Chương 3
Tác giả: Người Khăn Trắng
Mặc dù bị ông từ dùng hết lời lẽ ra ngăn cản. Vừa đe dọa vừa năn nỉ, Tử Ân vẫn quyết không thay đổi quyết định của mình là tự cô sẽ sơn sửa khu nhà mồ không cần ai giúp đỡ.
Một đêm thức khuya đối diện với con ma, không làm sức khỏe Tử Ân suy giảm. Chưa sáu giờ, sương còn ướt mềm trên cỏ, cô đã y phục chỉnh tề, ung dung bước vào chợ làng tìm mua sơn.
- Cháu gái ông Hội đồng kia. Cô ta đẹp đấy chứ?
- Cô ta ở Sài Gòn phải không? Chẳng biết làm nghề gì hé?
- Ừ... tôi đoán chắc ả không làm điếm cũng là vợ bé của người ta thôi. Cả nhà ông Hội đồng sẽ chẳng ai làm được tích sự gì.
- Chắc quả báo.
- Còn phải nói.
Vừa bước chân vào chợ, Tử Ân đã nghe sau lưng mình dậy lên lời xì xào bàn tán. Họ như chẳng kiêng dè, cố tình nói cho cô nghe vậy. Ức nhất là câu không làm điếm cũng làm vợ bé cho người, Tử Ân không nhịn nổi, cô quay đầu lại, nhìn thẳng vào mắt người mới nói :
- Này chị kia, chị vừa nói gì đó?
- Nói gì đâu. - Bà ta nhẹ so vai, chối bay đi. Những người đứng quanh cũng gật đầu, đứng về phía bà ta cả.
- Đúng vậy, chúng tôi chỉ nói chuyện phiếm thôi mà. Ác giả, ác báo xưa nay là chuyện thường tình đơn giản là vậy, lẽ nào cô không biết.
- Phải rồi, không có tịch, không làm ác thì sợ gì chứ.
Hừ! Biết chẳng nói lại Tử Ân giận dữ quay lại bỏ đi một nước, mặc những tiếng cười lớn đuổi theo. Bây giờ thì chỉ cô thật sự tin giữa dòng họ Đoàn nhà mình và những người dân làng kia có oán thù. Theo lời họ nói, dường như gia tộc nhà cô đã làm một việc gì đó tàn ác lắm. Nhưng việc tàn ác đó là việc gì? Tử Ân nhủ lòng lần này sẽ ở lại đây, đến khi nào khám phá ra bí mật mới thôi.
Nghĩ rồi cô rảo bước nhanh đến hàng sơn. Mua lỉnh kỉnh đầy một giỏ. Nào cọ, nào bàn chải, nào thùng, nào sơn rồi ì ạch xách ra đường. Nặng quá! Tử Ân đưa mắt nhìn quanh tìm một chiếc xe kéo.
Mang tiếng mỗi năm về làng một lần, nhưng toàn sáng đi chiều về. Toàn bộ thời gian đều dành hết cho khu nhà mồ, nên Tử Ân chẳng hiểu được cuộc sống sinh hoạt của những người dân ở một vùng quê cách xa Sài Gòn một quãng đường không xa lắm.
Đường đi không xa nhưng sự cách biệt về nếp sống của hai vùng rất lớn. Bây giờ Tử Ân mới ngỡ ngàng nhận ra mức sống, trình độ nhận thức của những người dân ở đây còn thấp quá. Có lẽ vì giao thông cách trở, mỗi tuần chỉ có một chuyến xe từ Sài Gòn về và một chuyến xe ra. Lại phải hai lần bước xuống đò nên kiến thức và văn minh ngại xuống. Để đến tận bây giờ thế kỷ hai mươi mốt sắp đến rồi họ vẫn chưa biết thế nào là ánh sáng của ngọn đèn không cần lửa. Đừng nói gì đến vi tính, điện toán mắc công.
Đời sống của họ đơn giản vô cùng. Phương tiện giao thông chỉ có xe thồ, xe kéo. Hiếm hoi lắm mới thấy người đi xe đạp chạy qua. Từ hôm qua đến nay, Tử Ân chưa thấy một chiếc xe có động cơ nào chạy trên đường cả. Trách chi họ không mê tín dị đoan, tin ma quỷ và vị thánh sống kia như thế. Trị bệnh bằng vỏ sầu riêng và vỏ chôm chôm. Ôi, Tử Ân không nhịn được ôm bụng bật lên cười lớn.
Rồi cô lại thấy thương hại cho họ quá. Sao lại có một sự cách biệt như vậy chứ? Sao những vị lãnh đạo ở đây không biết quan tâm đến đời sống của những người dân? Tiềm năng kinh tế của họ tương đối lớn, nếu đầu tư đúng mức, Tử Ân tin chẳng bao lâu nơi đây sẽ trở thành một vùng quê trù phú, nhộn nhịp và hiện đại chẳng thua kém bất kỳ thị trấn nào. Lòng Tử Ân bỗng nổi lên một tham vọng lớn. Cô muốn làm một cái gì để giúp cho những người dân này quá. Lập trường học, mở bệnh viện hay làm một cái gì đó. Chà! Mới nghĩ thôi, lòng cô đã rạo rực nôn nao lắm rồi.
- Cô Hai đi xe không ạ?
Một chiếc xe kéo trờ tới, dừng ngay trước mặt, cắt ngang dòng suy nghĩ của Tử Ân, ngẩng đầu lên, cô cười vui vẻ.
- Có... có ạ... Tôi muốn về khu nhà mồ của ông Hội đồng.
- Khu nhà mồ ông Hội đồng? - Nụ cười mời khách trên đôi môi anh tài xế vụt tắt. Nét mặt sa sầm, anh gằn giọng :
- Vậy ra cô là cháu của ông Hội đồng? .
- Phải. - Tử Ân gật đầu không giấu diếm. Anh ta lập tức kéo xe đứng dậy bỏ đi ngay, không nói một lời. Tử Ân gọi theo - Này anh ơi, sao vậy? Sao lại không chở cho tôi, tôi trả tiền cho anh mà.
- Tôi nhổ toẹt vào đồng tiền đẫm máu của cô. - Vừa nói anh ta vừa phun ngay bãi nước bọt xuống chân Tử Ân.
Cô giận dỗi kêu lên :
- Ôi... thật là mất lịch sự, vô văn hóa. Không chở thì thôi chứ. Làm như nơi đây chỉ có một mình anh chạy xe kéo thôi. Hừ...
- Đúng vậy, ở đây có rất nhiều người chạy xe kéo. Nhưng họ thà ế chứ không thêm chở cô đâu.
Kèm theo lời nói là một chiếc xe đạp sườn ngang thắng kịt ngay trước mặt Tử Ân. Ngẩng đầu lên, mắt Tử Ân tối sầm đi khi nhận ra đó là gã vô duyên chết tiệt hôm nào đã giành ghế của mình trên chuyến xe cuối cùng từ thành phố về làng. Lòng tự ái trẻ con đã khiến cô ngoảnh mặt sang nơi khác. Đưa tay quẹt mũi, gã cười khẩy nhẹ nhàng.
- Tự cao à? Cái trò đỏng đảnh tiểu thư do chỉ nên diễn ra ở nhà để làm nũng với mẹ của mình thôi. Nơi đây chỉ có làm người ta ghét cô thôi, cô tư sản kiêu kỳ ạ.
Đã tư sản, lại còn kiêu kỳ. Toàn những danh từ Tử Ân ghét nhất đời. Không thèm nhìn đến gã nữa. Vừa lúc có chiếc xe kéo chạy qua. Tử Ân đưa tay vẫy, chưa kịp nói gì, gã chết tiệt đã chen vào :
- Cháu gái ông Hội đồng đó, anh có dám chở không?
Cũng giống như gã kéo xe lúc nãy, người thanh niên vội lắc đầu, thà kéo xe trống bỏ đi. Gã quay lại nhìn Tử Ân cười đắc thắng.
- Thấy chưa, tôi đã nói rồi. Dù cô có đón bao nhiêu chiếc xe kéo cũng vậy thôi. Chẳng một ai thèm chở cô đâu.
- Hừ! - Tử Ân quắc đôi mắt sáng - Tôi đã làm gì xúc phạm đến anh, mà anh cứ theo quấy rầy tôi mãi thế?
- Cô không xúc phạm tôi nhưng tôi thù ghét cô hơn bất cứ người dân làng nào ở làng này. - Xương quai hàm bạnh ra, giọng gã đanh lại đầy thù hận.
Thù ghét! Tử Ân chau mày lạ lẫm. Hẳn là gã có biết chuyện gì. Cố nén giận, cô hạ giọng :
- Tại sao lại ghét tôi? Tôi và anh chưa gặp nhau lần nào mà? Chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ? Nếu biết, xin anh hay kể cho tôi nghe với.
- Cô đóng kịch ngây thơ tài quá đấy. - Gã bỗng bật lên cười lớn như đóng chuyện khôi hài - Nhưng xin lỗi, tôi không phải là con nít mới đẻ dễ mắc lừa đâu.
- Tôi không đóng kịch. - Tử Ân thật lòng - Xin anh hãy kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ. Tại sao với tôi mọi người tỏ ra thù ghét thế?
- Đừng làm ra vẻ ngây ngô tội nghiệp như thế. - Gã gắt lên - Không tạo được sự thương hại cho một ai đâu. Món nợ gia đình cô đã thiếu, tôi nhất định đòi bằng được cả vốn lẫn lãi.
Nói xong, không cho Tử Ân kịp có phản ứng gì, gã nhảy lên xe đạp đi ngay - Tử Ân nhẹ so vai cui nhìn các giỏ xách dưới chân mình. Có lẽ gã nói đúng, sẽ không có một chiếc xe nào chịu chở cô đâu. Tốt nhất, hãy tự đi bộ về nhà. Mà lúc nãy gã chết tiệt ấy nói gì nhỉ. Gia đình cô đã thiếu nợ gã bao nhiêu? Vô lý quá, dòng tộc cô giàu có vậy, làm sao phải mượn nợ hắn chứ?
- Nhanh lên, nhanh lên đi, mả ông Hội đồng có người bị ma cắn chết kìa.
- Hả? Thật không? Ai bị ma cắn chết vậy?
- Nghe nói thằng Trọng con bà Tư. Nhanh lên.
Đang cúi đầu lầm lũi bước, Tử Ân nghe dòng người trước mặt mình bỗng xôn xao. Cả khu chợ nhốn nháo hẳn lên. Bỏ hết việc bán mua, dòng người rầm rộ tiến vào khu mộ.
Có án mạng ư? Tim Tử Ân đập mạnh. Bỏ luôn cái giỏ nặng trĩu đầy màu sơn, cô chen chân lấn lên dòng người.
- Trật tự, trật tự. Xin đừng chen lấn xô đẩy nhau. Mọi người không thể vào được đâu. Cơ quan pháp y đang khám nghiệm hiện trường.
Một viên cảnh sát đứng trước cổng rào giải thích cùng dân chúng. Tử Ân bước hẳn lên.
- Tôi là cháu gái ông Hội đồng, là chủ nhà khu mộ này, anh cho tôi vào được chứ?
Nhìn cô một lát, viên cảnh sát không trả lời, hé rộng cánh cửa ra một chút. Mặc cho dòng người xôn xao lời bình luận, Tử Ân lách ngay vào.
Hiện trường vụ án chính là nhà mồ. Nạn nhân bị giết đúng vào nơi Nhị đã tự tử hôm nào. Hai nhân viên pháp y đang thu thập hiện trường bằng những dụng cụ thật thô sơ.
- Anh ta bị giết bằng vật gì thế?
Tử Ân bước vào khu nhà mồ, đúng lúc viên cảnh sát pháp y lật ngửa thi thể nạn nhân lên. Ôi! Không chỉ Tử Ân mà cả những người có mặt tại hiện trường không khỏi rùng mình kinh sợ. Cái chết khủng khiếp quá. Nạn nhân bị mổ banh từ ngực dài xuống bụng. Tất cả ruột gan phèo phổi đều lộn ra ngoài.
- Kinh khủng quá!
Một người cất tiếng bàng hoàng, Tử Ân té ngồi luôn xuống ghế. Cô nhận ra nạn nhân, anh ta chính là một trong ba người hồi đêm đã đi cùng ông từ đến nhà mồ này tìm cô. Vừa nói vừa cười đó, chưa đầy tám tiếng đã chết thảm rồi. Ai đã giết anh tal Sao lại đem vào khu nhà mồ chứ?
- Ôi, anh ta bị mất một trái tim. - Giọng viên pháp y chợt kêu lớn, bàng hoàng.
Tử Ân ngẩng nhanh đầu dậy. Bị mất một trái tim ư? Sao lại thế?
- Có lẽ anh ta bị ma giết thật. - Viên pháp y kết luận vào biên bản khám nghiệm hiện trường - Không tìm ra dấu vết hung thủ. Nạn nhân chết bởi bị xé banh lồng ngực, vệt xé dài 0,52m. Không có hung khí, vết thương do bị một lực mạnh xé tan ra. Thời gian tử vong từ một đến hai giờ sáng. Nguyên nhân tử vong do bị lấy mất trái tim.
- Xong rồi đấy. - Sau một lúc hý hoáy ghi vào giấy, viên đội trưởng ngẩng đầu ra lệnh - Cho gia đình nạn nhân vào dọn dẹp đi. Chúng ta hết phận sự rồi.
Nói xong, anh ta cùng ba nhân viên bước lẹ ra ngoài như trốn chạy. Cánh cửa lập tức bị mở bung ra, gia đình nạn nhân cùng đám đông ùa vào. Mọi dấu vết trong phút chốc bị mọi người xóa sạch.
Tiếng khóc, tiếng ồn dậy lên cả một góc trời, Tử Ân vẫn ngồi yên bất động trên ghế đá. Trong đời lần đầu tiên cô được thấy một kiểu khám nghiệm hiện trường như thế. Nhanh còn hơn người ta mổ một con gà, các nhân viên pháp y như chỉ làm việc qua loa, chiếu lệ. Chưa gì đã phán ra lời kết luận như đinh đóng cột. Chỉ cần không tìm được dấu vân tay, chỉ cần vết thương kia không do hung khí tạo nên là có thể bảo hung thủ là một kẻ vô hình, là một con ma nào đó. Tắc trách không tưởng nổi.
Nhưng... cũng phải thông cảm thôi. Tử Ân nghĩ lại. Tuy mang tiếng là cảnh sát, là nhân viên pháp y; bọn người kia cũng chỉ là những người dân quê mùa ở làng này. Được đào tạo qua một lớp chuyên môn ngắn hạn. Vốn kiến thức sơ sài cộng với cách suy nghĩ đơn thuần nông dân của họ, cách giải quyết như thế là hợp lý lắm rồi.
Lẽ ra theo nguyên tắc, họ phải báo cáo việc này lên cấp trên. Nhiệm vụ của họ là cố bảo vệ hiện trường. Việc khám nghiệm tử thi, điều tra vụ án phải dành cho cấp cao hon. Trình độ chuyên nghiệp hơn.
Nhưng đường sá xa xôi, giao thông cách trở. Thiếu phương tiện liên lạc. Đây lại là vụ án mạng đầu tiên của các xã này. Lúng túng, thiếu kinh nghiệm là lẽ đương nhiên.
- Dạ, xin mời thầy vào ạ. Cái chết lạ lùng lắm.
Đang suy nghĩ, Tử Ân chợt nghe giọng một người đàn bà vang lớn. Ngẩng đầu lên, cô thấy dân làng đứng nép vào nhau, nhường đường cho hai người khách bước vào.
Hai người khách một là đàn bà, tuổi sồn sồn, nét mặt khắc khổ, ăn vận bình thường như mọi phụ nữ vùng quê. Còn người đàn ông, cao lớn dềnh dàng, trạc bốn mươi, sắc mặt hồng hào, cường tráng lắm, ăn mặc rất lạ đời. Tuy mái tóc để dài, búi cao nhưng trông ông chẳng ra vẻ quê mua một chút nào. Đôi mắt sáng tinh anh, gương mặt nghiêm nghị uy nghiêm một cách lạ thương.
- Ông ta là ai vậy?
Tử Ân khều vai một người hỏi nhỏ. Không nhận ra cô là cháu gái ông Hội đồng, người đó tỏ ra ngạc nhiên.
- Thầy Bảy đó, cô không biết sao?
- Tôi không biết. - Tử Ân thì thầm nhìn theo bước hai vị khách. Họ đang tiến vào khu nhà mồ, nơi thi thể nạn nhân bỏ nằm chơ vơ ra đó. Người đàn bà có lẽ là thân nhân của người bị hại, vừa nhìn thấy người chết bà ta đã la lên và khóc lớn.
- Âm khí nặng nề quá!
Đặt cái túi vuông vuông của mình xuống đất, người được mệnh danh là thầy Bảy đưa mắt nhìn quanh. Bàn tay bấm bấm một hồi. Ông bỗng giật mình la lớn :
- Thôi chết, không xong rồi, oan hồn đã thành tinh...
- Eo ơi! - Đám dân làng rú lên kinh sợ.
Tử Ân không hiểu, cô bước lên một bước.
- Oan hồn đã thành tinh là sao? Có nguy hiểm không?
- Cô là cháu gái của ông bà Hội đồng? - Chợt quay lại, ông không trả lời câu hỏi của Tử Ân vừa hỏi. Tử Ân thoáng bất ngờ nhưng cũng gật đầu ngay.
- Phải, tôi là cháu gái của ông bà Hội đồng, ông hỏi để làm gì?
- Tôi muốn gặp cô bàn chút chuyện riêng, cô đồng ý chứ? - Đôi mắt ông nhìn cô không chớp. Tử Ân gật đầu :
- Đồng ý. Mời ông vào nhà ông từ nói chuyện.
- Được. - Ông tỏ vẻ hài lòng và quay sang đám dân làng đang ngẩn người ra ngơ ngác dõi theo câu chuyện của mình - Mọi người đứng đây đợi tôi một lát. Bàn chuyện xong tôi sẽ ra ngay. Thi thể người chết cứ để đấy chờ tôi. - Nói xong, ông quay sang phía Tử Ân vui vẻ Mời cô...
* * * * *
Từng được mệnh danh là người có thần kinh bằng thép, không biết sợ là gì. Vậy mà lần này, Tử Ân lại không đủ can đảm chứng kiến người ta táng người đã chết.
Thì ra câu chuyện cần bàn của thầy Bảy với cô là thế. Bây giờ thì cô biết ông là vị thầy pháp đáng kính nhất làng rồi. Theo lời ông từ kể, tuy ông ta mới chỉ đến làng khoảng một năm thôi, nhưng tên tuổi của ông không người nào mà không biết. Ông ẩn dật, sống tịnh tâm khép kín, ít giao lưu tiếp xúc ai. Mọi người biết đến ông là qua tài thuật của ông thôi. Đúng vậy, tài thuật của ông cao minh lắm, ngoài việc biết làm bùa phép, luyện ngải giúp mọi người buôn may, bán đắt, tìm ra đồ vật bị đánh cắp, ông còn biết ếm, thư cả một cây đèn cầy, một con cá lóc vào bụng người ta nữa. Nhưng ông ít khi làm lắm. Mỗi khi có ai đến nhờ, ông đều lắc đầu khuyên nhủ :
- Làm thế thất đức lắm, ông chẳng nỡ làm đâu.
Ông chỉ sốt sắng nhiệt tình giúp mọi người bắt ma, trừ quỷ thôi. Tay ấn ông cao lắm. Ma quỷ dù thành tinh, dù tài phép đến đâu cũng bị ông thu phục được. Bắt chúng về làm đệ tử cho mình. Âm binh của ông đông lắm, đến hàng ngàn, hàng vạn con, không tin cứ thử đến nhà ông ngủ một đêm thì biết. Sẽ nghe chúng đi rầm rập trên mái nhà, nói cười giòn giã ngoài cửa sổ đấy.
Linh nghiệm lắm, không giỡn được đâu. Được chứng kiến tận mắt nhiều lần nên cả làng này tín nhiệm ông. Lúc trước khi oan hồn Nhị và Lài bắt đầu hiện lên quấy phá, mọi người đã một lần đề nghị ông đến. Nhưng ông bảo không sao, oan hồn còn non lắm. Tại tội nghiệp xót thương cho mối tình của hai ngvới nên ông chỉ dán một đạo bùa trước cổng ngôi nhà mồ, ếm không cho chúng vượt quá giới hạn ra ngoài quấy phá. Nhờ thế mọi người mới không sợ hãi, sống yên ổn suốt năm qua. Không ngờ, mới đó đôi tình nhân non nớt đó đã biến thành tinh quấy nhiễu mọi người. Có lẽ là do âm khí nơi này nặng quá.
Tuy ông nghiêm trọng nhưng Tử Ân chỉ nghe với một thái độ dửng dung. Xưa nay cô vốn không tin vào ma quỷ, càng không tin thầy bùa thầy pháp. Bằng lòng cho ông làm lễ trừ tà, an táng Trọng trên đất nhà mình, Tử Ân chẳng qua chỉ muốn thu phục nhân tâm. Hy vọng qua chuyện này dân làng sẽ bớt ác cảm, không thành kiến cùng mình nữa.
Nặn xong trái tim bằng đất, đặt vào lồng ngực người chết, ông bắt đầu may vết rách trên bụng anh ta lại. Đôi tay ông khéo léo vô cùng, những nút khâu trong thật đều, thật đẹp. Đã có ác cảm với ông mà Tử Ân cũng xuýt xoa khen thầm trong bụng. Cùng với mọi người cô thích thú nhìn ông lập đàn, bày phép.
Tựa như trong phim vậy, thanh kiếm trừ ta của ông đặt ngay bàn hương án. Những đạo bùa được dán khắp nơi bay phất phơ trong gió. Những ngụm rượu trong miệng của ông phà ngang ngọn lửa cháy rực lên, tạo một cảm giác linh thiêng ma quái.
Cắn ngón tay mình đến bật máu tươi, ông đem máu hòa rượu phun lên khắp thi thể người chết, rồi ra lệnh cho hai đệ tử đem một cây cọc đến.
Ông đem cọc đến làm gì thế nhỉ? Cả đám dân làng dậy lên lời bàn tán. Ông vẫn như không, ra lệnh hạ quan tài xuống mộ huyệt vừa đào xong. Ông ta điên rồi hay sao nhỉ? Tử Ân lạ lẫm... nắp quan tài chưa đậy, thậm chí cả thi hài cũng chưa được liệm đã bỏ xuống huyệt rồi? Sao lại có thể đãng trí một cách vô lý như thế?
- Đóng xuống!
Tử Ân và mọi người còn đang ngơ ngác nhìn nhau, ông đã trầm giọng ra lệnh cho hai đệ tử. Trời ơi! Tử Ân đưa tay bịt lấy miệng mình trong tiếng hét thất thanh của mẹ nạn nhân. Cây cọc nhọn được đặt lên ngực nạn nhân đóng mạnh. Những giọt máu còn sót lại trong người vung tóe lên, bám đầy thành quan tài tựa như những pháo hoa ngay lễ.
Tàn nhẫn quá! Tử Ân không đủ can đảm nhìn thêm, những nhát búa thồ cứ chan chát đóng mạnh xuống cây cọc nhọn. Lồng ngực người chết vỡ tung nát bấy. Cây cọc đang xuyên qua người, qua lớp quan tài ấn sâu xuống đất.
- Trời ơi, tội nghiệp con tôi! - Người mẹ trên bờ huyệt vật vã khóc than - Thầy ơi, xin thầy đừng đóng nữa.
- Tôi biết làm thế bà đau lòng lắm. - Giọng thầy Bảy bùi ngùi - Con ma đã thành tinh, kẻ nào bị nó móc lấy trái tim cũng biến thành tinh như nó. Buộc lòng lắm tôi mới dùng cọc nhọn xuyên qua người chết, dùng đạo bùa linh dán lên, ếm chặt âm hồn xuống đất, không cho nó thành tinh quấy phá người đời.
- Trời ơi! - Bà mẹ kêu lên nức nở - Vậy là linh hồn con tôi vĩnh viễn không đầu thai được. Phải làm con ma đói bị ếm bùa ưl
- Chuyện đã đến nỗi này, đành phải vậy thôi. - Thầy Bảy an ủi người mẹ đáng thương rồi vung tay dán mạnh đạo bùa lên cây cọc. Lớp đất được phủ xuống ngay. Chẳng mấy chốc mộ huyệt đã vun đầy.
- Tai họa vẫn chưa dứt đâu. - Thầy Bảy lại cất giọng trầm trầm - Tôi chỉ vừa mới ếm cho âm hồn người chết không trỗi dậy thanh tinh được. Hiện tại, khu mộ này vẫn còn hai con tinh nữa. Chúng chính do âm hồn của cô Lài và anh Nhị biến thành, cần phải diệt trừ ngay.
- Xin thầy cứ ra tay đi ạ! - Đám dân làng nhao nhao. Thầy hướng mắt nhìn về phía Tử Ân :
- Chuyện này cần phải hỏi ý kiến của cô đây. Dù sao đây cũng là phần đất thuộc cô quản lý.
- Sao? - Tử Ân ngẩng đầu lên lo sợ - Ông còn muốn quật cả mồ chị Lài và anh Nhị lên đâm cọc qua ư? Họ đã chết lâu rồi, xương thịt tan cả còn gì đâu chứ?
- Xương thịt tiêu tan, nhưng âm hồn không tan được. - Thầy Bảy nghiêm trang - Nó lại đã biến thành tinh nguy hiểm vô cùng. Tôi đang lo không biết nó đã biến các vong linh trong khu mộ này thành tinh hết hay chưa? Nếu chuyện xúi quẩy ấy xảy ra tôi cũng sẽ phải ếm tất cả những ngôi mộ có trong khu vực nhà mồ này.
- Ông đừng nói nhảm thế! - Tử Ân vụt đứng lên Tôi chẳng những không cho ông động đến mồ mả của tổ tiên mà còn không cho ông chạm đến mả của anh Nhị và chị Lài nữa. Nhảm nhí, vô lý vô cùng, nếu quả thật con tinh đó nó ghê gớm vậy thì tại sao nó phải sợ cây cọc gỗ tầm thường kia của ông. Mọi chuyện đã vãn tuồng rồi, mời ông về ngay cho!
- Nếu cô không đồng ý thì tôi về ngay đây. Nhưng nếu làng này còn có người bị chết thì tất cả lỗi là tại cô. - Giọng thầy Bảy sang sảng đe dọa.
- Không, tôi không đồng ý để thầy Bảy về như vậy. Dưới đám dân bỗng vang lên một giọng nam trầm. Tử Ân quay lại, mắt cô tối sầm lại khi nhận ra kẻ vừa nói không xa lạ. Gã chết tiệt kia, hắn là oan gia của cô, sao lúc nào cũng hiện ra đối đầu cùng cô vậy.
- Vấn đề này nghiêm trọng lắm. Liên quan đến sinh mạng cả làng ta. Tôi đề nghị mọi người nên suy nghĩ kỹ. Biết đâu án mạng tiếp theo chính là con cháu của mình.
Lời của gã lập tức có tác động ngay. Đám dân làng nhìn nhau sợ hãi.
- Đúng vậy đó, một người chết rồi, không thể coi thường được. Con tinh đó, lập tức phải diệt ngay.
- Nói không chừng cả dòng, cả tộc cô ta cũng đã biến thành tinh cả rồi. Không được, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đề nghị thầy cứ ếm hết cả đi.
- Đất của cô ta. Của cô ta thì sao chứ? Không lẽ miếng đất kia quan trọng hơn sinh mạng của cả làng ta sao? Nếu cô ta không chịu, mình cứ ào lên làm đại đi. Thử cô ta làm được gì cho biết.
Lặng nghe mọi người bàn tán, Tử Ân biết bạo động sắp xảy ra rồi, đám dân này ngu dốt quá, chỉ biết mù quáng tin vào lời thầy Bảy, chẳng biết cân nhắc thiệt hơn gì cả. Tranh luận với họ chỉ uống công thôi.
- Cô chủ, chuyện đến mức này rồi, tính sao đây? Giọng ông từ lo lắng - Nếu cô con ngăn cản họ có thể giết cô chết mất. Hay là cứ thuận theo ý họ đi.
- Không. - Tử Ân chợt vùng lên. Bước ra giữa đám đông, hét lớn - Tôi không cho phép bất cứ ai xam phạm đến mồ mả tổ tiên tôi. Nếu có gan thì giết chết tôi ai, tôi thách đó.
Thái độ của cô làm cho đám dân làng thoáng chùn lòng. Thù ghét cô lắm nhưng vốn hiền lành chân chất họ đâu thể ra tay giết người.
- Cô đừng tưởng cứ nói thế là uy hiếp được bọn này, đừng tưởng bọn tôi không dám động đến cô là lầm đấy. Đành rằng xâm phạm đến mộ của người đã chết là một việc làm tàn nhẫn và vô cùng thất đức. Nhưng bọn họ những người đang nằm kia đáng bị như vậy lắm, đây là quả báo cho những việc làm của họ năm xưa.
Không gian như chùn xuống, gã chết tiệt lại bước lên cao giọng, giọng gã sang sảng vang to, mắt gã sáng ngời rực lửa nhìn cô đầy thù hận. Để trong phút chốc cơn giận trong lòng đám dân làng vừa nguôi xuống lại bùng lên, như ngọn lửa được thêm đầu.
- Đúng vậy, những kẻ nằm kia không đáng được thương hại đâu.
- Giết chết cô ta đi. Đừng quên cô ta là cháu gái ông Hội đồng đó.
- Tử Ân, vào đi cháu. - Nắm tay Tử Ân, giọng ông từ rưng rưng sợ hãi - Lòng căm thù đã được kích động, họ sẽ giết cháu mất.
- Cháu không vào. - Tử Ân cương quyết. Đôi mắt mở to, cô bậm môi trừng trừng nhìn thẳng vào đám người hiếu chiến, nhất là gã chết tiệt kia. Gã hung hăng lắm.
Giữa lúc mọi người còn đang phân vân chưa biết đối phó cách nào, gã đã nhặt một hòn đá to, ném mạnh vào vai cô đau điếng. Đám dân làng thấy thế cũng làm theo. Đất đá bay về phía Tử Ân túi bụi.
Bốp! Viên đá to đã làm đầu Tử Ân chảy máu. Cô biết mình sẽ chết nếu cứ gan lỳ đứng đây chống chọi. Nhưng thà chết cô không khuất phục đâu. Làm sao cô có thể khoanh tay ngồi nhìn mồ mả ông bà tổ tiên bị người ta giày xéo.
- Mọi người xin hãy dừng lại đi. - Giọng ông từ yếu ớt vang lên bất lực.
Dòng người đang ào ạt tiến lên, tay lăm lăm cuốc thuổng, Tử Ân đưa mắt nhìn quanh thất vọng. Giá như ở Sài Gòn cô sẽ nhờ luật pháp can thiệp giúp mình, còn ở đây cô biết sẽ chẳng một ai chịu giúp mình đâu. Đành bất lực nhìn họ đào tung mồ mả ông bà lên ư? Nhát cuốc đầu tiên đã đưa lên, đau lòng quá Tử Ân nhắm đôi mắt lại chẳng dám nhìn.
- Khoan đã.
Đúng lúc đó, bỗng vang lên giọng một người, nghe hòa nhã dịu dàng nhưng không kém phần nghiêm nghị. Tử Ân mở bừng mắt ra, ngạc nhiên tự hỏi. Giọng nói kia sao nhiều uy lực, đã khiến dân làng hung hãn phải dừng tay?
- May mắn quá! Cậu Vĩnh Thành đã đến. - Đưa tay ôm ngực, ông từ thở dài mừng rỡ. Thấy Tử Ân nhìn mình như hỏi, ông hạ giọng trả lời :
- Người uy tín nhất nơi này, con trai gia làng đấy.
Con trai trưởng làng, Tử Ân ngơ ngác và chợt hiểu, thì ra nếp sống quê mùa, lạc hậu vẫn còn tồn tại ở làng này. Dù chức danh trưởng làng đã lâu không còn trên pháp lý, nhưng trong lòng những người dân, địa vị của trưởng làng vẫn nguyên vẹn uy quyền. Lời nói của ông giá trị gấp trăm lần văn bản pháp lệnh. Chà! Không biết cậu Vĩnh Thành này có đứng về phía dân làng sao nét mặt của ông từ vui quá.
- Xin dân làng khoan bạo động, tôi có một vài lời muốn nói với mọi người đây.
Ôi! Là anh ta ư? Tim Tử Ân reo vui, bởi Vĩnh Thành chính là người thanh niên lịch sự hôm trước đã nhường ghế cho cô. Tuy chưa biết vài lời của anh ta là lời gì, nhưng cô tin rằng những lời của anh sẽ cứu được mình.
- Cậu Thành. - Cả thầy Bảy cũng gật đầu chào anh kiêng nể, thì nói gì đám dân làng không cúi đầu cung kinh.
- Nghe nói thầy và mọi người muốn đào tung cả ngôi nhà mồ của cô Tử Ân đây có phải không? - Vĩnh Thành hỏi, nét mặt nghiêm trang không biểu lộ sự quen biết với Tử Ân. Thầy Bảy gật đầu :
- Chúng tôi buộc lòng mới làm thế thôi.
- Thế mọi người có thấy yêu cầu của mình là quá đáng không? - Vẫn giọng đều đều và thân thiện, Vĩnh Thành lườm mắt nhìn ra khu mộ - Mồ mả ông bà tổ tiên của mình, quý vị có để cho người ngoài mặc tình đào bới không?
Đám đông vẫn nín lặng, Vĩnh Thành nói tiếp :
- Không, dĩ nhiên là không rồi. Nên quý vị cũng phải hiểu và thông cảm cho thái độ của cô Tử Ân đây. Cô ta không chống đối dân làng, chỉ muốn bảo vệ mồ mả ông bà của mình thôi.
Đúng vậy! Đám dân làng nhìn nhau. Cơn giận ngút trời bị cơn gió mát của Vĩnh Thành thổi tan đi nhanh chóng. Đúng lúc đó, gã chết tiệt lại bước lên.
- Muốn bảo vệ mồ mả ông bà tổ tiên là một lẽ. Nhưng cô ta cũng phải biết nghĩ đến dân làng chứ? Không thể vì những nấm mộ đất đó mà để sinh mệnh dân làng bị đe dọa được.
- Đúng vậy! - Đám dân làng lại nghiêng về phía gã. Vĩnh Thành mỉm cười :
- Dân làng có cái lý của dân làng. Cô Tử Ân có cái lý của cô Tử Ân. Ai cũng đúng, ai cũng sai. Đêm ra tranh luận cũng vậy thôi. Dĩ hòa vi quý hay hơn. - Rồi anh hướng về phía thầy Bảy - Có phải lúc nãy thầy nói chỉ có oan hồn của anh Nhị và cô Lài là chắc chắn biến thành tinh, còn những ngôi mộ kia chỉ là có thể thôi không?
- Phải. - Thầy Bảy gật đầu - Và một khi biến thành tinh, Nhị và Lài có khả năng tiếp sức cho những âm hồn biến chúng thành tinh theo mình, cũng như những kẻ nào bị chúng giết đều biến thành tinh tất cả. Tôi không thể biết được, những nấm mộ kia kẻ nào đã biến thành tinh, kẻ nào chưa. Đã biến hoặc chưa bị biến một âm hồn nào. Để đề phòng mọi tình huống xấu có thể xảy ra, ta đành phải làm phép cho tất cả.
- Nhưng như vậy chẳng hóa ra ta ép cô Tử Ân đây quá hay sao? - Vĩnh Thành nhẹ lắc đầu - Tôi có đề nghị thế này, dân làng và cô Tử Ân nghe xem có được không nhé. Thôi thì trước mắt chúng ta cứ nhờ thầy Bảy làm phép trên mộ của cô Lài và anh Nhị. Còn những ngôi mộ kia chúng ta cứ để nguyên đừng chạm đến.
- Cả mộ anh Nhị và chị Lài, tôi cũng không cho ai chạm đến. - Tử Ân hất mặt lên.
Vĩnh Thành quay lại nhìn Tử Ân.
- Cô đừng cương quyết thế, sẽ chẳng giải quyết được gì đâu. Thầy Bảy đã bảo hai âm hồn đó đã thành tinh, không thể không trừ. Hơn nữa Lài và Nhị không phải là người nhà của cô. Cô hãy vì dân làng mà nhân nhượng chứ?
- Lời cậu Vĩnh Thành nói phải, có đồng ý đi. - Ông từ lại chen vào.
Biết không thể, Tử Ân dằn đỗi :
- Các người muốn làm gì thì làm đi.
Nói xong, cô quay lưng bỏ đi một mạch. Tai vẫn còn nghe gã chết tiệt kia hét to :
- Tiến lên đi, dân làng ơi!
Chát! Chát!
Những nhát búa đập mạnh vào ngôi mộ đá. Hình dung đến cảnh thân thể Lài bị cây cọc nhọn đâm xuyên qua, lòng Tử Ân đau nhói. Nước mắt ứa ra... cô sợ hãi nghĩ đến một ngày những ngôi mộ của ông bà cha mẹ mình bị người ta giày xéo lên như thế.
Ma thành tinh, chuyện đó có thật không? Sao lòng cô mơ hồ quá!
* * * * *
Cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đó. Mỉm cười, Tử Ân hài lòng nhìn ngôi nhà mồ được sơn sửa mới toanh. Tất cả cũng nhờ Vĩnh Thành giúp đỡ. Nếu anh không chịu nói vào một tiếng, những người dân kia chẳng đời nào chịu phụ cô sơn phết cũng như chẳng đời nào thân thiện với cô đâu.
Chỉ một lời thôi. Rằng cô là kẻ đời sau, chẳng liên quan cũng như chẳng biết chuyện gì của người lớn đời trước. Đám dân làng lập tức hết ác cảm với cô. Ra chợ, thậm chí có người còn trêu cô cười nói nữa. Vĩnh Thành thật là người tốt, Tử Ân bắt đầu cảm mến anh.
Qua nói chuyện, Tử Ân được biết, Vĩnh Thành là bác sĩ, chưa có vợ con, anh hiện sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Cũng như cô, anh về quê ăn tết, tình cờ gặp chuyện bất bình mới vọt miệng chen vào. Thật tình, nhưng chẳng muốn mượn danh hiệu trưởng làng của ông cha ra oai với mọi người đâu.
Vĩnh Thành hoạt bát, vui vẻ và uyên thâm lắm. Nói chuyện với anh thích thú vô cùng. Tử Ân thầm nghe lòng xao xuyến. Dường như cô đã có tình ý cùng anh thì phải. Ôi! Lại nghĩ bậy bạ rồi. Đỏ mặt thẹn thùng, Tử Ân lắc đầu cho ý nghĩ trôi qua nhanh.
Là một luật sư tên tuổi, nhan sắc lại hơn người. Tử Ân được nhiều chàng trai đeo đuổi lắm, nhưng lòng cô cứ dửng dưng. Không hiểu sao lần này gặp Vĩnh Thành, cô lại có nhiều ấn tượng như vậy. Chắc vì anh đã hai lần giúp cô thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Vĩnh Thành bảo rằng anh không tin vào ma quỷ. Nhưng cũng như cô, không thể nào giải thích được, những hiện tượng xảy ra xung quanh khu nhà mồ. Anh còn hứa với cô rằng sẽ cùng cô khám phá ra bí mật. Anh có hẹn với cô năm giờ chiều này cùng đến ngôi nhà mồ xem xét đấy.
Đưa mắt ngó đồng hồ, Tử Ân thở ra một hơi dài ngao ngán. Mới có một giờ, phải đến bốn tiếng nữa mới đến giờ hẹn với anh, làm gì để giết thời gian? Vào nhà chuyện trò với ông từ ư? Vừa nóng vừa chán, chỉ bằng cứ ngồi ở khu nhà mồ này hóng gió.
“Thầy Bảy cao tay ấn thật!” Se se ngọn cỏ trên tay Tử Ân bắt đầu nghĩ miên man. Từ hôm dán bùa ếm chặt vong hồn Nhị và Lài, ngôi nhà mồ đã trở nên yên tĩnh như cũ. Không còn tiếng khóc than, cũng chẳng còn bóng trắng nào xuất hiện đu đưa trên cành cây nữa. Dân làng vui mừng ra mặt.
Gió đồng ban trưa mát quá, khiến mi mắt Tử Ân cứ sụp xuống. Cô không cưỡng lại làm gì. Tựa lưng vào thân cột, cô đắm mình vào giấc ngủ. Cô ngủ thật ngon, thật lâu. Và sẽ chưa tỉnh lại nếu không bị ai đó lay nhè nhẹ.
- Tử Ân, xin cô hãy giúp tôi. Hãy thả tôi ra, một mình lang thang nơi này, tôi sợ lắm. Bơ vơ và lạnh lẽo làm sao!
- Bà, bà là ai? - Ngỡ ngàng, Tử Ân đưa mắt nhìn người đàn bà trước mặt mình. Bà thật đẹp, mặc chiếc áo dài gấm thêu hoa màu đỏ thẫm - Bà nói gì tôi không hiểu?
- Thả tôi ra... tôi sợ lắm. - Giọng bà run rẩy - Tôi là Hạnh Dung... Tử Ân, tôi van cô hãy giúp tôi... hiện tại chỉ có cô mới giúp được tôi thôi.
- Vậy bà muốn bao nhiêu hả?
Cho tay vào túi, Tử Ân hoang mang lấy ra một xấp tiền.
- Không, tôi không cần tiền đâu.
Bà lắc đầu từ chối, Tử Ân lạ lẫm :
- Không cần tiền, vậy bà muốn tôi giúp chuyện gì?
- Tôi cũng không biết nữa, tự cô hãy nghĩ cách cứu tôi, tôi biết ơn cô lắm!
Nói xong, bóng bà ta bỗng xa dần, Tử Ân chồm theo gọi lớn.
- Hạnh Dung... bà đừng đi... lời của bà khó hiểu quá.
Nhưng bóng dáng bà đã mất hẳn giữa không gian, trước mắt Tử Ân chỉ là một khoảng trống vô hình. Mình đã mơ ư? Tử Ân lạ lùng tự hỏi rồi cắn mạnh xuống môi mình và cảm thấy đau điếng, rõ ràng là cô không ngủ. Thế nhưng bà Hạnh Dung ấy... cô lại vùng dậy và gọi to :
- Hạnh Dung, bà đừng trốn nữa, ra đây mau đi.
- Tử Ân, cháu vừa gọi ai thế hả?
Đám lá cây trước mặt bỗng xạc xào rồi ông từ hiện ra ngơ ngác.
- Có khách đến chơi à?
- Cháu mơ hồ quá! - Tử Ân rời thành lan can nhà mồ bước xuống gần ông - Không biết là mơ hay thật nữa. Rõ ràng là có một bà vừa đến đây khóc lóc xin cháu giúp. Rồi vụt biến như ma. Bà ta xưng mình là Hạnh Dung ông ạ.
Xoảng!
Cây mác trên tay ông từ rơi nhanh xuống đất. Toàn thân ông bất động sững sờ, Tử Ân nhìn ông kinh ngạc.
- Ông ơi, ông sao vậy? Ông có quen với bà ta à?
- Hạnh Dung có nói gì với cháu không? - Giọng ông từ run run khàn đi kỳ lạ.
Tử Ân nhíu mày, cố nhớ :
- Toàn những lời lạ lùng thôi. Bà ta năn nỉ cháu cứu, lại còn nói cái gì một mình lang thang ở đây, cô đơn lạnh lùng lắm.
- Tội nghiệp Hạnh Dung! - Ông từ bỗng ôm mặt bật lên khóc lớn - Ta làm sao cứu được nàng.
- Nàng? - Tử Ân nghiêng đầu - Sao ông gọi bà ấy là nàng? Phải chăng bà ấy là người yêu của ông? Bà Hạnh Dung đâu rồi, chuyện gì đã xảy ra? Ông ơi, kể cho cháu nghe đi.
- Ta không thể kể gì với cháu được. - Cúi nhặt cây mác dưới chân lên, ông từ bước đi chầm chậm. Được mấy bước, đột nhiên ông quay đầu nhìn lại - Ta chỉ có thể nói với cháu rằng Hạnh Dung đã không còn sống trên cõi đời này nữa... năm mươi năm về trước, nàng đã chết rồi.
Chết rồi! Sống lưng Tử Ân đột nhiên ớn lạnh, không lẽ mình đã thật sự gặp ma? Không lẽ ngôi nhà mồ này có ẩn chứa nhiều bí mật? Ông từ kiên quyết không chịu nói. Vậy cô biết phải bắt đầu từ đâu? À, phải rồi, mắt Tử Ân chợt sáng bừng lên. Nhà thờ, sao cô không nhớ đến ngôi nhà thờ sớm hơn nhỉ?
Nghĩ rồi quyết định ngay, Tử Ân nàng bước nhanh tới ngôi nhà của tổ tiên được cất cách khu nhà mồ một đoạn không xa lắm, là một căn nhà gỗ năm gian, bề thế lắm. Bên ngoài nhìn vào, nó không có gì lạ, giống hệt những căn nhà gỗ của những người giàu có. Nhưng khi bước vào, người ta sẽ phát hiện sự khác biệt rất xa.
Đầu tiên sẽ là tiếng xuýt xoa, thán phục. Gian nhà đẹp quá! Được làm bằng gỗ quý lâu năm như mun, cẩm lai... lại được lau chùi cẩn thận, nên từng thớ gỗ ngời lên láng bóng. Soi mặt vào, có thể thấy được bóng mình trong đó.
Công trình kiến trúc rất công phu. Các góc nhà đều được chạm trổ rồng phụng với những bàn tay nghệ nhân khéo léo. Trong nhà, mỗi vật dụng từ cái bàn, cái ghế, tràng kỷ, kệ thờ đều là đồ cổ. Có món hơn năm trăm tuổi. Tất cả đều là vật ngày xưa được vua chúa dùng qua. Quý giá vô cùng.
Cũng như ngôi nhà mồ, mỗi năm Tử Ân chỉ ghé qua ngôi nhà thờ một lần thôi. Vào đốt nhang cho tổ tiên dòng họ là cô trở ra ngay. Dường như chưa bao giờ cô đi hết căn nhà. Có một cái gì âm u rờn rợn khiến cô không thích vào. Cả ông từ cũng thế. Ông thà ngủ ngoài chòi lá của mình, chứ không chịu vào nhà thờ để ở, dù cô nhiều lần đề nghị.
Mở xong khóa, Tử Ân hít một hơi dài rồi vung tay mở tung hai cánh cửa. Một luồng hàn khí ùa ra làm cô phải rùng mình. Lạnh lẽo quá, cô không sao hình dung nổi căn nhà hoang phế cô niên này có lúc lại ồn ào nhộn nhịp chứa hàng chục gia đình như lời mẹ kể.
Bước qua cổng, Tử Ân dáo dác nhìn quanh. Cảnh vật vẫn nguyên vẹn. Không một thay đổi. Vẫn bộ tràng kỷ bằng mun đến bóng ở giữa nhà. Vẫn bộ ấm trà với những cái chun nổi bật lên, tựa như chủ nhà chỉ vừa đi đâu ít phút thôi, rồi ông ta sẽ trở lại tiếp tục nhâm nhi tách trà còn dang dở.
Thong thả đặt những bước chân mềm lên sàn gạch tàu đỏ bóng, Tử Ân nhẹ chạm tay vào những cây cột gỗ. Ngày còn nhỏ, cô vẫn thường vòng tay đi quanh những cây cột lớn này lắm. Cô thích áp đôi má của mình vào những thân cột trơn tru, cao ngút để nghe hơi lạnh thấm vào người. Chao ôi! Đến tận bây giờ, cô vẫn không hiểu những người thợ đã dùng hóa chất gì bôi lên cột để chúng có thể đen ngời bóng loáng đến thế kia.
Rồi cô lại đưa mắt ngắm nhìn những tấm hoành, tấm liễn treo khắp nhà. Ông từ bảo chúng được phết bằng vàng và ngọc thật đấy. Để có được những bức tranh công phu như vậy, những người thợ phải tốn nhiều công sức lắm.
Thêm vài bước Tử Ân đã đến trước bàn thờ. Mang tiếng mỗi năm đến viếng một lần, nhưng đây là lần đầu tiên cô nhìn kỹ bàn thờ tổ tiên của dòng tộc nhà mình.
Âm u ghê rợn, không khí hoang vu lạnh lẽo của căn nhà. Bàn thờ là nơi nhả ra cái lạnh nhiều hơn hết. Kẻ yếu bóng vía sẽ không dám nhìn vào bàn thờ đâu, chỉ cần thấy một đám bài vị ngổn ngang đen sì, xám xịt là đủ hồn phi phách tán, huống chi bàn thờ lại sâu hun hút tối đen, lờ mờ một ngọn đèn vàng ma quái.
Đốt ba nén nhang, thành kính cắm lên bàn thờ xong, Tử Ân bước ra sau. Dừng chân trước một căn phòng luôn khóa kín, cô quyết định sẽ bắt đầu cuộc điều tra của mình tại đây. Ông từ không trao cho cô chìa khóa căn phòng này, nhưng chẳng hề gì, chẳng có khóa, cô có thể dùng dao để cậy.
Hì hục gần một giờ đồng hồ, toát cả mồ hôi, cuối cùng Tử Ân cũng cạy được khoen cài cửa. Không kịp thở cô nóng lòng đẩy mạnh cánh cửa, rồi nhảy cẫng lên, hét to một tiếng thất thanh.
- Má ơi!
Một người đàn ông đang bệ vệ bước ra. Đến cửa ông dừng chân nhìn cô một cái rồi cất lên cười ghê rợn.
- Ông là ai, người hay quỷ vậy?
Té ngồi xuống đất, Tử Ân sợ hãi ôm lấy đầu mình, đỡ cây gậy trên tay ông đập xuống.
- Sao lại đánh tôi?
Cách đầu cô khoảng nửa tấc, ông đột nhiên dừng lại, thụt lùi bước trở vào, lại bật lên tiếng cười ghê rợn.
Hé mắt nhìn lên, Tử Ân thấy người ông phốp pháp, hồng hào, ông mặc bộ đồ bà ba bằng lụa trắng, chân mang đôi guốc mộc, tựa như hình ảnh của những ông Hội đồng ngày xưa vậy.
- Ôi!
Vừa chống tay ngồi dậy, Tử Ân lại té ngay xuống, ông ta lại trở ra, cây gậy vung cao, cất giọng cười ghê rợn. Rồi khi cây gậy hạ xuống vừa chạm đầu cô, ông lại lấy về và bước thụt lùi rồi lại bật lên tiếng cười lớn. Những hành động đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, giống hệt nhau.
Sao lạ lùng như thế nhỉ? Tử Ân cố định thần nhìn kỹ rồi bật lên cười lớn. Đúng là ngớ ngẩn quá đi thôi. Quỷ ma không sợ lại đi sợ hình nhân bằng sáp.
Đúng vậy, một hình nhân bằng sáp. Tử Ân chạm tay vào một cái nút trên tường. Hình nhân kia lập tức ngưng hoạt động. Chà! Ai đã nghĩ ra cái trò lý thú nhưng hại chết người này nhỉ! Nếu lúc nãy không phải là cô, người có thần kinh bằng thép, có lẽ đã chết vì sợ rồi. Hay thật! Người phát minh quả là một thiên tài. Biết lợi dụng sức nước làm hình nhân cử động. Vậy mà lúc chưa phát hiện ra, cô cứ ngẩn ngơ, thắc mắc, không biết điện đâu mà hình nhân hoạt động như thế này.
Chân dung ông Hội đồng Toàn.
Dưới có áo ông có gài một mảnh giấy vuông vuông, Tử Ân tò mò lật lên xem rồi ồ lên một tiếng to thích thú, thì ra ông sơ của cô ngày xưa có hình dạng như thế này đây. Nghiêng đầu nhìn hình nhân thật kỹ, cô thầm phục nghệ nhân nào thật khéo tay. Tạc tượng như thật. Chẳng những giống mà còn giữ nguyên được thần khí người đã chết, khiến ai lần đầu mới nhìn vào phải lầm ngay. Chỉ cần nhìn qua bức tượng, cô đã biết ông sơ ngày xưa khó tính và nghiêm khắc lắm.
Đưa mắt nhìn sang bên, suýt tý Tử Ân đã hét lên vì sợ hãi. Rồi chợt nhớ cô bật cười lớn. Ông từ bao lâu này xấu quá, không cho cô biết ở phòng này có nhiều đồ chơi như vậy. Toàn những hình nhân bằng sáp. Lớn có, nhỏ có, trai gái đều đủ cả.
Người đàn bà uy nghi ngồi trên chiếc ghế bành, tay cầm chiếc qụat giống chiếc quạt của cô này, không cần đoán, Tử Ân cũng biết ngay đó là bà cố tổ. Cũng như hai cặp hình nhân đang ngồi trên bàn ăn kia là ông bà cố và ông bà nội của mình. Đứa bé trai này là ba mình ư? Tử Ân nghiêng đầu thích thú nhìn đứa bé trai trạc mười hai tuổi. Im lặng trong một góc phong, thằng bé như đang viết cái gì đó vào quyển sổ dày.
Ôi, con hình nhân này sao lại quăng vào xó thế? Cúi nhặt cái hình nhân nằm lăn lóc dưới chân lên, Tử Ân chợt sững người ra bất động. Không vì hình nhân chỉ vừa tạc được một nửa thôi, mà vì người trong tượng sao đẹp quá. Lại quen quen... cô như từng gặp một lần rồi. Cô ta là ai thế nhỉ? Tử Ân cố lục tìm trong ký ức. Gương mặt này, đôi mắt buồn này, rõ ràng là đã một lần cô có nhìn thấy rồi.
Suy nghĩ một lúc lâu, không tìm thấy được gì, không đành lòng ném con búp bê trở vào xó cũ, Tử Ân nhẹ nhàng đặt nó lên bàn rồi từ từ quay bước.
Cạch!
Chợt con búp bê xinh đẹp ngã nhào, Tử Ân giật mình quay lại. Không hiểu vì sao nó lại ngã, lúc nãy cô đã dựng chắc lắm mà.
Vừa toan bỏ đi lại sợ nó bị lăn, Tử Ân quay trở lại. Đỡ nó lên, cô lại một phen sửng sốt kinh ngạc. Vô tình hay cố ý, đôi tay con búp bê lại cầm theo quyển sổ dầy. Chìa ra trước mắt Tử Ân, nó dường như mời cô hãy đọc.
Được rồi, giở quyển sổ ra khỏi tay con búp bê xinh đẹp chỉ có nửa thân người, Tử Ân mới hay quyển sổ dày dặc chữ. Bí mật ở đây chăng? Kéo chiếc ghế, châm một cây nến đặt vào giá, Tử Ân lật thử một dòng. Không ngờ bị hút luôn vào câu chuyện...
* * * * *
Còn những mười ngày nữa mai đến Tết Nguyên Đán, vậy mà nhà ông Hội đồng đã lo rộn rịp chuẩn bị từ hơn hai ngày trước.
Sáng tinh mơ, mặt trời còn chưa thức dậy, đám gia đinh đã phải cởi trần trùng trục lo lau cột cho ông.
Những cây cột bằng gỗ lim già, to hơn vòng tay người ôm được đám thợ bào mài nhẵn thín, bóng ngời, láng mịn, chạm tay vào không nghe một chút gợn nào vẫn không làm ông Hội đồng vừa ý. Để hàng cột ngay càng bóng ngời lên, ông đã nghĩ ra một cách lau thật là độc đáo.
Không dùng nước, cũng chẳng cần đến một loại xà phòng hay hóa chất nào, hàng cột sẽ được làm láng bóng bằng chính mồ hôi của các tráng đinh.
Ôm một cái bao bố vào lòng, vòng tay quanh cây cột cho ông lấy dây buộc chặt, các tráng đinh này phải dùng sức leo lên tuốt ngọn cột cao nghệu hơn tám mét kia, rồi thả người tuột xuống.
Tuột xuống, leo lên... làm đi làm lại hàng trăm hàng ngàn lần như thế. Mồ hôi nhễ nhại, từ người các tráng đinh xuyên qua các bao bố tời, thấm vào hàng cột. Ngày này qua ngày khác.
Cách của ông xem ra công hiệu lắm, hàng cột ngày càng bóng lên trông thấy rõ, mặc cho thân thể các tráng đinh ngày cứ gầy còm kiệt quệ.
Công việc nặng nhọc và tốn nhiều công sức lắm, Đình Hùng biết vậy dù anh không phải mó tay vào. Nhiệm vụ của anh chỉ việc đứng đây trong coi đám tráng đinh với sợi roi da thật dài và thật lớn. Ông Hội đồng đã ra lệnh cho anh phải quất thẳng tay vào đám lưng trần kia nếu họ chậm chạp, làm biếng, không làm đúng tốc độ ông muốn.
Đình Hùng không đánh họ, trừ những lúc có mặt ông Hội đồng. Anh không phải bà con ruột thịt với ông. Được sủng ái thế này chẳng qua anh may mắn được bà Hội đồng vừa ý.
Đình Hùng cũng không còn cha mẹ, anh được bán vào nhà ông Hội đồng làm người ở, khi hãy còn là thằng nhóc lên tám tuổi, nhanh nhảu được việc lại thông minh hiểu ý chủ, anh được bà Hội đồng vừa ý cho làm cai, trông coi các gia đinh.
Đặc ân được hưởng, nhưng Đình Hùng không hách dịch, ỉ lại như các tên cặp rằng khác. Lúc nào anh cũng đặt mình ở địa vị một gia nhân nên được đám tráng đinh yêu mến, có chuyện gì họ cũng kể cho anh nghe cả.
- Chết! Ông Hội đồng về đến.
Lời một tráng đinh thông báo. Đình Hùng giật mình ngẩng dậy, đập chát cây roi xuống mặt bàn, anh hét :
- Có nhanh lên không, đập chết hết bây giờ.
Không khí bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Dù mệt muốn đứt hơi những các tráng đinh vẫn phải ráng làm hết sức lực của mình. Khốn nỗi, cây cột quá trơn bóng nên việc leo lên thật không dễ chút nào. Mà có lẽ vì khó leo, vì phải dùng nhiều nước để mồ hôi mới đổ ra nhiều, mới làm cho cây cột sáng bóng lên thêm.
- Cái thằng này, mày làm biếng hả?
Vừa mới vào nhà, chưa kịp nói gì cây gậy trên tay ông đã quất vào lưng một gia đinh khi anh ta vừa tuột tay rớt xuống. Để cản cây gậy trên người ông quất tứ tung, Đình Hùng rót một ly trà nóng bước lại :
- Ông mới về, mời ông dùng nước.
Uống luôn một ngụm, ông có vẻ hài lòng với vị trà thơm đậm. Đảo mắt nhìn quanh, ông hỏi :
- Ở nhà có xảy ra việc gì không?
- Dạ thưa ông, không có gì ạ! - Đình Hùng nhanh nhảu trả lời. Ông Hội đồng lại hét to :
- Thằng Quý đâu rồi?
- Dạ... - Đình Hùng khúm núm - Nó vừa đánh trâu về đã vội đi xay gạo ạ.
- Bảo nó vào đây cho tao biểu. - Giọng ông hầm hầm đầy giận dữ. Đình Hùng lo lắng bước ra sau, thấy thằng Quý đang nóng sốt nằm trùm chăn trong một góc nhà. Anh bước lại nhẹ lay nó :
- Quý, em sao vậy?
Một gia đinh đang xay lúa, trả lời :
- Nó bị bệnh mấy hôm rồi.
- Ông Hội đồng kiếm em kia. Ông ấy có vẻ giận dữ lắm. - Đình Hùng nhẹ đỡ Quý ngồi lên.
- Sao! Ông Hội đồng gọi em à? - Đang mơ màng trong cơn sốt, nghe nhắc đến ông Hội đồng, thằng Quý vội nhổm ngay dậy.
Đình Hùng kéo tay nó :
- Khoan đã, lúc nãy anh bảo là em đang xay gạo. Cũng nên cho bột dính vào người chút đỉnh.
Nói xong, anh cho tay vào cối bột, chấm một ít trây lên mình nó. Rồi cùng nó bước ra nhà trước.
- Cái thằng kia, tao đã bảo bao nhiêu lần, sao mày cứ cãi lời tao hả?
Thằng Quý vừa bước ra, chưa kịp mở câu chào đã bị ông Hội đồng vung mạnh cây gậy đập xuống đầu nghe cái bốp. Một cục u to tướng hiện lên ngay.
- Dạ thưa ông, con đâu dám cãi lời ông ạ! - Đau quá, thằng Quý đưa tay ôm đầu mếu máo.
- Còn dám cãi. - Ông Hội đồng gầm lên giận dữ - Thằng Hội đâu đem tang chứng vào đây?
- Dạ. - Một gã cặp rằng bước vào, trên tay gã là một bịch phân trâu to tướng.
- Vậy tao hỏi, cái này là cái gì hả?
Ông Hội đồng gằn giọng, rồi ụp nguyên bịch phân trâu vào mặt thằng Quý :
- Tại sao tao đã bảo không được để phân trâu rơi vãi dọc đường mà mày dám cãi hả? Hừ! Nếu hôm nay tao không tình cờ đi ăn giỗ và trông thấy có phải đã bị mày qua mặt rồi không?
Mặt mũi nhầy nhụa trong đám phân trâu, thằng Quý không dám lau, mếu máo :
- Dạ, xin lỗi ông, con chỉ lỡ một lần...
- Một hay nhiều lần làm sao tao hiểu.
Ngã dài ra sao ghế cho hai cô gia nhân hầu quạt, ông Hội đồng gằn giọng :
- Nuốt hết cho tao.
- Dạ, ông Hội ơi... xin tha cho con. - Sợ quá thằng Quý sụp xuống chân ông lạy - Con không dám nữa đâu.
- Không dám cũng phải nuốt. - Đập mạnh vào vai thằng Quý té nhào, ông đưa mắt nhìn Đình Hùng - Bắt nó ăn hết cho tao. Cho nó bỏ tật dám để phân rơi rớt trên đường.
- Dạ! - Thương thằng Quý, những Đình Hùng không dám cãi, đập vào mông nó một cái, anh đau lòng bảo :
- Ăn hết đi... kẽo lại bị đánh đòn.
Nghe Đình Hùng bảo thế, thằng Quý biết anh đã hết cách cứu mình. Nước mắt tuôn tràn trên má, nó vừa khóc vừa bốc từng nắm phân bỏ vào miệng nuốt. Hôi quá! Cổ họng nó nhợn lên muốn ói, nhưng cái trừng mắt của ông Hội đồng đã khiến nó phải nuốt vào.
Chẳng phải nó làm biếng không hốt hết phân về như ông Hội đồng đã bảo đâu. Nó biết phân trâu quý lắm. Đó là thứ phân bón ruộng là chất dung dịch làm keo để tráng nền mà ông Hội đồng chẳng bao giờ cho rơi rớt ngoài đồng. Muốn có được nó, người tá điền phải đem lúa, đem tiền về đổi. Chỉ tại hôm qua nó bị bệnh. Nhức đầu, hoa mắt, lại đói run. Bầy trâu lại giở chứng lồng chạy lung tung, nó không thể nào kiểm soát được những bãi phân ị bậy.
- Ông Hội đồng, thằng Quý đang bị bệnh, nếu ông bắt nó ăn hết phân này e ngày mai nó không chăn trâu nổi đâu ạ! - Suy nghĩ một hồi Đình Hùng cũng tìm được cách giải vây cho thằng Quý. Quả thật nghe đến việc không thể làm nổi, ông Hội đồng lập tức tha ngay.
Dìu thằng Quý ra sau, cho nó súc miệng, lòng Đình Hùng đau nhói, nhớ đến thời thơ dại của mình. Ngày xưa, như thằng Quý, có lần anh cũng bị ông Hội đồng bắt nuốt vào bụng món phân trâu ấy.
Không dám nói ra, nhưng Đình Hùng biết ai cũng oán hận, căm hờn ông lắm. Bởi ông tàn ác.
Đồng lúa xanh trải ngút ngàn ngoài kia đều được ông đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt của đám tá điền nghèo khổ. Hạt lúa do chính tay mình làm ra lại phải đi vay, đi mượn. Mà có được đủ ăn đâu, mùa nào cũng thiếu lên, hụt xuống.
Ông bà Hội đồng ác lắm, trong đời chỉ biết tiền thôi, chẳng biết nhân nghĩa là gì. Giàu như vậy, lúa có thể để mục trong kho những vẫn không bỏ qua một thủ đoạn nào để bóc lột tận cùng từng hạt lúa lận lưng của đám tá điền. Từ việc mua lúa non đến cho vay cắt cổ. Không vừa ý một chút là ra lệnh cho cặp rằng đóng trăn, dở nhà, đòi ruộng lại. Dựa vào thế lực bọn Tây, ông bà xem sinh mạng của tá điền như cỏ rác. Còn thua những con trùn, con dế, muốn giết lập tức giết ngay.
Mười hai năm sống và làm việc trong căn nhà lớn Đình Hùng đã phải chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tượng thương tâm. Phẫn uất đau lòng nhất vẫn là cảnh anh phải ngày ngày chứng kiến các cô gái ngây thơ bị cha con ông Hội đồng dập vùi trinh tiết. Cô nào chống cự là bị đánh đập dã man. Bị xé toạc áo quần rồi bị đuổi ra sân cho bầy chó Berger cắn nát mặt mày.
Những lần như thế, Đình Hùng chỉ biết đứng yên, cắn chặt răng, nước mắt tuôn ròng. Ước mình có được phép thần kỳ đổi thay những bất công cho những người khốn khổ không bị dọa đày, chà đạp nữa...
Đêm đã khuya, mọi người trong nhà ông Hội đồng đã ngủ hết rồi, nhảy ào xuống mương tắm qua loa một cái, Đình Hùng vượt rào sải bước nhanh trên con đê nhỏ.
Anh đi đâu mà vui vẻ vậy? Ánh trăng trên đầu Đình Hùng tò mò hỏi. À, tôi đến thăm niềm hạnh phúc ngọt ngào của tôi ấy mà. Đình Hùng đáp trả rồi lần tay xuống lưng quần, lấy ra một mẫu đèn cầy nho nhỏ. Nhìn kỹ thì ra mẫu đèn cầy đó là gương mặt một cô gái đẹp. Hạnh Dung đấy, trăng có biết nàng không? Đình Hùng khoe với vẻ tự hào: “Hôm qua tôi đã lén trộm mẫu nến của ông Hội đồng để khắc thành tượng tặng cho nàng đó. Trăng xem có đẹp không? Có giống nàng không? Tôi làm khéo tay lắm nhé? Dưới chiếc bao bố chỗ ngủ của tôi có lắm tượng hình. Hôm nào tôi lấy cho trăng xem nhé!”
Mải trò chuyện với trăng, Đình Hùng đến nhà Hạnh Dung lúc nào không hay. Nó chỉ là một chòi lá nhỏ, nằm chơ vơ giữa ruộng thôi. Xập xệ lắm, nhưng cũng hơn hẳn khối người. Vì ít ra hai công ruộng đó thuộc sở hữu của nhà nàng. Không phải mướn của ông Hội đồng như những tá điền kia. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình nàng không đến nỗi cơ cực lắm.
Đình Hùng quen Hạnh Dung từ lúc hai đứa còn bé tí. Anh chăn trâu còn nàng thì lang thang đi bắt những con cua đồng về thay thế thức ăn. Hai đứa đã là bạn của nhau và tình yêu đến từ lúc nào Đình Hùng cũng không biết nữa, anh chỉ nhớ hôm đó, sau khi chạy một mạch qua cánh đồng nhặt giùm Hạnh Dung cánh diều rơi, anh chợt sững sờ ngơ ngác nhận ra nàng đẹp quá. Còn hơn thiên thần nữa.
Giữa đồng lúa xanh rì trải rộng, hình ảnh nàng nổi bật lên trên nền trời trong vút. Một cô gái quê, với đôi má hồng hay hay, thân thể căng tròn đầy sức sống, mái tóc dài buông thả trên lưng. Tay e thẹn mân mê tà áo, làm lòng gã trai tơ bỗng bừng bừng niềm xúc cảm. Bàn tay gã động đậy tìm tay nàng trong bồi hồi lưu luyến.
Tình yêu đến thật nhanh và cũng thật dễ dàng. Nên thơ, trong sáng làm sao những đêm ngồi cạnh bên nhau nghe gió lùa thì thầm. Đình Hùng biết rằng, cuộc đời mình không thể thiếu Hạnh Dung.
..............
Phụt!
Ngọn nến đang lung linh cháy bỗng dưng vụt tắt.
Không thể đọc được gì trong bóng đêm dày đặc, Tử Ân ngẩng nhanh đầu dậy, bàng hoàng nhận ra bầu trời ngoài khung cửa tối đen. Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã hơn tám giờ rồi.
Thế là lỡ mất buổi hẹn với Vĩnh Thành. Tử Ân thở dài tiếc rẻ. Liệu anh có nghĩ rằng, cô kiêu kỳ, ngạo mạn không nhỉ. Chưa gì đã giở thói đỏng đảnh đáng ghét rồi.
Xếp quyển vở lại, Tử Ân bỏ vào trong túi áo, cô định đêm nay về nhà ông từ sẽ chong đèn đọc hết. Thật không ngờ, tổ tiên của cô ngày xưa lại hung tàn độc ác đến như thế. Trách chi dân làng không nhìn cô bằng cặp mắt oán thù.
Một cái gì tựa như bóng trắng vụt qua mắt Tử Ân. Bán tính bán nghi cô ngẩng nhanh đầu dậy nhìn theo. Bất chợt nghe toàn thân nổi đầy gai óc. Người đàn bà ngoài ngôi nhà lúc nãy lại hiện lên chập chờn trước mắt. Vẫn gương mặt diễm lệ nhưng đầy đau khổ. Vẫn chiếc áo gấm đỏ, bà cất giọng thê lương, van nài :
- Thả tôi ra, xin hãy thả tôi ra!
- Bà... bà đang bị nhốt ư? - Môi Tử Ân mấp máy.
Một tia chớp như vụt lóe lên giữa đầu, Tử Ân bỗng rùng mình kinh sợ. Bây giờ thì cô nhận ra rồi... Bà có gương mặt như con búp bê sáp chỉ có nửa thân hình kia... bà là Hạnh Dung... Chao ôi! Lẽ nào mình đã gặp mal Lẽ nào chuyện linh hồn thật sự tồn tại trên thế gian này?
- Thả tôi ra... thả tôi ra... - Giọng bà cứ lặp đi, lặp lại một điệp từ trùng lặp. Tử Ân giương mắt hỏi :
- Tôi muốn cứu bà lắm, nhưng bằng cách nào? Bà đang bị nhốt ở nơi nào hả?
- Cô hãy theo tôi. - Bà chợt bảo rồi quay lưng bỏ đi ngay. Nhìn kỹ, Tử Ân mới hay, bước chân của bà lướt như bay trên mặt đất.
Bà quả là ma thật rồi, tim Tử Ân nghe run sợ. Nhưng máu thám tử của một luật sư lại kích thích cô tìm ra sự thật. Đắn đo một chút, Tử Ân bước theo ngay. Bất quá chết là cùng, cô tự trấn an mình như thế.
- Đây là đâu thế nhỉ? - Tử Ân đảo mắt nhìn quanh. Cô không thấy bà Hạnh Dung đâu cả. Trước mắt cô là một thảm lúa rộng mênh mông. Một tốp con gái đang vui vẻ cùng nhau cắt lúa, tiếng nói cười râm ran nghe vui vẻ vô cùng.
Đúng lúc đó, một tốp trai làng bước ngang qua. Ban đầu là một gã đẹp trai, ăn mặc rất bảnh bao. Áo quần bằng lụa trắng. Không cần đoán, Tử Ân cũng biết ngay gã là con trai ông Hội đồng, tức là ông cố của mình.
Chợt dừng chân bên bờ đê, gã chụm tay làm loa gọi xuống đám con gái quê :
- Đứa nào tên Hạnh Dung, lên cho cậu chủ biểu coi.
Đám con gái dừng tay cắt rồi một cô gái bước lên.
Hạnh Dung đấy sao! Chao ôi, thật không ngờ, lúc trẻ bà đẹp quá.
Không chỉ có Tử Ân ngẩng người sửng sốt, cậu chủ cũng mở tròn đôi mắt ra kinh ngạc. Bàn tay tròn nung núc thịt cứ sờ mấy sợi râu mọc dưới cằm :
- Trời ơi, đẹp thế này sao? Hèn gì thằng Đình Hùng nó chết mê chết mệt. Một hai nằn nì đòi ba tao cưới mày về cho nó. May mà tao thấy kịp không thì uổng của trời rồi.
- Dạ, cậu chủ nói gì ạ? - Không hiểu Hạnh Dung cúi đầu chào, đôi mắt ngây thơ tròn xoe như ngọc bích.
Cậu Tường cười khà khà, híp đôi mắt lại :
- Tao bảo số mày hên nên mới được tao nhìn thấy. Thôi đừng thương thằng làm mướn không công ấy nữa, về làm nàng hầu cho cậu chủ được sung sướng một đời.
Sắc mặt đang hồng tươi, bỗng tái mét đi ngay. Hạnh Dung lắc đầu sợ hãi.
- Xin cậu chủ đừng đùa. Con với anh Đình Hùng thật lòng thật dạ yêu nhau.
- Cậu chủ chẳng đùa đâu. - Bàn tay gã cợt nhã, quẹt qua má Hạnh Dung - Về làm nàng hầu cho cậu chủ. Đừng ương bướng cãi lời mà gặp chuyện không hay đấy. Suy nghĩ kỹ đi, ba ngày sau gặp lại.
Sao mà ngang ngược thế? Tử Ân cảm thấy bất bình, cô bước lên một bước toan nói giúp Hạnh Dung một tiếng. Nhưng vụt một cái, cảnh vật trước mắt biến đi rồi. Cô lại thấy mình hiện diện giữa nhà thờ, trong một khung cảnh rộn ràng của một ngay buồn tẻ.
Cô dâu trẻ Hạnh Dung đang đầm đìa nước mắt đứng bên cạnh chú rể Định Tường. Trờil Sao như thế được? Quay người sang bên, cô lại thấy chàng Đình Hùng tội nghiệp. Bị cột chặt chân tay, khắp người bê bết máu. Dường như anh ta vừa trải qua một trận đòn đau đớn lắm.
- Anh làm sao ra nông nỗi, đã phạm lỗi lầm gì? - Nhẹ nhàng Tử Ân hỏi nhanh.
Đình Hùng không trả lời, vì anh có nhìn thấy Tử Ân đâu. Chỉ có tiếng thở dài của một cô tớ gái nào thôi.
- Tội nghiệp nếu cậu Định Tường không đe dọa giết chết Đình Hùng, đốt nhà, đốt ruộng, Hạnh Dung không bao giờ phản bội đâu. Đã được vợ rồi còn chưa thả người ta, ác gì mà ác thế!
Nghe đến đây, chợt hiểu ra cớ sự, Tử Ân nghe giận đùng đùng. Quên mất mình là người hiện tại, không thể xen vào quá khứ, hay thay đổi được gì, cô xộc ngay vào phòng hoa chúc, rồi sững người chết lặng.
Cô dâu Hạnh Dung đang lăm lăm con dao dọa sẽ tự tử ngay nếu Định Tường dám chạm vào người, cô còn bắt gã phải thả Đình Hùng ngay lập tức.
Cô đẹp quá. Giận dữ càng thêm đẹp, làm cho Định Tường phải xiêu lòng, không dám trái ý cô, gã vội ra lệnh thả Đình Hùng, còn hứa sẽ không cưỡng bức Hạnh Dung. Gã tin rằng vì sức mạnh của uy quyền và vật chất, với tình yêu của mình, một ngày không xa lắm, gã sẽ chinh phục được cô từ thể xác đến tâm hồn.
Chìu chuộng, dịu dàng, săn đón Hạnh Dung bao nhiêu, gã trở nên độc ác cay nghiệt với Đình Hùng bấy nhiêu. Từ địa vị một cặp rằng, anh bị hạ xuống làm gia đinh. Bao nhiêu công việc nặng nhọc nhất trong nhà, ngoài ruộng đều bắt anh cáng đáng. Lại còn ra lệnh cho các tên cặp rằng khác đánh đập anh tàn nhẫn.
Roi vọt, dọa đày, dù đau đớn vẫn không làm Đình Hùng đau đớn bằng cảnh ngày ngày phải tận mắt chứng kiến cảnh Hạnh Dung tiều tụy trong vòng tay Định Tường. Tuy tiết trinh nguyên vẹn, nhưng để tránh cho Đình Hùng bớt roi vọt dọa đày, để hai công ruộng, nguồn sống duy nhất của gia đình không bị ông Hội đồng cướp mất, nàng đành phải ngoài mặt vui cười, vâng dạ cho vừa lòng hắn.
Năm đó, trời hạn hán, dân làng bị mất mùa phải lâm vào nạn đói. Gia đình Hạnh Dung cũng thế. Để nuôi sống hơn bốn miệng ăn, họ đành phải đến vay ông Hội đồng ba mươi giạ thóc. Tự tròng thòng lọng vào cổ mình siết chặt.
Thời gian thấm thoát trôi. Mới đó đã ba năm, Hạnh Dung vẫn luôn giữ mình thanh bạch. Thái độ lạnh lùng của nàng đã làm gã Định Tường điên đảo. Gã yêu nàng cuồng dại. Hơn tất cả các báu vật trên đời. Gã quyết lòng phải chinh phục cho bằng được trái tim đầy kiêu hãnh của nàng.
Đêm đã khuya lắm rồi. Định Tường và tất cả mọi người đã ngủ say, chỉ có Hạnh Dung là còn thao thức mãi. Nàng không ngủ được. Đôi mắt cứ nhìn ra ở cửa sổ, xót xa lòng nghe gió mùa đông rít từng cơn.
Thời tiết năm nay khắc nghiệt quá. Ông trời như không biết thương cho những tấm lưng trần nằm chơ vơ ở nhà ngoài, cứ phả từng hơi lạnh buốt cắt da. Cả trâu bò còn không chịu được huống hồ chi người. Lại là người đang mắc bệnh như Đình Hùng chứ!
Hồi chiều, ngồi ăn cơm với Định Tường, nhìn Đình Hùng trần trùng trục, lưng đầy những lằn roi, vừa ho sù sụ, vừa phải dùng hết sức mình đẩy chiếc cối xay, lòng Hạnh Dung đau nhói. Phải kiềm lắm nàng mới không bật lên òa khóc. Vì nàng biết nước mắt của mình chỉ làm khổ anh thôi.
Đưa mắt qua Định Tường, nhìn gã trần trùng trục, người to đầy, bóng lưởng như một con heo. Gương mặt tròn tự đắc dương dương, Hạnh Dung chỉ muốn dùng dao đâm chết gã ngay lập tức. Nhưng nàng chỉ dám giết hắn bằng tưởng tượng, bằng căm thù của lòng mình. Nàng không đủ can đảm làm điều đó.
Giết hắn thật dễ dàng. Nhưng sau đó thì sao? Nàng, Đình Hùng và bốn sinh mạng ở nhà nàng sẽ thế nào? Hạnh Dung cắn chặt môi, nước mắt tuôn tràn như suối.
Tiếng sụt sịt của nàng đã làm Định Tường trở giấc. Nghe tiếng trở mình cót két trên giường, Hạnh Dung hoảng hồn nín bặt. Hai tay chắp trước ngực, nàng van vái đức Quan Thế Âm Bồ Tát đừng để hắn thức dậy vào giờ này, nàng sợ hắn lại giở cái trò thô bỉ kia trước mình lắm.
Mấy ngày nay, để kích thích, để khơi dậy lòng ham muốn chuyện chăn gối ở nàng, Định Tường đã bày ra trò mới, mỗi đêm gã bắt về hai cô gái trẻ, rồi cùng họ ân ái trước mặt nàng.
Định Tường đúng là tên khốn nạn, chẳng ra gì. Gã thô bỉ, đốn mạt vô nhân đạo lắm. Nhìn các cô gái oằn oại đớn đau, chịu sự giày vò của hắn, lòng Hạnh Dung trào dâng niềm khinh khi. Nàng chẳng thấy kích thích chút nào mà ngược lại, càng thêm ghê tởm và căm thù gã. Nghĩ đến một ngày tấm thân trinh bạch của mình bị hắn chạm vào nàng chỉ muốn chết ngay.
Lạy trời, Định Tường đã ngủ say trở lại. Tiếng ngáy của hắn đã báo với Hạnh Dung như vậy. Nhón chân bước xuống giường, nàng quyết định xuống thăm Đình Hùng.
Ba năm nay tuy cùng sống chung một mái nhà, nhưng nàng và anh chưa cùng nói chuyện cùng nhau. Chỉ có những tia nhìn trao nhau nhớ thương, niềm an ủi. Nàng sợ Định Tường biết sẽ giết anh, sẽ không giữ lời hứa cùng mình.
Nhưng lần này thì khác. Hạnh Dung không thể nào kiềm lòng giả đóng kịch dửng dưng được nữa. Một gia đinh đã lén tới báo với cô Đình Hùng đang bệnh nặng. Cứ nằm sốt mê man từ chiều hôm qua đến giờ.
Đêm tối như bưng, nhưng Hạnh Dung không vấp một bước nào, dù đây chỉ là lần đầu nàng đến gặp anh, nhưng con đường này, nàng đã đi bằng mắt, bằng tâm tưởng hàng vạn lần rồi!
- Đình Hùng! - Nhẹ ngồi xuống một đụn rơm, Hạnh Dung run run gọi - Anh đâu rồi?
- Hạnh Dung! - Đang mê man trong cơn sốt, Đình Hùng vẫn nhận ra ngay giọng của người yêu. Anh chống tay ngồi dậy những yếu sức quá, lại té xuống ngay. Hạnh Dung vội đưa tay đỡ lấy anh rồi kêu lên hốt hoảng :
- Trời, anh nóng quá!
- Hạnh Dung, Hạnh Dung! - Đình Hùng gấp gáp siết chặt tay người yêu. Trống ngực anh đập mạnh nghe thương nhớ dâng tràn - Em về đi.
- Anh giận em ư? - Hạnh Dung bật khóc - Anh nghĩ rằng em đã phản bội anh sao?
- Không bao giờ anh nghĩ thế đâu.
Bàn tay Đình Hùng vụng về lau lệ cho nàng.
- Anh yêu em lắm, nhớ em lắm nhưng anh sợ em phải bị đòn oan.
- Em không sợ, em không sợ. - Gục đầu xuống vai anh, Hạnh Dung vòng tay ôm lấy người anh chặt cứng. Đây là lần đầu, cô và Đình Hùng dám ôm nhau. Lúc trước cả cái nắm tay cũng dè dặt, giữ gìn không dám phạm - Hắn có giết em chết, em cũng nói là yêu anh!
- Hạnh Dung... - Đình Hùng không biết nói gì. Bàn tay của anh vuốt mãi lên mái tóc của nàng, dài óng ả. Mái tóc mà bao năm rồi, anh chỉ có thể vuốt ve nó bằng đôi mắt của mình.
- À, đúng rồi. - Như chợt nhớ, Hạnh Dung ngẩng dậy, cho tay vào túi, lấy ra ba viên thuốc - Anh uống đi, lúc chiều em vờ bệnh để dành cho anh đó.
- Em vờ bệnh, để dành cho anh đó... nghe yêu thương ngọt ngào nhỉ?...
Ba viên thuốc chưa kịp bỏ vào miệng Đình Hùng đã bay vút tên cao rơi xuống mất tăm. Hạnh Dung quay người lại, điếng hồn nhận ra kẻ vừa hét vang, đá tung ba viên thuốc khỏi tay mình chính là Định Tường. Quanh gã còn có cả chục gia đinh tay cầm đuốc sáng ngời.
- Khốn nạn, dám trốn tao ra tình tự với trai à?
Chưa kịp hoàn hồn Hạnh Dung đã lãnh hai cái tát như trời giáng vào giữa mặt, tối tăm mặt mũi.
- Cậu chủ, không phải lỗi cô ấy, xin cậu hay đánh tôi đây.
- Im ngay. - Tung chân đá mạnh vào mặt Đình Hùng làm anh té bật nhào, Định Tường hét lớn - Tao sẽ tính chuyện với mày sau. Đem con đàn bà hư đốn này về phòng tao ngay lập tức.
- Hạnh Dung! - Đình Hùng chồm theo ôm chân Định Tường.
Gã quay lại, hét đám gia đinh :
- Đêm đóng trăn nó cho tao.
Rồi hầm hầm gã bước về phòng mình một nước.
Phía sau, Hạnh Dung đã bị hai tên gia đình lôi đi xềnh xệch.
- Khốn nạn, làm bôi tro trát trấu vào mặt tao. Mày có biết địa vị của mày trong nhà này là gì không hả?
Cánh cửa vừa sập lại, Định Tường vội chụp lấy đầu Hạnh Dung ghị xuống. Vừa ghen, vừa tức, vừa xấu hổ với đám gia đinh, khiến hắn không làm chủ được mình. Vung roi đánh như mưa xuống người Hạnh Dung, bộ đồ lụa trắng của nàng trong phút chốc rách tả tơi, thấm đầy máu đỏ.
- Có chuyện gì mà nửa đêm ồn ào thế này?
Cánh cửa bật mở rồi ông bà Hội đồng bệ vệ bước vào. Định Tường ngưng tay roi hậm hực :
- Con khốn này đang đêm nó xuống tình tự với trai, bị con bắt tại trận.
- Tình tự với trai à? - Đôi mắt bà Hội đồng bén ngót - Thằng nào mà gan trời thế?
- Còn thằng nào nữa ngoài thằng Đình Hùng cưng của má. Hừ! Khốn nạn, dám gạt tao lấy thuốc cho nó uống.
Nói đến đây cơn giận lại trào lên, Định Tường vung roi đánh vào Hạnh Dung túi bụi. Chiếc roi bằng đuôi cá đuối, đầy gai nhọn. Đánh đến đâu là thịt da tả tơi đến đó.
- Không cần con phải giận dữ thế đâu. - Ông Hội đồng chậm rãi - Cái ngữ mèo mả gà đồng đó chẳng đáng giá gì. Ngày mai cứ giao nó cho trưởng làng thả trôi sông.
Thả trôi sông! Cây roi trên tay Định Tường rơi nhanh xuống đất, gã lắc đầu lo sợ. Không đâu, gã không muốn giết Hạnh Dung đâu. Cô là người con gái gã yêu nhất đời mình, sao gã đành lòng để cô chết khi chưa chiếm được cô.
- Con sao thế? Vẫn chưa hả giận à?
Thấy gã cứ ngẩn người ra, ông Hội đồng cau mày hỏi. Ông năm nay đã già lắm rồi, bà cũng vậy. Nên tính tình phần nào cũng trầm tĩnh hơn xưa.
- Con không muốn Hạnh Dung chết đâu. Con yêu cô ta. - Định Tường hạ giọng.
Bà Hội đồng chen vào :
- Chuyện làm rùm beng, mọi người ai cũng biết cả rồi, không thể không đưa ra làng xét xử được đâu.
- Đúng vậy - Ông Hội đồng gật đầu - Con tiếc làm gì, thế gian này hết con gái cho con yêu rồi sao chứ? Để cho thiên hạ cười vào mũi con à?
Nói xong, ông đứng dậy cùng bà Hội đồng trở về phòng.
Ông bà Hội đồng bỏ đi đã lâu rồi mà Định Tường vẫn ngây người ra chết lặng. Phải năm phút sau gã mới hoàn hồn chợt tỉnh. Thở ra một hơi dài, cúi nhìn Hạnh Dung nằm thiêm thiếp dưới chân mình, tim gã chợt nhói lên một cái đau. Người đẹp thế này mà phải chết thảm vậy sao?
Tự nhiên nghe hối hận thật nhiều, gã trách mình đã làm to chuyện. Sao gã không biết Hạnh Dung yêu Đình Hùng kia chứ? Nàng có phản bội gã đâu. Chính gã đã cướp nàng của Đình Hùng mà.
Nhưng dù cho hối hận bao nhiêu, có nói cách nào, ngày mai Đình Hùng và nàng cũng chỉ còn một con đường chết. Lời cha đã nói ra dù chỉ là lời đơn giản, nhẹ nhàng, Định Tường biết mình không thể nào thay đổi được.
Chết! Cúi nhìn Hạnh Dung lần nữa, lòng Định Tường lại bừng lên nỗi tức giận, thế chẳng phải đã quá dễ dàng cho nàng và Đình Hùng ư? Chẳng phải là giải thoát, là cho cả hai được ở cạnh nhau đời đời kiếp kiếp như lời thề nguyền gắn bó ư? Không, Định Tường này nhất định không thể để chung bây toại lòng như thế. Dù có chết, tao cũng phải tách chúng bây ra mãi mãi. Nhưng bằng cách nào đây?
Suy nghĩ, suy nghĩ mãi không tìm ra cách. Định Tường tức điên người. Cúi nhặt ngọn roi lên, gã hầm hầm bước ra ngoài kiếm Đình Hùng. Đêm nay, gã nhất định đánh chết Đình Hùng mới đã cơn giận.
* * * * *
Trời chưa sáng hẳn, bến sông quê đã đầy ắp người ta. Ai cũng muốn chọn cho mình một chỗ thật gần, thật tốt để nhìn cho rõ. Hơn một năm rồi thì phải, họ mới được xem trưởng làng xử một vụ gian dâm.
Không như nhiều lần xem trước, đám dân làng không ai xì xào bàn tán, cũng chẳng phẫn nộ nổi giận bừng bừng. Đòi lấy đá ném chết đôi gian phu dâm phụ ấy. Họ chỉ đứng lặng bên nhau thở dài buồn bã, thương cho đôi trai tài, gái sắc hiền ngoan nhất làng này.
Chưa sáu giờ, Đình Hùng và Hạnh Dung đã được dắt đến bên sông. Cả hai đều bị đánh đập dã man, tơi tả. Chẳng còn hình thù con người nữa. Nhất là Hạnh Dung, nàng đã bị Định Tường dùng dao rạch nát mặt mày. Có lẽ vì ghen tức cái nhan sắc khuynh thành. Hầu quyết lòng biến nàng thành xấu xí trước khi trả về đoàn tụ cùng Đình Hùng nơi chốn suối vàng.
Cả hai đều bị trói gặp khuỷu tay. Mồm nhét một trái chanh to tướng, để không kêu la hay chối tội cho mình. Thật đáng thương, nghe trưởng làng tuyên án, không một ai có thể cầm nước mắt.
Một cái cọc to được cắm trên bờ sông, sát mé nước. Đình Hùng bị trói chặt vào đấy. Anh sẽ bị phơi nắng chờ thủy triều lên dìm chết. Còn Hạnh Dung, thảm thương hơn. Sau khi bị trói chặt chân tay nhét vào trong lồng lợn, nàng sẽ được hai tráng đinh chở ra đến giữa dòng rồi thẳng tay quăng xuống nước. Trước đôi mắt chứng kiến của trưởng làng và toàn thể dân làng.
- Hạnh Dung!
Đình Hùng vẫy vùng, gọi tên nàng trong bất lực. Dòng nước chảy xiết quá. Thân thể nàng vừa bị quăng xuống đã mất tăm. Đám dân làng òa lên nức nở.
- Không!
Tử Ân gào lớn, cô vùng chạy đến bên bờ sông và khóc. Trời ơi! Sao lại như thế được, Hạnh Dung đã bị giết một cách tàn nhẫn thế sao. Còn Đình Hùng nữa, làm sao cô có thể cứu anh, khi nước thủy triều cứ chìm dần. Chẳng còn bao lâu nước đã ngập đến mũi anh rồi.
Trời ơi! Té ngồi trên thảm cỏ, Tử Ân nghe ghê tởm bản thân mình, ghê tởm dòng máu con cháu ông Hội đồng đang lưu chảy trong huyết quản mình. Tại sao cô lại là con cháu của những người tham lam, tàn ác thế nhỉ? Món nợ của gia đình cô đã vay của Hạnh Dung, vay dân làng... cô biết làm sao trả cho vừa?
- Tử Ân... Tử Ân... tỉnh lại đi... cháu làm sao vậy?
Giọng ông từ chợt vang lớn bên tai, Tử Ân bàng hoàng mở choàng mắt dậy, ngơ ngác nhận ra mình đang nằm trên bãi đất trống của khu nhà mồ. Bên cạnh là ông từ, ông đang nhìn cô lo lắng hỏi.
- Cháu đi đâu ra đây? Sao lại té bất tỉnh giữa đường? Có phải đã trông thấy ma rồi không?
Bất tỉnh? Tử Ân vội chống tay ngồi dậy. Đôi mắt chớp nhanh, cố nhớ. Sao lại thế nhỉ? Rõ ràng lúc nãy cô đã theo bà Hạnh Dung đến tận bến sông, sao bây giờ lại nằm đây? Lẽ nào những gì cô thấy nãy giờ chỉ là giấc mơ thôi? Nhưng nếu là giấc mơ thì cô phải còn ở trong căn nhà thờ chứ?
- Cháu vẫn chưa tỉnh à? - Thấy cô cứ ngây người ra, ông từ hỏi.
Chớp mắt, hoàn hồn lại, Tử Ân ngơ ngác hỏi :
- Ông gặp cháu ngủ ở đây ư? Ông đi đâu mà gặp cháu như thế này?
Ông từ cất giọng thản nhiên :
- Trời tối, vẫn không thấy cháu trở về, ta lo lắng đi tìm. Còn đang ngơ ngác thì bất chợt nghe tiếng cháu la hét kinh hãi, cháu mơ thấy gì mà cứ luôn miệng hét không không thế?
- Cháu thấy... - Chợt nhớ đến những cảnh hãi hùng mà mình đã thấy, Tử Ân không chịu được bật lên tiếng khóc lớn - Thật là khủng khiếp ông à?
- Nín đi cháu! - Đưa tay lên đầu Tử Ân, ông từ vỗ về - Chỉ là giấc mơ thôi có phải sự thật đâu?
- Nhưng... - Tử Ân đưa tay quẹt nước mắt - Không hiểu sao cháu cứ tin những gì mình vừa mơ thấy kia là thật ông à? Nó rõ ràng lắm... cháu không thể tự dưng mơ ra được.
- Thế cháu đã thấy những gì? - Ông từ tỏ vẻ quan tâm.
Thút thít, Tử Ân kể ông nghe toàn bộ giấc mơ mình đã thấy.
- Thật sao? - Nghe xong, mặt ông từ biến sắc, mồ hôi từ hai thái dương ông chảy ròng ròng lên áo. Đôi môi ông già run rẩy - Hạnh Dung đã kể với cháu như thế thật sao? Không lý nào đâu...
Nhìn thái độ của ông từ, Tử Ân biết mình đã không lầm. Câu chuyện cô vừa thấy không phải là chuyện hoang đường. Rõ ràng ông từ có biết. Nắm lấy tay ông, Tử Ân hạ giọng :
- Nếu bà không kể, cháu không sao biết được. Ông ơi, hãy cho cháu biết, có thật là ông nội Định Tường của cháu đã làm như thế? Đình Hùng là ai? Ông ta có chết không? Ông hãy kể cho cháu nghe đi.
- Ta không biết! - Ông từ lắc nhanh đầu - Không biết chút gì cả, Đình Hùng đã chết rồi, Hạnh Dung cũng đã chết rồi. Xin hãy để những vong hồn được yên, xin đừng nhắc nữa.
Nói xong, ông vùng đứng lên bỏ chạy thật nhanh như trốn chạy. Tử Ân vẫn kịp nhìn từ trong đáy mắt ông những giọt lệ tuôn trào.