Một Thời Loạn Ly
Tác giả: Ngân Uyển
Trọng tài vừa dặn dò xong điều luật đấu võ tự do, hai võ sĩ đập nhẹ găng chào nhau rồi lui về góc của mình.
Lê bạch ngồi yên cho hai săn sóc viên đấm bóp xoa nắn các bắp thit, nó nhìn tên võ sĩ Thái Lan bên kia góc. Thằng này cũng giương cặp mắt trắng dã nhìn trừng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống địch thủ, đôi mắt lạnh lùng tàn ác của loài thú hoang. Thân hình nó đen thui lực lưỡng, bắp thịt nó gồ ghề như thừng chảo bóng lưỡng, trông nó giống như một bức tượng đồng đen.
Tiếng còng vừa nổi lên, cả hai võ sĩ ra sân đấu múa quyền bái tổ. Lê Bạch xuống tấn, chắp tay cúi chào khán giả tứ phía rồi từ từ đi bài Mai Hoa Quyền Huê Dạng của môn phái. Khán giả vỗ tay vang dội khuyến khích. Bên kia góc, tiếng khèn bắt đầu nổi lên, tên võ sĩ Thái như đang nhập đồng, múa may quay cuồng theo nhịp điệu, đá lên đạp xuống, quyền cước nhanh như gió bão. Tiếng khèn càng lúc càng cao, càng nhanh như muốn áp đảo tinh thần địch thủ.
Huỳnh sư phụ mặt mày đăm chiêu lo lắng. Hai trận đầu đã đại bại thảm thương, nếu trận này mà Lê Bạch thua nữa thì kể như phe ta bại luôn dù có thắng hai trận sau.
Người đến gần Lê Bạch cho nước:
- Nhớ để ý hai đầu gối và hai cùi chỏ của nó, đứng xa mà ra quyền cước, đừng cho nó nhập nội tấn công.
Hiệp nhất bắt đầu, hai đối thủ dò dẫm tìm hiểu sở trường, sở đoản của nhau. Lê Bạch nhanh như sóc, tràn qua né lại, đấm được mấy quyền vào mặt đối thủ. Tên võ sĩ Thái vẫn còn giữ thế, đá dứ mấy cái vào chân vào bụng Lê Bạch.
Trong giờ giải lao, Huỳnh sư phụ bảo khẽ:
- Tấn công nhanh mạnh, ráng đánh đá vào Nhật huyệt của nó để kết thúc.
Hiệp hai bắt đầu, Lê Bạch lanh lẹ đứng xa phóng quyền cước tấn công tới tấp vào bụng trên, mạng mở của địch thủ. Tên võ sĩ Thái thấm đòn, mặt mày nhăn nhó đau đớn. Lê Bạch lùi lại rồi tung tuyệt kỷ, xoay người, bay đến đá ngang hai cú song phi vào đại huyệt phía dưới chấn thủy. Địch thủ từ từ ngã quỵ, trọng tài đếm đến tiếng thứ tám thì tiếng còng chấm dứt hiệp nhì. Khán giả xôn xao reo hò cổ võ.
Bên góc Thái Lan bối rối thấy rõ. Tên võ sĩ Thái như cái mền rách đang được sư phụ xoa bóp toàn thân với một thứ thuốc gì có mùi khó ngửi, rồi còn phà vào mặt nó những hơi thuốc cay nồng.
Hiệp thứ ba bắt đầu. Lê Bạch nôn nóng kết thúc trận đấu, quyền cước tới tấp, đánh thật nhanh, thật mạnh, thật chính xác vào đúng các yếu huyệt. Nhưng tên võ sĩ Thái vẫn đứng yên. Lê Bạch bèn tung tuyệt chiêu, đá dứ vào chân rồi đấm một quả thôi sơn vào nhật huyệt của đối thủ. Chàng bổng thấy tay đau như mới đấm vào sắt thép, xương tay như muốn gãy lìa. Lê Bạch biết có chuyện không ổn, hoang mang lui về thế thủ, nhìn lại tên võ sĩ Thái đang đứng nhe răng ra cười chế diểu. Rồi nó bắt đầu tấn công trả đũa. Lê bạch lảnh cả chục quyền cước vào mặt, ngực bụng. Lê Bạch cố lách ra xa, nhưng đối thủ đã nhập nội, cùi chỏ tạt qua tạt lại như mưa bấc, rồi lên gối tới tấp vào ngực vào bụng. Tiếng còng đã kịp thời cứu chàng khỏi đo ván hiệp này. Lê Bạch được dìu về góc đài, thều thào:
- Nó có bùa, có gồng !
Huỳnh sư phụ vội vàng ra lệnh:
- Máu chó, lấy máu chó mau lên !
Máu được bôi lên tóc lên quần đùi, lên găng Lê Bạch.
Tiếng còng vừa mới nổi lên, tên võ sĩ Thái nhanh nhẹn tiến về phía Lê Bạch. Nó bắt đầu tấn công như vũ bão, nhưng khi quyền vừa chạm vào găng Lê Bạch, nó hoảng hốt kêu khẽ, nhảy lùi về phía sau, dáng điệu sợ hãi. Nó biết bùa phép đã bị phá hết linh. Lê Bạch thoáng thấy, biết ngay, lấy lại được sự tự tin. Miệng mỉm cười, rồi ra đòn không thương tiếc. Trong vòng một phút, chàng đấm ngã quị đối thủ. Khán giả vui mừng, ồn ào la hét. Lê Bạch loáng thoáng nghe từ cánh trái khán đài tiếng reo hò của lũ bạn nội trú bệnh viện Đô Thành:
- Hoan hô thằng thợ đấm !
Lê Bạch là một trong bát quái nội trú nhà thương Đô Thành, niên khóa 64-65. Tám đứa, bắc trung nam lẩn lộn, cùng học 6, 7 năm Y Khoa nên khá thân nhau, dù mỗi đứa là một thế giới riêng biệt, cứ nghe biệt danh của từng thằng là đủ rõ.
Lê Bạch chuyên môn đấm đá, dĩ nhiên biệt danh nó là “thằng thợ đấm”. Bình thường nó hiền khô, ít nói, ít rằng, lại còn nhát gái nữa; thế mà lúc lên đài, nó như con thú dữ sút chuồng, đánh đấm như điên cho đến lúc nó hoặc đối thủ ngã quỵ mới thôi. Bạn bè hỏi nó tại sao mà dữ thế? Nó cười cười không đáp, có bữa bị phục rượu say mới tiết lộ bí mật:
- Mỗi khi lên đài, tao nhìn địch thủ một lát, bổng nhiên hoa mắt, rồi chỉ thấy hình bóng một người, thế là tao nổi điên, dằn lòng không được, uất hận trong lòng cứ thế mà tràn lên tay chân.
Nổi tiếng nhất là thằng ‘Đồng ‘’sến’’. Cứ nhìn cách ăn mặc phục sức cũng đoán ra được phần nào biệt danh của nó. Tóc đít vịt lúc nào cũng ướp brillantine láng mướt, quần áo chim cò sặc sở nhiều lúc màu sắc cái quần chửi cha cái áo, chẳng giống Tây cũng chả giống Tàu. Thường thường, chiều vừa tắt nắng nó thả bộ ra các phông tên, quán cóc, thấy cô nào hạp nhãn là sà vào tán tỉnh. Nó có nhiều chiêu thức độc đáo ít có sến nương nào thoát khỏi thiên la địa võng nó giăng ra. Sau một hồi tán dóc vớ vẩn , nó mời sến nương đi ăn mì vịt, cháo lòng; ăn xong nó dẩn nàng đi ngang qua rạp ciné chuyên chiếu phim Ấn Độ. Phim Ấn hầu như luôn luôn có rắn, rắn to, rắn nhỏ, mãng xà, thanh xà, bạch xà, lổm nga lổm ngổm. Tâm lý đàn bà thật lạ, thấy rắn là sợ nhưng lúc nào cũng muốn xem...Đồng sến nắm được yếu quyết này.
Nó thường nói:
- Đàn bà có liên quan mật thiết với họ nhà rắn, tụi mày còn nhớ bà Eva bị rắn dụ ăn trái cấm để rồi loài người liên lụy, chịu đày đọa xuống trần không? Mối liên hệ truyền kiếp này vẫn còn nằm sâu trong tiềm thức giống cái, nên nói tới rắn họ sợ nhưng thích tò mò, thích xem, đại khái cũng giống như tâm trạng bà Eva khi gặp rắn lần đầu.
Cho nên đứng trước tấm quảng cáo phim rắn, sến nương nhất định đòi xem. Đồng sến giả bộ ngần ngừ: - Anh sợ rắn lắm, nhưng thôi, chìu em cũng được.
Thế rồi lúc lão phù thủy lúc lắc cái đầu thổi kèn, bầy rắn tỉnh dậy, ngổng cổ lắc lư. Là lúc Đồng Sến bắt đầu giở thủ đoạn, nó nắm chặt tay sền nương, gục đầu vào vai nàng:- Anh sợ quá, anh sợ quá...đã bảo là anh sợ rắn mà em cứ bắt anh xem !
Sến nương ngây thơ ôm lấy đầu nó vỗ về :
- đừng sợ, đây là chuyện phim đâu có thực !
Nàng đâu biết bên cạnh , một con rắn cực độc đang cựa mình nhúc nhích bò ra.
Gặp cô nàng nào không chịu phim rắn, thì nó rủ đi xem cải lương thuộc loại tình cảm lâm ly thống thiết như nát tan đời cô Lựu, trinh nữ hai chồng. Đại khái, một nàng nọ nhan sắc mặn mà, thân hình bốc lửa kết hôn với một thư sinh ốm yếu lại mắc bệnh tim. Trong đêm tân hôn vừa ôm vợ vào lòng, chưa làm ăn gì cả, chàng bổng lăn đùng ra chết tức tưởi vào giờ thiêng. Hồn không siêu thoát được, lẩn quẩn quanh vợ, nhất quyết không để vợ mình lấy ai, nên khi nàng trinh nữ tái giá, con ma này hiện ra bóp cổ chàng rể thứ hai. Cho nên sau hai đời chồng, nàng vẫn còn là trinh nữ...
Đồng Sến bèn đưa ra triết lý:
- Em thấy chưa, chuyện ấy không phải cứ muốn là được, việc đời không biết sao mà lường trước được, thời buổi chiến tranh này hưởng được lúc nào thì cứ hưởng.
Chuyện thằng Đồng ‘’sến’’ thuộc loại trường thiên tiểu thuyết, kể sao cho xuể được.
Thằng Sô ‘’cá ngựa’’ khỏi cần viết cũng biết tại sao nó có biệt danh này. Tháng nào như tháng nấy, lãnh lương quân y xong là nó vào trường đua Phú Thọ cho ngựa ăn bạc. Coi kìa, nó vừa bước vào, dáng điệu trí thức nho nhã, gương mặt thật buồn, cằm chảy tới ngực, sau cặp kiếng cận thị dày cộm, đôi mắt thẩn thờ xa vắng vừa đi vừa lẩm bẩm :
- Dũng Thanh Lâm bữa nay bết bát quá ! Út Bạch Lan thật tuyệt vời ! Bạch Tuyết thật bất ngờ xuất sắc ! Con này thế nào cũng lên như diều gặp gió.
Không phải nó đang bàn luận về những tài tử cải lương ca nhạc đâu, nó đang kiểm điểm lại các độ ngựa vừa qua.
Những lúc túi sạch tiền là những lúc thi hứng nó lên cao, dĩ nhiên thơ nó có rất nhiều tuấn mã, kỵ sĩ, bãi cỏ hoang. Lúc này anh em ai nấy đều cúi đầu kính trọng sự đau khổ của nó, vì ai cũng đều biết tính nó cộc. Có lần nó định đục thằng bạn vô duyên đã hát :
- Đường vào trường đua có trăm lần thua, có vạn lần huề...
Thằng Bá có biệt danh ‘’Bá điên’’, nhưng nó chỉ điên khi nào đáng điên, nghĩa là điên mà điên khôn, điên ăn người, khi cãi cọ đấu lý với ai. Thấy sắp thua là nó giả bộ trợn mang phùng mắt, đấm ngực bồm bộp rồi lắp bắp :
- Ông sắp lên cơn rồi đây ! Ông điên rồi đây ! Đừng có chọc ông mà chết cả lũ !
Thật ra nó cũng ‘’mát dây’’ đôi chút, tóc tai lúc thì để bù xù, lúc thì cạo trọc lóc, áo quần xốc xếch, nói năng tàng tàng, quân y nhốt như cơm bữa. Nhưng khi gặp gái,cặp mắt sáng rỡ, nói năng ngọt ngào như mía lùi. Tài bắt bò lạc của nó chỉ thua có thằng Đồng’’sến’’ !
Đoàn Võ, từ ngày lấy vợ là biến mất. Làm nội trú Đô Thành đã mấy tháng mà chưa hề đặt chân xuống phòng trực. Làm việc xong là lên phòng ôm vợ, năm thì mười họa mới thấy nó hấp tấp chạy ra chợ Bến Thành mua cốc mua ổi về cho vợ xơi ! Từ ngày vợ nó gần bể bầu, nó mới lò dò xuống rút xì rút tít với anh em. Nó có nghiên cứu phương pháp sanh con trai, con gái theo ý muốn, đại khái là nằm bên trái thì sinh con trai, bên phải là sinh con gái. Nó lại còn viết ra sách nữa, ‘’ Thằng Cu Cái Bướm ‘’ gì đó, làm hại không biết bao nhiêu người, bị chửi tơi bời hoa lá.
‘’Vịt đực’’ không phải là một biệt danh, tên nó đọc theo tiếng Tây là thế. Nó có dáng dấp của một triết nhân hay một thi sĩ, nhưng sự thật không phải, chỉ vì nó nhỏ bé nên mặt lúc nào cũng vác lên trời, có vẻ bất cần đời. Nó có thói quen, chiều đến, ra quán Thanh Bạch, gọi một đĩa cánh gà chiên bơ, một ly Bénédictine; một mình độc ẩm, ngâm thơ ư ử, có lúc nổi hứng cất giọng vịt đực ồ ề ra hát bất kể thiên hạ qua lại.
Mấy thằng còn lại thì coi mặt mà đặt tên, như thằng Khoát ‘’heo’, hậu thân của Trư Bát giới, Cơ ‘’béo’’ to lớn phốp pháp, mỗi lần nó di chuyển rung rinh cả lầu hai, suốt ngày chải gỡ,cạo râu cạo mặt.
Tình hình chính trị của những năm 64, 65 thật bất ổn, hết đảo chánh đến chỉnh lý, chính phủ quân sự rồi dân sự, đổi thay từng tháng từng tuần, lại còn nguy thánh chiến giữa các giáo phái. Tình hình chiến trường càng ngày càng tồi tệ, một số y sĩ đã bị hy sinh trong những trận đụng độ lớn. Bọn nội trú còn mấy tháng nữa ra trường, không biết về đơn vị nào, mỗi lần tụ họp bàn cãi như mổ bò, phần đã mất niềm tin, phó mặc cho hoàn cảnh đưa đẩy, còn ngày nào vui chơi được thì cứ vui chơi.
Chiều thứ bảy, Hồng mở cửa bước vào phòng trực, nơi tụ tập thường xuyên của bọn nội trú Đô Thành. Cả bọn đang tụ họp đông đảo, cười nói ồn ào khói thuốc mù mịt.
Chổ này bốn năm đứa xúm xít, rút xì, rút tít, chỗ kia hai đứa đang gân cổ ca bài không bao giờ ngăn cách đâu em. Thằng thợ đấm với Khoát heo đang hùng hục đánh bóng bàn la hét um sùm. Thằng Bá điên với Vịt đực còn mặc áo quần mổ, mũ xanh, cổ tòn teng mặt nạ giấy, đang đăm chiêu trên bàn cờ tướng. Thấy Hồng vào,cả bọn ngưng chơi, như thường lệ, đứa cười, đứa hát:
- Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Mới ngày nào còn biết cái chi chi...
Rồi nhiều tiếng mời mọc: - Ê Hồng, lại đây rút xì !
- Qua đây hát chơi !
Hống cười cười không nói, nàng đến salon ngồi, dở mấy quyển Playboy ra xem. Cả bọn ngạc nhiên vài phút, rồi trở lại ồn ào như trước.
Không biết mấy năm rồi Hồng lui tới với bọn nội trú Đô Thành. Tốp này đi, tốp khác đến, có cả đến bốn năm khóa rồi. So với các đợt trước, bọn này dễ thương nhất. Chúng nó ồn ào phá phách như điên, ăn chơi bạt mạng, nhưng đối với nàng hình như đứa nào cũng có chút cảm tình.
Thợ đấm với Khoái heo chơi xong bóng bàn, mồ hôi nhể nhại, bưng nước ngọt đến mời Hồng. Khoát heo hỏi:
- Đi đâu về mà diện dẫm đẹp thế? Cứ như tài tử Hồng Kông!
- Mới đi ăn đám cưới con nhỏ bạn ở Đồng Khánh về.
Thấy Hồng có vẻ buồn, Khoát heo diễu tiếp:
- Hôm nay đám cưới người ta, mà sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?
Hồng yên lặng cúi đầu, hồi lâu mới nói:
- Hồng cũng sắp lấy chồng rồi, đến thăm mấy anh lần cuối đây.
Khoát heo há hốc mồm hét to:
- Hồng lấy chồng?
Cả bọn ngưng chơi, kéo đến ngồi vây cạnh Hồng:
- Thật không? Thật không? Lấy thằng nào?
- Thật đó, cuộc vui nào chẳng có lúc tàn, điên cuồng thác loạn đập phá mãi cũng chẳng đi đến đâu, cuối cùng rồi Hồng cũng phải chấp nhận số phận. Hồng đã gặp được một người thành thật yêu mình, bất chấp cả cái dĩ vãng không mấy gì đẹp đẽ của Hồng. Đám cưới xong, Hồng sẽ theo chồng về một quận lỵ hẻo lánh xa xôi, có lẽ không còn có dịp gặp lại các anh nữa đâu.
Giọng Hồng run run nghẹn ngào, khác hẳn kiểu nói chanh chua đanh đá lúc trước, khi nào cũng tự xưng bà, gọi tụi nội trú là chúng mày.
Bọn nội trú im lặng hồi lâu, lên tiếng:
- Thôi tụi mình mời Hồng đi ăn lần cuối, nhân dịp đãi thằng thợ đấm vừa thắng trận hôm qua.
- Đúng đa, qua Bát Đạt chơi xả láng.
- Thôi, ra Bình Thới ngồi nhậu nhẹt cho mát mẻ.
- Lên Thủ Đức đi! Ăn đầu cá hấp, ra đồng quê hít một chút không khí cho khỏe.
Thế là cả bọn đèo nhau trên bốn năm chiếc Vespa trực chỉ Thủ Đức vui chơi. Ra khỏi thành phố, chúng rú ga chạy như bay, la hét om sòm như một lũ điên.
Tiệc xong, trên đường về, Lê Bạch chở Hồng chạy chầm chậm trên xa lộ. Đêm về, không khí mát dần, Hồng bảo Bạch dừng xe bên bờ lộ ngắm trăng sao. Trong nhóm nội trú, Hồng thích nhất Bạch, mặc dù Hồng chưa hề ngủ với Bạch một đêm như nàng đã từng làm với hầu hết bọn nội trú. Cả hai ngồi im lặng, mỗi đứa mỗi tâm sự.
Lát sau Hồng lên tiếng:
- Sao Bạch ít nói thế, có tâm sự à?
- Ai mà chả có tâm sự; có điều mỗi người phản ứng khác nhau, đập phá, nổi loạn, thách thức.
Cuộc đời như Hồng có lẽ là một cách hay, còn hơn là giữ mãi mối phiền não trong lòng cho riêng mình.
- Chưa chắc! Hồng lại muốn điềm đạm như Bạch trước mọi thử thách. Bạch biết không, sau cái mặt nạ bất cần đời của Hồng, tâm hồn Hồng cũng yếu đuối, dễ vỡ như mọi người đàn bà khác.
- Thôi mình về, gần giờ giới nghiêm rồi đó!
Năm năm trước Hồng còn là học sinh ngây thơ, nàng đẹp, đẹp lồ lộ, tóc dài đen mun xỏa ngang vai, đôi mắt bồ câu mơ màng khi nào cũng buồn buồn xa vắng, môi đỏ như son, da mặt trơn láng hồng nhuận dù không phấn sáp. Tính tình đa sầu đa cảm, có chuyện gì buồn là không cầm được nước mắt.
Ông nội nàng thường nói:
- Con này đẹp nhưng tinh anh đã phát tiết cả ra ngoài, sợ sau này nó sẽ khổ. Nó có tướng hồng nhan đa truân!
Năm mười bảy tuổi, Hồng yêu say đắm cuồng nhiệt một phi công khu trục hào hoa, nàng yêu không điều kiện, trao cả đời mình không chút đắn đo, mặc dù gia đình phản đối tìm mọi cách cản trở. Rồi trong một cuộc oanh tạc bên kia vĩ tuyến, đại bàng gảy cánh giữa đường. Hồng đau đớn điên cuồng, từ đó sống một cuộc đời thác loạn.
Bắt đầu nàng làm vợ bé cho một ông tướng, sau vài tháng chán chê, nàng được bàn giao cho một ông khác, cứ thế nàng qua tay không biết bao nhiêu người quyền thế. Sau những lần truy hoan thâu đêm suốt sáng, tỉnh dậy, Hồng thấy lòng mình chai đá khô cằn. Nàng bắt đầu lợi dụng thời cơ, sự quen biết các ông lớn để chạy áp phe, buôn bán hột xoàn. Nhờ ăn nói duyên dáng, biết rõ tâm lý đàn ông, chỉ vài câu nói, một bữa tiệc một đêm vui chơi, có thể đem đến cho nàng vài trăm ngàn như chơi. Mới trên hai mươi tuổi, Hồng đã trở thành một người giàu có với trái tim nguội lạnh chai lì. Tình cờ nàng có dịp quen với một nội trú Đô Thành. Từ đó mỗi khi có chuyện buồn bực, có khi do sinh lý đòi hỏi, hoặc bát phố mỏi chân, nàng có thói quen tạt vào phòng trực Đô Thành, lựa một nội trú hạp nhãn để rủ đi chơi đi nhảy. Lý do nàng thích chơi với bọn nội trú thật giản dị. Thứ nhất là không sợ bị bệnh hoa liễu, thứ hai bọn chúng đồng một lứa tuổi, ăn nói cười đùa vui vẻ. Tốt nữa là bệnh viện Đô Thành nằm ngay giữa phố, muốn tạt vào lúc nào cũng được. Thế mà thấm thoát đã mấy năm rồi, Hồng sống không cần biết đến ngày mai.
Tình cờ nàng gặp lại Tân, một bạn học cũ. Tân đã từng yêu tha thiết Hồng. Khi biết Hồng không để ý đến mình, chàng tình nguyện đi sĩ quan Đà Lạt, ra trường về Nhảy Dù. Sau mấy năm xông pha chiến trận, chàng bị thương ở đùi được giải ngũ, rồi biệt phái về một quận lỵ xa xôi, hẻo lánh ở miền Trung. Gặp lại Hồng trong một kỳ đi phép, Tân thấy lòng mình vẫn còn yêu thương Hồng say đắm, dù biết dĩ vãng không đẹp của nàng. Trái tim Hồng tưởng đã hóa đá, không ngờ cũng biết rung động trước sự độ lượng của Tân, nàng tìm lại được niềm tin, chấp nhận về làm vợ chàng. Hồng theo chồng về miền Trung, ở một quận lỵ thuộc vùng xôi đậu, ngày quốc gia, đêm cộng sản.
Vài ba tháng sau, bọn nội trú mỗi đứa tan tác một dđường, đứa chọn binh chủng, đứa vào bộ binh, thuyên chuyển khắp bốn vùng chiến thuật, chấm dứt một thời niên thiếu không âu lo để dấn thân vào cuộc đời sóng gió chông gai, hành lý mang theo chỉ có chút lý tưởng xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của đồng loại.
oOo
Lê Bạch cởi vội chiếc masque, nằm vật xuống giường. Chưa được nữa phút, nó đã nhắm mắt ngủ khò. Đã ba ngày rồi, bốn đứa y sĩ giải phẩu của bệnh viện thay nhau làm việc không biết trời trăng. Hai đứa mổ, một đứa lựa thương cấp cứu, đứa còn lại, ăn uống làm vệ sinh tối thiểu, rồi thiếp đi trong chốc lát. Lê Bạch đang say sưa kéo gỗ, tên y tá trực lại lay chàng mấy lần:
- Bác sĩ! Bác sĩ ra phòng lựa thương gấp, bệnh mới về đông lắm!
Lê Bạch mắt nhắm mắt mở vào phòng tắm dội nước ào ào, uống vội cốc cà phê phin pha thật đậm, xong rồi bước nhanh vào phòng lựa thương.
Bệnh về quá nhiều, cả quân lẫn dân, tiếng khóc lóc kêu la, rên rỉ ồn ào. Lê Bạch như một cái máy, vừa khám vừa ra lệnh:
- Ưu tiên I, mổ gấp!
- Ưu tiên II, chuyền nước biển!
- Chuyển trại thằng này, thằng này giả bệnh, chuyển về đơn vị!
Có tiếng tên y tá đầu kia phòng:
- Mời Bác sĩ lại gấp, ở đây có một bà đang bị kích xúc nặng.
Lê Bạch vội vã bước đến, người đàn bà băng bó đầy ngực, máu đỏ thấm qua lóp băng, gương mặt đầy đất cát. Lê Bạch cầm tay, mạch yếu quá, vội gọi:
- Huyết thanh, thủ tục chuyền máu!
- Dạ, huyết thanh vừa hết, máu đâu có còn nữa từ hôm qua!
- Nước biển vậy, vào gấp!
Khó khăn lắm Lê bạch mới tìm ra tĩnh mạch, nước biển chảy từ từ.
- Bạch, Bạch đó hả? Tiếng người đàn bà kêu yếu ớt. Lê Bạch ngạc nhiên cúi nhìn. Chàng lau vội đất cát trên mặt người đàn bà:
- Trời ơi, Hồng! Sao ra nông nỗi này?
Hồng mấp máy môi:
- Tân đâu rồi? Ráng cứu Hồng với, Hồng chưa muốn chết đâu Bạch ơi!
- Không sao đâu, để giải phẩu cầm máu lại ngay.
Viên y tá khẽ nói: - Áp huyết xuống thấp quá, hầu như không còn nữa.
Bạch ôm lấy đầu Hồng, biết không còn cách gì nữa. Hồng mở mắt thất thần, môi tái xanh, mấp máy như muốn nói điều gì, tay nàng đang nắm tay Bạch, chợt lỏng dần, lỏng dần...
Lê Bạch thẩn thờ đưa tay vuốt mắt nàng, ngồi sững như tượng đá, nước mắt chảy dài trên má lúc nào không hay, cho đến lúc viên y tá đến gần nói khẻ:
- Bác sĩ, Bác sĩ, vào phòng mổ gấp. Bác sĩ Châu sắp xỉu đến nơi rồi.
Ngân Uyển.
( Tập San Y Sĩ) 1989