watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Việt Sử Tiêu Án ( 1775 )-Nhà Lý - tác giả Ngô Thời Sỹ Ngô Thời Sỹ

Ngô Thời Sỹ

Nhà Lý

Tác giả: Ngô Thời Sỹ

THÁI TÔN HOÀNG ĐẾ
Tên là Phật Mã, con trưởng vua Thái Tổ, ở ngôi 27 năm. Khi sinh ra vua có tướng lạ, lại có nhiều điềm tốt, khi còn nhỏ, bắt lũ trẻ đi dàn hầu ở trước sau, như nghi vệ các quan theo hầu Vua. Thái Tổ trông thấy nói: "Con nhà làm tướng thì nên tập việc quân, dùng gì đến việc dàn hầu ấy". Khi lên ngôi vua, đánh đâu được đấy. Nhưng mà làm việc gì cũng theo lễ, người ta vẫn chê.
Niên hiệu Thiên Thành thứ hai, nhà Tống sai Đồng Dĩnh sang điếu tang và lễ, phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương.
Vua khởi công làm điện Thiên Khánh, để làm nơi xét chính sự. Định ra mũ, áo cho các công, hầu, văn, võ quan.
Vua đi đến Đỗ Động, cầy tịch điền. Có người nhà nông dâng vua một gốc lúa chiêm có một bẹ sinh ra 9 bông, Vua xuống chiếu cải tên ruộng đó là ứng thiên.
Đời nhà Lý rất trọng việc làm ruộng, năm nào Vua cũng có đi xe, cấy, xem gặt, đủ rõ chính thể của nhà Lý.
Vua thân đi đánh, hạ được Đinh Nguyên. Khi kéo quân về đóng ở Chân Đăng, Đào Đại Nương đem tiến người con gái, Vua lấy làm cung phi, rồi cho đi về.
Xuất quân ra mà rước con gái về, chả còn oai vũ gì nữa.
Vua xuống chiếu cho quần thần khi nói việc nước trước mặt Vua, thì gọi vua là Triều Đình. Thiên tử tự xưng là Trẫm, là Dư nhất thân, thế mà vua Thái Tôn bắt quần thần gọi mình là Triều Đình, Thánh Tôn tự xưng là Vạn Thặng. Cao Tôn bắt người ta gọi là Phật, danh đã không chính, nên lời nói không thuận.
Vua sai sứ sang Tống biếu con voi đã dạy thuần thục, nhà Tống cho giả lại bằng kinh Đại Tạng.
Niên hiệu Thông Thụy thứ nhất (bấy giờ có 2 vị sư Nghiêm và Phạm thiêu mình, thành ra thất bảo, xuống chiếu để thất bảo ấy vào chùa thờ cúng, nhân có việc lạ ấy mới đổi niên hiệu) chế ra cái mũ kim bát giác tiêu giao, (lối chế thế nào không xét đâu được).
Khi Vua thân chinh đánh Ái Châu, trong lúc ban yến cho các tướng súy và quan hầu gần ở hành cung, mật chỉ vào Nguyễn Khánh mà bảo phi tần rằng: "Khánh tất làm phản". Phi tần hỏi có gì, vua nói: "Vì y trông thấy trẫm có vẻ mặt hổ thẹn, lời nói và cử chỉ trái khi bình thường, nên biết y có lòng bất trắc". Quả nhiên Phụng Kiền Vương báo tin Khánh mưu phản, phi tần kinh sợ nói: "Đúng như câu thánh nhân biết trước được các việc chưa xảy ra".
Đúc chuông chùa Trùng Quang. Khi đúc xong không cần đến nhân lực, tự nhiên chuông đi đến chùa được.
Phàm các vật hình tròn thì lăn đi được, chuông đi được là vì hình tròn; cây gỗ tròn đẩy đi cũng thế, có gì lạ; việc này cùng việc bụt mọc đều do bọn tăng chúng nó đặt ra đó thôi.
Vua cải tên Hoan Châu là Nghệ An
Vua lập đền thờ Hoằng Thánh Đại Vương.
Vua lấy cớ nha Đô Hộ có nhiều việc án bất ngờ, muốn cho rõ chân tình, vẫn đốt hương kêu cầu, có một đêm nằm mộng thấy vị sứ áo đỏ vâng sắc Thượng đế cho Phạm Cự Lạng làm chủ ngục, và hỏi rằng: "Có phải vị Thái úy của vua Lê Đại Hành đó chăng?". Khi thức dậy, phong Cự Lạng là Vương tước, lập đền ở phía tây nam, tuế thời thờ cúng.
Sử thần bàn rằng: Trong lòng không nghĩ gì mà tự nhiên nằm mộng, mới là chính mộng, lòng mình có nghĩ đến việc ấy, mà hốt nhiên có mộng, gọi là mộng nghĩ ra. Cự Lạng đã nhị tâm trong khi triều đình thay đổi vua, nếu ở nơi âm ty mà bị Đinh Điền và Nguyễn Bặc tố cáo, thì tự mình không trả lời nổi cho mính, còn xét việc án nghi ngờ thế nào được; sắc của Thượng đế, và vị sứ áo đỏ, việc có chăng hay là không có? Mộng của vua Thái Tôn thật không đáng tin, thế mà người đời sau vẫn thờ phụng, thật là mê hoặc.
Vua ta cày tịch điền ở cửa Bố Hải(4), xây đền thờ vua Thần Nông. Người tả hữu Vua nói rằng: "Cầm cái cày đi cày ruộng là việc con nhà nông, Vua không làm việc ấy". Vua nói: "Không làm thì không xướng xuất cho người ta được". Vua đẩy cái cày ba lần ròi thôi. Vua tự làm tướng đi đánh bắt được Nùng Tồn Phúc, duy có vợ nó là A Nùng và con là Trí Cao chạy trốn thoát.
Tồn Phúc là thủ lĩnh đảng Nùng, giết em nó là Tồn Lộc và em vợ là Dương Đạo, thôn tính cả đất, sắm sửa giáp binh, không nộp cống cho triều Lý; đổi châu nó ở gọi là Trường Sinh Quốc. Hà văn trinh tâu rõ tình trạng lên Vua biết, Vua thân hành đánh giặc, khi quân sang đò Lãnh Kinh, có con cá trắng nhảy vào thuyền. Tồn Phúc ẩn nấp ở trong núi và đầm sâu, quân đuổi theo bắt được.
Vua từ Quảng Nguyên ban sư về, xuống chiếu nói: "Từ khi trẫm có đất nước đến giờ, các xứ xa lạ đều xin làm tôi, Tồn Phúc dám đem lòng phản bội, tụ hợp quân ong kiến làm hại dân chúng ngoài biên giới, ta thấy trời đánh kẻ có tội mà bắt được nó". Vừa lúc đó động Vũ Kiến dâng một khối vàng sống, Châu Định Biên nói rằng, ở núi có khí bạc hiện lên, bấy giờ quần thần xin cải niên hiệu là Kiền Phù Hữu Đạo, và tôn hiệu Vua 8 chữ là "Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục". Vua nói: "Đời Đường, Ngu chỉ vẽ cái hình xuống đất mà không ai dám phạm vào, không phải đánh mà khuất phục được quân địch, vì thế nên các ngôi sao không trái phương hướng, mưa to, sét lớn không bị mê muội, có chim phượng hoàng đến chầu, các man mọi theo phong hóa. Trẫm nay tư chất hèn mọn, kém đức, mà ở trên thần dân, có đạo đức gì thấu đến trời đất, mà sánh được với Nghiêu , Thuấn, thế mà giặc Nùng bình được, Chiêm Thành qui phục, trong động sinh ra vàng, dưới đất chảy ra bạc; không biết cớ sao lại được đến thế, hay là trời muốn cảnh báo trẫm đó chăng? Trẫm rất sợ hãi, tấu nghị của các khanh nên bãi bỏ đi". Quần thần cố kêu nài, mới nhận lời.
Vua xuống chiếu lấy gấm (gấm của Tống) đã có sẵn ở Nội phủ ban cho quần thần.
Trước vua bắt dạy cung nữ dệt gấm vóc, bây giờ dệt xong, mới đem hết cả gấm Tống ra may áo (quan từ ngũ phẩm trở lên thì được áo gấm, từ cửu phẩm trở lên được áo vóc) tỏ ra là không phải nhà Vua dùng riêng.
Người nước ta ưa chuộng gấm vóc, đồ dùng của người Tàu; mỗi năm có tàu buôn đến, thì hao tổn tiền không biết đâu mà kể; có biết đâu rằng trong đời Hồng Đức những đồ mâm, bát, bình, chén dùng ở trong cung vua, đều là của nước ta chế tạo, không thấy nói lấy đồ của Tàu làm quí. Đồ dùng của nước ta tinh xảo chả kém gì Trung Hoa, cứ cho mẫu mà bảo thợ chế tạo, thì sao lại chả tinh xảo được? Đó là một cách bỏ thói xa xỉ, làm cho nước giàu. Xa nữa thì nên bắt chước vua Lý Thái Tôn, gần thì lấy đời Hồng Đức làm mẫu mực.
Vua xuống chiếu: "Các việc từ tụng trong nước hết thảy ủy cho Khai Hoàng Vương quyết định, lấy điện Quảng Vũ làm nơi xét xử kiện tụng".
Bấy giờ việc hình phục phiền nhiễu, các quan giữ pháp luật chỉ cốt dụng ý thâm độc và khổ khắc, nhiều việc oan uổng vua lấy làm thương đau, sai quan Trung Thư định ra luật lệnh, châm chước vừa phải với thời, chia ra mộn loại, biên thành điều mục, làm riêng hẳn thành hình thư của đời ấy, khi ban hành, dân lấy làm tiện lắm. Từ đấy pháp luật xử kiện rất là minh bạch, mới lấy năm ấy làm niên hiệu Minh Đạo thứ 1, đúc ra đồng tiền Minh Đạo. Vua lại định lệ cho thục tội, những ngưỡi tuổi từ 70, 80 trở xuống, cùng những người tật bệnh yếu đuối, người cư tang từ 1 năm mà có phạm tội thì cho thục tội; duy kẻ phạm vào tội thập ác thì không tha.
Đời nhà Chu có hình pháp bát nghị và tam xá. Lời chiếu này của vua Thái Tôn có thể nói là có lòng bất nhẫn; duy Thái tử ở trong cung thì làm Giám quốc, đi ra ngoài là Phủ quân, việc xét tự tụng không phải là chức sự của Thái tử.
Vua cho tô hơn 1000 pho tượng Phật, khánh thành, đặt hội La Hán ở trong sân rồng. Đại xá, tha những người bị tội phát lưu.
Vua xuống chiếu các thứ thuế của dân nộp vào công quỹ 10 phần lấy riêng ra một phần, gọi là hoành đầu, cũng như hiện nay ngoài số thuế có tiền bút chỉ.
Nùng Trí Cao lại chiếm cứ châu Thảng Do, đổi tên châu ấy là Đại Lịch quốc, Vua sai quân đi đánh, bắt sống Trí Cao đưa về kinh đô. Vua thương y có anh và cha đều bị giết, nến tha tội cho y, lại được làm quan ở Quảng Nguyên (nay là Quảng Uyên)(5) như cũ, lại thêm cho các động Lôi Hỏa, Bình An và cho được mang ấn.
Trí Cao là tên gian ác, theo lốt phản bội cũ của cha anh nó, đã tha tội, lại còn cho thêm đất, sự thưởng và phạt thật không có pháp luật gì. Đến lúc nó làm rối ở biên giới, thì lại bảo nó là việt trợ cho nước láng giềng, có khác gì thả con hổ cho cắn người ta, rồi sau lo cứu dần dần; là vì mê đắm về lòng nhân nhỏ mọn của nhà Phật, mà quên mất đại nghĩa làm việc nước đó.
Vua xuống chiếu: "Có người nào ẩn giấu người Đạn Nam thì bị tội".
Triều Lý tra xét số nhân khẩu rất là tường tế, nghiêm ngặt; dân đinh đến 18 tuổi thì biên vào sổ vàng, gọi là hoàng nam, 20 tuổi gọi là đại nam; quan, chức, đô chủ quản, cấm quân, chỉ được nuôi một tên hoàng nam làm đứa ở, nếu có ẩn giấu người đại nam thì quan, chức, đô 3 người ấy bị tội như nhau.
Vua bảo các người tả hữu rằng: "Tiên đế thăng hà đã 16 năm nay, nước Chiêm Thành chưa có cho một sứ thần nào sang nước ta, có phải là oai đức của Trẫm chưa đến nước ấy, hay là chúng ta cậy có núi sông hiểm trở đó chăng?. Quần thần thưa: "Đức tuy đã có đến chúng mà oai chưa được rộng". Vua cho là phải.
Vua xuống chiếu đóng tàu chiến tên là Long, Phụng, Ngư, Xá; gặp lúc ấy cái thuẫn (lá chẵn) của vua ở điện Trường Xuân tự nhiên rung động, Vua mới xuống chiếu cho quần thần hội bàn, đều nói: "Cái thuẫn là binh khí, chim loan bay lượn trước khi có gió, đá đổ mồ hôi trước khi có mưa. Nay sắp đánh Chiêm Thành mà cái thuẫn tự động trước, đó là thần và người hợp ý nhau, nên vật loại tương ứng như thế, chả còn nghi ngờ gì nữa". Vì thế Vua chinh đi đánh Chiêm Thành, quân đóng ở cửa biển Đại Ác sóng gió im lặng, quân đi qua cửa biển được thuận lợi, Vua xuống chiếu đổi cửa biển ấy làm cửa Đại An. Đi đến núi Mi Cô, có đám mây đỏ nâng đỡ mặt trời, đi qua vịnh Hà Não, có đám mây che trên thuyền ngự. Trong ngày ấy nhờ có gió vượt qua được 2 bãi cát dài, đi thẳng đến cửa biển Tư Dung (có tên là Ô Long, thuộc huyện Hương Trà, đất Thuận Hóa, eo biển hiểm ác, núi non khuất khúc, rất cao. Vua Trần Nhân Tôn gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm, thuyền đậu ở đó, nhân thế đổi tên gọi là Tư Dung. Sau Mạc Đăng Dung lấy cớ đồng âm với tên y, lại cải tên là Tư Khách, cửa đó tức là cửa Thuận An ngày nay), có con cá trắng nhảy vào thuyền ngự. Được tin Chiêm Thành bầy trận voi ở nam ngạn sông Ngũ Bồ, Vua sai bỏ thuyền lên bộ mà đánh, quân Chiêm tan vỡ, Quách Gia Di chém vua nó là Xạ Đẩu đem dâng, vua kéo quân vào thành Phật Thệ, bắt cung nữ của Xạ Đẩu, kén lấy người nào giỏi hát và biết múa điệu khúc Tây thiên. Quân về đến Lý Nhân, triệu Mị Ê là vợ Xạ Đẩu lên hầu Vua. Mị Ê từ chối nói: "Tôi là đàn bà quê, vợ tên mán mọi, không được bằng Cơ Khương, gặp buổi nước mất, chồng chết, tự phận chỉ còn một cái chết nữa thôi". Lập tức lấy chăn quấn mình rồi nhảy xuống nước mà chết. Vua khen là người trinh tiết, phong cho làm Hiệp chính Hựu thiện phu nhân (cư dân ở nơi bà ấy chết, cứ đêm nghe có tiếng khóc ở bên sông, ngày một thấy rõ linh ứng, mới lập đền thờ ở nơi ấy). Vua về đến kinh đô đem tin thắng trận cáo Thái miếu, ban tiệc rượu thưởng công. Quần thần dâng tôn hiệu lên Vua, và xin đổi niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ. Mùa đông năm ấy lại được mùa lớn, Vua xuống chiếu nói: "Vì đưa quân đi đánh nơi xa, làm ngăn trở việc nhà nông, có ngờ đâu lại được mùa lớn. Vậy tha cho dân một nữa thuế phải nộp, để vui lòng những người lặn lội xa xôi".
Vua cho đặt ra nhà trạm Hoài Viễn ở bờ sông Gia Lâm, để làm nơi nghỉ cho sứ thần ngoại quốc (tức nhà sứ thần quán Gia Quát ngày nay).
Vua sai chế ra cái xe Thái Bình, sơn thếp bằng vàng mui xe lợp lụa bắt voi kéo.
Vua sai Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao.
Tổ tiên Ai Lao là người đàn bà, tên là Sa Đài, trên núi Lào, lội xuống nước bắt cá, xúc chạm vào cây gỗ chìm, rồi có mang thai, sinh ra con trai, sau cây chìm đó hóa ra con rồng ra sông. Nhân vì con rồng liếm vào lưng con trai ấy, người trong bộ lạc đều nhấn vẽ vào thân, giống như áo vẽ rồng. Đời Vĩnh Bình nhà Hán, vua nước ấy là Hiền Lật Liễu Báo, xin phụ thuộc vào Trung Quốc, bấy giờ mới thông hiếu với nước Tầu. Vua Minh Đế đặt đất ấy làm 2 huyện Ai Lao và Bác Nam (tức là Vân Nam). Đất đó có rất nhiều bộ lạc, đều gọi là Lào. Tục xứ đó lấy vải quấn quanh mình, rồi vào chùa để tránh quân thù, không có chữ nghĩa, chỉ lấy lá cây ghi các việc.
Nùng Trí Cao chiếm cứ động Vật Ác làm phản, vua đánh không được.
Trí Cao chiếm cứ châu An Đức, tiếm xưng là Nam Thiên Quốc, đổi niên hiệu là Cảnh Thụy, liền đến cướp Ung Châu của nhà Tống, bắt được người Tống và Nghiên Mân, được biết hư thật của Trung Quốc. Mân bảo Trí Cao xin nội thuộc Tống, dâng biểu cống các sản vật, khi bấy giờ Tống đương hòa thuận với nước ta, lấy cớ Quảng Uyên là đất thuộc nước ta, từ khước không nhận. Trí Cao bên ngoài thì xin nội thuộc Tống không được, nói đổ là bị nước ta đánh riết, nhân thế đem đồ đảng mưu cướp đất biên giới Tống. Một hôm y đốt hết sào huyệt, nói dối dân chúng rằng: "Của chức góp bao lâu nay, bị trời đốt hết, không còn gì để sống nữa, cùng kế lắm rồi, phải đánh lấy Châu Ung nước Tàu mà làm vua". Nói rồi y liền đốc xuất quân đánh Ung Châu. Trí Cao chỉ muốn làm thuộc quốc của Tống, để chống cự nước ta; đến khi quẫn bách quá, lại sinh lòng cắn trộm để cầu may. Lấy được Ung Châu rồi, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Khải Lịch. Đất biên giới Tống được hưởng thái bình đã lâu, không phòng bị gì, cho nên Trí Cao đánh một trận đã được to, đến đâu cũng đều đắc chí; người Tống lo lắm. Địch Thanh khảng khái xin đánh, vua Tống cho làm Tuyên Huy sứ, nhậnt tiết việc đi đánh. Trí Cao cự chiến bị thua, mới đốt thành, đương đêm trốn chạy sang phủ Đại Lý, quan ở phủ Đại Lý chém đầu Trí Cao đóng hòm dâng lên vua Tống. Họ Nùng tuyệt diệt. Trước vua Lý xin với Tống đem quân trợ chiến, vua Tống đã cho. Địch Thanh nói: "Nhờ quân nước ngoài để trừ nạn trong nước, không phải là kế hay. Có một Trí Cao, mà hai tỉnh Quảng không đủ lực đánh nổi phải nhờ quân nước ngoài, nếu nước ngoài ấy lại làm phản thì lấy gì chống đỡ?". Vua Tống xuống chiếu đình chỉ viện binh của nước ta. Đến khi Trí Cao bại, mẹ nó là A Nùng lại thu nhặt dư chúng vào cướp, nhà Tống sai Duy Tĩnh đánh úp giết được, từ đấy hai động Vật Ác và Vật Dương lại thuộc vào Tống.
Vua sai đặt ra đàn Xã tắc, để 4 mùa cúng tế cầu cho được mùa.
Vua đặt ra tùy xa Long Quân (đạo Long Quân theo xe vua).
Vua sai đặt cái chuông lớn ở sân rồng; dân có sự oan ức gì thì đánh chuông ấy lên, để thấu đến tai vua.
Có con rồng vàng hiện ra ở Thụy Minh Các, quần thần đến mừng Vua, thầy Tặng Pháp Ngữ nói:
"Rồng thì bay ở trên trời, nay hiện ra ở dưới là bất thường".
Nhà Lý rất thích điềm tốt lành, cho nên quần thần đời ấy chiều chuộng phùng nghinh; có một con thú lạ, bảo là con lân, thì vẽ vời cho rõ ra lân; một cây cỏ lạ, bảo là cỏ chi, lại vẽ vời cho thành ra cỏ chi. Xem sử một đời vua Thái Tôn, thấy chép có vị Phật Quang, chép thần hiện ra, chép có hoa ưu đàm nở, và chép mưa ra thóc ở thềm điện, còn nhiều hơn nữa. Nếu có Pháp Ngữ thường luôn ở đó, tất không có các điều ấy.
Vua mất, miếu hiệu là Thái Tôn, Thái tử lên nối ngôi vua, cải niên hiệu là Long Thụy thứ nhất.
THÁNH TÔN HOÀNG ĐẾ
Vua tên là Nhật Tôn, là con trưởng của vua Thái Tôn, ở ngôi vua 17 năm.
Vua khéo cư xử, nối được nghiệp, đáng gọi là vị vua tốt, nhưng có việc xây tháp Báo Thiên làm mệt sức dân, làm cung Dâm Đàm phao phí của dân, đó là điều sở đoản.
Niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ hai, mùa đông rét lắm, Vua bảo người chung quanh rằng:
"Trẫm ở thâm cung, đốt than, mặc hồ cừu mà còn rét khổ đến thế này, nghĩ đến tù nhân ở trong ngục thất, bị gió rét thế nào. Vậy bắt phải cung cấp cho đủ chăn chiếu và đồ ăn uống".
Sử thần bàn rằng: Vua Thánh Tôn ở đông cung 27 năm, biết hầu hết những sự khổ sở của người ta, ẩn tình ở dân gian, đến khi lên làm vua, nhân có rét mướt mà thương kẻ tù giam, suy lòng yêu con mà xét đến các việc án oan uổng (Vua ngồi ở điện xử án, công chúa hầu ở bên, Vua chỉ bảo quan coi việc án rằng: "Ta suy lòng yêu con ta, để làm cha mẹ dân, người dân không hiểu biết, thì nên khoan tha cho". Khuyên dân làm ruộng trồng dâu, chẩn cấp kẻ bần cùng, chấn chỉnh việc văn, xét duyệt võ bị, các chính sự tốt, trong sử chép luôn luôn. Vua tôi thân yêu nhau, không có sự cách biệt, cho nên thông hiểu dân tình, không bị ai che lấp, thật là hiền quân đời Lý, cũng là do vua Thái Tôn dạy con có phương pháp đó.
Vua sai xây tháp Báo Thiên 12 tầng, cao vài mươi trượng (có tên gọi là Đại thắng tư thiên bảo tháp, tục truyền: An Nam tứ khí, là tháp Báo Thiên, Chùa Quỳnh Lâm, cái vạc Phổ Minh, chuông chùa Quy Điền).
Vua ra lệnh các quan vào chầu phải đội mũ bộc đầu, đi giày da (vào triều đội mũ đi giày từ đây).
Vua định quân hiệu, gọi là: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điệp, Phủng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, và Vạn Tiệp, quân lính đều thích vào trán chữ Thiên tử quân.
Chế độ binh lính của nhà Lý đại lược theo quân Phủ vệ của nhà Đường, quân Cấm sương của nhà Tống, mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết hạn canh lại về quê làm ruộng, quan không phải cấp lương, duy có người trưởng cấm quân theo hầu chực tức vệ, được cấp cho 10 bó lúa, 1 tấm vải, cho ăn gọi là đại hòa, cấp cho lúa mạch gọi là chiêm mễ. Không có phí tổn nuôi lính, mà có công hiệu dùng sức lính, cũng là chế độ hay.
Tuổi Vua đã cao (40 tuổi), mà chưa có con, nhân đi du quan đến làng Thượng Lỗi(6), thấy một người con gái hái dâu đứng nấp trong đám cỏ gianh, lấy về làm vợ, đặt tên là Ỷ Lan phu nhân, đến chùa hành hương, có mang sinh ra Kiên Đức (có thuật đầu thai thác hóa của Nguyễn Bông).
Vua cấp bổng liền cho quan Sĩ sư Ngụy Trọng Hòa, Đặng Thế Tư và các ngục lại, để nuôi lòng liêm khiết.
Sử thần bàn rằng: "Dương Chấn từ khước vàng, Ôn Tẩu từ chối tiền, người đời có mấy người được như thế. Nếu không được thế, thì nghèo túng tất sinh lòng tham, cũng là thường tình, mà cho ra làm việc dân, đó là cho lăng chăn dê, đưa vịt nuôi chim ưng. Kinh Thư có câu: "Có được giàu mới cho làm quan, cho nên rút bớt số quan mà cho có lương bổng là việc cần lắm".
Chân Dăng dâng con voi trắng, Vua cho là điềm tốt, cải niên hiệu là Thiên Huống Bảo tượng. Xưa kia vua Hiếu Tĩnh nhà Nguyên Ngụy bắt được con voi lớn ở Nam Duyện, thì đổi niên hiệu là Thiên Tượng, ngày nay niên hiệu Bảo Tượng của Thánh Tôn cũng giống như thế; cái bệnh thích điềm tốt đến thế đó.
Vua thân đi đánh nước Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ giải về. Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lí (nay là Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), Ma Lệnh (nay là Minh Linh, tỉnh Quảng Bình), để chuộc tội, Vua tha Chế Củ được về nước. Vua đánh Chiêm Thành lâu lắm không hạ nổi, nghe tin bà Nguyễn Phi giúp việc trong cung cấm, mà lòng dân hòa vui, liền nói rằng: "Một người đàn bà mà làm được như thế, đánh Chiêm Thành mà không hạ được, thì bọn con trai ta dùng làm gì được". Lại đi đánh nữa, mới thu phục được.
Vua sai sửa sang Văn Miếu, tô tượng Khổng Tử và Chu Công, thờ cúng đủ bốn mùa.
Có nước đã ba triều vua, mới sửa sang nhà học, chỉ cần có tượng Phật và kinh Phật thôi.
Vua mất, miếu hiệu là Thánh Tôn. Thái tử lên nối ngôi vua, mới 7 tuổi, mẹ đẻ là Ỷ Lan Lê Thị.
NHÂN TÔN HOÀNG ĐẾ
Tên là Kiên Đức, con trưởng vua Thái Tôn, làm vua được 56 năm. Trong đời vua nước lớn phải kiêng sợ, nước nhỏ mến phục, thần thì giúp, người vui theo, đời được thái bình, có thể khen là vị vua tốt, tiếc rằng tôn sùng đạo Phật và thích điềm tốt quá lắm, là điều đáng chê trách.
Niên hiệu Thái Ninh thứ hai, Hoàng thái hậu là Dương Thị cùng dự việc chính trị giúp Vua; mẹ đẻ Vua là Lê Thị kêu ca với vua rằng: "Mẹ già sinh dưỡng khó nhọc, mới được có bấy giờ, mà người khác được hưởng phú quí, vậy xử trí cho mẹ già sao đây". Vua còn nhỏ tuổi không biết xét đoán ra sao, liền ép bà Hoàng thái hậu phải chết theo vua Thánh Tôn.
Quan Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị Đại phu ra trấn Nghệ An.
Con chim sẻ trắng đậu ở sân cung cấm.
Tiền Lý thích điềm tốt thành bệnh nghiện, ai ai cũng xu my như điên, con qui, con hươu cũng tự cho là điềm tốt, giống gì cũng đều là điềm tốt cả. Khảo cứu một bộ sử triều Lý, cả trước sau gần 50 lần chép tường thụy, lớn nhỏ gần 30 chục bài chép về việc Phật, việc tầm thường nhỏ mọn chả có gì đáng là điềm tốt, thuyết không hư tịch diệt chả đáng giáo lý, không quan hệ gì đến chính trị, lại còn làm hại luân thường, tên các người quê hèn, đàn bà hóa, các việc tắm bụi, nuôi sư, nhất nhất chép cả vào sử, cách chép sử như thế đó sao? Than ôi! Nói về tường thụy bắt đầu từ khi có con sẻ trắng, rồi lại đến truyện con sẻ trắng là hết đời, vậy thì chép con sẻ trắng đó, gọi là yêu quái cũng được.
Vua cho các công thần đến 80 tuổi thì cho được chống gậy và ngồi ghế ở trong triều đình.
Vua mới tuyển các người minh kinh và bác học, lại thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh (người làng Đông Cứu, huyện Gia Định)(7) được dự tuyển, được tiến vào chầu Vua giảng học.
Vua sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản lạnh 10 vạn quân chia làm 3 đạo sang xâm lấn đất Tống (1 đạo đi từ Quảng Châu, 1 đạo đi từ Khâm Châu và 1 đạo đi từ Côn Luân). Khi bấy giờ nhà Tống dùng Vương Anh Thạch, là người thích cầu công ở biên giới, quan Tri Châu Ung là Thẩm Khởi theo ý An Thạch, lập mưu xâm lấn đất nước ta, muốn kiếm chuyện để lấy cớ mà dụng binh, mới cấm các châu huyện không được buôn bán với dân ta. Vua ta giận lắm, xuống chiếu cho Lý Thường Kiệt đưa quân đánh hãm Khâm Châu và Liêm. Quan Đô giám Quảng Tây, nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu viện, Thường Kiệt đón đánh ở Côn Luân, chém Thủ Tiết tại trận. Tôn Đản tiến quân lên vây Ung Châu, quan Tri châu là Tôn Giàm hết sức cố giữ thành, quân ta lấy túi chứa đất xếp đống ở chân thành mà trèo lên, Giàm phải tự đốt mà chết, thành bị hãm, (Giàm bắt 36 người nhà y đều chết trước, cho xác chết xuống cả một hố, rồi mới tự đốt mình, người trong thành cảm nghĩa khí của Giàm, không một người nào chịu hàng, chết gần 10 vạn người, nhà Tống truy tặng cho Giàm là Trung dũng). Thường Kiệt thắng trận, ra tờ bố cáo nói: "Vì nghe Tống thi hành phương pháp "Tham miêu" làm khổ cho dân, nên ta phải ra quân, là muốn cứu vớt dân". An Thạch thấy thế càng giận lắm, cho Triệu Cao làm Chiêu Thái sứ, cho Quách Quỳ là người lão luyện về công việc ở biên giới, làm phó sứ, hiệp cùng nước Chiêm Thành và Chân Lạp đếm xâm lấn đất nước ta. Thường Kiệt đón đánh tan ở sông Như Nguyệt, Quách Quỳ phải rút lui, lại lấy mất các châu Quảng Nguyên của ta, vua ta sai Đào Tôn Nguyên ra đưa con voi đã dạy thuần rồi cho nhà Tống, để xin lại đất Quảng Nguyên và dân mà Tống đã dắt voi về. Nhà Tống hẹn với nước ta nếu trả lại hơn nghìn dân Châu Ung đã bắt làm tù binh, thì sẽ trả hết đất ở địa giới nước ta, Vua ta ra lệnh chỉ trả độ 200 người, trai thì thích vào trán chữ "Thiên tử binh" gái thì thích vào tay tả chữ "quan khách" cho xuống thuyền chở đi, lấy đất trát kín cả các cửa sổ, trong thuyền đốt nến, làm cho không biết rõ lúc nào là ngày và đêm, đưa đi đường biển, vài tháng mới về đến nơi. Người Tống giận việc đó lắm, nhưng đã trót hẹn, nên giả 4 châu về cho nước ta.
Nhà Tống lấy được châu Quảng Nguyên, đổi tên là Thuận Châu, cho Đào Bật làm Tri châu. Bật bị chết ngay. Quan quân cũng có nhiều người chết vì chướng khí, nên Tống chán lắm, khi ấy nước ta trả lại tù binh châu Ung và Liêm nên cùng giả đất lại cho nước ta. Tống có câu thơ: "Vì tham voi Giao Chỉ, để mất vàng Quảng Nguyên" là chỉ vào việc biếu voi để xin lại đất này đó.
Tương truyền: Khi Thường Kiệt đánh Tống, cắm trại dựa theo sông Như Nguyệt, có một đêm nghe có tiếng đọc to rằng: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Có 2 anh em tướng quân họ Trương, một người tên là Hống, một người tên là Hát đều là danh tướng của Triệu Việt Vương, sau khi mất thường có linh ứng, các triều trước phong cho vương tước. Lúc ấy có công lui được quân Tống, vua Lý phong cho một vị là Khước Dịch Đại Vương đền thờ ở sông Long Nhỡn Tam ký, một vị là Cảm Linh Đại Vương, đền thờ ở sông Như Nguyệt.
Sử thần bàn rằng: Nước ta đánh nhau với quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, việc đã lâu rồi, sau này vua Ngô Tiên Chúa đánh Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành đánh trận Lạng Sơn, vua Trần Nhân Tôn đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến. Còn đến đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung Liêm này thật là đệ nhất võ công, từ đấy người nước Tầu không dám coi thường chúng ta, đến những đồ cống, hình thức thơ từ, không dám hà trách, chỉ sợ lại sinh ra hiềm khích. Đến thơ từ của nước ta đưa cho Trung Hoa chỉ dùng có hai tấm ván sơn đen, liệt tên vài vị đại thần dùng ấn tín Trung thư môn hạ mà đóng vào, thế thì triều Lý được trịch với Tống nhiều lắm.
Quan Thái sư Lý Đạo Thành mất. Khi trước bà Thái hậu Linh nhân tham dự việc triều đình, Lý Thượng Cát cậy là quan Ngự vũ cùng tham dự chính sự, Đạo Thành không hợp ý với Thượng Cát, liền xin bổ ra làm quan ngoài; Đến khi ông lại vào phụ chánh, kết sức trù hoạch, được nhiều điều bổ ích cho việc trong triều và ngoài biên giới. Nay ông mất đi, ai cũng tiếc.
Lê Văn Thịnh đi sang triều đình Tống bàn việc cương giới. Văn Thịnh đi đến Quảng Tây, hội nghị với Thành Trác triều Tống, việc gì cũng ủy khúc, không có biện bạch, lấy lý giải quyết dần, có câu nói bồi thần tranh chấp, vua Tống khen là cung thuận, ban cho áo và đai, nhân thế giả cho nước ta Bảo Lạc 6 huyện Túc Tang 6 động. Văn Thịnh thung dung chu toàn, không cần phí lời, mà làm vua Tống phải khen, giả cho 6 huyện đã bị xâm chiếm, thật là vị sứ thần giỏi.
Vua cho thì các người có văn học trong thiên hạ, để xung vào làm quan viện Hàn lâm, Mạc Hiển Tích được trúng tuyển, vua xuống chiếu cử ông làm chức Học sĩ.
Vua lập nên Bí Thư Các và định ra việc thu thuế, mỗi mẫu 3 thăng lúa, để cấp lương cho quân. Lê Văn Thịnh mưu làm phản, bị an trí ở Thao Giang. Văn Thịnh có người thầy tớ là người nước Đại Lý, biết biến hóa kỳ thuật; khi ấy ông làm chức Tam công cầm quyền chính trong nước, liền manh tâm khởi loạn, gặp khi Vua đi chơi hồ Dâm Đàm (Tây hồ), ngự trên thuyền xem cá, hốt nhiên khởi lên đám mây đen, trong đám tối mờ nghe có tiếng chèo thuyền rẽ nước đến gần thuyền Vua, Vua lấy cây giao ném, chốc lát đám mây đen tan mất, trong thuyền thấy có con hổ, người đánh cá là Mục Thận lấy lưới vung ra chụp lên con hổ, thì là quan Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua lấy cớ Thịnh là đại thần có công giúp nước, không nỡ giết, chỉ đem đày ở đầu trại Thao Giang(8) thôi.
Thái hậu phát tiền ở nội phủ chuộc con gái nghèo đem thân cầm bán, về gả cho người hóa vợ.
Khi Thái hậu giữ triều chính, thị nữ có tội gì mà bị giết, việc ấy còn nhẫn tâm làm được, nay mới xám hối làm phúc thì muộn lắm rồi.
Lý Giác ở Diễn Châu biết thuật lạ, có thể biến cây cỏ thành người, âm mưu khởi loạn, vua sai Lý Thường Kiệt đi đánh, Giác chạy sang Chiêm Thành, nói cho biết hết hư thực trong nước, vua Chiêm là Chế Ma Na nhân thế vào cướp nước ta, lấy lại được 3 châu Địa Lý mà Chế Củ đã dâng khi trước. Thường Kiệt đánh được quân Chiêm, người Chiêm lại phải nộp giả lại đất ấy.
Lý Thường Kiệt mất.
Thường Kiệt là tướng tài, nhiều mưu lược lúc nhỏ vì có tướng mạo xinh đẹp, tự thiến, để vào làm Hoàng môn chí hậu, đánh bại được quân Tống, bình được giặc Chiêm, danh vọng, công danh ngày thêm trọng.
Vua đắp đê Cơ Xá.
Vua kén chọn con tôn thất làm con thừa tự. Vua đã cao tuổi, chưa có con thừa tự, nên lập nhiều bà Hậu, làm đàn chay cầu đảo; đến bấy giờ em vua là Sùng Hiền Hầu sinh ra con trai là Dương Úc nuôi ở trong cung, mới 2 tuổi mà thông minh lanh lẹ, Vua rất yêu, xuống chiếu cho lập Dương Úc làm Thái tử. Phu nhân Sùng Hiền có mang thai, vừa lúc vị sư Từ Đạo Hạnh ở núi Thạch Thất đến chơi nhà, nói chuyện về việc cầu tự, vị sư hẹn rằng đến khi sinh tất phải bảo ông trước, đến lúc khó sinh, Sùng Hiền Hầu nhớ tới lời vị sư, sai người đến bảo, vị sư lập tức tắm rửa thay quần áo vào trong chùa Thi Giả mà mất, phu nhân liền sinh con trai, tức là Dương Úc. Núi Thạch Thất ở làng Lật Sài, huyện Yên Sơn(9), cao nhọn xinh đẹp, mọc ở giữa đất bằng. Trong sơn động có vết đầu, lốt chân in vào đá, hình giống vẩy rồng, người ta nói đó là nơi thi giả. Người làng lấy làm lạ, để thây vào trong khám mà thờ, hàng năm cứ ngày 7 tháng 3 là ngày đại hội của xứ ấy, đến năm Vĩnh Lạc, người Minh đốt xác ấy đi, người làng ấy mới tô tượng thờ ngang với vua Thần Tôn. Trong năm Quang Thuận đời Lê, vua sai Nguyễn Đức Trinh cầu tự ở trong động, có điềm lạ là phiến đá bay đến, mang về dâng vua, bà Trường Tạc Thái hậu nằm mộng thấy con rồng vàng chui vào hông phía hữu, rồi sinh ra vua Hiến Tôn, từ đấy mà đi hiển hiện nhiều sự anh linh.
Dã sử nói: Đạo Hạnh là con Từ Vinh, nhà ấy có tiếng là pháp thuật, chứ không phải là cao tăng; xem ngay việc thì giải đầu thai, là chuyện quái lạ, còn cao tăng thì trong lòng sáng suốt, thấy rõ tình lý, tất không đưa pháp thuật làm mê hoặc người ta. Chép sử thì phải bỏ hết sự quái dị, mà chỉ giữ lấy việc thường có, cũng không nên đưa câu chuyện thần quái làm mê hoặc đời.
Thời bấy giờ dân lưu vong ở kinh đô hay ở quê phần nhiều làm nghề trộm trâu bò, nên dân gian cùng quẫn, vài nhà cày chung một con trâu,Vua ra lệnh cấm giết trâu, ai giết một con trâu phải tội 80 trượng.
Vua đi chơi Ứng Phong, xem dân cày ruộng công. Mùa thu năm ấy được mùa, Vua lại đi xem dân gặt lúa.
Bà Ỷ Lan Thái hậu mất, hỏa táng ở Thọ Lăng.
Vua ra lệnh kén chọn hoàng nam người nào khoẻ mạnh xung vào số lính Ngọc giai Hưng thánh.
Vua sai đóng 2 thuyền Cảnh Hưng và Thanh Lan, tập tàu chiến, sửa sang áo giáp và binh khí, vua thân hành đi đánh động Ma Sa. Xuống chiếu nói: "Trẫm nhận lấy cơ nghiệp của tổ tiên, thống trị dân đen, coi dân nào cũng như con đỏ, nên nước khác mến lòng nhân mà quì phục. Dân thần của ta, thế mà tên tù trưởng ấy bỏ cả tuế cống, bất đắc dĩ trẫm phải thân đánh. Vậy lục quân, phải nghe mệnh lệnh của trẫm". Bấy giờ bắt đầu từ Thiên Thu Bộ kéo quân đi; sĩ khí hăng hái lên trăm phần, đánh phá được Ma Sa, bắt tên tù trưởng là Ngụy Phang, rồi hạ lệnh chiêu dụ nhân dân cho về an nghiệp. Khi quân về, khao tướng sĩ, quần thần xin dâng tôn hiệu, đổi niên hiệu là Thiên Phù Duệ Vũ.
Vua cấm dân không được lấy gậy tre, gỗ nhọn đánh nhau.
Vua ra lệnh bắt kẻ trốn tránh, (người đi bắt giữ lại ở nhà riêng, không báo cho quan thì phạt 80 trượng. Các thế gia cướp đoạt kẻ bắt được ấy để làm đứa ở riêng cho mình, thì tội cũng đồng thế). Vua cho chế ra cái ô đi mưa cán không thẳng. Vua cấm không được giết trâu. Trong tờ chiếu nói: "Con trâu là vật hệ trọng cho sự cày cấy, làm lợi cho người không phải ít, mà dám giết để ăn thịt là phải tội".
Nhà Tống trả tên thổ tù làm phản là Mạc Hiền về cho nước ta. Khi ấy Lê Bá Ngọc đánh Quảng Nguyên, bọn phản loạn Mạc Hiền 7 tên trốn vào đất Tống, vua đưa thư sang nhà Tống, nên nhà Tống nghiêm sức bắt trả cho nước ta.
Vua xuống chiếu: phàm đánh người ta đến chết, thì phải tội 100 trượng.
Vua cấm dân gian trong mùa xuân không được chặt cây.
Vua sai Nghiêm Thường sang Tống tạ ân (tạ việc bắt trả Mạc Hiền). Đi đến Quế Phủ, yết kiến ty Kinh Lược, được bảo rằng: Hiện nay Đông Kinh đương đều bắt binh mã đánh nước Kim, lần đi này ngựa trạm, người hầu ở chỗ nào cũng thiếu, không bằng hãy trở về. Thường mới trở về. Năm ấy nước Kim có Ly Phần vây hãm kinh đô Biện, bắt 2 Vua đem về Bắc.
Sao thiên cẩu xa xuống, có tiếng nổ như sấm.
Vua đau, triệu quần thần vào nhận di chiếu, rằng: "Loài sinh vật không có loài gì là không chết, mà người đời ai cũng thích sống ghét chết, Trẫm không cho là phải. Nghĩ như Trẫm khi ít tuổi đã phải chịu cơ nghiệp lớn, biết kính sợ đã 56 năm nay, nhờ Tổ Tôn phù hộ, biên cảnh được yên, nay chết được theo sau Tiên quân là may lắm rồi: Thái tử Dương Úc sẵn có thông minh thành thật, có thể nối được ngôi báu, quan Thái úy Lưu Khánh Đàm nên nhất tâm phò tá, quan Nội thị Lê Bá Ngọc phải phòng bị các điều bất ngờ, đừng bỏ lời Trẫm việc tang thì để 3 ngày thôi, việc táng cần phải sẻn nhặt". Đến ngày hôm sau thì Vua mất, Thái tử lên ngôi vua, Bá Ngọc tuyên thị các quan phải đến ngoài cửa Đại Hưng đợi mệnh, đóng hết các cửa thành, nghiêm cấm cả nội ngoại; một chốc cửa nách phía hữu mở ra, cấm quân đứng sắp hàng ở dưới điện, dẫn quần thần vào sân rồng. Vua sai Bá Ngọc tuyên dụ chỉ rằng: "Tiên đế đã thăng hà, ngôi trời không thể để không được, Trẫm lên nối ngôi, lo lắng vô cùng, các khanh phải nhất tâm giúp Trẫm không những không phụ lòng Tiên Đế, mà cũng là cùng với nước cùng yên hưởng phúc", quần thần lạy mừng ai nấy khóc cả. Vua xuống chiếu cho thiên hạ cứ yên nghiệp làm ăn như cũ
Sử thần bàn rằng: Vua Nhân Tôn có học cao minh, hiểu rõ việc đời, biết nghĩ đến người mất người còn, thấu lẽ tử sinh, xem như mấy câu nói khi sắp mất, không phải người không biết đạo lý không quan tâm đến việc sống chết. Tuy thế, vua Nhân Tông nói ra là người biết rõ đạo, vua Thần Tôn sở hành lại là thất hiếu. Thể lệ để tang ngắn ngày từ Hán Văn Đế nêu ra trước, vì ông học đao Hoàng Lão, việc gì cũng lui một nước, nên mới thành ra có lỗi. Vua Cảnh Đế cũng theo như thế, toại thành việc bất hiếu để lại nghìn đời sau. Vua Thần Tôn còn nhỏ tuổi chưa hiểu lễ, mà quần thần cũng không ai cán gián, sao thế?
_____________________
1) Nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
2) Núi Tiên Sơn, nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
3) Băng Sơn: Nay là xã Dương Sơn huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa.
4)Cửa Bố Hải. tức là Cửa Bo, nay là vùng thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
5) Nay thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. 6) Nay là làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
7) Nay là làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương, Bắc Ninh.
8) Nay thuộc vùng miền tây, tỉnh Thanh Hóa.
9) Nay là chùa Thày, núi Sài Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
Việt Sử Tiêu Án ( 1775 )
Lời Giới Thiệu
Họ Hồng Bàng
Nhà Thục
Ngoại Thuộc : Nhà Triệu
Ngoại Thuộc Tây Hán
Ngoại Thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương
Tiền Lý
Ngoại Thuộc Tùy và Đường
Nhà Ngô
Nhà Lý
Nhà Lý
Nhà Lý
Nhà Trần
Trần Thánh Tôn
Trần Nhân Tôn
ANH TÔN HOÀNG ĐẾ
Minh Tôn Hoàng Đế
Hiến Tôn Hoàng Đế
Dụ Tôn Hoàng Đế
Nghệ Tôn Hoàng Đế
Duệ Tôn Hoàng Đế
Phế Đế
Thuận Tôn Hoàng Đế Và Thiếu Đế
HẬU TRẦN
NGOẠI THUỘC NHÀ MINH