Chương 4
Tác giả: Người Thứ 8
N
hưng chàng chỉ rảo bước được một quãng ngắn là phải dừng lại. Ngoại trừ Buru nhanh nhẹn như con nhái bén, hai cô gái và gã đàn ông bị thương nơi chân mặc đồ "linh mục" không theo kịp chàng, cả bọn hoảng sợ gọi chàng ơi ới. Con đường trước mặt khá nhẳn nhụi đã bị phủ kín đất đá, chiếc Vônvaghen bị chôn trong nấm mồ cao lêu nghêu, chàng phải rẽ tránh một thân cổ thụ đồ sộ đổ ngang, ngay sau đó là một tảng núi lớn bằng tòa nhà ba tầng nằm chềnh ềnh. Trời lại mỗi lúc một tối. Những ngôi sao cần thiết cho người đi rừng cũng trốn đâu mất. Màn sương buông tỏa dầy đặc càng làm trời thêm tối hơn.
Bỗng Buru la thất thanh :
-Ông ơi !
Bàn tay hắn chạm vào cổ chàng. Tưởng thịt ướp nước đá cũng chỉ lạnh đến thế là cùng. Ngón tay hắn cứng đét như không có khớp xương. Giọng hắn run run :
-Nghĩa địa, nghĩa địa ông ơi !
Văn Bình bật cười. Theo tay hắn chỉ, chàng chỉ thấy lờ mờ những hòn đá cao như đụn rạ sừng sững bên phải. Bên trái là con sông, con sông ngoằn ngoèo sóng cuộn rì rầm. Leo lét một luồng sáng xanh từ những hòn đá đen sì bốc lên, Buru lại la :
-Ma... ma ăn thịt người, ông ơi !
Hai cô gái đều đi nép vào bên chàng, cả hai đều thở hổn hển. Nếu họ ở trong căn phòng gắn máy điều hòa khí hậu, kê giường nệm êm lưng thì tiếng thở hổn hển này là biểu hiệu của khoái lạc thần tiên, nhưng trong cảnh hoang liêu này, tiếng thở hồn hển của hai cô gái căng cứng và hấp dẫn lại làm gai ốc mọc đầy lưng Văn Bình. Chàng hỏi Buru :
-Bên tay phải là nghĩa trang nhân-thảo phải không ?
Buru đáp không ra hơi:
-Phải. Người mọi xếp xác chết thành đống chung quanh nền đá rồi mặc cho quạ mổ : lâu ngày, ma lớn, ma nhỏ, ma đực, ma cái, ma trẻ, ma già, kéo nhau về đấy hàng đoàn, ai đi qua không cúng kiến bị nó bóp cổ sặc máu tươi mà chết.
-Cúng kiến bằng gì ?
-Rượu têquila và một con heo nướng chín.
-Bọn ma uống hết rượu và ăn hết con heo thui ?
-Dĩ nhiên.
Nghe tiếng cười ngạo nghễ của Văn Bình, Buru vội bịt miệng chàng, giọng van vỉ:
-Ông đừng cười. Ma nhân-thảo nghe được thì khốn. Tai ma thính lắm. Có lần một người da trắng tìm mỏ dầu đi qua đây nói xấu bị ma nghe được, ma làm cho một trận thất điên bát đảo, suýt nữa phải về chầu ông bà.
Văn Bình định cười trên Buru nhưng một tiếng rú khủng khiếp đã vang lên :
-Chết tôi rồi !
Đó là tiếng rú của Fêlin. Văn Bình mở đèn bấm và nhìn thấy Fệlin đang vùng vẫy dưới một cái hố khá sâu. Hắn bước khập khễnh lại thiếu thận trọng nên bị hụt chân ngã xuống hố. Văn Bình chiếu đèn vào khuôn mặt nhợt nhạt vì mất máu của hắn :
-Ông bị đau lắm không ?
Miệng hắn méo xệch :
-Không khéo tôi bị gãy thêm chân nữa.
Văn Bình ra lệnh :
-Ông ngồi xuống thử xem.
Hắn mới thụp nhẹ đã mất thăng bằng và ngã chồng kềnh. Mình mấy hắn ướt nhèm vì đáy vực toàn nước. Côcô níu cánh tay Văn Bình, giọng lo sợ :
-Cha tôi gẫy cả hai chân rồi.
Fêlin nằm mọp luôn trong vũng nước lầy lội, không sao nhỏm dậy được nữa. Văn Bình phải ép sát mặt đất, thòng tay xuống cho hắn nắm. vất vả lắm chàng mới kéo được hắn lên khỏi hố. Hắn ngã vào vòng tay Văn Bình, miệng rên khừ khừ.
Một cơn gió lạnh thốc qua mang theo mùi hôi thối thịt rữa của nghĩa trang nhân-thảo. Những lùm sáng ma trơi xa xa bỗng lập lòe, lập lòa muốn tắt. Côcô nhìn Văn Bình, vẻ mặt tuyệt vọng :
-Làm sao bây giờ, hả ông ? Cha tôi không thể đi được nữa.
Buru đề nghị:
-Theo tôi, ông Fêlin nên nằm dưới gốc cây, chờ đến sáng mai, chúng tôi đến căn cứ 4Q sẽ cho người đến cứu.
Biết thân phận, Fêlin nín lặng. Cách đây 10 phút, hắn đã chĩa súng bóp cò không chút ngần ngại. Nếu cơn động đất quái ác xảy ra chậm một vài giây đồng hồ thì mọi người đã chết. Họ tha chết cho hắn đã là nhân đạo lắm rồi, hắn đâu dám nghĩ đến chuyện họ đặt hắn lên cáng khiêng theo. Vì vậy, hắn chảy nước mắt ròng ròng khi nghe Văn Bình nói:
-Không được. Mình không thể bỏ mặc ông ta ở đây. Biết bao nguy hiểm có thể xảy ra, nào thú dữ, nào bọn mọi ăn thịt người, đó là chưa kể đến động đất.
-Nhưng tôi đã mệt lả.
Văn Bình không đáp, cúi xuống vác Fêlin lên vai. Chàng trèo qua phiến đá, sắc mặt ung dung như thể Fêlin là cái gối chứa bông gòn. Một tia chớp lóe ngang vòm trời đen sạm, Văn Bình chạm luồng nhỡn tuyến đầy ý nghĩa của Côcô. Chàng thấy má nàng ướt mèm. Không rõ ướt vì sương, vì bọt nước từ dưới sông bắn lên tung tóe, hay là ướt vì nước mắt nữa.
Đã vác Fêlin trên vai, Văn Bình còn phải chìa tay cho hai cô gái nắm. Lần lượt, chàng nhấc Côcô và Ritạ qua khỏi tảng đá sang bên kia đường. Buru lóp ngóp bò theo, hắn lo thân hắn chưa xong, chàng không dám nhờ hắn giúp đỡ nữa. Ấy thế mà trung ương tình báo My khoe khoang rùm beng là chàng sẽ gặp một ngươi dẫn đường cừ khôi, nhắm mắt cũng dư sức đưa chàng đến cửa căn cứ 4Q. Không khéo lát nữa đây Buru sụp chân bong cả hai mắt cá, chàng phải vác luôn hắn lên vai cũng nên....
Hắn thở hồng hộc, chàng đập vai hắn hỏi:
-Rẽ trái hay phải ?
Con đường tách làm hai nhánh nhỏ. Mặt nước như có lân tinh phản chiếu nên chàng bắt đầu nhìn thấy phần nào cảnh vật. Buru hít hà rồi đáp :
-May quá. Yêu cầu ông quẹo sang bên phải.
-Tại sao anh lại nói "may quá" ? sắp đến vòng ngoài căn cứ 4Q rồi hả ?
-Chưa. Nhưng sắp đến làng Dua.
-Làng Dua của nhân viên phục vụ trong căn cứ ?
-Không. Làng này của dân mọi bản xứ.
-Ăn thịt người ?
-Bọn mọi này hiền hơn. Cách làng Dua một cây số mới là căn cứ 4Q.
Văn Bình trượt chân, suýt té nhào. Nhờ chàng kịp thời xuống tấn, nếu không Fêlin đã bị dộng đầu xuống đất. Chàng vừa lấy lại quân bình thì Rita kêu "ối". Rồi bõm một tiếng. Nàng lăn xuống ruộng nước bên đường. Họa vô đơn chí, hai người trong đoàn bị thương người trước người sau trong khoảng một phút đồng hồ ngắn ngủi. Khi được kéo lên, nàng ướt như chuột lột, cái áo vét chàng cho nàng mượn tạm để che thân thể lõa lồ sau trận địa chấn đã nặng chình chịch như đeo chì. Tuy vậy, nàng không dám cởi ra, và cứ mặc nguyên trên người hì hục vắt nước. Cũng may, xương cốt nàng không bị suy xuyển. Chứ nếu nàng khập khễnh thì thật rầy rà....
Giá nàng nặng gấp đôi, Văn Bình cũng đặt lên vai nhẹ bỡn, nhưng còn Côcô ? Bệnh ghen của đàn bà đẹp là điều chàng sợ nhất. Chàng thở phào khoan khoái khi nghe Rita đáp :
-Cám ơn anh. Em không hề gì.
Chết rồi, Rita vừa xưng em ngọt xớt... Chàng đang bối rối thì nàng hắt hơi luôn một dây dài. Nghĩa là nàng bị nhiễm lạnh. Chàng cầu Trời kkhấn Phật cho mau đến làng Dua.
Chướng ngại vật mỗi lúc một bớt dần, đường đi đã trở lại bằng phẳng. Nhưng khối thịt của Fêlin trên vai Văn Bình lại mỗi lúc một đè nặng, thêm vào đó là sức níu kéo của hai cô gái. cả hai đều mệt nhoài song vẫn chưa đến nỗi phải đeo chặt lấy chàng. Chàng có cảm tưởng là họ cố tình. Bắp thịt cánh tay chàng dường như bị tê bại. Nhưng chàng không dám phàn nàn.
Tiếng reo của Buru làm chàng tỉnh người. Hắn vỗ tay đôm đốp :
-A ha, làng Dua kia rồi....
Cái được mệnh danh một cách trịnh trọng là làng Dua chỉ gồm một dãy nhà lốc mái trên đống đá gạch và cây cối đổ nát. Mọi người hì hục trèo hết một con dốc cao, men theo lối đi nhỏ trơn trượt giữa hai vách núi thẳng tắp, trước khi đổ xuống một thung lũng chậu thau. Những đốm lửa ma trơi vẫn cháy bập bùng tạo cho cảnh tranh tối, tranh sáng một sắc thái rùng rợn. Đột nhiên, Văn Bình nghe tiếng chó tru thảm thiết. Đó không phải là tiếng chó sói chạy rông tìm mồi ban đêm mà là tiếng chó nhà. Không phải một con mà là nhiều con chó cùng tru lên một lượt. Có lẽ đàn chó may mắn thoát chết trong cơn động đất. Ban đêm, bụng đói, chúng đang kêu cứu bên xác chủ.
Rita rúc đầu vào nách chàng :
-Anh ơi, em sợ quá.
Văn Bình không đáp, ra hiệu cho mọi người trèo lên bực thềm một ngôi nhà xây bằng đá. Trong làng bị tàn phá, chỉ trừ căn nhà trơ trọi này đứng vững. Tiếng chó tru từ sau nhà vẳng lại, rền rĩ như tiếng gọi âm hồn.
Văn Bình đặt Fêlin nằm dài trên nền đất lạnh buốt. Bên ngoài, trời còn mờ mờ, có thể nhìn thấy cảnh vật phần nào, nhưng bên trong hoàn toàn đen kịt. Chàng luồn tay vào túi lấy quẹt máy. Cùi tay chàng đụng bộ ngực căng phồng của Rita. Nàng cũng đang ngồi xuống. Chàng quên bẵng hoàn cảnh khó khăn, quay mặt lại hôn nàng. Trời tối, thoạt đầu, chàng hôn lầm vào má, nhưng sau đó tự nàng kéo miệng nàng sát miệng chàng.
Chàng vội buông nàng ra vì Buru vừa bật diêm kêu soạt một tiếng. Lửa lóe cháy trong căn nhà âm u. Dưới tia sáng vàng vọt, Văn Bình nhận thấy căn nhà trống trơn, ngoại trừ cái bếp lửa ở chính giữa, với hai khúc cây lớn châu đầu vào nhau, tro than đã tàn lạnh, Fêlin rên khừ khừ, thỉnh thoảng lại kêu đau. Rita tiếp tục nhảy mũi. Nàng đang dựa lưng vào khúc gỗ bỗng nằm nghiêng. Chàng rờ trán nàng, trước đó một phút, chàng hôn nàng, cảm thấy hơi nóng bỏng da thịt, tưởng lầm là hơi nóng thèm muốn, chàng không ngờ nàng bị cảm nặng.
Buru cúi đầu hỏi nàng :
-Cô bị sốt ư ?
Rita đáp bằng giọng khó khăn :
-Vâng.
Que diêm đã tắt ngúm, bóng tối dầy đặc lại bao trùm mọi vật. Văn Bình nói với Côcô :
-Ba cô bị gẫy hai chân, chỉ có y sĩ chuyên khoa mới bó xương được. Cô Rita cũng bị sốt nặng. Vì vậy, tôi quyết định để cô ngồi chờ ở đây, tôi sẽ đến căn cứ 4Q ngay bây giờ. Nếu không gặp trở ngại dọc đường, tôi sẽ trở lại đây trước nửa đêm với y sĩ của căn cứ.
Côcô đáp, giọng lo lắng :
-Đường đi từ làng Dua đến căn cứ rất nguy hiểm. Đêm tối, ông gặp quảng nào bị núi xạt thì mất mạng như chơi. Ông nên nghỉ lại đây, sáng sớm hãy đi tiện hơn.
-Nhưng còn ông Fêlin ?
Chàng định nói thêm "và cô Rita" nhưng vội lặng yên. Chàng hiểu tâm tính phụ nữ hơn ai hết. Côcô thở dài:
-Em chỉ biết tin nhờ vào Chúa, vả lại, ba em chờ một đêm cũng chẳng sao. Em đã học qua lớp điều dưỡng viên, em có thể băng bó tạm thời cho ba em.
Ngừng một phút, nàng nói, giọng tha thiết làm Văn Bình mủi lòng :
-Ông đi rồi, ai giúp em chống lại bọn mọi ăn thịt người và thú dữ ?
Suýt nữa, nếu không nhớ đến ông Hoàng ở Sài Gòn giờ này đang thức bên máy truyền tin, nhớ đến tủ sắt đựng tiền rỗng tuếch của sở, chàng đã nghe lợi nàng mà ở lại đến sáng hôm sau. Nàng lo sợ rất có lý : bọn mọi bị trận địa chấn đuổi ra khỏi núi có thể đổ xô xuống làng Dua, đàn chó nhà ngoan ngoãn có thể biến thành cọp dữ nhá xương người ngấu nghiến vì quá đói khát, vì tinh thần bị khủng hoảng cực độ. Lẽ ra chàng phải mang nàng đi theo, hoặc ở lại với nàng. Nàng có những đường cong ngon lành và thơm tho, ở lại một đêm với nàng dưới trời lạnh rét không phải là không thú vị.
Nhưng...
Sợ bàn bạc thêm nữa chàng sẽ dùng dằng và mềm lòng trước những giọt nước mắt nóng hổi sắp sửa lăn trên gò má Côcô, chàng bèn khoát tay gọi Buru. Hắn đã chồm dậy từ nãy :
-Ông gọi tôi ?
-ừ. Khẩu súng săn đâu ?
-Đây. Nhưng trời tối lắm, ông ạ.
-Tối cũng phải đi.
-Cô Côcô nói đúng đấy. Tôi đã quen thuộc vùng này. Nếu gặp núi lở thì chết. Một bên là núi, một bên là sông, tôi sợ bỏ thây ở xó thung lũng này mất. Tôi xin đề nghị với ông....
-Hiểu rồi. Anh cứ ở lại, tôi đi một mình cũng không sao.
-Nhưng ông không biết đường.
-Tôi đã nói là không sao cả mà. Nếu có chuyện gì, anh cứ bắn một loạt đạn liên tiếp để báo tin. Nghe súng nồ, tôi sẽ quay lại lập tức.
-Thưa ông....
Văn Bình không thèm đáp, quày quả ra ngoài. Côcô chạy theo níu áo chàng :
-Ông không nên đi một mình. Em sẽ ở lại đây, ông Buru phải đi với ông. ông đừng ngại, em biết bắn súng, vả lại, còn ba em nữa. Giờ này, ba em còn tỉnh.
Nàng cất tiếng gọi Fêlin. Hắn đáp ngay :
-Ba nghe hết rồi. Con mang khẩu súng lại đây. Hai ông cứ đi đi. Một lần nữa, tôi xin thành thật xin lỗi. Hồi nãy, tôi đã cư xử một cách ngu xuẩn.
Văn Bình nghe rõ hơi thở điều đặn của Rita. Cơn sốt nặng đã tác động như liều thụốc ngủ linh nghiệm. Nàng đã ngủ say. Chàng tần ngần một lát, đoạn cởi áo đắp cho nàng. Chàng vỗ nhẹ vai Côcô rồi ra hiệu cho Buru băng mình vào đêm tối.
Thật ra, trời cũng không tối lắm. Mảnh trăng lưỡi liềm đã nhô lên khỏi đỉnh núi bao quanh thung lũng vòng chảo, chiếu xuống cảnh vật thê lương những tia sáng yếu ớt màu sữa. Buru lẽo đẽo bước theo chàng, dáng điệu chán chường và mỏi mệt. Thân hình hắn cao như tháp canh, hắn phải cúi đầu, còng lưng như để trốn tránh gió lạnh. Vì những trận gió không biết từ đâu tới thổi vèo vèo mang theo khí lạnh buốt xương.. Hắn không cười tình, nhe hàm răng cải mả và cái răng chó bịt vàng ra nữa. Hắn cũng không góp chuyện như thường lệ nữa. Tính ba hoa của hắn bỗng biến mất. Và nếu không sợ lệnh trên, hắn đã bỏ về.
Hắn thường khoe có cặp giò dẻo dai nhất vùng biên giới mà mới vượt 10 cây số hắn đã bủn rủn. Hắn phải chống mũi súng dài xuống đất thay gậy mới khỏi té ngã.
Hai người trèo qua một đống đá lớn. Buru nắm áo Văn Bình giật mạnh :
-Sướng quá, ông ơi ?
Chàng phì cười:
-Người đẹp đang chờ anh hả ?
Hắn văng tục rồi nói:
-Chu choa, dính vào đàn bà lúc này thì chết không kịp ngáp... Tôi kêu sướng vì đã đến vòng ngoài căn cứ.
-Vòng ngoài ?
-Vâng. Như ông đã rõ, căn cứ 4Q gồm ba chu vi phòng thủ. Vòng ngoài là một khu vực rộng 200 mét được chăng dây kẽm gai chuyền điện và chó bẹt-giê canh gác. Chỉ có 2 lối ra vào, ở mặt Nam và ở mặt Bắc, ở mỗi cửa có một vọng gác và 2 người thường trực. Qua khỏi vọng gác, phải đi 200 mét nữa mới đến vòng giữa, nơi đặt các cơ sở kỹ thuật điện tử của căn cứ. Và sau cùng là vòng trong.
-Vòng ngoài là đống gạch đá hỗn độn phía sau hào nước ở bên tay trái phải không ?
-Phải.
Buru nghển cồ quan sát. Miệng hắn đang cười khoan khoái bỗng méo sệch. Hắn kêu to:
-Ông ơi, khổ quá ông ơi !
Văn Bình trừng mắt:
-Tại sao anh kêu khổ ?
Buru thở dài sườn sượt:
-Tôi không thấy hàng rào kẽm gai và vọng gác đâu cả. Chẳng dấu gì ông, tôi xung phong dẫn đường cho ông là vì có hẹn với thằng bạn trung úy chỉ huy canh phòng vòng ngoàiT Có lẽ hắn đã chết.
-Hừ... chết thì khỏi phải sống, có gì mà anh thở dài như bị người yêu đá đít vậy ?
-Ông không biết đấy thôi. Cô gái đẹp tuyệt trần mà tôi thường khoe với ông lại là vợ của thằng trung úy phòng vệ.
-Hắn chết càng lợi cho anh. Thành thật chia mừng với anh.
-Hỏng bét rồi. Chồng chết cô ả sẽ bỏ tôi. Để tôi kể cho ông nghe, cô ả thuộc loại đa tình, bạ ai cũng mê, nhựng không dám cắm sừng công khai hoặc bỏ theo người khác vì lẽ thằng chồng dữ hơn cọp xám. Hắn dọa hễ cô ả tằng tịu với ai là hắn cắt gân chân. Trước kia, nhiều cậu con trai tơ lơ mơ với vợ hắn đã bị hắn cắt gân chân trở thành tàn phế. Sở dĩ hắn chưa hành hạ cô ả vì có tôi bảo lãnh. Tôi gặp hắn hàng tuần tại căn cứ, và cho hắn biết tin tức về vợ. Hắn tin tôi kinh khủng. Tôi bảo lãnh với hắn là cô ả rất ngoan.
-Hừ... anh đòi cô ả trả công phải không ?
-Thưa ông, phải. Tôi điều đình thẳng thắn với nàng, cứ hai ngày nàng gặp tôi một lần tại nhà thì tôi sẽ không tố cáo. Nàng không yêu tôi song vẫn phải nhận lời. ông ơi, nàng có bộ mặt đáng yêu nhất Nam-Mỹ, thân thể nàng vừa đều đặn lại vừa thơm phưng phức nữa.
-Nào có khó gì... mai mốt trở về Côlômbi, anh sẽ nói phịa là chồng cô ả còn sống nhăn răng.
-Phịa sao được ? Nàng khôn lanh như quỷ. Mỗi lần tôi đến căn cứ, nàng đều gửi thư tay cho thằng chồng, và thằng chồng coi trong thư mà trả lời.
Buru hụt chân, nếu Văn Bình không kéo lại hắn đã tụt xuống hố. Con đường đất đỏ toàn hố là hố. Văn Bình có cảm tưởng là mặt đường vừa bị hàng trăm chiếc xẻng máy khổng lồ múc đất lên để lộ những cái hố sâu hoắm đầy nước.
Buru vất vả lắm mới lấy lại được thăng bằng. Nhưng hắn đứng chưa vững thì có tiếng đạn nhảy vào nòng súng kêu "soạch" và tiếng hô :
-Đứng lại !
Một bóng đen từ mô đất lù lù bên đường tiến ra, khẩu tiểu liên trong tư thế ngang, nghĩa là không chĩa vào hai người. Văn Bình hỏi lớn :
-Anh là lính gác ?
Bóng đen gật đầu :
-Phải. Tại sao chỉ có hai ông ? Còn những người khác đâu ?
Những câu hỏi dồn dập của tên lính gác không làm Văn Bình ngạc nhiên. Theo sự suy luận của chàng thì tên lính đinh ninh hai người chỉ là thành phần tiền sát, còn đại đơn vị đang lục tục kéo đến sau. Cơn động đất tiếp theo hỏa diệm sơn phun lửa đã gieo tang tóc trong căn cứ 4Q, binh sĩ và nhân viên kỹ thuật sống sót đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài; màn sương dầy đặc không cho phép phi cơ hoạt động, họ đành chờ đợi công cuộc tiếp tế bằng đường bộ.
Văn Bình đáp :
-Những người khác sẽ đến sau.
Tên lính gác quăng súng xuống đất, ôm chầm lấy chàng hôn hít. Hàm râu quai nón của hắn chưa được ngửi mùi dao cạo từ nhiều ngày nay, những sợi cứng tua tủa đâm vào má Văn Bình, làm chàng nhật nhạt. Trước kia, mỗi khi quên cạo râu mà ôm Nguyên Hương hôn, chàng tỏ vẻ bất mãn vì nàng nhăn mặt kêu đau. Chàng thường bảo nàng bằng giọng hờn mát "em ghét anh nên chẳng có gì cũng la oai oái". Sợ chàng giận, Nguyên Hương phải nhoẻn miệng cười làm lành. Được nàng chiều chuộng, dần dần chàng trở thành "hư thân mất nết", có khi hai ba ngày không cạo, râu ria xồm xoàm vẫn nằng nặc đòi hôn. Mà chàng có chịu hôn hai, ba phút cho cam ! Xoàng ra cũng 5 phút. Cái hôn trái khoáy của tên lính trong căn cứ 4Q bất giác khiến chàng nhớ đến Nguyên Hương, nữ thư ký trung thành của ông Hoàng không bao giờ lấy chồng, Quỳnh Loan, người vợ không bao giờ cưới cua chàng, và Văn Hoàng, đứa con trai duy nhất tập tểnh bước vào nghề ruột của cha, ngày đêm thách đố với tử thần.
Buru lôi giật tên lính ra, giọng dấm dẳng :
-Anh điên hả ?
Tên lính giật mình, vội đứng nghiêm :
-Xin lỗi. Em xin lỗi đại úy. Mấy ngày nay, tinh thần em bị bấn loạn. Em mừng quá nên....
Buru trợn mắt chỉ Văn Bình :
-Mày phải gọi là đại tá mới đúng.
Tên lính bồng súng chào :
-Thưa đại tá....
Văn Bình vỗ vai hắn, ôn tồn :
-Số thương vong trong căn cứ là bao nhiêu ?
Hắn đáp :
-Thưa, bị thương nặng hoặc chết gần hết.
-Nghĩa là bao nhiêu ?
-Em không rõ.
-Còn mấy người sống sót ?
-Em cũng không rõ. Ngay sau khi đất chuyển, những tảng đá lớn trên núi đồ xuống, em bị bất tỉnh. Khi em thức dậy thì căn cứ đã biến thành đống gạch vụn, đại tá Liu đang ngồi bên giường, mặt đầy bông băng, tay chân bị đứt gãy nhiều chỗ.
-Đại tá Liu, tư lệnh căn cứ ?
-Thưa vâng. Đại tá Liu bị thương nặng nhưng may mắn là tạng phủ còn nguyên vẹn. Một số sĩ quan thân cận ông ta cũng còn sống. Động đất xảy ra ban đêm, đúng 21 giờ, nếu sớm hơn, hoặc chậm hơn vài giờ đồng hồ nữa thì chắc chắn toàn thể điều thiệt mạng. Vì, thưa ông, 21 giờ, đài truyền hình Qui-tô phát một chương trình rất hấp dẫn, mọi người ở trong căn cứ buồn teo nên tụ tập trước máy tiyi đặt trong câu lạc bộ ở tầng sát mặt đất. Tầng nầy được đồ bê-tông cốt sắt kiên cố, bom rớt xuống cũng không bị hề hấn... sở dĩ đại tá Liu bị thương là do mảnh vụn gạch đá và bàn ghế.
-Anh có biết....
Văn Bình chỉ nói 3 tiếng rồi nín bặt. Chàng định hỏi hắn có biết kỹ sư Anbe Doarê ra sao không song chàng cảm thấy hớ hênh dại dột.
Tên lính lập lại:
-Thưa, biết gì ạ ?
Văn Bình lắc đầu :
-Không. Lát nữa, tôi hỏi đại tá Liu cũng được. Hiện đại tá ở đâu ?
-Vâng, xin mời đại tá theo em.
Tên lính đi trước, chân cao chân thấp. Giờ đây, Văn Bình mới nhận thấy hắn bị thương nơi chân, một ống quần rách tòn ten để lộ bông băng trắng xóa. Phải dùng lính què canh gác, điều này chứng tỏ căn cứ 4Q, báu vật điện tử của tình báo Hoa-kỳ và châu Mỹ la-tinh đã bị cơn địa chấn dữ dằn bất thần san thành bình địa.
Tên lính bước cà nhót qua một cánh cổng lớn. Thật kỳ lạ, mọi vật chung quanh đều đổ nát, riêng cánh cổng sắt vẫn đứng trơ trơ như muốn thi gan với tai họa. Ánh trăng xuông vờn chiếu trên những tấm lưới sắt sơn trắng. Con đường từ cổng dẫn vào bên trong trước đây được tráng xi-măng phẳng bóng, giờ đây đã lún sâu xuống hoặc trồi cao lên, cách 4, 5 thước lại có vết nứt ngang. Văn Bình nhìn bên trái : một đoàn xe đốt-cát sơn màu kaki, màu quân xa Mỹ nằm dán xuống đất. Chàng có cảm tưởng đoàn xe cam-nhông bị đặt dưới máy ép khổng lồ. Gần đó, hai chiếc xe díp nằm chổng bốn bánh lên trời. Bên phải, một cây cột lớn bằng sắt, có lẽ là kỳ đài, bị tiện đôi, nhưng nửa trên chỉ gẫy gục xuống, chứ chưa đứt lìa. Xa xa là những cột vô tuyến điện và radar, tất cả đều sụp đổ.
ống chì và dây điện nằm ngồn ngang trên mặt đất lồi lõm. Tên lính chỉ đống đá trước mặt:
-Đại tá Liu đang ở dưới hầm. Mời hai ông rẽ vào đây. Yêu cầu hai ông cẩn thận, hồi sáng, một trung sĩ trượt chân ngã luôn xuống vực mất tích, dường như vực thẳm này ăn sâu vào tận ruột trái đất. Hôm qua còn nóng như lửa cháy, đến sáng nay mới bắt đầu nguội.
Tên lính dừng lại trước cửa hầm. Văn Bình nhìn thấy một tên lính khác, phục sức có vẻ tươm tất hơn nhưng cổ lại quấn đầy bông băng. Tên lính này không cầm súng. Hắn đứng chống nạnh bên cánh cửa xuống hầm, nét mặt thờ thẫn như người vừa bị tình nhân cho "leo cây".
Từ dưới hầm hắt lên một lằn sáng vàng vọt. Mùi ẩm mốc lẫn mùi máu tanh tưởi, mùi thuốc sát trùng xông vào mũi Văn Bình. Tên lính cà nhót nhô đầu lên nói:
-Đại tá Liu mời hai ông xuống.
Đại tá Liu không thể lên miệng hầm đón hai ngựời vì lẽ dễ hiểu ông phải nằm mọp trên giường, một cái giường sắt bệnh viện bị cụt hai chân được kê ngay ngắn bằng những cái thùng gỗ đựng thực phẩm chồng chận lên nhau. Căn hầm khá rộng nhưng đồ đạc chẳng có gì hết ngoài mấy cái bàn sắt lỏng chỏng và cái giường sắt duy nhất của đại tá Liu. Các nhân viên khác bị thương đều nằm sóng sượt trên nền xi-măng gồ ghề.
Không khí trong hầm hoàn toàn im lặng. Một người đàn ông trung niên mặc quần sọt kaki rách bươm, đội mũ vải đeo dấu hiệu hồng thập tự, chắc là y sĩ, khoát tay ra hiệu cho Văn Bình. Toàn căn hầm chỉ có một ngọn đèn. Và ngọn đèn này là đèn dầu hỏa.
Thấy Văn Bình, mọi người khỏe mạnh trong hầm đều đứng dậy. Họ đều mặc quân phục nhàu nát, vẻ mặt lo lắng xanh lét. cấp cao nhất trong bọn là thiếu tá.
Viên thiếu tá từ từ tiến lại, đến gần Văn Bình, hắn cất tiếng nói thật nhỏ, gần như thì thào :
-Đại tá Liu bị thương nặng cần được tĩnh dưỡng nên ỵ sĩ không cho phép nói lớn tiếng, xin hai ông hiểu cho. Hai ông ở đâu tới, thủ đô Qui-tô phải không ? Có lẽ dưới ấy cũng bị tàn phá nên các ông đến chậm. Chúng tôi đã bàn tính với nhau, nếu đêm nay không có lực lượng tiếp cứu tới nơi thì sáng mai chúng tôi phải tìm cách ra khỏi thung lũng.
Văn Bình không trả lời thẳng vào câu hỏi của viên thiếu tá. Chàng chỉ nói vắn tắt:
-Tôi có công vụ quan trọng, cần gặp đại tá tư lệnh.
Viên thiếu tá ngạc nhiên :
-Hiện tôi là quyền tư lệnh. Như ông đã thấy, đại tá Liu chưa thể tiếp ông được. Tôi sẽ thay đại tá Liu giải quyết công vụ ấy.
-Theo chỉ thị, tôi chỉ được phép liên lạc và bàn định với đại tá Liu.
-Nghĩa là công vụ của ông không dính dáng đến việc tiếp cứu khẩn cấp ?
Văn Bình nói dối:
-Có. Hai việc đều liên hệ với nhau. Nhưng đội tiếp cứu chưa thể đến kịp đêm nay. Thoạt tiên, chúng tội bố trí tiếp cứu bằng đường hàng không, kế hoạch này bị hủy bỏ vì nhiều phi cơ bị rớt và hoa tiêu tử nạn. Đơn vị tiếp cứu phải dùng đường bộ. Chúng tôi đến trước để....
-Phụ trách an ninh ?
-Không. Để gặp đại tá Liu.
-Mời ông ngồi chờ. Y sĩ cho biết cuống họng đại tá Liu bị rách, chưa chắc có còn nói được không.
-Vâng, tôi xin ngồi chờ.
-Như ông đã rõ, đây là căn cứ quân sự, phải có giấy phép đặc biệt mới được xuất nhập. Nếu tôi không lầm, khi ông qua vọng gác bên ngoài, lính gác của tôi quá mừng rỡ nên không đòi xuất trình giấy tờ chứng minh. Các ông là ai ? Dân sự hay quân nhân ?
-Tôi sẽ xuất trình chứng minh thư với đại tá Liu.
-Ông nói lạ ! Nếu ông không tuân lệnh, miễn cưỡng tôi phải sai lính nhốt lại.
Vừa nói hắn vừa rút súng lục đeo thắt lưng ra, chĩa vào ngực Văn Bình. Chàng cười nhạt và nghiêm giọng :
-Thiếu tá không đượn hỗn. Theo hệ thống quân giai, tôi ở trên thiếu tá hai cấp.
-Ông là đại tá ?
-Phải, nhưng thiếu tá không có quyền hỏi. Tôi đã nói hồi nãy : chỉ có đại tá Liu mới có quyền. Đồng thời, tôi cũng xin thiếu tá cất cái đồ chơi trẻ con ấy đi, kẻo tôi nổi giận thiếu tá sẽ gẫy nốt cánh tay phải.
Viên thiếu tá xạm mặt. Hắn bị thương trên tay trái, chắc gẫy xương nên đeo hai miếng gỗ dẹp tòn ten. Hắn toan làm dữ nhưng luồng nhỡn tuyến oai nghiêm của Văn Bình như mũi dao giải phẩu làm toàn thân hắn đau nhói. Hắn suy nghĩ một vài giây đồng hồ rồi buông tay xuống. Văn Bình ném khẩu súng vào cái nệm cao-su bẩn thỉu kê sát tường, rồi quay mặt về phía y sĩ:
-Đại tá Liu nằm trên giường sắt phải không ?
Y sĩ gật đầu. Văn Bình tiến lại. Y sĩ kéo ghế ngồi bên giường. Đại tá Liu trạc ngũ tuần, tóc bạc gần hết, vẻ mặt khắc khổ, dáng người mảnh khảnh, đống băng trắng quấn cổ che khuất gần hết 6 hàng huy chương chói lòa trên ngực.
Y sĩ nói nhỏ :
-Có người từ thủ đô đến yêu cầu được gặp đại tá. Đại tá không nên nói. Tôi để giấy bút trong tầm tay, đại tá có thể bút đàm. Tuy nhiên, vì sức khỏe của đại tá chưa hoàn toàn hồi phục, tôi chỉ thỏa thuận cho đại tá trò chuyện trong vòng 3 phút, 5 phút là tối đa.
Hắn chìa tay mời Văn Bình :
-Xin mời ông bắt đầu.
Văn Bình ra lệnh cho Buru :
-Anh hướng dẫn mọi người lại góc hầm. Tôi muốn bàn bạc riêng với đại tá Liu.
Viên thiếu tá nhăn mặt ra vẻ không bằng lòng. Buru hắn giọng :
-Thiếu tá không nên lộn xộn nữa thì hơn. Công tác chúng tôi có tính cách tối mật. Chúng tôi có toàn quyền bắn bỏ những người không tuân lệnh.
Toàn thể sĩ quan trong hầm đều cúi gầm mặt, lừ lừ đi ra góc hầm, kể cả viên thiếu tá bướng bỉnh. Buru vừa bịp một cách trắng trợn. Cũng như chàng, hắn không có quyền bắn ai. Ngay cả trên đất Mỹ, C.I.A. hét ra lửa mà nhân viên cao cấp C.I.A. vị tất dám đụng đến lông chân thiên hạ và chà đạp luật pháp, huống hồ đây là xứ Equatơ, một nước có đầy đủ chủ quyền. Nói cho đúng, Văn Bình có quyền giết người, nhưng đó là giết lén lút, giết không lưu lại dấu vết.
Đại tá Liu ngước cặp mắt cận thị nặng nhìn Vặn Bình. Chàng dí chứng minh thư phái viên đặc biệt C.I.A. vào mũi hắn. Hắn đọc được những giòng chữ li ti trên tấm thẻ lát-tích tí hon này hay không, chàng không biết nổi, vì vẻ mặt hắn không hề thay đổi. Chàng có cảm tưởng Liu đang nửa mê nửa tỉnh, và bản tính quân nhân chuyên nghiệp kiêu hãnh bắt hắn tự coi là tỉnh. Chàng hỏi hắn :
-Đại tá đọc kỹ chưa ?
Liu gật đầu. Chàng lại hỏi:
-Đại tá muốn về Qui-tô hay muốn điều trị tại đây ?
Ngón tay dùng thay cho bút chì, Liu viết tháu trên nệm chữ Q. Văn Bình cười, thân mật:
-Yên tâm. Sáng tinh sương, thời tiết bớt dữ dằn, trực thăng tải thương sẽ đáp xuống chở đại tá.
Ngừng một chút, chàng hỏi:
-Tôi cần gặp kỷ sư Anbe Doarê. Gặp ngay bây giờ.
Cặp mắt đại tá Liu có vẻ ngạc nhiên. Hắn viết một chữ cộc lốc.
-Đi.
-Đi đâu ?
-Khỏi đây.
-Bị thương ?
-Không.
-Tại sao lại đi khỏi căn cứ ?
-Không biết, vả lại, sau khi tai họa xảy ra, tôi ra lệnh cho toàn thể tự động di tản. Dầu tôi không ra lệnh, họ cũng bỏ đi, tôi bị thương nặng, họ vứt tôi một xó, không ai ngó ngàng tới, khi tôi tỉnh dậy, họ đã trốn gần hết, tôi ra lệnh chẳng ai thèm nghe.
-Bao nhiêu người bỏ đi ?
-Không rõ. Vì còn rất nhiều người thiệt mạng, nằm kẹt dưới đống đá gạch, chưa dỡ lên được. Người bị thương cũng chưa kiểm điểm được. Hiện có 6 sĩ quan thân cận ở trong nhà hầm này với tôi.
-Nghĩa là còn lại 6 người ?
-Phải.
-Doarê rời căn cứ hồi nào ?
-Chập tối.
-Tối hôm nay ?
-Vâng, tối hôm nay. Tại sao ông không quan tâm đến số phận của mọi người mà chỉ nghĩ đến riêng kỹ sư Doarê ? Hắn là người dược rất ít cảm tình của đồng nghiệp trong căn cứ.
-Xin lỗi, tôi không thể trả lời, vì lẽ tôi cũng chưa quen Doarê. Lệnh trung ương giao cho chúng tôi tiếp xúc với Doarê.
-Đáng tiếc, ông đến hơi chậm.
-Doarê lên đường một mình hay với ai ?
-Với một người bạn.
-Bạn nào ?
-Không biết.
-Không biết, tại sao đại tá biết là bạn ?
-Vì thấy họ đi với nhau.
-Tên là gì ?
-Không biết.
-Cao hay thấp ?
-Thấp. Rất thấp.
-Có dấu vết nào đặc biệt không ?
-Không.
-Đeo đồng hồ ?
-Văn Bình toan hỏi "hắn có đeo vòng sơ-men ở cổ tay không" song chàng vội hỏi trệch ra "đeo đồng hồ" vì một tiếng động lạ vừa lọt vào tai chàng. Chàng ngồi hơi nghiêng để có thể kiểm soát được toàn diện nhà hầm bằng mắt. Bọn sĩ quan bị Buru dồn vào góc vẫn im thin thít. Viên thiếu tá ba gai liếc trộm chàng, miệng lẩm bẩm như thể chửi thầm. Buru xoạc chân, dáng điệu sung mãn, khẩu súng còn quay múa trong tay. Chàng suýt phì cười, nếu phải lảy cò, không hiểu hắn phải dùng đến xạc-giơ thứ mấy mới bắn trúng mục phiêu.
Tiếng động lạ này rất nhỏ, chỉ phớt nhẹ như chiếc lá vàng rụng, song Văn Bình không thể nghe lầm. Nằm dài trên giường sắt loang lồ sơn và máu đen, đại tá Liu ho khò khè. Có lẽ đờm đang dâng lên, chặn ngang ngực viên sĩ quan ốm yếu ngũ tuần. Da mặt hắn đỏ gay, nhưng không phải là màu đỏ báo hiệu cho sức khỏe mà là màu đỏ báo hiệu cho một cuộc sống sắp sửa tàn lụi.
Ngón tay đại tá Liu ngó ngoáy trên khăn giường để bút đàm như trước nữa, Văn Bình nhận thấy tay hắn bắt đầu bắt chuồn chuồn, và hắn ngáp luôn mấy cái. Dưỡng khí thiếu hụt trong máu nên hắn phải ngáp. Nếu chàng không tiếp tục hỏi thêm, hắn sẽ ngáp liên tục trong một vài phút nữa rồi lịm luôn.
Nhưng trước hết, chàng phải vận dụng phép kuatsu để tạm kéo đại tá Liu ra khỏi nanh vuốt của Tử Thần. Chàng nín hơi, vận công vào đầu ngón tay trỏ, ấn mạnh vào yếu huyệt trên màng tang. Bệnh nhân hự một tiếng nhỏ, miệng đang quai ra để ngáp vội khép lại.
Chàng hỏi dồn :
-Người bạn cùng đi với kỹ sư Doarê có đeo cái gì nơi cườm tay không ? Đại tá cố nhớ lại coi ?
-Không nhớ.
-Chẳng hạn đeo đồng hồ vàng. Hoặc đeo một lô vòng sơ-men như đặc biệt...
-Vòng sơ-men ? Có lẽ thế...
-Có lẽ hay đại tá đoán phỏng ?
-Giờ đây tôi có thể nói chắc. Đúng rồi, người đàn ông này đeo vòng sơ-men đầy cổ tay, vòng nhỏ bằng bạch kim bóng loáng.
-Họ đi thẳng về thủ đô ?
-Không.
Đại tá Liu lại thở khò khè. Phút cuối cùng sắp đến, Văn Bình thúc dục :
-Hay là họ về làng Dua ?
Mắt đại tá Liu vụt sáng lên. Trên miệng hắn nở một nụ cười thỏa mãn. Nhưng hắn chưa ki.p phản ứng thì Văn Bình nghe độp một tiếng. Một vật cứng từ miệng hầm rớt xuống. Không phải tình cờ rớt xuống vì nó xiên góc 45 độ. Người đứng bên trên đã chủ tâm ném vào cái giường ở góc hầm, nơi có đại tá Liu và Văn Bình.
Chàng chưa biết vật cứng này là gì nhưng linh tính và bản năng nghề nghiệp đã xẹt nhanh như luồng điện trong óc bắt chàng phóng mình nằm nhoài ra đất.
Oác oác, ầm ầm....
Vật cứng này là trái lựu đạn. Căn hầm đóng kín, chỉ chừa một cửa mở bên trên nên tiếng lựu đạn nồ kêu ầm như tiếng bom. Nhiều tiếng la hét cùng cất lên một lượt.