Nghề Nghiệp
Tác giả: Ngân Uyển
Mẹ tôi kể lại, năm tôi đầy một tuổi, làm lễ thôi nôi, cúng quảy xong, tôi được đặt ngồi giữa một số vật dụng ngổn ngang để tôi tha hồ lựa chọn, hầu đoán xem sau này làm nghề ngỗng gì. Sau một hồi tần ngần, tôi cầm một con dao nhỏ, cả nhà ngẩn ra. Hồi lâu ba tôi reo lên:
- A, thằng này sau làm Bác Sĩ Giải Phẩu!
Tình cha mẹ thương con quả là nặng nên có phần nào thiên vị, lựa con dao cũng có thể giải thích sau này làm thợ hớt tóc, thợ may, lặt gà, thiến chó hay anh hùng lục lâm hảo hán nữa chớ đâu phải chỉ làm Bác Sĩ Giải Phẩu! Mà lấy gì làm tiêu chuẩn để kết luận nghề này tốt hay sang hơn nghề kia đâu?
Định nghĩa hai chữ nghề nghiệp quả quá khó. Đại khái nghề là một phương tiện, một công việc để sinh sống. Song song với nghề là nghiệp, những vui buồn mà nghề đem đến. Tôi không dám lạm bàn về chánh nghiệp hay tà nghiệp vì các quan niệm không những khác biệt tùy theo tôn giáo, phong tục, mà còn tùy theo không thời gian nữa. Nghề nghiệp quả thiên hình vạn trạng; hàng ngày, hàng giờ, có những nghề mới xuất hiện và cũng có nhiều nghề bị đào thải.
Có người suốt đời chỉ làm một nghề, từ thuở ra trường cho đến ngày về hưu trí, rất ư là cần mẫn, tận tụy, đại diện là quý vị công chức gương mẫu. Có người thay nghề soành soạch, thôi thì đủ thứ nghề, từ thầy xuống thợ, từ thợ lên chủ, chán rồi nằm ăn thất nghiệp. Có người một lúc hai ba nghề, tay phải tay trái, chân phải chân trái. Trong giới Y Sĩ, một số khá lớn có nghề tay trái, phần đông kiêm văn, thi sĩ, họa sĩ hoặc tham chính làm dân biểu, bộ trưởng, có người lên đến Thủ tướng, đặc biệt hơn thì có có bác sĩ kiêm ca sĩ, tu sĩ, võ sĩ.. Có khi nghề chính, nghề phụ khó phân biệt được nếu tính theo lợi tức. Nghe nói hồi trước năm 1975, có đàn anh mà lợi tức về “Mạt chược” còn cao hơn phòng mạch!
Dân Việt ta sau cơn quốc nạn, vật đổi sao dời, ở trong nước, bọn khỉ lên làm người, nghe kể lại, nay có những nghề mới lạ, khó mà tưởng tượng nỗi, còn dân tị nạn sau cuộc bể dâu, một số được hành nghề cũ, phần đông đã thích nghi với hòan cảnh mới và đã có những nghề nghiệp thích ứng. Về phe Y Sì chúng ta, một phần khá lớn đã được tái hành nghề sau một vài năm bầm dập bởi luật lệ địa phương.
Riêng tôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn hai mươi năm rồi hành nghề Y Sĩ, có lẽ bây giờ cũng nên tự đặt câu hỏi là mình đã làm được những gì, sẽ làm những gì, nếu cho bắt đầu lại thì sẽ chọn nghề gì?
Tôi có những người bạn đã khẳng định là nếu phải chọn lại từ đầu, sẽ lựa lại nghề Y Sĩ. Còn tôi..tôi biết trả lời sao đây cho đúng với lòng mình? Tôi do dự, phân vân, nghĩ ngợi vẩn vơ, tôi đã mất quá nhiều niềm tin với Y Khoa Bắc Mỹ này rồi.
Thôi, xin bạn cho tôi vài phút để ôn lại cuộc đời tôi, những nghề mà tôi đã từng mơ ước, những nghề mà tôi đã làm, biết đâu bạn sẽ cho tôi một vài lời khuyên thiết thực để tôi trải qua cơn khủng khoảng này chăng, hay ít ra, cho tôi một dịp để tôi được thành thực với chính mình.
Tôi trải qua thuở ấu thời vô tư lự ở một tỉnh nhỏ bé nghèo nàn thuộc miền Trung Việt. Thành phố này hình như đã bị san bằng trong thời chinh chiến, nhưng hơn bốn mươi năm rồi, trong tim tôi, cảnh vật vẫn còn y như cũ. Tôi vẫn còn nhớ, nhớ lắm căn nhà tôi ở. Những dãy phố buồn hiu, những thành quách tiêu điều, dòng sông Nhật Lệ, chiều về đầy ắp thuyền chài...nhớ mãi cái mùi nồng nồng, mặn mặn, tanh tanh của mùi gió biển, nhớ cả thằng Tây say rượu đứng thủ dâm giữa đường; hành động tục tĩu này cũng hắn sâu vào hồn tôi không kém gì những hình ảnh đẹp đẽ của quê hương. Làm sao tôi giữ được nguyên vẹn trái tim thơ ngây trong cuộc chiến triền miên?
Làm sao sau này hồn tôi không chứa những nỗi uẩn ức dằn vặt?
Năm tôi lên mười hai tuổi, bà mẹ tôi có mời một thầy tướng số nổi tiếng về xem cho cả gia đình. Sau khi đoán số phận cho các anh em tôi xong, xoay qua tôi, ông nhìn trước nhìn sau, đo tai đo trán rồi nói:
- Thằng này sau làm tướng cướp!
Tôi nghe xong vẫn thản nhiên và có ý mừng nữa! Hồi đó, tôi hâm mộ các anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc, Đơn Hùng Tín, tướng cướp Bạch Hải Đường và mơ ước sống một cuộc đời như họ.
Mà thật ra, đoán tôi làm tướng cướp có gì khó! Thuở đó, danh tiếng tôi đã vang lừng. Tôi cầm đầu một đảng nhóc tì chuyên môn phá làng, phá xóm; tầm vóc, sức mạnh tôi ở mức bình thường,võ nghệ cũng xoàng thôi, có thể đặt vào môn phái của Vi Sư Tổ, húy danh Tiểu Bảo. So với vị sư tổ này, tôi có những ngón đòn tinh vi và âm hiểm hơn nhiều! Bản mặt tôi rất dễ nễ, đôi mắt tôi có cô hồn, lại thêm tính lì đòn, liều lĩnh. Tôi còn nhớ trận đánh nhau với thằng Nhơn lé, tranh chức Đảng trưởng. Nó cao hơn tôi cả cái đầu, đánh tôi chảy máu mũi, máu miệng mà tôi vẫn lăn xả vào tấn công tới tấp. Cuối cùng, thấy mặt tôi đầy máu, nó hãi quá xin thua. Tôi mang đầu lâu máu lên làm “Thủ lãnh đại ca”!
Mẹ tôi nghe thầy nói xong, sợ quá! Từ lâu, người phong phanh biết tôi là đứa hoang đàng, phá phách, nhưng có ngờ đâu tôi có phận làm đến tướng cướp Ba mẹ tôi bàn bạc suốt đêm rồi quyết định gửi tôi vào Huế cho trọ học, mặc dù tôi phản đối kịch liệt.
Để tiễn biệt “đại ca”, đêm hôm trước đám thủ hạ bắt ngay con chó mực của lão thầy tướng làm tiệc, chúng còn chặt đầu chó đem treo trước nhà lão. Để tăng thêm phần rùng rợn, chúng lấy máu chó viết vào cửa:
“Diệt hắc cẩu, báo cừu thủ lãnh đại ca”
Tối hôm đó, hơn hai chục đứa đánh ngã con chó và hai chai rượu đế rồi ôm nhau ngủ vùi.
Thế là hết, là tan mất giấc mộng mà thuở ấu thời tôi hằng ấp ủ. Giả dụ nếu không có ông thầy tướng số, biết đâu tôi đã thành một tướng cướp lừng danh cỡ “ Võ Nguyên Ngân”, “ Văn Tiến Ngân” chọc trời phá nước...
Sau này, lấy nhà tôi đã có hai mặt con, khi tình lên hương, tôi đem kể lại đoạn đường này, nhà tôi ai oán thốt lên:
- Trời ơi, em đã trao thân lầm tướng cướp!
Thật biết con không ai bằng mẹ. Mẹ tôi gửi tôi vào trọ học tại nhà bà dì góa chồng, làm nghề cô giáo, có bốn năm cô con gái. Thế là tôi bị câu thúc bởi đám nữ lưu này. Chẳng mấy chốc, Ngân tướng cướp đành bó tay thúc thủ. Làm sao có thể trái ý được các bà chị, khi nào cũng từ tốn ôn tồn mà cũng trì chí dạy bảo? Máu thảo khấu trong ngưới tôi loãng dần rồi tôi trở thành một thư sinh xứ Huế vào khuôn, vào phép, biết đá, biết vàng, khi vào trình chị, khi ra thưa dì, ở trong phong nhã, ra ngoài hào huê!
Rồi tôi bước vào tuổi dậy thì! Khí hậu, cảnh vật xứ Huế êm đềm, thơ mộng làm cho lòng người xao xuyến vẩn vơ. Mới mười lăm tuổi mà tôi đã yêu ngay cô giáo dạy Việt văn! Dĩ nhiên đó là một tình yêu thoang thoảng một chiều, không có vòng tay vòng chân gì cả, mà cũng không có Tiểu Long Nữ, Dương Qua vào đây! Đi học, chỉ mong đến giờ cô dạy. Cuối tuần thế nào cũng phải đạp xe đạp đến nhà cô để nhìn tà áo trắng của ai thấp thoáng trong vườn, rồi từ đó tôi ước mơ sau này học sư phạm, để thành ông giáo vế dạy cùng trường với cô; ước vọng này cũng tan biến mau khi cô lên xe hoa nhà chồng với chàng bác sĩ đẹp trai. Sau này tuy không học sư phạm, nhưng mới ra trường xong, chưa mở phòng mạch, tôi cũng đi dạy Vạn Vật một hai năm. Hồi đó học sinh đã gấu lắm rồi! Tình nghĩa thầy trò không còn như xưa nữa! Sau khi lập gia đình, tôi bị giải nhiệm ngay vì bị người ta tình nghi có giao du thân mật với nữ sinh. Nghề mô phạm để lại rất ít kỷ niệm đẹp trong lòng tôi.
Năm mười bảy tuổi, tôi đã có ý học Y khoa với ước mơ là sau này ra trường lên sống miền thượng du, lấy cô vợ Thượng ngây thơ, rồi dùng kiến thức của mình để giúp đỡ những con người chất phác, thật thà. Mộng ước cũng dễ thương đấy chứ có gì là “quỷnh” đâu? Xin bạn đừng vội kết tội như nhà tôi:
- Chắc bị cô nào phụ rẫy nên thất tình phải không?Rồi muốn bỏ đi cho đỡ đau đỡ xốn con mắt khi thấy người ta đi với bồ chứ gì?
Không phải đâu! Ở tuổi thiếu niên, hồn tôi lành lắm! Làm gì có vụ thất tình vào đây! Rồi những năm cuối Y khoa, hình bóng đơn sơ mường tượng của cô gái Thượng bị đôi mắt nhung, trong như nước hồ thu của cô sinh viên trường Dược đánh bật ra khỏi hồn tôi. Sau đó, chín mười tháng phục vụ tại một tỉnh lỵ cao nguyên, thực tế phủ phàng đã làm tiêu tan luôn giấc mộng của thời niên thiếu.
Hồi còn là sinh viên Y Khoa tôi có làm một nghề phụ: Nghề võ sĩ! Tôi còn nhớ trên carte visite tôi ghi:
Ngân Uyển
Sinh Viên Y Khoa IV
Võ sĩ lò Huỳnh Tiền
Hồi đó tôi mới năm thứ hai nhưng ghi năm thứ tư để khỏi phải in lại tốn tiền. Từ năm II lên năm IV chỉ có hai năm thôi, nhưng cũng có người tính sai, nhiều khi mất cả bốn năm năm. Tôi thường lên đài đấu trận mở màn, thắng năm bớp, bại hai bớp,rồi trong trận đấu với một võ sĩ Miên, tôi lãnh luôn hai cú song phi bồi thêm vài quyền vào mặt, đo ván ngay hiệp đầu, ôm đầu máu ra về, nhìn vào gương, mặt mày sưng húp, nhan sắc chỉ còn chiếc mũi hơi cao bị thằng “ mai liên” đánh xẹp lép! Dạo đó tôi có biệt danh là “Ngân thợ đấm”.
Tôi ra trường vào khoảng 65. Hồi đầu, tôi cũng có lý tưởng, cũng yêu nghề Y Khoa của tôi lắm chứ. Tôi cũng có hoài bảo xoa dịu nỗi đau của loài người; tôi cũng đã nhìn người bịnh với đầy cả thương yêu, đã từng đau, từng buồn, từng vui cùng nhịp với bệnh nhân, nhưng trong bối cảnh của cuộc chiến tương tàn không dứt, tôi lần lần lún vào vũng tanh của cuộc đời.
Gần mười năm cuối cùng ở Việt Nam, quân rồi dân y, nghĩ lại, như một cơn ác mộng. Tôi ngụp lặn trong vòng danh lợi rồi hối hả hưởng thụ. Mỗi ngày làm việc từ bảy giờ sáng đến chín giờ đêm, chỉ nghỉ chiều chủ nhật, chưa kể trực gác, công tư lẫn lộn, nhiều lúc, lấy công làm tư!
Tôi còn nhớ trong phòng mạch có treo bức đại tự “Hoa Đà Tái Thế”, được gắn một tượng vàng y khắ chữ “ Đền ơn cứu mạng”. Số là lần đầu được chỉ định vào Hội Đồng Giám Điịnh Y Khoa, có một ông tàu giàu có muốn mua chuộc cho con ổng hoãn dịch. Y chạy đến tôi, “con dê cỏn buồn sừng”,chưa biết trời trăng, tôi đập bàn quát tháo om sòm. Sáng hôm sau, y đem lại bức đại tự, thế rồi tôi cứu mạng con y. Những lúc vắng khách, tôi ngồi ngắm bốn chữ “Hoa Đà Tái Thế” rồi tủm tỉm cười:
- Hoa Đà Tái Thế! Ha, ha, còn lâu con ơi!
Hình như ít khi tôi hành nghề y sĩ theo đúng nghĩa của nó. Tôi chỉ là một thứ thợ chữa người, đau đâu chữa đó, hư đâu cắt đó, bể đâu vá đó. Có mấy lúc tôi tự đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, của gia đình bệnh nhân để có chút cảm thương giữa người với người. Không biết bao nhiêu lần tôi đã lầm lẫn trong khi định bệnh và chữa bệnh, không biết mấy lần tôi đã là sát nhân hợp pháp?
Tôi dần dần biến dạng. Cứ nhìn vào nụ cười của tôi thì đủ rõ! Lúc còn là học sinh ,sinh viên, tôi cười dễ dàng, cười say sưa sảng khoái, cười ngất, cười reo, nụ cười hầu như không bao giờ tắt trên môi. Từ lúc bước vào đời, nụ cười biến đổi dần: cười cầu tài, nịnh bợ cấp trên, cười gằn, cười khinh mạn với cấp dưới, cười ruồi, cười mỉa mai, cười gượng, cười khảy với bạn đồng nghiệp. Những năm cuối cùng của cuộc chiến, khả năng cười của tôi không còn nữa: làm việc quá độ, tôi có triệu chứng thần kinh suy nhược lúc nào không hay.
Rồi miền nam thất thủ, gia đình tôi tái định cư tại Montréal. Sau khi trình diện cố vấn tối cao Hắc Búa, tôi và một số bạn được thâu nhận làm y công trong một nhà thương điên, làm ca đêm, thuộc équipe volant. Tối tối đứng chờ chị y tá già phân phối đi các trại cần thêm nhân viên. Nghề y công cũng có những vui buồn của nó, vui khi có một đồng nghiệp y công thông cảm để cho mình muốn học, muốn làm gì tùy ý. Buồn khi gặp phải những cụ giá đái ị tùm lum, vừa dọn xong lại đùn ra nữa hay gặp những thằng điên cứ đè mình ra bóp cổ, lưỡi thè cả tấc...Sáng ra bạn bè gặp nhau mừng mừng tủi tủi kể lại chuyện với khía cạnh khôi hài, tiếu lâm cho đời bớt khổ.
Năm sau tôi được nhận vào Nội Trú. Hồi đó tôi bị cái hào nhoáng của nền Y Khoa Bắc Mỹ làm lòe mắt, tôi đã mê mải đứng cầm écarteur suốt mười mấy giờ để nhìn mổ tim, theo các ông thầy làm việc ở phòng cấp cứu, ICU, với các máy móc tân kỳ.
Tốt nghiệp xong, tôi lại xin vào làm CLSC-một thứ Chi Y Tế quận- và một nhà thương ven đô. Vài năm sau, tôi đã hành nghề như một y sĩ canadien chính cống, cũng hệt như một lối chẩn bệnh dây chuyền, cũng một kiểu cách suy nghĩ, một lối ăn nói, những mánh khóe né tránh, bán bệnh.
Hồi tôi còn làm ở CLSC, tôi quen khá thân với Marie France, một nữ đồng nghiệp khá lớn tuổi. Nàng thích Y Khoa từ nhỏ, vì điểm CEGEP thấp nên phải học môn sinh vật rồi mới vào Y Khoa lại. Khi tốt nghiệp thì nàng đã trên ba mươi, nàng rất tận tâm với bệnh nhân, sống độc thân và xem Y Khoa như là lý tưởng của đời mình. Một hôm nàng đến gặp tôi dáng điệu bơ phờ, nàng nói:
- Ngân à, mày hành nghề Ykhoa trước tao nhiều, mày có tin vào nền Y Khoa Bắc Mỹ này không? Lúc sau này, qua Tivi, tin tức tao biết được ở các nước nghèo hàng ngày biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu trẻ con bị chết vì đói hoặc thiếu thuốc, trong lúc tao ở đây, cố gắng hết mình chửa trị cho những người già mà nhiều khi lành bệnh cũng trở thành vô dụng. Không lý gì giá trị một người Bắc Mỹ cao hơn một người ở Phi Châu, Á Châu!
Câu nói của Marie France làm tôi sững sờ. Mấy năm nay, tôi hành nghề một cách máy móc, theo những công thức, những qui ước định trước. Tôi dùng nghề y sĩ như một chiếc cần câu cơm.
Rồi Marie France xin nghỉ dài hạn một năm, tình nguyện qua Cam Bốt phục vụ trong các trại tị nạn thuộc biên giới Thái Lan. Khi trở về, nàng bị khủng khoảng nặng.Gặp tôi, nước mắt lưng tròng, nàng nói :
- Tao không còn tin vào nền Y Khoa Bắc Mỹ đặt trên nền tảng, trên cá nhân và gia đình này nữa! Thật khó mà tiếp tục hành nghề y sĩ kiểu nhà giàu khi mình đã biết một nữa nhân loại kia đang chết dần mòn vì thiếu thực phẩm và thuốc men.
Câu nói và hình ảnh của Marie France cứ ám ảnh tôi mãi, lúc ẩn, lúc hiện, nhưng bao giờ cũng nằm đó.
Sau này tôi bỏ CLSC, bỏ nhà thương vì những lý do riêng tư, rồi mở phòng mạch để trở thành Bác Sĩ Chuyên Môn,chuyên trị bịnh cảm cúm. Tôi có nhiều thì giờ để suy nghĩ. Marie France lại trở về rõ rệt hơn.
Rõ ràng là nàng có lý! Nghĩ kỹ, chỉ cần lập lại sự quân bình trong cách phân chia thực phẩm của nhân loại là có thể giải quyết biết bao nhiêu vấn đề sức khỏe cho cả hai khối quốc gia giàu nghèo trên thế giới. Một nền Y Khoa nhân bản lờ mờ hiện ra trong trí tôi, có gì mới lạ đâu? Đã từ lâu biết bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức đã dựng ra nó,cố lấp hố sâu giữa các quốc gia giàu nghèo với tinh thần bất vụ lợi mà tôi thờ ơ không biết đó thôi!
Tôi cần gì có thêm những lý thuyết, những suy nghĩ viễn vông nữa! Chỉ cần tích cực dấn thân tham gia vào thôi! Vấn đề của tôi là thiếu ý chí, khi nào cũng ngần ngại, ngập ngừng, chỉ có những cách giải quyết nữa vời, ví dụ như không tin vào nền Y Khoa này nữa thì tôi bớt thì giờ khám bệnh lại, làm việc cho đủ sống rồi xây qua làm những việc lẩm cẫm khác, chứ không dám bỏ hẵn để dấn thân vào một cuộc tranh đấu tích cực nào. Tôi chỉ là một thứ trí thức rỡm, trùm chăn…Tôi biết trong hồn tôi, hình như có một chổ không ổn; mỗi khi bất an tôi thấy có nhu cầu cần phải nói hay viết những gì thuộc về sinh lý, có khi không kìm lại được, không chịu được, không biết trong khoa Phân Tâm học gọi đó là triệu chứng gì đây? Tôi như mụ đàn bà nhà quê, mỗi khi giận chồng, đem chuyện mất chó mất gà ra dạng háng đứng giữa sân chửi đổng, chửi mỗi lúc một tục tỉu, không một bộ phận sinh dục nào, một hành động sinh lý nào mà không dám nói tới, mà hành động càng ly kỳ cổ quái thì sự thống khoái càng gia tăng. Bà ta chửi hàng giờ cho đến hã cơn giận, nụ cười hé nở lại trên môi mới trở lại vào nhà làm công việc thường nhật. Người đàn bà kia cũng có những ẩn ức như tôi hay sao?
Cách đây năm sáu năm, tôi gặp được ân sư, ngài dạy tôi học thở, học cười, nụ cười mà tôi đã đánh mất trong cuộc chiến, rồi học biết, học thương. Chỉ bốn chữ thở, cười, biết, thương quyện lấy nhau thành một khối, nhớ được một chữ là nhớ mấy chữ kia, thế mà tôi học hoài không hết, hoặc nhớ trước quên sau, chợt nhớ, chợt quên. Bây giờ sau mỗi buổi thiền tọa, tôi thường đọc thầm :
- Xin cho tôi có nhiều tình thương.
Vâng, tình thương trong tôi đã vơi quá nhiều, có lúc hầu như cạn hẳn, tôi phải múc lại cho đầy, ít nhất cũng phải đầy như thời thơ ấu, nhưng không phải dễ gì đâu! Bằng chứng là bây giờ tôi vẫn trông mong vào tha lực để mót từng chút tình thương, để cho con tim tôi trở thành mềm mại trong cái thân thể rách bươm này. Sau mấy năm tu học, tôi thấy có nhiều thay đổi trong tâm linh tôi, nhưng mỗi lần thực chứng là một lần thất bại, đi câu vẫn thấy háo hức khi cá đớp mồi, biết bao giờ thấy đau trên mép, phải vất cần mà chạy? Căm giận, oán thù vẫn còn luân lưu trong mạch máu, những ẩn ức bị đè nén vẫn còn âm ỉ trong tim, không biết ngày nào ung mủ vỡ tung? Những băn khoăn, khắc khoải, những xung đột nội tâm như những luồng kinh mạch ngược chiều tha hồ đâm xé tâm hồn tôi. Tôi còn phải học, phải tu, phải thực chứng thêm nhiều nữa.
Viết đến đây, xem chừng tôi cũng hả dạ một phần nào. Đọc lại từ đầu bài thấy ghê quá, có nhiều câu có lẽ không nên viết, nhưng tôi xin để vậy cho trung thực với biến chuyển của lòng mình. Thật ra tôi đã lan man lạc đề nhiều, tuổi già lẩm cẩm thật.
Thôi, xin trở lại các câu hỏi lúc đầu :
* Tôi đã làm được những gì?
- Quên đi, cái gì đã qua cho qua luôn đừng nuối tiếc,đừng ân hận làm gì, vô ích!
* Nếu phải trở lại từ đầu?
- Bỏ đi! Cần gì phải trở lại từ đầu? Cái tôi thay đổi hàng giây hàng phút trong không và thời gian liên tục, không chung mà cũng không thủy! Làm gì có cái tôi thực sự và vĩnh cửu để trở lại từ đầu?
* Chỉ còn câu hỏi : « Tôi sẽ làm gì trong cuộc đời còn lại? »
- Có lẽ cũng như bạn tôi, tôi cũng sẽ tiếp tục hành nghề y sĩ, nhưng với một nhãn quan khác. Tôi sẽ không cần suy nghĩ lang bang, vớ vẩn những chuyện chưa làm được. Tôi sẽ cố sống thường xuyên với bốn chữ Thở Cười Biết Thương trong lúc hành nghề; tôi sẽ thở theo nhịp thở của bệnh nhân, thở như một cái neo lôi tôi về cái biết tỉnh thức (chữ của ân sư)- biết mình đang làm gì, như biết tôi đang viết lúc này cho các bạn tôi đọc, tôi sẽ cẩn trọng hơn, câu viết sẽ đầy tình thương cho bạn mình. Từ biết đến thương, khoảng cách rất nhỏ, mà đã có tình thương rồi, tôi còn sợ gì nữa? Tôi sẽ thương cho chính mình vì u minh lầm lạc, thương cho mọi người, mọi loài, từ nhãn thị chúng sinh. Một khi hồn tôi đã đầy ắp tình thương rồi, nụ cười thực sự sẽ tự nở như một đóa hoa ban sáng được mặt trời chiếu rạng. Rồi hồn tôi sẽ nhẹ nhàng, thanh khiết hơn, những nỗi ẩn ức sẽ từ từ tan biến đi.
Vấn đề chính của tôi vẫn là không chỉ lý thuyết suông mà phải thực tập, thực hành, thực chứng trong chính nội tâm từng giây từng phút của cuộc sống của mình, để được tỉnh thức, thương yêu càng ngày càng nhiều.
Hết.