Chuyện chàng Tân
Tác giả: Ngân Uyển
Cơm xong, Tân ra salon nằm xoải người trên sofa, hai chân mỏi như ai dần, gác ngang qua thành ghế. Người giúp việc bưng ra một tách trà mạn sen thơm ngát, kèm theo đĩa bánh ngọt.
- Mời cậu xơi nước ạ.
Tân ầm ừ, cầm tờ báo lên, liếc qua những hàng tít lớn trên trang nhất, những lời tuyên bố dao to búa lớn của các chánh khách, các nhân vật trong chính quyền. Liếc xuống mục chiến trường, trận này thắng, giết cả trăm thằng việt cộng, kèm theo hình ảnh vũ khí thu được, xác việt cộng nằm xấp ngửa, ngổn ngang đầy trận địa. Đồn kia bị đánh úp trong đêm, việt cộng tràn vào tàn sát, giết không còn một ai.
Tân lật nhanh qua trang cuối, tò mò đọc các mục cáo phó, chung vui chia buồn. Hôm nay có ông bố vợ tướng X, tư lệnh quân đoàn 5 từ trần, ngoài bản cáo phó dài ngoằn chiếm hơn một phần tư trang báo, phần còn lại là mười mấy cột chia buồn từ khắp nơi gởi về.
Tân lẩm bẩm:
- Hôm nay báo phát tài to.
Rồi chàng tẩn mẫn đọc tới đọc lui tên tuổi, chức vụ các nhân vật thành kính phân ưu.
- Sư cái thằng Toán, Tiểu đoàn trưởng QY là cái thớ gì mà cũng bày đặt chia buồn với ông Tướng, chắc lại muốn bắt cái lon trung tá đặc cách ngoài mặt trận đó chứ gì.
Tân cẩn thận lật qua trang trong, một chút háo hức thoáng qua, chàng đọc mục tin vặt, xe cán chó, chó cán xe. Độ rày con ma vú dài khám Chí Hòa lộng hành quá, ban ngày ban mặt mà cũng dám hiện lên trêu ghẹo người. Còn mấy con khỉ Cà Mau không hiểu sao lại dám lần mò về thôn xóm bắt đàn bà con gái làm vợ.
Tân nhón một chiếc bánh bỏ vào mồm nhai rau ráu rồi hãm một ngụm nước trà, xong chàng say sưa đọc từng dòng truyện Lộc Đỉnh Ký, đến đoạn Vi Tiểu Bảo xơi tái công chúa trên đường tống hôn, Tân bật lên cười ha hả làm Bạch trong phòng hỏi vọng ra:
- Có chuyện gì mà vui thế hả cưng?
- Cái anh chàng Vi Tiểu Bảo này càng ngày càng nhộn quá!
- Lại Kim Dung! Em không hiểu sao mà anh mê nổi các chuyện hoang đường kỳ quái như thế được!
- Có phải chỉ một mình anh đâu! Bàng dân thiên hạ cả nước đều mê văn ông ta. Em đừng tưởng là ổng viết chuyện trên trời dưới đất, không đâu vào đâu! Đọc kỹ, mỗi truyện đều có một triết lý rất cao thâm. Có truyện còn ngụ ý đến những vấn đề chính trị đương thời như quốc gia cộng sản, tư bản đế quốc nữa! Mà kể ra đọc những chuyện hư hư thực thực này cũng hay, ít nhất mình cũng được vài phút thoải mái, thoát ra khỏi thực tại căng thẳng đầy máu lửa, chết chóc hàng ngày!
Tân nhìn đồng hồ, thấy đã hơn tám giờ, chàng lẩm bẩm:
- Quái, sao giờ này nó vẫn chưa phone?
Lát sau, chuông điện thoại reo vang:
- Đây, Thượng sĩ Tứ, Hạ sĩ quan trực, mời Bác sĩ vào Tổng Y Viện gấp. Hôm nay cấm trại trăm phần trăm!
- Cấm trại gì mà lắm thế, ông đếch vào!
- Thưa Bác sĩ, nghe nói lệnh bên Quân Đoàn, đêm nay hình như có pháo kích!
Nghe tiếng vợ nhấc điện thoại song song trong phòng, Tân lớn tiếng, hùng hổ:
- Ông nhất định không vào! Cứ cuối tuần, không trực thì gác, lại còn thêm cái trò cắm trại nữa, ai mà chịu nỗi! Cậu nói với Trung tá muốn phạt, muốn làm gì thì làm, lâu lâu cũng phải cho người ta sống với gia đình, vợ con một buổi chứ!
Tân nghe tiếng vợ đặt nhẹ điện thoại xuống. Bên kia đầu giây, Bác sĩ Tứ nói khẽ:
- Sư mày, sao mày xài xể ông lắm thế!
- Lâu lâu mới có dịp mà đại ca, dễ gì mà mắng mỏ được ông Trưởng khu.
- Thôi, xuống tao mau lên!
- Có những thằng nào?
- Còn ai vào đó nữa, thằng Tùng, thằng Tiêm là đủ bốn chân rồi!
- Xong rồi, đàn em đến ngay.
Tân vào phòng thay đồ trận, trên lưng quần gài một quả lựu đạn nhỏ, loại của Lực lượng Đặc Biệt thường dùng, lại ngụy trang thêm cái nón sắt, rồi hầm hầm bước vào phòng, nói với vợ:
- Thôi đành chịu vậy, cứ cuối tuần là có chuyện, em dẫn con về thăm ngoại cho ngoại vui.
Tân thơ thới bước ra cửa mỉm cười đắc chí:
- Mình đóng kịch coi bộ cũng xuất sắc, đâu có kém chi ai...
Rồi chàng rồ xe, nhấn ga lái như điên, tiếng bánh xe rít trên đường nhựa khi quẹo gắt làm ông cảnh sát công lộ định thổi còi phạt, nhìn lên thấy cái hoa mai bạc, lắc đầu ngao ngán.
Khi Tân bước vào nhà, Tứ và Tùng đang ngồi tán dóc, tay xoa xoa mấy con bài mạt chược trắng nuốt.
- Còn thằng Tiêm đâu? Bố này lừng khừng lắm, chắc lại bị mụ vợ níu cẳng rồi, để tao lo.
Tân nhắc điện thọai, quay số. Đầu dây kia, tiếng Tiêm nói khẽ như gió thoảng: - Bữa nay thì chịu, tao mà đi, bà ấy giết!
- Thôi cũng được, để kêu đứa khác. Ông Tướng bên quân đoàn không hiểu sao lại nổi hứng muốn làm vài tẩy.
Tân nghe loáng thoáng vợ chồng Tiêm thì thào bàn bạc rồi giọng Tiêm đổi ra vồn vã:
- Xong rồi, năm phút nữa tao đến ngay, có phép đặc biệt rồi!
Tiêm vừa bước vào, cả bọn xỉa xói:
- Bố khỉ, bạn bè chó gì mày, chỉ biết sợ vợ với lo bợ ông Tướng để kiếm thêm cái hoa mai bạc!
Tiêm cười hề hề:
- Sợ vợ thì có sợ, chớ hoa mai ông đéo thèm! Số tao là số con rận, chẳng may gặp mụ vợ dữ quá. Tha cho tao đi, còn chờ gì nữa mà chưa nhập trận?
Thế là cả bọn xúm xít, mài miệt ngồi xoa, trời sáng bạch lúc nào không hay.
Tân lên tiếng:
- Thôi nghỉ chơi, ra sân tennis làm vài sét cho dãn gân dãn cốt.
Cả bọn còn trẻ, sau một đêm không ngủ mà vẫn còn đủ sức đánh không biết mệt.Tân nhìn đồng hồ thấy còn gần nữa giờ nữa là phải về tắm rửa để rồi lại bắt đầu một tuần lễ cực nhọc khác. Chàng vụt chạy lên chạy xuống như điên, la hét om sòm, tạt banh ào ào như đập vào mặt quân thù.
Cả bọn ngạc nhiên ngừng chơi.
- Bộ mày điên hả Tân? Để sức mà còn kéo cày cả tuần nữa nghe con!
- Ông chán lắm rồi! Ông chán lắm rồi! Ông đếch chịu nỗi nữa, chắc ông phải làm đơn xin ra tác chiến thôi!
Cuộc sống của bọn Tân cứ tiếp tục đều đều, chán chường và căng thẳng, làm việc như những cái máy rồi hối hả hưởng thụ. Thành phố chậm chạp chuyển mình, tình hình bất an ninh ở thôn quê làm dân số trong tỉnh càng ngày càng gia tăng, cho đến ngày quân đồng minh đổ bộ đóng quân, lập cơ quan quân dân sự ngoài bãi biển thì thành phố hoàn toàn thoát xác. Những ổ mãi dâm trá hình, những quán bán rượu, quán bar mọc lên như nấm để phục vụ nhu cầu giải trí, sinh lý của bọn lính ngoại quốc. Những giai cấp mới được tạo ra, giá trị xã hội bị đảo lộn. Đồng đô la xanh đỏ được tuôn ra ào ào, làm đời sống người dân có vẻ sung túc một cách giả tạo. Thành phố phút chốc biến dạng, mê mệt, im lìm suốt sáng, mặt trời đứng bóng mới uể oải vươn mình tỉnh dậy, chỉ thực sự bắt đầu náo nhiệt khi mặt trời tắt bóng. Đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy khắp nơi, đường sá đầy ngập xe cộ, người đi như nêm cối, tiếng cười nói oang oang, mãi đến ba bốn giờ sáng mới dịu dần. Thỉnh thoảng một bầy lính Mỹ say sưa, nghêu ngao hát vang đường, có đứa cười rú lên như thằng điên, có đứa ôm cột đèn khóc như cha chết. Tân nhờ đó, phòng mạch lúc nào cũng đầy khách, chích ‘’bi’’ như điên, tiền vào như nước và liều thuốc ngủ hằng đêm cứ tăng dần.
oOo
Năm 1972, chính phủ Mỹ trở cờ, quân Mỹ phủi tay lặng lẽ chuồn êm, tình hình quân sự càng ngày càng bết bát, nhiều người biết tiên liệu và có phương tiện đã âm thầm kiếm cách ra đi. Tân cùng các bạn cũng đã đánh mùi Việt Cộng đến gần, cả bọn như chim trong lồng bay quanh sục sạo tìm chổ thoát thân, những lúc rảnh rỗi thường gặp nhau bàn bạc, câu chuyện lúc nào cũng xoay quanh vấn đề cảnh đổ vỡ không thể tránh được.
Tiêm tự dối mình, thường lạc quan:
- Sức mấy mà Mỹ bỏ mình, dầu hỏa tràn đầy ngoài khơi, với lại Việt Nam là một tiền đồn chống cộng, mất miền nam là cả vùng Đông Nam Á kể như biếu không cho cộng sản. Tụi mày đừng lo, không khéo mình sẽ trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Tụi mày lo lựa một cái tên Mỹ cho kêu đi là vừa!
Tứ có đầu óc thực tiễn, rủ bạn bè mua tàu, neo ngoài khơi, định khi nào việt cộng tràn vào thì chạy qua Phi Luật Tân.
Tân bi quan nhất trong bọn, rầu rĩ phát biểu:
- Tụi nó vào thì ông quạt cho mấy tràng M16 rồi ông ôm vợ con, rút chốt lựu đạn, thế là xong!
Mùa xuân 75, việt cộng xua quân tiến đánh khắp nơi, quân ta chống cự mãnh liệt, nhưng tướng lãnh bất tài, lệnh lạc lung tung, khi bắt đánh, khi rút lui, khi cố thủ, cuối cùng phải tháo chạy. Bại quân như nước lũ, bất ngờ quá trớn. Khi việt cộng tiến vào thành phố, Tứ theo kế hoạch định trước, dẫn vợ con qua bãi lên tàu vượt biển, ngờ đâu bọn thủy thủ đã nhổ neo khi nào không hay. Bọn Tứ đứng sững như trời trồng, nhìn ra biển xanh mênh mông mà thấy mình ở bước đường cùng. Tân mân mê trái lựu đạn, cặp mắt nhăn tít, vợ con khóc như ri, cuối cùng chàng đút chốt lại rồi hối thúc vợ con chất đồ lên xe chạy qua hải cảng. Đường phố đông nghẹt những người chạy loạn, tiếng kêu khóc vang trời, lâu lâu hàng loạt tiểu liên, đại liên nổ từng tràng chát chúa. Đoàn người nghẹt cứng, Tân xuống xe bảo vợ:
- Thôi ráng đi bộ nghe em, xách những đồ tối cần thiết để chạy cho nhanh.
Đoàn người di chuyển chậm rì, Tân cầm tay vợ con rẽ vào một con đường tắt:
- Mình băng qua đây, ra sông thuê thuyền chạy qua căn cứ hải quân mới có hy vọng thoát.
Tân bổng nghe tiếng bước chân chạy theo sau rồi có tiếng thì thào,
- Thằng bác sĩ Tân chạy đằng trước kìa, nó đông bạc lắm!
Tân biết có chuyện không hay, kéo vợ con chạy nhanh. Bỗng có vật nặng đập mạnh vào gáy, Tân ngất đi.
Tân tỉnh dậy, đầu nhức như búa bổ, sờ vào gáy, máu còn chảy ri rỉ, chợt nhớ tới vợ con, chàng bật người dậy. Đêm yên lặng đến rùng rợn, Tân cố lếch người lần mò quanh mình, ánh trăng lưỡi liềm yếu ớt, lờ mờ chiếu trên cảnh vật điêu tàn. Tân sửng sờ nhìn thi thể vợ nằm soãi dài bên đường. Thằng bé nét mặt hồn nhiên như đang trong giấc ngủ ngon, Tân nhìn qua vợ, nét mặt Bạch kinh hoàng, hai mắt mở trừng trừng, chiếc áo dài bị xé toạc để lộ làn da thịt nõn nà.
Đêm xuống dần, cảnh vật im lìm đầy đe dọa. Tân ngồi bất động, đầu óc trống rỗng không biết đến bao lâu. Lúc tỉnh dậy, Tân cũng không nhớ làm sao mình vào được Vũng Tàu, nằm trong khu thần kinh của Quân Y Viện này nữa. Suốt ngày chàng lầm lì, bất động, nhìn vào hư không, không nói năng chuyện vãn cùng ai. Cũng có lúc chàng nổi cơn điên loạn đập phá lung tung; chỉ nằm yên với những mũi thuốc an thần cực mạnh. Đến ngày mất nước, Tân được mấy thằng bạn dìu ra Đệ Thất Hạm Đội rồi qua tị nạn tại Canada.
oOo
Bác sĩ Tân tháo găng, bảo người sinh viên thường trú đóng bụng bệnh nhân, rồi chỉ vẽ cho các thường trú sắp tốt nghiệp giải phẫu những kỹ thuật, mánh lới khi gặp phải các trường hợp bất thường.
Chàng thay áo quần mổ bước ra khỏi phòng giáo sư, bọn sinh viên nội trú đang quây quần đợi chờ. Tân dẫn cả bọn đi một vòng khám bệnh quanh khu ngoại thương. Dừng chân trước một bệnh nhân có nhiều triệu chứng hiểm hóc, Tân bảo một thường trú đọc hồ sơ bệnh lý, rồi chậm rãi đặt từng câu hỏi tùy theo trình độ của bọn sinh viên, hoặc trả lời rành mạch, khúc chiết cho đến lúc toàn bọn thấu hiểu căn bệnh. Trời sẩm tối, Tân ra hiệu cho bọn sinh viên ra về, chàng cùng cô y tá bước vào phòng nhỏ bên cạnh, một bệnh nhân ốm yếu, mở mắt, một thoáng vui mừng, mỉm cười yếu ớt:
- Xin Bác sĩ ráng cứu tôi với!
Tân ngồi xuống cầm tay người bệnh:
- Ông yên chí, bệnh ông tuy khó khăn, đây là trường hợp thứ hai mươi trên thế giới, nhưng tôi hứa với ông sẽ tìm mọi cách để chửa trị, mổ xẻ.
Chàng kiên nhẫn ngồi nghe bệnh nhân say sưa kể chuyện tâm tình, chuyện gia đình, chuyện quá khứ, chuyện sẽ làm trong tương lai sau khi lành bệnh, cho đến khi cô y tá nóng ruột đưa tay lên khều khều lưng , chàng mới kiếm cách rút lui.
Khi Tân về đến nhà thì đã tám giờ tối. Chàng bật đèn, vặn sưởi lên cao rồi vào nhà bếp, lấy mẫu giấy mà Lise đã gắn trên tủ lạnh:
- Anh ăn trước đi, lấy TV dinner trong tủ lạnh, hâm nóng ăn đỡ. Em bận đi bát phố với mấy đứa bạn ở Boston qua chơi.
Tân pha tách cà phê thật đậm rồi bưng khay thức ăn ra xa lông, mở Tivi xem tin tức. Ngồi nhấm nháp tách cà phê, Tân chậm rải lật tờ nhựt báo ra đọc. Tân dửng dưng liếc nhanh những tin tức liên quan đến Việt Nam, tin thuyền nhân vượt biển gặp nạn, lòng chàng hoàn toàn chai đá, nguội lạnh.
Tân háo hức mở các tạp chí y khoa ra đọc, chàng quên hết mọi chuyện, say sưa đọc các bài khảo cứu, những phát minh mới cho đến lúc có tiếng xe ngừng trước cửa.
Lise bước vào, hôn lên má Tân rồi liếng thoắng:
- Xin lỗi nghe, xin lỗi nghe, gặp mấy đứa bạn hồi còn trung học, chuyện trò mãi mà không rứt ra được, tưởng anh đã ngủ rồi chứ, đọc gì mà khuya thế?
- Có bài khảo cứu này thật hay, có thể áp dụng vào một bệnh nhân anh đang loay hoay chửa trị mà chưa quyết định được. Em lên trước ngủ đi, anh đọc tiếp vài phút nữa là xong.
Lise nhún vai, trề môi, rồi bước vào phòng tắm, miệng lẩm bẩm:
- Khi nào cũng bệnh nhân, cũng giải phẩu, cũng khảo cứu, Người gì mà khô khan như mấy robot.
Tối hôm đó, Tân trằn trọc mãi đến 2, 3 giờ sáng mới thiếp đi. Trong cơn ác mộng, cảnh chạy loạn, vợ con bị giết năm nào lại hiện về thật rõ rệt. Tân hét to, rồi tỉnh dậy, nét mặt đầy vẽ kinh hoàng, mồ hôi ướt đẫm cả gối.
Lise xoay mình qua phía khác, bực tức lầu bầu:
- Lại ác mộng nữa hả? Đêm đêm cứ la hét như điên, ai mà ngủ được!
Tân rón rén xuống giường, mở cửa bước ra vườn sau, rồi thình lình để nguyên quần áo nhảy xuồng hồ bơi. Nước mát lạnh làm chàng bình tỉnh hẳn lại. Tân bơi lội vài vòng , xong vào nhà thay đồ, rồi ăn sáng vội vàng để vào bệnh viện sớm.
Tân bước vào khu giải phẩu, mùi thuốc tẩy trùng, mùi alcool ngai ngái,trộn lẫn với cả chục mùi khác, làm thành một mùi đặc biệt của khu giải phẫu. Tân hít vào một hơi dài,lòng thanh thản, chàng tươi cười niềm nở, chào hỏi từng nhân viên. Cô y tá trưởng ngạc nhiên:
- Sao hôm nay, Bác sĩ đến sớm thế?
- Có vài trường hợp đặc biệt tôi phải bàn bạc riêng với bệnh nhân, không thể để nội trú thường trú đi theo được.
Vài giờ sau, Tân đã sẳn sàng. Khi viên Y sĩ gây mê gật đầu, chàng cầm dao rạch làn da bụng bệnh nhân thật sâu, thật gọn, vừa làm việc, vừa giảng dạy cho các thường trú, nội trú. Chàng say sưa làm việc quên cả thời gian. Khi Tân về đến nhà thì trời đã sẩm tối. Trên sân, 4, 5 chiếc xe đậu san sát nhau, đèn trong phòng khách sáng trưng, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc văng vẳng đến tận ngoài đường. Tân mở cửa bước vào.
Lise ôm choàng lấy chàng hôn lên má:
- Surprise!
Tân ú ớ:
- Chuyện gì vậy?
- Mấy ông bác sĩ , bác học này thật đãng trí, mỗi năm có một ngày sinh nhật mà cũng không nhớ.
Rồi mọi người cùng hát bài chúc mừng sinh nhật, xong đàn ông bắt tay, đàn bà ôm cổ Tân hôn chùn chụt.
Lise mời mọi người ngồi vào bàn ăn. Thức ăn thịnh soạn đầy bàn, rượu vang trắng đỏ luôn luôn đầy ly. Tửu lượng của Tân thường rất kém, cũng phải cụng ly này đến ly khác, mặt chàng đỏ rần như mặt trời mọc, đầu óc choáng váng.
Tiệc tàn, Lise mời mọi người qua xa-lông nói chuyện tiếp, nàng vào bếp bưng ra một chiếc bánh sinh nhật thật to, thắp đầy nến:
- Mời cục cưng của em ra cắt bánh.
Tân chuếnh choáng bước lại:
- Sao nhiều nến thế này?
Mọi người cười phá lên:
- Năm mươi tuổi rồi đấy ông, cứ tưởng trẻ hoài à?
Tiếng sâm banh nổ bốc bốc. Tân cụng được mấy ly thì chịu hết nổi, đầu như búa bổ, cảnh vật quay cuồng, ráng lắm mới giữ được cơn nôn mửa, chàng ngồi phịch xuống ghế. Tiếng Lise bồng bềnh:
- Ông chồng tôi say rồi, các bạn cứ tiếp tục chơi đi, mở nhạc ra nhảy nhót chớ còn chờ gì nữa?
Rồi Lise dìu Tân lên phòng. Đặt mình xuống giường, Tân ngủ say như chết, không còn biết trời trăng gì nữa.
Tân tỉnh dậy, các mạch máu trong đầu đập phừng phừng, chàng với tay nhón lấy viên Tylénol cho vào miệng. Thuốc ngấm, cơn đau dịu dần rồi dứt hẳn. Tân nghe dưới phòng khách tiếng nhạc êm dịu, mơn trớn vọng lên, thỉnh thoảng có tiếng thì thầm to nhỏ, nhìn lên đồng hồ, thấy đã ba giờ sáng, chàng lẩm bẩm :
- Mấy ông bà này chịu chơi quá ta!
Tân vào phòng tắm, rửa ráy mặt mũi, định xuống tiếp khách. Chàng rón rén bước nhẹ xuống lầu, chợt khựng lại. Lise đang nằm trong vòng tay Marc, trao đổi những nụ hôn nóng bỏng. Một vài cặp khác đang quấn quít lấy nhau trong điệu slow tình tứ.
Tân trở lại phòng, ngồi thừ người trên giường, đầu óc trống rỗng, chàng lẩm bẩm :
- Lise ngoại tình trước mặt mình, trong nhà mình! Trong nhà mình, có thể thế sao?
Mãi một lúc lâu, đèn phòng khách bật sáng, có tiếng Lise :
- Mời quí vị ăn bánh, uống cà phê trước khi về.
- Nói nho nhỏ cho Tân nó ngủ!
- Anh chàng say như chết, bây giờ trời có sập chắc cũng không biết.
Giọng Marc đều đặn :
- Lise này, tao nghĩ tụi mình phải cho Tân biết mọi chuyện, đừng lừa dối nó nữa, dù sao nó cũng là đứa tốt.
- Ừ, mày nói đúng. Lúc đầu tao tưởng là tao yêu nó, nhưng lần hồi, tao mới rõ trong tình yêu thương có một phần rất lớn tình thương hại. Nó có một quá khứ quá đau buồn, đáng lý nó phải cho tao biết, tao sẳn sàng san sẻ cùng nó, nhưng nó cứ lãng tránh tình tao, cứ ôm lấy một mình mối thù hận không đâu, tự làm khổ mình, lao đầu vào công việc để tìm quên. Người khác nhìn nó cứ tưởng nó có lý tưởng cao đẹp cứu nhân độ thế, nhưng sống với nó một thời gian, tao đã thấy trái tim nó khô cằn héo hắt. Những gì nó cố làm chỉ để thỏa mãn tính tự ti mặc cảm và che dấu hận thù vô lý hằn sâu trong tim nó.
- Dù sao mình cũng không nên để Tân khinh thường. Ngày mai mày nói thẳng với nó, ra tòa ly dị rồi tụi mình cưới nhau.
Cả bọn bàn tán một hồi rồi lên xe ra về. Lise lên giường nhẹ nhàng nằm cạnh Tân, mắt Tân nhìn sững trần nhà.
- Anh đã nghe hết cả rồi hả?
Tân gật đầu, im lặng.
- Anh biết đó, đến lúc tụi mình phải xa nhau. Em không thể là một cái bóng mờ bên cạnh đời anh. Em biết anh không thể nào quên được quá khứ để làm lại cuộc đời. Em cũng không thể nào thay thế được người đàn bà đầu tiên còn lởn vởn trong đầu anh, mỗi khi bị ác mộng, anh thường kêu réo rồi khóc òa…
Chẳng mấy lúc mình có dịp tâm sự, em xin nói thẳng cho anh biết sự thật dù nhiều lúc rất phủ phàng! Em cũng loáng thoáng biết vợ con anh bị chết tức tưởi lúc cuộc chiến sắp tàn, chết vô lý như mọi cái chết trong chiến tranh. Anh không biết trút hận thù vào đâu, bèn đổ tội lên đầu đồng bào anh, anh xa lánh cộng đồng, từ chối dân tộc. Anh đâu biết rằng mười mấy năm nay, đồng bào anh đã đau khổ như thế nào, ở trong nước cũng như lúc vượt biên, cả thế giới đều xúc động, chỉ riêng có anh là dửng dưng lạnh nhạt. Anh lấy y khoa làm lẽ sống, lấy việc dạy dỗ sinh viên để làm vui, anh đâu biết là anh đã bị lợi dụng. Anh như một múi chanh còn nước nên còn được vị nể phần nào, đến khi bị vắt ráo, anh sẽ bị vất đi không thương tiếc. Anh có biết sau lưng anh, bọn sinh viên gọi anh là ‘’le Chinois fou’’ không? Quyết định ly dị, em cũng đau lòng lắm, nhưng chắc không có cách nào hơn cho cả hai đứa.
Lise xoay người lại, ôm choàng cổ Tân, lấy tay lau nước mắt ràn rụa trên mặt chàng. Tân vẫn im lặng nhìn vào khoảng không, mắt thất thần, người cứng đơ như khúc gỗ.
oOo
Thưa bạn, viết đến đây thì tôi lâm vào thế bí, tôi loay loay tìm một lối thoát, một kết luận cho chàng Tân khả dĩ có thể chấp nhận được, mà đành chịu. Tôi bèn vấn kế nhà tôi, nàng đọc xong lắc đầu :
- Em chịu! ai biểu anh cho nhân vật Tân đi lang thang, lạc lối quá xa, bây giờ muốn tìm một đường về không quá tiểu thuyết, không dễ đâu. Thôi, anh vứt vào thùng rác đi rồi viết chuyện mới, nghĩ mãi làm chi cho điên đầu!
Tôi không nghĩ vậy, hình như Tân với tôi có một vài điểm nào đó giống nhau, hình như một vài bạn tôi còn giống anh chàng Tân hơn tôi nữa. Mà chuyện cũng có thể có thật, đâu phải là tiểu thuyết hoang đường, cho nên bản thảo vẫn còn nằm trong hộc tủ và tôi vẫn băn khoăn nghĩ mãi một kết luận. Có bữa bực quá, tôi buột mồm :
- Tiên sư cái thằng Tân, mày làm khổ ông quá!
Tôi là người trung nên thường tôi đâu có chửi thề như vậy. A, đúng rồi, tôi đang đồng hóa nhân vật Tân của tôi với một người có thật. Và tôi háo hức ngồi vào bàn viết :
Sau khi Lise bỏ ra đi, tôi cho Tân ăn năn hối cải, thành tâm sám hối, xin trở về với cộng đồng. Cộng Đồng cũng mở vòng tay đón y nồng nhiệt, y hoàn thành công tác này rồi công tác khác. Có lúc tôi hồ hởi mong cho y giữ chức chủ tịch một Tổng Hội Quốc Tế, rồi định cho y tham gia một chính phủ lưu vong nào đó với chức vụ Bộ Trưởng Y Tế trong tương lai.
Tôi hỏi ý sơ một anh bạn văn nghệ, anh ta cười cười :
- Mày pha chè vừa thôi chứ, thằng Tân của mày sau mười lăm năm không giao thiệp với người Việt, liệu nó còn nói được tiếng Việt không? Nó là cái thá gì mà muốn nghỉ chơi thì nghỉ, muốn ra làm việc thì được giao cho những chức cao quyền lớn. Ông mà gặp cái thằng cha Tân của mày, ông đánh bỏ mẹ!
Cái điệu này chắc kết luận cho chàng Tân trở lại cộng đồng không ổn rồi, hay là mình cho nó đi theo Việt Cộng?
Sau khi bị cộng đồng tiếp đãi lạnh nhạt, dè dặt, Tân bị bọn Việt Kiều Yêu Nước móc nối, y bán xới nhà cửa rồi về nước, dạy Đại Học Y Khoa. Hồi đầu, y được Đảng ca ngợi rầm rộ, tuyên truyền như y là một đại trí thức giác ngộ trở về kiến thiết quốc gia. Y tưởng thật, ngạo khí càng bốc cao, y chỉ trích, khuyến cáo tưng bừng. Cán bộ bắt đầu chán ngán, trở mặt, y nổi hung, chưởi văng xích chó trình độ thấp kém của ngành y khoa Việt Nam, bộ máy chính quyền cồng kềnh, nặng nề, rườm rà, đầy những thủ tục…Thế rồi y bị chết trong một tai nạn xe cộ.
Đoạn kết như vậy cũng hơi quá đáng, nghĩ lại, tôi không thể để y chết tức tưởi như vậy.
Có một giai đoạn thuyền nhân ra đi đông đảo, những chuyện đau lòng trên đường vượt biển, những cách đối đãi vô nhân đạo ở các trại tạm trú vượt xa mức tưởng tượng của mọi người, tôi định cho Tân làm một người hào hiệp, trở về với chính nghĩa, ra tay giúp đỡ đồng bào.
Sau khi Lise ra đi, Tân buồn rầu một thời gian, anh âm thầm tìm hiểu tình cảnh đất nước, đồng bào. Anh sững sờ trước sự đau khổ đến tận cùng địa ngục tù nhân thuyền nhân. Ba tháng sau, anh bán nhà cửa, rời Montréal , lặn lội từ trại tỵ nạn này đến trại tỵ nạn khác, giúp đỡ thuyền nhân. Anh không từ nan bất cứ chuyện gì có thể làm được. Lòng Tân bổng nhiên mở rộng, hận thù dằn vặt từ bao nhiêu năm nay như một khối đá được vất đi.
Khi nghe tin đồng bào ở Hồng Kông bị cưỡng bách hồi hương, Tân xin chiếu khán, bay qua tìm cách giúp đỡ. Trước sự cứng rắn của các giới chức Hồng Kông, anh phải khéo léo dùng các biện pháp bất bạo động mới có thể len lỏi vào các trại tỵ nạn,rồi trại cấm, để tiếp xúc với các thuyền nhân.
Rồi đến ngày cảnh sát dùng biện pháp mạnh, đột kích trại cấm định bắt một số người giải về Việt Nam, anh đột nhiên nhớ lại thảm cảnh của gia đình mình mười lăm năm về trước, rồi như một con thú điên, anh lăn xả vào đánh đấm lung tung. Một báng súng bất ngờ trúng vào chổ hiểm làm anh ngã quỵ, rồi chết luôn. Nhờ báo chí thổi phồng cái chết của anh nên vấn đề cưỡng bách hồi hương tạm thời được hoãn lại.
Kết luận như vậy cũng tạm được đấy chứ, phải không bạn? Nhưng, đọc đi đọc lại, tôi thấy quá lý tưởng, quá tiểu thuyết. Trái tim của Tân đã khô héo từ lâu, mấy chục năm trời y an hưởng những tiện nghi vật chất, dễ dầu gì y có được một sự hy sinh lớn lao như thế.
Có dạo tôi đi học Thiền, học Phật, tôi định tìm cho Tân một lối thoát qua tôn giáo nhưng sở tri chướng của y quá nặng. Với sự tin tướng một cách mù quáng vào khoa học thực nghiệm của y, y khó lòng chấp nhận những nguyên lý siêu hình không sờ mó được. Muốn đem y đến trình diện một thiền sư, chắc tôi phải viết về y nhiều nữa, bắt y phải trải qua nhiều phong ba, sóng gió nữa y mới chịu mở mắt ra để thấy những điều y biết, y tin tưởng nơi nền khoa học này chỉ là những hạt cát trong sa mạc mênh mông.
Sau mấy tháng suy nghĩ, có lẽ đoạn kết của câu chuyện này gần sự thật nhất, thật giản dị như sau :
Sau khi Lise bỏ ra đi, Tân bị khủng hoảng tinh thần một thời gian, chàng phải nhờ một nữ bác sĩ tâm lý chửa trị. Vài tháng sau, tình cảm giữa hai người nẩy nở dần, rồi hai người cưới nhau và Tân lại sống một cuộc đời xa lánh cộng đồng như trước….
Ngân Uyển
(Đặc San Liên Hội Bắc Mỹ, 36)
mục Văn Học Nghệ Thuật