên:
- Nước… sôi, lẹ lên Nẫm ơi!
Không kịp tắt máy, bỏ đại cái máy hút bụi xuống sàn, bà giúp việc hấp tấp xuống cầu thang. Chân trái không may vướng phải ống quần, bà ngã lăn lông lốc, đầu va vào chân tường thét lên tiếng “ối!” đau đớn và ngất lịm…
*
* *
Trời lắm mây, nắng đi chỗ khác chơi, mưa chưa thấy về, phố phường được một buổi chiều mát dịu. Các siêu thị, shop… đông chen các bà các cô đi mua sắm, và các nhà hàng quán nhậu đông đảo các ông các cậu tới mua vui. Nhà hàng Lục Bình gần như không còn chỗ nào trống từ tầng trệt tới tầng ba. Các cô tiếp viên trẻ son phấn rỡ ràng, trang phục che ít khoe nhiều lui tới chào mời khách cứ như lúc nào, ngày nào cũng là lễ hội.
Ở phía sau nhà hàng, trên sàn nước, Dịu - thuộc lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, da dẻ rám màu nắng nguội, đôi mắt có vẻ hơi quá to trên gương mặt trái xoan trong veo, đen nhánh, tóc buộc gọn sau gáy bằng một cọng dây thun và bộ bà ba cũ kỹ bạc màu sương gió - lạc lõng một cách vô tình so với “thế giới” đầy màu sắc, mùi vị phồn hoa phía trước nhà hàng, lạc lõng cả ở đây, ở cái góc ám khói, thiếu ánh sáng này. Chăm chú “đánh vật” với hai thau quần áo đầy ứ, hai bàn tay màu hồng ngấm xà phòng đổi màu trắng nhợt, công việc khiến cô đăm chiêu hơn là mệt mỏi. Bọt xà phòng ngầu lên trong thau nước bẩn. Ký ức về làng quê xa chưa lâu phập phồng như bong bóng trong trí Dịu. Cuộc chia tay còn mới quá, đôi khi sực nhớ, cô cứ ngỡ tất thảy đã đến rồi mất tăm y hệt trong một giấc mơ. Cái giấc mơ đã làm cô đổ không ít nước mắt, hụt không ít nhịp tim, vật vã và cả than khóc thế nào thì cũng không thể chối bỏ sự thực đau lòng: Anh Hai Chinh không còn nữa!
Hai tay chắp sau lưng giấu vật gì đó, bà chủ điệu đàng bước vào, ngọt ngào nói:
- Nè Dịu, giúp chị một tẹo nghen, bữa nay khách quá đông, con Huệ và con Ngãi lại xin về quê thăm nhà, con Yến bịnh nên… Đi thay quần áo, trang điểm lẹ lên cưng!
Những chiếc bong bóng muôn màu hoài niệm tan biến, Dịu xoe tròn đôi mắt to sáng nhìn Huyền, bỏ vội cái áo đang vắt dở xuống thau, nhỏ nhẹ thưa:
- Ơ hay, em đâu phải tiếp viên hở chị? Phận sự em là tiếp bà Ngân lo việc bếp núc, giặt giũ, chị đã cam kết vậy mà!
Huyền trừng mắt, đanh giọng:
- Cam kết lúc bình thường, còn khi dầu sôi lửa bỏng như vầy em phải chữa cháy giùm chị chớ! Ngoan nào! Đứng lên! Rượu mời hổng uống, uống rượu phạt thì đừng có trách…
Hai gã mặt rô vai u thịt bắp, râu ria thấy gớm khoanh tay trước ngực từ sau lưng bà chủ lầm lẫm bước tới. Chạm phải cái nhìn vằn đỏ, lạnh lùng đe nẹt của chúng, cô gái đành líu ríu đứng lên. Huyền giũ phạch cái áo liền váy màu đen lấm tấm những hạt tròn trắng nãy giờ giấu sau lưng, cười khẩy:
- Đừng hòng qua mặt chị, đừng có giả nai nghen cưng! Mầy có cả đồ mô-đen mang từ dưới quê lên như vầy thì còn lạ gì cái nghề này hả?
“Cái nghề” hai cô bạn cùng quê ra phố một lượt với Dịu đang “hành nghề” trong căn phòng đèn mờ ở lầu 1. Họ ngồi kèm hai ông khách tuổi ngoài bốn mươi ở bộ salon kê đối diện dàn máy hát karaoke đang phát hết công suất giọng ca khê khét của Út Liêm - ông khách thứ ba chưa có đào kèm, tạm trút cô đơn và sự sốt ruột chờ đợt vào một bản nhạc điệu boléro lắm bổng thưa trầm. Hai cô tiếp viên thi nhau rót bia, cắn hột bí rang đưa tận miệng khách. Không gian mù mịt khói thuốc lá và thời gian nhún nhẩy trôi trên bọt bia.
Cửa xịch mở. Huyền cầm tay Dịu - son phấn rỡ ràng, lọng cọng bước trên đôi giày gót cao, bộ áo liền váy đen lấm tấm những hạt tròn trắng. Bà chủ ấn cô gái quê xuống cạnh Út Liêm cười mơn:
- Lần này thì cậu Út đừng có giở quẻ đòi đổi đào nữa nhá! Hàng xịn, nữ sinh còn măng từ Đồng Tháp lên đó nghen cậu ấm, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa cho em nhờ!
Hai cô tiếp viên cùng “ào” lên lấy lòng bà chủ:
- Phải đó, thưa cậu Út!
- Dưới quê, nó là hoa khôi của huyện tụi em đó!
Những tiếng vỗ tay ran lên tán thưởng. Trước khi điệu đàng quay ra cửa, Huyền vỗ khẽ vai Dịu, nghiêm giọng:
- Ráng chiều cậu Út thương, lộn xộn là oải nghen cưng!
*
* *
Đêm ở bệnh viện hình như đen và đục hơn ở bất cứ chỗ nào khác! Cái ý nghĩ bất chợt và không đâu ấy bám riết lấy Ngọc khi cô bước qua cổng bệnh viện Bình An, vào dãy phòng điều trị ở trên lầu hai.
Len qua đám người bệnh và thân nhân đi, đứng, nằm, ngồi lộn xộn rải rác từ hành lang vào tới từng ngõ ngách sáng đèn hoặc không. Tất thảy mang chung vẻ lặng lờ, thầm thì to nhỏ và rất hiếm tiếng cười, Ngọc đi đến chỗ bà Nẫm ở chiếc giường kê sát tường, góc trong cùng.
Múc cháo gà từ gà mên ra chén đưa bà Nẫm, Ngọc cười:
- Ăn ngay cho nóng, dì! Từ hôm qua tới giờ cháu vẫn còn ngờ ngợ mỗi lúc nhìn dì í! Cái tay băng bột treo lủng lẳng, lại thêm cái đầu quấn băng trông dì buồn cười ghê nơi!
Từ tốn múc từng muỗng cháo, bà Nẫm nhỏ nhẻ ăn.
- Vô đây dì hổng yên tâm chút nào, báo hại cháu phải mất thì giờ lui tới.
- Hay chưa! Có gì mà mất thì giờ. Điều mong muốn nhứt là dì mau khoẻ thôi, ngoài ra cháu… À mà nè, dì có biết lúc ấm nước sôi, thay vì hét dựng lên kêu dì, bà ngoại chỉ cần bước một bước, vói tay tắt bếp ga là xong không?
- Không, dì không biết! Mà nếu đúng vậy thì kẻ đáng trách vẫn là dì, chừng nấy tuổi đầu rồi mà còn đi đứng bất cẩn y như trẻ nít.
- Theo cháu thì, cái kiểu ngồi yên hét dựng lên của ngoại khiến dì hoảng hồn chạy rồi vấp té mới đáng trách. Phải chi ngoại rộng lòng với người ăn kẻ ở trong nhà hơn!
- Rồi chừng nào người ta mới cho về hả cháu?
- Dì sốt ruột cũng không được đâu. Cái tay băng bột kể như tạm ổn, nhưng dì phải nằm lại vài ngày để theo dõi vết thương trên đầu theo yêu cầu của má cháu.
- Nằm đây tốn tiền, về nhà hổng làm việc được thành ra ăn bám. Dì tính về quê một thời gian, lúc nào lành lặn sẽ ra lại với cô Hai!
- Chưa chi dì đã nghĩ quẩn. Thường ngày dì đã tận tình phục vụ, lúc ốm đau được nghỉ ngơi, chăm sóc là lẽ đương nhiên, dì đừng có áy náy gì cả.
Ăn xong chén cháo, Ngọc đòi múc thêm, bà Nẫm lắc đầu từ chối. Cô đỡ bà ngồi dựa tường, lấy gối chèn sau lưng để bà được thoải mái, đoạn rót nước suối đưa bà, ngồi bó gối ở cuối giường nắm bóp đôi bàn chân có lắm nốt chai, gót sần sùi, loại bàn chân thường thấy ở những người quanh năm tất bật. Bà Nẫm khẽ rụt chân lại:
- Cô Hai rất tốt, cả cháu nữa, luôn đối xử với dì như người thân kẻ thuộc, ngặt một nỗi bà ngoại ngày càng khó tánh khó nết, dì chiều hết mức nhưng tuồng như bả không mấy hài lòng.
- Bà ngoại khó tánh lâu rồi chớ đâu phải mới đây? Người già nào hổng vậy, biết đâu mai mốt dì bằng tuổi ngoại có khi còn khó hơn.
Ngọc cười hồn nhiên, bà Nẫm cười buồn. Cô lật tay dòm đồng hồ:
- Thôi chết, muộn mất, cháu có cái hẹn với mấy đứa bạn, cháu về, sớm mai lại vô với dì!
- Lúc nào thiệt rảnh thì vô, dì còn tới lui xoay xở được mà, cháu khéo lo.
Ngọc mau mắn thu dọn gà mên cho vào cái giỏ bàng, ra về.
Trong khi Ngọc thong thả ra khỏi bệnh viện Bình An thì ở nhà hàng Lục Bình, Dịu tông cửa lao vọt ra khỏi căn phòng đèn mờ, hối hả xuống cầu thang, hối hả băng qua đường. Một chiếc xe máy chở những thùng carton cao nghệu chạy trờ tới, tốc độ không lớn lắm, thắng gấp nhưng chẳng kịp, Dịu bị hất ngã xuống đường, nằm sấp bên lề, bánh xe trước cán nghiến, ngã đè lên chân phải của cô. Kẻ cầm lái là một gã trai trẻ cũng bị té nhưng gượng dậy được, hắn hớt hải tìm chiếc kính cận văng đâu đó mang vội vào, dựng xe lên, quỳ bên người ngộ nạn, cố đỡ cô ngồi dậy. Dịu bất tỉnh. Những thùng carton văng trên mặt đường, có cái bung ra cho thấy những chiếc túi xách nhiều cỡ đựng trong đó. Người đi đường xúm lại.
Sáng hôm sau Ngọc lại vào bệnh viện. Vai mang túi xách, tay xách giỏ đựng gà mên, cô bước vào phòng điều trị. Chưa tới giờ khám bệnh, bệnh nhân nhẹ và các người thân nuôi bệnh thong thả ra vào. Ngọc thoáng ngạc nhiên khi thoạt thấy Dịu nằm thiêm thiếp trên chiếc giường kê bên phải cửa ra vào, gò má trái bị xây xát tím bầm, chân phải bó bột từ bàn chân lên tới đầu gối, cái chăn đắp tuột rơi xuống cạnh gã trai trẻ lót dép ngồi bệt trên sàn, tựa lưng vào chiếc tủ thấp đầu giường mê mải đọc báo.
Ngỡ ngàng dừng lại vài giây, đoạn Ngọc rảo bước đến chỗ bà Nẫm nằm, dịu dàng đỡ bà dậy.
- Tối qua ngủ được không dì!
- Lạ chỗ hơi khó ngủ nhưng hổng sao.
Cô loay hoay mở gà mên múc phở ra chén đưa bà Nẫm:
- Dì ăn ngay cho nóng!
- Ôi, cực thân cháu quá, dì hổng đáng được chăm sóc như vầy đâu.
- Dì mà còn giữ cái giọng ca cẩm đó cháu không thèm tới nữa đâu! - Ngọc làu bàu.
Bà Nẫm gượng cười, lặng lẽ ăn phở. Ngọc quay ra, vỗ khẽ vai gã trai mải mê đọc báo:
- Cậu vui lòng cho tôi hỏi thăm!
Thoáng bửng lửng nhưng rồi hắn cũng gấp tờ báo, nhặt tấm chăn đắp lại cho Dịu, đoạn theo Ngọc bước ra hành lang. Họ đứng sóng vai nhau. Ngọc dè dặt nói:
- Xin lỗi, hơi tò mò một chút, cái cô mặc bộ áo váy màu đen chấm trắng đó là người thân của cậu à?
- Người dưng thôi! Tối qua ngang qua một nhà hàng, cổ từ trong phóng ẩu ra, tớ tránh hổng kịp nên tông phải…
Ngọc mỉm cười, vuốt cái nhìn kẻ cả từ đầu đến chân - mang đôi dép cũ xì, mòn vẹt - gã trai:
- Nếu không lầm thì cậu là học sinh cấp 3?
- Hổng dám đâu, cấp 4, năm thứ ba đại học Kiến trúc, ngành Mỹ thuật công nghiệp. Còn đằng ấy?
- Vậy thì xưng tớ nghe không hợp đâu vì mình cũng cấp 4, nhưng đang học năm cuối ở Nhạc viện. Cậu cùng lứa với con em Út của mình.
- Vậy hả! Xin lỗi chị! Tui người trần mắt thịt lại cận thị nặng nên…
- Mình tên Ngọc, Bùi Sơn Ngọc. Còn cậu?
- Quân, tụi nó hay kêu xách mé là Quân… khờ!
Nhìn qua cửa, thấy Dịu vừa thức, ngọ nguậy tay chân cố ngồi lên, Ngọc buột thốt:
- Kìa Quân… khờ, nạn nhân của cậu thức rồi kìa! Trời, con nhỏ có đôi mắt đẹp dễ sợ!
Hai người bước vào. Ngọc nhẹ nhàng luồn tay sau lưng nâng Dịu lên, Quân mau mắn gấp tấm chăn chèn vào gối kê sau lưng để Dịu tựa vào tường. Cô lạ lùng nhìn hai người. Quân xoa xoa hai bàn tay vào nhau mãi mới ái ngại nói:
- Cô hổng biết tôi là ai đâu, vì tối qua chưa kịp nhìn tôi thì cô đã ngất xỉu. Rất tiếc tôi đã đụng phải cô, thành thực xin lỗi!
- Anh có lỗi gì đâu! - Dịu nhỏ nhẹ nói - Em đã nhào ra đường trong lúc tâm trí hổng được tỉnh táo tại vì… vì… vì em bị ép buộc phải tiếp khách, buộc phải uống bia…
- Cô làm ở nhà hàng đó lâu chưa? - Quân nói.
- Mới có tuần lễ à! Mùa lũ vừa rồi em đã gặp bà chủ tháp tùng một đoàn từ thiện về Đồng Tháp. Con người từ thiện hôm đó té ra không giống chút nào với bà chủ nhà hàng Lục Bình lúc này.
Ngọc kinh ngạc:
- Ủa, nhà hàng Lục Bình sao?
- Dà, bà chủ tên Huyền, bộ chị cũng biết à?
Hơi ngượng, Ngọc lắc đầu:
- Không, nghe cái tên Lục Bình ngồ ngộ nên…
- Còn có ai bị dụ dỗ như em nữa không? - Quân đẩy kính cận lên, né tránh tia nhìn trong veo của Dịu.
- Dạ có, thêm hai chị cùng quê.
Ngọc chợt lái câu chuyện qua ngõ khác:
- Em có chiếc áo rất đẹp!
- Hàng cứu trợ nhưng sang trọng quá, em cất kỹ, hôm qua bà chủ lục ra buộc em phải diện để tiếp khách.
Lặng người giây lát bởi cô em thương yêu và hoài niệm về những năm tháng đẹp nhất của hai chị em bỗng choáng ngợp cả tâm lẫn trí sau lời kể mộc mạc của cô gái xa lạ, Ngọc cố giữ giọng trầm tĩnh:
- Em có để ý đến ba chữ B.S.T thêu lồng vào nhau trên ngực áo không?
Dịu cúi nhìn ngực áo bên trái, đưa tay rờ rẫm những nét thêu uốn lượn ánh màu ngân nhũ trên đó, mắt loé ánh vui, và tiếng nói cô chợt ấm hẳn như thể được hơ qua lửa:
- Không rõ tên người hay tên hiệu may, ban đầu em tính tháo bỏ nhưng bỗng thấy đẹp nên giữ lại, đoán mò riết, rồi yên chí B.S.T là Bông Súng Trắng, loại hoa mùa nước nổi thường nở trắng đồng nước ở quê em.
- Thực ra… - Ngập ngừng, Ngọc nói - B.S.T là tên viết tắt của em gái chị: Bùi Sơn Trang!
Cặp mắt to sáng của Dịu, và đôi mắt ít to hơn sau kính cận của Quân cùng xoe tròn, ngạc nhiên như thôi miên đôi hạt trong vắt ứa lăn trên má Ngọc.