Đoạn kết
Tác giả: Người Thứ 8
O , O, O" là ba con số dêrô này là những con số được viết trên một tấm bảng ở một ngọn đồi cách mặt biển khoảng hai ngàn thước. Ba con số dêrô này báo hiệu cho du khách biết đó là vị trí của đường xích đạo, con đường tưởng tượng được vẽ trên mọi bản đồ địa cầu, cách xa thủ đô Qui-tô, xứ Equatơ 15 dặm về phía Bắc.
Du khách ghé Qui-tô không thể không dành 5 đô-la để trả tiền cuốc tắc-xi đến thăm con đường xích đạo ngăn đôi bắc bán cầu và nam bán cầu. Người ta tưởng lầm Qui-tô ở đường xích đạo nên nóng chảy mỡ, sự thật khác hẳn, nếu là người sợ lạnh thì ban đêm phải choàng áo len, và ban ngày thì khí hậu quanh năm rất dịu hiền, cũng dịu hiền như khí hậu miền đất phía Bắc con sông Bến Hải ở Việt Nam.
Chiếc thủy phi cơ C.I.A. chở Văn Bình và các bạn đồng hành vể Qui-tô. Dọc đường không gặp trở ngại cỏn con nào, kể cả những trở ngại bất ngờ về thời tiết. Khi chàng đặt chân xuống phi trường Marátcan Sucơrê thì trời vừa chạng vạng tối.
Qui-tô hoàng hôn đẹp như trong bức tranh thủy mạc Tàu. Thành phố nằm gọn trong lòng chảo, tứ phía có núi cao bao bọc, xa xa hai miệng núi lửa nhô lên, tưởng như muốn chạm vòm trời óng ánh nắng vàng.
Trước khi hạ cánh, phi cơ đã bay qua đường xích đạo, bên trên tấm bảng đề chữ o, ó, ó'. Văn Bình dựa lưng vào ghế, mắt lim dim, chàng ngủ thật sự, chứ không phải ngủ giả vờ. Mọi người có vẻ cũng ngủ thật sự như chàng sau nhiều giờ đồng hồ mỏi mệt và khẩn trương. Đại tá Pít loay hoay với cuốn sổ tay đặt trên đùi và điếu thuốc tắt ngúm trên môi. Chàng không trò chuyện với Văn Bình vì thấy bạn bơ phờ, mới ngả mình đã ngủ say và ngáy tròn trịa.
Về đến trung tâm thành phố, Văn Bình mới tỉnh hẳn. Thủ tục an ninh và quan thuế tại phi trường được rút ngắn triệt để, trên thực tế, trừ Côcô ra, không ai có hành lý và nhân viên kiểm soát chẳng buồn xét giấy tờ chứ đừng nói là xét hành lý nữa. Có lẽ đại tá Pít đã thông báo từ trước cho sở Mật Vụ bản xứ. Nhưng cũng có thể nhân viên kiểm soát mắc bệnh... lười. Trèo lên tắc-xi, Văn Bình lại ngủ tiếp. Nhưng lần này chàng ngủ giả vờ. Vì từ phi trường về trung tâm thành phố, quang cảnh đẹp. Qui-tô chia thành 2 khu riêng biệt, khu cổ thành và khu tân lập, cách phi trường 20 và 10 phút đồng hồ tắc-xi. Cũng như Sài-gòn, thủ đô Qui- tô cũng có con đường Độc-Lập, với công trường rộng lớn và một nhà thờ lớn. Sông Qui-tô lại khác Sài-gòn ở điểm có những con đường hai bên trồng cây cao ngất, cành lá xum xuê và được săn sóc, nâng niu, chứ không bị chặt tay chặt chân, hoặc bứng rễ một cách tàn bạo, để nhường chỗ cho xe hơi.
Đại tá Pít là nhân viên C.I.A. Mỹ nên phòng trọ của "phái đoàn" được thuê trong khu tân lập đầy đủ tiện nghi, và nhất là ở sát nách đại sứ qụán Mỹ. Tuy nhiên, đại tá Pít lại không lấy phòng trong khách sạn Alcron, được coi là sang trọng bậc nhất mà lại đến một lữ quán hạng nhì, lữ quán Lutecia, chỉ gồm 18 phòng.
Sau khi tắc-xi đậu lại trước sân, mọi người bước vào phòng khách vắng tanh, Văn Bình mới hiểu lý do. Thì ra C.I.A đã thuê trọn 18 phòng trong lữ quán. Tuy nó thuộc hạng nhì, lữ quán Lutecia lại được dân sành ẩm thực tôn làm "số dách", chủ nhân theo học bên Pháp nên món ăn ngon tuyệt trần, đối xử lại đúng cung cách quốc tế. Nhưng Văn Bình không quan tâm đến thực đơn mặc dầu chàng đói meo, chàng cũng không quan tâm đến những căn phòng khang trang đầy ắp không khí cao nguyên và ánh nắng, cầu thang gỗ chạm trổ đánh si bóng loáng, những bức danh họa bản xứ treo đầy tường, quầy rượu kín đáo mà lộng lẫy, và đặc biệt là sân trước trồng toàn cây nho và những loại trỗ bông quanh năm làm mặt tiền của tòa nhà đồ sộ luôn luôn tươi tắn.
Chàng chỉ quan tâm đến địa chỉ người đàn bà bạn lòng của Vích-ky-Svốp.
Chàng vừa tắm rửa qua loa, và thay quần áo xong thì trời tối hẳn. Theo lời hẹn với đại tá Pít, chàng phải xuống nhà dùng bữa. Mọi ngựời sẽ ngủ đêm ở Qui-tô, chờ sứ quán liên lạc với Hoa-thịnh-đốn, rồi sáng sớm lên đường về Mỹ. Lẽ ra đại tá Pít muốn lên đường trong đêm nhưng khốn nỗi nhân viên phi trường làm không làm việc. Hễ mặt trời tắt là hoạt động phi trường cũng tạm ngừng.
Mặt trời tắt, hoạt động điệp báo lại không ngừng. Vì vậy, Văn Bình lẻn ra cửa sau, nhảy qua tường xuống đường. Chàng gặp xe buýt chạy rần rần nhưng lại vòng qua một hẻm tròn, ra đường lớn và vẫy tắc-xi. Tắc-xi ở Qui-tô không có đồng hồ tính tiền, nhưng được cái may là trong túi chàng còn một xấp đô-la nên tài xế rồ ga chạy liền không mè nheo. Tài xế cười toét miệng vì theo thông lệ, mỗi cuốc xe 15 phút trong thành phố đáng giá 5 sucờrê - tiền Qui-tô - nghĩa là khoảng 30 xu Mỹ - Văn Bình đã ấn vào tay gã tài xế những 5 đô-la. Với 5 đô-la, hắn có thể lái đến trăm cây số giờ huống hồ chàng chỉ dặn hắn "chạy nhanh hơn chút nữa" và hứa tặng thêm một tờ 5 đô-la khác.
Chàng ung dung dựa lưng vào nệm xe, không ngả người về phía trước, gần tài xế, để liếc nhìn trong kiếng chiếu hậu như thường lệ mỗi khi đi tắc-xi lạ. Chàng không cần quan sát đằng sau vì cảm thấy vô ích. Nếu có người bí mật rượt theo chàng đã có thể đoán biết là ai. Như người cho quà Giáng Sinh bắt đến nửa đêm 24 mới được mở giấy bọc ngoài, chàng không muốn nhìn ngay vào thực tế, sợ tấn kịch mất thú vị.
Tắc-xi phóng qua đại lộ Colon, con đường nỗi tiếng ở Nam-Mỹ với những cửa hiệu bán kỷ vật, đặc biệt là thảm dệt bằng tay rẻ tiện mà đẹp, và mặt nạ ông Địa bằng gỗ nhẹ, sơn vẽ nhiều màu sặc sỡ. Đến một ngã ba, Văn Bình ra hiệu cho tài xế thắng lại, và ném xuống băng trước tờ giấy 10 đô-la Mỹ. Tuy hứa 5, chàng đã cho hắn 10. Hắn cám ơn rối rít bằng hai thứ tiếng Bồ đào nha và Tây ban nha :
- Obờrigađô (obrigado), Gờraxiát...(gracias)
Dưới ánh hoàng hôn, căn nhà trệt ở đầu hẻm tạo ra một cảnh tượng êm dịu. Tuy đường hẻm này không xa trung tâm thành phố mà mọi âm thanh của xã hội văn minh lại biến dạng. Tứ bề vắng vẻ, song không làm du khách cảm thấy cô đơn. Sự vắng vẻ ở đây gần giống với sự vắng vẻ của đôi trai gái tâm đầu ý hợp hẹn nhau tại một địa điểm không bóng người bén mảng tới.
Văn Bình nhẩm trong miệng "Ambatô, Ambatô". Ambatô là tên nàng. Tên của người đẹp Qui-tô. Không rõ vì ngẫu nhiên hay tiền định mà tên nàng lại trùng với tên một thôn chợ nên thơ của dân da đỏ bản xứ. 100 cây số phía Tây Qui-tô. Chợ Ambatô chỉ họp những ngày thứ hai trong tuần : đối với Qui-tô, nó cũng như Đà lạt với Sài-gòn, nó tọa lạc trên sườn núi cao vắt vẻo, khí hậu mát rợi, dân nhà giàu xây cất những biệt thự xinh đẹp để nghỉ ngơi mùa hè, từ Qui-tô đến chợ Ambatô phải qua một xa lộ tối tân ngoằn ngoèo giữa những ngọn đồi xanh um, hai bên là hỏa diệm sơn, với những tòa nhà làm bằng phún thạch màu xám nhạt. Văn Bình đã nghe nhiều người ca tụng Ambatô, phụ nữ địa phương thường phơi trần bộ ngực chắc nịch, cặp giò của họ chuyên leo trèo nên có sức dai bền độc nhất vô nhị, đàn ông thiếu luyện tập dễ bị hụt hơi, hoặc vô phúc có thể quá mệt mà... chết. Chàng thầm hẹn với lòng sẽ không lỡ cơ hội ghé thăm chợ Ambatô : thứ nhất, để so tài với giai nhân trường túc, thứ nhì, để mua những chiếc mũ rơm thổ sản đẹp nhất thế giới, tục gọi là mũ Panama....
Nhưng trước khi ghé thăm chợ Ambatô, Văn Bình đã được ghé thăm người đẹp mang tên Ambatô. Chàng chắc mẫm là nàng rất đẹp, vì có đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nàng mới chinh phục được gã sĩ quan gián điệp sô viết không tim Vích-ky-Svốp, và khi sắp từ giã cõi đời Svốp đã dành toàn vẹn cảm tình cho nàng....
Căn nhà trệt của Ambatô nằm lọt giữa khu vườn trồng cây ăn trái, rộng gần một mẫu tây. Hàng rào bao quanh nhà bằng cọc gỗ sơn xanh, Văn Bình chỉ rún nhẹ là nhảy qua dễ dàng. Song chàng không thể đến nhà người đẹp bằng thủ đoạn trèo tường khoét vách. Chàng sửa soạn một nụ cười thật tươi, chờ cửa phòng khách mở hé, để làm món quà sơ kiến với Ambatô.
Chàng bước nhẹ trên con đường trải đá sỏi lạo xạo. Có lẽ Qui-tô sống dưới thời thanh bình thịnh trị như thời Nghêu Thuấn bên Tàu, không có gian phi, nên cánh cổng đồ sộ đã mở toác hoác, cửa phòng khách mới đụng nhẹ cũng mở toác hoác.
Phòng khách được bầy biện đơn sợ nhưng sang trọng. Trên tường treo rải rác mấy bức họa thiếu phụ khỏa thân. Không thấy ai, Văn Bình đằng hắn rồi tiến thẳng vào trong.
Bên trong là phòng ăn, kiêm phòng làm việc. Chàng đinh ninh người đẹp Ambatô mới tắm xong - đàn bà đẹp thường tắm buổi chiều để lấy sức thức khuya - chỉ mặc áo choàng mỏng lét, và đang ngồi gỡ tóc trước bàn trang điểm.
Tuy nhiên, khi vào đến phòng trong, chàng không gặp người đẹp Ambatô nũng nịu và si mê.
Người đón chàng là một gã đàn ông trung niên, da mặt răn rúm như trái táo tàu khô.
Thấy Văn Bình, hắn đứng dậy, giọng nghiêm nghị pha lẫn sửng sốt:
- Chào ông, ông là ai ?
Gã đàn ông trung niên là người tây phương trăm phần trăm, không phải là dân Nam-Mỹ lai giống. Hắn mặc bộ com- lê bằng hàng sẫm sọc, may tréo, sơ-mi xanh, thắt cà-vạt đen, trông ảm đạm và đáng ghét. Thoạt gặp, chàng đã có ác cảm với hắn. Giấc mộng đang nở hoa rực rỡ trong lòng chàng bỗng tàn lụi một cách thê thảm.
Chàng đáp bằng tiếng Tây ban nha :
- Chào ông. Tôi muốn gặp Ambatô, cô Ambatô.
Gã đàn ông trung niên khựng một giây, đoạn chỉ ghế mời chàng :
- Ông là bạn của Ambatô ?
- Thưa không. Một người bạn nhờ tôi đến gặp nàng để trao một đồ vật. Xin ông tha lỗi cho sự đường đột của tôi. Ông là... gì của Ambatô ?
- Là cha. Ambatô là con gái tôi. Bạn ông tên là gì ?
- Vích-ky.
- Vích-ky ? Con tôi có nhiều bạn trai, nhưng không có ai tên là Vích-ky.
- Svốp.
- Svốp hả ? Bạn ông là Svốp. Nếu là Svốp, tại sao ông lại nói là Vích-ky. Vâng, Svốp là bạn thân của con tôi. Nhưng đáng tiếc là nó đi vắng. Nó đi vắng từ hôm qua, đến mai hoặc mốt nó mới trở về. Nếu không có gì trở ngại, xin ông cứ đưa đồ vật ấy cho tôi. Khi nó trở về, tôi sẽ trao lại cho nó.
Không khí bên ngoài nên thơ bao nhiêu thì không khí trong nhà lại tẻ lạnh bấy nhiêu. Văn Bình có cảm giác căn phòng ấm cúng này là khu nghĩa trang rộng mênh mang trồng toàn nhân thảo sặc mùi xác chết thối rữa như chàng đã mục kích trên đường đến căn cứ định mạng 4Q. Gã đàn ông trung niên có những nét khắc khổ và những cử chỉ cứng nhắc làm chàng bực dọc. Chàng muốn quay ra nhưng một mãnh lực ghê gớm bắt chàng lưu lại.
Gã đàn ông trung niên lại nói:
- Đâu, đồ vật của Svốp đâu, xin ông đưa cho tôi.
Văn Bình rút trong túi ra cái đồng hồ Citizen 12 chân-kinh xinh xắn, đặt trên bàn. cặp mắt khô ráo của gã đận ông trung niên vụt sáng rực. Như đứa trẻ thèm đồ chơi, hắn chộp lấy và không quan tâm đến luồng nhỡn tuyến sắc như dao cạo của Văn Bình, hắn bỏ luôn vào túi trong vét-tông.
Hắn từ từ bước ra cửa, ngụ ý đuổi khéo Văn Bình. Nhưng chàng vẫn ngồi yên trên ghế, bắt chân chữ ngũ, phì phèo thuốc lá. Hắn phải lên tiếng một cách miễn cưỡng :
- Thành thật cám ơn ông. Svốp còn dặn con gái tôi điều gì nữa à ?
Chàng lắc đầu :
- Không. Svốp chỉ dặn là cái đồng hồ này phải được trao tận tay cho Ambatô.
- Tôi là cha ruột nó. ông đưa cho tôi, cũng như đưa tận tay nó.
- Thưa, Svốp đã chết. Tôi phải làm đúng di ngôn của người đã khuất.
Gã trung niên hơi tái mặt. Văn Bình đứng dậy :
- Tại sao ông tái mặt ? Sự thay đồi này chứng tỏ ông không phải là cha ruột của Ambatô.
- Ông không được buông lời hỗn xược. Nếu tôi không phải là cha ruột của Ambatô thì tôi là ai ?
- Là ai, tôi không cần biết. Yêu cầu anh trả cái đồng hồ gia bảo lại cho tôi.
- Về phần tôi, tôi ra lệnh anh phải ra khỏi căn nhà này.
- Đồ khốn. Mày là đồ khốn. Mày không phải là cha ruột của Ambatô.
Văn Bình đã có dụng ý rõ rệt trong cách xưng hô. Từ "ông" chàng hạ ngay xuống "anh" và "mày". Dụng ý của chàng là chọc tức đối phương và hắn đã xập bẫy một cách dễ dàng. Bị gọi xách mé bằng mày, hắn trợn mắt xỉa xói:
- Chính mày mới là đồ khốn.
Văn Bình tát trái vào mặt hắn. Chàng chỉ đánh nhẹ, chứ nếu dùng tận lực, gã trung niên đã nhào xuống ghế xa-lông. Dầu sao cái tát hạ nhục cũng làm hắn giận sôi sùng sục. Hắn luồn tay vào túi rút súng. Văn Bình có đủ thời giờ phóng cước song lại đứng im.
Khẩu súng 9 li đã giúp hắn phục hồi phong độ tự tôn. Hắn nhìn chàng, sẵng giọng :
- Tôi định tha chết cho anh, nhưng thái độ quá trớn của anh bắt buộc tôi phải hành động. Khôn hồn giơ tay lên.
Văn Bình cười nhạt:
- Ái chà, cha ruột của cô Ambatô cũng có súng hả ? cất giùm cái võ khí nguy hiểm ấy đi, kẻo đạn cướp cò thì mệt...
- Anh lầm. Người giàu kinh nghiệm như tôi không thể nào để súng cướp cò. Anh chưa tin tôi, tôi sẽ biểu diễn anh coi chơi. Cách xa 15 mét, tôi có thể bắn xẻ đôi cái nút bấc đấy, anh bạn ạ.
- Té ra anh đội lốt ông thân của Ambatô ?
- Dĩ nhiên. Mãi đến phút này anh mới khám phá ra ư ? Tội nghiệp.
- Ông thân của Ambatô ở đâu ?
- Đồ ngu. Trên cõi đời này làm đếch gì có "ông thân của Ambatô".
- Nàng không có cha ?
- Đồ ngu. Ambatô chỉ là mật khẩu. Trên cõi đời này làm gì có cô gái mang tên Ambatô. Đồ ngu. Ambatô là tên một cái chợ của dân mọi da đỏ, không phải tên người.
- Trời ơi, tôi đã bị lừa ! Anh là đồng nghiệp của Svốp phải không ?
- Phải. Không những là đồng nghiệp, tôi còn là thượng cấp trực tiếp của Svốp nữa. Theo kế hoạch, hắn phải về Qui- tô trình diện tôi với cuộn băng nhựa của kỹ sư Doarê. Nhưng hắn đã chết dọc đường. Nếu tôi không lầm, hung thủ là anh. Anh giết được Svốp, song ngược lại, Svốp lại khôn ngoan đưa anh vào chỗ chết. Chúng tôi đã có ước hẹn với nhau rằng kẻ lạ nào hỏi thăm cô Ambatô chính là thù địch. Bất đắc dĩ tôi phải hạ sát anh. Tuy nhiên, trước khi bắn lũng bụng anh, tôi xin thành thật cám ơn anh.
- Cám ơn ?
- Vâng. Cám ợn anh đã mất công lao khó nhọc mang cuốn băng đáng giá chục triệu đô-la về tận đây trao tận tay cho chúng tôi. Svốp đã chết nhưng chết vinh quang, chết trong sự toàn thắng sau khi hoàn thành công tác.
- Cuộn băng được giấu trong ruột đồng hồ ư ?
- Thì còn giấu ở đâu nữa ? Tôi mắng anh ngu là đúng. Cuộn băng này không bằng chất nhựa dẻo mà là bằng thép mỏng li ti, tất cả công trình của Doarê và đồng bọn được ghi lại trong cuộn thép nhỏ hơn sợi tóc này. Thôi, phiền anh quay lưng lại để khỏi sợ. Tôi bắn sau lưng, anh chết ngon lành hơn.
- Thong thả, trước phút vĩnh biệt cõi đời, tôi xin anh ban một ân huệ.
- Ồ, tôi sẳn sàng chấp thuận ước nguyện cuối cùng của anh. Anh muốn gì ? cầu kinh, xưng tội, uống rượu mạnh để lấy can đảm, hoặc nhắn nhủ lại với gia đình ?
- Không. Tôi chỉ xin anh mở vỏ đồng hồ để xem kỹ bên trong.
- Xạo.
- Xạo hay không, sau khi mở đồng hồ ạnh sẽ thấy rõ. Anh sẽ thấy rõ là cuộn băng từ thạch vi ti đã biến mất. Tôi đã cẩn thận cất giấu giùm anh trước khi đến đây.
- Trời, anh nói thật hả ?
- Tôi đã bảo anh mở đồng hồ ra coi, anh lại lừng khừng. Bộ anh cho tôi là nhân viên mới tập tễnh vào nghề hả?
Bàn tay gã trung niên run lẩy bẩy. Hắn lật mặt sau chiếc đồng hồ Citizen do Nhật chế tạo, nửa muốn mở, nửa không, cử chỉ lần khần dại dột của hắn đã tạo dịp may cho Văn Bình phản công bằng cước pháp thần tốc. Hắn bị đá trúng hông, oằn oại rồi khuỵu ngã. Chàng tưởng hắn là đối thủ cừ khôi, phải phối hợp đòn chân và đòn tay mới hòng triệt hạ được. Chàng không dè hắn đã té nhào ngay sau cú đá móc khởi đầu. Thì ra gã trung niên chỉ là nhân viên văn phòng, không quen nếp sống điệp báo hành động.
Gã trung niên vừa dộng đầu vào tường và nằm thẳng cẳng trên nền phòng thì Văn Bình nghe tiếng mở cửa và tiếng đạn nhảy lên nòng súng kêu "soạch" khô khan sau lưng. Trong những trương hợp tương tự, chàng thường đối pho nhanh như chớp xẹt, hoặc phóng mình rạp xuống tránh đạn, hoặc quay ngoắc lại, xử dụng thần cước để hóa giải kẻ địch.Nhưng lần này chàng lại phớt tỉnh, không thèm có cử chỉ nào hết.
Kẻ địch chưa kịp lên tiếng thì chàng chặn họng :
- Chào anh. Tôi chờ anh đã lâu. Anh Buru thân yêu ơi, anh định bắn tôi ư?
Người vừa xô cửa và nạp đạn vào nòng súng chính là Buru, hỗn danh "bú-rù", nhân viên văn phòng hướng đạo ăn lương C.I.A. do đại tá Pít giới thiệu với Văn Bình, và từng dẫn chàng vượt biên giới Côlômbi - Equatơ trên đường đến căn cứ 4Q, đồng thời tháp tùng chàng như bóng với hình qua bao thử thách đầy nguy hiểm chết chóc.
Hai người đứng cách nhau khoảng 4 thước. Văn Bình từ từ xây mặt lại, Buru cầm khẩu súng sáu đen sì trong tay, vẻ mặt hơi sửng sốt khi nghe Văn Bình gọi đích danh nhưng trong loáng mắt đã trở lại bình tĩnh lạnh lùng của kẻ sát nhân chuyên nghiệp. Lối cầm súng và thế đứng của hắn không còn lỏng lẻo và vụng về như trong thời gian hắn cùng đi với Văn Bình nữa.
Hắn nghiến răng :
- À, anh đã biết rõ về tôi !
Văn Bình nhún vai:
- Biết rõ lắm chứ ! Tôi đã biết rõ anh không phải là một nhân viên hướng đạo tình báo hạng xoàng. Anh đóng tuồng rất giỏi, nhưng anh Buru ơi, chẳng may anh lại gặp tôi.
- Ngậm miệng. Anh còn nói nữa, tôi sẽ bắn nát lưỡi.
- Tôi không tin anh bắn nát lưỡi tôi trong lúc này. Vì anh còn cần cái lưỡi của tôi cho anh biết nơi cất giấu cuộn băng tài liệu.
- Đúng. Tôi đang cần cái lưỡi của anh. Nếu anh chịu nói, tôi sẽ cho phép anh ra đi nguyên vẹn.
- Hừ hừ.... tại sao anh là nhân viên C.I.A. đồng minh của tôi, mà lại dùng súng bức bách tôi nộp tài liệu?
- Anh thừa biết tôi chỉ là nhân viên C.I.A. giả hiệu. Tôi là nhân viên Tình Báo sở, trà trộn trong hàng ngũ C.I.A.. Tôi đi theo anh với nhiệm vụ đoạt lại cuộn băng. Giờ đây tôi đã thành công.
- Cám ơn anh đã thú nhận thành thật. Nhưng giá anh không thú nhận tôi cũng sẽ nói là ngay trong những giờ đồng hồ đầu tiên trên xa lộ 14 gần cây cầu gẫy, tôi đã khám phá ra anh là nhân viên Tình Báo Sở. Anh quen đường như quen đồ đạc trong nhà, vậy mà anh đã dẫn tôi đi lạc. Anh cố tình đi lạc vì anh muốn cho Svốp có thời giờ gặp kỹ sư Doarê và đoạt cuộn băng trước tôi. Anh ẩu đả với cô Rita, giả vờ múa võ vụng về nhưng đến khi anh chẳng may trượt ngã xuống vực, anh lại xử dụng phép nhuyễn công để quặp lấy rễ cây. Nhuyễn công là một bộ môn của khinh công được dậy trong trường Tình Báo Sở, nhân viên trung cấp trở lên mới được theo học, và nó đòi hỏi nhiều công phu rèn luyện. Phải am tường bộ cầm nã thủ Thiếu Lâm và tốt nghiệp đệ nhị đẳng đai huyền đen mới được Tình Báo Sở đưa vào khóa học nhuyễn công, cho nên vô hình chung anh đã xuất đầu lộ diện.
- Giỏi lắm, tôi xin ngợi khen anh. Nhưng dầu sao anh cũng đã thua tôi, anh nên khai thật để bảo toàn tính mạng.
- Anh Buru ạ, trong khi ngồi tắc-xi, tôi đã nhìn phía sau và thấy bóng anh trong xe hơi phía sau. Anh đến đây sau tôi độ vài ba phút nhưng núp bên ngoài, hơi thở dồn dập của anh đã lọt vào tai tôi. Tôi luyện công nhiều năm nên tai nghe hơi thở người lạ rất thính. Anh đến đây nhưng không vào phòng là vì tin tưởng đồng nghiệp của anh đoạt được cuộn băng. Rốt cuộc anh phải ra tay vì đồng nghiệp của anh bị tôi đánh ngã và cuộn băng không còn trong chiếc đồng hồ Citizen nữa.
Buru tiến lên một bước, giọng dấm dẳng :
- Tôi không thích nghe anh phô trương thành tích. Cuộn băng ở đâu, anh đưa cho tôi.
- Thong thả một chút, anh Buru. Anh nên bình tĩnh nghe tôi nói nốt. Nếu lần này anh thoát chết, lần sau anh nên thận trọng hơn nữa. Lần sau, nếu phải gọi điện thoại báo tin cho đồng nghiệp thì nên dùng điện thoại bên ngoài. Hồi nãy, anh gọi qua điện thoại của khách sạn, tuy anh đã đóng cửa phòng chặt chẽ, tôi vẫn nghe được. Và không riêng gì tôi, cả đại tá Pít cũng nghe được. Và trên thực tế, đại tá Pít còn nghe rõ hơn tôi. Vì anh Buru ơi, C.I.A. đã đặt máy ghi âm bí mật trong khách sạn Lutecia.
Buru quát lớn :
- Câm họng, câm họng, nếu không tôi bắn.
Buru chưa kịp bắn thì tiếng súng đã nổ. Người bắn Buru là đại tá Pít. Tuy đã có vợ, có con, vòng bụng gia tăng, cử chỉ mỗi ngày một thêm chậm chạp, Pít vẩn còn bắn nhanh và bắn trúng đích như hồi còn trẻ. Chàng nả luôn hai phát liên tiếp. Phát thứ nhất trúng cườm tay cầm súng, Buru nhăn mặt, buông võ khí, và quay lạng nửa vòng. Nhưng phát thứ hai đã xuyên qua yết hầu hắn. Hắn bắt Văn Bình "câm họng" song lại phải câm họng trước, và câm họng ngàn thu.
Sự can thiệp kịp thời của đại tá Pít không làm Văn Bình kinh ngạc. Ngược lại, Pít có vẻ sửng sốt sau khi Buru ngã sóng soài trên vũng máu đỏ lớn. Chàng đứng sững trong khi Văn Bình điềm nhiên hút thuốc lá. Cả hai người đều không quan tâm đến hai xác chết nóng hổi.
Mấy phút sau, đại tá Pít mới hỏi Văn Bình :
- Tại sao anh lại biết chúng tôi gắn loa vi âm bí mật trong phòng Buru tại lữ quán Lutecia ?
Văn Bình đáp :
- Vì anh thuê luôn cả 18 phòng. Các anh thiếu gì tiền mà phải chui rúc vào khách sạn hạng nhì, phải không anh ? Và các anh cần gì phải mướn trọn khách sạn ? Việc đầu tiên của tôi khi vào phòng là nhấc điện thoại lên nghe. Không cần có dụng cụ thính thị điện tử, tôi chỉ nghe qua là biết, vả lại, anh không ghi âm điện đàm của Buru, anh cũng dư biết hắn là nhân viên của địch. Nếu tôi không lầm, anh đã khám phá ra chân tướng hắn từ trước khi nhờ tôi rời Mễ- tây-cơ đi Nam-Mỹ.
Giọng đại tá Pít có vẻ ngượng ngùng :
- Anh không lầm chút nào. Anh suy dẫn rất đúng.
- Ở Nam-Mỹ, C.I.A. thiếu gì cộng sự viên, tại sao anh lại dùng Buru ?
- Buru là một phần quan trọng trong hệ thống C.I.A. ở Côlômbi và Equatơ. Chúng tôi nghi ngờ hắn nhưng chưa có cơ hội thử lại đáp số bài toán. Nên phải tạo điều kiện cho hắn xuất đầu lộ diện.
Hai người đã ra đến phòng ngoài. Văn Bình bèn hỏi đột ngột:
- Trong hai cô gái, Rita và Côcô, ai là nhân viên trung ương tình báo Mỹ ?
Đại tá Pít khựng lại, một giọt mồ hôi lóng lánh trên mũi tuy trời mát lạnh :
- Trời ơi !
- Rita hay Côcô, nói đi ?
- Cả hai. Cuộc động đất làm chúng tôi mất hết liên lạc với căn cứ 4Q, do đó chúng tôi phải cử nhiều nhân viên dùng đường bộ đến đó. Rita mạo nhận là em gái của Doarê theo chỉ thị của ông Sì-mít. Trên thực tế, Doarê có một cô em út khá xinh xắn. ông Sì-mít nghĩ rằng trong trường hợp Buru ám hại anh, Rita sẽ có thể giúp anh đắc lực. Cũng có thể Buru bắt cóc Rita và khi ấy hắn phải lộ diện.
- Côcô cũng được ông Sì-mít phái đến biên giới ?
- Không. Nàng chỉ là mật báo viên, chưa phải là nhân viên chính thức như Rita. Côcô liên hệ đến một vài vụ phạm pháp bên Mỹ, nàng làm việc cho chúng tôi với hy vọng được giảm tội sau khi tự ý hồi hương.
- Fêlin ?
- Cũng vậy. Hắn lợi dụng C.I.A. để buôn lậu song chúng tôi nhắm mắt làm ngơ, vì trong quá khứ hắn đã cung cấp được khá nhiều tin tức đáng giá.
- Rita và Côcô có biết nhau là nhân viên của ông Sì-mít không ?
- Không. Họ cũng không biết gì về anh và Buru. Họ chỉ được trao một nhiệm vụ hạn chế và phụ thuộc.
- Tuy vậy, nhiệm vụ hạn chế và phụ thuộc của họ còn quan trọng hơn nhiệm vụ của tôi nhiều. Bằng chứng là trong suốt thời gian ở biên giới, trên trực thăng và trên biển, họ đã liên lạc vô tuyến với trung ương C.I.A., nghĩa là với anh.
- Anh đã khám phá ra máy vô tuyến ?
- Dĩ nhiên. Giấu trong đế giày của Rita. Ban đêm nàng cáo ốm, nằm riêng một mình là để tiện liên lạc vô tuyến. May mà Buru mù tịt, nếu hắn phăng ra thì giờ đây chúng tôi đã nằm yên trong lòng đất.
Đại tá Pít nói:
- Lần này nữa, tôi lại thua anh. Đáng tiếc là Rita và Côcô không thể gặp anh. Nói cho đúng, họ rất muốn gặp anh, nhưng vào phút chót, trước khi tôi lái xe theo anh và Buru đến đây, một sự kiện bất thường đã xảy ra trong lữ quán Lutecia.
- Ẩu đả ?
- Phải. Tôi chưa hiểu nguyên nhân, nhưng loáng thoáng những lời họ nói với nhau một cách hằn học trước khi xử dụng nhu đạo thì nguyên nhân xâu xa có lẽ là anh.
- Là tôi ?
- Họ ghen vì anh. Họ bắt đầu xé quần xé áo nhau sau khi tôi xuống cầu thang. Dọc đựờng, tôi được nhân viên báo cáo bằng vô tuyến rằng là cả hai đều bị thương nơi mặt. Anh đào hoa thật, tôi thèm muốn rệu nước miếng.
- Đừng nói xạo. Giá hoa hậu sắc đẹp thế giới thoát y trước mặt anh và đòi lên giường, anh cũng lắc đầu lia lịa, tôi đã hiểu tài anh. vả lại, anh đang bận, tôi cũng đang bận, chúng mình nên đi ngay vào vấn đề, không nên đánh trống lảng nữa.
- Khổ quá, tôi đánh trống lảng ra sao ?
- Anh ráng hiểu lấy. Vụ này do anh bố trí từ đầu đến cuối. Anh tổ chức lộn xộn tại Mễ-tây-cơ để gián tiếp thông báo cho địch biết sự hiện diện của tôi và điệp vụ tôi sẽ thực hiện cho các anh tại nam bán cầu. Suýt nữa, tôi đã bỏ mạng. Tiền công của vụ này được thanh toán cho ông Hoàng ở Sài-gòn chưa ?
- Dường như chưa. Lát nữa, có phi cơ về Hoa-thịnh-đốn, anh sẽ giáp mặt ông Sì-mít và thảo luận về việc này.
- Không được. Bạn là bạn, còn công việc là công việc, business is business, người Mỹ các anh thường nói dứt khoát như vậy, phải không anh ?
Đại tá Pít nín lặng. Ngoài vườn gió thổi rạt rào, hương thơm của một loài hoa lạ bay thoảng vào mũi làm Văn Bình ngây ngất. Chàng đinh ninh công việc xong xuôi, được khoát tay Rita hoặc Côcô la cà đến các hộp đêm uống rượu đã đời rồi về kéo một giấc vụ sơn đã đời. Nhưng sự vắng mặt của họ lại hên cho chàng. Vì họ chưa phải là siêu giai nhân. Thành phố Qui-tô thiếu gì hỏa diệm sơn nhan sắc, đêm còn dài, xương sống của chàng còn dẻo, sức lực của chàng còn tràn trề...
Xe hơi của đại tá Pít là một chiếc 124 mui trần. Loại xe đua này của hãng Fiat ngốn đường nhanh kinh khủng, chàng rất ưa thích. Nhưng chàng lại mở cửa chiếc Simca 1000 cà tàng của Buru đậu khuất dưới một cây cồ thụ đồ sộ bên đường.
Pít vội nắm cánh tay chàng, giọng khần khoản :
- Anh lên xe tôi chứ ?
Văn Bình lắc đầu :
- Không.
- Anh trở về lữ quán Lutecia không ?
- Không. Tôi đi chơi.
- Trời đất, ông Sì-mít đang đợi anh.
- Cám ơn. Để ông Sì-mít thảo luận với ông Hoàng tiện hơn. Công việc xong xuôi, anh cũng phải cho tôi du hí với các em Qui-tô nữa chứ !
Nói đoạn, Văn Bình trèo lên xe Simca. Đại tá Pít tiếp tục năn nỉ:
- Anh không còn thương tôi nữa ư ?
Văn Bình nhăn mặt:
- Kỳ cục. Tình bạn giữa chúng mình vẫn vậy từ bao năm nay. Tại sao anh lại có ý nghĩ sai lầm là tôi hết thương anh ?
- Vì cuộn băng của kỹ sư Anbe Doarê. Giờ này, anh vẫn chưa đưa lại cho tôi.
- Tôi không mang theo mình, và đang cất giữ tại một nơi an toàn.
- Anh hại tôi, anh bạn Z.28 ơi Tôi thú nhận là không hoàn toàn thành thật với anh. Nhưng vì tình bạn thâm niên, anh đừng cố chấp. Với lại.... như anh đã rõ, tôi chỉ là thiên lôi, chỉ đâu đánh đó, mọi việc đều do ông già Sì-mít sắp đặt, tôi là cấp nhỏ, đâu dám phê bình. Tôi về Hoa-thịnh-đốn tay không, ông già Sì-mít khó tính sẽ giết tôi mất.
Đại tá Pít nói bằng giọng khổ sở như khóc. Văn Bình vỗ vai bạn an ủi:
- Anh yên tâm, ông Sì-mít không dám giết anh đâu : thứ nhất, anh là cộng sự viên tin cậy anh hoàn toàn tuân lệnh, thứ hai, ông Sì-mít còn cần đến anh làm trung gian giữa C.I.A. và Z.28. Anh cứ báo cáo thẳng là nếu ông già lộn xộn, Z.28 sẽ không nộp cụộn băng tài liệu nữa. Và trong trường hợp ông già tiếp tục lộn xộn, Z.28 sẽ không ngần ngại dạm bán cho Quốc Tế Tình Báo sở, giá cả lại gấp chục, gấp trăm lần số tiền chết đói hứa trả cho ông Hoàng.
- Ấy chết, nói nhỏ một chút, anh z.28, ông Sì-mít cho gắn máy vi âm trong xe hơi thì khốn. Tôi lạy anh... điều kiện của anh ra sao ?
- Phiền anh trình với ông Sì-mít rằng thằng z.28 chỉ là "thiên lôi, chỉ đâu đánh đó", mọi việc đều do ông Hoàng xếp đặt, hắn là cấp nhỏ, đâu dám phê bình, phản đối.
- Thôi, anh đừng diễu tôi nữa, nếu ông Sì-mít không giết tôi thì tôi cũng vỡ tim mà chết.
- Ồ, tim anh còn tốt kinh khủng, còn lâu mới vỡ. Cái hạng đàn ông râu quặp như anh, chập tối đã phải đóng cửa kín mít ở nhà hầu hạ mẹ đĩ thì sống lâu trăm tuồi thì cũng chưa mỏi tim... Nhưng thôi, tôi không dám bắt anh chờ thêm nữa. Tôi nhận lời làm việc cho C.I.A. trong hoàn cảnh bất khả kháng, ông Hoàng chưa đánh điện xác nhận tôi đã phải tất tả lên đường. Giờ đây, tôi đi nhảy đầm cho dẻo chân. Đúng 3 giờ sáng, chúng mình sẽ gặp nhau tại lữ quán Lutecia. Từ giờ phút này, hẹn anh phải liên lạc với Sài-gòn. Tôi chỉ nộp cuộn băng tài liệu sau khi được ông Hoàng cho phép. Nếu ông Sì-mít không "gài" tôi, tôi đã giữ thái độ sòng phẳng tuyệt đối. Chuyến này, ông già sẽ mất nhiều tiền hơn, tại vì ông già toan hà tiện.
Chiếc Simca cổ lỗ sĩ rùng mình như cửa xe sắp bung khỏi sườn sắt. Văn Bình vẫy tay từ biệt đại tá Pít. Phụ tá hành động của ông tổng giám đốc C.I.A. đứng thần người giữa đường, mặt ngẩn tò te như cậu con trai khờ khạo bị giai nhân cho "leo cây" một cách đột ngột và tàn nhẫn.
NGƯỜI THỨ TÁM