- 7 -
Tác giả: Nguyên Bình
Tôi sống cùng gia đình trên tầng ba khu chung cư nghèo, phía trước có hành lang hẹp nhìn ra mặt hồ quanh năm sóng gợn. Học bài xong tôi thường ra hành lang hóng gió và ngắm hàng liễu phất phơ bóng nước.
Hôm qu
a thằng Tí ở quê ra chơi, nhìn nó không khác cái hồi hè tôi về quê là mấy, vẫn cái đầu húi cua tóc dựng lên như lông nhím, vẫn nước da đen bóng như than đá, duy chỉ có chiều cao có nhích hơn một chút. Hai đứa đang đứng hóng gió nó đề nghị:
- Ra công viên chơi đi.
Tôi hỏi lại:
- Công viên nào?
Nó chỉ tay về phía rặng liễu.
- Ra chỗ kia!
Giờ tôi mới để ý, thì ra nơi đó có một cái công viên nhỏ với mấy hàng ghế nép mình dưới tán liễu. Hai tai tôi nóng ran vì sự thờ ơ khó có thể chấp nhận được của mình, may mà Tí không để ý chứ nếu nó biết thì xấu hổ lắm. Tôi vốn là thần tượng của nó mà.
Hồi hè tôi được bố đưa về quê. Tí là con của chú tôi. Tôi với nó chưa hề gặp nhau nhưng chỉ lạ được một lúc chúng tôi đã trở nên thân thiết, vì là anh em mà, Tí nói vậy. Hai thằng đang nghịch đống đồ chơi tôi đem về thì nghe tiếng con mực sủa nhát gừng. Tí định đứng dậy ra xem sao thì tôi ngăn lại.
“Người đi ngoài ngõ ấy mà!”
Nó không tin chạy ra thấy mấy bà đi chợ về ngang qua ngõ. Ngồi được một lúc lại thấy tiếng con mực sủa, lần này tiếng nó mau hơn nghe có vẻ giận dữ. Tôi bảo Tí:
“Có người nào vào nhà mình đấy!”
Nó chạy ra thấy bác Hạnh đang đi từ ngõ vào. Nó hỏi tôi:
“Anh nghe được tiếng con chó nó nói gì à?”
Tôi cười.
“Không. Chỉ phán đoán thôi.”
Tôi giảng giải cho nó nghe về âm sinh học, về tiếng kêu biểu thị tình cảm của các loài vật. Vì sao khi ta đưa tay vuốt nhẹ lên người con mèo nó lại kêu gù...gù... và dụi đầu vào tay ta. Vì sao khi con quạ bay qua con gà trống lại kêu lên quác...quác... Tí như lạc vào một thế giới khác lạ, thế giới của âm thanh các loài vật. Nó dẫn tôi đi chơi khắp xóm và hỏi đủ thứ chuyện liên quan đến âm thanh của loài vật. Có những chuyện tôi không biết tí gì cứ trả lời theo kiểu “lấp lửng giữa từng không”, tất nhiên là Tí không hiểu nổi nó cho rằng vấn đề đó thật cao siêu chưa đủ trình độ để hiểu.
Tôi đồng ý đi chơi với Tí. Hai đứa thả bộ trên con đường xi măng ngoằn ngoèo, không khí thật êm dịu thơm tho, tôi hít một hơi dài sảng khoái. Tôi bỗng thấy tiếc vì đã không phát hiện ra chỗ này sớm hơn. Đứng trên hành lang chỉ nhìn thấy một góc nhỏ, vào đây mới thấy cảnh quan thật khoáng đạt, những tán lá yểu điệu bồng bềnh, mặt hồ gợn sóng hắt lên những ánh lân tinh của trời chiều. Mải đi, mải ngắm tôi và Tí như tan vào gió, nếm dè từng hạt mật thiên nhiên.
“Meo...meo...” Tí uốn môi gọi mèo. Tôi mắng nó là đồ dớ dẩn, ở thành phố làm gì có mèo. Tí không nói gì tiến lại gần gốc cây si già cuối công viên. Tôi cũng đi theo để xem cái thằng quỷ này nó làm cái trò gì. Từ phía sau gốc cây si già một con mèo tam thể tuyệt đẹp giương đôi mắt tròn xoe nhìn chúng tôi, tôi không rủa thằng Tí nữa và còn khen nó tài có đôi mắt tinh tường. Tí vừa kêu meo...meo...vừa tiến lại, con mèo vẫn đứng yên. Tí đưa tay vuốt nhẹ lên bộ lông óng mượt, con mèo dụi dụi cái đầu vào tay Tí.
- Con mèo đẹp nhỉ! - Một bà đứng tuổi đi qua có lời khen.
- Con mèo rất đẹp. - Tí nói - Ở quê có được con mèo này có giá phải biết vì theo kinh nghiệm từ đời các cụ, con mèo mang ba màu lông khác nhau là rất hay chuột. Ta bắt về anh nhớ ?
- Không được! Thế là ăn cắp.
Nói thì nói vậy nhưng thực tình tôi rất muốn có con mèo để bầu bạn. Từ ngày về quê được chơi đùa với con mèo mướp nhà bác Hạnh tôi rất thích, mấy lần đòi mẹ mua cho một con để nuôi nhưng mẹ không đồng ý vì nhà chật. Tôi bế con mèo tam thể từ tay Tí, nó kêu lên gù...gù...và dụi đầu vào ngực tôi. Một thoáng tham lam tôi định bế nó về nhà nhưng đôi chân vẫn đứng yên không chịu bước. Tôi trở thành kẻ ăn cắp ư? Không thể. Vì ăn cắp là hành vi xấu không chấp nhận được.
- Hai đứa làm gì đấy? - Lời bố làm chúng tôi giật mình. Mặt tôi đỏ lựng như vừa bị bắt quả tang làm điều không tốt - Về đi. Con mèo ở đâu đấy? Thả ra trả người ta!
Tôi lưỡng lự không chịu thả để bố phải nhắc lại một lần nữa : “Thả ra!”, bỗng bà bán nước gần đó lên tiếng:
- Nó chẳng của ai cả, con mèo hoang ấy mà, nó sống ở công viên này đã mấy tháng nay. Bắt về mà nuôi, nó hiền lắm!
Nghe được những lời của bà lão tôi và thằng Tí nhảy cẫng lên sung sướng, định bế con mèo về nhà. Bố không nói gì, tôi thấy sợ sợ, thằng Tí cúi gằm mặt xuống đất. Tôi lại gần bố.
- Bố cho chúng con nuôi con mèo này nhé, để nó sống lay lắt ngoài công viên tội lắm.
- Thả nó ra đi! Nhà mình hẹp thế nuôi ở chỗ nào?
- Bố cứ để con nuôi đến khi thằng Tí về quê cho nó đem về quê.
Thằng Tí nói xen vào:
- Ở dưới quê không có mèo dạo này bị chuột phá phách ghê lắm.
- Nuôi được không? - Bố hỏi.
- Được ạ. - Tôi và Tí cùng đồng thanh.
Tôi vui vẻ ôm con mèo về nhà. Đi được một đoạn con mèo nhỏm dậy định nhảy xuống đất, bị tôi giữ lại nó cào vào tay rướm máu. Về đến nhà tôi lấy một bát cơm trộn cá đặt xuống đất, con mèo ăn một mạch hết nửa bát. Một lúc sau nó kêu meo...meo...và chạy khắp nhà, chui vào mọi ngóc ngách. Phải nói là tôi cưng chiều nó hết mức, chưa đói đã cho ăn và luôn vuốt ve vỗ về nó. Nhưng hình như nó không thích được đối đãi đặc biệt như thế thì phải, nó thích được chạy quanh nhà hơn là ở gần tôi. Sang ngày thứ hai con mèo càng kêu dữ hơn. Đêm qua là đêm đầu tiên làm thay đổi trật tự trong nhà vì tiếng mèo kêu làm mọi người mất ngủ. Sáng dậy ai cũng cảm thấy mệt rã rời. Tí nói với tôi:
- Em nghe thấy tiếng kêu của nó như tiếng khóc của người mẹ nhớ con.
Tôi không nói gì mở cửa đi ra ngoài. Con mèo lao ra định nhảy từ tầng ba xuống đất. Tôi hoảng hồn giữ lại và nhốt nó vào trong nhà. Thấy vậy mẹ bảo tôi:
- Tốt nhất là thả ra kệ nó muốn đi đâu thì đi.
Tôi không đồng ý. Đúng là tiếng kêu của con mèo nghe như có uẩn khúc gì đấy. Nhiều lúc ánh mắt nó nhìn tôi như van xin cầu cứu, tôi thấy lòng quặn thắt định trả nó về chỗ cũ. Nhưng tôi chưa đủ can đảm, tôi muốn giữ nó để bầu bạn, mơ ước bao lâu mới có được tôi đâu dễ dàng để tuột khỏi tay mình như vậy. Hôm nay con mèo không ăn cơm mặc dù tôi đã chọn toàn thứ ngon để vào bát của nó. Tôi cũng ăn quấy quá cho qua bữa, có cái gì cứ nghèn nghẹn ở cổ, thêm nỗi đớn đau vò xé trong lòng.
Đêm, con mèo như bị sao ấy, nó nhảy lên bất cứ cái gì có thể lên được, nó cào rách những gì có thể cào đựơc. Tôi bế nó, nó cào luôn một nhát vào tay đau nhức và một nhát làm rách cái áo bố mới mua. Tôi trao con mèo cho thằng Tí, một lúc sau Tí gọi tôi lại và chỉ cho thấy mấy cái núm vú con mèo hơi mòng mọng.
- Nó đẻ rồi anh ạ, lũ con ở đâu nhỉ?
- Đẻ cái con khỉ. - Tôi gắt - Chỉ liên thiên là giỏi.
Tí không nói gì nữa.
Suốt đêm cả nhà không ngủ được vì tiếng mèo kêu.
Sáng dậy bố nói:
- Hôm nay đem trả con mèo về chỗ cũ đi không thì bố quật chết đấy.
Tôi ôm chặt con mèo vào lòng, nhìn nó thương lắm. Tôi biết rằng bố không nói đùa nhưng cứ mong sao những lời nói đó không phải là thật. Tí nói:
- Hay ta thử đưa nó ra ngoài biết đâu không kêu nữa thì tốt.
Tôi đồng ý, bước từng bước nặng nhọc xuống cầu thang, vừa chạm chân xuống đất bất ngờ con mèo nhỏm dậy nhanh chóng thoát khỏi tay tôi phi thẳng ra công viên. Tôi và Tí đuổi theo, qua gốc cây si già nó vượt qua bức tường vào khu đất đã bỏ hoang từ lâu. Khó khăn lắm tôi và Tí mới vượt qua được bức tường. Vừa đặt chân xuống đất, một cảnh tượng đau lòng làm chúng tôi chết lặng. Con mèo đang liếm láp cho hai con đã chết cứng từ lúc nào. Một lúc sau nó nằm xuống ôm hai cái xác vào lòng. Không thấy lũ con húc đầu vào bú, nó đứng đậy lùi ra xa kêu lên mấy tiếng rồi tiến lại ngoạm vào gáy con mèo con lôi ra khỏi chỗ nằm, một vết máu khô dính lại. Trước cảnh tượng ấy tôi không cầm lòng được cổ như bị ai bóp chặt nghẹn lại, mũi như xông ớt. Đến bây giờ tôi mới hiểu được tiếng kêu khác thường của nó khi tôi bế về nhà. Và tôi cũng lý giải được tại sao nó lại kêu ra rả suốt mấy ngày qua và định nhảy từ tầng ba xuống đất... Tôi bỗng thấy vỡ ra nhiều điều nhưng tôi lại thấy xấu hổ nhiều hơn. Tôi vẫn tự hào rằng mình có khả năng hiểu được tiếng kêu của loài vật, hiểu được thông tin chúng muốn truyền đạt trong đó. Vậy mà khi con mèo kêu than gào khóc tôi lại không biết. Tôi còn mải nghĩ đến tôi, đến những ý thích và mong muốn của tôi...
Giờ đây tôi thấy mình thật khốn nạn, ích kỷ, hẹp hòi... những giọt nước mắt ân hận chảy dài làm nhoè đi khoé mắt.